GỐC MAI QUÊ NHÀ
Gió đưa khí se lạnh của mùa đông đi để nhường cho những tia nắng ấm áp của mùa xuân lại về với quê hương. Chỉ khi nhắm mắt để lòng mình một chút lặng, để cảm nhận sự nhung nhớ mái ấm nơi mình xuất phát, nơi mà chỉ có thể gọi bằng một tiếng “Quê”.
Làm ấm lòng bao người con xa quê, là cả một ký ức với bà con lối xóm, với những đứa bạn thân nhau như anh em của mình. Quê ấy còn là cả một lối sống ân tình nhào nặn nên con người hiện tại của mỗi người nữa.
Nơi ấy có mái nhà không chỉ che nắng mưa nhưng còn là nơi có sự che chở của Ba và Mẹ. Nơi quê nhà ấy có người đang đợi những đứa con trở về. Đó là tấm lòng người Ba, người Mẹ đang chăm chỉ dệt đời mình trong năm tháng, mà mỗi tháng năm trôi đi, lại hằn thêm nếp nhăn trên trán ba, vết chân chim cũng đậm thêm trên mắt Mẹ. Bên hiên nhà, gốc mai đang chờ tay ai đó hái lá để chuẩn bị cho cái tết đoàn viên của gia đình.
Ngoài trời cơn mưa phùn nhòe qua cửa sổ, Hưng nhìn dòng người đang mải miết trở về quê, ca trực tối nay ở bệnh viện làm Hưng không thể ngừng nhớ về những kỷ niệm như vừa mới xảy ra
Nhớ cái Tết năm nào về nhà được nghe tiếng nhắc nhở của Má: “Học gì thì học phải nhớ mình là người có đạo, là con của Chúa nữa nha con!”
Con lao đầu vào học ngành Y miệt mài với bài vở và những tuần thực tập lay lất tại các bệnh viện. Những ca trực đêm mệt mỏi đối với con không có ngày Chúa nhật nữa! Con không nhớ gần chỗ con ở và đi học có Nhà thờ nào nữa vì từ ngày nhập học đến giờ con đã chưa tìm đến Nhà thờ để đi lễ, những địa chỉ con tìm kiếm là thư viện, là bệnh viện, là chỗ học nhóm, là quán ăn, là chỗ giải trí ….. mà Nhà thờ thì không một lần con tìm kiếm.
Nhớ năm Y4 về quê ăn tết, Ba vừa nhặt lá cây mai vừa nhắc nhở: “Làm bác sĩ thì tốt thật đó, nhưng có tin vào Chúa thì mới chữa bệnh cho người ta được, con nhé!”
Con làu bàu: “Khoa học tiến bộ, những gì trong Thánh Kinh dường như đang được giải thích bởi khoa học; các bệnh tật Chúa Giêsu chữa trong Kinh Thánh hiện nay y học cũng đã làm được như bị sốt, bị phong cùi, tê bại… Kinh Thánh còn đáng tin hay không? Sao Ba Mẹ vẫn cứ tin vậy
Nhớ năm cuối đại học y về quê nghỉ tết có 3 ngày thế mà Mẹ vẫn nhắc nhở: “Phải biết tự chăm sóc bản thân mình, ba mẹ cho con một thân xác nhưng Thiên Chúa mới ban cho con sự sống phần còn lại là con phải biết duy trì sự sống ấy cho tốt, nhớ chưa”
Con đã ăn không biết bao nhiêu gói mì nữa vì nó tiện lợi và con cũng lười biếng nữa ăn vội cho hết đói, đã không ít lần con bị đau dạ dày, con nhớ những bữa cơm của mẹ miếng cà giòn, khúc cá mặn và tô canh rau đay.
Nơi quê nhà ấy điều con nhớ nhất là đôi tay của Ba, Mẹ. Đôi tay nhỏ nhắn của Mẹ ẵm bế con từ thuở nhỏ, nắm lấy tay con khi đến trường, ôm lấy con khi đêm về, chăm sóc con những bữa ăn; khi con bị đau ốm tay mẹ không rời con, đôi tay mẹ vỗ về con khi con thất bại, và cũng đôi tay Mẹ dạy con bài học đức Tin đầu tiên với dấu Thánh Giá, và cùng cầm lấy tay con lần chuỗi Mân côi. Đôi tay lớn của Ba nắm lấy bàn tay con dắt con đi trên bờ ruộng trơn trượt, bàn tay lớn của Ba nắm chặt con không cho con khóc nhè để trở nên một đứa con trai mạnh mẽ…
***
Với con, hai đôi tay ấy như khiên thuẫn bảo vệ con cả về thể lý lẫn tinh thần. Ngày con tốt nghiệp Đại học con thấy niềm vui và tự hào trong mắt Ba Mẹ nhưng cũng đượm nét lắng lo cho con chiếc áo blouse trắng tinh để con tuyên lời thề Hippocrates. Mẹ gạt đi giọt nước mắt hạnh phúc nhìn con. Con trở thành bác sĩ nhưng chưa một lần tự tay lấy thuốc cho Mẹ, khám bệnh hay chăm sóc cho Ba được vì đại dịch ập đến con lên đường vào bệnh viện dã chiến.
Nơi đây công việc nhiều gấp năm lần so với ở bệnh viện bình thường. Con lao vào công việc trong bộ áo bảo hộ nóng nực, bức bối. Con cố gắng hết sức với mỗi bệnh nhân để chờ đợi điều kỳ diệu của sự sống mỉm cười với bệnh nhân nhưng rồi dường như ngày nào con cũng phải lặng lẽ tiễn chân một số bệnh nhân không thể vượt qua được.
Và rồi… Mẹ, người bệnh nhân làm con thổn thức khi chính mẹ cũng nhiễm bệnh Covid. Con cầm tay mẹ, con chao đảo, đầu óc trống rỗng hoang mang khi nhìn mẹ nằm trên chiếc băng ca, nước mắt con lăn dài, trong chiếc áo bảo hộ kín mít, mẹ có nhận ra con không? Tất cả các thủ thuật làm cho Mẹ, con run rẩy không làm nổi, một đồng nghiệp biết đó là Mẹ của con, anh đặt tay lên vai con và kéo con ra khỏi phòng bệnh, con gào thét:
- Bỏ ra… mẹ ơi!... mẹ!
Cậu phải bình tĩnh mới có thể cứu được bác gái! Tiếng đồng nghiệp thở dài
Con lao vào phòng bệnh:
- Mẹ ơi, tỉnh lại đi!
- Mẹ ơi, mở mắt ra nhìn con đi!
Cứ thế, đôi mắt Mẹ nhắm nghiền suốt ba ngày và con ở bên mẹ con quên cái đói, cái mệt. Đồng nghiệp kéo con ra khỏi khoa bệnh, con chợt bừng tỉnh: mình phải bình tĩnh để sống để ở bên Mẹ. Ly sữa con uống với con lúc ấy không có mùi vị gì cả, hộp cơm con ăn cho xong cho qua bữa để đủ sức ở bên Mẹ.
Nhưng rồi căn bệnh Covid đã cướp Mẹ khỏi cuộc đời con. Con ôm mẹ lần cuối trước khi mẹ ngừng thở, bao nhiêu máy móc như chẳng có tác dụng gì nữa… Mẹ như nhận ra con Mẹ mỉm cười khẽ nói “Mẹ về với Chúa” và rồi chuỗi hạt trên tay Mẹ rơi xuống…
Con gạt dòng nước mắt, quỳ xuống. Tiếng khóc không thành lời nữa, con chợt nhận ra mình vừa mất một điều quý giá nhất trong cuộc đời: con mồ côi Mẹ.
Con ngưng công việc để đón Mẹ về nhà. Ôm chặt hài cốt mẹ trong tay về nhà dù chẳng phải ngày tết nhưng cây mai đâu đó chùm hoa vàng đong đưa buồn thả những cánh mai rơi xuống đất. Ngôi nhà như lạnh lẽo hơn vì không còn Mẹ nữa, giọt nước mắt lăn dài từ hốc mắt khô khốc của Ba.
***
Thời gian khéo xua tan những nỗi buồn của phận người. Quê nhà ấy giờ đây chỉ có Ba sáng tối ra vào. Mấy anh chị em thay phiên nhau về thăm Ba… Con, đứa con út mỗi tuần nghỉ làm lại về cuộn tròn mình trên chiếc chõng tre mà Mẹ hay ngồi ngoài mái hiên như cố níu kéo hơi ấm của tình Mẹ vào ngôi nhà thân thương này. Ba vẫn ra vào nhắn nhủ con làm người tốt, cứu người thương người.
- Ba à sắp tết rồi hai ba con mình đi hái lá cây mai bên hiên nhà đi.
Ba nheo mắt nhìn lịch khẽ tính toán gì đó:
- Ừ, cũng đến ngày hái lá mai rồi ông Táo chầu trời hái là vừa.
- Con thay mẹ nhặt lá mai với ba nè!
- Mẹ bây nhặt nhanh mà gọn còn bây hái khéo kẻo rơi hết nụ đó nghe!
Gió đưa câu chuyện thủ thỉ của hai cha con đến tận chỗ Mẹ…
Gốc mai già đã chứng kiến bao cái Tết của gia đình, bao buồn vui của những con người trong ngôi nhà này. Nhắc nhớ từng thành viên trong gia đình về những kỷ niệm bên nhau. Quy luật của phận người hay quy luật của đất trời có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông. Đời người có hợp thì cũng có tan, có vui có buồn như cánh mai vàng kia cố gắng nở cho kịp độ tết về.
Maria Hồng Hà, CMR. (TGPSG)
(WGPSG)