Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI VÀ HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH #1

Tham dự Đại hội Gia đình thế giới và hành hương Đất Thánh (1)

WGPSG - Đại Hội Gia Đình Thế giới lần thứ VII 2012 sẽ được tổ chức tại thành phố Milan (Ý) từ 30/05 đến 03/06 năm 2012. Sẽ có những phái đoàn từ Việt Nam đi tham dự đại hội này, trong đó có Phái đoàn do Tòa Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TP.HCM tổ chức dưới sự hướng dẫn của ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn. Trước khi đến nước Ý, Phái đoàn sẽ có một tuần hành hương Đất thánh ở Israel.


Phái đoàn - khởi hành từ Phi trường Tân Sơn Nhất, trên chuyến bay cất cánh lúc 18g25 ngày 21/5/2012 - đã đến Tel Aviv lúc 8g50 giờ địa phương (12g50 giờ Việt Nam) ngày 22/5/2012. Phái đoàn gồm 95 người trong đó có ĐHY Gioan Baotixita và ĐGM Cần Thơ Stêphanô Tri Bửu Thiên.

(WGPSG)

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

ÁP DỤNG HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI HỌC SINH GIÁO LÝ

 Áp dụng hình phạt đối với Học sinh học Giáo lý

Trong bài viết về những vui buồn trong một năm học giáo lý trên website Công giáo Vietcatholic News mới đây, chúng tôi đã nêu lên những băn khoăn khi thấy tinh thần thế tục của xã hội Việt nam ảnh hưởng đến các em giáo lý khá nhiều. Bây giờ nhìn vào khía cạnh khác, chúng ta lại thấy ảnh hưởng của xã hội cũng phần nào tác động đến giáo lý viên nữa, trong đó có việc trách mắng và xử phạt nặng nề đối với các em.

Khi dò tìm từ khoá “phạt học trò nặng nề” trên các website, người ta có thể tìm thấy hàng trăm ngàn kết quả. Trong xã hội này dường như hình phạt được áp dụng quá đáng trong giáo dục, và có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân làm giáo dục sa sút.

Trong việc giảng dạy giáo lý, việc áp dụng hình phạt nặng nề hoặc không đúng lúc do ảnh hưởng từ xã hội bên ngoài có thể làm các em chán học hoặc lỗi bác ái với các em. Do đó, khoa sư phạm giáo lý xác định “kỷ luật là quan trọng nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng”. Và giáo lý viên chỉ nên lên án cái sai, cái xấu, chứ không nên chú tâm trừng trị các em.

Xin đưa ra một ví dụ cụ thể. Mới đây, trong một lớp Chiên non, các em bị giáo lý viên phạt ngồi nán lại trong lớp, ngồi im không làm gì, cả lớp bị cho ra trễ vì các em ồn ào, không giữ trật tự. Cũng cần nhắc lại là ở lớp Chiên non, các em mới chỉ lên 6 hay 7 tuổi.

Nếu xét về mặt sư phạm, lối xử phạt như thế hơi tàn nhẫn và thiếu bác ái. Khi các em bị phạt ngồi im trong lớp thì hai giáo lý viên ra ngoài đứng nói chuyện, phòng học thì nóng bức vì nắng chiếu thẳng vào, phụ huynh thì phải đứng chờ các em dưới sân.

Việc giữ trật tự trong lớp thuộc về kỹ năng và nghiệp vụ của người dạy học, không phải hễ cứ lớp ồn ào là phạt cả lớp. Điều này chúng tôi sẽ phân tích ở một dịp khác. Ở đây chúng tôi muốn nói đến ý nghĩa và cách sử dụng hình phạt đối với các em, nhất là các em nhỏ tuổi.

Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa và Chúa ban cho họ một nhân vị. Nhân vị là một trong các giá trị nền tảng mà Giáo huấn Xã Hội Công giáo đề cao.

Dạy giáo lý chính là phát triển nhân cách để con người sống xứng đáng phận người và giúp họ phát triển “khả năng hướng về siêu việt” mà thánh Augustine đã đề cập đến và Hội Thánh không ngừng nhắc lại.

Trên con đường đi tìm Thiên Chúa, con người có thể vấp ngã. Trong suốt dòng lịch sử Cứu độ, Thiên Chúa đã nhiều lần áp dụng những hình thức phạt dân Ngài. Tất cả các hình phạt mà Chúa dùng trên dân thánh đều có hai đặc tính này: một là vì Chúa quá yêu con người và không muốn họ phải ở lại trong sự hư hỏng, hai là vì Chúa muốn cảnh báo để họ không vấp phạm trong tương lai.

Các em đến lớp giáo lý cũng là cất bước trên cuộc hành trình đi tìm Thiên Chúa. Giáo lý viên không thể giả định là các em đã hoàn thiện để rồi sẵn sàng trách phạt các em. Và nếu trách phạt, chúng ta cũng không quên hai điểm vừa nói.

Thật ra không nên kết án các em hay phạt các em dễ dàng quá, vì các em còn bé. Ngày xưa khi các trẻ em đến với Chúa Giêsu mà bị các Tông đồ bảo “đi chỗ khác chơi”, có thể các em cũng nghịch ngợm quậy phá nên các ông mới bực bội. Nhưng với lòng yêu mến bao dung, Chúa Giêsu nói: “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời là của chúng”.

Lỗi mà chúng ta gán cho các em nhiều khi chỉ do tâm lý lứa tuổi, và một phần do cách chúng ta dạy các em nữa. Chẳng hạn các em mới làm quen với lớp học, ở lứa tuổi ấy các em không thể nghiêm trang được lâu giờ, mà lớp học thì kéo dài và không có các hoạt động phù hợp ngoài lời giảng đơn điệu, thì không thể bắt các em chú ý.

Lỗi của các em cũng có thể do hoàn cảnh. Có giáo lý viên bắt các em về nhà đổi dép có quai sau hay mặc áo trắng đúng qui định mà lại không hỏi em có sẵn không, bởi vì không thiếu trường hợp nhà các em nghèo quá, không đủ ý phục và giày dép như các bạn khác.

Cũng có thể các em có lỗi thật sự. Các em vì lười mà không học bài, các em cố ý trêu chọc bạn bè quá mức hay các em hỗn hào, không vâng lời giáo lý viên. Ngay cả trong trường hợp ấy, giáo lý viên cũng phải dùng lòng bác ái và kiên nhẫn khi trách phạt các em.

Theo chúng tôi, hình phạt trong các lớp giáo lý chỉ nên áp dụng theo một số nguyên tắc như sau:

Thứ nhất, lỗi mà các em phạm là cố ý và có hại đến cá nhân các em hay làm gương xấu cho bạn bè khác. Muốn thế giáo lý viên cần tìm hiểu cặn kẽ trước khi quyết định phạt . Nếu lỗi các em hoàn toàn do sơ ý hoặc không có hại gì, giáo lý viên nên nhắc nhở cho em nhớ cũng đủ rồi. Chẳng hạn em bất ngờ nhớ đến chuyện vui nào đó ngoài sân rồi bật cười trong lớp, thì có lẽ chưa đến nỗi phải phạt em.

Thứ hai, trước khi phạt, giáo lý viên nên cầu nguyện và tự hỏi mình “Nếu Chúa Giêsu ở địa vị tôi bây giờ, Người sẽ làm gì?”. Đây là phương thế tối ưu để giúp cho quyết định của chúng ta đúng đắn và có kết quả tốt nhất.

Thứ ba, hãy đặt mình vào vị trí các em. Ở lứa tuổi ấy, trong tình huống ấy, tôi có đủ khả năng để làm theo lời dặn của giáo lý viên một cách hoàn hảo như bây giờ tôi mong chờ hay không. Hãy chú ý rằng các em không thể tập trung lâu giờ, tuổi các em thường đầy hiếu động, hoặc muốn khẳng định mình, và các em lại hay quên!

Thứ tư, hình phạt phải hợp lý và vì ích lợi các em, chứ không phải để cho giáo lý viên hả giận. Chúng ta thường nghĩ rằng thấy mình giận, học sinh sẽ sợ và chừa! Nhưng trong thực tế, chính tình yêu nhà giáo dành các em và lời cầu nguyện cho các làm cho các em tăng trưởng, chứ không phải sự phẫn nộ hay đòi hỏi riêng.

Và một nguyên tắc rất quan trọng mà lắm khi giáo lý viên chúng ta quên: “Nói với Chúa với các em nhiều hơn nói với các em về Chúa”. Khi chúng ta tâm sự với Chúa và tìm gặp Ngài nơi các Bí Tích và nơi Thánh Kinh, chúng ta sẽ học được cách sống với các em, cách dạy dỗ các em và cách xử phạt với lòng yêu thương nhân hậu.

Người lớn chúng ta cũng có lỗi lầm. Chúng ta thường trách các em nói chuyện trong lớp, nhưng chúng ta đã soạn bài kỹ để tìm mọi phương thế giúp các em chú ý bài học chưa? Những buổi học thêm dành cho giáo lý viên, chúng ta có thực sự chăm chú không? Cứ đặt ra những câu hỏi như thế, thì cuối cùng sẽ dẫn đến một chỗ rất tuyệt vời, ấy là: bao dung!

Xin Chúa là Đấng chúng con đang nhiệt tâm rao giảng cho các em, giữ chúng con trong tình yêu và sự bao dung vô bờ bến của Chúa.
Gioan Lê Quang Vinh
(VietCatholic News )

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN NĂM B 20-5-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên năm B 20-5-2012.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.


|

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT THĂNG THIÊN NĂM B (Mc 16, 15-20)



THIÊN ĐÀNG
Sưu Tầm

Hôm nay mừng kính Chúa về trời, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về nước trời, về thiên đàng, về quê hương vĩnh cửu của chúng ta.

Những kẻ không có một niềm tin thì cho rằng chết là hết. Nhưng với chúng ta thì khác, cái chết chỉ là một khởi điểm cho một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Cái chết chính là khung cửa hẹp dẫn chúng ta vào quê hương nước trời. Ý tưởng về nước trời, về thiên đàng vốn được Kinh Thánh nói tới nhiều lần.

Trong Cựu ước, ông Gióp một con người khổ đau đã kêu lên: Tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi hằng sống và trong ngày sau hết, tôi sẽ từ bụi đất sống lại và tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa.

Vua thánh Đavid thì xác quyết: Sống công chính tôi được nhìn thấy Chúa. Thức giấc rồi, tôi no thỏa thánh nhan.

Sách Khôn Ngoan đã diễn tả: Bấy giờ người công chính sẽ chiếu sáng như những vì sao .

Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã khuyên nhủ cho chúng ta hãy tích lũy cho mình những kho tàng ở trên trời, ở đó sẽ chẳng có mối mọt và trộm cắp: Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước trời, còn mọi sự khác sẽ được ban thêm cho các con.

Nhất là trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã yên ủi những người bị đau khổ, bị bắt bớ bằng niềm hy vọng nước trời: các con hãy mừng rỡ hân hoan vì phần thưởng của các con sẽ to lớn ở trên trời.

Và trong ngày sau hết, Ngài sẽ phán với những người lành: Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần thưởng nước trời đã được sắm sẵn cho các ngươi từ thuở tạo dựng thế gian.

Thánh Phaolô cũng nói: hiện nay chúng ta như đang nhìn vào gương, nhưng bấy giờ, chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt.

Vậy thì nước trời hay niềm hạnh phúc thiên đàng là gì? Tôi xin thưa: đó là sự chiếm hữu Thiên Chúa như thánh Phaolô đã nói: Tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy và trái tim chưa một lần cảm nhận được những gì Thiên Chúa dành cho những kẻ yêu mến Ngài. Tất cả những khổ đau trong cuộc sống hiện tại sẽ chẳng là gì cả, nếu đem so với hạnh phúc nước trời. Đó là nơi vinh quang, đó là nơi ánh sáng, đó là nơi ân thưởng cho những người đã trung thành phụng sự Chúa.

Tuy nhiên, niềm hạnh phúc tuyệt vời ấy không phải như là một món ăn quý giá đã nấu chín và chúng ta chỉ việc dùng mà thôi. Trái lại, chúng ta phải cố gắng, phải chiến đấu thì mới đạt tới.

Chúa Giêsu đã nói: chỉ những kẻ khỏe mạnh can trường mới chiếm được nước trời.

Thánh Phaolô đã diễn tả: Như các lực sĩ nơi thao trường, phải cố gắng giao đấu và phải giao đấu theo đúng những qui luật thì mới đạt được tấm huy chương vàng.

Có một em nhỏ bị đau nặng. Biết mình sắp chết, em nói với người mẹ: má ơi, khi con chết đi, thì má hãy mặc cho con bộ quần áo đẹp nhất nhé… Ngày rước lễ lần đầu, con đã mặc quần áo đẹp, thì ngày con về trời, con còn phải mặc đẹp hơn thế nữa.

Hãy ra sức xa tránh tội lỗi, để khi xuất hiện trước ngai tòa Chúa, tâm hồn chúng ta trong trắng như tấm áo ngày rửa tội, nhờ đó mà chúng ta sẽ được Chúa đón nhận vào quê hương nước trời.


(tinmung.net)

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

ĐỨC CHA ANTÔN NGUYỄN VĂN THIỆN TỪ TRẦN

CÁO PHÓ

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Xin kính báo

 
ĐỨC CHA ANTÔN NGUYỄN VĂN THIỆN
13.03.1906 +13.05.2012
 
Giám Mục hiệu tòa Spello
Kinh Sĩ Danh Dự của Nhà Thờ Chính Tòa Nice/Pháp
Chanoine d´Honneur de la Basilique Cathédrale Ste Marie – Ste Réparate).
Nguyên Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long (1961 – 1968).
Sinh ngày 13.03.1906 tại Họ Đạo Ba Trinh, Cái Côn, Sóc Trăng.
Đức Cha Antôn đã được Mẹ Maria dẫn đưa an nghỉ trong Chúa 

vào ngày Chúa Nhật,13.05.2012,
tại nhà hưu dưỡng ở Mougins/Pháp. Phúc thọ 106 tuổi.


Tang Quyến
Nữ tu Casimir Mến (Em, Việt Nam)
Maria Nguyễn Thị Vẹn (Em, Việt Nam)
Đức Ông Antôn Huỳnh Văn Lộ (Cháu, Đức)
Các Cháu tại Việt Nam, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Úc


Tiểu Sử Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện
"Thực Hành và Chân Lý" (1Ga 3, 18-19)

Ðức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, nguyên Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long,
Kinh Sĩ Danh Dự của Nhà Thờ Chính Tòa Nice/Pháp (Chanoine d´Honneur de la Basilique Cathédrale Ste Marie - Ste Réparate).

- Sinh ngày 13.03.1906 tại Họ Ðạo Ba Trinh, Cái Côn, Sóc Trăng.
- Thụ phong linh mục ngày 20.02.1932 tại Nam Vang.
- 1932 Giáo Sư Nhà Giảng Banam, Cam Bốt.
- 1936 Phó xứ Họ Ðạo Hoa Lang.
- 1941 Cha Sở Họ Ðạo Cù Lao Tây.
- 1954 Sáng lập tờ báo Thực Hành làm cơ quan liên lạc trong địa phận.
- 1955 Cha Sở Họ Ðạo Năng Gù, Long Xuyên.
- 1955 Cha Sở nhà thờ Chính Tòa Cần Thơ.
- 1956 Cha chính địa phận Cần Thơ, lập một nhà in tại Cần Thơ để in ấn sách đạo.
- 24.11.1960 Ðược bổ nhiệm làm giám mục Giáo Phận Vĩnh Long.
- 22.01.1961 Thụ phong giám mục trước Vương Cung Thánh Ðường Sàigòn với khẩu hiệu "Thực Hành và Chân Lý".
- 03.04.1961 Chính thức nhận Giáo Phận Vĩnh Long.

Đức Cha Antôn Thiện là giám mục thứ 19 trong các vị giám mục Việt Nam, chịu chức cùng ngày 22.01.1961 với các Đức Cha sau đây:
* Micae Nguyễn Khắc Ngữ (1909 - 2009).
* Giuse Trần Văn Thiện (1908 - 1989).
* Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921 - 1988).

Bốn vị nói trên đã chịu chức trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, khi Giáo Hội Việt Nam bước vào một giai đoạn lịch sử quan trọng.

Sau 400 năm Tin Mừng được rao giảng ở Việt Nam (từ năm 1533), Giáo Hội Việt Nam mới có vị giám mục bản xứ đầu tiên là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng vào năm 1933. Tuy nhiên 27 năm sau, khi Giáo Hội Việt Nam có những dấu hiệu trưởng thành dưới sự dìu dắt của các vị giám mục bản xứ, Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã chính thức thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam vào ngày 24.11.1960, nâng các giáo phận tông tòa trên toàn lãnh thổ Việt Nam lên hàng giáo phận chính tòa, trực thuộc ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn với ba vị tổng giám mục. Cùng ngày này Tòa Thánh quyết định thiết lập thêm 3 giáo phận mới trong giáo tỉnh Sài Gòn: Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên.

Có những địa phận mới và vì sự thuyên chuyển của một số giám mục trong giai đoạn nầy, Tòa Thánh đã bổ nhiệm 4 vị giám mục:

- ĐGM Nguyễn Văn Thiện, giám mục thứ hai của giáo phận Vĩnh Long (thay thế ĐGM Ngô Đình Thục được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Huế).
- ĐGM Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục đầu tiên của giáo phận Long Xuyên.
- ĐGM Trần Văn Thiện, giám mục tiên khởi của giáo phận Mỹ Tho.
- ĐGM Nguyễn Kim Điền, giám mục thứ hai của giáo phận Cần Thơ (thay thế ĐGM Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Sài Gòn).

Tên của 4 vị được ghi trong văn kiện lịch sử là sắc chỉ "Venerabilium Nostrorum" thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, được ký vào ngày 24.11.1960.

Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện là giám mục thứ hai của Giáo Phận Vĩnh Long kể từ khi Giáo Phận này được thiết lập vào năm 1938. Tuy nhiên, trên một phương diện khác, ngài là giám mục chính tòa tiên khởi của Vĩnh Long, được nâng lên hàng giáo phận chính tòa theo sắc chỉ nói trên.

Hơn 7 năm chăm sóc Giáo Phận Vĩnh Long (24.11.1960-18.09.1968), Ngài nhận thấy cánh đồng bao la, thợ gặt ít, nên Ngài đã khởi xướng và thành lập trung tâm Tu Hội Truyền Giáo: một cho Nam Giới (giao cho Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp), một cho Nữ Giới (Cha Phaolô Ngợi đảm trách). Năm 1961, Đức Cha lập Trung Tâm Truyền Giáo tại Ngã Ba Cần Thơ (cơ sở II Tiểu Chủng Viện) để huấn luyện những người có năng lực đi giúp việc truyền giáo: dạy giáo lý, đi thăm viếng...

Với tâm hồn tông đồ nhiệt thành, Đức Cha Antôn đã tổ chức tại Trung Tâm Truyền Giáo hơn 30 khóa huấn luyện Quới Chức và các Hội Đoàn, đào tạo nên những tông đồ giáo dân cho Họ Đạo và cho xã hội. Năm 1961 và 1962 mỗi tuần đều có mở khóa, đến 1963 ban huấn luyện đi mở khóa trong các Họ Đạo.

Năm 1964 Trung Tâm nầy được sửa chữa để làm Đại Chủng Viện cho 3 giáo phận trong vùng (Cần Thơ, Vĩnh Long và Mỹ Tho) và Trung tâm Truyền Giáo được di dời về Cầu Vồng. Năm 1964 Đại Chủng Viện Xuân Bích Vĩnh Long khai giảng khoá đầu tiên dưới sự hướng dẫn và đào tạo của các Linh mục Tu Hội Xuân Bích.

Từ cuối năm 1964 Đức Cha Antôn đã cho xây cất Nhà Thờ Chính Tòa với một phần vật liệu do Đức Cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục để lại, ở Ngã Ba Cần Thơ, theo mô hình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ phỏng theo mẫu con tàu to lớn của ông Noe trong sách Cựu ước.

Năm 1965, Đức Cha Antôn quyết định sử dụng nhà thờ Chính Toà mới, tuy chưa hoàn thành, tổ chức lễ tấn phong Giám Mục cho Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Giám Mục Cần Thơ.

Năm 1965, do lòng yêu mến Đức Mẹ sâu xa nồng nhiệt, Đức Cha Antôn cho thành lập trung tâm hành hương Fatima, thu hút giáo hữu gần xa hành hương để thêm lòng yêu mến và tôn kính Đức Mẹ.

Ngài có ý định hợp nhất Hội Dòng Mến Thánh Giá thành một thay vì hai Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum và Cái Mơn, nên Ngài cho xây dựng một nhà đệ tử chung. Năm 1970 nhà nầy thành hình và được giao cho Cha Giacôbê Trần Văn Quyển phụ trách.

Nếu không có trở ngại vì tình thế, nếu có đủ phương tiện vật chất, chắc chắn công trình của Đức Cha Antôn đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho Giáo Phận.

- 1968 Ðức Cha Antôn bị đau mắt vì khói lửa và hơi độc, do đau buồn vì những hư hại của Giáo Phận do trận tổng công kích Tết Mậu Thân gây ra.

Mắt càng ngày càng mờ, Đức Cha Antôn đi chữa trị ở nhiều nơi, các bác sĩ chuyên khoa địa phương và chuyên khoa Ngoại Quốc đều bó tay.

- 12.07.1968 Đức Cha Antôn đệ đơn xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe, trở thành Giám Mục Hiệu Tòa Spello, sau đó đi chữa bệnh mắt tại Pháp và Nhật nhưng không khỏi. Ở Nhật ngài mang thêm bệnh sạn trong túi mật phải giải phẫu. Ngài được tin Tòa Thánh chấp nhận cho từ chức. Ngài bay về Vĩnh Long để tham dự những lễ quan trọng: Ngày 12.09.1968, Ngài phụ phong trong lễ Tấn Phong Tân Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu tại Vương Cung Thánh Đường Sàigòn. Ngài dự lễ tri ân do các Linh Mục trong Giáo Phận Vĩnh Long tổ chức ngày 18.09.1968, và hai ngày sau đó, ngài về hưu ở nhà hưu dưỡng Giáo Phận Cần Thơ.

Ngài vẫn còn hy vọng và tiếp tục đi chữa bệnh mắt. Năm 1975 không thể trở về quê hương, Ngài nghỉ hưu tại Nice/Pháp.

- 1988 Ðức Cha tham dự Ðại Hội Công Giáo Việt Nam tại Königstein/ Ðức.

- 19.06.1988 Ðức Cha Antôn là Vị Giám Mục Việt Nam duy nhất tham dự và đồng tế cùng với Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ tôn phong 117 Vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam tại Rôma.

Huy hiệu giám mục của Ðức Cha Antôn có hình cây dừa và hai cụm mây xanh. Ngài nói: "Cây dừa tượng trưng cho sự kiên nhẫn và bền bĩ, cây dừa phải trồng lâu năm mới sinh hoa trái, thời gian sống của cây dừa bền lâu hơn nhiều cây khác."

Ngày 22 tháng 01 năm 2011 Đức Cha Antôn tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp kỷ niệm 50 năm thụ phong giám mục. Ðức Cha Antôn là Vị Giám Mục Việt Nam đầu tiên được hồng ân tạ ơn 50 năm giám mục.

Đức Cha Antôn sống cuộc đời giản dị và luôn phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Lòng tôn kính Đức Mẹ qua chuỗi Mân Côi hằng ngày, Đức Cha Antôn đã được Mẹ Maria dẫn đưa an nghỉ trong Chúa vào ngày Chúa Nhật,13.05.2012, tại nhà hưu dưỡng ở Mougins/Pháp. Phúc thọ 106 tuổi. 

(VietCatholic News)) 

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀPAO THÁNG 5.2012



Mặc cho trời nắng nóng, mặc cho đường xa vất vả, với tấm lòng yêu mến và giữ lời hứa sẽ về bên Mẹ, trong ngày 12 & 13.5.2012, Ban điều hành Trung Tâm Hành hương Thánh Mẫu Tàpao ước tính có khoảng hơn 30 ngàn lượt khách hành hương đã đến hiệp dâng thánh lễ, kính viếng và cầu nguyện với Đức Mẹ Tàpao.

Ngày hành hương Tháng 5, Thánh Hoa dâng kính Đức Mẹ năm nay trùng vào ngày thứ bảy và Chúa Nhật, càng thuận tiện cho mọi người đến với Mẹ hơn. Trên quãng đường từ quốc lộ 1A theo ngã căn cứ 6 và Ngã Ba Ông Đồn đến Tàpao, những chuyến xe nối đuôi nhau liên tiếp đưa những đứa con từ muôn phương xa nô nức tìm về với Mẹ. 
 


(gpphanthiet.com)

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM B 13-5-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật VI Phục Sinh năm B 13-5-2012.
Cha khách dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM B (Ga 15, 9-17)



Mời xem videoclip>>


"GIEO GÌ GẶT ẤY"

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Tục ngữ có câu “có gieo có gặt”, nhưng thành quả gặt hái lại tuỳ theo loại giống mà chúng ta gieo trồng. Vì “gieo gì gặt ấy”. Mình gieo yêu thương sẽ tìm được hạnh phúc an bình. Mình gieo thù hận sẽ phải đón nhận sự trả đũa oán hận, vì “gieo gió ắt gặp bão”.

Có thể nói cuộc đời là một chuỗi ngày dài gieo giống. Mỗi ngày ta gieo một vài lời nói, một vài hành động và rồi năm tháng trôi qua chúng ta sẽ có ngày gặt hái những gì chúng ta đã gieo vãi. Mặc dù là khoảng thời gian có thể là rất xa. Một năm. Hai năm. Hay có khi cả đời. Nhưng chắc chắn một điều là mùa gặt sẽ tới. Có những điều chúng ta sẽ phải gặt trước khi từ giã cõi đời, nhưng cũng có điều chúng ta phải gặt ở cõi đời sau.

Có một người đàn ông rất giầu có đã đến tuổi về hưu. Ông trao ban gia tài cho đứa con trai duy nhất, chỉ mong được sống an nhàn tuổi già bên con cháu cho đến hết cuộc đời. Thế nhưng, người con dâu lại không muốn bố chồng ở mãi trong nhà. Cô đã đề nghị chồng phải đưa bố đi ở nơi khác. Người con không muốn mất tình cảm với vợ, nên đã quyết định đưa cha vào viện dưỡng lão, nhưng lại là nơi rẻ tiền nhất theo lời căn dặn của vợ.

Một tuần sau đó, hai cha con đi bộ đến nơi mà người cha sẽ ở. Đi được một lúc bỗng nhiên người cha già bật khóc. Lương tâm người con không chịu nổi, anh nghẹn ngào nói lời xin lỗi cha. Sau một vài phút, người cha bị hắt hủi nghẹn ngào nói: “Con ơi! Cha không khóc vì con đưa cha vào đây. Cha khóc vì cách đây bốn mươi năm trước, cha cũng bước đi trên lối này với ông nội của con, và cũng đưa ông nội con vào viện dưỡng lão tồi tàn này. Cha chỉ “gieo gì gặt ấy thôi!”.

Thực vậy, “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Những gì chúng ta đã và đang nhận trong cuộc đời này hoàn toàn tuỳ thuộc vào những điều chúng ta đã gieo vãi, vun trồng ngày hôm qua. Cùng một môi trường nhưng có người nhiều bạn bè, và ngược lại có người chẳng được ai chơi. Có người được yêu thương, đùm bọc. Có người chỉ nhận được sự khinh bỉ, dửng dưng xem thường. Có người được hàng xóm bao bọc “tối lửa tắt đèn có nhau”. Có người lại bị anh em loại trừ. Có người vui vì sự chơi đẹp của tha nhân. Có người dở khóc dở cười vì sự chơi xấu của tha nhân. Tất cả điều đó cho thấy, những gì chúng ta nhận được là do chính chúng ta đã gieo vãi vun trồng tuỳ theo cách sống của chúng ta.

Hôm nay, Chúa bảo chúng ta hãy đi gieo vãi yêu thương. Chúa cầu mong chúng ta sinh hoa kết trái. Chính Chúa đã gieo vào lòng chúng ta hạt giống yêu thương. Chúng ta được lớn lên trong tình yêu thương của Chúa. Chúng ta được sống trong tình yêu quan phòng của Chúa. Chúa còn tuyển chọn chúng ta nên bạn hữu của Chúa. Chúa còn làm tất cả để chúng ta được hạnh phúc. Chúa đã quên cả chính mình để chúng ta được sống. Chúa không đòi chúng ta đền đáp cho Chúa. Chúa chỉ mong chúng ta hãy theo gương Ngài mà đối xử với nhau trong yêu thương. Chúa bảo chúng ta “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Yêu như Thầy đã yêu là tiếp tục gieo vãi hạt giống yêu thương của Chúa cho muôn người. Hãy đem yêu thương vào nơi oán thù. Hãy trồng cây yêu thương vào trong thế gian để thế gian được hái những trái ngọt của hạnh phúc, của tình người.

Nhưng có mấy ai đã thực sự sống yêu thương mà không toan tính, hay pha chút ích kỷ, nhỏ nhoen? Có mấy ai đã yêu tha nhân như chính mình để rồi có thể chia sẻ buồn đau với tha nhân? Có mấy ai đã vì bạn hữu mà quên mình? Có lẽ có, nhưng chắc chắn có rất ít!

Nhìn lại những gì đang diễn ra nơi gia đình, nơi xứ đạo và trên thế giới, dường như những nghĩa cử yêu thương đang thiếu dần, mà thay vào đó là sự ích kỷ, là độc đoán, là lỗi bác ái yêu thương tràn lan. Có mấy ai đã tự vấn lương tâm để thấy rằng mình làm hại anh em thì nhiều mà làm điều tốt thì ít? Có mấy ai dám tự trách mình vì những lời mình nói, vì những việc mình làm đã mang lại khổ đau cho anh em? Có mấy ai đã dám nói lời xin lỗi với gia đình, với cộng đoàn vì sự tắc trắc của mình mà làm cho gia đình xào xáo, bất đồng ý kiến, đố kỵ và ghen tương? Có mấy ai đã thực sự dấn thân để xây dựng hoà bình khởi đi từ những nghĩa cử yêu thương và tôn trọng tha nhân?

Nhân loại hôm nay rất biết ơn những con người biết xây dựng hoà bình từ yêu thương. Năm 1963, tại Washington, khoảng 200.000 người đã lắng nghe Martin Luther King, vị mục sư da đen, người đoạt giải Nobel hoà bình nói chuyện. Ông nói rằng: “Tôi ước mơ một ngày kia, trên những cánh đồng miền Georgia, con cháu của những người nô lệ và của những chủ nô sẽ ngồi chung với nhau trong một bàn tiệc huynh đệ. Tôi ước mơ một ngày kia, 4 người con của tôi về sống trong một nước mà chúng không còn bị xét xử vì màu da nữa, nhưng vì công lao  .  . . “

Ước mơ của ông cũng là ước mơ của hàng triệu con người trên thế giới. Nhưng khao khát hoà bình thì nhiều, còn gieo vãi niềm an bình hạnh phúc thì chẳng có mấy ai! Người ta nặng lời kết án nhau thì nhiều mà nói lời xin lỗi thì còn quá ít. Người ta nói xấu thì nhiều mà nói tốt cho nhau vẫn còn khiêm tốn. Thế nên, thế giới vẫn còn đó sự nghi kỵ, hiểu lầm và thù oán. Thể giới vẫn phải đón nhận đoạ đầy khổ đau bởi sự dữ do chính con người đã gieo vào trần gian. 

Xin Chúa giúp chúng ta luôn học bài học yêu thương của Chúa để đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày, ngõ hầu góp phần kiến tạo niềm an vui và hạnh phúc cho trần gian. Amen

(tinmung.net)

CÁO LỖI

Kính thưa quý độc giả bốn phương
Thời gian qua vì lý do kỹ thuật, trang tin điện tử Giáo xứ Thuận Phát đã gián đoạn một số tin bài và trang mục. Nay sự cố đã phần nào được khắc phục, chúng tôi vui mừng được tiếp tục phục vụ quý độc giả trong khả năng hạn hẹp của mình. Xin chân thành cáo lỗi và cám ơn quý vị đã đồng hành cùng thuanphat2009.blogspot.com trong những năm qua. Kính mong quý vị tiếp tục ủng hộ, khuyến khích và cầu nguyện cho chúng tôi gặp nhiều thuận lợi và kiên trì trong Ơn Gọi Truyền Thông.
Xin chân thành cám ơn và cầu chúc quý vị an lành hạnh phúc trong Tình Yêu Thiên Chúa.

Thuanphat's blog

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM B 06-5-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật V Phục Sinh năm B 06-5-2012.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( Chúa Nhật đầu tháng).



Hữu Toàn.

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM B - CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật IV Phục Sinh năm B - Chúa Nhật Chúa Chiên Lành.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật III Phục Sinh năm B.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

KHỞI CÔNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG NHÀ THỜ THUẬN PHÁT



Sáng ngày thứ tư 18.4.2012 Cha Chánh Xứ và cộng đoàn giáo xứ Thuận Phát, đã dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho công trình xây dựng ngôi nhà thờ mới nhân ngày khởi công. Sau Thánh Lễ Cha Chánh Xứ và công đoàn đã tổ chức nghi thức chính thức bắt đầu cho công việc xây dựng. Sau lời phát biểu của ông chủ tịch HĐMVGX, Cha Chánh Xứ, ông chủ tịch HĐMVGX và 3 kỹ sư xây dựng xúc những xẻng cát đầu tiên, và cộng đoàn đặt những bao cát vào mô hình Thánh Giá, nơi sẽ là trung tâm của ngôi thánh đường mới.
9 giờ đội thi công bắt đầu ép cây cừ bêtông đầu tiên của 2 cọc thử tải.
Được biết sau khi có kết quả thử tải, các kỹ sư sẽ dựa vào đó để tính toán các yêu cầu cần thiết để xử lý phần móng nhà thờ. Thời gian khoảng 10 ngày. Sau đó sẽ nhà thầu sẽ tiếp tục thi công đại trà.

 Hữu Toàn.