Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM

Đức Cha Chương, tân Giám Mục Đà Lạt; Đức Cha Vũ Tất, tân Giám Mục Hưng Hóa

VATICAN - Ngày 1-3-20
10, Phòng Báo Chí Tòa Thánh chính thức thông báo: ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, cho đến nay là GM Hưng Hóa, làm tân GM giáo phận Đà Lạt, đồng thời ngài bổ nhiệm Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất làm tân GM chính tòa giáo phận Hưng Hóa.

Đức Cha Antôn Vũ Huy C
hương năm nay 67 tuổi, sinh ngày 14-9-1944 tại Bến Thôn, huyện Thạch Thất, giáo phận Hưng Hóa. Ngài học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô 10 Đà Lạt từ 1963-1971 và tốt nghiệp với bằng cử nhân thần học. Thầy Chương thụ phong linh mục ngày 18-12-1971, thuộc giáo phận Cần Thơ. Những năm sau đó, cha Chương làm giáo sư và linh hướng chủng viện Thánh Quý, Cần Thơ, rồi làm Phó Giám đốc, giáo sư Đại chủng viện Cần Thơ cho đến khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục chính tòa Hưng Hóa ngày 6-7-2003 và thụ phong Giám Mục ngày 1-10 sau đó.

Giáo phận Đà Lạt trống tòa từ ngày 22-4 năm ngoái, sau khi Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng GM Phó Tổng giáo phận Hà Nội và ngày 13-5 sau đó ngài trở thành TGM chính tòa tại đây sau khi đơn xin từ chức của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt được ĐTC chính thức chấp nhận và công bố.

Giáo phận Đà Lạt có hơn 312 ngàn tín hữu Công Giáo, trong đó có gần 51.500 là ngừơi dân tộc. Theo thống kê năm 2008, giáo phận có 194 LM, 167 tu huynh và 690 nữ tu.

Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, tân GM Hưng Hóa

Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, tân GM Hưng Hóa, năm nay 67 tuổi, sinh ngày 10-3 năm 1944 tại Huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Sơn Bình, Hưng Hóa. Trong 8 năm, từ 1969 đến 1987, thầy Tất theo học riêng triết học và thần học tại tòa GM, đồng thời hành nghề để mưu sinh. Sau đó thày học bổ túc tại Đại chủng viện Hà Nội và thụ phong linh mục ngày 1-4-1987, khi đã 43 tuổi, sau thời gian dài chờ đợi phép của chính quyền.

Sau đó, cha Vũ Tất lần lượt đặc trách mục vụ ơn gọi trong Giáo phận Hưng Hóa (1987-1992), rồi phụ tá Giám quản Giáo Phận trong 4 năm từ 1992. Năm 1995 cha Vũ Tất được gửi sang Roma du học trong 2 năm và đậu cử nhân giáo luật tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana, trước khi học thêm một năm về mục vụ tại Đại Học Công Giáo Paris (1997-1998).

Trở về nước, Cha Vũ Tất phụ tá tại Tòa GM đồng thời đặc trách mục vụ truyền giáo tại tỉnh Lào Cai (1998-2003). Từ năm 2003 đến năm 2009, cha làm chánh sở giáo xứ Bạch Lộc. Ngoài ra, cha dạy môn Giáo luật tại Đại chủng viện Hà Nội từ năm 1999 đến 2004. Sau cùng từ năm 2005, cha Vũ Tất làm Phó giám đốc Đại chủng viện Hà Nội, phụ trách cơ sở 2 tại Cổ Nhuế, Sở Kiện.

Giáo Phận Hưng Hóa có diện tích rộng nhất trong 26 giáo phận tại Việt Nam với hơn 54.350 cây số vuông bao gồm 10 tỉnh, với gần 223 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 7 triệu dân cư. Trong số các tín hữu Công giáo có 10 ngàn là người dân tộc.

Hồi năm ngoái, Tòa GM Hưng Hóa cho biết giáo phận này có 75 giáo xứ, 480 giáo họ, nhưng chỉ có 64 linh mục triều, 202 nữ tu Mến Thánh Giá Hưng Hóa. Số tu sinh nam nữ khá dồi dào. Hiện nay có khoảng 200 nơi chưa có nhà thờ và trên 100 nhà thờ xuống cấp cần tái thiết hoặc tu sửa. (SD 1-3-2011)

LM Trần Đức Anh OP
VietCatholic News (01 Mar 2011 11:24)

LẼ SỐNG 02.3

02 Tháng Ba
Bàn Thờ Cho Người Nô Lệ

Du khách đến viếng thăm nước Tanzania bên châu Phi không thể không dừng chân trước Nhà Thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar.

Bước vào nhà thờ, người ta có thể đọc ngay lời chào đón được viết trên tường như sau: "Bạn đang ở trong nhà thờ chính tòa của Ðức Kitô. Nơi đây đã từng là chợ buôn người nô lệ".

Ngôi thánh đường này đã được xây ngay trên chính khu đất mà ngày xưa người da trắng đã tập trung không biết bao nhiêu người Phi Châu để buôn bán đổi chác như những con thú. Ðặc biệt nhất là bàn thờ của ngôi thánh đường: đây là nơi mà trước khi được bán, người nô lệ phải chịu đánh đòn. Sở dĩ người ta phải dùng roi để quất vào người nô lệ là để xem người ấy còn khỏe mạnh không.

Cột trụ ở ngay lối vào nhà thờ là một cây thánh giá gỗ có mang tên của nhà giải phóng Livingstone, một nhà thám hiểm người Anh, đã hô hào chống lại cuộc buôn bán vô nhân đạo này. Cây thánh giá mang tên ông đã được chạm trổ từ gốc cây nơi ông thường đứng để hô hào cuộc chiến bãi bỏ việc buôn bán người nô lệ.

Mãi đến ngày 06 tháng 6 năm 1873, việc buôn bán người nô lệ mới chính thức bị cấm chỉ bằng một đạo luật. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.

Cũng như một đan viện dòng kín đã được dựng lên ngay bên cạnh trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan để âm thầm nhắc nhở về những độc ác dã man mà con người đã có thể làm cho người khác, thì nhà thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar cũng là một nhắc nhở về một quá khứ vô cùng đau thương và đen tối của cả nhân loại, khi con người chỉ xem những giống người khác như thú vật để đổi chác. Nhưng một tưởng niệm không chỉ dừng lại ở khía cạnh kết án, nó còn là một mời gọi để cam kết sống đích thực hơn. Ðối lại với chà đạp dã man phải là sự tôn trọng yêu thương mà con người phải có đối với tha nhân.

Cuộc sống của người Kitô chúng ta được xây dựng trên một tưởng niệm vô cùng cao cả: đó là cái chết của Ðức Kitô được thực hiện trong Thánh Lễ. Thánh lễ vừa là một nhắc nhở về cái chết vô cùng dã man mà Ðức Kitô đã trải qua, vừa là một tưởng niệm về Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, vừa là một mời gọi sống yêu thương, yêu thương đến nỗi có thể chết thay cho người khác... Chúng ta không thể tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu mà vẫn tiếp tục cưu mang hận thù, mà vẫn nuôi dưỡng sự khinh rẻ đối với tha nhân.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 01.3

01 Tháng Ba
Tro Tàn Của Lịch Sử

Một buổi sáng dạo đầu tháng 8 năm 1990, dân chúng Bulgary bỗng chứng kiến một cảnh khác thường tại quảng trường chính ở thủ đô Sofia: người ta kéo thi hài của chủ tịch Georgi Dimitrov ra khỏi lăng tẩm và mang đi hỏa táng. Chỉ có một vài người thân của ông tham dự nghi lễ hỏa táng. Sau đó, tro tàn của ông được mang đi cải táng bên cạnh phần mộ của mẹ ông.

Georgi Dimitrov đã từng được tôn thờ như anh hùng dân tộc vì đã đánh đuổi được Phát xít và sáng lập Ðảng Cộng Sản Bulgary. Năm 1949, khi ông qua đời, người ta đã ướp xác ông và đặt vào trong lăng tẩm để dân chúng chiêm ngắm và suy tôn. Nhưng vinh quang của quá khứ ấy đã không đủ sức để bảo vệ ông khỏi đống tro của lịch sử...

Người ra lệnh đưa ông ra khỏi lăng tẩm và hỏa táng không ai khác hơn chính là Ðảng Cộng Sản Bulgary nay đã đổi tên thành Ðảng Xã Hội...

Con người bởi đâu mà ra? Con người sống để làm gì trong cõi đời này? Con người sẽ đi về đâu sau cái chết?... Nếu ai cũng nghiêm chỉnh tự đặt ra cho mình những câu hỏi lớn ấy thì có lẽ không ai còn nhọc công để chạy theo tiền của, danh vọng, không ai còn nghĩ đến chuyện ướp xác và xây lăng tẩm nữa... Có ai thoát khỏi đống tro tàn của lịch sử? Hôm nay người ta tôn thờ, ngày mai người ta hạ bệ. Hôm nay người ta ướp xác, ngày mai người ta lại đưa ra đốt...

Là người có niềm tin, chúng ta đặt tin tưởng nơi Ðức Kitô. Qua cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh. Chúa Giêsu đã mang lại giải đáp cho tất cả những câu hỏi lớn của đời người. Phúc thay cho những ai biết mình từ đâu đến, biết mình sống để làm gì và biết mình sẽ đi về đâu. Một ý nghĩa, một hướng đi cho cuộc sống: phải chăng đó không là điều chúng ta đang tìm kiếm?

Tin Mừng ghi lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho hơn 5 ngàn người ăn. Chỉ bằng một lời nói, chỉ trong chớp nhoáng, Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống hàng ngàn người đói khát. Với quyền năng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể vung cây đũa thần để mang lại no cơm, ấm áo cho nhân loại. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã không làm người vì sứ mệnh ấy. Ngài đến để mang lại một thức ăn khác: một thức ăn sẽ không làm cho con người phải đói khát, phải chết, phải mai một trong hư vô của tiền của và danh vọng nữa... Ngài đến để mang lại cho chúng ta Sự Sống trường sinh... Ðó là lý do đã khiến Chúa Giêsu khước từ không chịu làm vua khi người ta muốn tôn vinh Ngài. Sau bữa ăn do phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài mời gọi con người hãy hướng đến của thức ăn không hư nát, của ăn mang lại sự sống bất diệt.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT VIII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật VIII thường niên năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 8 MÙA THƯỜNG NIÊN A (Mt 6, 24-34)

Mời xem videoclip

CHỚ LO GÌ NGÀY MAI

Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được. Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?.
(Mt 6, 24-34).

Trong tất cả Lời Phúc Âm của Chúa, hình như tôi thích bài Phúc Âm của tuần này nhất vì Chúa khuyên dạy tôi là đừng có lo lắng quá!. Thật phải khi chúng ta trong cuộc sống thường nhật là phải lo lắng cho được cái miếng ăn, xong đến cái mặc, rồi mới tới những thứ cần thiết khác. Xin đừng hiểu lầm là Chúa dạy chúng ta trở thành những con người lười biếng, nằm chờ sung rụng, hay chờ thiên hạ đem cơm đến tận nhà cho chúng ta; không không, hẳn Chúa không dạy chúng ta thế!. Hãy nhìn đàn kiến ngoài vườn chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, chính chúng là loài vật mà còn tự biết kiếm ăn thì hà huống gì chúng ta lại ngồi không. Ấy vậy có phải vì chúng là loài vật nên chúng chỉ biết kiếm ăn là việc chính và việc sinh sản, còn ngoài ra chúng chẳng biết được sự việc gì khác hơn những gì Chúa ban cho chúng. Còn con người chúng ta thì Chúa Cha dựng nên khác hẳn với loài vật. Chúa ban cho chúng ta có được hình hài y chang giống Ngài; Chúa ban cho chúng ta có được bộ óc thật cao siêu tùy theo khả năng của mỗi người dùng nó. Bởi lẽ Chúa ban cho mỗi người có một khả năng riêng biệt là vậy! Nếu không thì thế giới chỉ toàn là bác sĩ mà không có bệnh nhân; hoặc toàn là thầy cô giáo mà chẳng ai là học trò; hoặc toàn là Đức Giáo Hoàng hay đấng bậc tu trì mà chẳng có ai là giáo dân cả!. Chúa ban cho con người chúng ta mỗi người là một sáng tạo riêng của Chúa để tất cả sẽ hòa cùng nhịp sống để cùng nhau học hỏi và chia sẻ.

Sở dĩ Chúa Con Giêsu phải xuống thế gian là thế! Ngài muốn dạy con cái hư đốn của Ngài là hãy dành nhiều thời giờ mà cầu nguyện cùng Chúa Cha của Ngài. Cuộc sống trần gian này có là bao?. Có ai sống được hơn 120 tuổi mà không chết? Dẫu có sống hơn được vài tuổi nhưng trí óc và thân xác cũng đã nằm liệt như thực vật rồi!?. Chúa dạy cho chúng ta thấy cuộc sống trần gian này chỉ là nơi tu luyện nhân đức, tâm hồn, và linh hồn của chúng ta mà thôi!. Cuộc sống mai hậu trên Nước Trời mới là thiết yếu và là đời đời. Chúng ta cầy sâu cuốc bẫm để hy vọng có thật nhiều thóc lúa để tích lũy vào kho lẫm, để ăn cả đời được chắc?. Hay hằng ngày chúng ta chỉ biết sống ích kỷ, bon chen, hại người, để được thăng chức, có được bằng khen, và tăng lương, rồi thì mặc ai sống ra sao thì sống, miễn là chúng ta có của dư của để và sống một cuộc sống sung túc là được rồi?.

Lời Chúa dạy chúng ta ngày hôm nay, gẫm suy chúng ta phải cảm tạ Chúa thật nhiều vì đã nhắc nhở chúng ta hãy nên dừng chân lại. Thật phải cuộc sống ở đời này có là bao?. Chúng ta ăn được bao nhiêu? Có phải thời nay chúng ta được hướng dẫn rằng thà ăn ít chút mà còn sống lâu sống khỏe, còn hơn là ăn nhậu nhiều chỉ dẫn chúng ta ra mộ nằm sớm hơn?. Thời nay chúng ta được các bác sĩ khuyên răn là ăn rau, đậu, cá nhiều thì tốt và giảm ăn thịt càng nhiều càng tốt?. Nếu chúng ta hằng ngày chỉ tiêu thụ rau, đậu, và cá, thì đã giảm bớt cho chúng ta thật nhiều tiền trong sự ăn uống và nuôi thân xác hay chết của chúng ta rồi!. Còn quần áo chúng ta mặc ư!?. Cũng là cái quần cái áo, sao chúng ta không biết đi sắm sửa những nơi bán rẻ?. Để chẳng phải phí sức mà cầy thêm để sắm mua cho được những quần áo có tên hiệu? Nếu chúng ta sống giản tiện như Lời Chúa dạy tuần này thì tất cả chúng ta là con cái Chúa, sẽ có thật nhiều thời giờ mà làm việc cho Chúa và cho anh chị em.

Nhất là trong gia đình của chúng ta. Có ai bỏ bê con cái vì chạy theo danh lợi của cải thế trần?. Hẳn có nhiều lắm!. Vì theo thống kê của ngày hôm nay cho chúng ta biết hầu hết trẻ nhỏ, thanh niên, thiếu nữ, đang sống một cuộc sống rất bê bối vì thiếu sự dạy dỗ của cha mẹ; lý do không có thời giờ dạy dỗ con cái; bởi cả hai cha mẹ đều đi làm. Nhưng nếu làm vừa đủ thì cũng có rất nhiều thời giờ với con, cái nhưng ngặt nỗi vì lòng tham của cả hai nên không tuần nào mà không làm thêm giờ, để cho có thêm cái này hay thêm cái kia để không thua bạn thua bè; so sánh nhau những thứ không cần thiết; không hiểu được tầm quan trọng nếu con cái không có người dạy dỗ. Có nhiều cha mẹ chỉ biết thẩy chúng con vào trường học, lớp học là đủ rồi! Chúng cần tiền thì mặc sức mà cho, không cần biết cái chúng đòi có nên cho hay không?. Vâng, đó là bổn phận và trách nhiệm chúng ta đối với con cái và gia đình. Gia đình vợ chồng đổ vỡ cũng từ đây. Gia đình là gì mà không được một bữa ăn có mặt đầy đủ cả nhà? Gia đình là gì mà phòng ai nấy đóng kín? Gia đình là gì mà giống nhà thuê phòng mướn quá? Gia đình là gì mà đùng một bữa chồng hay vợ báo tin cho nhau là sẽ ký giấy ly dị??. Quả là cái tin long trời lở đất??. Vì thế có phải tiền, rất nhiều khi nó là hỏa ngục mà chúng ta là người gieo nó?. Hoặc cầu mong được làm ông Lớn, cũng đánh mất hạnh phúc của chính mình, thật đau lòng thay!?. Được làm ông Lớn mà mất vợ, mất con, mất tình thân gia đình, mất tình thâm giao giữa những người gọi là bạn thân thiết của mình trong công sở, thì nay còn gì là hạnh phúc chứ!??.

Chúa ví những gì chúng ta khoác lên người (là những tên hiệu) như Vua Salomon mà còn không sánh bằng hoa huệ ngoài đồng Chúa tạo nên chúng; thế mà hoa hôm nay chúng đẹp đẽ như thế mà mai bị vất vào lửa. Thì trần gian này ai có thể mặc đẹp đẽ hơn Vua Salomon chứ!??. Thưa chẳng thể được!. Vì không thợ dệt nào trên trần gian mà có thể làm hoa lụa giả y như thật được. Chỉ có Thiên Y Chúa ban cho chúng ta mới đẹp gấp trăm ngàn lần hoa huệ trần gian mà thôi!. Bởi Chúa muốn ban cho linh hồn của chúng ta được hưởng Nước Trời, Chúa mới phải dạy chúng ta bài học: “Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

Quả thật Chúa nói ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy! Thế thì tại sao chúng ta không để cho Chúa quan phòng? Không để cho Chúa lo lắng, định liệu, và sắp đặt mọi việc cho chúng ta, có phải chúng ta sẽ được nhẹ gánh hơn nhiều hay không?. Khi chúng ta ôm đồm nhiều quá là chúng ta mắc lỗi cùng Chúa, bởi chúng ta đã không có thời giờ cho Chúa; chúng ta lại bỏ bê gia đình con cái; và chúng ta mắc cái tội tham lam vì đã chọn tiền hơn chọn Chúa.

Lạy Chúa! Xin cho chúng con thấm nhập Lời Chúa vào lòng và chỉ chọn Chúa là vị Cứu Tinh cho cuộc đời của chúng con. Chúng con cố gắng cầu nguyện và chỉ biết chạy đến Chúa; dâng Chúa tất cả những gì thuộc về con: gia đình, người thân, những sự thiếu sót, bất toàn, và bất lực. Con xin đánh đổi tất cả để chỉ được có Chúa và chỉ có Chúa con mới được an nghỉ và bình an mà thôi!. Amen.


Tuyết Mai
(nguồn : thanhlinh.net)

LẼ SỐNG 26.02

26 Tháng Hai
Thiên Chúa Nói Không

Có một bài thơ của một tác giả vô danh mà Hồng Y Jaime Sin, Tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân, lấy làm ưng ý nhất và thường trích dẫn trong các bài giảng của Ngài. Bài thơ ấy như sau:

Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng không phải Ngài là người cất khỏi mà chính tôi mới là người phấn đấu để vượt thắng nó.

Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng kiên nhẫn là trái của thử thách. Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời: Không". Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy tôi.

Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái.

Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi được xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.

Tôi đã hỏi: "Liệu Ngài có yêu tôi không" và Ngài đã trả lời rằng: "Có". Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Ðấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên Ðàng vì tôi đã tin.

Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: "Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi".

Nhìn lên thập giá Ðức Kitô, chúng ta được mời gọi để tin nhận rằng Thiên Chúa đã yêu thương con người, Ngài đã yêu thương đến độ đã ban Người Con Một của Ngài cho thế gian. Tình Yêu của Thiên Chúa nhiệm màu thẳm sâu đến độ sự thất bại, cái chết ô nhục đã trở thành Một Dấu Chứng.

Tình yêu ấy nhiệm màu thẳm sâu đến độ ngay cả khi Thiên Chúa xem ra nói không với chúng ta, Ngài vẫn yêu thương chúng ta. Ngài nói không khi chúng ta xin được khỏe mạnh, và bệnh hoạn vẫn bám lấy chúng ta. Ngài nói không khi chúng ta xin được thành công và thất bại lại đến với chúng ta. Ngài nói không khi chúng ta xin được cơm bánh hằng ngày và đói khổ lại cấu xé chúng ta... Qua những cái không ấy, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta...

Xin cho chúng ta cảm nhận được tình yêu ấy mỗi khi chúng ta nhìn lên cái chết ô nhục của Người Con Một Thiên Chúa trên thập giá. Và cũng giống như Người Con Một ấy, xin cho chúng ta vẫn tiếp tục dâng lời chúc tụng ngay giữa niềm đau tưởng chừng như không còn chịu đựng nổi. Và giữa trăm nghìn đắng cay chua xót, xin cho chúng ta cũng được tiếp tục thốt lên lời xin tha thứ như Ngài... Mãi mãi, xin cho chúng ta luôn phó thác như Ngài.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 25.02

25 Tháng Hai
Dân Thành Athènes

Ngày kia, triết gia Esopos người Hy Lạp ngồi bên vệ đường trước cổng thành Ethènes. Một người khách lạ tình cờ đi qua dừng lại hỏi ông như sau: "Dân thành Athènes như thế nào?".

Triết gia bèn trả lời: "Xin ông cho tôi biết ông đến từ đâu và dân tình ở đó như thế nào?". Người khách lạ nhíu mày cằn nhằn: "Tôi đến từ Argos và dân Argos toàn là một lũ người láo khoét, trộm cắp, cãi cọ suốt ngày".

Một cách bình thản, triết gia Esopos mỉm cười đáp: "Tôi rất lấy làm buồn để báo cho ông biết rằng rồi ra ông sẽ thấy dân thành Athènes còn tệ hơn thế nữa".

Ngày hôm sau, một người khách lạ khác đi qua và cũng dừng lại đặt một câu hỏi: "Dân thành Athènes như thế nào?". Người khách lạ ấy cũng cho biết mình đến từ Argos là nơi mà ông cho là quê hương yêu dấu mà ông buộc lòng phải rời xa, bởi vì dân chúng Argos là những người rất dễ thương, dễ mến...

Lần này, triết gia Esopos cũng biểu đồng tình với người khách lạ như sau: "Này ông bạn đáng mến, tôi rất vui mừng cho ông biết rằng ông sẽ nhận thấy dân thành Athènes cũng dễ thương dễ mến như thế".

Câu chuyện mang tính cách ngụ ngôn trên đây muốn nói với chúng ta rằng cách thẩm định người khác tùy thuộc ở tình cảm của mỗi người. Cùng một con người ấy, cùng một khung cảnh ấy, nhưng có người ưa, có kẻ chê. Sự khác biệt trong cách thẩm định ấy thường không nằm trong người khác hoặc cảnh vật khác, mà chính là ở tâm trạng của mỗi người. Thi sĩ Nguyễn Du đã có lý khi bảo rằng: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để có cái nhìn lạc quan về các biến cố và con người, nghĩa là chúng ta được mời gọi để luôn có cái nhìn tích cực về người khác và các biến cố. Một thất bại rủi ro xảy đến ư? Người Kitô hãy cố gắng khám phá ra những đường nét dễ thương dễ mến trong khuôn mặt, trong cách cư xử của người đó. Chúng ta hãy làm như loài ong: từ giữa bao nhiêu vị đắng cay của cánh hoa, loài ong chỉ rút ra toàn mật ngọt...

Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã ghi trong nhật ký của Ngài như sau: "Do bản chất, tôi vui vẻ và sẵn sàng chỉ thấy những khía cạnh tốt đẹp của sự vật và con người hơn là phê bình chỉ trích và đưa ra những phán đoán độc hại... Mỗi một cử chỉ khiếm nhã đối với bất cứ ai, nhất là những người nghèo hèn, thấp kém, hoặc bất cứ một chỉ trích phá hoại nào, đều làm cho tôi đau lòng".

Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 24.02

24 Tháng Hai
Không Khí

Trong kho tàng văn chương Ấn giáo, có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: "Thưa thầy, con muốn gặp Chúa". Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.

Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười và tiếp tục giữ thinh lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy để trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: "Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?". Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: "Thưa, con cần có không khí để thở".

Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: "Con có cảm thấy ước ao gặp gỡ Thiên Chúa như vậy không? Nếu con khao khát như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề có ước muốn ấy, thì dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài".

Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã làm việc thiện. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã tránh được điều xấu. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã cầu nguyện. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã sống tử tế. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta can đảm. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta cố gắng rèn luyện ý chí. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta hy sinh phục vụ...

Sự thánh thiện của chúng ta chính là Thiên Chúa. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng ta mới có thể làm việc thiện, mới có thể tránh được điều xấu, mới có thể cầu nguyện, mới có thể can đảm, vui tươi...

Cũng như người đệ tử khao khát gặp Chúa, chúng ta hãy xin Ngài ban cho chúng ta được thông dự vào sự sống của Ngài, để nhờ đó chúng ta mới có thể mang lại hoa trái của sự thánh thiện.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 23.02

23 Tháng Hai
Ánh Sáng Hồi Phục

Mới đây tại trường đại học y khoa Stanford bên Hoa Kỳ đã sáng chế ra một loại cửa sổ nhân tạo đặt trong các phòng hồi sức, nhằm giúp cho bệnh nhân chóng được hồi phục. Người vẽ kiểu cho loại cửa sổ nhân tạo này là một phó nhòm thuộc tiểu bang California. Ông đã chứng kiến cái cảnh thoi thóp thở của cha mình, khi nhìn lên trần bảng của phòng hồi sức chỉ thấy toàn một màu trắng với những lỗ đen. Các bác sĩ cho biết, vì phải nằm lâu ngày trong căn phòng thiếu cửa sổ, thiếu ánh sáng tự nhiên, cho nên không những bệnh nhân khó hồi phục mà còn để lộ những triệu chứng của bệnh tâm thần.

Với cánh cửa sổ nhân tạo nói trên, nhờ một hệ thống điện toán tinh vi, bệnh nhân có thể cảm thấy như đang tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài. Trong 24 giờ đồng hồ, ánh sáng trên khung cửa nhân tạo thay đổi 650 lần. Bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh mặt trời lên cũng như những áng mây bay qua khung cửa. Tất cả đều nhằm để giúp cho bệnh nhân cảm thấy mình gần gũi với thiên nhiên và nhờ đó cảm thấy bớt cô đơn.

Trong tương lai gần đây, người ta cũng có thể tạo ra cảnh trăng lên cũng như các vì sao lấp lánh trên khung cửa.

Con người cũng như vạn vật cần có ánh sáng để sống. Riêng với con người, ánh sáng không những cần cho sự sống của thân xác, mà còn giúp cho con người khỏi cô đơn. Bóng tối dễ làm cho con người cô đơn và sợ hãi...

Có nhiều thứ bóng tối trong cuộc sống chúng ta. Bóng tối của ích kỷ, của ganh ghét, của hận thù, của đam mê... Càng giam mình trong bóng tối ấy, chúng ta càng cảm thấy cô đơn và càng trở nên bệnh hoạn. Người càng sống ích kỷ, người càng nghiền ngẫm đắng cay, hận thù, người đó càng hạ giảm nhân tính của mình...

Chúng ta cần có ánh sáng để sống, để lớn lên trong tình người cũng như để chữa trị những băng hoại trong tâm hồn. Có ánh sáng của Lời Chúa để soi sáng dẫn từng đường đi nước bước của chúng ta. Có những ánh sáng của những nghĩa cử hằng ngày. Không có một nghĩa cử nào qua đi mà không thêm một chút ánh sáng để giúp chúng ta hồi phục vì những vết thương đau trong cuộc sống. Một hành động bác ái, một biểu lộ tin yêu dù nhỏ mọn đến đâu cũng là một tia sáng mang hy vọng đến cho tăm tối cô đơn trong tâm hồn chúng ta.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 22.02

22 Tháng Hai
Lầm Lỗi Là Chuyện Thường

Hôm nay kỷ niệm ngày sinh của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Con người đã có công đưa nước Mỹ đến độc lập, tự do và phồn thịnh ấy nổi tiếng là người nóng nảy, nhưng luôn biết phục thiện và yêu sự thanh liêm. Ngay từ lúc thiếu thời, ông đã tỏ ra là người đơn thành và sẵn sàng nhận lỗi của mình...

Ngày kia, cậu bé George được trao cho một con dao để ra vườn làm cỏ. Trong vườn có một cây anh đào nhỏ mà cha mẹ cậu rất quý. Chưa phân biệt được thế nào là cỏ dại thế nào là cây trái, George đã chặt đứt cây anh đào vô cùng qúy giá của cha mẹ mình.

Cha của George đau lòng nhìn thấy cây anh đào đổ xuống mặt đất. Ông đã thoáng nghi George là thủ phạm, nên mới hỏi cậu: "Con có biết ai là người đốn hạ cây anh đào không? Cha không muốn thấy điều đó lập lại một lần nữa...". George suy nghĩ một lúc và trả lời: "Chính con là người đã đốn cây anh đào. Cha cứ phạt con đi".

Và George ngạc nhiên vô cùng khi nghe cha cậu trả lời: "Ðiều con vừa làm là một điều sai trái.Nhưng con đã chữa được điều sai trái đó khi dám nói lên sự thật. Cha đánh giá lòng can đảm và sự thành thật của con cao hơn là trăm nghìn những cây đẹp như thế...".

Không ai trong chúng ta, đặc biệt là tuổi trẻ, mà lại không sống với hy vọng tốt đẹp hơn trong tương lai. Nhưng phải thành thật mà nói thì cuộc đời không phải lúc nào cũng là con đường trải hoa, vì nhiều lần chúng ta gặp hoàn cảnh vô cùng tệ hại. Ðố với nhiều người, dường như hy vọng về những điều tốt đẹp chỉ thành tựu trong mơ mộng mà thôi và thực tế rất phũ phàng.
Tuổi trẻ đi qua rất nhanh. Ngày tháng trôi qua, chúng ta chẳng mấy chốc già đi. Tóc trên đầu chúng ta mỗi lúc một điểm thêm nhiều muối tiêu. Sau khoảng 45, mỗi lần nhìn vào trong gương, chúng ta giật mình thấy mình già mau quá. Nhìn lại tập ảnh của gia đình, lắm khi chúng ta không có can đảm ngắm lâu hơn. Chẳng những gương mặt, mái tóc bên ngoài, mà tuổi già còn gặp nhiều hạn chế hơn tuổi trẻ. Những môn thể thao trước kia ưa thích, nay không còn đủ sức để chơi nữa. Cặp mắt sắc sảo đã phải đeo thêm kính mới đọc được sách. Khi bước vào lớp tuổi 60 trở lên, bước đi của chúng trở nên chậm chạp hơn. Trí nhớ mỗi lúc một ra kém cỏi...

Tuổi trẻ là một chuỗi những vấp ngã, tuổi già là những tháng ngày để ân hận và hối tiếc khi chợt nhận ra giới hạn của mình. Cuộc đời là thế. Chúng ta có nên bi quan không?

Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để sống hy vọng. Ðổ vỡ, thất bại không phải là những ngõ cụt trong cuốc sống, nhưng phải là bàn đạp để chúng ta vươn cao hơn. Cuộc đời không phải là một chuỗi ngày giữa chiếc nôi và ngôi mộ. Cuộc đời là một hành trình đi từ chỗ hữu hạn đến chỗ vô hạn, từ chỗ tuyệt vọng đến chỗ đầy hy vọng. Và cuối cùng cánh cửa của sự chết mà chúng ta rồi đây sẽ bước qua chỉ là một khúc quanh của cuộc hành trình này mà thôi...


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 21.02

21 Tháng Hai
Người Cùi Hủi

Raoul Follreeau, vị đại ân nhân của người phong cùi trên thế giới có kể lại mẩu chuyện đáng thương tâm như sau:

Trong một thị trấn nhỏ nọ, một người đàn ông lâm bệnh nặng. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ nghi ngờ anh ta đã mắc bệnh phong hủi... Tuy không là một phán quyết dứt khoát, nhưng kể từ đó người ta không còn thấy anh ra khỏi nhà nữa. Gia đình anh mỗi lúc lại càng xác tín hơn về bệnh tình của anh. Thế là để che giấu con người mà họ coi như một sự xấu hổ chung, những người thân của anh đã giam anh trong một cái mùng lớn. Người đàn ông đáng thương chỉ còn sống vất vưởng nhờ lương thực tiếp tế mỗi ngày. Vũ trụ của anh chỉ còn là khung mùng phủ kín bốn chân giường. Ngậm đắng nuốt cay từng giờ từng phút, người đàn ông chỉ còn mỗi một hy vọng: đó là trốn thoát được chính nhà giam của anh... Ngày nọ, anh đã
trốn ra khỏi khuôn mùng và gia đình của anh. Nhưng chẳng may, người ta đã nhận bắt được anh. Lần này, người đàn ông khốn khổ dường như không còn một hy vọng nào nữa. Anh chỉ còn muốn tìm sự giải thoát qua cái chết...

Lần thứ hai, anh
trốn khỏi vũ trụ tối tăm của anh. Nhưng lang thang mãi mà vẫn không tìm được sự tin tưởng và giúp đỡ của những người khác, anh đã tìm đến cái chết như một lời biện hộ cuối cùng. Người đàn ông đã mua thuốc ngủ và tự vận trước mặt mọi người. Cái chết của anh đã gây chấn động trong dư luận. Người ta yêu cầu cho khám nghiệm tử thi. Kết quả đã làm cho mọi người sửng sốt: anh đã không bao giờ mắc bệnh phong cùi...

Những ai đã và đang sống dưới một chế độ độc tài trong đó mọi thứ tự do cơ bản nhất của con người bị chối bỏ, đều cảm nhận được sự độc hại của thái độ thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa người với người... Một xã hội mà quan hệ giữa người với người chỉ xây dựng trên dối trá, lừa đảo, hận thù, ganh ghét.... Một xã hội như thế không thể không đi đến chỗ diệt vong...

Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để xây dựng Nước Chúa, Nước của Chân Lý, của Công Bình, của Bác Ái, của sự tín nhiệm lẫn nhau...

Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta chế độ kiểu mẫu: Ngài không nhìn người bằng một nhãn hiệu, bằng một lăng kính có sẵn. Tất cả mọi người, dù tội lỗi thấp hèn đến đâu cũng đều được Ngài nhìn dưới ánh mắt của cảm thông, của yêu thương, của tha thứ... Tất cả mọi người đều được nhìn dưới ánh mắt yêu thương của Ngài như một giá trị độc nhất vô nhị trong tình yêu của Thiên Chúa.

Ðể được một cái nhìn như thế, chúng ta luôn được mời gọi để gạt bỏ mọi thứ thành kiến ra khỏi tâm hồn chúng ta. Trong tất cả mọi sự và trong mọi người, chúng ta hãy mặc lấy cái nhìn của Chúa Giêsu. Chỉ với cái nhìn ấy, chúng ta mới mong tái tạo được sự tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau trong xã hội chúng ta

Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT VII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật VII thường niên năm A.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

LẼ SỐNG 20.02

20 Tháng Hai
Giáo Ðường

Văn hào Aleksandr Solzenicyn đã ca tụng những ngôi giáo đường bằng những vần thơ như sau:

"Thư thái trên sườn đồi, ngạo nghễ trên những ngọn núi cao, hãy ẩn mình trong những dòng sông sâu, những ngôi giáo đường đẹp như những công chúa vận xiêm y rực rỡ.

Nhìn xuống những mái nhà gỗ tranh là những ngọn tháp chuông hùng dũng. Từ phố chợ đến thôn quê, từ đỉnh tháp hướng về trời cao, những tiếng chuông không ngừng giục giã gọi nhau.

Từ thuở nào con người vẫn ích kỷ nhỏ nhen. Nhưng chiều về, khi tiếng chuông đổ hồi trên thôn xóm, trên đồng ruộng, trên núi rừng, người người dừng lại, ngẩng nhìn và ra khỏi cuộc sống thấp hèn của họ.

Cha ông của chúng tôi đã để lại phần cao quý nhất của các ngài. Mãi mãi, tâm tình của các ngài vẫn còn ghi khắc trong những viên đá này, trong những tháp chuông này".

Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, giáo đường vẫn luôn là biểu trưng của sự sống. Còn gì buồn thảm cho bằng một ngôi giáo đường biến thành bảo tàng viện hoặc không còn người lui tới.

Giáo đường là nhà của con người: gặp gỡ giữa trời cao và đất thấp, gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả, giáo đường chính là nơi gặp gỡ giữa người với người: gặp gỡ ở trong lời cầu nguyện, gặp gỡ nhau trong chia sẻ, gặp gỡ nhau trong lời chào bình an, trong cái bắt tay của tha thứ, của hòa giải, gặp gỡ nhau để nối kết vòng tay với người khác, gặp gỡ nhau để trở lại cuộc sống với hăng say và nhiệt thành hơn.

Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà vẫn khước từ gặp gỡ với tha nhân. Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà lại không muốn gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta không thể tách biệt nhà thờ ra khỏi cuộc sống. Bao lâu ngôi giáo đường còn đó, bấy lâu người Kitô vẫn được mời gọi để nối kết đức tin với cuộc sống hằng ngày.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 7 MÙA THƯỜNG NIÊN A (Mt 5, 38-48)

YÊU “KẺ THÙ” NHƯ THẾ NÀO ĐÂY?

Quả thật đã từng có nhiều ý kiến khác chiều, thậm chí có khi là trái chiều liên quan đến những lời dạy của Chúa Kitô về việc không chỉ “đừng chống cự lại kẻ ác” mà còn “giơ má kia cho người ta đánh” hoặc “phải yêu kẻ thù”
(x.Mt 5,38-44).

“Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai”. Lời một bài ca khá phổ biến này dường như được cảm hứng từ những lời Tin Mừng trên đây. Nếu nhìn nhận mọi người là anh chị em của mình thì hẳn sẽ không có chuyện giết hay ghét bỏ. Chỉ có ma quỷ mới là kẻ thù đích thực của chúng ta.

Trước hết chúng ta cần phân định rõ lời dạy của Chúa Kitô qua đoạn tin mừng Mt 5, 38-48 mà giáo hội cho trích đọc trong Chúa Nhật VII TN A. Nội dung chính lời dạy của Chúa Kitô là cần phải vượt qua cái giới hạn của đức công bình cũng như giới hạn của đức yêu thương theo luật Cựu ước.

Thiết tưởng cần nhìn nhận mặt tích cực của luật công bình “mắt đền mắt, răng đền răng, sưng đền sưng, bầm đền bầm…”. Luật này giúp hạn chế sự gia tăng mức độ báo thù mà thường theo bản năng người ta khó tự kiềm chế. Chuyện bị đánh gảy một cái răng thì đánh trả lại người ta gảy nguyên cả hàm vẫn còn nhan nhản ngay trong thời đại hôm nay. Nước này phóng vào lãnh địa nước kia mười quả đạn pháo thì nước kia sẽ phóng trả đủa lại không dưới mười quả, có khi là gấp ba, gấp bảy lần. Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” dường như vẫn còn giá trị của nó. Tuy nhiên giới luật này không khử trừ sự ác, điều xấu cách tận căn mà nhiều khi dẫn đến tình trạng không lối thoát.

Chuyện thật như bịa theo ý cha Anthony de Mello: Có tay trộm choai choai lẻn vào khuôn viên nhà thờ lúc bốn giờ sáng, định cuỗm thứ gì đó. Chưa thu được chiến lợi phẩm gì thì bị “ông từ” đi đánh chuông phát giác. Hoảng quá cậu nhóc leo đại lên tháp chuông trốn tưởng rằng qua được mắt ông từ già. Nhưng rủi cho cậu nhóc là cặp mắt ông từ vẫn còn tinh. Ông từ kiên nhẫn ngồi dưới tháp chuông chờ có người đến thì la làng. Cậu nhóc đoán được ý ông từ đành làm liều nhảy đại xuống từ độ cao khoảng bốn mét (tầng cuối). Ai ngờ cậu nhóc nhảy xuống vấp phải ông từ khiến ông già trẹo một chân. Dù gảy chân nhưng ông từ vẫn ôm chặt cậu bé và la lớn tiếng. Người ta chạy đến và cậu nhóc bị tóm. Tất cả dẫn cậu nhóc vào cha xứ. Ngài hỏi cậu nhóc đã ăn trộm cái gì. Cậu ta thưa là chưa lấy được gì cả. Ngài phán tiếp: “thế thì theo luật “mắt đèn mắt, răng đền răng”, ông từ được quyền leo lên tháp chuông và nhảy xuống để làm trẹo một chân cậu nhóc!” Mặt ông từ tái xanh.

Chúa Giêsu đã dùng lối nói “ngoa ngữ” dạy chúng ta dùng chính tình yêu, việc lành để giải hoá sự hận thù, diệt trừ sự dữ tận gốc rễ. Cần lưu ý rằng văn phong “ngoa ngữ” thường được sử dụng không phải cố ý dạy những gì được trình bày nhưng để nhằm nhấn mạnh ý tưởng muốn nói. Chẳng hạn khi dạy chúng ta rằng nếu mắt hay tay chân ta gây cớ cho ta phạm tội thì chặt chúng đi, Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến việc dứt khoát tránh dịp tội chứ không biểu chúng ta móc mắt hay chặt chân, chặt tay
(x.Mt 5,29-30). Hiểu được điều này thì chúng sẽ không thấy có sự mâu thuẩn giữa lời dạy và hành động của Chúa Giêsu. Trước mặt thượng tế Khanan, khi bị một thuộc hạ của thượng tế vả vào mặt thì Chúa Giêsu đã chất vấn: “Nếu tôi nói sai, anh hãy chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”(Ga 18,23). Khi dạy chúng ta “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa” thì Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh điều này: “đừng chống cự người ác”, nghĩa là đừng báo thù, kiểu ăn miếng trả miếng.

Tình yêu thì không có biên giới cả về mức độ lẫn đối tượng. Ăn cho, buôn so. Đã có tính toán, đã có hạn mức cố định thì sẽ chẳng còn là tình yêu. Đã yêu là yêu đến cùng. Xét về mức độ thì Chúa Kitô không chỉ minh định rõ ràng đó là sẵn sàng hiến thân vì người mình yêu mà Người còn thể hiện sự đến cùng trong tình yêu bằng cái chết trên thập giá. Để diễn tả sự đến cùng trong mức độ mến Chúa và yêu tha nhân thì Chúa Giêsu đã long trọng nhắc lại lời Cựu ước và nhấn mạnh thêm: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi…Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”
(Mc 12,30-31). Hạn từ “hết” đuợc lặp đi lặp lại và hạn từ “như chính mình” làm nỗi rõ tính vô biên của tình yêu.

Xét về đối tượng, luật Cựu ước đòi hỏi phải yêu thương người đồng bào, người đồng đạo. Luật còn dạy phải quan tâm đến người nghèo khổ, mẹ goá, con côi, khách ngụ cư, khách ngoại kiều. Chẳng hạn khi gặt lúa thì đừng gặt sát bờ, kiểu gặt sạch sành sanh, đừng mót các gié bị vương vải. Và khi hái nho cũng thế, không được lượm các quả rơi rụng…Tất cả những thứ ấy là để dành cho người nghèo, người khốn khổ…
(x.Lv 19, 9-10). Tuy nhiên, dù trong luật không minh nhiên dạy phải ghét kẻ thù nhưng truyền thống và lối sống của dân Chúa xưa luôn có khoảng cách với người tội lỗi, với người bị xem là ô uế, với quân thù lân bang. Những hạng người trên tuy không bị ghét bỏ, nhưng thường không được xem là anh em, là người thân cận với người Do Thái. Một vị thông luật đã từng hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ai là người thân cận của tôi?” Nhân dịp ấy Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn “người Samaritanô nhân hậu” và qua đó khẳng định rằng chúng ta phải làm người thân cận với tất cả những ai đang cần đến lòng thương xót của chúng ta (x.Lc 10,25-37).

Ngoài trừ thần dữ, Kitô hữu chúng ta không xem ai là kẻ thù. Tuy nhiên vấn nạn đặt ra là làm sao có thể yêu những người xem chúng ta là kẻ thù nghịch đồng thời ngược đãi chúng ta và làm thế nào để thi ân cho người bách hại chúng ta? Làm sao có thể yêu được những người đang làm hại chúng ta cách cố tình và cách bất chính và bất công? Làm sao có thể yêu những người đang đàn áp, bóc lột kẻ nghèo hèn, đang bán nước cầu vinh, đang cao ngạo cho mình là duy nhất đúng kiểu như thần, như thánh trong khi đang làm cho tiền đồ dân tộc đi vào ngõ cụt…?

Nếu cho rằng yêu thuơng là một phạm trù thuộc tình cảm thì quả thật rất khó vượt qua tâm lý bình thường của kiếp người. Tuy nhiên cần lưu ý rằng yêu thương trên hết là một quyết định của ý chí tự do được biểu lộ cả bằng tình cảm và hành động. Không chỉ có những tình cảm trìu mến, quyến luyến mới phản ánh tình yêu mà ngay cả khi giận dữ, buồn phiền cũng có thể phản ánh tình yêu. Chuyện thương con cho roi cho vọt là chuyện như hiển nhiên mang tính quy luật. Không chỉ khi xúc động trước đoàn lũ đông đảo dân chúng như chiên không người chăn thì Chúa Giêsu mới tỏ bày tình yêu, cũng không phải khi Người rơi lệ trước cái chết của Ladarô thì mới là yêu, nhưng cả khi Chúa Giêsu buồn phiền trước lòng chai dạ đá của một số kinh sư và biệt phái cũng là vì yêu hay khi Người xung giận bện dây thành roi đánh đuổi những người đã biến Ngôi nhà Chúa thành nơi chợ búa, thành hang trộm cướp thì cũng là yêu thương vậy.

Yêu thương là không chỉ muốn mà còn phải nỗ lực làm điều tốt nhất cho người mình yêu. Trong niềm tin Kitô giáo thì mọi người đều là anh chị em với nhau. Đã là anh em, chị em với nhau thì trên bình diện tiêu cực, chúng ta không được phép loại bỏ nhau dù dưới bất cứ hình thức nào. Trên bình diện tích cực thì cần giúp nhau tồn tại, phát triển theo thánh ý Thiên Chúa để có hạnh phúc đích thực. Cách thế biểu lộ tình yêu có thể khác nhau tùy từng trường hợp nhưng luôn với ý hướng là để người mình yêu nên tốt hơn, nên hoàn thiện hơn. Có thể nói rằng cách chung đối với những người tội lỗi thuộc hàng bé mọn, yếu đuối, thì Chúa Giêsu thường bày tỏ lòng khoan dung, sự trìu mến, cử chỉ khích lệ, còn với những người tội lỗi thuộc hàng phận cao, quyền trọng mà cố chấp thì Người nghiêm khắc cách tỏ tường.

Với người này thì chúng ta biểu lộ tình yêu bằng cách thế này, người kia thì cách thế kia, nhưng xin đừng quên rằng chúng ta có thể và phải cầu nguyện cho tất cả mọi hạng người. Vâng lệnh Chúa Giêsu chúng ta hãy chân thành cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta. Trước hết hãy cầu xin cho họ nhận ra lầm lỗi họ đã phạm và biết sám hối, ăn năn, thay đổi. Hãy cầu xin cho họ biết tìm cách khắc phục những hậu quả xấu đã gây ra cho tha nhân, cho xã hội… Có thể nói đây là bước khởi đầu của việc sống yêu thương “kẻ thù”, yêu thương những người làm hại chúng ta. Tiếp đến, hãy dùng ngôn ngữ mà rao truyền chân lý, vạch trần sự dữ để giúp người lạc lối trở về nẽo chính, đường ngay. Ngôn sứ Êdêkien đã từng nghe Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác biết tội lỗi của nó, không cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, để nó được sống, thì chính kẻ gian ác sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó”
(x. Ed 3,18). Có thể có nhiều cách thế yêu thương, nhưng thiết tưởng dù yêu bằng cách thế nào đi nữa cũng không thể thiếu hai động thái trên đây.

Phải chăng đang có đó nhiều Kitô hữu, thậm chí là nhiều tu sĩ, linh mục, giám mục những tưởng rằng mình đã yêu “kẻ thù”, đã làm ơn cho người “làm hại mình”, nhưng thực ra chỉ yêu chính mình mà thôi?

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột
(nguồn : thanhlinh.net)

LẼ SỐNG 19.02

19 Tháng Hai
Thiên Chúa Quan Phòng

Người Do Thái thường nói đến sự Quan Phòng của Thiên Chúa bằng mẩu chuyện như sau: Có hai người bộ hành lên đường đi đến một phương xa. Họ dùng một con lừa để chuyên chở hành lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ. Và đêm đến họ đốt đuốc để soi đường.

Một người bộ hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói: "Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự". Người bạn đồng hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin như sau: "Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào".

Trước khi mặt trời lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ. Họ tìm một nơi để qua đêm. Họ gõ cửa khắp nơi, nhưng không có ai đón tiếp họ. Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến bìa rừng để qua đêm. Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh có tốt không?". Người bạn đồng hành luôn tin tưởng ở Chúa quan phòng bình tĩnh đáp lại: "Ðây là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng ta ngủ qua đêm này". Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn nằm sát bìa rừng. Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn đuốc thì một tiếng mạnh từ xa vang lại. Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi. Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai họa.

Vừa tức giận, vừa mỉa mai, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh còn tốt nữa không?". Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: "Nếu con sư tử không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi. Chúa là Ðấng tốt lành".

Một vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu la thất thanh. Hai người bộ hành mới trèo cao hơn. Họ nhận ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng. Người bạn cứng lòng tin chưa kịp thốt ra một lời cay đắng nào, thì người tín hữu ngoan đạo đã chúc tụng như sau: "Tiếng kêu thất thanh của con gà cồ lại một lần nữa giúp chúng ta thoát nguy hiểm. Cám ơn Chúa là Ðấng tốt lành".

Họa vô đơn chí. Chỉ vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng tắt ngụm đưa hai người vào trong cảnh tối tăm ghê rợn. Lần này con người cứng lòng tin lại lên tiếng mỉa mai như sau: "Xem chừng như Chúa của anh làm việc phụ trội trong đêm nay". Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thinh lặng.

Sáng hôm sau, hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn. Họ mới hay biết rằng đêm hôm đó một băng cướp đã vào làng và họ đã vơ vét tất cả tài sản của dân làng. Nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi làng và nhìn lại sự toàn vẹn của mình, người tín hữu ngoan đạo mới đắc thắng giải thích cho người bạn như sau: "Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp. Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn thấy chúng ta. Bạn thấy chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa là Ðấng thiện hảo".

Tin ở Thiên Chúa quan phòng không có nghĩa là bảo rằng tất cả mọi tai họa rủi ro xảy đến trong cuộc sống đều do Chúa gửi đến, nhưng có nghĩa là, khi đứng trước một bất hạnh mà mình không thể tránh khỏi, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa thiện hảo và quyền năng đến độ có thể biến sự bất hạnh ấy thành khởi điểm của một hồng ân cao cả hơn.

Trong ánh sáng Phục Sinh của Ðức Kitô, chúng ta được mời gọi để nhìn vào biến cố trong cuộc sống bằng cái nhìn lạc quan và tin tưởng ấy. Cái chết ô nhục của Ðức Kitô trên thập giá quả là một bất hạnh và là một tội ác, nhưng Thiên Chúa quyền năng và yêu thương đã biến thành khởi điểm của nguồn ơn cứu thoát.

Giữa muôn nghìn thử thách và đớn đau của cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang dành cho chúng ta một ân huệ cao cả hơn ngoài sự chờ đợi của chúng ta. Chúng ta hãy xưng tụng tình yêu quan phòng của Ngài.

Trích sách Lẽ Sống