Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

LÀ LINH MỤC HAY LÀM LINH MỤC

Cha Gioan Nguyễn Vũ Việt, một tân linh mục Việt Nam ở hải ngoại trong thánh lễ tạ ơn ngày 19-5-2013 đã minh nhiên với cộng đoàn rằng “tôi muốn là linh mục hơn là làm linh mục”. Chắc hẳn ngài muốn sống căn tính linh mục chứ không phải làm những việc của linh mục như một công chức thi hành bổn phận. Tuy nhiên hạn từ “làm” trong tiếng Việt lại mang nhiều nghĩa ở nhiều ngữ cảnh khác nhau, chẳng hạn như hạn từ “làm người” thì phong phú hơn rất nhiều.

Nhân dịp khai giảng năm học mới, cùng với một số thầy cô trong Ban Giáo Dục Kitô giáo của giáo phận đi thăm vài cơ sở giáo dục như là nhà trẻ, nhà lưu trú…có vị nữ tu bề trên một cộng đoàn kể với tôi một chuyện “thật như bịa” như sau: Vừa qua con đi dự Thánh Lễ tạ ơn một cha mới thuộc Hội Dòng Gioan Boscô ở Pleiku. Cha giảng Lễ là nghĩa phụ của tân linh mục đã nói với người con thiêng liêng rằng: “Hôm nay xin được có đôi lời với tân chức trong tình thân “cha-con”, vì mai này hai chúng ta dần dà thành anh em trong tình huynh đệ linh mục thì có cái gì đó ngần ngại khi muốn tỏ bày “kiểu thằng ruột ngựa”. Hôm nay cha đã là linh mục thì xin cha lưu ý kẽo bị cám dỗ làm ba điều này:

1. Làm tiền: Dâng Lễ, cử hành các bí tích…vì tiền. Vì nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất hay tổ chức các sinh hoạt…nên lao mình vào việc kiếm tiền.

2. Làm biếng: Làm linh mục rồi nên không thèm dạy giáo lý nữa, chưa kể dần dà sinh ra làm biếng ngồi tòa giải tội theo lịch kỳ. Nếu không được hàng ngày thì phải hàng tuần chứ. Một tuần phải có một buổi nào đó được ấn định để bà con đến lãnh nhận ơn hòa giải. Xin đừng đợi đến dịp Lễ trọng như Chầu lượt, Giáng Sinh hay Phục Sinh mới mời anh em linh mục chung quanh đến “oánh trận” một buổi rồi sau đó hỉ hả cụng ly mừng chiến công. Bàn phím, màn hình vi tính…rất dễ cám dỗ chúng ta có cớ để mà làm biếng thăm viếng giáo dân, chăm nom người già, kẻ liệt…

3. Làm tàng: Đã làm linh mục rồi thì rất dễ bị cám dỗ “làm cha” thiên hạ. Linh mục, tuổi đời chưa đến bốn hay năm mươi mà lại nạt nộ quát tháo trẻ em lẫn người cao tuổi, la mắng to tiếng với giáo lý viên lẫn cả với quý vị hội đồng giáo xứ…không là chuyện thi thoảng hay là họa hiếm mà như ngược lại. Chắc chắn điểm thi môn “đạo đức nhân bản” của các ngài không một ai dưới trung bình mà rất có thể thảy đều đạt điềm gần tuyệt đối, thế nhưng điểm thực hành ở mức nào thì cần khiêm tốn lắng nghe nhận định của bà con giáo dân và của các tu sĩ nam nữ đã từng cộng tác.

Sau khi kể chuyện xong vị bề trên ấy hỏi tôi rằng cha có làm ba cái điều kia không. Tôi thành thực trả lời là “khi ít khi nhiều, khi nào cũng có” và không làm cái này cũng có làm cái kia. Thế là bà sơ cười hể hả.

Thiết tưởng rằng đã dùng lời “để lật, để nhổ, để hủy để phá” cần phải dùng cả lời “để xây và để trồng” thì sẽ sinh hiệu quả hơn như lời đã phán với ngôn sứ Giêrêmia (x.Gr 1,10). Mạo muội xin góp thêm ba “cái làm” theo chiều kích trồng và xây như sau:

1. Làm chứng(x.Mc 1,22): Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Gioan- Phaolô II thường nhấn mạnh rằng ngày nay người ta thích nghe theo (nghe và sống theo) các chứng nhân hơn là các nhà giảng thuyết. Nếu sở dĩ người ta nghe theo các nhà giảng thuyết vì trước hết họ đã là những chứng nhân (đã sống điều mình rao giảng). Trước khi được truyền chức linh mục, các tiến chức được Hội Thánh căn dặn: “Khi suy gẫm luật Chúa, các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy”(x.Nghi thức phong chức linh mục). Chắc hẳn không một linh mục nào muốn hứng lấy lời của Chúa Kitô khi Người nói về một số lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ: “Các kinh sư và các người Pharisiêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gành nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào.”(Mt 23,2-4).

2. Làm gương (x.Ga13,1-15): Dĩ nhiên gương ở đây phải là gương sáng chứ không phải là gương mù gương tối. Nói đến gương sáng thì chúng ta dễ liên tưởng đến hành vi yêu thương phục vụ trong khiểm hạ và tự hủy của Chúa Giêsu đêm tiệc ly khi cúi xuống rửa chân cho các môn đồ. Xin đừng quên việc rửa chân là việc của các người hầu, người nô lệ gần tương tự như các cung nữ các công công phục dịch đức vua, hoàng hậu… trong các cung đình. Nếu lỡ hầu hạ, phục dịch chủ mình không cẩn thận, có chút gì sơ suất thì phải nhanh chóng tự vả mặt thú lỗi: “nô tài đáng chết, nô tài đáng chết”. Gương muốn được sạch và sáng thì phải được rửa, được lau chùi liên tục.

3. Làm liên lĩ (x.Ga 5,1-47): Hai từ liên lĩ không chỉ có nội hàm là sự chuyên chăm mà còn bao hàm cả cái tâm, cái lòng của người thi hành công việc. Tuy nhiên hàng linh mục cần phải làm liên lĩ việc gì? “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”(Lc 22,19). Ở đây không muốn nói đến việc dâng Thánh Lễ theo kiểu “làm Lễ”, nhưng muốn nhấn mạnh đến việc sống Bí Tích Thánh Thể. Rất có thể có đó và còn đó chuyện “làm tiền” cả khi “làm Lễ”, nhưng đã sống bí tích Thánh Thể thì không thể có chuyện đó được. Hãy làm liên lĩ việc này là dùng chính con người, xác thân của mình để sống tình liên đới với tha nhân, sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm của đồng loại, nhất là trong những yếu đuối, tội lỗi của họ. Tự nguyện “bị nộp” vì nhau là nghĩa cử yêu thương tỏ tình liên đới sâu xa. Hãy dùng chính máu thịt của mình để giúp nhau được thanh sạch và được sống và sống dồi dào. Trong Thánh Lễ thì các tư tế đọc bằng lời, nhưng mong sao trong cuộc sống các ngài có thể nói bằng hành động: “Này là Mình Ta… Này là Máu Ta…”

Trong chuyện trồng trọt thì việc cuốc đất, lật cỏ là việc phải làm nhưng nếu chỉ chăm chăm làm cỏ mà quên trồng cây thì rồi cỏ lại mọc um tùm. Hy vọng rằng nếu nỗ lực làm ba “cái làm” theo chiều kích tích cực thì khi cây đã vươn cành, lá đã xum xuê thì cỏ dại sẽ vì thiếu ánh sáng mà héo úa dần đi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
(VietCatholic News)