Thư mục tử Mùa Chay 2010
của Đức Hồng y Tổng giám mục TGP. Thành phố HCM
của Đức Hồng y Tổng giám mục TGP. Thành phố HCM
Toà Tổng Giám mục
TGP Thành phố HCM
Kính gởi: Anh em linh mục, anh chị em tu sĩ và giáo dân trong gia đình giáo phận
Anh Chị Em rất thân mến,
1. Ngay sau Tết Canh Dần 2010, chúng ta bước vào Mùa Chay là thời gian quan trọng trong Năm Phụng vụ. Mùa Chay năm nay lại mang nét đặc biệt vì là Mùa Chay trong Năm Thánh 2010, do đó, càng thúc đẩy chúng ta sống tinh thần Mùa Chay mạnh mẽ hơn. Trong hướng đi Năm Thánh là năm chúng ta cùng nhau xây dựng Giáo Hội hiệp thông, chúng tôi muốn đề nghị với Anh Chị Em quan tâm đặc biệt đến ơn hoà giải.
2. Đỉnh cao của Mùa Chay là Tuần Thánh và trong Tuần Thánh, Thánh Giá được tôn vinh như bằng chứng cụ thể và hùng hồn cho tình yêu hoà giải của Thiên Chúa. Ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế, Lời Chúa cho ta thấy khi con người đánh mất tương giao hài hoà với Thiên Chúa, thì cũng đánh mất sự hài hoà trong chính bản thân mình, đồng thời làm đổ vỡ những tương giao với tha nhân cũng như với cả thiên nhiên vạn vật. Thế nhưng cho dù con người bất tuân và phản bội Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn một niềm yêu thương con người và mong muốn làm hoà với con người. Chính Ngài đi bước trước trong công cuộc hoà giải này khi sai Con Một Ngài đến thế gian, gánh lấy tội lỗi nhân loại đến nỗi trở thành “hiện thân của sự tội” (2Cr 5,21) và chịu chết trên Thập Giá. Chính nhờ Thập Giá Chúa Kitô mà chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa như thánh Phaolô không ngừng nhắc đi nhắc lại: “Thiên Chúa muốn nhờ Đức Kitô mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ Máu Người đổ ra trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20); “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Ngài. Ngài không còn chấp tội nhân loại nữa và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải” (2Cr 5,19). Không những được hoà giải với Thiên Chúa, Thập Giá Đức Kitô còn hoà giải chúng ta với nhau: “Nhờ Thập Giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16). Thật vậy, “Cái cũ đã qua đi và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải” (2Cr 5,18-19).
3. Hơn lúc nào hết, Mùa Chay và Năm Thánh 2010 là thời điểm thúc bách chúng ta đáp lại tình yêu hoà giải của Thiên Chúa được bày tỏ trọn vẹn trong Đức Kitô. Chúng ta phải hoà giải với Chúa theo lời mời gọi tha thiết của thánh Phaolô: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa” (2Cr 5,20). Sự hoà giải này được thực hiện cách cụ thể qua việc lãnh nhận bí tích Giao Hoà và chúng ta cần làm với tất cả ý thức đức tin chứ không chỉ như một thói quen. Đồng thời, phải làm hoà với tha nhân vì chính Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,24). Làm hoà với tha nhân ở đây trước hết là làm hoà với chính những người thân yêu trong gia đình để gia đình thực sự trở thành cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Tha nhân ở đây còn là những Anh Chị Em trong cộng đoàn dòng tu cũng như giáo xứ mà vì lý do này lý do khác, tương giao của ta với họ đã bị sứt mẻ. Cuối cùng, tha nhân là tất cả mọi người đang sống với ta trong khu xóm, đang làm việc với ta trong cơ quan, đang chia sẻ cùng một môi trường sống trong xã hội, và chúng ta cần làm hoà với họ nếu tương quan giữa hai bên đã bị tổn thương.
4. Để đón nhận ơn hoà giải của Thiên Chúa cũng như để sống hài hoà với mọi người, trong dụ ngôn “Tình phụ tử” (Lc 15,11-32), Chúa Giêsu đề ra cho chúng ta những bước đi cụ thể. Trước hết là nhìn lại chính mình, khám phá sự thật về chính mình. Người con hoang đàng đã nhận ra sự thật về tình trạng khốn cùng và bi đát của mình, và chính điều đó thúc đẩy anh trở về làm hoà với Cha. Cũng thế, chúng ta phải nhận ra sự thật về chính mình, cho dù đau đớn, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta. Sự thật ấy có thể bị che phủ do những yếu tố bên trong như tự ái, tự mãn, định kiến, chủ quan; hoặc những yếu tố bên ngoài như dư luận, hoàn cảnh sống. Vì thế, cần phải chân thành, khiêm tốn và can đảm mới có thể nhận ra sự thật về chính mình và cộng đoàn của mình.
Kế đến là sám hối, tức là ăn năn hối hận vì những lầm lỗi và thiếu sót đã gây ra, dù cố ý hay vô tình. Lòng sám hối chân thành phải gắn liền với quyết tâm thay đổi đời sống như người con hoang đàng tự nhủ: “Tôi sẽ đứng dậy đi về với cha tôi” (Lc 15,18). Cũng thế, chúng ta phải thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về mình và về người; từ đó, thay đổi cách sống với mọi người, từ tư thế đối đầu sang tâm thế đối thoại, từ tương quan hận thù ghen ghét đến tương giao yêu thương kính trọng.
Cuối cùng, tâm tình sám hối và quyết tâm đổi mới cần được thể hiện bằng hành động cụ thể. Người con hoang đàng đã đến trước mặt cha và thưa: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa …” (Lc 15,21). Chúng ta cũng phải xin lỗi Chúa và anh em về tất cả những lầm lỗi thiếu sót trong đời sống, và cố gắng bước đi trong đời sống mới, đời sống chan hoà bác ái yêu thương.
5. Trong tinh thần đó, chúng tôi chân thành cảm ơn lòng quảng đại của Anh Chị Em đối với những công việc chung của Giáo Hội. Cách cụ thể, trong Mùa Chay năm 2009, Anh Chị Em đã giúp cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số tiền 2,5 tỉ đồng để lo tổ chức Năm Thánh 2010. Ngoài ra, Anh Chị Em còn giúp cho các nạn nhân bão lụt tại miền Trung số tiền 2 tỉ đồng, và chúng tôi đã chuyển số tiền đó đến các giáo phận chịu thiệt hại nhiều nhất. Hội Đồng Giám Mục cũng như các giáo phận trên nhờ chúng tôi gởi đến Anh Chị Em lời cảm ơn sâu sắc và chân thành.
Đồng thời, như Anh Chị Em đã biết qua các phương tiện truyền thông, đất nước và Giáo Hội Haiti đang phải chịu hậu quả hết sức nặng nề sau trận động đất ngày 12.01.2010. Thành phố thủ đô rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát và số người chết có thể lên tới cả trăm ngàn. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã kêu gọi tín hữu công giáo trên toàn thế giới chung tay giúp đỡ đất nước Haiti và Giáo Hội tại đây trong nỗ lực cứu trợ và tái thiết. Thể theo lời mời gọi của vị Cha chung, chúng tôi đề nghị với Anh Chị Em tiết giảm chi tiêu trong Mùa Chay Thánh này để góp phần giúp đỡ các nạn nhân của thảm hoạ động đất tại Haiti. Ngay sau Mùa Chay, chúng ta sẽ gởi sự trợ giúp của mình đến Giáo Hội Haiti như dấu chỉ tình hiệp thông và liên đới.
6. Thưa Anh Chị Em, trong Năm Thánh 2010, tất cả chúng ta được mời gọi cùng nhau xây dựng Giáo Hội hiệp thông. Muốn được như thế, cần phải làm hoà với Chúa, với nhau và với mọi người. Nhờ lời chuyển cầu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa ban cho chúng ta ơn sức mạnh để có đủ can đảm và kiên trì bước đi trên con đường hoà giải, từ trong gia đình đến giáo xứ, dòng tu và với mọi người; nhờ đó cùng nhau xây dựng Giáo Hội hiệp thông như lòng Chúa mong ước.
Toà Tổng Giám Mục TGP. TPHCM
Mùa Chay 2010
Gioan B. Phạm Minh Mẫn – Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục của Anh Chị Em