Đêm Giáng sinh Hà Nội:
Không dừng lại ở “công thức xã giao”, hãy trở nên quà tặng cho nhau
Phóng viên: Hà Thanh - Mai Thương
Ảnh: Mạnh Quân
Giọng đọc: Quế Phương
WHĐ (25.12.2020) – Giáng sinh về trên mọi nhà. Nếu chúng ta đón nhận Chúa, gia đình sẽ được bình an, cuộc sống sẽ hạnh phúc và tâm hồn sẽ thanh thản. Nhưng việc đón Chúa không chỉ dừng lại ở “công thức xã giao”, Ngài cũng mời gọi ta trở nên quà tặng cho nhau.
Đêm 24-12 khắp mọi ngả đường thủ đô Hà Nội đều
hướng về “ánh sao dẫn đường” đến những ngôi Thánh đường đang hoan ca mừng Chúa
Giáng sinh. Càng cận kề thời khắc Chúa Giáng sinh, dòng người đổ về ngày một
đông.
Noel mang đến bình an
Khắp mọi ngả đường, từ trung tâm thương mại đến
các tuyến phố đều lung linh sắc màu với ánh sao, cây thông Noel, ngôi nhà tuyết,
tuần lộc và đèn giăng khắp lối.
Ghi nhận tại nhà thờ Thái Hà, nhà thờ Phùng
Khoang (ở Hà Nội) từ 19h lực lượng bảo vệ túc trực tại cổng, phân luồng giao
thông và nhắc nhở bà con chủ động đeo khẩu trang khi tiến vào Thánh đường để đảm
bảo an toàn trong dịch COVID-19. Ở phía ngoài cổng cũng bố trí đầy đủ nước rửa
tay sát khuẩn cho bà con.
“Thời tiết không lạnh lắm nhưng cũng đủ để mình
cảm nhận được đêm Noel. Noel mang đến bình an, mang hân hoan đến cho mọi người.
Chúng mình là người lương dân nhưng vẫn đến đây từ rất sớm để xem diễn nguyện,
xem lễ” - sinh viên Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân
văn, ĐHQGHN cùng nhóm bạn lương dân dự lễ Giáng sinh chia sẻ.
Để đảm bảo phòng dịch, đôi bạn Trần Thị Linh, Vũ
Thị Thanh Thủy cùng giáo dân đến dự lễ ở giáo xứ Thái Hà tuân thủ đeo khẩu
trang từ đầu đến cuối lễ, chỉ bỏ khẩu trang ra khi chụp hình. Linh là người
Công giáo, Thuỷ là người lương dân nhưng năm nào cũng đến vui niềm vui chung
trong đêm Giáng sinh. “Suốt 2 năm nay đều theo bạn đến nhà thờ dự lễ Giáng
sinh, mình rất thích tìm hiểu về tôn giáo. Mình đến đây, cảm giác mọi thứ rất
an lành, bình yên” - Thuỷ bộc bạch.
Trong khi đó, Nhà thờ Lớn luôn là điểm đến thu
hút hàng ngàn người dân đến đây xem lễ từ rất sớm. Không phân biệt lương -
giáo, người trong nước hay ngoài nước, họ cùng đến hát vang bài hoan ca Giáng
sinh. Nhiều du khách nước ngoài “mắc kẹt” ở Việt Nam vì dịch COVID-19 cũng bày
tỏ niềm vui sướng được đón một đêm Giáng sinh an lành và ấm cúng.
“Đây là lần đầu tiên tôi cùng bố mẹ sang Việt
Nam. Lúc đầu tôi cũng lo lắng, không biết có được đón Giáng sinh không, nhưng
thật bất ngờ người Việt Nam đón Noel cũng vui vẻ và ấm áp”, du khách Elly, người
Úc bày tỏ.
“Trở nên quà tặng cho nhau”
Trong bài giảng Đêm Giáng sinh, trước hàng ngàn
giáo dân cũng như người dân các tôn giáo bạn, Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn
Thiên, Tổng giám mục Hà Nội nhắc đến món quà của nhân loại là Đức Giê-su Ki-tô
- món quà mà cách đây 2020 năm, Thiên Chúa từ trời cao đã tặng ban cho nhân loại,
để chứng tỏ tình yêu đối với nhân loại.
“Qua Đức Giê-su, Thiên Chúa không còn là đấng xa
vời ở trên chín tầng mây xanh, mà trở nên gần gũi con người. Đức Giê-su là Thiên
Chúa thật, và là người thật. Đức Giê-su là một nhân vật lịch sử chứ không phải
là nhân vật của huyền thoại, hay sản phẩm của trí tưởng tượng con người”, Đức Tổng
Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên chia sẻ.
Ngài nhắc đi nhắc lại: “Đức Giê-su là quà tặng của
Thiên Chúa cho nhân loại. Tất cả những ai thiện chí kiếm tìm chân lý đều có thể
nhận được quà tặng này”. Đức Tổng Giám mục Hà Nội viện dẫn, suốt 20 thế kỷ qua
rất nhiều người đã mở rộng tấm lòng đón nhận “món quà Giê-su”, nhờ đó họ đã tìm
được hạnh phúc trong đời và trở nên hoàn thiện, đoạn tuyệt với tội lỗi và trở
nên trọn lành”.
Đêm Giáng sinh, toàn nhân loại đón nhận quà tặng
của Thiên Chúa tặng ban. Ngài khẳng định, nếu chúng ta đón nhận Chúa, gia đình
chúng ta sẽ bình an, cuộc sống sẽ hạnh phúc và tâm hồn sẽ thanh thản. Đồng thời,
ngài nhắc nhở mỗi người chúng ta đón Chúa nhưng không chỉ dừng lại ở những công
thức xã giao, mà còn phải được thể hiện qua thiện chí thực thi lời Chúa dạy: sống
khiêm nhường, thân thiện, liên đới và yêu thương.
“Nếu Đức Giê-su là quà tặng của Thiên Chúa cho
loài người, thì chúng ta - những người đã đón nhận quà tặng có tên Giê-su cũng
được mời gọi trở nên quà tặng cho nhau. Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, người vợ
phải nên quà tặng đối với người chồng? Con cái phải trở nên quà tặng với cha mẹ?
Anh em bè bạn phải trở nên quà tặng đối với nhau?
Quà tặng
thể hiện sự trân trọng, tình quý mến và lòng quảng đại bao dung. Trở nên quà tặng
cho người khác chính là một cuộc sống nhân ái, hài hoà, trân trọng và nâng đỡ
nhau”, Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên nhấn mạnh.
(WHĐ)