Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 28.7.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: THÔNG BÁO VỀ “THỎA THUẬN VỀ QUY CHẾ CỦA ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM”


HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
_______

Ngày 28 tháng 7 năm 2023

THÔNG BÁO VỀ
“THỎA THUẬN VỀ QUY CHẾ CỦA ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ
CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM”

Kính thưa Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, và mọi thành phần trong cộng đồng Dân Chúa Việt Nam,

Tối ngày 27 tháng 7 năm 2023, Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố:

Nhân chuyến thăm Vatican của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vào ngày 27 tháng 7 năm 2023, dựa trên những tiến bộ đạt được trong các phiên họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, đặc biệt là phiên họp thứ 10 vào ngày 31 tháng 3 năm 2023 tại Vatican, và với mong muốn tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, hai bên chính thức thông báo rằng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”.

Đây là kết quả từ quá trình trao đổi của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican suốt 14 năm qua, từ năm 2009 đến nay, dựa trên những tiến triển trong các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam.

Chúng ta tạ ơn Chúa về thành quả tốt đẹp này. Sự hiện diện thường xuyên của Vị Đại diện Tòa Thánh sẽ giúp Dân Chúa tại Việt Nam cảm nhận sự hiệp thông với Đức Thánh Cha cách cụ thể hơn, để sống và làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng dân tộc cách tích cực hơn.

Thành quả này là tiền đề cho mối quan hệ Việt Nam – Vatican để tiến lên cấp độ cao hơn trong tương lai, và một ngày gần đây chúng ta có thể đón Đức Giáo hoàng đến thăm quê hương và dân tộc Việt Nam yêu dấu.

(đã ấn ký)

+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục TGP Tp. Hồ Chí Minh
Chủ tịch HĐGM VN
 

VIỆT NAM VÀ TÒA THÁNH KÝ KẾT THỎA THUẬN VỀ QUY CHẾ CỦA ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM

VIỆT NAM VÀ TÒA THÁNH KÝ KẾT THỎA THUẬN 
VỀ QUY CHẾ CỦA ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ 
CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM

Hồng Thủy - Vatican News

Vatican News (27.07.2023)Thông cáo chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, được công bố chiều ngày 27/7/2023, cho biết hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”. Trước đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


Đức Thánh Cha đã tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Vào lúc 3 giờ chiều ngày 27/7/2023, Đức Thánh Cha đã tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Thư viện Dinh Tông tòa. Sau cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 20 phút, Đức Thánh Cha đã tặng mỗi thành viên trong phái đoàn Việt Nam một huy chương của Giáo hoàng.

Ngài cũng tặng Chủ tịch nước Việt Nam một bức phù điêu bằng đồng khắc họa về chủ đề thương xót, đón nhận và tình huynh đệ, là lời kêu gọi không ngừng của ngài trong những năm qua. Quà tặng của Đức Thánh Cha còn có Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2023, Tài liệu về tình Huynh đệ Nhân loại, cuốn sách về buổi cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt vào tối ngày 27 tháng 3 năm 2020 và cuốn sách hình ảnh về Căn hộ Giáo hoàng.

Về phần mình, Chủ tịch nước Việt Nam đã tặng Đức Thánh Cha một bình gốm có hình đền thờ Thánh Phêrô, được làm tại Việt Nam.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp phái đoàn Chủ tịch nước Việt Nam

Sau đó, Chủ tịch nước Việt Nam và phái đoàn đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin.

Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Chủ tịch Võ Văn Thưởng

Thông cáo chung về việc ký kết Thỏa thuận về quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam

Thông cáo chung về việc ký kết Thỏa thuận về quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam cho biết:

"Nhân chuyến thăm Vatican của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vào ngày 27 tháng 7 năm 2023, dựa trên những tiến bộ đạt được trong các Phiên họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, đặc biệt là phiên họp thứ 10 vào ngày 31 tháng 3 năm 2023 tại Vatican, và với mong muốn tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, hai bên chính thức thông báo rằng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tòa thánh đã ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”.

Thông cáo cho biết thêm, "Trong cuộc trò chuyện thân mật giữa Chủ tịch Võ Văn Thưởng với Đức Giáo hoàng Phanxicô và sau đó, với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, các bên bày tỏ sự đánh giá cao về những tiến triển đáng kể trong các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam cho đến nay."

Cuối cùng, thông cáo cũng nói rằng "Hai bên bày tỏ tin tưởng rằng Đại diện Tòa Thánh sẽ hoàn thành vai trò và nhiệm vụ được trao trong Thỏa thuận, đồng thời sẽ hỗ trợ cộng đồng Công giáo Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của họ trong tinh thần tôn trọng luật pháp và luôn được Huấn quyền của Giáo hội hướng dẫn, để thực thi ơn gọi 'đồng hành cùng dân tộc' và là 'người Công giáo tốt, người công dân tốt', góp phần xây dựng đất nước. Đồng thời, Đại diện Tòa Thánh sẽ là cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh."

Phái đoàn Việt Nam gặp Đức Hồng y Pietro Parolin

Tiến trình thảo luận giữa Việt Nam và Tòa Thánh về một vị Đại diện Thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam đã kéo dài từ nhiều năm. Cho đến nay, Đại diện không Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam là Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, 60 tuổi, người Ba Lan; ngài hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore. (CSR_2879_2023)

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 28.7.2023


Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 27.7.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

GIÁO DỤC: CHUYỆN CỦA CON TIM

GIÁO DỤC: CHUYỆN CỦA CON TIM

Lm. Văn Am, Sdb.

Một câu chuyện trong đời của Don Bosco khi còn nhỏ làm tôi băn khoăn hoài để tìm giải đáp. Ngày nọ, ngài thấy cha xứ ở đàng xa, ngài tiến lại gần và chào ngài. Nhưng cha xứ cứ lặng lẽ bước, chẳng để ý gì đứa nhỏ ấy. Cậu nhỏ Bosco bị sốc và nhất quyết không đi theo đường lối đó. Rồi lại một lần khác, ngài nghe thấy những đứa nhỏ gọi các linh mục là những con quạ đen và chạy xa như thể bệnh dịch vậy. Và rõ ràng, lời nói, diện mạo của họ chẳng mảy may tác động đến những thiếu niên, nếu không nói rằng chúng còn tìm cách chống lại. Cứ thế mãi cho đến một hôm tôi đọc cũng từ chính người bạn, người cha và người thầy của các thiếu niên: Giáo dục là chuyện của con tim. Phải, giáo dục đưa tới biến đổi nên người công dân lương thiện và Kitô hữu tốt phải là chuyện của con tim mà thôi. Do đó, không có tín nhiệm không thể có giáo dục, điều ấy quả là chính đáng.

Chính điều này, Đức Phanxicô cũng nói đến bằng một ngôn ngữ hiện đại. Giáo dục không bao giờ là công việc cưỡng bức, là chuyện như của một cảnh sát, công an hay thẩm phán. Trái lại, “Giáo dục trên hết là một chuyện của tình yêu và trách nhiệm được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ kia.” Bằng không, một tai hoạ giáo dục xảy ra. Trong một câu đăng trên Tweeter ngày 1/3/ 2014 Đức Phanxicô viết: “Giáo dục là hành vi yêu thương; nó như là việc trao ban sự sống.” Nếu Gia đình chân thật được định nghĩa là tổ ấm, thì ta hiểu rằng Gia đình mãi mãi là nơi chốn giáo dục tiên quyết và hàng đầu. Ở đó, người cha, người mẹ hoàn toàn sống và hy sinh cho con cái mình. Họ đánh đổi mọi sự để được những người con tuyệt vời để cống hiến cho thế giới và Giáo hội.

Đánh đổi mọi sự để có được những con người có lòng, đó chính là sự đóng góp lớn nhất mà một người có thể cống hiến cho thế giới. Chúng ta không giỏi đủ để cống hiến cho xã hội những định luật vật lý, khoa học, những phát minh khoa học kỹ thuật chói ngời. Nhưng chắc chắn, chúng ta có thể cống hiến cho xã hội những người có thể sử dụng những giá trị đó để sinh muôn ích lợi cho nhân loại, bởi vì họ có trái tim tuyệt vời. “Thật vậy, giáo dục là một trong những cách thức hữu hiệu nhât để làm cho thế giới và lịch sử chúng ta nên nhân bản hơn.” (Đức Phanxicô).

Nếu giáo dục chỉ được tạo thành bằng cưỡng bức ta sẽ không thể có được những nhân cách trưởng thành. Bởi lẽ nó sẽ không “bền”. Chính Thiên Chúa đi theo con đường này. Ngài kiên nhẫn cho đến khi chạm đến và chiếm được trái tim của con người. Cả lịch sử dân Israel trong hoang địa, trong cuộc lưu đầy, trong những thăng trầm, rốt cục để đi đến xác tín số một này: Ta muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ, muốn được nhận biết chứ không phải lễ toàn thiêu.

Sau bao kinh nghiệm đắt giá trong cuộc đời làm cha, làm mẹ, làm thầy cô, làm nhà giáo dục, ta đạt đến chính xác tín có sức chuyển thành hành động của tình yêu kiên nhẫn và tha thứ mà ta nói ở trên thì quả là rất đáng, quả là một gia tài vô giá. Ta hãy nỗ lực để thành một nhà giáo dục có một trái tim rộng lớn như đại dương, như cát bãi biển, bằng cách đưa những điều sau đây thành sự thật:
  1. Đặt nhân vị với giá trị và phẩm giá của một người thành tâm điểm của mọi chương trình giáo dục, chính thức cũng như không chính thức, để cổ xuý vẻ đẹp độc đáo của tình người trong tương quan với tha nhân và chống lại một phong thái sống của thứ văn hoá dục bỏ đang thịnh hành.
  2. Lắng nghe những tiếng nói của thanh thiếu niên mà chúng ta muốn truyền thụ các giá trị và sự khôn ngoan để cùng nhau xây dựng một tương lai an bình, xứng với phẩm giá con người.
  3. Khích lệ những người nữ tích cực tham gia vào giáo dục.
  4. Đảm bảo gia đình là nơi chốn giáo dục đầu tiên và chính yếu.
  5. Giáo dục và được giáo dục là cần phải tiếp nhận và rộng mở cách đặc biệt cho những người bị loại ra ngoài lề và những kẻ dễ bị tổn thương.
  6. Cam kết để dùng mọi sự phục vụ cho nhân vị và gia đình nhân loại trong tình liên đới.
Vậy, chúng ta hãy chung tay để làm lộ ra một thế hệ của những nhà giáo dục xác tín kiên vững rằng “Giáo dục là chuyện của con tim, chứ không phải là của cảnh sát”.

(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 27.7.2023


Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023. THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ ba, ngày 25.7.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

GIÀ & TRẺ

 
GIÀ & TRẺ
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
 
WGPMT (24.07.2023) – Chúa nhật 23/7/2023 là Ngày thế giới người cao tuổi lần thứ ba. Sau đó một tuần là Đại hội giới trẻ thế giới, tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha, từ 1 - 6/8. Hai ngày lễ sát gần nhau, một cho già, một cho trẻ.

Chủ đề hai ngày lễ cũng gần nhau, đều được rút ra từ câu chuyện Đức Maria đi thăm bà Elisabeth trong Tin Mừng Luca 1,39-56. Chủ đề của Ngày người cao tuổi là “Lòng thương xót trải từ đời nọ đến đời kia” (Lc 1,50), và chủ đề của Đại hội giới trẻ là “Đức Maria vội vã lên đường” (Lc 1,39). Chiêm ngắm cuộc gặp gỡ của hai phụ nữ này là dịp suy nghĩ về tương quan giữa người già và người trẻ.

Đức Mẹ thăm bà Elisabeth

Cô Maria lúc ấy còn trẻ lắm và bà Elisabeth đã già nên cuộc gặp gỡ giữa hai người là sự gặp gỡ giữa hai thế hệ. Ở Việt Nam trước kia trong thời nông nghiệp, thời tứ đại đồng đường, người trẻ thường xuyên gặp gỡ người già là ông bà nội ngoại, cũng như trong làng xóm. Ngày nay trong thời đại công nghiệp hóa, các gia đình trẻ ngày càng sống độc lập và riêng tư hơn, nhất là trong các thành phố lớn, nên người trẻ ít có dịp gặp gỡ người già. Hơn thế nữa, trong thời đại đề cao hiệu năng sản xuất, người ta dễ có ý nghĩ cho rằng người già đã lỗi thời và không còn hữu dụng nên không còn quan tâm đến họ nữa!

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elisabeth lại cho thấy sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ là cuộc gặp gỡ làm phong phú sự sống. Cả hai người phụ nữ lúc ấy đều mang thai, sự sống mới đang phát triển, và gắn với sự sống là niềm vui. Cũng thế, sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ làm phong phú sự sống cho cả hai bên.

Phong phú cho người già như Đức giáo hoàng Phanxicô nói: “Chúa muốn người trẻ mang niềm vui đến cho tâm hồn người già, như Đức Maria đem niềm vui tới cho bà Elisabeth… nhất là Chúa muốn chúng ta đừng bỏ rơi người già và đẩy họ ra bên lề cuộc sống như rất thường xảy ra trong thời đại chúng ta”. Qua sự gặp gỡ người trẻ, người già “hi vọng rằng kinh nghiệm của họ không bị mất đi và những ước mơ của họ có thể được hoàn thành” (Sứ điệp Ngày thế giới người cao tuổi 2023).

Phong phú cho người trẻ vì qua sự gặp gỡ này, người trẻ “học được sự khôn ngoan từ kinh nghiệm của người già”; “biết nhìn cuộc đời không chỉ trong hiện tại mà thôi, đồng thời nhận ra rằng không phải mọi sự tùy thuộc vào mình và khả năng của mình” (Ibid).

Sở dĩ cuộc gặp gỡ ấy làm phong phú sự sống vì đó là sự gặp gỡ của tình yêu và lòng thương xót. Đức Maria cảm nhận sâu xa lòng Chúa thương xót nên Mẹ hát lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,47.50). Còn bà Elisabeth nhất định đặt tên cho con là Gioan, nghĩa là “Chúa dủ lòng thương”. Từ cảm nhận về lòng Chúa thương xót, cô Maria “vội vã lên đường” đem tình thương đến cho người bà con đang cần giúp đỡ, và người bà con ấy vui mừng đón nhận vì nhìn thấy ở đó dấu chỉ của lòng Chúa xót thương.

Cuộc gặp gỡ của tình thương ấy mời gọi người trẻ ngày nay chống lại thứ văn hóa vứt bỏ: vứt bỏ thai nhi, vứt bỏ người già, vứt bỏ người nghèo và người khuyết tật. Đồng thời người trẻ được mời gọi xây đắp nền văn minh tình thương: “Ngày nay chúng ta thấy thế giới đang tự tàn phá bằng chiến tranh, vì họ không thể ngồi lại để đàm phán. Các con phải là những người có khả năng tạo ra tình bằng hữu trong xã hội” (Christus vivit, số 169).

Trong video chuẩn bị cho Đại hội giới trẻ, Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ đi thăm ông bà nội ngoại trước khi đi dự Đại hội: “Nhiều người trong các con có ông bà nội ngoại, hãy đến thăm họ và hỏi họ xem thời của họ có Ngày Giới trẻ không. Chắc chắn là không. Vậy ông bà nghĩ cháu phải làm gì? Các con hãy nói chuyện với ông bà mình và họ sẽ cho các con lời khuyên khôn ngoan”. Ngài cũng kêu gọi người cao tuổi cầu nguyện cho Đại hội giới trẻ thế giới. Thiết nghĩ đây đâu chỉ là lời khuyên cho dịp đại hội giới trẻ nhưng còn là thái độ thường xuyên nên có trong đời sống chúng ta, người già cũng như người trẻ.

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 24.7.2023


Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 22.7.2023 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

CÓ CHÚA CÙNG ĐI

CÓ CHÚA CÙNG ĐI

TGPSG -- Đầu năm 1970, gia đình tôi từ quê nội đến ở một giáo xứ công giáo toàn tòng. Khi ấy mới vào Mầm Non, tôi phải đi bộ một mình đến nhà các Sơ học lớp tình thương để chuẩn bị vào cấp Một.

Khi tôi được bảy, tám tuổi, nhà nghèo, Mẹ tôi bôn ba kiếm sống trên chiếc xe đạp đầm cũ, chất lên những bó rau muống mà từ sớm Bố tôi đã lội bùn để cắt và bó lại. Sáng sớm, Mẹ tôi đưa ra chợ sớm một chuyến để bán, còn lại chuyến thứ hai thì Bố tôi là người vận chuyển đưa rau ra cho Mẹ bán tiếp.

Vì nhà có một cái xe đạp, các em còn nhỏ, tôi chị cả là người 'phụ lơ', mỗi sáng cùng Mẹ đẩy xe đạp chở rau ra chợ. Sau khi thả rau xuống nơi Mẹ ngồi bán, tôi mới làm 'tài xế', ngồi trên khung ngang, rê chân đưa xe về cho Bố ở ruộng để hoàn tất chuyến thứ hai.

Có lần xe tôi thả dốc với tốc độ nhanh. Xe lao vun vút, lúc gặp khúc quẹo, tôi không thắng kịp và xe đã đâm thẳng vào tường. Cả người và xe lọt xuống hố, trong sự sững sờ của người đi đường. Cổ xe đạp gập ngược vào khung. Chân tay tôi bị trầy xước vì va quẹt vào bờ tường. Phải có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, xe và người tôi mới ra được khỏi hố.

Tôi đau mà không dám kêu, vẫn phải cà nhắc đi bộ xuống ruộng nói với Bố: “Xe hư rồi, Bố ơi!” Bố tôi trách vài câu, rồi lẩm bẩm: “Để đó, về sửa sau…”

Hôm đó, hai Bố con vất vả ‘vật lộn’ với chuyến rau thứ hai ra chợ cho Mẹ tôi trong ‘muộn màng’.

Hằng ngày, xong chuyến rau thứ hai là Bố tôi đi làm ở tổ Kiến thiết mây tre lá, vì cơ sở sản xuất gần nhà. Còn tôi ghé ngang chợ nhận mấy gói xôi mà Mẹ tôi dặn mối, đem về cho các em ăn sáng. Xong chị em tôi đóng cửa đi học.

Chiều đến, Mẹ tôi không quên gọi các con tắm rửa, chuẩn bị nghe chuông nhà thờ thì tự đến nhà thờ dự lễ vì nhà tôi ở gần nhà thờ. Mỗi lần đi lễ, Mẹ lại dạy cho vài ý cầu nguyện. Vì mê chơi, khi vào nhà thờ là tôi thưa ngay với Chúa, kẻo quên những ý mà Mẹ tôi xin.

Có lần tôi hỏi Mẹ: “Sao mình xin Chúa hoài vậy?” Mẹ tôi nói: “Nhà nghèo nên xin gì Chúa cũng cho!” Quả thật là đúng. Khi Mẹ tôi xin Chúa cho dùng đủ hằng ngày, thì dù khó khăn, gia đình tôi cũng đủ hai bữa cơm độn khoai hay bắp; nhờ rau bao giờ cũng bán hết trong ngày, dù sớm hay muộn.

Khi Mẹ tôi xin Chúa như ý, thì hôm sau Mẹ tôi được về sớm hơn để đi họp phụ huynh ở trường cho chúng tôi. Và còn nhiều ý khác nữa, gia đình tôi đều được ơn xin.

Cuối tuần, gia đình tôi cùng nhau tham dự Thánh lễ Chúa Nhật để tạ ơn Chúa. Vì thế tuổi thơ tôi, Chúa luôn là Ông tiên trong Cổ tích.

Việc đạo đức tôi được gia đình hướng dẫn từ nhỏ, sau lớn khôn dần, tôi vẫn giữ và hiểu câu: “Làm bởi bay, Ban bởi Ta!”

Tôi còn nhớ có câu hát có lẽ của Lm Roco Nguyễn Duy: “Chúa dựng nên con chẳng cần đến con, nhưng cứu độ con Ngài cần con đáp lời”. Thật vậy! Cuộc sống kiếp lữ hành, nếu chúng ta cặm cụi đi, đi không có điểm dừng, chúng ta sẽ mau gục ngã. Nhưng một khi nhận ra Chúa là nguồn trợ lực và là chính cùng đích, dù có bước đi trong đêm tối của cuộc đời, chúng ta vẫn bình an vì luôn có Chúa đồng hành. 
 
Trinh Nguyên
(WGPSG)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 13, 24-43)


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 22.7.2023


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 21.7.2023


Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 15 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 19.7.2023 
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

TÂM HỒN NHƯ ÁNH TRĂNG: NGUYỆT

 

TÂM HỒN NHƯ ÁNH TRĂNG: NGUYỆT

TGPSG -- Một buổi chiều bầu trời mát mẻ thoáng đãng, như thường lệ tôi đang chuẩn bị đi lễ thì nhận được điện thoại của em Hường, người coi sóc Mái ấm Hà Đông:
  • Chị ơi, chút chị có bận gì không? - Hường hỏi.
  • Không, Hường, mình chỉ đi nhà thờ thôi. - Tôi trả lời.
  • Vậy tốt quá, lát khoảng 7 giờ có Sơ đến gửi một bé gái bị tiểu đường bẩm sinh đang biến chứng, có hoàn cảnh rất khó khăn, mà em lại đang đi công việc về không kịp. Chị qua mái ấm tiếp nhận giúp em với, chị nhé!
  • Ok, Hường! Lát 7 giờ mình qua.
Tôi nghĩ những công tác như mọi lần, mái ấm là nơi các bệnh nhân cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt và khó khăn, được các Cha, các Sơ ở các nơi đón nhận, xác minh và gửi gắm về đây để được đưa đi bệnh viện, hỗ trợ nơi ăn chốn ở trong thời gian điều trị bệnh.

Có những ca ra về trong ngày, những ca ngắn ngày và cả những ca dài hạn như ung thư, mãn tính như thận, gút, biến chứng tiểu đường, hay đại phẫu phục hồi như tim, não, tai nạn tổn thương thân thể… đều được đón tiếp với sự yêu thương và chăm sóc hết lòng của em Hường và các cô chú anh chị đồng hành trong ban Caritas Tổng Giáo Phận, cùng sự hướng dẫn từ các Sơ quản lý mái ấm. Tôi nghĩ lần này cũng là một trường hợp rất điển hình như mọi khi.

Tan lễ, tôi chạy xe xuống mái ấm. Nhà tôi cách mái ấm chưa tới cây số, rất thuận tiện chạy qua chạy lại đồng hành cùng em Hường hỗ trợ các bệnh nhân đến đây.

Mái ấm nằm cuối con đường ôm sát bờ kênh, yên tĩnh giữa một khu dân cư giàu có và mát mẻ vì đón được những cơn gió từ kênh đưa vào lúc chiều tà thế này.

Sắp xếp bàn ghế xong, tôi chờ 5-7 phút thì có ba xe máy chạy đến. Ra cửa đón, tôi chào hai Sơ, một Thầy và hai chị em em Nguyệt - tên cô bé được gửi đến đây. Sơ chia sẻ riêng với tôi:
  • Nguyệt phát hiện bị bệnh tiểu đường khi 12 tuổi, đến nay đã hơn 10 năm rồi, giờ mắt đã bắt đầu mờ do biến chứng. Gia cảnh rất khó khăn, Nguyệt là con riêng của mẹ với một người đàn ông đã có gia đình. Cha không nhận, mẹ thì đi bước nữa và lo cho gia đình riêng. Nguyệt lớn lên trong tình thương của Ngoại. Nhưng giờ Ngoại bệnh già không thể tiếp tục lo cho em được. Đi cùng với Nguyệt là người chị cùng mẹ khác cha với em. Chị ấy cũng khó khăn và có gia đình riêng phải lo toan, nên thi thoảng chỉ có thể cho em chút ít tiền tiêu vặt và đến chăm sóc em khi em bệnh.
Tôi tiếp nhận thông tin, và làm quen với em, giới thiệu với em về cách sinh hoạt tại mái ấm… Em còn chút e dè và chưa dám mở lòng. Sơ, Thầy và chị gái cố gắng động viên em…

Tôi nói với em: Có tivi kết nối mạng để em xem, có đàn piano em có thể tập chơi, phía sau nhà có vườn rau gần bờ sông và ít cây trái em có thể thong dong chăm sóc nếu thích…

Em nghe hào hứng hơn và em cười… Trong đôi mắt em, có thoáng chút buồn, chút chơi vơi, xen lẫn… Có lẽ, không còn người thân bên cạnh, em hiểu mình phải lựa chọn cách sống vui tươi cho chính mình trong những ngày tháng sắp tới.

Em đã đến mái ấm Hà Đông như thế. Và sau đó, bất cứ ai đến mái ấm cũng nghe thấy lời chào lảnh lót, lễ phép, đầy năng lượng của em. Sự yêu đời luôn thể hiện trên môi, dù đôi mắt em tắt dần ánh sáng mỗi ngày.

Em học thêm tiếng Anh trên chiếc điện thoại chị em mua cho. Em phụ giúp làm bánh, nấu ăn, chia sẻ, giúp đỡ các bệnh nhân mới tới, và làm bất cứ công việc nào cần ở mái ấm.

Thời gian trôi qua, một năm rồi hai năm, ba năm… mắt Nguyệt đã không còn thấy nữa. Em cũng ở đã đủ lâu để quen hết mọi ngóc ngách tại mái ấm, nên vẫn có thể tự lo lấy cho mình mà không phiền đến bất cứ ai.

Mắt không còn ánh sáng, nhưng em vẫn lạc quan, luôn tích cực và vui tươi. Em vẫn là em, không than vãn, không oán trách, luôn biết ơn mỗi ngày sống, mỗi người gặp, và mọi điều đến với em.

Rồi một hôm, tôi nhận điện thoại của Hường: 
  • Chị ơi, chị có bận gì không? Giúp em đưa Nguyệt qua bệnh viện 175 khám, do đường em ấy lên cao quá. Cả đêm qua trong người Nguyệt nóng như đốt, nhức nhối không ngủ được.
Tôi chạy qua chở Nguyệt đi. Đôi mắt long lanh, nụ cười trên môi, em lễ phép chào tôi.

Vào bệnh viện, tôi dắt em đi khám. Mọi người nhìn em thương cảm và ái ngại. Chúng tôi cũng phải chờ đợi. May mắn bác sĩ khám cho em rất ân cần và cho kiểm tra rất kỹ lưỡng, quyết định cho em nhập viện vì chưa kiểm soát được đường huyết.

Trên đoạn đường dẫn em qua khu nội trú, tôi hỏi thăm em: 
  • Đường vẫn lên cao, em cảm giác khó chịu như thế nào vậy em?
  • Dạ, mỗi lần đường lên cao quá, người nóng như lửa đốt chị ạ. Có lúc muốn sảng luôn.
  • Ở mái ấm, em ăn chế độ riêng phải không?
  • Dạ, em không ăn tinh bột nhiều. Đồ hấp luộc, rau củ là chính.
  • Giờ em có thèm ăn món gì không?
  • Cũng may là mắt em không thấy đường lâu rồi, nên em biết ít món, cũng đỡ thấy thèm thuồng, chị ạ.
Tôi cảm thấy cay khóe mắt, một cảm giác vừa xót xa vừa khâm phục em.

Em đã dạy cho tôi thấy bàn tay Chúa quan phòng yêu thương em dường bao. Em không buồn đau vì mất đi ánh sáng mà đó lại trở thành điều may lành cho em để em không phải thèm những của ăn rất đa dạng ngoài kia.

Thực sự tôi nào giúp được gì cho em ấy. Tôi còn mù hơn sự không nhìn thấy của em. Em giúp tôi thấy những hồng ân bao la tôi nhận được trong từng giây phút, vậy mà tôi vẫn cứ coi đó như là điều tất yếu tự nhiên, như không có gì đáng kể vậy!

Sự sống là vô giá Chúa đã ban cho tôi, rồi sức khỏe với đầy đủ ngũ quan, tôi cứ nghĩ là bình thường, nhưng thật ra rất nhiều người mong ước có mà không được.

Nguyệt đã dạy cho tôi: dù bất cứ điều gì xảy đến, cũng hãy luôn cảm tạ Chúa vì chương trình tuyệt vời nhất Chúa luôn dành cho mỗi người chúng ta…

Nguyệt đã chuyển đến một nơi khác để được các Sơ chăm sóc trong những ngày cuối cuộc đời. Hai mươi mấy năm có mặt trên cuộc đời này, Nguyệt luôn yêu đời, lạc quan, sống tích cực với những ai từng tiếp xúc với em… Em đã sống cuộc đời lung linh, tỏa sáng dịu dàng như ánh trăng, như chính tên của em: Nguyệt…

Nguyễn Thị Phương Thảo (TGPSG
(WGPSG)