Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

HỌP BÁO: ĐÊM NGHỆ THUẬT “GÁNH NHAU TRONG ĐỜI”

Họp báo: Đêm nghệ thuật “Gánh nhau trong đời”

Văn Chiến

WHĐ (24.11.2020) – “Sẻ chia và gánh vác những vất vả của nhau, đó là hơi thở của tình yêu xuất phát từ chữ ‘Tâm’ của người Việt Nam.”

Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) - đã phát biểu như trên, khi ngài chủ sự buổi họp báo diễn ra lúc 14g ngày 23.11.2020 để giới thiệu chương trình “Gánh nhau trong đời” do văn phòng HĐGMVN thực hiện, nhằm gây quỹ giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục thiên tai do các trận lũ bão vừa qua, như: Giúp sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa, giúp vốn để mua giống cây trồng, vật nuôi… Đây là đêm nghệ thuật được tổ chức lúc 19g thứ Sáu, ngày 27.11.2020 tại The Adora Center (431 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình).

Mời xem thông báo về chương trình tại hdgmvietnam.com

Tham dự buổi họp báo tại The Adora Center 431 Hoàng Văn Thụ, ngoài Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ và những người cùng tổ chức chương trình như nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh, ông Nguyễn Quang Hiển – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Adora, còn có hơn 30 phóng viên, báo đài…
 
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

Mở đầu, Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ đã giới thiệu mục đích, ý nghĩa của chương trình và nêu bật lên chữ “Gánh” của người Việt Nam: Hình ảnh đôi quang gánh đã gắn liền với con người Việt Nam. Hình ảnh bà mẹ Việt Nam luôn vất vả gồng gánh mọi chuyện trong nhà, buôn thúng bán bưng… để chăm lo cho gia đình. Cũng vậy, miền Trung là vùng hẹp nhất của đất nước Việt Nam, nên đã phải gánh chịu bao khổ cực quanh năm suốt tháng cùng với những cơn bão lũ. Vì thế, là người Việt Nam, chúng ta hãy cùng chung vai gánh vác những khổ đau của bà con không phân biệt lương giáo, không chỉ trong thời điểm này, mà sẽ là một hiệu ứng lan tỏa để chúng ta mãi mãi gánh nhau trong cả cuộc đời…
 
Đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh

Đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh giới thiệu đôi nét về nội chương trình. Theo ông, hình ảnh chủ đạo trên sân khấu là đôi quang gánh sẽ được đổi màu tùy theo diễn biến của chương trình và cảm xúc của người dẫn chương trình. Ông nói: Chương trình gồm 4 phần:

Phần 1: Mở màn - Hình ảnh trên sân khấu và âm nhạc sẽ thể hiện sự an lành của quê hương Việt Nam, không chỉ bằng thị giác, thính giác, mà còn bằng khứu giác khi được thưởng thức những mùi thơm của lúa, của ngô, khoai… cùng với những dòng sông êm ả. Thế rồi giông bão nổi lên, đã lấy đi sự bình yên của mọi người và đã cuốn trôi những gì mọi người đang có, để rồi phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất!

Phần 2: Sẻ chia - Với những nhân chứng về từ ‘tâm bão’, chắc chắn chúng ta không khỏi não lòng khi nghe họ kể về thân phận con người miền Trung đang gặp cơn hoạn nạn, để chúng ta hãy cùng cúi xuống gánh bớt những khổ đau mà đồng bào chúng ta đang gặp cơn hoạn nạn.

Phần 3: Ký ức - Người dẫn chương trình sẽ hướng dẫn chúng ta hồi ức về tuổi thơ với cánh đồng lúa bao la, những đôi quang gánh trĩu nặng của các bà mẹ Việt Nam… để chúng ta cảm nhận được những hạnh phúc mà mình đang có để sẻ chia với những người ‘không còn gì để mất’.

Phần 4: Nở hoa - Ước nguyện bà con miền Trung thân yêu của chúng ta sẽ được hưởng những gì tốt đẹp nhất mà chương trình cùng với mọi người sẽ mang lại cho họ. 
 
Ông Nguyễn Quang Hiển
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Adora

Về phía đơn vị đồng hành với chương trình, Ông Nguyễn Quang Hiển – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Adora chia sẻ: “Việc được chung vai trong chương trình ‘Gánh nhau trong đời’ làm cho Tập đoàn Adora cảm thấy thật hạnh phúc. Chúng tôi cũng mong có được nhiều đơn vị khác cùng công tác. Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ thành công tốt đẹp, giúp thêm được nhiều người dân miền Trung nhẹ gánh trong cuộc tái thiết cuộc sống sau bão lũ.”

Buổi họp báo kết thúc lúc 15g20 cùng ngày. 
 

Đây là một đêm nghệ thuật chất lượng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người đến tham dự và đóng góp chia sẻ cho đồng bào miền Trung đang gặp bao khốn khó và mong chờ được giúp đỡ. Rất mong đón nhận sự ủng hộ của mọi người đối với chương trình “Gánh nhau trong đời”. 

(WHĐ)