Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

NHỮNG CUNG BẬC CẢM XÚC NƠI TUYẾN ĐẦU

NHỮNG CUNG BẬC CẢM XÚC NƠI TUYẾN ĐẦU

TGPSG -- Hãy cảm nghiệm từng cung bậc cảm xúc để biết trân trọng sự sống hơn mỗi ngày...

Người ta bảo cười là vui, cười là hạnh phúc, cười làm cuộc sống vui vẻ và có ý nghĩa hơn. Nhưng đôi khi, giọt nước mắt cũng là một minh chứng cho niềm hạnh phúc và cảm xúc sung sướng vô bờ. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ khi đứa con chào đời, là giọt nước mắt hạnh phúc của người bố khi nghe đứa con bé bỏng bập bẹ hai tiếng: 'Bố ơi', là hạnh phúc của đứa con thành công sau những kì thi vất vả, là hạnh phúc khi chúng ta gặp lại người bạn thân...

Hai tháng phục vụ tại bệnh viện dã chiến, tôi đã được chứng kiến biết bao cung bậc cảm xúc: những giọt nước mắt khi một bệnh nhân lặng lẽ ra đi và những giọt nước mắt hạnh phúc khi nghe tên bệnh nhân được xuất viện. Lúc đó, cả bác sĩ, điều dưỡng và các tình nguyện viên chúng tôi đều khóc: khóc vì mừng thay cho bệnh nhân, khóc vì bao công lao vất vả của họ đã được đền đáp.

Nước mắt là sự sẻ chia và kết nối hàng triệu trái tim với nhau, là biểu hiện của lòng nhân ái. Có những khi chúng ta tự nhủ lòng “không được khóc”, nhưng mà… ta vẫn khóc. Chúng ta khóc bởi vì chúng ta không thể kiềm chế được dòng cảm xúc trong lòng. Chúng ta khóc để tạ ơn Chúa đã cho mình có cơ hội được chứng kiến những cảnh tượng tốt đẹp và đầy ý nghĩa này.

Hôm nay, khi đang hì hục lau nhà, dọn vệ sinh, tôi nghe bác sĩ đi từng phòng đọc tên các bệnh nhân sẽ được "trả về". Bình thường khi nghe bác sĩ nói hai từ “trả về” là lòng chúng ta buồn khôn xiết. Nhưng hôm nay, những tràng vỗ tay cùng với tiếng reo mừng vang rộn cả bệnh viện, thậm chí có người còn hét lên vì sung sướng. Các y bác sĩ, điều dưỡng, thiện nguyện viên khoa dinh dưỡng cũng nhảy lên để hòa chung niềm vui đó. Tiếng cười, tiếng la, tiếng vỗ tay, cả những giọt nước mắt... đều diễn tả niềm vui của các anh chị em nơi tuyến đầu.

Thực vậy, nơi đây đã trở thành một gia đình mà tất cả đều là người thân của nhau. Chúng tôi vui với niềm vui của bệnh nhân và đau chung với nỗi đau của họ. Nỗi buồn của một người là nỗi buồn chung của cả nhóm và niềm vui của một người là niềm vui của cả một êkíp.

Có những ngày bệnh nhân được xuất viện nhiều, nhân viên y tế phải làm việc tất bật từ sáng đến chiều, có khi bỏ luôn bữa ăn để mong sao hoàn tất các thủ tục giúp cho các bệnh nhân được sớm về nhà. Hình ảnh bệnh nhân cầm giấy xuất viện trên tay cùng với ít đồ cá nhân khiến tôi không thể không rơi nước mắt. Một cuộc trở về tràn đầy niềm vui và bình an bởi họ đã trút bỏ được biết bao sợ hãi, cảm nghiệm được biết bao ân tình mà rất nhiều người đã dành cho họ trong những giây phút thập tử nhất sinh trước đó.

Một bệnh nhân không kìm được niềm vui mừng, cứ chạy đi chạy lại nắm tay từng người cảm ơn rối rít. Một cụ già đặt bàn tay lên ngực và cúi đầu nói: “Cảm ơn... cảm ơn chúng con, những thiên thần áo trắng. Chúng con tốt quá, bác về trước sẽ cầu nguyện cho chúng con." Những cánh tay vẫy chào nhau làm nhộn nhịp cả khu bệnh viện. Đâu đó tôi thấy một vài bác sĩ sụt sùi: “Đây là điều vui nhất từ khi đi chống dịch tới giờ. Đi chống dịch chỉ mong có thế thôi... Hạnh phúc nhất là giây phút này đây”. Tuy được che chắn bởi một lớp kính nhưng tôi vẫn thấy vài điều dưỡng khóc vì hạnh phúc: “Các cụ về nhớ ăn uống đầy đủ và mau khỏe lại nha, chúng cháu không muốn gặp lại cụ trong bệnh viện nữa đâu!”

Tuy nhiên, để có được niềm hạnh phúc dâng trào này thì hầu hết các bệnh nhân đều đã trải qua nhiều nỗi sợ khác nhau: sợ bệnh của mình sẽ tiến triển nặng, sợ bệnh viện mình đang điều trị quá tải thì các bác sĩ sẽ không ai lo cho mình... Vì thế, trước khi tới bệnh viện, có những bệnh nhân đã khóc suốt. Thế nhưng, khi vào tới bệnh viện, được các nhân viên y tế hỏi han, động viên họ đã bình tĩnh trở lại.

Vâng, qua dịch bệnh tôi thấy tình người vẫn luôn đẹp. Lúc này đây, Sài Gòn vẫn "đang ốm", nhưng nơi đây vẫn có thể mọc lên những bông hoa dại thật đẹp để cuộc đời luôn tươi sắc. Chúng ta hãy lắng nghe sức sống trong tim mình và hãy cảm nghiệm từng cung bậc cảm xúc để biết trân trọng sự sống hơn mỗi ngày

Têrêsa Nguyễn Vui (TGPSG)
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
(WGPSG)