Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

THÁNG THÁNH GIUSE TRONG NĂM THÁNH GIUSE

                                        Zvonimir Atletic | Shutterstock

THÁNG THÁNH GIUSE TRONG NĂM THÁNH GIUSE

Tác giả: José Miguel Carrera
Chuyển ngữ: Giuse Võ Tá Hoàng

WGPQN (11.03.2021) - Người mà chính Thiên Chúa gọi là “cha”, vị thánh đáng kính trong số các thánh.

Tháng Thánh Giuse trong năm Thánh Giuse: tháng 3 năm 2021 thật sự đặc biệt! Theo truyền thống, tháng 3 là tháng mà người công giáo dành riêng cho vị hôn phu của Đức Maria, cha nuôi của hài nhi Giêsu, vị bảo trợ của Hội thánh và là “vị thánh thinh lặng”, vì lịch sử của ngài như một người trợ tá khiêm tốn trong cuộc đời của Đức Maria và Chúa Kitô.

Một “trợ tá chủ đạo”

Thánh Giuse đóng vai trò quan trọng trong quãng đường của Thánh Gia. Chính ngài là người đã cam kết bảo vệ hiền thê của mình và Con Thiên Chúa trong các thời điểm quan trọng của Kitô giáo, chẳng hạn như sự ra đời của Chúa Giêsu trong chuồng bò ở Bêlem và cuộc chạy trốn đầy kịch tính sang Ai Cập khi vua Hêrôđê ra lệnh thảm sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Thánh Giuse luôn là người nâng đỡ gia đình Nazareth với tư cách là người cha, người chồng, và là người giáo dục hài nhi Giêsu.

Thánh Giuse cũng được coi là đấng bảo trợ cho việc chết lành, bởi vì ngay cả khi không biết ngài chết ra sao, ở đâu và khi nào, thì chúng ta vẫn biết đến khía cạnh cơ bản và cao cả nhất: ngài được ơn rời bỏ thế gian này trong vòng tay của Chúa Kitô và Đức Trinh nữ Maria.

Các ngày lễ dành cho Thánh Giuse

Thánh Giuse không chỉ xứng đáng với một mà là hai ngày lễ phụng vụ lớn: ngày 19/3 là ngày lễ chính và ngày 1/5 đặc biệt kính nhớ đến ngài vì nghề nghiệp của ngài: người thợ mộc và vị bảo trợ cho tất cả những người lao động.

Ngày lễ chính rơi vào tháng 3 nên cả tháng này được dành riêng cho Thánh Cả Giuse.

Điều quan trọng đó là vào ngày 19/3 hàng năm, các linh mục thay đổi lễ phục màu tím của Mùa chay sang màu trắng của ngày lễ để kính nhớ vị thánh vĩ đại nhất của mọi thời đại.

Giáo hội hướng về Thánh Giuse với lòng tôn sùng, hay một sự tôn kính dành riêng cho người chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách các thánh. Và chắc chắn không bao giờ vô ích khi nói đến việc tôn vinh một người được Thiên Chúa chọn để được gọi là cha của Con Thiên Chúa làm người! Chúng ta có thể tưởng tượng đó là một ân sủng thật lớn lao? Thánh Giuse không ai khác chính là người mà chính Thiên Chúa đã gọi là “cha”.

Một vị Thánh được các thánh tôn kính

Là vị thánh được các thánh tôn kính, Thánh Giuse đã được nhận biết như một vị thánh vĩ đại giữa các thánh được Hội thánh tôn phong, bởi các Giáo hoàng và chính Chúa Giêsu, trong lần hiện ra với thánh Margherita ở Cortona đã tuyên bố:

“Con yêu dấu, nếu con muốn làm điều gì đó đẹp lòng Ta, thì Ta xin con đừng để một ngày trôi qua mà không dâng lời khen ngợi và chúc tụng người cha nuôi của Ta, Thánh Giuse, người rất yêu quý của Ta”.

Thánh Anphongsô Maria khẳng định rằng: Thiên Chúa đã ban cho Thánh Giuse tất cả các ơn mà Ngài đã cho các thánh.

Thánh Phanxicô de Sales, Tiến sĩ Hội thánh, đã viết: “Thánh Giuse đã vượt qua các thiên thần trong phẩm trật cao nhất về sự trong sạch”.

Thánh Giêrônimô, Tiến sĩ Hội thánh và là chuyên viên dịch thuật Kinh thánh đã khẳng định rằng: “Thánh Giuse xứng đáng được gọi là công chính vì ngài sở hữu cách trọn vẹn mọi nhân đức”.

Thánh Bernardo, một trong những nhân vật lỗi lạc nhất trong lịch sử Hội thánh đã khuyên nhủ: “Về ơn gọi của ngài, các bạn hãy nhìn vào sự đa dạng, vượt trội, cao siêu của những ơn siêu nhiên mà ngài đã được Thiên Chúa làm cho phong phú”.

Một trong những chứng từ đặc biệt nhất về Thánh Giuse đã được ghi lại bởi một trong những vị thánh nữ có tầm quan trọng lâu dài và phong phú trong lịch sử Kitô giáo: Thánh Têrêxa Avila, Tiến sĩ Hội thánh, một trong những người ưu tú nhất đã sùng kính vị cha nuôi thánh thiện của Chúa Giêsu. Trong cuốn tự thuật của mình thánh Têrêxa đã làm chứng rằng: nhờ lời bầu cử của thánh Cả Giuse, thánh nữ được chữa khỏi căn bệnh khiến mình gần như bị liệt và được coi là không thể chữa lành.

Thánh Têrêxa luôn nhắc lại rằng: “Các vị thánh khác nhau dường như có năng quyền đặc biệt để giải quyết một số vấn đề, nhưng Thiên Chúa đã ban cho Thánh Giuse một năng quyền to lớn để giúp đỡ tất cả mọi việc”.

Đến cuối đời, người nữ tu dòng Cát Minh nhấn mạnh rằng trong suốt 40 năm, cứ mỗi năm vào dịp lễ Thánh Giuse, thánh nữ lại cầu xin một ơn hay ân huệ đặc biệt nào đó, và thánh Giuse chưa bao giờ làm cho thánh nữ thất vọng: “Tôi nói với những người lắng nghe tôi, hãy cầu xin vị Thánh Cả với lòng tin, và họ sẽ thấy được những hoa trái lớn lao mà họ sẽ nhận lãnh”.

Tháng Thánh Giuse trong Năm Thánh Giuse

Vào ngày 08 tháng 12 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một Năm Đặc biệt về Thánh Giuse, kéo dài đến ngày 08 tháng 12 năm 2021.

Đây là dịp để kỷ niệm 150 năm, Chân phước Giáo hoàng Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là vị thánh bảo trợ Hội thánh Công giáo, vào ngày 8 tháng 12 năm 1870, qua sắc lệnh Quemadmodum Deus.

Năm thánh Giuse được mở ra với Tông thư Patris Corde, tiếng La-tinh có nghĩa là “Với trái tim người cha”. Đức Thánh cha Phanxicô mô tả Thánh Giuse như một “người cha kính yêu”, “người cha hiền dịu”, “người cha vâng phục” và “người cha đón nhận”; “người cha can đảm sáng tạo”, “người cha lao động”, “người cha bóng mát”, luôn kín đáo, không mong đợi sự công nhận.

Đức Phanxicô đã dành cho Thánh Giuse nhiều suy tư khác nhau, và chính ngài, qua sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, đã sửa đổi các lời nguyện của Thánh lễ, đề cập rõ ràng đến Thánh Giuse trong Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV, ấn bản thứ ba của Sách Lễ Rôma, đặt tên Thánh Cả ngay sau tên của Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh.

Đối với Năm Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy Thánh Cả làm gương mẫu cho con người ngày nay, vừa là “người cha trong việc tiếp nhận” bởi vì ngài đã đón tiếp Đức Maria mà “không đặt bất kỳ điều kiện nào”, một cử chỉ đặc biệt hùng hồn “trong thế giới mà bạo lực về tâm lý, lời nói và thể lý đối với phụ nữ được xem là hiển nhiên”.

Người thợ mộc thành Nazareth cũng cho thấy “giá trị, phẩm giá và niềm vui” của lao động, và ĐTC nhận xét rằng: “Thật sự cần thiết, với một nhận thức được đổi mới, để hiểu được ý nghĩa của lao động mang lại phẩm giá”, ngoài ra nó thúc đẩy sự hoàn thiện của cá nhân và của gia đình mình, lao động làm cho chúng ta “trở nên người tham dự vào chính công trình cứu rỗi”.

Nguồn: gpquinhon.org
 (WHĐ)