19 Tháng Hai
Thiên Chúa Quan Phòng
Người Do Thái thường nói đến sự Quan Phòng của Thiên Chúa bằng mẩu chuyện như sau: Có hai người bộ hành lên đường đi đến một phương xa. Họ dùng một con lừa để chuyên chở hành lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ. Và đêm đến họ đốt đuốc để soi đường.
Một người bộ hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói: "Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự". Người bạn đồng hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin như sau: "Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào".
Trước khi mặt trời lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ. Họ tìm một nơi để qua đêm. Họ gõ cửa khắp nơi, nhưng không có ai đón tiếp họ. Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến bìa rừng để qua đêm. Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh có tốt không?". Người bạn đồng hành luôn tin tưởng ở Chúa quan phòng bình tĩnh đáp lại: "Ðây là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng ta ngủ qua đêm này". Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn nằm sát bìa rừng. Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn đuốc thì một tiếng mạnh từ xa vang lại. Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi. Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai họa.
Vừa tức giận, vừa mỉa mai, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh còn tốt nữa không?". Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: "Nếu con sư tử không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi. Chúa là Ðấng tốt lành".
Một vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu la thất thanh. Hai người bộ hành mới trèo cao hơn. Họ nhận ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng. Người bạn cứng lòng tin chưa kịp thốt ra một lời cay đắng nào, thì người tín hữu ngoan đạo đã chúc tụng như sau: "Tiếng kêu thất thanh của con gà cồ lại một lần nữa giúp chúng ta thoát nguy hiểm. Cám ơn Chúa là Ðấng tốt lành".
Họa vô đơn chí. Chỉ vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng tắt ngụm đưa hai người vào trong cảnh tối tăm ghê rợn. Lần này con người cứng lòng tin lại lên tiếng mỉa mai như sau: "Xem chừng như Chúa của anh làm việc phụ trội trong đêm nay". Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thinh lặng.
Sáng hôm sau, hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn. Họ mới hay biết rằng đêm hôm đó một băng cướp đã vào làng và họ đã vơ vét tất cả tài sản của dân làng. Nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi làng và nhìn lại sự toàn vẹn của mình, người tín hữu ngoan đạo mới đắc thắng giải thích cho người bạn như sau: "Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp. Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn thấy chúng ta. Bạn thấy chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa là Ðấng thiện hảo".
Tin ở Thiên Chúa quan phòng không có nghĩa là bảo rằng tất cả mọi tai họa rủi ro xảy đến trong cuộc sống đều do Chúa gửi đến, nhưng có nghĩa là, khi đứng trước một bất hạnh mà mình không thể tránh khỏi, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa thiện hảo và quyền năng đến độ có thể biến sự bất hạnh ấy thành khởi điểm của một hồng ân cao cả hơn.
Trong ánh sáng Phục Sinh của Ðức Kitô, chúng ta được mời gọi để nhìn vào biến cố trong cuộc sống bằng cái nhìn lạc quan và tin tưởng ấy. Cái chết ô nhục của Ðức Kitô trên thập giá quả là một bất hạnh và là một tội ác, nhưng Thiên Chúa quyền năng và yêu thương đã biến thành khởi điểm của nguồn ơn cứu thoát.
Giữa muôn nghìn thử thách và đớn đau của cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang dành cho chúng ta một ân huệ cao cả hơn ngoài sự chờ đợi của chúng ta. Chúng ta hãy xưng tụng tình yêu quan phòng của Ngài.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011
LẼ SỐNG 19.02
Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011
LẼ SỐNG 18.02
18 Tháng Hai
Hai Biển Hồ
Palestina có tới hai biển hồ... Hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau. Một biển hồ thường được gọi là biển hồ Galilêa. Ðây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và cá cũng có thể sống trong đó. Xung quanh hồ này là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi. Nhà cửa cũng mọc lên rất nhiều xung quanh biển hồ này... Chúa Giêsu đã gặp gỡ với những môn đệ đầu tiên của Ngài tại đây và Ngài cũng nhiều lần đi thuyền xuyên qua biển hồ này.
Biển hồ thứ hai tại Palestina là Biển Chết. Ðúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi mà người cũng có thể trở thành bệnh hoạn nếu uống phải. Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên khiến không ai muốn sống gần đó.
Có điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ khác, nhờ đó nước của nó luôn luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muông thú cũng như con người.
Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho nó do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối.
Thánh Phaolô đã ghi lại lời vàng ngọc của Chúa Giesu như sau: "Cho thì có phúc hơn nhận lãnh". Thật ra, càng trao ban, người ta càng nhận lãnh trở lại nhiều hơn.
Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa tỏa lan. Một vết dầu thả lỏng là một vết dầu loang. Ðôi môi có hé mở mới thu nhận được nhiều nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng...
Càng trao ban, càng được nhận lãnh: đó là một định luật sống của con người trong mọi lĩnh vức. Tất cả con người chúng ta, tất cả sự sống của chúng ta, tất cả tài năng của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có: tất cả đều do Chúa ban tặng. Thiên Chúa ban tặng tất cả cho chúng ta để chúng ta trao ban cho người khác và như vậy, chúng ta mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực... Cũng như biển hồ Galilêa tiếp nhận nước từ dòng sông Jordan để rồi ban tặng cho những sông lạch xung quanh và nhờ đó, trở thành trong xanh tươi tốt. Cũng thế, sự sống chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa chỉ trở thành tươi tốt nếu nó được chia sẻ và trao ban cho người khác. Càng giữ lấy riêng cho mình, sự sống trong chúng ta sẽ héo tàn và chết dần chết mòn.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011
LẼ SỐNG 17.02
17 Tháng Hai
Người Buồn Cảnh Có Vui Ðâu Bao Giờ
Bỏ xứ mình để đến phục vụ tại nơi đất khách quê người quả là một lý tưởng đáng ca ngợi. Hiện nay, người ta thấy có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tây phương chán cuộc sống trống rỗng, thiếu lý tưởng trong xã hội dư dật, đã tình nguyện sang các nước thuộc thế giới thứ ba để phục vụ.
Một thanh niên nọ đã xin đến Ấn Ðộ để phục vụ người nghèo. Ra đi hồ hởi bao nhiêu, giờ này chạm với thực tế, anh cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Tất cả đều xa lạ và tất cả đều làm anh chán nản: từ khí hậu cho đến thức ăn, điều kiện sống và nhất là những khuôn mặt xem ra rất bí hiểm đối với anh. Nhưng điều làm cho anh mất hết kiên nhẫn lại là một điều không đáng bận tâm mấy...
Người ta dành cho anh một căn phòng không sạch sẽ và dĩ nhiên cũng không nhiều tiện nghi lắm. Anh dọn dẹp và sắp xếp căn phòng lại cho tươm tất. Duy có một chướng ngại mà anh không thể vượt qua để có thể sống bình thản: đó là sự hiện diện của một chú thằn lằn. Anh tìm đủ mọi cách để xua đuổi nó ra khỏi căn phòng, nhưng vô ích: đâu lại vào đó, anh đuổi nơi này, nó chạy vào nơi khác. Cuối cùng con vật chui được vào trong tủ đựng thức ăn và ngự trị hẳn trong đó. Không còn biết làm cách nào khác hơn để tẩy chay con vật, anh đành phải nghĩ đến chuyện làm quen với nó.
Dần dần, con thú đã trở thành một người bạn của anh. Mỗi khi đi đâu về, việc đầu tiên của anh là tìm cho được chú thằn lằn. Khi con vật đã trở thành thân thiết với anh, anh đặt cho nó một cái tên và trò chuyện với nó. Từ một con vật dơ bẩn xấu xa, giờ này anh nhìn thấy nơi nó rất nhiều đức tính trong đó quan trọng hơn cả đó là tài săn muỗi của nó.
Sự hiện diện của chú thằn lằn đã giúp cho anh khám phá được một chân lý trong cuộc sống: những khó khăn không đến từ môi trường chung quanh, mà chính từ bản thân anh.
Chúng ta vẫn thường lặp lại câu thơ của Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", như để nói rằng lắm khi chúng ta mặc cho ngoại cảnh chính tâm trạng của chúng ta. Khi chúng ta vui, chúng ta như thấy cảnh vật xung quanh chúng ta cũng vui lây. Khi chúng ta buồn, cảnh có đẹp đến đâu, chúng ta vẫn thấy u ám. Lắm khi những vấn đề khó khăn không đến với chúng ta từ ngoại cảnh, từ những người khác, mà chính từ chúng ta. Gương mặt cau có của chúng ta thường được chúng ta nhìn thấy nơi tất cả mọi người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta vui, chúng ta như cảm thấy mọi người đều vui vẻ với chúng ta. Quả thật, chúng ta đong đấu nào, thì người sẽ đong lại đấu ấy cho chúng ta.
Câu chúc đầu tiên của Ðức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra cho các môn đệ của Ngài là: "bình an cho các con". Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới thắng được sợ hãi, mới vượt qua được những khó khăn trong tâm hồn. Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới dễ dàng tha thứ và chấp nhận chính bản thân để rồi từ đó mới có thể tha thứ và chấp nhận tha nhân cũng như mọi nghịch cảnh. Mang lấy màu xanh của hy vọng, đôi mắt chúng ta mới dễ dàng nhìn đời, nhìn người một cách lạc quan. Trái lại, mang lấy bộ mặt cau có và buồn chán, đi đâu, ở đâu, chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, thất vọng và khó chịu.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011
LẼ SỐNG 16.02
16 Tháng Hai
Ngọn Nến Cháy Sáng
Nữ sĩ người Thụy Ðiển được giải Nobel văn chương là bà Selma Lagerloeff có kể một câu chuyện như sau: Có một kỵ mã nọ, sau khi đã tham dự một trận thánh chiến thành công tại Thánh Ðịa, đã làm một lời thề. Anh muốn đốt lên một ngọn nến ngay từ trên mộ của Chúa Giêsu và mang ánh sáng ấy về quê hương của anh là thành phố Fireheze bên Italia.
Quyết định ấy đã biến anh thành một con người mới hoàn toàn. Từ một quân nhân hung hãn chuyên cầm gươm giết người, nay người kỵ mã đã trở thành một con người hiền hòa, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ thiệt thòi.
Trên đường trở về quê hương, cầm ngọn nến cháy sáng trong tay, người kỵ mã gặp không biết bao nhiêu kẻ cướp bóc, nhưng anh không hề động đến chiếc gươm đang mang trong người. Anh hứa trao cho họ bất cứ điều gì họ muốn, miễn là để cho anh được phép giữ lại ngọn nến đang cháy sáng trong tay. Quân cướp lột hết tất cả những gì anh có, kể cả chiến bào và con ngựa quý của anh. Họ cho anh một con ngựa già để đi từng bước cầm chừng. Sau khi trải qua không biết bao nhiêu thử thách, giờ này, người kỵ mã cảm thấy thảnh thơi hơn bao giờ hết. Anh cảm thấy thơ thới vì đã trút được bỏ những của cải không cần thiết, nhưng anh vui mừng hơn cả vì vẫn còn giữ được ngọn nến cháy sáng đã được thắp lên từ trên mồ của Chúa. Khi anh về đến giữa phố, nhiều người nhìn anh như kẻ khờ dại. Họ chế nhạo và tìm đủ cách để dập tắt ngọn nến trên tay anh. Nhưng người kỵ mã thà chết còn hơn là để cho ngọn nến tắt ngụm trên tay mình. Và cuối cùng, anh đã mang được ngọn nến cháy sáng về đến nhà thờ chính tòa của quê hương anh. Anh dùng ánh sáng từ ngọn nến ấy đốt lên tất cả những ngọn nến trên bàn thờ.
Trước anh, nhiều người cũng đã cố gắng làm một lời thề như thế. Nhưng dọc đường, vì nhiều lý do khác nhau, ngọn nến đã tắt ngụm. Ðược hỏi: Ðâu là bí quyết giúp anh thành công như thế. Người kỵ mã trả lời như sau: "Tôi đặt tất cả chú tâm vào ngọn nến. Tôi sẵn sàng bỏ hết tất cả mọi sự để bảo vệ ngọn nến ấy".
Cuộc đời của người tín hữu Kitô chúng ta vẫn thường được định nghĩa như một cuộc hành trình, một cuộc hành trình trong đó mỗi người chúng ta cầm cháy sáng trong ngọn nến của Ðức Tin. Bao lâu ngọn nến còn cháy sáng, bấy lâu chúng ta còn tiến bước. Sóng gió, tăm tối trong cuộc hành trình là chuyện không thể tránh được. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục giữ cho ngọn nến cháy sáng, chúng ta vẫn có thể tiến bước.
Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Các con là ánh sáng thế gian". Ước mơ duy nhất của người kỵ mã trong câu chuyện trên đây là được dùng ngọn nến đốt lên từ mồ Chúa để thắp sáng lên ngọn đèn trong nhà thờ. Ðó cũng phải là ước mơ của mỗi người chúng ta. Ánh sáng được trao ban cho chúng ta là để được truyền sang cho những ngọn đèn khác. Có biết bao nhiêu ngọn đèn đang chờ đợi một chút ánh sáng từ ngọn nến của chúng ta để được cháy lên?
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011
LẼ SỐNG 15.02
15 Tháng Hai
Bài Ca Vạn Vật
Một tác giả nọ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ giữa một nhà tí thức bi quan với Thánh Phanxico thành Assisi. Như thường lệ, mỗi lần gặp bất cứ ai, vị sứ giả của Hòa Bình thường cất lên bài ca vạn vật: "Chúc tụng Ðấng Tối cao, Thiên Chúa toàn năng vì anh mặt trời, vì chị mặt đất, vì anh lửa, anh gió, vì chị chết". Nhà trí thức bi quan lắng nghe hết bài ca vạn vật của vị sứ giả Hòa Bình. Nước mắt lăn dài trên gò má của ông. Nhưng đây không phải là những giọt nước mắt của cảm động, mà là của căm tức thì đúng hơn. Không còn kềm hãm được cơn giận của mình nữa, nhà trí thức bi quan trút trên Thánh Phanxico tất cả những sôi sục của ông mà ông cũng cho là của không biết bao nhiêu kẻ vô tội khác trên trần gian. Ông nói với Thánh nhân như sau: "Hỡi người anh em kỳ diệu với cái nhìn đầy ánh sáng. Người anh em ca tụng mặt trời. Người anh em có bao giờ thấy người ta chết vì bị mặt trời thiêu đốt chưa? Người anh em có bao giờ thấy cả một sa mạc nắng cháy khô cằn chưa? Người anh em có thấy người ta chết vì hạn hán không?
Người anh em ca tụng nước. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh lụt lội, màn trời chiếu đất chưa? Người anh em ca tụng Mẹ Ðất. Hẳn người anh em đã biết run sợ khi chứng kiến cảnh động đất: nhà cửa đổ nát, người người bị chôn vùi. Người anh em ca tụng lửa. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh núi lửa thiêu rụi núi rừng cây cỏ và con người không?
Người anh em ca tụng anh gió. Người anh em có lẽ chưa bao giờ ra giữa khơi để chứng kiến cảnh chới với của những người đi biển khi gặp cuồng phong? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì gió bão? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì thiên tai?
Nghe tất cả những lời tả oán ấy của người trí thức bi quan, vị sứ giả của Hòa Bình chỉ biết mỉm cười. Ngài gật đầu trả lời: Phải, hỡi người anh em, ta nghe và biết tất cả những gì người anh em mới kể ra. Ta biết rằng tất cả những điều thiện hảo đều có thể trở thành xấu do sự sử dụng không đúng của con người. Ðó là chân lý mà ai trong chúng ta cũng đều có thể cảm nghiệm được trong cuộc sống mỗi ngày.
Nhưng điều Ta muốn nói: đó là ngay từ những điều xấu, Thiên Chúa có thể biến thành khởi nguồn của những điều tốt đẹp hơn. Trong bài ca của Ta, Ta đã nhắc đến Sự Chết và Tội Lỗi là hai điều xấu xa nhất. Cái chết có thể trở thành nguồn ơn cứu thoát. Tội lỗi cũng có thể trở thành khởi điểm của hồng ân. Thánh Phaolô há đã chẳng nói: "Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào hơn". Thiên Chúa không bao giờ thất vọng và đầu hàng trong việc thi ân cả. Tất cả những gì Ta muốn nói lên trong bài ca vạn vật của Ta: đó là mời gọi anh em hãy cố gằng nhìn thấy sự thiện trong mọi sự.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011
AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A
Audio Thánh Lễ Chúa Nhật VI mùa thường niên năm A
Linh Mục Phêrô Trần Văn Nhân, Chánh xứ giáo xứ Thiên Thần, TGP Sàigòn dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.
Hữu Toàn.
Linh Mục Phêrô Trần Văn Nhân, Chánh xứ giáo xứ Thiên Thần, TGP Sàigòn dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.
Hữu Toàn.
LẼ SỐNG 14.02
14 Tháng Hai
Hạt Thóc Dâng Tặng Ðức Vua
Có lẽ chúng ta đã có dịp đọc bài thơ sau đây của đại thi hào Tagore: "Có một người hành khất ngồi bên vệ đường. Hôm đó, Ðức Vua sẽ ngự giá đi qua ngôi làng. Người hành khất cố gắng lê lết đến trước cổng làng, lòng nhủ thầm: "Ðây là dịp may duy nhất đời tôi". Từ đằng xa, khi vừa thấy xa giá xuất hiện, anh đã cố gắng đưa tay lên vẫy chào. Có ngờ đâu, trước sự sửng sốt của mọi người, khi xa giá vừa đến trước cổng làng, Ðức Vua đã cho dừng xe lại và chính ông là người đưa tay ra để xin hành khất bố thí.
Người hành khất bèn đưa tay vào trong chiếc bị cũ kỹ nhơ bẩn của mình để kéo ra một hạt thóc. Anh trịnh trọng đặt hạt thóc vào trong tay Ðức Vua. Ðức Vua tiếp nhận món quà từ tay người hành khất và biến đi giữa cát bụi mịt mù.
Chiều đến, khi về tới nhà, người hành khất mới mở chiếc bị của mình ra. Lạ lùng thay, giữa muôn hạt thóc, anh nhận ra một hạt vàng óng ánh. Lúc bấy giờ, người hành khất mới khóc nức nở hối tiếc: "Phải chi ta đã cho Ðức Vua tất cả những gì ta có..."
Thiên Chúa đối xử với chúng ta cũng giống như vị Vua đối xử với người hành khất. Ngài muốn trao ban cho chúng ta tất cả kho báu trên Thiên Ðàng. Qua người Con Một của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta chính Sự Sống của Ngài. Qua Sự Sống chúng ta đã lãnh nhận, qua sự hiện diện của những người anh em chúng ta, qua ngay cả những thất bại và tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn luôn nhắc đến với từng người chúng ta như một người hành khất. Chúng ta tưởng chúng ta đang chìa tay van xin trước. Kỳ thực, chính Ngài mới là kẻ không ngừng đưa tay ra để xin chúng ta mở rộng đôi tay và quả tim của chúng ta. Tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là như những con người có tự do, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tôn trọng chúng ta. Ngài muốn trao ban tất cả cho chúng ta vì yêu thương. Nhưng cũng chính vì yêu thương, cho nên Ngài không làm cách nào khác hơn là van lơn, kêu mời chúng ta. Ngài chờ đợi nơi chúng ta một cái gật đầu, một hạt thóc nhỏ rút từ trong chiếc bị khốn cùng của chúng ta. Một nghĩa cử nhỏ mọn làm cho người anh em, một chút tin yêu hy vọng giữa bao nhiêu thử thách khó khăn của cuộc sống, một chút khiêm tốn và sám hối sau những lần vấp ngã: đó là những hạt thóc bé nhỏ mà chúng ta có thể trao tặng cho Chúa để từ đó lãnh nhận trở lại tất cả kho tàng Yêu Thương của Ngài.
Trích sách Lẽ Sống
Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011
LẼ SỐNG 13.02
13 Tháng Hai
Mang Tên Một Vị Thánh
Hiện nay, những người vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân chúng yêu cầu đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg, nghĩa là đô thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng bỏng mà hội đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền hình địa phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại gọi tắt là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. Những người yêu cầu hoàn trả tên cũ lại cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai nguyên của nó.
Tại cộng hòa Georgia, trường đại học kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập. Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức Maria.
Mỗi người chúng ta, khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều là những người thánh. Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở thành Ðền Thờ thánh thiện của Chúa Thánh Thần.
Ðó là nguồn gốc, là căn tính của người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để sống phục vụ. Nói tóm lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người Kitô luôn được mời gọi để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh, đã thể hiện chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.
Trích sách Lẽ Sống
LẼ SỐNG 12.02
12 Tháng Hai
Những Kho Tàng Quý Giá
Giá trị của những đồ cổ thường gia tăng với thời gian.
Dạo tháng 5 năm 1990, một chiếc xe Rolls Royce do Anh Quốc chế tạo năm 1907 đã được bán đấu giá là 2,860,000 đô la tại bang Florida bên Hoa Kỳ. Ðây là giá bán một chiếc xe cổ cao nhất từ trước tới nay. Chiếc xe này đã từng được gia đình cự phú Rochefeller sử dụng.
Nhưng đáng kể hơn cả vẫn là giá bán một bức tranh của danh họa người Hòa Lan là Vincent Van Gogh. Bức tranh họa lại chân dung của một người bạn thân cuả danh họa là bác sĩ Gachet, được thực hiện năm 1890, tức là cách đây đúng hơn 100 năm. Trong một cuộc đấu giá tại phòng triển lãm ở New York bên Hoa Kỳ, bức tranh đã được bán đấu giá là 82,500,000 đô la. Ðây là giá bán cao nhất từ trước tới nay đối với một tác phẩm nghệ thuật.
Cũng dạo đó, tại Tây Ðức, người ta đã đem bán đấu giá cả những tác phẩm của nhà độc tài Hitler. Một bức tranh sơn nước của ông đã được bán với giá là 6,134 đô la. Ngay cả một ấn bản của tác phẩm Mein Kampf, trong đó Hitler đã vạch ra chương trình hành động gian ác của ông và các cộng sự viên của ông cũng được đem bán đấu giá. Người mua có lẽ không nghĩ đến giá trị nghệ thuật cho bằng muốn giữ làm kỷ niệm di tích có liên quan đến tội ác và một trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nhân loại.
Tất cả những người môn hạ đích thực của Ðức Kitô cũng là những nhà nghệ sĩ mà các tác phẩm đều vượt thời gian. Tác phẩm mà các ngài để lại chính là cả cuộc sống được họa lại theo khuôn mẫu của Ðức Kitô. Những tác phẩm ấy không bao giờ được đem bán đấu giá, bởi vì chúng vô giá. Không có tiền bạc nào có thể mua được công đức và các hy sinh của các Thánh. Người ta chỉ có thể chiêm ngắm bằng đôi mắt của đức tin. Có những cuộc sống xả thân quên mình mà mọi người đều biết đến, có những cuộc sống âm thầm trong gian lao thử thách mà chỉ mình Thiên Chúa mới chân nhận giá trị. Hiển hách hay âm thầm, cuộc đời của những vị thánh là những tác phẩm mà giá trị vẫn luôn tồn tại qua muôn thế hệ.
Mỗi một người Kitô chúng ta, trong cố gắng mô phỏng Ðức Kitô, cũng là những nghệ sĩ cách này hay cách khác đều để lại những tác phẩm cho hậu thế. Chúng ta không để lại tài sản, chúng ta không để lại những tác phẩm nghệ thuật, mà chính là cả cuộc sống của chúng ta. Trong âm thầm theo Chúa, phục vụ tha nhân, chịu đựng vì đức tin, làm chứng tá cho Tin Mừng: chúng ta luôn được mời gọi để lại cho hậu thế kho tàng vô giá nhất: đó là Niềm Tin. Âm thầm hay rực sáng, Niềm Tin đó phải là kho tàng quý giá nhất mà mọi người chúng ta đều được mời gọi để sống, để bồi đắp, để vun trồng và truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011
LẼ SỐNG 11.02
11 Tháng Hai
Ðức Mẹ Lộ Ðức
Buổi sáng ngày 11 tháng 2 năm 1858 tại Lộ Ðức, một thị trấn nhỏ nằm ở miền Nam nước Pháp, trời lạnh như cắt. Cô Bernadette Soubirous cùng với hai người em khác tự nguyện ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi. Bernadette vừa lên 15 tuổi. Nhưng cô chưa biết đọc biết viết. Cô vừa mới cắp sách đến trường của các sơ được một thời gian ngắn để học tiếng Pháp, bởi vì trong miền cô đang ở, mọi người đều nói một thứ thổ ngữ khác với tiếng Pháp. Hôm đó là ngày thứ năm, cô được nghỉ học. Mặc dù bệnh suyễn đang hoành hành, nhưng nghĩ đến cảnh nghèo túng của gia đình, nên Bernadette đã xin phép mẹ được đi nhặt củi.
Bình thường theo dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng thứ năm đó, dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới lần mò tiến về một hang động gần đó mà dân làng có thói quen gọi là Massabielle. Cô đang loay hoay với công việc nhặt củi, thì kìa từ trong hang: một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ xuất hiện. Theo lời mô tả của Bernadette, thì người thiếu nữ chỉ trạc độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người thiếu nữ cực kỳ diễm lệ đó chỉ mỉm cười.
Trong cơn xúc động bồi hồi, như một cái máy, Bernadette đã lôi tràng hạt từ trong túi áo ra và cô bắt đầu đọc kinh Kính Mừng trong ngôn ngữ quen thuộc của cô. Trong ánh sáng chan hòa giữa mùa đông vẫn còn lạnh đó, người thiếu nữ chỉ mỉm cười. Khi Bernadette vừa lần xong chuỗi Mân Côi, người thiếu nữ làm dấu cho cô tiến lại gần hơn. Nụ cười vẫn chưa tắt trên môi người thiếu nữ. Bernadette say sưa ngắm nhìn và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt hẳn...
Ba ngày sau đó, sau khi đã có những tiếng xì xầm về hiện tượng lạ đó, bà mẹ của Bernadette nghiêm cấm không cho con gái mình trở lại hang Massabielle nữa. Nhưng do một sự thúc đẩy không thể cưỡng bách được, Bernadette đã trở lại chỗ cũ cùng với mấy chị em của cô. Lần này, khi người thiếu nữ mặc áo trắng xuất hiện Bernadette đã mạnh dạn hô lớn: "Nếu người đến từ Thiên Chúa, xin người hãy ở lại". Người thiếu nữ mỉm cười gật đầu. Ðây là lần thứ hai người áo trắng hiện ra với cô. Lần thứ ba cũng xảy ra như thế vào ngày 18 tháng 02 và liên tiếp trong vòng 15 ngày, Bernadette đã được diễm phúc gặp Ðức Maria hiện ra và tỏ lộ cho cô một danh tánh vô cùng kỳ lạ: "Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội".
Từ nơi cô quỳ cầu nguyện mỗi khi Ðức Mẹ hiện ra, một dòng suối nhỏ đã vọt lên có sức chữa trị mọi tật bệnh.
Ðó là nguồn gốc của hang Ðức Mẹ Lộ Ðức. Ngày nay, từng giờ từng phút, khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến để cầu nguyện và xin ơn. Ðến đó, dù tin hay không tin, mọi người đều cảm thấy có một sức mạnh lạ lùng lôi kéo để đốt lên một ngọn nến và quỳ gối cầu nguyện.
Hiện nay, khắp nơi trên thế giới, đều có những hang Lộ Ðức được thiết kế một cách tương tự để nhắc nhớ biến cố này cũng như kêu gọi lòng tôn sùng Mẫu Tâm.
Nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng có một lần mơ ước đến tận nơi để cầu nguyện. Mẹ Maria đã không hiện ra với tất cả mọi người. Phép lạ cũng không hiện ra một cách tỏ tường với tất cả mọi người đến cầu khấn. Ðiều quan trọng không phải là hành hương đến tận nơi Thánh, nhưng chính là sứ điệp mà Mẹ muốn nhắn gửi với chúng ta qua những người được diễm phúc thấy Mẹ hiện ra. Sứ điệp đó vẫn luôn luôn là hy sinh, là phục vụ và nhất là cầu nguyện.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011
LẼ SỐNG 10.02
10 Tháng Hai
Liều Thuốc Dành Cho Kẻ Chán Ðời
Một người đàn ông chán đời nọ đang đứng nhìn dòng nước từ một chiếc cầu cao. Ông đốt một điếu thuốc cuối cùng trước khi kết liễu cuộc đời.
Ông không còn lối thoát nào khác hơn nữa. Ông đã làm đủ mọi cách để lấp đầy nỗi chán chường trong tâm hồn. Ông đã đi đây đi đó, ông đã tìm lạc thú trong các cuộc vui trác táng, ông đã chạy đến với mọi thứ hơi men và khói thuốc. Nhưng chán chường vẫn cứ chán chường. Ông thử thời vận lần cuối cùng bằng một cuộc hôn nhân, nhưng không có một người đàn bà nào có thể ở bên cạnh ông được vài tháng, bởi vì ông đòi hỏi quá nhiều, nhưng lại không biết nghĩ đến người khác. Ông nhận ra rằng ông đã chán chường mà cũng không ai được hạnh phúc bên cạnh ông. Chỉ có dòng sông may ra mới mang lại cho ông sự thanh thản.
Người đàn ông chưa hút xong điếu thuốc thì có một người hành khất cũng đi qua chiếc cầu. Con người rách rưới đó dừng lại nhìn người đàn ông và chìa tay xin giúp đỡ. Người đàn ông chán chường không ngần ngại rút cả ví tiền và trao cho người hành khất. Ông giải thích rằng bên kia thế giới ông không cần tiền bạc nữa. Người hành khất cầm lấy chiếc ví một lúc rồi trao lại cho khổ chủ. Ông ta nhìn thẳng vào đôi mắt của kẻ chán đời và nói: "Thưa ông, tôi không cần một số tiền lớn như thế. Tuy là một người hành khất, nhưng tôi không là một kẻ hèn nhát. Ông hãy giữ lại tiền của ông và đem qua bên kia thế giới của ông". Nói xong, người hành khất ném cả ví tiền xuống dòng sông rồi lặng lẽ bước đi, bỏ mặc kẻ chán đời tiếp tục gặm nhấm nỗi đắng cay chua xót của ông.
Ðã hút xong điếu thuốc, nhưng kẻ chán đời vẫn muốn chưa kết liễu cuộc đời. Ông nhìn theo người hành khất đang khuất xa dần. Tự nhiên, ông không muốn chết nữa, mà chỉ muốn nhặt lại chiếc ví để trao tặng cho người hành khất. Chưa một lần trong đời, ông biết mở ví trao tặng cho bất cứ người nào. Giờ phút này. ông muốn mở rộng tâm hồn, mở rộng đôi tay để trao tặng và muốn tiếp tục sống. Nghĩ như thế, kẻ chán đời đứng thẳng lên, rời bỏ cây cầu và tiếp tục đuổi theo cho kỳ được người hành khất.
Không gì buồn chán cho bằng sống không có định hướng, không có lẽ sống. Sống mà không biết tại sao mình sống, mình sẽ đi về đâu là điều làm cho con người chán chường và đau khổ nhất.
Ai cũng khao khát hạnh phúc, ai cũng đi tìm hạnh phúc nhưng lắm khi người ta chỉ chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc. Ai cũng biết rằng tiền tài, danh vọng và lạc thú trong cuộc sống tự nó không phải là hạnh phúc và lắm khi chúng cũng không mang lại hạnh phúc cho con người.
Hạnh phúc không phải là một nơi để đi đến, hạnh phúc là một hướng đi. Có đi theo hướng đó, con người mới cảm thấy được hạnh phúc. Vậy hướng đi của chúng ta là gì?
Chúa Giêsu, Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống, đã vạch ra cho chúng ta hướng đi ấy. Và hướng đi Ngài đã vạch ra chính là Sống cho tha nhân. Ai càng tích trữ và chiếm giữ cho mình, người đó càng nghèo nàn và khốn khổ. Ai càng đóng kín quả tim và khép chặt bàn tay, người đó sẽ không được nhận lãnh. Hạnh phúc đích thực chính là trao ban, bởi vì như Thánh Phaolô đã ghi lại lời của Chúa Giêsu: "Cho thì có hạnh phúc hơn nhận lãnh".
Cho là liều thuốc chữa trị được căn bệnh trầm trọng nhất trong tâm hồn chúng ta: đó là sự chán sống. Cho cũng là liều thuốc xoa dịu được mọi khổ đau trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta đang đau khổ vì bị phản bội, vì thất chí, vì bệnh tật hay vì bất cứ một nguyên do nào: chúng ta hãy thử mở rộng tâm hồn để trao ban, để san sẻ. Chúng ta sẽ cảm thấy được xoa dịu trong tâm hồn
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011
LẼ SỐNG 09.02
09 Tháng Hai
Khi Yêu Trái Ấu Cũng Tròn
Ignacy Paderewski là một chính trị gia kiêm nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng của Balan. Ông đã từng là chủ tịch Hội Ðồng Nhà Nước năm 1919.
Một hôm, ông đến thăm một người bạn. Do sự yêu cầu của gia đình người bạn, ông đã ngồi vào đàn dương cầm để biểu diễn một vài bản nhạc do chính ông sáng tác. Tiếng đàn vang lên trong cả khu phố. Từ phòng bên cạnh, một người đàn bà đang chăm chú dọn dẹp và sắp đặt lại trật tự trong nhà. Tiếng đàn du dương của nhà nhạc sĩ đại tài, thay vì làm vui tai bà, lại làm cho bà khó chịu. Người đàn bà đã nhắc điện thoại lên yêu cầu người bạn cho nhạc sĩ Paderewski ngưng chơi đàn, vì bà không chịu nổi tiếng ồn ào. Nhưng người bạn của nhà nhạc sĩ mới giải thích: "Thưa bà, người đang chơi đàn chính là nhạc sĩ Paderewski đại tài của chúng ta đó".
Vừa nghe nhắc đến tên của nhạc sĩ, người đàn bà láng giềng khó tính bỗng đổi giọng tức khắc. Những âm thanh trước kia bà nghe như tiếng ồn ào, nay được bà đón nhận như những âm thanh tuyệt mỹ. Người đàn bà bèn gọi điện thoại mời bà con và bạn bè đến thưởng thức những tấu khúc của Paderewski.
Cũng một âm thanh, nhưng có lúc người đàn bà nghe như những tiếng ồn ào khó chịu, có lúc lại được bà đón nhận như khúc nhạc tuyệt mỹ. Ðó cũng là phản ứng thường tình của chúng ta. Khi chúng ta mang sẵn thành kiến đối với người nào đó, thì dường như tất cả những gì người đó nói hay làm đều được chúng ta đón nhận một cách tiêu cực. Yêu nhau thì trái ấu cùng tròn, mà ghét nhau thì cau bảy cũng bổ ra làm mười. Thái độ của chúng ta đối với người khác tùy thuộc ở cái nhìn của chúng ta về người đó. Nếu chúng ta chỉ nhìn người đó bằng lăng kính của thành kiến có sẵn, thì dĩ nhiên, chúng ta không thể yêu thích được bất cứ điều gì người đó nói hay làm.
Chúa Giêsu đã không nhìn người bằng thành kiến. Ngài tiếp đón tất cả mọi người. Ngài làm bạn với mọi người. Ngài ngồi đồng bàn với mọi người. Người biệt phái cũng có thể đến với Ngài. Ngài không nhìn người với những nhãn hiệu, mà chỉ bằng đôi mắt của Yêu Thương. Ngài không lắng nghe bằng những tiếng đồn đãi, bằng những định kiến, mà bằng sự cảm thông. Ngài không đo lường lầm lỗi bằng những thước đo của công lý mà chỉ xử lý bằng sự tha thứ.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011
LẼ SỐNG 08.02
08 Tháng Hai
Sống Lạc Quan
Năm 1989, một cuộc thi toán quốc tế đã được tổ chức cho các thiếu nhi 13 tuổi thuộc sáu quốc gia trên thế giới. Kết quả cuộc thi đó cho thấy giỏi toán nhất là các em Ðại Hàn, kế đó là các em Tây Ban Nha, Anh Quốc, Ailen, Canada và đội sổ là các thiếu nhi Hoa Kỳ.
Song song với cuộc thi toán ấy, người ta cũng làm một cuộc thăm dò với chính các thiếu nhi cũng thuộc lứa tuổi ấy. Người ta đặt một câu khẳng định như sau: "Tôi là người giỏi toán". Kết quả cuộc thăm dò cho thấy lạc quan nhất là các trẻ em Hoa Kỳ và bi quan nhất lại chính là các em Ðại Hàn. Gần 70% các em Hoa Kỳ tự nhận mình là giỏi toán trong khi đó chỉ có khoảng 20% các em Ðại Hàn tự nhận mình có thực tài.
Qua cuộc thi toán và thăm dò trên đây, người ta thấy rằng có thể các thiếu nhi Hoa Kỳ không phải là những trẻ em giỏi toán, nhưng chúng đã tiếp thu rất kỹ bài học về tính lạc quan do các thầy cô không ngừng giảng dạy tại trường. Nhiều nhà giáo dục người Mỹ muốn chứng minh rằng nghiện ngập, chửa hoang, bỏ học và hầu hết các tệ đoan xã hội khác đều có thể được giảm bớt nếu con người biết sống lạc quan, nghĩa là biết tự nhận và cảm thấy mình là những con người tốt.
Lạc quan là đức tính cơ bản nhất để thành công trong cuộc sống. Có tin tưởng nơi chính mình, có tin đời, có tín nhiệm nơi người khác, người ta mới dám bắt tay vào việc. Ngay cả khi gặp thất bại, thử thách, người lạc quan cũng không lùi bước, bỏ cuộc.
Trong cuộc sống đức tin, lạc quan là một trong những nhân đức quan trọng nhất. Người tín hữu lạc quan là người luôn đặt tất cả tin tưởng nơi Thiên Chúa. Người tín hữu lạc quan là người không bao giờ thất vọng về chính mình. Người tín hữu lạc quan cũng là người không bao giờ thất vọng về người khác.
Ðá tảng để người tín hữu xây dựng sự lạc quan của chính mình là Tình Yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vượt lên trên mọi tính toán, đo lường và sự tưởng tượng của con người, một tình yêu thủy chung.
Tình yêu ấy nói với con người rằng, không có một con người nào đốn mạt, yếu hèn, xấu xa đến nỗi Thiên Chúa đành phải bó tay.
Tình yêu ấy nói với con người rằng, nơi nào có tội lỗi và phản bội càng nhiều, thì nơi đó ân phúc được thi ân dồi dào hơn.
Tình yêu ấy nói với con người rằng, đau khổ, cái chết chưa là tận cùng mà là khởi đầu của vinh quang, của sự sống. Tình yêu ấy mạnh hơn sự chết, tình yêu ấy không bao giờ bỏ cuộc, đầu hàng.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011
LẼ SỐNG 07.02
07 Tháng Hai
Một Lý Tưởng Ðể Ðeo Ðuổi
Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một nhà "kinh doanh trên sự chết chóc" mà thiên hạ đang có về mình.
Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới.
Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình.
Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Những người bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết. Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên.
Người Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ.
Khi nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: "Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitô hay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo. Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao họ sống như thế giữa chúng ta?".
Ðâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.
Trích sách Lẽ Sống
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)