Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM


Mời xem videoclip>>
 24 tháng 11
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự ký ngày 14.2.1990: “Theo đơn xin của Đức Hồng y Trịnh văn Căn, Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đề ngày 15.10.1989, và theo quyền hạn đã được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II uỷ quyền, Bộ Phụng tự và Bí tích cho phép các giáo hữu tại Việt Nam mừng lễ “Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn Tử đạo” hằng năm vào ngày 24.11 với bậc Lễ Kính”.

Theo sử liệu, Giáo hội Công giáo Việt Nam có độ 130.000 tín hữu được diễm phúc đổ máu làm chứng đạo Chúa trong những thời ký bách hại như sau :

- Trịnh - Nguyễn 1745 và 1773 : 02 vị
- Cảnh Thịnh năm 1798 : 02 vị
- Minh Mạng năm 1820-1840 : 50 vị
- Thiệu Trị 1841-1847 : 03 vị
- Tự Đức 1848-1883 : 58 vị

Trong số tử đạo 130 ngàn người, có 117 vị được phong chân phước trong 4 giai đoạn:

- Đức Lêô XIII phong ngày 27.5.1900 : 64 vị
- Đức Piô X phong ngày 20.5.1906 : 08 vị
- Đức Piô X phong ngày 2.5.1909 : 20 vị
- Đức Piô XII phong ngày 29.4.1951 : 25 vị

Trong số này gồm có:
- 8 Giám mục (6 thuộc Dòng Đa Minh, và 2 của Hội Thừa Sai Paris)
- 50 Linh mục (37 Việt Nam, 5 Đa minh, 8 Thừa sai Paris)
- 16 Thầy giảng
- 1 Chủng sinh
- 42 giáo dân thuộc mọi tầng lớp xã hội (công chức, quân nhân, y sĩ, thương gia, công nhân, nông dân, ngư phủ, trùm họ, lý trưởng…)

Các ngài đã chịu những cực hình khác nhau:

- 79 vị bị xử trảm quyết (chặt đầu)
- 16 vị bị xử giảo (thắt cổ)
- 8 vị chết rũ tù
- 6 vị bị thiêu sinh (bị đốt cháy khi còn sống)
- 4 vị bị lăng trì (chặt tay chân trước khi bị chém đầu)
- 1 vị bị bá đao (lóc 100 miếng thịt trong thân thể)
- 1 vị bị đánh tử thương trong lúc đi đường.

Tất cả 117 vị chân phước này được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II phong lên hàng hiển thánh ngày 19.6.1988 (Cơ mật viện công bố tin ngày 22.6.1987).

Và sau này, thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 5.3.2000.

Mừng Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta xin các ngài cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta biết nghe theo tiếng Chúa và Hội thánh mời gọi, can đảm làm chứng cho Chúa giữa những thử thách đau thương.

(nguồn : WGPS)