Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 02.11

2 Tháng Mười Một
Bên Kia Sự Chết

Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: "Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh".

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời... Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy.
Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.

Ðể giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp "các thánh thông công", Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...".

Nói về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Ðồng viết như sau: "Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha...". Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.

Quỳ cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết. Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết... Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng chính Tình Yêu liên kết chúng ta với những người chết. Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người được bất tử. Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những người đã chết. Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.

Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc sống... Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.

Yêu thương chính là tái sinh, là thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống. Ðó phải là niềm tin của chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố. Xin Chúa nâng đỡ Ðức Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng ta.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 01.11

Ngày 1 tháng 11
Dòng Giống Vĩ Nhân

Cách đây mười năm, một người Pháp tên là Alfred de Pierrecourt để lại gia tài của ông là 2 triệu Mỹ kim với lời di chúc là phải sử dụng số tiền ấy để gây giống cho những người khổng lồ. Người thi hành di chúc của ông đã trích ra 1/4 số tiền để tìm và mang những người cao lớn vượt tầm mức về sống ở gần thành phố Rouen, khuyến khích họ lập gia đình với nhau. Nhưng chương trình gây giống những người khổng lồ này bị thất bại vài năm sau đó.

Cách đây non hai ngàn năm có một người cũng để lại một di chúc, một chương trình, nhưng không phải để gây giống cho những người khổng lồ về phương diện hình vóc mà là về phương diện tinh thần. Chương trình quen được gọi là "8 mối phúc thật" do Chúa Giêsu biên thảo. Trải qua bao thế hệ mãi cho đến thời đại chúng ta, vô số những tín hữu Kitô nhờ áp dụng chương trình này mà trở thành vĩ nhân.

Mừng kính những vĩ nhân ấy trong ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ hôm nay, chúng ta hãy noi gương các ngài đem ra thực hành mỗi mối phúc thật trong cuộc sống, để càng sống chúng ta càng phát triển, tiến bộ trên con đường thánh thiện mà Chúa Giêsu đã vạch ra cho mỗi người chúng ta.

Trích sách Lẽ Sống

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C (Lc 19,1-10)


LẼ SỐNG 31.10

31 Tháng Mười
Một Ngày Ðể Nhớ Ðến Thần Dữ

Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng Lễ Các Thánh.

Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng
Lễ Các Thánh mang màu sắc ảm đạm ma quái.

Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh hãi quái dị. Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị. Buổi tối ngày Halloween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.

Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và sự tác động củ thần dữ không?

Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: "Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện hữu".

Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh Thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân. Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.

Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh Kinh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau. Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: "Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn là, thì tôi lại làm". Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác... Thánh Phêrô hẳn không thể nào quên được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: "Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta". Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: "Hãy tỉnh thức luôn. Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức Tin".

Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa Giêsu: "Xin cứu chúng con khỏi ác thần". Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người chúng ta. Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: "Ðừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian".


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXXI thường niên năm C.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

LẼ SỐNG 30.10

30 Tháng Mười
Viên Ðá Quý

Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.

Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.

Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hoàn toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như không thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách... Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.

Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái... Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.

Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến. Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá... Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.

Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. "Hãy vác lấy thập giá và theo Ta", đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

LẼ SỐNG 29.10

29 Tháng Mười
Các Ông Là Quái Vật

Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người? Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô? Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô.

- Ông Giêsu Kitô là ai?

Một người Kitô sẽ trả lời:

- Ông là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế.

- Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta?

- Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự.

Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm:

- Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác? Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện? Thực là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc.

Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối:

- Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi.

Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu:

- Vậy thì các ông là những quái vật.

Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật.

Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc dòng giống của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao?

Nhưng thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình.

Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ.

Ước gì dấu Thánh Giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những người xung quanh.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

R.I.P

XIN CẦU CHO LINH HỒN
MARIA


Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, Ban Điều Hành Giáo Khu 1
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Bà MARIA NGUYỄN NGỌC HOA
Sinh năm 1926 tại Nam Vang

Cư ngụ tại : 253/40 Trần Xuân Soạn
P.Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Khu 1 – Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 14g45 ngày Thứ Năm 28.10.2010
(Nhằm ngày 21 tháng 9 năm Canh Dần)

Hưởng thọ 85 tuổi


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Năm 28.10. 2010

  • 20g30 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan
Thứ Sáu 29.10.2010
  • 05g45 : Thánh Lễ Cầu Hồn tại tư gia (sau thánh lễ sáng)
Thứ Bảy 30.10.2010
  • 19g00 : Thánh lễ An Táng cử hành tại tư gia
    (sau thánh lễ chiều)
Chúa Nhật 31.10.2010
  • 06g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đi hoả táng
    tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM


Thuận Phát, ngày 28 tháng 10 năm 2010
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
Ban Điều Hành GK 1
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

LẼ SỐNG 28.10

28 Tháng Mười
Chuyến Xe Cuộc Ðời

Cách đây hơn một trăm năm, khi đường sắt vừa mới được phát minh, nhu cầu đi lại mỗi lúc một bành trướng, một văn sĩ nọ, trong quyển lịch sử của xe lửa và đường sắt, đã ghi ra một số chỉ dẫn cho hành khách. Trong một chương có tựa đề "Những lời khuyên trước khi lên đường", ông đã đưa ra vài căn dặn như sau: "Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, hành khách nên quyết định: mình sẽ đi đâu, sẽ lên chuyến xe lửa nào và ở đâu, tại nơi nào sẽ đổi tàu...".

Trong một đoạn khác, ông nhắc nhủ hành khách như sau: "Khuyên quý khách mang theo hành lý càng ít bao nhiêu càng tốt... Riêng với các bà, các cô, không được phép mang quá ba hành lý và năm gói nhỏ".

Những lời khuyên trên đây xem chừng như không có chút giá trị nào đối với hệ thống đường sắt hiện tại ở Việt Nam. Chen chúc nhau để có được một chỗ ngồi thích hợp, đã là quá lắm rồi, còn chỗ đâu để xác định số hành lý phải mang theo.

Nhưng dù thanh thản trong một con tàu đầy tiện nghi, hay chen chúc nhau trong một wagon chật hẹp bẩn thỉu, mỗi khi bước vào xe lửa, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nghĩ đến chuyến đi của cuộc đời... Ðời cũng là một chuyến đi.

Bước lên chiếc xe lửa của cuộc đời, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để chuẩn bị cuộc hành trình bằng một số câu hỏi cơ bản: tôi sẽ đi về đâu? Tôi phải mang những gì cần thiết cho cuộc hành trình?

Trên một số tuyến đường liên tỉnh tại Phi Luật Tân, thỉnh thoảng hành khách có thể đọc được một bảng hiệu có thể làm cho họ phải giật mình suy nghĩ: có thể đây là chuyến đi cuối cùng của bạn. Thật ra, ít có ai khi lên đường, lại có ý nghĩ ấy. Có lẽ người ta nghĩ đến công việc, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những thú vui đang chờ đợi hơn là phải dừng lại với ý nghĩ của một cái chết bất ngờ.

Thái độ khôn ngoan nhất mà Chúa Giêsu thường lặp lại trong Tin Mừng của Ngài: đó là "Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào". Con người sinh ra để chết. Nói như thế không hẳn là một phát biểu bi quan về cuộc đời, mà đúng hơn là một cái nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời.

Giá như ai trong chúng ta cũng biết rằng: công việc ta đang làm trong giây phút này đây là công việc cuối cùng trong cuộc đời, thì có lẽ mọi việc đều có một ý nghĩa và một mục đích khác hẳn.


Trích sách Lẽ Sống

R.I.P

XIN CẦU CHO LINH HỒN
MARIA


Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, Ban Điều Hành Giáo Khu 3
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Bà MARIA NGUYỄN THỊ PHÁT
Sinh ngày 15 tháng 9 năm 1921

Cư ngụ tại : 10/11 Bis đường 14A Cư Xá Ngân Hàng
P.Tân Thuận Tây, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Khu 3 – Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 06g00 ngày Thứ Tư 27.10.2010
(Nhằm ngày 20 tháng 9 năm Canh Dần)

Hưởng thọ 90 tuổi


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Tư 27.10. 2010

  • 14g00 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan
Thứ Sáu 29.10.2010
  • 18g30 : Thánh Lễ Cầu Hồn tại gia
Thứ Bảy 30.10.2010
  • 04g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
  • 05g00 : Thánh lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát

Sau đó di quan đi hoả táng
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM

Thuận Phát, ngày 27 tháng 10 năm 2010
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
Ban Điều Hành GK 3
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

LẼ SỐNG 27.10

27 Tháng Mười
Bất Ngờ

Như một chuyện khó tin mà có thật: đó là chuyện của một chàng thanh niên Tây Ðức một mình lái chiếc Cessna cánh quạt nhỏ, vượt qua hành lang 400 dặm trên lãnh thổ Liên Xô, rồi an toàn đáp xuống Quảng Trường Ðỏ, gần điện Cẩm Linh... Trước khi đáp xuống vào lúc 7 giờ tối, phi cơ còn lượn 3 vòng chung quanh mộ của chủ tịch Lênin.

Người thanh niên Tây Ðức tên là Matthias Rust này đã điềm tĩnh bước ra khỏi phi cơ, ký sổ lưu niệm cho một số khách hiếu kỳ và khâm phục. Sau đó, công an Liên Xô đã đến tóm cổ anh đưa đi mất.

Trong suốt một cuộc hành trình dài, anh chỉ bị phi cơ tuần thám của Liên Xô theo dõi mà không làm cản trở. Có thể họ cho phi cơ của anh định làm chuyện kỳ lạ khác người cho nên không bắt anh đáp xuống nửa đường. Phi cơ lại bay rất thấp cho nên đã tránh được sự kiểm soát của các dàn Radar. Dù sao đây cũng là một chuyện khó tin chưa từng xảy ra trên một lãnh thổ có một hệ thống phòng thủ chặt chẽ như Liên Xô.

Sự thành công của chiếc phi cơ nhỏ này đã khiến cho nhà cầm quyền Liên Xô e ngại và giật mình về sự phòng thủ sơ sót của mình. Sau một cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính Trị, Tổng Trưởng Quốc Phòng và Bộ Trưởng Không Quân đã bị cách chức. Trong khi đó thì chủ tịch Gorbachov lại nói một câu khôi hài như sau: "Chúng ta phải cám ơn anh chàng Tây Ðức này vì nhờ có anh ta mà chúng ta mới cải tổ hệ thống phòng thủ của chúng ta chặt chẽ và cẩn thận hơn".

Nhiều người đã xem lời phát biểu trên đây phản ánh tinh thần phục thiện và cởi mở của chủ tịch Gorbachov.

Sự thành công của chàng thanh niên Matthias Rust khi đáp xuống Quảng trường Ðỏ có thể được xem như một tai nạn trong hệ thống phòng thủ của Liên Xô.

Tai nạn là một bất ngờ mà con người không bao giờ lường trước được... Không ai học được chữ ngờ trong cuộc sống. Có một cái gì đó luôn ở ngoài tầm tay, ở ngoài khả năng của con người. Bài học thông thường nhất mà ai cũng có thể học được từ một tai nạn: đó là không ai làm chủ được chính sự sống của mình.

Người Kitô luôn được mời gọi để tìm ra ý nghĩa của các biến cố. Biến cố nào xảy đến trong cuộc sống cũng là một lời ngỏ của Thiên Chúa đối với con người. Ngài nhắc nhở cho con người biết rằng Chủ Tể của sự sống chính là Ngài. Ngài kêu mời con người luôn sẵn sàng để đến với Ngài trong cuộc gặp gỡ tối hậu. Ngài cho con người thấy những giới hạn của mình để biết hướng về Ngài với tất cả tin tưởng phó thác.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

LẼ SỐNG 26.10

26 Tháng Mười
Xin Cho Con Ðược Thay Ðổi Chính Con


Một triết gia Ấn Ðộ đã nhìn lại quãng đời đi của mình như sau: Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Ðế là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới.

Ðến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Ðế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải tất cả những người con đã gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi.

Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ còn biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được thay đổi chính con.

Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.

Người xưa đã có lý khi dạy chúng ta: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ... Theo trật tự của cuộc cạch mạng, thì cách mạng bản thân là điều tiên quyết.

Một nhà cách mạng nào đó đã nói: chỉ cần 10 người như thánh Phanxicô thành Assisi thì cuộc diện thế giới sẽ thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên mà bất cứ vị thánh nào cũng khởi sự đó là cách mạng bản thân.

Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.

Ai trong chúng ta cũng biết câu châm ngôn: Thà thắp lên một ngọn đèn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Nếu mỗi người, ai cũng đốt lên ngọn đèn của mình, nếu mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi, nhỏ mọn của mình, thì có lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì lòng ích kỷ... Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho người khác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng món quà nhỏ mọn, có khi vô danh của chúng ta. Một giọt nước nhỏ là điều không đáng kể trong đại dương, nhưng nếu không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, thì đại dương kia cũng sẽ chỉ là sa mạc khô cằn.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

LẼ SỐNG 25.10

25 Tháng Mười
Con Chim Sáo

Trong một tập thơ mang tựa đề "Có muôn nghìn lý do để sống", Ðức Cha Helder Camera, vị giám mục người Brazil nổi tiếng là vị tông đồ của người nghèo đã ghi lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh nhà tôi, có một con chim sáo quanh năm ngày tháng sống giữa trời... Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm, tôi hỏi chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó ngạc nhiên trả lời: "Có chứ!... Màn là trời, chiếu là đất. Có bao giờ thiếu đâu".

Do những đòi hỏi của trí khôn loài người, tôi mới hỏi nó: "Thế thì những lúc mưa gió, chú trú ngụ ở đâu". Nó nhanh nhẩu trả lời: "Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?" Tôi hỏi nó có đói không. Con chim sáo mỉm cười đáp: "Ðiều mà tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà...". Và nó cất tiếng hót như sau: "Hỡi loài người kiêu ngạo. Hãy nói cho ta biết đi: liệu ngươi không chết sao?".

Tôi cứ nài nỉ để chú sáo nhận món quà tôi biếu: đó là một ít bánh mì có thịt... Chú sáo lại được dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo tôi: "Ông không biết là loài sáo chúng tôi không có ăn bánh mì và thịt như các ông sao?".

Lần kia, tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười trả lời: "Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót".

Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện để nhờ các bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con chim.

Qua câu chuyện ngụ ngôn trên đây, có lẽ Ðức Cha Helder Camera muốn gợi lên cho chúng ta cái thảm trạng của con người ngày nay: chiến tranh, chết chóc, đau khổ đều phát xuất từ chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ như mình, phải hành động như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ nào cũng cho là ưu việt và muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo lực.

Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức hơn về sự đa diện của các nền văn hóa, của các khuynh hướng chính trị, của các tôn giáo... Sự trưởng thành của nhân loại được thể hiện qua chính sự chấp nhận ấy: chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người ngày nay đang cần hơn bao giờ hết.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM C

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXX thường niên năm C.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.


Hữu Toàn.

TÌM LẠI ĐỘNG LỰC TRUYỀN GIÁO

(Chúa Nhật Truyền Giáo)

Giáo Hội Việt Nam đang đi vào giai đoạn cuối của Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập Tông tòa và 50 năm thành lập Hàng giáo phẩm. Thật ra công cuộc truyền giáo đã bắt đầu trước đó hơn 100 năm, từ năm 1553. Hạt giống Lời được gieo vào lòng đất mẹ gần 500 năm. Hàng trăm ngàn người đã đổ máu đào làm chứng và bảo vệ đức tin tinh tuyền.

Theo kết quả của cuộc điều tra dân số mới đây (01/04/2009), Việt Nam có 86.024.600 người, trong đó có gần 6 triệu là Công Giáo, chiếm 7,06% dân số.


Khi làm mục vụ hôn nhân, phải đối diện với tình trạng quá nhiều người xin làm đám cưới với thể thức chuẩn khác đạo, tôi thường khó chịu và hay chất vấn họ rằng tại sao không tìm người có đạo kết hôn, mà cứ đi lấy người ngoại giáo? Có một cặp đã nói lại với tôi rằng con gái vừa tốt, vừa đẹp lại vừa có đạo quá ít. Người con ưng ý, nhưng chưa kịp hỏi tới thì đã lên xe hoa với người khác rồi. Nghe vậy tối thấy mình khó chịu với họ là không đúng, bởi đúng như anh thanh niên đó nói. Trong 100 cô gái, chỉ có 7 cô gái Công Giáo, hoặc trong 100 anh thanh niên, chỉ có 7 anh có đạo. Quả là họ có quá ít lựa chọn theo ý của Giáo Hội.


Từ đây câu hỏi lớn đặt ra với Giáo Hội rằng tại sao đã gần 500 năm rồi, mà Công Giáo vẫn chỉ là một cộng đồng thiểu số trên quê hương mình?

1. Giáo Hội đang ưu tiên cho việc gì?


Trong tác phẩm Chuyện Làng Hồ, kể về quá trình khai phá và hình thành miền truyền giáo Tây Nguyên. Trong đó có đoạn nói đến việc sẽ chuyển giao công cuộc truyền giáo lại cho người Việt thì các thừa sai MEP tỏ ra không tin tưởng người Việt có thể giúp các sắc tộc khác đón nhận đức tin cách tinh tuyền, trừ một vài người như thầy Sáu Do.

Biết điều đó, nhiều thừa sai người Việt tự ái và cho rằng các thừa sai phương Tây đã quá tự tin ở mình và coi thường người bản địa. Sự khó chịu đó rất đáng được cảm thông, nhưng nếu can đảm nén giận để nhìn rõ vào sự thật thì chúng ta thấy những hồ nghi của các nhà truyền giáo ngoại quốc không phải là không có căn cứ.

Giáo Hội Việt Nam đã và đang đầu tư vào những gì?

Chúng ta xây nhà thờ, xây các trung tâm mục vụ hoành tráng, xây các tu viện thật lớn, xây đền đài, xây các trung tâm hành hương thật lớn. Ai sẽ được hưởng lợi từ cho các công trình này? Câu trả lời thật đơn giản: Người Công Giáo, và chỉ người Công Giáo. Rất hiếm khi người ngoại giáo đến nhà thờ, họa hoằn lắm mới có ai ngoại giáo đến các trung tâm mục vụ. Chỉ cần đọc các chương trình hoạt động của chúng ta hàng tháng, hàng tuần và mỗi ngày tại các nhà thờ, tu viện, các trung tâm mục vụ và hành hương, chúng ta sẽ thấy ngay. Không hề có một chương trình hay một phần chương trình nào đó cho người ngoại giáo.


Chúng ta đang đầu tư cho chính mình mà thôi !

Nhìn sang các anh chị em Tin Lành, chúng ta xem họ đầu tư như thế nào?

Họ góp 1/10 thu nhập để thờ phượng Chúa và xin Chúa sử dụng nó cho hiệu quả. Chúng ta thấy họ sẵn sàng đầu tư dịch và in Thánh Kinh để biếu, để tặng rất nhiều. Khi làm việc cho các anh chị em thuộc các sắc tộc thiểu số, các thừa sai Công Giáo phần nhiều phải dùng các sách Thánh Kinh do anh chị em Tin Lành dịch để rao giảng Lời Chúa cho các sắc tộc đó. Tại sao? Vì anh chị em Tin Lành đã đầu tư dịch Thánh Kinh ra hầu hết các tiếng của các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong khi đó, bên Công Giáo chỉ mới dịch được sách Tân Ước ra các tiếng Bahnar, Jarai, và K'Ho. Khi giúp cho người Êđê, người Bru Vân Kiều, chúng tôi phải dùng sách của anh chị em Tin Lành. Ngoài ra, họ cũng đầu tư mạnh cho các phương tiện truyền thông khác.

Đó là lý do chính về phía con người lý giải cho việc tăng nhanh nhân số các Cơ đốc nhân thuộc Liên hội thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam, từ 500 ngàn năm 1975 tăng lên hơn 2 triệu vào đầu những năm 2000. Chỉ sau hơn 30 năm, nhân số họ tăng gấp bốn lần.

Nhiều người có cái nhìn tiêu cực về anh chị em Tin Lành thì cho rằng họ đã dùng tiền hay vật chất để chiêu dụ tín đồ. Ai nói như thế là chưa tìm hiểu kỹ. Thực tế, mọi Cơ đốc nhân dù giàu hay nghèo, họ đều dâng hiến 1/10 hoa lợi cho việc thờ phượng Chúa. Họ ý thức việc dâng hiến là việc làm quan trọng để khẳng định với Chúa rằng mình đã thụ lãnh ơn bởi Người và còn tiếp tục cầu mong ơn Người ban cho. Do đó, ngay các anh chị em Cơ đốc nhân bị bệnh phong, chỉ trồng được ít cụm khoai mì thì họ cũng mang khoai mì đến như hoa lợi mà chính tay họ thu hoạch được để dâng hiến cho Chúa. Công bằng mà nói. Anh chị em Tin Lành khi đã theo Chúa thì họ không từ nan để sống thờ phượng Chúa và sứ sụ.

Một cha giáo dạy truyền giáo của tôi đã kể một hôm trên đường phố Saigon, có một bà cụ xin phép ngài dành cho bà năm phút để thưa chuyện. Theo bà, đây là chuyện quan trọng, nếu không nói ra, bà sẽ không an tâm. Cha giáo tôi lắng nghe và nhận ra câu chuyện bà tha thiết muốn kể là câu chuyện về Chúa Yêsu, Đấng cứu độ. Bà ấy là người Công Giáo? Không, bà là một người Tin Lành.

Người Công Giáo có vẻ xa lạ với việc thực hành sứ vụ truyền giáo. Nhiều người còn cho rằng đó là một đặc quyền hay là một ơn riêng Chúa chỉ ban cho một số người, chứ không ban cho mình, và như thế họ đang mất dần căn tính Công Giáo của mình.

2. Thông chia sứ vụ của Chúa Giêsu

Đoạn cuối Tin Mừng Marcô viết: Chúa Yêsu nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo … Đây là dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe… Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16, 15-20).

Đoạn Thánh Kinh này xác nhận sứ vụ truyền giáo là sứ vụ phổ quát của mọi thành phần Giáo Hội. Người tin là người truyền giáo thì cũng là người được Chúa ủy thác các hành vi cứu độ (trừ quỷ, giải độ, chữa lành). Do đó một người nhận mình tin Chúa mà xa lạ với những việc quyền năng Chúa làm thì có nghĩa họ đã không thi hành sứ mạng Chúa trao phó, và vì thế họ cũng ở trong tình trạng xa lạ với ơn cứu độ. Còn những ai tin và sống nhờ đức tin thì dù chưa là Kitô hữu theo nghĩa chặt cũng có thể trở nên cơ hội thông ơn cứu độ cho người khác rồi.

Một nhóm thanh niên ở làng Bon Pan, xã Ia Rsai, huyện KrôngPa, tỉnh Gia Lai tham dự tuần lễ tĩnh tâm chuẩn bị lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo. Trong khóa tĩnh tâm, cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Phán, CSsR nhấn mạnh với họ về hoạt động của Chúa Yêsu nơi những người tin. Sau những ngày tĩnh tâm, họ trở về làng. Làng họ có một thanh niên chưa theo đạo đang trong tình trạng “lui asơi” – bỏ cơm – tức là sắp chết. Họ lên nhà người hấp hối này và xin người mẹ - bà chủ nhà - cho phép họ đặt tay cầu nguyện cho chàng thanh niên này. Chủ nhà đồng ý. Các anh dự tòng quỳ gối chung quanh người bệnh dang tay cầu nguyện, rồi đặt tay trên người bệnh. Sau đó họ trở về nhà mà chẳng bận tâm gì cả. Ba ngày sau, khi họ đi rừng, trong nhóm họ có mặt cả người thanh niên đã hấp hối được họ đặt tay cầu nguyện.

Những người chưa được rửa tội, nhưng tin Chúa thì Chúa cũng dùng để thực hiện hành vi cứu độ cho người khác là thế.

Những người càng giữ đạo lâu năm, càng trở nên cứng lòng, khó đón nhận ơn Chúa cứu. Rồi họ cũng dễ dàng lên án người tội lỗi. Nhưng đối với Chúa, ngay người tội lỗi mà tin Chúa thì Chúa cũng có thể biến họ thành công cụ của Người.

Anh Ama H’ Nguyên - ba của con Nguyên - là người ở xã Ia Hru, lấy vợ và về nhà vợ ở làng Pleiwueng, xã Hbông, huyện Chưsê, tỉnh Gia Lai. Hai vợ chồng sống được ít lâu thì anh đổ đốn, rượu chè, đánh đập vợ con nhiều đến mức làng phải xứ bằng cách trục xuất anh ra khỏi nhà vợ, đuổi về làng cũ. Về lại Ia Hru, anh được tuyển làm angten cho công an, chuyên chỉ điểm để công an bắt các nhóm cầu nguyện. Anh đã lập được nhiều thành tích với công an, nhưng một hôm, anh đang canh me để bắt một nhóm cầu nguyện lớn, trong lúc đợi cho đông người rồi báo công an ập vô. Anh nghe người ta hát những bài hát vừa lạ vừa quen. Lạ vì không phải những bài hát ca ngợi ông Hồ hay đảng cộng sản, quen vì đó là những bài hát bằng tiếng Jarai, tiếng mẹ đẻ của anh. Anh mon men lại nghe, rồi lần bò lên nhà. Mọi người đang tề tựu cầu nguyện gặp anh thì sợ, nhưng anh ra dấu cho họ đừng sợ, hôm nay anh muốn nghe họ hát họ đọc kinh và cầu nguyện.

Sau buổi đó, anh giã từ không làm angten cho công an nữa, mà bắt đầu theo đạo. Học đạo được hai năm, anh được rửa tội, cha Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR, sai anh trở về với làng của vợ anh. Vợ con anh tha thứ, đón nhận anh vào lại nhà.

Những người hàng xóm ngạc nhiên từ ngày anh trở về nhà vợ, tối tối không còn nghe cãi nhau, đánh nhau và tiếng kêu gào, chửi bới nữa, mà nghe tiếng hát và tiếng cười rất vui. Họ đến xem thì thấy anh mở sách hát dạy vợ con hát, rồi mở sách Tân Ước tiếng Jarai ra đọc cho vợ con nghe, rồi cầu nguyện. Những người hàng xóm đến nhà anh cũng muốn được anh giúp họ như anh đang giúp vợ con anh. Số người đông dần. Từ đó, Pleiwueng trở thành một cộng đoàn.

Năm 2002, khi tôi đến Tây Nguyên, anh Ama H’ Nguyên cho biết, Peiwueng và các làng xung quanh đã có hơn 1.500 người tin theo Chúa. Sau 10 năm, từ một anh chàng hư đốn, Chúa đã làm cho vùng đất đó thành một cộng đoàn Công Giáo.

Những người đó, nhóm thanh niên dự tòng Bon Pan hay anh Ama H’ Nguyên có phải là những người truyền giáo không?

Xét theo thói quen của chúng ta thì không phài, nhưng xét theo tác động cứu độ thì họ là những người truyền giáo. Truyền giáo đối với họ không phải là đi dạy một giáo lý về Chúa Yêsu, mà đơn giản là để cho Chúa Yêsu chữa lành người bệnh, và kể lại việc Chúa đã làm trên cuộc đời mình.

Lm. AN THANH, CSsR
(nguồn :dcctvn.net)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN C (Lc 18, 9-14)