AI LÊN THIÊN ĐÀNG TRƯỚC AI ?
Cách đây đúng 3 năm, sau thánh lễ Chúa Nhật 26 Thường Niên năm A, tôi uống cà phê trước Nhà Thờ Đ.T., nghe mấy ông sồn sồn vừa uống cà phê vừa nói chuyện to:
- Làm có môt giờ cũng lãnh một đồng ! Bực bội tuần trước chưa nguôi. Tuần này, thêm bực vì đám ăn chặn của dân, đám sống bằng vốn tự có lại có vé ưu tiên vào Thiên Đàng trước ! Bực thiệt !
- Có gì mà bực ?
- Ông là thánh sao mà không bực ? Hai hạng này đang thịnh. Một bên là lấy tiền của dân mà mua lạc thú, bên bán cái nghìn vàng ! Ông coi đó, ả ở đầu xóm kìa, hôm thì kẹp ông xe ôm, hôm thì kẹp chàng em-xi giọng mái, đêm thì với một chú CA Huyện, đêm khác với vài tên thuế vụ, vài cậu cầu lông, lâu lâu lại một anh CA Sàigòn bảnh tỏn đi xe con ra rước ả du hí vài ngày… không lẽ tụi nó lên thiên đàng trước tui và ông sao ?
- Cả nước nầy ai mà không biết, chuyện công khai mà ! Nhưng họ lên thiên đàng trước tui và ông thì mừng cho họ chớ. Còn tui và ông sợ có lên được không chớ đừng nói chuyện lên trước lên sau !”
Vấn đề vẫn như chưa giải quyết. Có anh ngồi bên cạnh lên tiếng:
- Mấy ông học ở đâu cái thói “cắt xén” vậy. Phải nghe cho hết nguyên câu nói của Chúa Giêsu, rồi có ý kiến gì thì ý kiến chứ. Nguyên câu nói là: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài" ( Mt 21, 31 – 32 )
Như thế, Chúa Giêsu không hề bảo “cứ ăn chặn của dân đi, cứ làm đĩ điếm đi, rồi sẽ được vào Thiên Đàng”, nhưng Ngài có ý nói đến việc “sám hối và tin vào Ngài” để được vào Thiên Đàng, để được cứu rỗi. Có anh thu thuế Mátthêu nghe lời Chúa kêu gọi, Dakêu biến đổi nhờ gặp Chúa, có chị Maria thành Magđala từng hành nghề buôn phấn bán hương đã dừng bước giang hồ, có anh ăn trộm bên phải Thập Giá Chúa Giêsu tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa… là những điển hình cho việc “sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Còn chúng ta, phàm ai là Kitô Hữu Công Giáo cũng đã biết tiêu chuẩn vào Thiên Đàng “sám hối và tin vào Tin Mừng” này rồi, nhưng có sám hối hay chưa và có tin hay không mới là điều quan trọng.
Dụ ngôn “hai người con” và câu nói khó nghe này Chúa Giêsu cố ý nói với các Thượng Tế và các Kỳ Mục là những người tự phụ, cố chấp, không sám hối, không chấp nhận Tin Mừng, không chấp nhận biến đổi đời sống theo Tin Mừng.
Và hôm nay, Ngài cũng đang nói với chúng ta, những Kitô Hữu Công Giáo thích “nổi tiếng đạo đức, làm bộ đạo đức” hơn là “đạo đức”, thích “biết Lời, biết luật” hơn là “giữ luật, giữ Lời”, thích giảng giải và đòi buộc người khác giữ luật mà mình lại không giữ, thích xem thường người khác và không chấp nhận ai xem thường mình. Nói chung là, chúng ta đang sống dối trá với bản thân mình, với mọi người và đáng sợ nhất là dối trá với cả chính Thiên Chúa.
Dối trá vì chúng ta là những người nói mà không làm, hoặc nói một đàng, làm một nẻo… Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta hãy “làm”, là hãy “sám hối và tin vào Tin Mừng”, như người con thứ nhất, “Con không muốn đi đâu”, nhưng sau đó, nó hối hận nên lại đi”.
Hối hận, hay sám hối là khiêm tốn nhận ra mình đã không vâng lời Cha, không bỏ ý riêng mình mà làm theo ý Cha, đã lỡ từ chối lời mời gọi của Cha, và nay, nhất quyết thực hành theo ý của Cha.
Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu, là khiêm tốn tự hạ đến mức tận cùng mới có thể thực hiện được ý muốn của Thiên Chúa (x. Pl 2, 5 - 8 ).
Vâng, phải thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, mới được vào Nước Trời. Chúa Giêsu cũng đã từng nói với các người Pharisêu: “Không phải những ai nói: ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời đâu, nhưng chính là thi hành ý muốn của Cha tôi” ( Mt 7, 21 ).
Thực hành ý muốn của Thiên Chúa là bỏ đường gian ác mà về nẻo công chính của Thiên Chúa như tiên tri Edêkien loan tin: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết” (Ed 18, 27-28 ).
Có những tội nhân công khai, bị lên án công khai, bị xem thường công khai, nay đã trở về công khai, trở về trong niềm hân hoan tận đáy lòng:
Đến thăm nhà dưỡng thai của Sr. T.M., tôi được nghe một em gái 21 tuổi, tâm sự: “Nhà con ở Sóc Trăng. Tía má nợ triền miên vì chỉ có một công ruộng. Con đang đi làm công ty may ở Sóng Thần, tháng gần hai triệu. Tháng nào cũng nhịn đủ thứ mà cũng chỉ gửi về cho má được có một triệu. Mấy bạn con bảo làm thêm. Ban đầu e ngại, nhưng thấy có nhiều tiền… Mỗi tháng gửi về cho má được gần chục triệu. Hai năm, con đã phá thai ba lần. Tía má đã trả hết nợ rồi, thì con cũng vừa nhận được cái bầu thứ tư nầy đây. Con không dám phá nữa. Có tội chết ! Con giữ lại cháu để sau này có mẹ có con. May mà có mấy bạn nó chỉ ra đây với Sơ T.M. xin ăn !”
Có những tội nhân “chưa công khai” vẫn đang thao thao bất tuyệt về luật Chúa, luật Giáo Hội. Trong số đó, có cả tôi, cả bạn đấy chứ ? Vâng, tôi vẫn nghĩ thời nay, Thượng Tế và Kỳ Mục không những còn, mà còn nhiều nữa là khác...
Có nhiều Hội Đoàn Công Giáo quá nghiêng về thành tích con số hội viên, nghiêng về thành tích những sinh hoạt đậm tính hình thức, mà thiếu chuẩn bị, huấn luyện cho hội viên về các đức tính nhân bản, nhân bản Kitô giáo, về đời sống nội tâm kết hiệp với Chúa và tuân hành lề luật Chúa. Từ đó, Hội Đoàn nào cũng có mục đích là giúp người ta nên thánh, bỗng, Hội Đoàn trở thành cái áo đẹp, chức vụ trong Hội thành ra cái lọng che, mối tương quan mật thiết với các cha, với Giáo Xứ, Giáo Phận trở thành thành trì kiên cố cho một cuộc sống bê bối, giả dối, lừa đảo, không làm theo ý Cha trên Trời… Thiết tưởng tôi không nói quá, bởi vì, những điều trông thấy còn đau lòng hơn.
Thử nhìn lại, mỗi năm ít là một lần, Hội Đoàn nào cũng tổ chức ngày Đại Hội thật hoành tráng, có thuyết trình, có đố vui Giáo Lý, có Hội Thảo, có Thánh Lễ Đồng Tế, có dâng hoa, có múa, có văn nghệ, có tiệc tùng… Còn phải có một bài viết đăng trên mạng với đầy đủ hình ảnh nữa mới tốt. Ai cũng vui mừng năm nay tổ chức hoành tráng. Tổ chức hoành tráng như thế là thành công… Mỗi năm một lần, rồi thôi. Hẹn ngày nầy năm tới, hoành tráng hơn… Sinh hoạt thường kỳ hằng tháng hằng tuần thì thưa thớt. Đời sống nội tâm và nhân bản hằng ngày của Hội Viên không là quan trọng !
Sống chung với một xã hội gian dối, tại sao chúng ta không thể nêu gương đời sống chứng nhân cho họ về một cuộc thay đổi tận căn từ dối trá ra thật thà, từ gian ác ra công chính… mà ngược lại, mình lại bị tiêm nhiễm sự dối trá của họ, lại đưa sự dối trá ấy vào ngay trong cách sống đạo hôm nay, trong tương quan với người, và cả với Thiên Chúa. Nói mà không làm. Nói có đạo mà không có đạo. Nói Công Giáo mà không Công Giáo… đang là cuộc sống của chúng ta. Thật là vô lý, mà là điều vô lý có thật !
Tạ ơn Lời Chúa hôm nay cho chúng ta có cơ hội nhìn lại cách sống đạo thật đau lòng nhưng không phải trầm kha vô phương cứu chữa. Hãy tin vào Lời Chúa sẽ biến đổi cuộc đời ta và thế gian này, như Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với 2.000 tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 18 tháng 9 năm 2011 vừa qua trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo:
“Tin Mừng đã và đang biến đổi thế giới như một dòng sông tưới gội một cánh đồng mênh mông. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu đã làm người nơi Ðức Giêsu và với hiến tế của Người, Ngài đã cứu chuộc nhân loại khỏi nô lệ sự dữ bằng cách trao ban cho nó một niềm hy vọng đáng tin cậy”.
Lạy Chúa, chúng con là những Kitô Hữu cứng lòng, chỉ nói mà không làm, chưa chịu sám hối, chưa chịu tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu. Xin cho mỗi chúng con lắng nghe tiếng Lòng Thương Xót Chúa đang tha thiết: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người, các bạn đừng cứng lòng nữa”, và biết phục thiện đời sống chúng con cách sớm nhất, là sống đúng thánh ý Cha trên Trời. Amen.
(thanhlinh.net)