Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH - THÁNH LỄ BAN NGÀY (Ga 1, 1-18)


NHƯỜNG CHỖ CHO CHÚA
Góp nhặt
Hôm ấy, vào đêm vọng Giáng Sinh, trong một trường giáo dục trẻ em tàn tật ở Mỹ, người ta cho các trẻ em diễn một hoạt cảnh Giáng Sinh, trước sự hiện diện của phụ huynh và ân nhân. Vở kịch có ba màn. Màn đầu diễn ra ở Nagiaret, với sắc lệnh của Hoàng đế Cêsarê Augustô. Màn hai diễn lại cảnh Thánh Giuse và Mẹ Maria vào quán trọ, bị chủ quán xua đuổi. Màn ba là cảnh hang lừa máng cỏ. Ban giám đốc và các phụ huynh rất lo âu cho các trẻ, sợ chúng diễn xuất vụng về. Nhưng màn đầu diễn tiến khá lắm. Qua màn hai, người ta thấy Giuse và Maria gõ cửa quán trọ. Nhìn Giuse thì nghèo nàn, Maria thì bụng mang dạ chửa, chủ quán đưa tay xua đuổi lia lịa, miệng thao thao: Không có chỗ, không có chỗ! Hai vợ chồng năn nỉ, với nét mặt âu sầu. Chủ quán hơi lưỡng lự, những rồi cũng đọc hàng chữ ghi trên quán: Không còn chỗ. Cảnh van xin và từ chối lại diễn ra một lần nữa. Và lần này hai ông bà có vẻ tha thiết nài xin. Chủ quán trẻ cũng vẫn đưa tay từ chối. Nhưng vừa bắt đầu mấy tiếng: “Tôi đã nói rằng hết… thì em không tiếp tục nói thêm được nữa. Tay em giựt xuống tấm bảng: Không còn chỗ. Và nghẹn ngào thổn thức trong nước mắt: “Con xin nhường phòng con cho hai ông bà!”.

Trước cảnh bất ngờ đó, giáo viên đạo diễn tỏ ra bực bội, lúng túng và cho ngưng diễn. Nhưng toàn thể khán giả đều cảm xúc ra mặt, vì cái vẻ hồn nhiên trong trắng của em bé tốt bụng. Cử chỉ, ngôn ngữ và cung cách của em nói cho mọi người hay ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh.

Tất cả mọi người chúng ta, cách nầy hay cách khác, đang đóng vai người chủ quán. Chúng ta dang rộng tay đón tiếp kẻ này, vung tay xua đuổi kẻ khác. Chúng ta hãy tự vấn lương tam để hỏi mình: Tôi có phải là người chủ quán ngày xưa, đã xua đuổi Thánh Giuse và Mẹ Maria trong đêm tịch mịch cô đơn không? Hay tôi là đứa bé tàn tật đóng vai chủ quán trong vở kịch hôm ấy? “Con xin nhường phòng con cho hai ông bà”. Có lẽ chúng ta cũng treo một tấm bảng: Không rảnh, bận việc, tức là bằng những hành động thiếu tế nhị, những cử chỉ thiếu mềm mại, những giọng nói thiếu dịu dàng, làm cho người khác hiểu rằng: Ta không muốn bị quấy rầy, ta bận rộn quá hay mệt nhọc quá. Nếu chúng ta là những người chỉ ân cần đến những kẻ giàu có, những vị chức quyền, thì ta coi chừng, có khi chúng ta đã quay lưng cho Thánh Giuse và Mẹ Maria, và vô hình trung, chúng ta cũng trở lưng cho cả Đức Giêsu. Vị Cứu Chúa đang nương náu trong cung lòng Mẹ. Vâng, ở đời có những hạng người giả điếc làm ngơ, không lay chuyển trước những van xin của người khác. Nhưng có kẻ lại tự nghĩ rằng mình luôn dành một chỗ cho người khác. Ước gì khi nghe đọc lại Lời Chúa: “Bà Maria bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”, mỗi người chúng ta quyết tâm sẽ không bao giờ xua đuổi Chúa ra khỏi cõi lòng chúng ta, khỏi gia đình chúng ta.

Hơn nữa, Lễ Giáng Sinh là lễ đoàn tụ gia đình. Mỗi người cũng sẽ nói với cha mẹ: Thưa ba, thưa má, đây lòng con, ba má có một chỗ trong đó. Thưa anh, thưa chị, thưa chú bác cô dì, nếu có lần nào cháu đã ơ hờ lạnh nhạt, thì giờ đây, xin nhớ rằng, vẫn còn có chỗ nào trong lòng cháu cho quý vị. Ngoài ra, Lễ Giáng Sinh là lễ tha thứ và hoà giải. Chúng ta hãy nói với những người thù ghét chúng ta, những người không thông cảm với chúng ta rằng: “Xin hãy tha thứ những lầm lỗi của tôi, vì lòng tôi vẫn còn chỗ dành cho các bạn”.

Người ta kể rằng: Mẹ Têrêsa thành Calcutta, đã giúp trên nửa triệu người nghèo khổ đói rách, giúp họ hồi phục nhân phẩm, vì bà đã luôn luôn dành trong lòng mình một chỗ riêng cho họ.

Lễ Giáng Sinh còn là một lễ san sẻ. Vì thế mà các nước đã hấp thụ nền văn minh Kitô giáo có truyền thống chúc mừng nhau qua những thiệp Giáng Sinh, gởi cho nhau những món quà mang đầy ý nghĩa, tổ chức những buổi liên hoan, chia sẻ tấm bánh, ly rượu… Thánh Gioan đã nói: “Ngôi Lời –Con Thiên Chúa đã đến trong nhà Ngài mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài”. Còn đối với những ai tiếp nhận Ngài thì được trở thành Con Thiên Chúa và sẽ nhận thấy vinh quang của Thiên Chúa.

Những người trong thành Bêlem năm xưa vì tham tiền tài, của cải, danh vọng; họ đã thiếu vắng tình thương, không nhận ra nỗi thống khổ của những người khách lỡ đường, đã xua đuổi anh chị em, và đó cũng chính là xua đuổi chính Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ.

Thế nên, trong niềm vui ngày Chúa Giáng Sinh, khi đứng trước máng cỏ, khi chiêm ngưỡng Hài Nhi mới sinh, với ánh sáng của niềm tin vào Lời Chúa, chúng ta cần khám phá ra tình yêu thương bao la của Thiên Chúa đối với con người. Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa vĩ đại đến nơi cô thế, trở nên bé nhỏ để chúng ta có thể đổi mới cuộc đời, trở nên chứng nhân ánh sáng Tin Mừng của Chúa cho tha nhân, để khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa và cho niềm vui của chúng ta hôm nay nên trọn vẹn.

(tinmung.net)