Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM A

CON YÊU DẤU CỦA TA
(Mt 3, 13-17)

Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích rửa tội, được gia nhập Giáo hội, đó là ngày trọng đại, tổ chức rầm rộ, nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, ca hát tưng bừng, tiệc tùng, nhộn nhịp. Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa khác xa với chúng ta. Đây là cuộc đăng quang khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa, vẻ bề ngoài là khung cảnh ảm đạm, đơn sơ và khiêm tốn xảy ra bên bờ sông Gio-đan, không huy hoàng lộng lẫy, không kèn trống, không tưng bừng nhộn nhịp. Nhưng bên trong là một biến cố vĩ đại, là một sự kiện linh thiêng. Buổi lễ khai mạc sứ vụ này được cử hành bởi tay ông Gioan Tẩy Giả với sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Khi ông Gioan rao giảng sự sám hối, dân chúng lũ lượt đến xin ông làm phép rửa. “Đức Giêsu từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình”
(Mt 3, 13). Ông Gioan nhận biết Đức Giêsu là Đấng cứu thế, ông không dám nhận lời đề nghị của Người, nên ông nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3, 14). Ông nóng lòng muốn công bố cho mọi người biết Chúa Giêsu là Đấng Messia, Đấng mà muôn dân mong đợi đã đến cứu độ trần gian. Nhưng Chúa Giêsu nói với ông Gioan rằng: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 13, 15).

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian. Bản thân Ngài hoàn toàn vô tội, nhưng Ngài là đến gánh tội trần gian. Ngài đã tự liệt mình vào hàng tội nhân cần phải sám hối. Với tư cách Đấng Cứu Chuộc nhân loại, Ngài muốn hòa mình với loài người tội lỗi để cùng họ sám hối trước mặt Thiên Chúa. Đây quả là thái độ khiêm nhường và đầy tình yêu, một thái độ cần phải có để được tha tội. Vì vậy, Người cũng xếp hàng để lãnh nhận phép rửa thống hối như mọi người.

Ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa đã khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Tin Mừng cứu độ, kỷ nguyên của yêu thương và tha thứ, kỷ nguyên mà Thiên Chúa ở giữa loài người. Ngài muốn đánh dấu việc bắt đầu cuộc đời công khai của mình bằng hành động sám hối và kết thúc cuộc đời Ngài bằng việc chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại. Qua sự khiêm nhường đó, Chúa Giêsu đã làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha và làm dung động đến tận trời cao, nên Người vừa lên khỏi nước thì “Các tầng trời mở ra... Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”
(Mt 3, 16-17).

Khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa sám hối, đã được Chúa Thánh Thần đổi mới, bắt đầu một cuộc đời mới, cuộc đời công khai loan báo Tin Mừng Nước Trời, loan báo ơn cứu độ cho muôn dân. Người Kitô hữu khi lãnh nhận Bí tích rửa tội cũng được đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần, được làm con Chúa, được mời gọi đem Tin Mừng tình yêu, mang ơn cứu rỗi đến cho hết thảy mọi người.

Khi lãnh nhận Bí tích rửa tội chúng ta cũng chết đi cho tội lỗi và sống một đời sống mới trong Chúa Kitô. “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang”
(Cl 3, 1-4).

Khi lãnh nhận Bí tích rửa tội, chúng ta trở thành những chi thể, được kết hợp với thân mình là Hội thánh mà Chúa Kitô là đầu. Chúng ta được mời gọi sống công chính theo gương Chúa Giêsu và Hội thánh Người, đi trên con đường Chúa đã đi. Vì đường của Đức Kitô thì dẫn đến sự sống. Đó là đường công chính, là đường tình yêu, con đường khổ giá, là con đường hẹp, con đường khiêm nhu, là con đường của sự sám hối, con đường của từ bỏ: từ bỏ những gì làm cho ta xa Chúa, từ bỏ những gì ngăn cản ta đi trên con đường của Chúa. Từ bỏ ma quỷ và những gì thuộc về chúng, từ bỏ danh vọng địa vị, từ bỏ sự hưởng thụ. Từ bỏ óc bè phái chia rẽ, tính tự cao tự đại, tự cho mình là tốt, là hay, tự cho mình là hơn người để rồi khinh bỉ, chê bai anh em. Từ bỏ những gì làm thiệt hại tới tha nhân cả tinh thần lẫn vật chất. Từ bỏ những việc làm đen tối, tội lỗi xấu xa: tham ô hối lộ, biển lận công quỹ, bóc lột người nghèo, giết người cướp của, phá nhà lấy đất, ăn chơi vô độ, chè chén say sưa, cờ gian bạc lận, gian tham tục tĩu. Loại bỏ những ý nghĩ gian tà, những lời nói nịnh hót, dèm pha, vu oan giáng hoạ, nói xấu người này, lên án người kia, nói sai sự thật. Loại bỏ cả những cái nhìn “cú vọ” soi mói.

Mỗi Kitô hữu là một chi thể trong thân thể của Chúa Kitô, chúng ta hãy nghĩ, hãy nhìn, hãy nói, hãy sống thực thi theo sự hướng dẫn của Chúa Kitô là “Đầu”, Như vậy, chúng ta trở thành những chi thể lành mạnh và hữu ích trong thân thể màu nhiệm Chúa Kitô. Để sau này chúng ta cũng được Thiên Chúa phán với ta: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con” như đã phán với Đức Kitô xưa. Nếu không làm theo sự chỉ đạo của Chúa Kitô là “Đầu”, thì chúng ta chỉ là những chi thể bị tổn thương, những tế bào đang bị thối rữa, hay chỉ là những chi thể khuyết tật mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hoàn toàn vô tội, nhưng Chúa đã liệt mình vào hàng tội nhân, đến sông Gio-đan xin ông Gioan làm phép rửa để tỏ lòng sám hối như những con người tội lỗi. Xin cho chúng con hết lòng sám hối để được thứ tha tội lỗi và sống công chính như theo gương Chúa. Để chúng con cũng được Thiên Chúa Cha nói với con: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con”.


Jos. Hồng Ân