22 Tháng BaMột ngày kia, trái tim, bộ óc và cái lưỡi đồng ý với nhau là sẽ không bao giờ nói những lời đơn sơ nhỏ bé nữa.
Trái Tim, Bộ Óc Và Cái Lưỡi
Trái tim phát biểu: "Những lời đơn sơ nhỏ bé chỉ làm bận rộn ta thôi. Chúng làm cho ta trở nên yếu đuối. Sống trong thời buổi này trái tim phải trở nên cứng rắn, cương quyết, chứ không thể mềm nhũn dễ bị xúc động được".
Bộ óc biểu đồng tình: "Vâng, đúng thế, thời buổi này chỉ có những tư tưởng cao siêu, những công thức tuyệt diệu, những chương trình vĩ đại mới đáng cho bộ óc suy nghĩ tới. Những lời đơn sơ nhỏ bé chỉ làm mất thời giờ, mà thời giờ là vàng bạc".
Cái lưỡi nghe trái tim và bộ óc nói thế không khỏi hãnh diện và tự cảm thấy mình trở nên rất quan trọng, mặc dù lưỡi chỉ là bộ phận bé nhỏ của thân thể, vì thế lưỡi cũng hội ý: "Hai anh quả thật đã đạt được tột đỉnh của sự khôn ngoan. Nếu hai anh nghĩ thế thì, tôi sẽ chỉ nói những danh từ chuyên môn, những câu nói văn hoa bóng bẩy, những bài diễn văn sâu sắc, hùng hồn".
Như đã đồng ý, kể từ dạo ấy, trái tim chỉ gửi lên lưỡi những lời nói cứng cỏi, bộ óc chỉ sản xuất và gửi xuống lưỡi những tư tưởng cao siêu và lưỡi sẽ không còn nói những lời đơn sơ nhỏ bé nữa.
Với thời gian, mặt đất trở nên tẻ lạnh như cảnh vật vào mùa đông: Không có lấy một chiếc lá xanh, không còn một cánh hoa đồng nội và lòng người cũng trở nên chai đá như những thửa ruộng khô cằn, nứt nẻ trong những tháng hè nóng bức.
Nhưng những ông già, bà cả vẫn còn nhớ những lời đơn sơ nhỏ bé. Ðôi lúc miệng họ vô tình bật phát nói ra chúng. Lúc đầu họ sợ bị bọn trẻ chê cười. Nhưng kìa, thay vì cười chê, những lời nói đơn sơ nhỏ bé lại được truyền từ miệng này sang miệng khác, từ bộ óc này đến bộ óc khác, từ trái tim này qua trái tim nọ. Cuối cùng, chúng xuất phát như những chiếc hoa phá tan lớp tuyết giá lạnh để ngoi lên làm đẹp cuộc đời.
Câu chuyện trên không tiết lộ những lời đơn sơ nhỏ bé là gì, nhưng chúng ta có thể đoán: đó có thể là hai chữ: "Xin lỗi!", thốt lên để xin nhau sự tha thứ.
Hay đó là lời chào vắn gọn: "Mạnh giỏi không?" đồng nghĩa với câu hỏi: "Tôi có thể làm gì được cho anh cho chị không?".
Nhất là hai tiếng : "Cám ơn!" thốt lên chân thành từ cửa miệng của những kẻ được giúp đỡ, của những con người mang công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, hay của những vợ chồng trung tín chia sẻ với nhau những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống hoặc của những người được bạn bè đỡ nâng sau những thất bại ê trề hay sau những lần vấp ngã.
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010
LẼ SỐNG 22.3
Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010
TĨNH TÂM GIỚI TRẺ MÙA CHAY 2010
THÁNH LỄ TĨNH TÂM GIỚI TRẺ MÙA CHAY 2010
Chúa Nhật 21-3-2010 vào lúc 19g00 Thánh Lễ Tĩnh Tâm dành cho giới trẻ Giáo Xứ Thuận Phát do Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Sàigòn dâng Thánh Lễ và giảng. Các bạn trẻ tham dự khá đông.
Mời các bạn NGHE BÀI GIẢNG (xin kéo thanh trượt bên phải để chon bài nghe).
Sau Phép Lành cuối Lễ hai bạn trẻ đại diện cho giới trẻ Giáo Xứ Thuận Phát nói lời cám ơn Cha và trao tặng Cha bó hoa tươi để tỏ lòng tri ân Cha đã không quản ngại đường xá xa xôi, đã bớt thời gian nghỉ ngơi quý báu để đến dâng Thánh Lễ và chia sẻ tâm tình thống hối Mùa Chay, lòng thương yêu tha thứ, mở đường chỉ lối cho các bạn trẻ con đường quay trở về với Thiên Chúa Tình Yêu luôn luôn chờ đón những đứa con tội lỗi trở về và tha thứ tất cả.
Đại diện giới trẻ cũng không quên cám ơn Cha Sở, Quý Soeur đã quan tâm đặc biệt đến giới trẻ nên Cha đã cất công mời Cha khách đến dâng Thánh Lễ và giảng Tĩnh Tâm giúp cho các bạn trẻ dọn tâm hồn xứng đáng để đón nhận Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh. Sau Thánh Lễ các bạn trẻ đã ngồi lại sinh hoạt chung khoảng 30 phút.
Ban Mục Vụ Giới Trẻ Thuận Phát mời gọi các bạn trẻ tham gia các hoạt động của Giáo Xứ trong dịp Đại Lễ Mừng Chúa Phục Sinh sắp tới và tham gia chương trình Đại Hội Giới Trẻ. 20 giờ 45 chương trình kết thúc.
Xem thêm hình TẠI ĐÂY.
Hữu Toàn tường trình .
LẼ SỐNG 21.3
21 Tháng Ba
Hãy Ðếm Những Vì Sao!
Hãy Ðếm Những Vì Sao!
Trong cuốn truyện thuộc loại tự thuật, một người cha ghi lại câu chuyện và những ý nghĩ sau đây:
Một đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo: "Bố ơi, con sẽ đếm xem trên trời có mấy ngôi sao". Sau đó, tôi nghe giọng nói êm đềm, dễ mến của con tôi bắt đầu đếm: 1, 2, 3, 4... rồi tôi chú tâm vào việc đọc báo, không còn để ý đến những tiếng đếm của nó nữa. Ðến khi đọc xong bài báo, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng đứa con gái tôi vẫn tiếp tục đếm: 223, 224. Ðếm đến đây nó ngừng lại quay sang tôi bảo: "Bố ơi, con không dè trên trời có nhiều sao đến thế".
Nghe con bình luận như trên, tôi chợt nhớ: Thỉnh thoảng tôi cũng thầm nói với Chúa: "Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành Chúa ban". Và càng đếm hình như trái tim tôi càng cảm thấy thổn thức, không phải vì âu sầu nhưng vì bị nhiều hồng ân đè nặng. Và tôi cũng thường bật lên lời bình luận như đứa con gái của tôi: "Lạy Chúa, con không dè đời con có nhiều ơn Chúa đến thế!"
Một trang nhật ký kia cũng mang một nội dung tương tự như những tư tưởng trên: Nếu có ai đưa tôi một đĩa đầy cát và bảo tôi tìm những mảnh sắt bé nhỏ nằm lẫn lộn trên cát, thì với đôi mắt và những ngón tay, tôi khó có lòng tìm ra được những mảnh sắt ấy. Nhưng với một thỏi nam châm tôi có thể dễ dàng và mau lẹ hút ra những vụn sắt nhỏ li ti trộn lẫn trong cát.
Một trái tim vô ân có thể so sánh với đôi mắt trần và những ngón tay vụng về của tôi mò mẫm trên đống cát, không tìm ra những ơn lành Thiên Chúa ban. Nhưng với một trái tim biết ơn, có thể so sánh với một thỏi nam châm, tôi có thể lướt nhanh qua mỗi giây phút của một ngày sống và khám phá ra nhiều hồng ân của Thiên Chúa, với một sự khác biệt là những mảnh sắt nhỏ trong đống cát của Thiên Chúa là những vật quý giá hơn vàng.
Nhiều người sống hời hợt nên thấy cuộc đời cũng như những biến cố xảy ra hằng ngày và những cảnh vật chung quanh mang toàn đen tối và vô giá trị như đất cát. Nhưng với những người sống có chiều sâu, các biến cố, những vật chung quanh, dầu tầm thường nhỏ bé đến đâu cũng là dịp để họ suy niệm và dâng lời cảm tạ: Một nụ hoa hồng chớm nở, những tia nắng trinh nguyên của một buổi sáng đẹp trời, một cái bắt tay thông cảm, một cử chỉ tha thứ, một sự giúp đỡ nho nhỏ.
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
AUDIO THÁNH LỄ CN 5 MÙA CHAY.C
Audio Thánh Lễ Chúa Nhật V Mùa Chay năm C . Thánh vịnh tuần I . Is 43,16-21 ; Pl 3,8-14 ; Ga 8,1-11. Có thể dùng bài đọc ( với bài tiền tụng ) năm A ; Ed 37,12-14 ; Rm 8,8-11 ; Ga 11,1-45 (hay Ga 11,3-7.17.20-27.33b-45).
Cha Chánh Xứ Dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY và kéo thanh trượt bên phải để chọn bài nghe .
Hữu Tòan.
Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010
LẼ SỐNG 20.3
20 Tháng Ba
Ánh Sáng Ðô Thị
Ánh Sáng Ðô Thị
Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và cũng có lẽ là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề là: "Ánh sáng đô thị". Ðó là câu chuyện tình của một gã lang thang và một cô gái bán hoa.
Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua hoa của nàng. Cô gái bán hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành tật mù lòa của nàng.
Nhưng chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát giam giữ. Sau một thời gian cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng. Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Người con gái cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: "Cô đã thấy được rồi sao??". Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc. Nàng từ từ nhặt cánh hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: "Anh đấy sao?". Thế là cả hai đã nhận ra nhau và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa?
Cuộc gặp gỡ trong bất cứ một cuộc tình nào cũng là hình bóng của cuộc gặp gỡ trong đức tin giữa chúng ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta là những con người có tự do. Do đó Thiên Chúa không nói với chúng ta bằng một ngôn ngữ nào khác hơn là tình yêu. Tình yêu không bao giờ là một cưỡng bách, nhưng là một mời gọi tự do.
Những người Do Thái thời Chúa Giêsu đòi hỏi những dấu lạ, những bằng chứng hiển nhiên về sứ mệnh của Ngài. "Ông hãy làm cho chúng tôi một dấu lạ".
Ngày nay thì trái lại, với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người dường như không còn tin ở phép lạ nữa. Tưởng mình có thể chế ngự và làm chủ vũ trụ, con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Chúng ta có thể ngạc nhiên tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ nhãn tiền cho những người biệt phái hay cho những kẻ vô thần ngày nay. Tại sao Ngài không viết tên Ngài trên trời để xóa tan mọi nghi ngờ trong lòng người? Thiên Chúa có lối sư phạm của Ngài. Ngài đã không là Thiên Chúa của những điềm lạ cả thể, nhưng là một Thiên Chúa đã chọn lựa làm tôi tớ để chinh phục tình yêu và lòng tín nhiệm của con người. Thiên Chúa không những là một Thiên Chúa của quyền năng ở bên trên con người, nhưng còn là Thiên Chúa ở bên trong con người. Và, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là dấu lạ cả thể nhất, bởi vì đó là dấu chứng của tình yêu? Chúa Giêsu đã nói đến dấu chứng đó khi dùng hình ảnh của tiên tri Giona. Giona được Thiên Chúa sai đến cho dân thành Ninivê. Ông tưởng Chúa sẽ dùng ông để làm một dấu lạ cả thể khiến dân thành sẽ tin vào sứ mệnh của ông. Nhưng cuối cùng, qua con người của ông, Thiên Chúa chỉ kêu mời sự hoán cải và tình yêu.
Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta qua những sinh hoạt và những biến cố tầm thường nhất trong cuộc sống. Ngài mời gọi chúng ta nhận ra Ngài trong cái ăn, cái uống, cái mặc, trong tiếng cười, tiếng khóc, trong tất cả mọi gặp gỡ của chúng ta với tha nhân? Và ngay cả trong cái chết mà con người cho là điểm cuối cùng của cuộc sống, Thiên Chúa cũng có mặt.
Nhận ra Ngài như cô gái bán hoa đã nhận ra giọng nói của chàng Charlot, đó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Một đức tin trưởng thành không đòi hỏi và thử thách Thiên Chúa, nhưng tín thác và nhận ra dấu chỉ của Ngài qua những cái tầm thường nhất của cuộc sống.
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010
THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG GIÁO KHU 2 - GIUSE
Chiều ngày thứ Sáu 19-3-2010 vào lúc 17g30 Thánh lễ Kính Thánh Giuse, Mừng Bổn Mạng Giáo Khu 2 (Giuse) do Cha Chánh Xứ dâng Lễ. Các Soeurs, HĐMVGX, Các Hội Đoàn, các gia đình thuộc Giáo Khu 2 và cộng đoàn trong Giáo Xứ tham dự Thánh Lễ rất đông. Trong tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa và với nghi thức Dâng Lễ Vật của cộng đoàn Giáo Khu 2 đã thể hiện lòng Kính Mến của con cái đối với Chúa Cha và Tình Mến Yêu Thánh Cả Giuse đã hằng luôn che chở, phù hộ và sẳn sàng chuyển lời cầu xin, những ước nguyện của đoàn con lên cùng Thiên Chúa. Sau Thánh Lễ Ông Trùm Giáo Khu 2 và cộng đoàn trong Giáo Khu cám ơn Cha Chánh Xứ đã dâng Thánh Lễ và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời trong GK .
19g30 cùng ngày Cha Chánh Xứ, các Soeurs, HĐMVGX, các hội đoàn cùng tề tựu tại Tượng Đài Thánh Giuse trong khuông viên Tu Viện MTG Thuận Phát để dâng giờ Kinh kính Thánh Giuse. Đây là một truyền thống tốt đẹp của cộng đoàn Giáo Xứ Thuận Phát. Sau giờ Kinh Ông Trùm Khu ngỏ lời cám ơn đến Cha Chánh Xứ, các Soeurs, HĐMVGX và cộng đoàn đã tham dự Thánh Lễ, dâng lời cầu nguyện cũng như tạo điều kiện giúp Giáo Khu tổ chức Lễ Bổn Mạng tốt đẹp. Kết thúc giờ Kinh cộng đoàn dùng trà bánh, chung vui cùng cộng đoàn GK 2 theo lời mời của Ông Trùm Khu.
19g30 cùng ngày Cha Chánh Xứ, các Soeurs, HĐMVGX, các hội đoàn cùng tề tựu tại Tượng Đài Thánh Giuse trong khuông viên Tu Viện MTG Thuận Phát để dâng giờ Kinh kính Thánh Giuse. Đây là một truyền thống tốt đẹp của cộng đoàn Giáo Xứ Thuận Phát. Sau giờ Kinh Ông Trùm Khu ngỏ lời cám ơn đến Cha Chánh Xứ, các Soeurs, HĐMVGX và cộng đoàn đã tham dự Thánh Lễ, dâng lời cầu nguyện cũng như tạo điều kiện giúp Giáo Khu tổ chức Lễ Bổn Mạng tốt đẹp. Kết thúc giờ Kinh cộng đoàn dùng trà bánh, chung vui cùng cộng đoàn GK 2 theo lời mời của Ông Trùm Khu.
Mời xem thêm hình ảnh TẠI ĐÂY .
Hữu Toàn tường trình
MỪNG BỔN MẠNG 19.3
Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010
LẼ SỐNG 19.3
19 Tháng Ba
Người Công Chính
Người Công Chính
"Ông Giuse, bạn bà là kẻ công chính và không muốn làm ố danh bà, nên đã định bỏ bà cách kín đáo".
Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của vị thánh mà Giáo hội mừng kính hôm nay: Thánh Giuse, bạn Ðức Trinh Nữ Maria, bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
Ðược Tân Ước gọi là "công chính", Thánh Giuse không những là người đã giữ đức công bình và trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng và một người cha.
Ðược gọi là "công chính", theo ý nghĩa của Kinh Thánh, là được Thiên Chúa công chính hóa, được Thiên Chúa cho tham dự vào sự công chính, sự thánh thiện của Người. Vì thế, người được công chính hóa xứng đáng để Thiên Chúa yêu thương, thương yêu thật sự vì Thiên Chúa không bao giờ đóng kịch, giả vờ như người nào đó đáng được thương yêu nhưng trong thực tế không phải thế.
Trong chiều hướng tư tưởng này, gọi thánh Giuse là kẻ công chính, Kinh Thánh muốn nói là: Ngài được Thiên Chúa công chính hóa và được Thiên Chúa yêu thương vì thật sự Ngài xứng đáng. Lần giở lại những trang Tân Ước có liên quan đến Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay những đặc tính làm cho Ngài xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương.
Trước tiên, là đặc tính hoàn toàn vâng phục Thánh ý Chúa. Trong trường hợp cuộc đời Thánh Giuse, Tân Ước diễn tả Thiên Thần là người thông báo cho Ngài biết ý Chúa. Vì thế, nghe lời Thiên Thần truyền, Thánh Giuse đã bỏ ý định ly dị Ðức Maria cách kín đáo. Ngược lại, Giuse đã trỗi dậy ngay trong đêm khuya để đem Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập cũng như đem Con Trẻ và Mẹ Người về nước Israel, đến sinh sống tại thành Nagiaréth và âm thầm nhưng ân cần lấy sức lao động nuôi sống gia đình trải qua những tháng năm dài sau đó.
Tiếp đến Tân Ước nhắc đến Thánh Giuse trong biến cố thất lạc và tìm gặp Ðức Giêsu trong đền thánh. Qua đó chúng ta khám phá ra một đặc tính khác của Ngài hay nói đúng hơn một đặc tính mà các thánh ký viết Phúc Âm chú ý nhấn mạnh nơi Thánh Giuse: Không một lời nói nào của Ngài được ghi lại trong Tân Ước. Nhưng Thánh Giuse đã hùng hồn nói trong hành động, những hành động xem ra vô lý và đầy nguy hiểm, nhưng Ngài đã khiêm tốn, can đảm và kiên trì làm để thực hiện hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa.
Qua đó, Thánh Giuse xứng đáng là chủ gia đình của Nagiaréth, một gia đình thánh thiện, vì gồm ba tâm hồn luôn sẵn sàng lắng nghe và thực hành những gì Thiên Chúa muốn. Và cũng qua đó, Thánh Giuse trở nên công chính, được Thiên Chúa thực sự yêu thương.
Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa đã trao tặng Thánh Giuse cho gia đình Nagiaréth và đặc biệt cho Giáo Hội Việt Nam. Nhờ lời cầu bàu cho Thánh cả Giuse, xin Chúa chúc lành cho những người chồng, cho những người cha, giúp họ can đảm và kiên tâm chu toàn bổn phận trong gia đình. Xin Chúa cũng chúc lành cho mọi gia đình và Giáo Hội Việt Nam, giúp mọi người sống xứng đáng với ơn gọi làm chứng nhân cho tình yêu Chúa.
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
LẼ SỐNG 18.3
18 Tháng Ba
Ðất Thánh
Ðất Thánh
Một giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có được một ngôi nhà thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng... Với sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời kêu gọi của các chức sắc trong giáo xứ: kẻ góp tiền, người cho vật dụng... Thế nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất nhà thờ. Người trong làng này thì muốn ngôi nhà thờ tọa lạc trong làng của mình. Người bên làng kia thì lại muốn ngôi nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền đã có sẵn, vật dụng cũng đã đầy đủ, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên bên làng nào. Giữa lúc vấn đề địa điểm chưa ngã ngũ, thì một vấn đề lớn lại xảy ra: một nạn hạn hán trầm trọng đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Nhưng sức người có hạn, việc dẫn thủy nhập điền không đạt được chỉ tiêu. Năm đó, toàn dân trong hai làng đều phải chịu cảnh đói khát.
Sống bên cạnh nhau, cho nên mặc dù ngăn cách về hành chính, dân hai làng vẫn coi nhau như bà con ruột thịt... Có hai gia đình nông dân nọ rất mực thương nhau và tương trợ nhau. Một người bên làng này luôn nghĩ đến cảnh đói khổ mà người bạn bên làng kia đang phải chịu. Thế là một đêm nọ, anh đã phân chia phần lúa thóc thu hoạch được trong vụ mùa vừa qua và lặng lẽ vác lên vai để mang qua cứu trợ người bạn của làng bên cạnh... Trong khi đó thì người bạn bên làng bên cạnh cũng có một ý nghĩ tương tự. Anh cũng hành động y như người bạn của mình. Cũng chính đêm hôm đó, anh đã sớt bớt phần lúa của mình để mang qua biếu người bạn ở làng kế bên... Giữa đêm tối, không hẹn hò, hai người bạn đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi, hai người đã hiểu nhau: Họ bỏ bao lúa xuống đất và ôm trầm lấy nhau... Ðiểm gặp gỡ của tình bạn, của tình tương thân tương ái, của tình liên đới, của chia sẻ ấy đã được giáo dân của hai ngôi làng gọi là đất Thánh và không cần phải mất nhiều thủ tục để giải quyết, họ đã đồng thanh chọn địa điểm ấy làm nơi xây cất nhà thờ.
Nhà thờ là nơi hẹn hò: hẹn hò với Thiên Chúa, hẹn hò với con người. Không ai đến nhà thờ mà không tìm gặp được sức mạnh từ chính Chúa, sự an ủi đỡ nâng từ những người anh em của mình... Do đó, nhà thờ phải là điểm đến của mọi nẻo đường, nhà thờ phải là nơi hội tụ của mọi xây dựng, nhà thờ phải là giải đáp của mọi tranh luận... Người ta không thể xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ mà lại làm ngơ trước những người đang dẫy chết bên cạnh. Người ta không thể nhắm mắt đi đến nhà thờ trong khi bên lề đường có bao nhiêu kẻ lê lết trong đói khổ... Phải chăng, nhà thờ chỉ có thể xây dựng ngay chính trên đất Thánh của chia sẻ, của san sớt, của tình liên đới mà thôi? Phải chăng, việc đi đến nhà thờ cũng chỉ có ý nghĩa khi nó là điểm đến, là biểu trưng của chính những viên gạch bác ái mà người ta không ngừng xây dựng trong cuộc sống hằng ngày?
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn : thanhlinh.net)
CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 19.3
Cha Chánh Xứ
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ
Các Đoàn Thể, Các Nhóm Tông Đồ
và Toàn Thể Cộng Đoàn Dân Chúa
GIÁO XỨ THUẬN PHÁT
Hân Hoan Chúc Mừng Bổn Mạng
HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Giuse, ban cho Quý Soeur muôn ngàn hồng ân để Quý Soeur vững bước trên hành trình phục vụ theo tinh thần Thánh Bổn Mạng :
KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤPHÓ THÁC KHÔN NGOAN
Cầu chúc Hội Dòng - đặc biệt là Cộng Đoàn MTG Thuận Phát - ngày càng phát triển vững mạnh và phát sinh nhiều hoa trái tốt lành trên bước đường phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội.
Mời xem hình TẠI ĐÂY.
Mời xem hình TẠI ĐÂY.
Giáo xứ Thuận Phát
18.3.2010
Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010
LẼ SỐNG 17.3
17 Tháng Ba
Chia Sẻ Ánh Sáng Cứu Ðộ
Chia Sẻ Ánh Sáng Cứu Ðộ
Ngày xưa có một người cha có ba đứa con trai. Ông vốn sinh ra nghèo khổ, nhưng nhờ chuyên cần làm việc và cần kiệm, nên ông trở nên một điền chủ giàu có. Lúc về già, gần đất xa trời, ông nghĩ tới chuyện chia gia tài cho các con. Nhưng ông cũng muốn xem đứa con nào thông minh nhất để phó thác phần lớn gia sản của ông cho nó. Ông liền gọi ba đứa con đến giường bệnh, trao cho mỗi đứa năm đồng bạc và bảo mỗi đứa hãy mua cái gì có thể lấp đầy căn phòng trơ trọi mà ông đang ở.
Ba đứa con vâng lời cha cầm tiền ra phố. Người anh cả nghĩ rằng đây chỉ là một công việc dễ dàng. Anh ta ra tới chợ mua ngay một bó rơm rất lớn mang ngay về nhà. Người con thứ hai suy nghĩ kỹ lưỡng hơn: sau khi đi rảo quanh chợ một vòng, anh ta quyết định mua những bao lông vịt rất đẹp mắt.
Còn người con trai thứ ba, suy nghĩ đi, suy nghĩ lại: làm sao mua được cái gì với năm đồng bạc này, để có thể lấp đầy căn phòng lớn của cha mình. Sau nhiều giờ đắn đo, bỗng mắt chàng thanh niên hớn hở, anh ta lại căn tiệm nhỏ mất hút trong đường nhỏ gần chợ, anh ta mua cây đèn cầy và một hộp diêm. Trở về nhà, anh hồi hộp, không biết hai anh mình đã mua được cái gì.
Ngày hôm sau, cả ba người con trai đều họp lại trong phòng của cha già. Mỗi người mang quà tặng của mình cho cha: Người con cả mang rơm trải trên nền nhà của căn phòng, nhưng phòng quá lớn, rơm chỉ phủ được một góc nền nhà. Người con thứ hai mang lông vịt ra, nhưng cũng chỉ phủ được hai góc của căn phòng. Người cha có vẻ thất vọng. Bấy giờ người con trai út mới đứng ra giữa phòng, trong tay chẳng mang gì cả. hai người anh tò mò chăm chú nhìn em, và hỏi : "Mày không mua cái gì sao?". Bấy giờ đứa em mới từ từ rút trong túi quần ra một cây nến và hộp diêm. Thoáng một cái, căn phòng đầy ánh sáng. Mọi người đều mỉm cười. Người cha già rất sung sướng vì quà tặng của đứa con út. Ông quyết định giao phần lớn ruộng đất và gia sản của mình cho con trai út, vì ông thấy anh ta đủ thông minh để quản trị gia sản của mình và nhờ đó cũng có thể giúp đỡ các anh của nó nữa.
Ðứng trước khó khăn thử thách, để kêu gọi sự bình tĩnh sáng suốt và tinh thần hợp tác, người ta thường nói với nhau: thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.
Cuộc sống của mỗi người chúng ta, cuộc sống của những người xung quanh chúng ta, cuộc sống của xã hội chúng ta có lẽ cũng giống như một căn phòng đen tối... Chỉ cần một người đốt lên một chút ánh sáng, những người xung quanh sẽ cảm thấy ấm cúng và phấn khởi.
Một chút ánh sáng của một cái mỉm cười. Một chút ánh sáng của một lời chào hỏi. Một chút ánh sáng của một san sẻ. Một chút ánh sáng của tha thứ. Và một chút ánh sáng của niềm tin được chiếu tỏa qua sự vui vẻ chấp nhận cuộc sống... Một chút ánh sáng ấy cũng đủ để nâng đỡ ít nhất là một người mà chúng ta gặp gỡ, bởi vì không có một nghĩa cử nào được thực thi mà không ảnh hưởng đến người khác...
Trích sách Lẽ Sống
(nguồn thanhlinh.net)
Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010
NHỚ CHA CỐ ANTÔN THÂN YÊU
Kỉ niệm 7 năm ngày giỗ Cha cố Antôn kính yêu (23-3), tôi có 1 bài thơ xem như những dòng tâm sự. Xin gửi đến người Cha thân yêu...
NHỚ MÃI NGƯỜI CHA THÂN YÊU
Thắm thoát qua đã "ấy" năm rồi nhỉ?
Con hồi tưởng chặng đường năm xưa đó
Cha cùng đoàn Thuận Phát tạm chia tay
Chân Thánh tượng, Cha con cùng cầu nguyện
Cho đoàn an bình suốt quãng đường đi
Cha cẩn thận điểm danh từng người một
Đủ đầy rồi tất cả mới lên xe
Tạm biệt nhé ! 6 giờ xe chuyển bánh
Lịch hành trình cha hướng dẫn giờ kinh
Sáng ban mai là lời kinh dâng Mẹ
14 giờ đàng Thánh Giá gẫm suy
Chiều cảm tạ khi hoàng hôn buông xuống
Đêm đầu tiên ghế xe thay giường ngủ
Cha cùng đoàn ru giấc ngủ chập chờn
Tuy vất vả nhưng muôn lòng mong mỏi
Được đặt chân đến đất Mẹ bình yên
Chiều Đại Lãnh nước trong xanh mát lạnh
Bước chân trần, Cha con cùng dạo cát
Nhìn trời cao và biển rộng bao la
Hơn 1 giờ xe chầm chậm lên đèo
Ôi! Hải Vân tên nghe thơ mộng quá!
Qua đèo rồi, đoàn mới thật an tâm
Ngày 12 tạm dừng nơi Trà Kiệu
Vì cha già sức khoẻ đã giảm suy
Tuổi hạt cao thấm mệt bởi đường dài
Nơi núi Mẹ cả đoàn chung một ý
Lời cầu khẩn Mẹ đã thương chấp nhận
12 giờ chia tay Cha chánh xứ
Xin cảm ơn giếng nước ngọt trong lành
17 giờ, đây rồi Đại Chủng Viện
Cha Gioan tiếp đón rất ân cần
Nhìn Cha Cậu, lòng Ngài đầy cảm xúc
Thương tuổi già Cậu vượt chặng đường xa
Buổi cơm tối ơi đậm nồng xứ Huế!
Lần đầu tiên bước chân vào Chủng Viện
Sao trang nghiêm huyền bí lâng lâng hồn
Mặc dù mệt Cha sợ đoàn con đói
19 giờ, dâng Thánh lễ ban ăn
Hai ranh giới nam nơi Chủng Viện Huế
Dòng Vô Nhiễm giới nữ ở cận bên
Đêm hôm nay mới biết giấc ngủ tròn
Sáng lót dạ đoàn chia tay Chủng Viện
Chiều đón Cha nơi Thánh địa La Vang
17 giờ Cha con cùng hiệp lễ
Lời nguyện cầu, cảm tạ, kẻ ăn năn
Giọt nước mắt cảm thương đầy xúc động
Cha nghẹn ngào chẳng thể thốt thành câu
Dưới chân Mẹ Cha đặt bia cảm tạ
Rời La Vang Cha trở về Chủng Viện
Để ngày mai Cha về thẳng đường bay
Chúc Cha về có Chúa cùng song bước
Đoàn chúng con ở bên Mẹ một đêm
Sáng 13 với bài ca tạm biệt
Mẹ ! Mẹ ơi ! Mẹ ở con về đây
Thành phố Huế đoàn chúng con dừng bước
Đặc sản là bữa cơm mắm tôm chua
Cửu Đan Viện Thiên Ân đoàn ngơi nghỉ
17 giờ vào địa phận Phan Rang
Một lần nữa chúng con viếng nhà Chúa
Cha Phú Cam niềm nở rất ân cần
Mời Cha...Vinh Sơn dừng chân nghỉ
22 giờ đoàn nôn nóng mau về
Trời rạng sáng từng hạt mưa rơi nhẹ
Ẩn hiện kia là bóng tháp chuông cao
Thật xúc động tâm tình người Cha quý
Với nụ cười nhân hậu đứng chờ trông
Kỉ niệm kia đã 11 năm rồi
Mà cứ ngỡ Cha còn đang hiện diện
Ngày chủ nhật 23 năm "lẻ" ấy
Thánh Đường Antôn phủ tím 1 màu cờ
Cha đã về nghỉ an bên cạnh Chúa
87 năm sống trọn kiếp con người
59 năm sống vui đời tận hiến
7 năm qua Cha thật sự xa rồi
Song con vẫn nhớ ngày 23 mỗi tháng!!!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)