Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN A (Mt 14, 13-21)


PHÉP LẠ CỦA SỰ LẮNG NGHE

Mỗi lần được nghe bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thường liên tưởng đến phép lạ Chúa hoá bánh ra nhiều hay là hình ảnh tiên báo về bí tích Thánh Thể. Đây là cái nhìn thông thường. Thế nhưng, theo tường thuật của thánh Mat-thêu, phép lạ đã diễn ra ngay từ lúc đám đông tìm kiếm Chúa. Họ vượt qua mọi trở ngại của ngăn sông cách núi. Họ rỉ tai nhau. Họ lũ lượt mời gọi nhau lên đường tìm kiếm Chúa. Họ đến với Chúa không phải vì miếng ăn. Họ không xin Chúa bánh ăn. Họ tìm Chúa để được nghe lời Người rao giảng. Họ muốn tìm ra chân lý của cuộc đời. Họ muốn hiểu về giá trị và mục đích của cuộc sống. Thực sự họ đã say mê khi nghe Chúa giảng về Nước Trời. Họ đã bị lôi cuốn bởi lời rao giảng của Chúa đến mức độ quên cả thời gian. Trời đã tối mà xem ra đám dân chúng này vẫn chưa muốn rời xa Chúa. Họ vẫn muốn được nghe lời hằng sống phát ra từ môi miệng Chúa.

Thánh Mat-thêu còn kể tỉ mỉ là số lượng khoảng trên 5000 người đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ em. (Nếu tính tổng cộng phải trên 10.000 người). Đây cũng là một sự kiện lạ. Một sự kiện mà cho tới hôm nay dù rằng có âm thanh hỗ trợ, có phương tiện tối tân vẫn khó khăn truyền tải sứ điệp đến với thỉnh giả tại bãi biển đầy sóng gió ồn ào. Nơi mà người ta nói “ăn sóng nói gió” , phải nói thật to, phải gào thật lớn mới nghe được nhau. Thế mà, lời rao giảng của Chúa Giê-su lại đến với tai mọi người. Mặc dù không micro, không loa phóng thanh. Ngài nói trong gió trời lồng lộng, trong sóng vỗ miên man mà ai cũng nghe được. Ai cũng hiểu. Ai cũng say sưa nghe giảng. Quả thực, đây là một phép lạ! Phép lạ của sự tôn trọng và lắng nghe. Họ tôn trọng Chúa là người đang nói và cũng tôn trọng tha nhân là người đang lắng nghe. Thông thường ai cũng muốn nói, nhưng ở đây hầu như ai cũng muốn lắng nghe. Chính nhờ thế mà đám đông đã tạo thành một không gian thanh bình, một nơi chốn của thinh lặng cho con tim rung cảm chan hoà yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

Và hôm nay phép lạ đó vẫn có thể tái diễn trong cuộc sống khi chúng ta biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau. Khi mỗi người biết nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau. Thế giới hôm nay rất cần phép lạ này để thế giới được thanh bình hơn. Để con người biết đối thoại với nhau trong chân thành, cởi mở và yêu thương. Một thế giới mà con người biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, đó cũng là một thế giới hòa bình, một thế giới của bình an mà người người biết trao cho nhau niềm vui và hoan lạc hạnh phúc. Một thế giới mà còn đầy những hiềm khích, nói xấu, bỏ vạ cáo gian thì làm sao có những giây phút bình yên. Kẻ gieo gió đã gây tai họa tổn thất cho người khác và chính họ cũng sẽ không có được tâm hồn thanh thỏa bình an.

Một gia đình hạnh phúc là một gia đình biết lắng nghe nhau. Vợ chồng lắng nghe nhau trong chân thành cởi mở. Con cái vâng lời cha mẹ, kính yêu ông bà và cùng nhau kiến tạo một gia đình hạnh phúc yêu thương.

Một thôn ấp văn hóa là một thôn ấp người người biết nhường nhịn nhau. Tối lửa tắt đèn có nhau trong sự chia cơm sẻ áo. Không thể có một ấp văn hóa nếu hàng xóm láng giềng vẫn lời qua tiếng lại. Chê bôi, dè bỉu nhau. Chỉ gây thêm hận thù. Đánh mất truyền thống tổ tiên. “Thương người như thể thương thân. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. 

Một xứ đạo hiệp nhất là một xứ đạo cảm thông tha thứ và sống chan hòa tình huynh đệ. Một xứ đạo đúng nghĩa phải mô phỏng lại lối sống của cộng đoàn Giáo hội thời sơ khai mà sách tông đồ công vụ đã ghi lại. “Ngày ngày họ chuyên chăm cầu nguyện, lắng nghe lời các tông đồ giảng dạy và gom góp của cải thành của chung”. Một con người biết đóng góp và xây dựng giáo xứ trước tiên phải hỏi chính mình: “Tôi đã làm gì cho giáo xứ”, hay tôi chỉ là một lữ khách, sống bàng quang với công việc của giáo xứ. 

Nét đẹp của Bài Phúc âm hôm nay không chỉ dừng lại ở việc con người biết lắng nghe và tôn trọng nhau mà còn quan yếu ở chỗ sự chia sẻ lương thực được trao tặng cho nhau. Cho dù chỉ với phần lương thực quá ít ỏi của một đứa bé. Thế nhưng, với 5 chiếc bánh và hai con cá được trao ban từ lòng quảng đại đã được Chúa nhân lên đến nỗi nuôi đủ 5 ngàn người ăn, không kể đàn bà và trẻ con.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn quảng đại cho đi chính bản thân của mình, để trở nên nguồn sống cho tha nhân. Xin giúp cho mỗi người chúng ta luôn biết cho đi chính sự sống mình để gieo mần sống đức tin cho các thế hệ mai sau. Xin cho chúng ta luôn đơn sơ nhỏ bé ngõ hầu dễ dàng lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau để xây dựng một thế giới văn mình tràn đầy tình thương. Amen



Lm.Jos Tạ duy Tuyền

(nguồn : thanhlinh.net)