Thương tiếc Linh mục Giuse Đinh Huy Hưởng, bạn của người nghèo
Nhớ một buổi chiều bất ngờ, cha Giuse về đến xóm tôi ở miền quê nghèo, ghé thăm một gia đình nghèo. Tôi cũng không hiểu do đâu mà cha biết gia đình này đông con, lao động vất vả, con hiếu học, và nghèo. Cha vào nhà, xin ăn một bữa cơm dưa muối. Bà N vừa lạ lùng vừa bỡ ngỡ: “Thưa Cha, nhà con có gì ăn đâu”. “Tôi xin ăn một bữa dưa muối mà. Cứ cho đi”. Cha dùng cơm tối với gia đình, thật đơn giản: một đĩa trứng, một đĩa rau, một chén cà, một chén mắm nêm. Dùng cơm xong, Cha nói là về nhà xứ thăm cha Phêrô. Tối hôm ấy cha nghỉ ở nhà xứ. Sáng hôm sau, Cha đi đâu không biết, chỉ biết là có người chở đến cho Bà N một bao gạo. Chúa nhật, đi lễ, tôi nghe Cha sở Phêrô có lời cảm ơn Cha Giuse về khoản trợ giúp cho những người nghèo trong xứ.
Tôi gọi Cha Giuse là Bạn Của Người Nghèo, vì được biết, suốt đời Cha quan tâm cách đặc biệt đến người nghèo - những người nghèo ngay trong thành phố sang trọng, những người nghèo ở các giáo phận xa xôi, những người nghèo cần sự quan tâm và sự chia sẻ nơi những trại cùi, viện mồ côi, nhà tình thương, nhà dưỡng lão… cả những học sinh sinh viên nghèo thiếu tiền ăn học, cả những chủng sinh nữ tu nghèo và cả những tổ chức văn học, y tế nghèo cha đều quan tâm và tìm cách trợ giúp.
Quỹ Bác Ái Du Sinh gần như rất âm thầm đồng hành và lớn lên trong suốt cuộc đời Cha Giuse. Âm thầm cả cách nhận và cả cách cho. Thế mà từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng đậm dấu ấn “bữa cơm của người nghèo” - những bữa cơm có thịt có cá, thay cho những bữa cơm dưa muối, cà mắm nêm mặn điếng. Cha vẫn đi và đến đúng địa chỉ của những người nghèo, bạn chí thiết của Chúa Giêsu, và phân phát lương thực phần xác, niềm ủi an phần hồn cho họ. Sau những chuyến đi của Ngài về Phan Thiết, lên Lâm Đồng, xuống tận Long An, ra mãi tới Lạng Sơn Phát Diệm… không nghe thấy ai nói gì, cũng không rêu rao thông truyền việc của tay phải làm.
Mãi đến những năm sau này, khi căn bệnh của Ngài không cho phép Ngài lưu diễn tình bác ái khắp nơi, Ngài đành rút về Trụ Sở Phát Diệm để tổ chức “quán cơm phục vụ miễn phí” cho người nghèo mỗi tuần ba bữa cơm trưa, mỗi bữa khoảng 250 xuất cơm ngon lành hơn bữa cơm thường nhật. Và nếu trước đây, Ngài âm thầm đến với người nghèo thế nào, thì hôm nay, bên cạnh Ngài có đến hơn 20 anh chị em được Ngài nhận làm môn sinh của lòng bác ái, cũng âm thầm chuyên lo cơm nước cho những người nghèo trong tinh thần phục vụ cách nhưng không, nhưng rất nhiệt thành vì tình yêu mến. Trong bếp của Quán Cơm Phục Vụ Miễn Phí , có những câu Lời Chúa thật sống động: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 12); “Đức Tin không có việc làm là Đức tin chết” (Gc 2, 17), “Thiên Chúa hằng thương và nhận lời kẻ khốn khổ nài van, và ban cho người đói khát được no đầy” (lời cầu kinh chiều thứ 6, tuần I); “Thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ hai cho kẻ khát uống” (Kinh Thương Xác Bảy Mối)
Những câu Lời Chúa này hẳn đã là linh đạo của đời Cha, và cũng là linh đạo cho tất cả những anh chị em phục vụ. Thật đáng quí thay!
Người nghèo cần có cái ăn. Nhưng người nghèo còn cần cái mặc, cần cái thuốc để chữa bệnh. Ý tưởng ấy khai sinh “phòng khám bệnh phát thuốc miễn phí” cũng ngay trong Trụ Sở Phát Diệm, tại Gò Vấp. Mỗi tháng một lần, Ngài mời nhiều Bác Sĩ giỏi về khám bệnh và cấp thuốc cho bệnh nhân. Các Bác Sĩ không phân biệt tôn giáo, có cơ hội làm việc Bác ái theo cách Bác Ái Kitô Giáo: nhiệt tình cho đi mà không đòi nhận lại, cả chút lương bổng đến lời chúc khen ca tụng.
Mấy ngày cuối cùng ở Bệnh viện 175, chống chọi với những cơn đau khủng khiếp, thế mà, Ngài vẫn mãi nghĩ đến những người nghèo, thăm hỏi việc lo cho người nghèo, đôn đốc thúc giục anh chị em chu toàn bổn phận của Đức Ái, và nhất là trong Di chúc, có để lại một điều lạ lùng: “Xin tổ chức đám tang Cha thật đơn giản, dành tiền lo cho người nghèo”.
Đó là ý của Cha Giuse, di chúc của Cha Giuse. Nhưng ai có thể cấm cản nỗi tình mến thương, lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn, và nhất là lời ca tụng Thiên Chúa đã ban cho cuộc đời một linh mục không chỉ làm lễ trên bàn thờ, mà còn tế lễ mình mọi lúc mọi nơi để trở nên của nuôi sống phần xác phần hồn cho đoàn dân Chúa.
Vì thế, hai ngày 9 và 10-8-2011, Trụ Sở Phát Diệm đã trở thành một điểm đến của muôn lòng biết ơn: biết ơn Cha Giuse và biết ơn Thiên Chúa. Đến kính viếng xác Ngài, đã có Đức Hồng Y, nhiều Giám Mục, có những GM ở tận Giáo Tỉnh Hà Nội, các Hội Dòng, các linh mục tu sĩ, giáo dân… và không thiếu những người nghèo của Thiên Chúa, những người được cha quan tâm từng bữa ăn đã đến dâng lên Cha những bông hoa, những lẵng hoa, những tâm tình quí mến, ngưỡng mộ, biết ơn Cha Giuse: Bạn Của Người Nghèo.
Thiết tưởng, những thánh lễ sốt sắng ngay trước thi hài của Cha, những tình cảm quí mến của nhiều thành phần Dân Chúa dành cho Cha, những vòng hoa kính viếng, những giọt lệ tiếc thương, những hy sinh cho cuộc tang lễ…. là phần thưởng cho Cha Giuse một đời vì yêu người nghèo. Nhưng, phần thưởng lớn nhất mà chúng con tin tưởng do lòng thương vô biên của Chúa, chính là lời của Chúa Giêsu mời gọi Cha vào hưởng niềm vui Thiên quốc: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Lc 25, 34-36).
Xin Chúa lòng lành tha thứ cho Cha những lỗi phạm, những thiếu sót, và ban thưởng cho Cha trên Nước Trời.
PM. Cao Huy Hoàng, 10-8-2011
(nguồn : vietcatholic.net)