Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

BA CÓ… YÊU KHÔNG?

TGPSG – Tôi cám ơn Chúa thật nhiều vì Ngài đã ban cho tôi có được một đứa con trai đạo đức lại tế nhị, nhạy bén, nhờ đó mà tôi biết yêu nhiều hơn…

Từ xa xưa, ông bà ta đã có câu: “Lá vàng là bởi đất khô – Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình” nhằm nhắc nhở các bậc cha mẹ hãy nhớ rằng: Con trẻ là tấm gương phản chiếu cuộc sống của chính cha mẹ. Vì thế, cha mẹ phải sống sao cho mẫu mực để con cái noi theo.

Vâng! Cuộc sống vẫn luôn là thế: “Cha nào con nấy”, “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”… Nhưng có lẽ đối với tôi, câu tục ngữ “Con hơn cha là nhà có phúc” mới thật chính xác. Con tôi hơn tôi - không ở tài năng, của cải, công việc… mà là Tình Yêu. Cuộc sống của tôi được biến đổi và trở nên ý nghĩa hơn là nhờ câu hỏi mà con trai tôi luôn lặp đi lặp lại: “Ba có yêu… không?”

Do tính chất công việc, tôi không hay có mặt ở nhà. Một năm có khi 7 – 8 tháng vợ chồng tôi phải đi xa, những tháng còn lại làm gần nhà thì cũng quần quật từ sáng tới tối mới về để ăn cơm tối chung với ba mẹ tôi và hai đứa con trai nhỏ.

Một lần ngồi chơi với hai con, thằng lớn (lúc đó mới 5 tuổi) đột nhiên nhìn tôi rồi hỏi: “Ba ơi! Ba có yêu ông bà không?” Câu hỏi quá bất ngờ làm tôi lúng túng, nhưng trước mặt con, tôi gắng tỏ ra gương mẫu: “Có chứ sao không, ông bà sinh ra ba mà”. Nó trầm tư vài giây rồi tiếp tục: “Ba yêu ông bà mà sao không ở nhà để chăm sóc ông bà, đi xa ba cũng không hay gọi điện về hỏi thăm ông bà nữa?” Tôi cứng họng trước câu nói của con nhưng cũng cố vớt vát: “Có nhiều cách thể hiện tình yêu mà”.

Sau buổi hôm đó, tôi nghĩ ngợi rất nhiều. Tôi thấy con mình còn nhỏ mà tinh tế quá. Chỉ với câu nói của con thôi mà tôi thấy mình cần phải đổi thay, bởi rõ ràng tôi đã chưa yêu ba mẹ mình như cách ba mẹ yêu tôi. Và câu nói đó cũng nhắc nhở tôi ý thức về vai trò “là bố, là ba” của mình với con cái trong việc yêu thương và chăm sóc những người thân thương của mình.

Lên 6 tuổi, con trai bắt đầu vào lớp Một nên năn nỉ ba đi mua dụng cụ học tập. Trên đường đến hiệu sách, tôi và con đã đi qua nhà thờ. Đi được một đoạn, con kéo áo tôi hỏi nhỏ: “Ba ơi! Ba có yêu Chúa không?”. Tôi trả lời rất nhanh: “Tất nhiên là có chứ”. Thằng bé lại im lặng vài giây khiến tôi tự nghĩ: không biết con mình đang suy tính điều gì đây? Tôi vừa nghĩ vậy, con trai tôi đã thì thầm: “Ba yêu Chúa mà sao đi qua nhà thờ, ba không cúi chào Chúa?” Lần thứ hai tôi lại phải khỏa lấp câu chất vấn của con bằng lời giải thích qua loa: “Tại ba phải tập trung lái xe nên ba chỉ chào Chúa trong lòng thôi”. Nhưng cũng kể từ ngày đó, dù đi qua bất cứ nhà thờ nào, câu nói của con lại hiện về nhắc nhớ tôi hướng lòng về Chúa và cúi chào Ngài. Nhờ vậy, tôi thấy mình nhớ tới Chúa nhiều hơn một chút.

Rồi dịch bệnh covid ập đến, mọi sinh hoạt tôn giáo không còn được tiếp diễn. Giống như mọi gia đình Công giáo, ba mẹ, vợ con tôi bắt đầu tham dự thánh lễ online, tham dự giờ chầu online, duy trì giờ đọc kinh gia đình sớm tối… chỉ thiếu mỗi mình tôi. Mặc dù dịch bệnh hoành hành nhưng công việc của tôi vẫn đều đều, do đó tôi chỉ giữ lễ Chúa nhật và tự an ủi mình “thế là đủ”. Chính vì viện lý do cả ngày làm việc mệt nhọc, tối muốn đọc tin tức một tí rồi ngủ sớm, nên ba mẹ và vợ dù đã giục giã tôi đọc kinh chung gia đình nhiều lần, nhưng không thấy tôi “hợp tác”, đành chán chả muốn nói nữa.

Rồi một hôm, đọc kinh tối xong, con trai tôi lên giường, nằm bên cạnh tôi thủ thỉ: “Ba ơi! Ba đọc tin tức thì được lợi gì?” Tôi bối rối nhưng vẫn nhanh miệng trả lời: “Thì biết được tin tức đó đây, biết được tình hình dịch covid nữa nè”. Con tôi lại tiếp tục: “Ngoài ra không còn gì khác hả ba?” Tôi nhìn con cười rồi giỡn: “Chứ con trai nghĩ còn gì khác nữa nào”. Tôi chưa nói dứt câu, con tôi đã trả lời: “Còn sự lo lắng, bất an, đau đầu, hại mắt nữa đó ba. Con thấy ba đọc tin rồi thở dài, mặt suy tư cau có, thế mà ba tốn hàng giờ để đọc nó. Trong khi ngồi đọc kinh dâng Chúa, ba thu lượm được tình yêu, được đức tin, được bình an, nhưng ba lại không làm. Vậy mà khi con hỏi: ‘Ba có yêu Chúa không’ thì ba trả lời ‘Tất nhiên là có’. Ba đã nói dối con”. Trong giây phút ấy, tôi đã lặng im, trong lòng thấy xấu hổ với con và với chính mình. Tôi chỉ biết quay qua và nói với con: “Ba biết ba sai rồi, từ mai ba sẽ đọc kinh chung với mọi người”.

Kể từ hôm đó, tôi đã sốt sắng dự giờ Chầu Thánh Thể, đọc kinh gia đình cùng với ba mẹ, vợ con tôi. Và thực sự tôi thấy tâm hồn mình vui hơn, hạnh phúc và bình an hơn.

Ngày qua ngày, dịch bệnh chưa chấm dứt nhưng rồi Nhà Nước cũng cho mở cửa nền kinh tế trở lại với phương chấm ‘Sống chung an toàn với dịch bệnh’, từ đó nhà thờ cũng có Thánh lễ trở lại với lượng người tham dự có hạn. Dù ngày Chúa nhật, giáo xứ có nhiều thánh lễ để nhiều người được tham dự nhưng tôi một lần nữa lại tự viện lý do dịch bệnh vẫn còn nên tiếp tục dự lễ online. Thú thực, tự nhiên tôi cảm thấy lười đến nhà thờ dự lễ vì phải chuẩn bị trang phục, mất giờ di chuyển… Thế là mặc ai đi thì đi, tôi cứ ung dung với màn hình điện thoại và một mình tham dự lễ online.

Rồi bỗng nhiên đến Chúa nhật tuần 3 mùa Vọng, cậu con trai đi dự lễ ở nhà thờ về liền sà vào lòng tôi hỏi: “Ba vẫn yêu Chúa chứ?” “Vẫn yêu chứ con trai” tôi đáp. Con tôi cười cười nói: “Vậy con an tâm rồi. Mà ba ơi, ba thử đoán xem hôm nay cha xứ mình giảng lễ điều gì? Tôi cười khà khà trả lời: “Ba không biết, nhưng ba biết lễ online hôm nay, cha nói điều gì”. Con tôi dường như không quan tâm đến câu nói của tôi, mà thao thao kể lại: “Cha xứ giảng là, hôm nay dân chúng kéo đến với ông Gioan và hỏi ông về cách thức tỏ lòng sám hối: Với dân chúng thì ông Gioan nói họ phải sống bác ái, yêu thương, cụ thể là ‘Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy’. Với những người thu thuế ông khuyên họ đừng đòi gì quá mức đã ấn định và với các quân nhân ông nói họ đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; bằng lòng với số lương của mình. Rồi cha nói tiếp: ‘Mỗi người chúng ta hãy tim giờ ngồi lại với Chúa và hỏi Chúa xem mình cần phải làm gì để tỏ lòng sám hối và để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến, chắc chắn Chúa sẽ trả lời cho chúng ta biết.’ Vậy nên… tối nay đọc kinh gia đình xong, con và ba cùng hỏi Chúa nha ba”.

Và buổi tối đó, sau giờ đọc kinh chung, mắt nhìn lên Chúa con tôi đã sốt sắng chắp tay cầu nguyện, tôi cũng theo con ngồi thinh lặng và tự hỏi Chúa xem tôi cần phải làm những gì? Bỗng nhiên lòng tôi cảm thấy hối lỗi thực sự và có một nguồn cảm xúc dâng trào, thôi thúc tôi phải chạy đến với Chúa gần hơn, nhiều hơn. Cũng trong giây phút ấy tôi cám ơn Chúa thật nhiều vì Ngài đã ban cho tôi có được một đứa con trai đạo đức lại tế nhị, nhạy bén, nhờ đó mà tôi biết yêu nhiều hơn. Cuộc sống của tôi đã biến đổi mỗi ngày nhờ những câu hỏi và câu nói đầy đánh động của con.

Không biết con có đọc được tâm tư của tôi hay không, nhưng cầu nguyện xong, bé đã đứng dậy, ghé sát tai tôi và hỏi: “Ba có yêu…con không?” Tôi ẵm con vào lòng, hôn lên trán con và nói: “Điều đó là đương nhiên rồi”. Nụ cười đã rực sáng trên môi con và trong lòng tôi. Đó là khoảnh khắc của hạnh phúc và của sự biến đổi mà có lẽ không bao giờ tôi quên.

Nguyệt Nguyễn (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

(WGPSG)