Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 6, 1-6)


Mời xem videoclip>>

NGẠC NHIÊN
Sưu tầm
Người ta thường nói “không nơi đâu đẹp bằng quê hương”, “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Khi nói những điều đó là người ta muốn minh chứng rằng: bất cứ ai cũng yêu mến quê hương, yêu mến nơi sinh trưởng, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đây là xét về tình cảm cá nhân mỗi người dành cho quê hương, còn về chính quê hương, đối lại với cá nhân, tức là tình cảm của những người đồng hương dành cho cá nhân, thì phải chấp nhận chân lý bất hủ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay là “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Đây cũng là một quan niệm cố hữu bình dân: “Bụt nhà không thiêng”. Chúa Giêsu đã tuyên bố chân lý bất hủ này về chính bản thân Ngài tại quê hương Nagiarét của Ngài.

Ngài trở về quê hương Nagiarét sau hơn một năm đi giảng dạy khắp nơi. Hôm ấy đúng vào ngày Sabat, mọi người đến hội đường để nghe đọc Kinh Thánh và nghe diễn giảng. Chúa Giêsu cũng vào đây để dự phụng vụ lời Chúa. Hôm nay, sau bài đọc, như luật cho phép, Ngài diễn giảng lời Chúa. Kết quả: dân chúng không nhậnä ra Ngài là ai và họ khinh khi Ngài, họ có thái độ hiểu lầm Ngài, hiểu lệch lạc về con người của Ngài. Bởi vì Ngài nói như một người có uy quyền, như bậc thầy nói với học trò, như một người muốn gây dựng cho mọi người lòng tín nhiệm nhau để tiến tới tin nhau. Điều Ngài dạy vượt mọi khuôn phép cổ truyền đến nỗi mọi người phải thắc mắc.

Nghĩa là trước những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, dân làng Nagiarét ngạc nhiên, vì họ thấy Ngài không đi học ở trường lớp nào mà sao lại có những lời lẽ khôn ngoan, cao siêu, mới lạ. Mặt khác, họ thấy Ngài chỉ là con bà Maria và bác Giuse thợ mộc, bản thân Ngài cũng chỉ là một anh phó mộc, mà sao có thể đảm nhận chương trình đại sự của Thiên Chúa được? Họ không thể ngờ được giữa bụi đất lại có kim cương, họ không thể hiểu được nơi Chúa có hai bản tính, họ không thể nhận ra yếu tố Thiên Chúa và con người, hữu hạn và vĩnh cửu, trời và đất, hạnh phúc và đau khổ giao hòa lại trong một thực tại duy nhất, là nơi con người Chúa Giêsu. Đó là điều làm cho họ vấp phạm, họ khinh thường Chúa và không thiết nghe lời chân lý của Ngài.

Nói rõ hơn, dân làng Nagiarét đã ngạc nhiên về Chúa Giêsu khi thấy Ngài giảng dạy một cách khôn ngoan, thông thái và có thẩm quyền, nghĩa là họ vừa thán phục vừa kinh ngạc. Nhưng vì biết quá rõ về Chúa: thợ mộc, con thợ mộc, từ thán phục kinh ngạc họ chuyển sang thái độ bỡ ngỡ, nghĩa là kinh ngạc nhưng nghi ngờ. Càng nghĩ đến thân thế, nguồn gốc, địa vị xã hội và họ hàng Ngài, họ càng thấy khó chịu, nên họ có vẻ châm biếm khi gọi Ngài là thợ mộc. Một người như vậy mà có thể là ngôn sứ, là Đấng Mêsia ư? Trăm lần không, ngàn lần không, và họ đã bị vấp phạm, có nghĩa là bị xúc động mạnh vì bị chạm tự ái. Họ không thể công nhận một người như thế làm ngôn sứ, làm Đấng Mêsia của họ, cho dù Ngài ăn nói giỏi hay làm được phép lạ cũng thế. Từ đó, sự hiện diện của Ngài khiến họ không thể chịu nổi.

Dân làng Nagiarét ngạc nhiên về Chúa, và Chúa cũng ngạc nhiên về họ, Ngài ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin, kiêu căng và cố chấp. Chính thái độ kiêu căng, cứng lòng đó đã làm tê liệt năng lực làm phép lạ của Chúa như Tin Mừng đã quả quyết: “Ngài không thể làm được phép lạ nào tại đó vì họ cứng lòng tin”.

Chúa Giêsu ngạc nhiên vì dân làng Nagiarét cứng lòng tin, ngày nay chắc Ngài vẫn còn phải ngạc nhiên hơn nữa vì sự cứng lòng tin của nhiều người Công giáo, vì dù sao người Công giáo cũng phải biết Chúa rõ hơn dân làng Nagiarét. Dân làng Nagiarét tưởng rằng họ biết rõ Chúa, nhưng kỳ thực họ biết rất hời hợt, thiển cận, chẳng hạn: ngay nơi sinh của Chúa họ cũng không biết, họ cứ tưởng Ngài sinh ra và lớn lên ở chính Nagiarét, một làng nhỏ bé, nghèo nàn. Nhiều người Công giáo cũng thế, đi đạo vì truyền thống gia đình, vì sinh ra trong gia đình Công giáo, giữ đạo vì thói quen, cho nên tưởng rằng biết Chúa, biết đạo lý, nhưng kỳ thực không biết gì hay biết không được bao nhiêu. Thế nên, mỗi người cần suy nghĩ: Chúa có ngạc nhiên về đức tin non yếu của chúng ta, về sự hiểu biết Chúa quá ít, hiểu biết về Kinh Thánh, giáo lý quá ít, và nhất là có phải Chúa rất ngạc nhiên về cách sống của chúng ta không?

Đàng khác, bài Tin Mừng hôm nay còn đặt ra cho chúng ta một điều nữa cần suy nghĩ, đó là từ chối hay đón nhận Chúa là thái độ hoàn toàn tự do của con người. Người ta có quyền chối bỏ cũng như có quyền chấp nhận. Thiên Chúa không áp đặt ai hay cố tình đưa ai vào một thế triệt buộc nào đó. Nhưng thời nào cái quyền tự do kia cũng là con dao hai lưỡi khiến phải đề phòng, người khôn ngoan bao giờ cũng dè dặt.

Giả như chúng ta thử đặt mình vào số những người có mặt trong hội đường Nagiarét hôm ấy để nghe Chúa, chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Chúng ta có quyền trách dân làng Nagiarét quá vội vàng hoặc tiếc thay cho họ vì họ đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ tự trách mình, và còn tiếc nuối biết bao cơ may trong đời chúng ta đã đánh mất vì quan niệm hay cái nhìn hẹp hòi của chúng ta.

Nói rõ hơn, thái độ từ khước Chúa Giêsu một cách hấp tấp, hồ đồ, chỉ vì thành kiến của dân làng nagiarét. Thái độ đó nhắc nhở chúng ta kiểm điểm về cách chúng ta phán đoán và đánh giá trị người khác, chúng ta cũng đã nhiều lần phán đoán hay đánh giá người khác hoặc vội vàng, hấp tấp, hồ đồ, hoặc không trung thực vì thành kiến, vì tự ái, vì ganh tị, đôi khi còn bài bác, dèm pha nữa. Chúng ta hãy kiểm điểm và sửa chữa lại tật xấu này để mối tương giao của chúng ta với mọi người được tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy nhớ: người hay phán đoán, nhất là phán đoán hồ đồ, không sống được với ai, không chơi được với ai, và cũng không ai dám chơi với họ, họ bị mất niềm tin nơi mọi người. 
(tinmung.net)