Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

LINH MỤC CÓ ĐƯỢC PHÉP CHỨNG HÔN Ở TƯ GIA KHÔNG?

Một cha già đã gọi điện thoại cho tôi và than phiền rằng một linh mục kia đã đến tư gia để làm lễ thành hôn cho một cặp vợ chồng khác tôn giáo. Người chồng có Đạo đã ly dị vợ cũ nhưng chưa được tháo gỡ hôn phối mà lại lấy một người không có Đạo Công Giáo. Linh mục kia nói là để họ xin phép chuẩn sau, bây giờ cứ chứng hôn cho họ để họ ở với nhau!! Đám cưới ở tư gia này có đông người tham dự…

Tôi thật kinh ngạc khi nghe cha già kể lại như trên và nhờ tôi lên tiếng về vấn đề này..

Tôi tin chắc cha già không nói sai về sự việc đã xẩy ra do một linh mục bất cần giáo lý, giáo luật của Giáo Hội nên đã làm những việc sai trái nghiêm trọng như sau:

1-Trước hết là việc cử hành Thánh Lễ ở tư gia:

Không có Giáo luật nào cho phép cử hành Thánh Lễ ở tư gia mà phải được cử hành trong nơi thánh có nghĩa là ở nhà thờ hoặc nhà nguyện đã được thánh hiến (
x Giáo luật số 932 & 1,2)

Tuy nhiên trong thực tế, giáo quyền địa phương - cụ thể là Tòa Giám mục - vẫn làm ngơ cho các cha ở xa đến thăm gia đình bà con và nhân tiện cử hành Thánh lễ trong các gia đình này. Ngoài ra trong dịp lễ giỗ của người thân, nhiều người cũng thích mời linh mục đến làm lễ giỗ cho gia đình họ. Nhưng Tòa Giám Mục không hề cho phép linh mục làm lễ ngày Chúa Nhật hoặc Lễ trọng ở tư gia cho giáo hữu tham dự. Các giáo hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng ở nhà thờ giáo xứ của mình hay ở một nhà thờ khác trong trường hợp đi chơi xa nhà.

Do đó việc linh mục kia quy tụ đông người ở tư gia để làm lễ thành hôn cho cặp hôn phối trên là sai trái thứ nhất về luật cử hành Thánh Lễ ở nơi không phải là Thánh đường hay nhà nguyện công.

2- Sai trái nghiêm trọng thứ hai là, trừ bí tích Xức Dầu bệnh nhân có thể được cử hành ở tư gia hay ở nhà thương nơi người bệnh không thể đến nhà thờ được, còn tất cả các bí tích khác,thông thường phải được cử hành ở nơi tôn nghiêm là thánh đường tức nhà thờ của xứ Đạo. Do đó, việc chứng hôn ở tư gia của linh mục nào đó là trái với giáo luật số 1115 qui định lễ nghi hôn phối phải được cử hành ở giáo xứ của một trong hai người phối ngẫu. Nếu cử hành ở giáo xứ khác thì phải có phép của bản quyền địa phương. Nghĩa là không linh mục nào được phép cử hành hôn phối ở tư gia hoặc ở nhà thờ nào mà không có phép của cha sở nhà thờ đó.

3- Sai lầm nghiêm trọng thứ ba là linh mục kia có thẩm quyền để chứng hôn hay không?

Thẩm quyền nói ở đây là các cha xứ đang coi sóc giáo dân thuộc quyền mục vụ của mình. Ai muốn kết hôn phải trình cha xứ để xin được giúp đỡ làm thủ tục và học giáo lý cần thiết trước khi kết hôn trong Giáo Hội. Nếu một trong hai người muốn kết hôn không ở chung một giáo xứ thì phải xin giấy giới thiệu và phép của cha xứ mình trực thuộc để đến xin kết hôn với người thuộc giáo xứ khác. Nghĩa là không ai được chứng hôn cho những người vô gia cư, tức không thuộc giáo xứ nào, trừ khi có lý do khẩn thiết
(x giáo luật số 1071 & 1) Do đó, vấn đề đặt ra là linh mục kia có năng quyền (faculty) để chứng hôn hay không. Nếu không thì việc chứng hôn này sẽ vô hiệu vì không có phép của bản quyền sở tại. Căn cứ theo giáo luật số 1111.

Nói rõ hơn, không phải cứ là linh mục hay phó tế thì ai đến xin chứng hôn cũng được phép chứng mà không cần biết xem người đó có thuộc về giáo xứ mình coi sóc hay không hoặc đôi tân hôn đó đã được điều tra, chuẩn bị kỹ về giáo lý và được thẩm quyền sở tại nào cho phép kết hôn và chỉ nhờ linh mục chứng hôn với sự ủy quyền (delegation) của Bản quyền sở tại
(giáo luật số 1115)...

Với bí tích Hòa Giải thì linh mục nào đang có năng quyền đều được phép giải tội cho bất cứ ai đến xin xưng tội, dù không phải là giáo dân mình coi sóc. Ngược lại, với bí tích Hôn Phối, chỉ có thẩm quyền điạ phương - cụ thể là cha sở coi sóc một xứ Đạo hay linh mục phó được cha sở ủy nhiệm mới có thẩm quyền để chuẩn bị cho đôi hôn phối và chứng hôn cho họ cách hợp pháp và hữu hiệu mà thôi (licit and valid)

Như thế, dù linh mục kia là cha sở của đôi hôn phối hay được cha sở điạ phương ủy nhiệm cho chứng hôn phối thì việc chứng hôn này vẫn sai trái vì đã cử hành ở tư gia thay vì phải ở nhà thờ của giáo xứ theo giáo luật đòi hỏi.
(cf.can no..1115)

4- Sai lầm nghiêm trọng nhất là khi đã biết một trong hai người kết hôn đã ly dị nhưng chưa được tháo gỡ hôn phối cũ (annulment) mà vẫn chứng hôn cho họ thì quả thật là người coi giáo luật của Giáo Hội chẳng có nghĩa gì hết.!

Linh mục - dù là cha sở một họ Đạo hay là giáo sư dạy giáo luật - thì cũng không có chức năng (competence) giải quyết (tháo gỡ) vấn đề rắc rối hôn phối cho ai nhất là cho những người đã ly dị ngoài tòa dân sự. Có chăng, các linh mục ở giáo xứ chỉ có trách nhiệm giúp đỡ những đôi hôn phối đã đổ vỡ, tìm kiếm sự tháo gỡ hôn phối cũ qua thẩm quyền có chức năng là Tòa án Hôn phối (Tribunal) của Giáo Phận. Và chỉ khi nào đương sự xuất trình được án lênh của Tòa hôn phối cho tháo gỡ (annulled) hôn phối cũ thì linh mục ở giáo xứ mới có cơ sở giáo luật để cho xúc tiến việc xin tái kết hôn mà thôi.

Lại nữa, nếu là hôn nhân hỗn hợp (mixed marriage) nghĩa là một người có Đạo Công Giáo muốn kết hôn với người ngoài Công Giáo thì các linh mục coi xứ phải xin phép chuẩn (dispensation) cho họ từ Văn Phòng Chưởng Ấn (Chancery) của Tòa Giám Mục chứ không xin ở Tòa Hôn phối.

Như vậy, việc chứng hôn kia là hoàn toàn không hợp pháp và hữu hiệu vì một người đã ly dị mà chưa được tháo gỡ hôn phối cũ, lại tái kết hôn với người khác tôn giáo mà chưa có phép chuẩn (dispensation) của Tòa Giám Mục sở tại.

Không có luật nào cho phép chứng hôn trước rồi xin chuẩn sau cả. Mà ai xin? đôi hôn phối không thể tự họ xin được mà phải nhờ linh mục đang phụ trách mục vụ ở giáo xứ xin theo mẫu đơn qui định với con dấu của giáo xứ (Parish seal) và chữ ký của người đứng ra xin (linh mục hay Phó tế).

Do đó, không thể nói như linh mục kia rằng cứ chứng hôn trước rồi xin chuẩn sau. Nói vậy là không hiểu gì về những qui luật cần thiết theo giáo luật về vấn đề kết hôn và chứng hôn trong Giáo hội.

Sự việc kể trên cho thấy là có những linh mục bất cần giáo lý, giáo luật và kỷ luật bí tích của Giáo Hội nên đã gây thiệt hại cho giáo dân (chứng hôn không thành sự) cũng như sai trái về giáo lý. Đó là trường hợp một linh mục, cũng làm lễ ở tư gia, đã mời mọi người tham dự Thánh lễ lên rước Minh Thánh Chúa, lấy cớ Chúa Kitô đã chết để tha thứ hết tội lỗi cho con người rồi..! Chúa chết để đền tội thay cho loài người: đúng, nhưng người ta vẫn còn có thể phạm tội nhiều lần nữa bao lâu còn sống trên trần gian này chứ?. Và chính bản thân linh mục kia có dám nói là mình không bao giờ còn phạm tội nữa không? Vậy tại sao dám mời hết mọi người lên rước lễ mà không để họ tự xét và tự quyết định có xứng đáng rước Chúa trong lúc đó hay không.

Chưa hết, còn có linh mục đã bảo giáo dân vào xưng tội khỏi cần xưng gì cả, vì Chúa đã biết hết rồi, nên chỉ cần làm việc đền tội thôi!! Nếu vậy thì Giáo Hội cần gì đến linh mục ngồi tòa để nghe và tha tội cho hối nhân thay mặt cho Chúa Giêsu nữa?

Cũng lên quan đến vấn đề giải tội, có linh mục kia đã tỉ mỷ hỏi hối nhân về các tội đã phạm và còn la mắng họ về những tội đó nữa! Như vậy, linh mục này đã quên mất dụ ngôn người cha nhân lành đã ra đón đứa con đi hoang trở về và ôm hôn nó cũng như làm tiệc lớn để mừng nó trở về.
(Lc 15)

Lại nữa, còn có linh mục kia đến làm lễ ở tư gia, đã đưa bánh lễ cho mọi người hiện diện cầm tay cho linh mục đọc lời truyền phép! Điều này hoàn toàn sai trái về kỷ luật bí tích, đòi hỏi các thừa tác viên phải cử hành mọi bí tích đúng theo nghi thức và công thức mà Giáo Hội đã quy định... Liên quan đến bí tích Thánh Thể, luật chữ đỏ (rubric) không cho phép giáo dân và cả phó tế đọc chung kinh nguyện nào, nhất là Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn) với chủ tế cũng như không được phép cùng giơ tay trên lễ vật (Bánh và Rượu), nói chi là cầm bánh cho chủ tế đọc lời truyền phép.!

Sau hết, trong một Giáo phận dưới quyền của Giám Mục, các linh mục đều phải tuân thủ mọi qui luật và nội qui (Chỉ nam mục vụ= Pastoral Manual) của Giáo phận về việc thi hành mục vụ, gây quĩ, sửa sang hoặc xây cất... Nghĩa là không linh mục nào được phép tự ý tổ chức quyên tiền của ai dù là để xây cất công trình hữu ích nào cho giáo dân hay giáo xứ. Cụ thể, không cha xứ nào được phép xây cất nhà thờ mới, nhà nguyện mới, trường học hay nhà hưu dưỡng cho ai mà không có phép của Giám mục sở tại. Ngay cả việc quyền tiền để giúp các nhà Dòng hay các Giám mục từ nơi khác đến cũng phải có phép của Đấng Bản quyền địa phương. (Ordinary)

Tóm lại, không linh mục nào được phép tự ý làm việc gì liên quan đến lợi ích chung trong Giáo Phận mà không có phép của Giám Mục trực thuộc. Không thể nói tôi là người Việt, người Phi hay Mexican, thì không cần theo luật lệ chung của Giáo Phận, để tự ý làm việc gì theo cách suy nghỉ riêng của mình, dù với thiện chí xây dựng. Và nếu phải nói ra sự sai trái này, thì đó không phải là thiếu bác ái hay “đánh phá” anh em mà chỉ vì lợi ích chung của nhiều người trong tinh thần tôn trọng mọi nội qui của Giáo Phận mà là linh mục trực thuộc ai cũng phải nghiêm túc tuân thủ.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
(nguồn : vietcatholic.net)