Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

LỜI CHỦ CHĂN THÁNG 10.2012

TRỞ VỀ VỚI ĐỨC GIÊSU KITÔ

1. Ý nghĩa mục đích của Năm Đức Tin. Trong Tự Sắc "Cửa Đức Tin", công bố việc mở Năm Đức Tin (11.10.2012 - 24.11.2013), Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI mời gọi người công giáo trên thế giới trở về với Đức Giêsu Kitô là cội nguồn đức tin, và là con đường đưa đức tin đến mức thành toàn. Đồng thời cũng xác định ý nghĩa mục đích của việc trở về với Chúa Giêsu là: - để hiểu rõ Ngài hơn; - để sống trung thực với lời tuyên xưng đức tin; - để sống trọn vẹn hồng ân đức tin mà Ngài đã thương ban; - để canh tân đổi mới đời sống, làm cho hồng ân đức tin được tỏa sáng trong xã hội, được chia sẻ cho mọi người.

2. Những con đường trở về với Đức Giêsu Kitô. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin có chỉ ra những con đường trở về với Đức Giêsu Kitô, như hành hương, tĩnh tâm, cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin, học theo gương Thánh Mẫu Maria cùng các thánh, học hỏi giáo huấn và giáo lý của Giáo Hội triển khai Lời Chúa dạy, đưa vào thực hành trong đời sống và bổn phận thường ngày.

3. Trở về với Đức Giêsu Kitô để ngày càng hiểu rõ Ngài hơn. Hiểu biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, là Đấng yêu thương cứu độ, là Lời hằng sống Thiên Chúa ngỏ với nhân loại. Lời đó là Lời ban ánh sáng chân lý và tình yêu, ban sức sống mới và bình an, Lời chỉ đường đi đến cùng đích của đời người, Lời bảo đảm cho một tương lai tốt đẹp, chan hòa tình yêu thương và an bình, cho nhân loại.

4. Trở về với Đức Giêsu Kitô để nhờ Lời Ngài soi sáng, dẫn dắt sống trung thực với lời tuyên xưng đức tin. Được mỗi người công khai nói lên trong cộng đoàn Giáo Hội, lần thứ nhất trước khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy để gia nhập đạo, lần thức hai trước khi lãnh Bí tích Thêm Sức để đón nhận tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, Lời tuyên xưng đức tin bày tỏ quyết tâm hàng ngày sống Lời Chúa dạy "cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới" (x. Eph 4,22): - quyết tâm cởi bỏ con người cũ, có nghĩa là quyết tâm không nghe theo, không chạy theo lời dụ dỗ, lôi cuốn, quyến rũ của ma quỉ, xác thịt, thế gian, là đầu mối những sự dữ cùng những tệ nạn và bất công trong xã hội; - quyết tâm mặc lấy con người mới theo hình mẫu Con Người Mới là Đức Giêsu Kitô, có nghĩa là quyết tâm luôn sống tín thác trong vòng tay chăm sóc và dẫn dắt của Thiên Chúa yêu thương cứu độ, luôn cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần để Phúc Âm hóa cùng canh tân đổi mới đời sống, luôn trung thành với giáo huấn của Giáo Hội triển khai Lời Chúa là Lời Sự Thật, Lời Yêu Thương, Lời Bình An.

5. Trở về với Đức Giêsu Kitô là Đường đưa đời sống đức tin đến mức thành toàn. Trở về với Đức Giêsu để học theo gương Ngài sống trọn vẹn Luật tối thượng của Cha trên trời dạy mến Chúa yêu người. Đức Giêsu đã quảng đại hy sinh, và yêu thương đến cùng, để dạy chúng ta sống trọn tình con thảo đối với Chúa là Cha trên trời, đối với Giáo Hội Chúa Kitô là Mẹ dưới đất, - sống vẹn nghĩa huynh đệ hiệp thông trong Giáo Hội và hợp nhất với nhau là con một Cha, - mở rộng lòng bao dung đồng cảm và chia sẻ đối với mọi người là anh em một nhà. Sống đức tin như thế là góp phần xây đắp Giáo Hội Mầu Nhiệm - Hiệp Thông - Sứ Vụ, theo như Giáo Hội cùng Công Đồng Vatican II đã dạy. Giáo Hội đó tạo thuận lợi cho người công giáo sống trọn "Đạo Yêu Thương" trong lòng dân tộc cùng thế giới hôm nay.

6. Trở về với Đức Giêsu Kitô và bước đi trong đường lối của Ngài, để chia sẻ hồng ân đức tin cho mọi người anh em. Đường lối Đức Giêsu loan truyền Tin Mừng cứu độ cùng gieo hạt mầm đức tin trên thửa đất xã hội loài người, là hội nhập vào thế gian nhưng không đồng hóa và thuộc về thế gian, dấn thân phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển con người, cho sự đổi mới đời người, theo ý định yêu thương cứu độ của Thiên Chúa Cha, nhưng không theo lòng tư kỷ với tham vọng thống trị cùng mưu cầu danh lợi thú.

7. Nhìn lại hành trình đức tin. Những con đường trở về với Chúa Giêsu tạo cơ hội cho mỗi người nhìn lại hành trình đức tin của mình, kiểm điểm những sai sót, những bất cập, xem lại mình có trung thành theo đường lối của Chúa Giêsu, hay chỉ theo thói quen giữ đạo và bảo vệ đạo, hay chỉ theo khung nếp lối sống văn hóa của xã hội, của thời đại...Nhìn lại nhằm điều chỉnh, bổ sung, canh tân đổi mới đời sống, mở đường cho việc sống đức tin ngày càng trọn vẹn, cho hồng ân đức tin ngày càng tỏa sáng.

Kết. Đó là những việc cần làm trong Năm Đức Tin. Ước mong những người có trách nhiệm giáo dục đức tin trong từng gia đình, trong từng cộng đoàn, trong từng tổ chức, tạo điều kiện cho mọi người liên hệ chu toàn những việc trên. Cầu nguyện lắng nghe Lời Chúa cùng cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí, mở rộng tầm nhìn hạn hẹp của con người, đó là bí quyết giúp cho những việc cần làm mang lại hiệu quả ước mong.

Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục
 
(WGPS)

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG GIÁO HỌ TÊRÊSA VÀ CA ĐOÀN TÊRÊSA 01-10-2012

Vào lúc 5 giờ ngày 01-10-2012 giáo xứ Thuận Phát đã long trọng cữ hành Thánh Lễ Kính Thánh Têrêsa Hái Đồng Giêsu, Trinh Nữ, Tiến Sĩ Hội Thánh cũng là ngày bổn mạng của giáo họ Têrêsa và ca đoàn Têrêsa.
Cuối Lễ Cha Chánh xứ đã gởi lời chúc mừng bổn mạng đến giáo họ Têrêsa, ca đoàn Têrêsa, Soeur Bề Trên Dòng Mến Thánh Giá, các bà, các cô và chị em đã nhận Thánh nhân làm Quan Thầy.
Một tràng pháo tay thật dài thay lời chúc mừng của cộng đoàn giáo xứ.

19 giờ 30 cùng ngày Cha Chánh Xứ, HĐMVGX và cộng đoàn đã tề tựu tại nhà ông Trùm Giuse Nguyễn Huỳnh Khải, cùng dâng giờ kinh Kính Thánh Têrêsa Quan Thầy giáo họ, và cầu nguyện cho các gia đình trong giáo họ, cũng như cho các tín hữu đã qua đời.
Ông Trùm đã thay mặt giáo họ gởi lời cám ơn Cha Chánh Xứ, HĐMVGX và cộng đoàn. Sau đó mọi người dùng bánh trà chung vui cùng giáo họ.


Hữu Toàn.  

THÁNG MÂN CÔI

LỜI KINH TUYỆT VỜI

Phụng vụ bước vào tháng Mân côi. Suốt tháng này, lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ mang một đặc điểm riêng.

Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi. Mọi tín hữu được cùng với Đức Mẹ trên từng cây số cuộc đời Chúa Giêsu và theo phong cách của Đức Mẹ là "lưu giữ và suy niệm trong lòng" qua từng lời kinh chuỗi hạt Mân côi.

Tràng hạt Mân côi là một hành trang và là phương tiện "bỏ túi", "đeo tay" "đeo cổ" gọn nhẹ. Lời kinh kỳ diệu này giúp thánh hóa bản thân, gia đình và xã hội. Kinh Mân côi không khác gì điện thoại di động hòa đời người vào mạng lưới sự sống thiêng liêng.

Chuỗi Mân Côi trong tiếng Latinh là "rosarium" nghĩa là "vườn hoa hồng". Tháng 10, lần hạt Mân côi, đoàn con cái hiếu thảo dâng biết bao hoa hồng lên Đức Mẹ. Bằng chuỗi Mân côi, Giáo hội trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp tiến dâng Mẹ hiền.

1. Kinh Mân côi đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng

Chuỗi Mân côi thật cao quí, ai biết siêng năng lần hạt sẽ nhận được hiệu quả phi thường.

Vào thế kỷ 13, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Với Chuỗi Mân côi do Đức Mẹ truyền dạy, chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã cảm hóa được 150.000 người theo bè rối trở về cùng Giáo Hội.

Thế kỷ 16, ảnh hưởng của Tin lành mạnh mẽ và đe dọa toàn cõi Âu Châu. Dân thành Luxembourg vẫn trung thành với Giáo Hội. Hôm ấy toàn thể dân phố được mời tới nhà thờ để nghe giảng thuyết.

Khi vị mục sư bước lên tòa giảng, một người giáo dân xướng kinh và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng cho đến lúc vị mục sư phải bước xuống tòa giảng và ra khỏi nhà thờ. Nhờ kinh Mân côi, dân thành Luxembourg giữ vững niềm tin và trung thành với Giáo Hội.

Năm 1511, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân côi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân côi. Khi ấy quân Hồi xâm lăng Âu Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân Công giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người siêng năng lần chuỗi Mân côi.

Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới thô sơ, người Công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu. Từ Roma, Đức Giáo hoàng nghe tin chiến thắng và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức Giáo hoàng đã thiết lập lễ Mân côi để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này.

Trước năm 1917, Bồ Đào Nha ở vào một tình trạng suy thoái một cách trầm trọng về phương diện tôn giáo. Gần hai thế kỷ, óc bè phái đã gây nên những chia rẽ và những cuộc nội chiến. Giáo Hội bị bách hại bởi những kẻ theo nhóm tam điểm. Nhà thờ bị phá hủy, các linh mục và tu sĩ bị bắt bớ, khắp nơi người ta tổ chức những đoàn hội chống lại Giáo Hội. Thế nhưng kể từ năm 1917, năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha đã đi vào một khúc quanh mới của lịch sử. Người ta tổ chức những đoàn hội chuyên lo lần hạt Mân côi để xin Mẹ chấm dứt những xáo trộn và ban mọi ơn lành xuống cho đất nước. Bồ Đào Nha đã xứng đáng với tước hiệu quê hương của kinh Mân côi.

Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân côi. Chẳng hạn Kinh Mân côi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9 năm1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan...

Chuỗi Mân côi vẫn còn là một phương thế cứu rỗi hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân côi.

Tạp chí Reader's Digest số ra tháng 4 năm 1991 có kể lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa Mẹ Têrêxa Calcutta và một thương gia người Mỹ như sau:

Trên chuyến máy bay từ Chritiamy về Thanasity, thương gia trẻ tên là Jim Caiso ngồi kề bên Mẹ Têrêsa và một nữ tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người nữ tu thường được báo chí nhắc đến. Khi những người khách cuối cùng ngồi vào yên vị trên máy bay thì Jim thấy hai người nữ tu từ từ rút chuỗi ra khỏi áo và lâm râm cầu kinh. Tuy không phải là một người công giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi sự cầu kinh của hai người nữ tu. Khi máy bay đã lên cao, Mẹ Têrêsa quay nhìn người thanh niên và hỏi:

- Anh có thường lần chuỗi không?

Anh trả lời:

- Thưa không.

Anh vừa trả lời thì Mẹ cầm tay anh, trao cho anh tràng chuỗi rồi mỉm cười nói:

- Vậy thì hãy bắt đầu lần chuỗi đi.

Ra khỏi phi trường Jim vẫn còn cầm trên tay tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta. Anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và kết luận như sau: "Anh có cảm tưởng như mình đã gặp một nữ tu đích thực của Chúa".

Chín tháng sau, Jim và vợ anh đến thăm một người đàn bà đã từng là bạn của hai người từ nhiều năm qua. Người đàn bà này bác sĩ cho biết bà đã bị ung thư tử cung. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đáng lo ngại. Nghe thế, Jim đưa tay vào túi quần, rút ra tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta và trao cho người bạn. Anh nói như sau:

- Chị cầm lấy cái này, nó sẽ giúp chị.Mặc dù không phải là người Công giáo, người bạn này vẫn mở rộng bàn tay ra và trân trọng đón nhận món quà quí giá ấy. Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người đàn bà vui vẻ cho biết bà đã mang trong mình tràng chuỗi trong suốt năm qua và giờ đây trao lại cho Jim để may ra có thể còn giúp đỡ cho người khác. Trong thời gian đó, người chị vợ của Jim đang bị khủng hoảng sau cuộc ly dị, bà cũng muốn được mượn tràng chuỗi của Jim. Sau này bà kể lại rằng:

- Hằng đêm, tôi đeo chuỗi vào người. Tôi rất cô đơn và sợ hãi, nhưng khi mang chuỗi vào người, tôi cảm thấy như đang cầm lấy một bàn tay thân yêu.Tràng chuỗi mầu nhiệm ấy không mấy chốc đã được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp khủng hoảng hay bệnh tật, người ta thường gọi điện thoại đến Jim để mượn cho bằng được tràng chuỗi ấy.

Jim suy nghĩ: phải chăng tràng chuỗi có một sức mạnh lạ lùng, hay đúng hơn, sức mạnh tinh thần được canh tân nơi tất cả những ai mượn tràng chuỗi ấy. Jim chỉ biết rằng, hễ có ai ngỏ ý mượn tràng chuỗi, anh luôn đáp trả một cách vui vẻ, và lần nào anh cũng căn dặn: "Khi nào không cần nữa cho tôi xin lại. Có thể sẽ có người khác cần đến".

Cuộc sống của Jim cũng thay đổi kể từ cuộc gặp gõ đó với Mẹ Têrêsa Calcutta. Khi Jim nhớ lại rằng: Mẹ Têrêsa mang tất cả hành lý của Mẹ trong cái xách tay nhỏ, anh cũng cảm thấy được thôi thúc để làm cho cuộc sống của anh được đơn giản hơn. Anh nói như sau:

- Tôi luôn cố gắng nhớ rằng: điều quan trọng trong cuộc sống không phải là tiền bạc, danh vọng mà chính là tình yêu chúng ta dành cho người khác.

2. Kinh Mân côi, một kho tàng quý giá của Giáo hội.

Chuỗi hạt Mân côi 200 hạt, 150 hạt, 50 hạt hay 10 hạt được dùng để đếm số Kinh Kính mừng là "...lời ca tụng Đức kitô không ngừng. Đức Kitô được nhắc đến trong mỗi Kinh Kính Mừng cũng là Đấng được trình bày trong chuỗi các mầu nhiệm: Người là Con Thiên Chúa và là Con Đức Trinh Nữ..." (ĐGH Phaolô VI, Rosamrum Virginis Mariae, số 18).

Chuỗi Mân côi lần lượt diễn tả:

- Mầu nhiệm Vui: đồng hành với mầu nhiệm Nhập thể và đời sống âm thầm của Chúa Giêsu.

- Mầu nhiệm Sáng: đồng hành với những mốc thời gian hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.

- Mầu nhiệm Thương: đồng hành với những đau khổ của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu.

- Mầu nhiệm Mừng: đồng hành với vinh quang phục sinh của Đức Kitô.

Vì thế, Chuỗi Mân côi là kho tàng thiêng liêng quý giá của Giáo hội.

Đức Chân Phước Gioan Phaolô II nói: " Chuỗi Mân côi là lời kinh tuyệt diệu, tuyệt diệu trong đơn sơ và trong sâu thẳm của nó...".

Đức Thánh Cha Lêô XIII là vị Giáo Hoàng của kinh Mân côi. Ngài đã ban hành 12 thông điệp nói về Kinh Mân côi. Ngài đã thiết lập tháng Mân côi và thêm vào kinh cầu Đức Bà câu: Nữ vương rất thánh Mân côi, cầu cho chúng con.

Đức Thánh Cha Piô X đã nhắn nhủ các gia đình Công giáo: "Khi gia đình được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chỗi Mân côi, để xin Mẹ cảm hoá. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông".

Thánh Piô Năm Dấu Thánh chia sẻ: "Vũ khí của tôi là tràng hạt Mân côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mân côi. Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mân côi".

Cha Stefano Gobbi viết: "Chuỗi Mân côi mang lại hòa bình cho bạn. Với lời Kinh Mân côi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân". Và "Chuỗi Mân côi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín hữu".

Đức Thánh Cha Piô IX đã khuyên nhủ: hãy lần chuỗi mỗi buổi tối trong gia đình.

Đức Thánh Cha Piô X cũng nhắc bảo: Nếu các con muốn cho gia đình được bình an, thì hãy lần hạt mỗi buổi tối.

Đức Thánh Cha Piô XI viết:Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào mà chúng tôi không lần chuỗi.

Đức Thánh Cha Piô XII khuyên nhủ các bạn trẻ : Hãy yêu mến Mẹ qua việc lần chuỗi Mân côi. Năm 1951 ngài đã ra thông điệp về Kinh Mân côi, và xin các tín hữu hãy lần chuỗi gấp đôi trong tháng Mân côi. Trong một lần tiếp kiến, ngài nói với một vị Giám mục :

- Hãy yêu cầu các linh mục của ngài cầu nguyện và hãy nói cho họ biết : Đức Thánh Cha vẫn lần chuỗi mỗi ngày.

Khi về già, trước lúc đi ngủ, dù là nửa đêm, ngài cũng vẫn lần chuỗi.

Đức Thánh Cha Gioan XXIII, ngay trong năm đầu của triều đại cũng đã ra một thông điệp về Kinh Mân côi.

Đức Chân Phước Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô khi đọc kinh Truyền Tin: "Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy".

Các Đức Thánh Cha đều khẳng định về sự tuyệt diệu của Kinh Mân côi và mong muốn mọi tín hữu hãy siêng năng lần chuỗi. Các tín hữu đã đáp trả lời mời gọi tha thiết ấy.

Đức Mẹ rất yêu mến những ai siêng năng đọc Kinh Kính Mừng. Qua kinh Mân côi, chúng ta lặp đi lặp lại không những một hai lần Kinh Kính Mừng, nhưng là đọc đi đọc lại cả một trăm năm mươi lần, như một trăm năm mươi đóa hoa hồng dâng kính Mẹ, như lời Đức Giáo Hoàng Piô V đã nói: "Đây là việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria bằng cách đọc một trăm năm mươi Kinh Kính Mừng, theo con số các thánh vịnh của Đavít, chia thành từng chục kinh một với một Kinh Lạy Cha, đồng thơi suy ngắm các mầu nhiệm về toàn thể cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.".

3. Kinh Mân côi, lời kinh gần gũi cuộc sống

Sau hai mươi lăm năm, tức là vào dịp mừng Ngân khánh Giáo Hoàng, trong Tông thư "Kinh Mân côi", một lần nữa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ân cần nhắc lại kỷ niệm xưa mà nay đã trở thành xác tín: Kinh Mân côi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có thời người ta nghĩ, nhất là sau Vatican II khi Phụng Vụ tìm lại được vị thế đỉnh cao và trung tâm.

Kinh Mân côi là kinh hạt phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ngày nay nhiều người phàn nàn không có giờ đọc kinh vì phải lo học hành, lo làm ăn xuôi ngược. Chuỗi hạt Mân côi sẽ nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã. Chuỗi Mân côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI khích lệ: "Bản chất việc đọc kinh Mân côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa.".

Điều thuận lợi của chuỗi Mân côi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào : khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh ... thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là "chiêm niệm bên vệ đường".

Kinh Mân côi là một vũ khí, nhưng là vũ khí hòa bình luôn đem lại hiệu quả tích cực. Ai yếu đuối, Kinh Mân côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh.

Kinh Mân côi là một kinh quý báu của Giáo hội và của mọi người, đó là kinh phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết yêu mến tràng Chuỗi Mân côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống và xin Mẹ khẩn cầu cho con bên tòa Chúa. Amen
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

(gpphanthiet.com)

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

HĐMVGX THUẬN PHÁT MỪNG BỔN MẠNG SOEUR BỀ TRÊN CỘNG ĐOÀN MTG THUẬN PHÁT

Nhân ngày Lễ Kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Trinh Nữ, Tiến Sĩ Hội Thánh. Chiều ngày 30-9-2012 HĐMVGX do ông Chủ tịch dẫn đầu đã đến chúc mừng bổn mạng Soeur Bề Trên Cộng Đoàn MTG Thuận Phát.


Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 9, 38-43.45.47-48)



TẤM GƯƠNG
Antôn Lương Văn Liêm
“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc.9,42)

Nhìn thấy người con trai chạc 7- 8 tuổi chân bước khệnh khạng, hai tay thì múa may, quay cuồng, người cha lớn tiếng quát:

- Con học cái thói đi đứng đó ở đâu vậy? Quay sang người vợ, người cha nói tiếp:

- Sao em không để ý dạy con. Cứ đà này, lớn lên nó trở thành thói quen thì sao? Người vợ lặng thinh! Bỗng cậu con trai lên tiếng:

- Ba ơi! Con bắt chước ba đó, vì con thấy chiều nào ba cũng về nhà với kiểu đi đó, trông rất oai, mẹ thì xếp re! Người cha bỗng giật mình, vì mỗi buổi chiều, sau khi chén chú, chén anh với bạn bè, anh đi về nhà với dáng điệu của một người no men rượu!!!

Với một xã hội suy đồi về đạo đức như hiện nay, thì những gương mù, gương xấu, những cái gây nên cớ vấp phạm cho bản thân và cho người khác ngày càng có chiều hướng gia tăng và biến tướng, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống nhân bản của giới trẻ, ấu nhi từ môi trường đời thường cho đến nhà đạo. Tất cả đều khởi đi từ con người cho tới những công nghệ giải trí, thiết bị hỗ trợ cho công việc, học tập, giải trí như báo chí, phim ảnh, truyền hình, internet, điện thoại di động….

Những cái cớ vấp phạm ngoài đời:
  • Hiện tượng chè chén say sưa, cờ bạc, số đề, cá độ bóng đá, đá gà, nghiện và mua bán ma tý, mại dâm… lan tràn từ thị thành cho tới thôn quê, từ những tụ điểm cao cấp cho tới môi trường học đường, hè phố…
  • Nạn phá thai, quảng bá việc phá thai, thiết lập những cơ sở phá thai chính quy cũng như lén lút tràn lan.
  • Cách ăn mặc “thiếu vải” của giới nữ trẻ tuổi nhan nhản ngoài đường phố và ngay cả những nơi thờ tự.
  • Nạn quay cóp, học thế, mua bán bằng cấp… biến tướng và lan tràn.
  • Tình trạng đua xe, cướp của, giết người ngày càng táo tợn và tinh vi.
Trong nhà đạo thì:
  • Thờ ơ, biếng nhác tham dự thánh lễ Chúa nhật, lễ kính, lễ trọng, lơ là thực hiện giờ kinh sớm tối trong gia đình.
  • Cách ăn mặc thiếu tôn trọng, trang nghiêm khi đi tham dự thánh lễ và các giờ đạo đức.
  • Sử dụng điện thoại di động một cách vô tư khi tham dự thánh lễ, các giờ đạo đức học giáo lý, hội họp…
  • Nói chuyện riêng, cãi vã nhau trong và sau khi tham dự các nghi thức phung tự…
  • Hiện tượng bè phái, tranh giành chức quyền trong hội đoàn, cộng đoàn.
  • Tham dự thánh lễ dưới gốc cây, ngoài đường phố…
Với bản tính luôn yếu đuối, mỏng dòn của ta khi mang lấy kiếp nhân sinh thì những cái cớ gây vấp phạm trên dễ lôi kéo ta vào quỹ đạo của nó, quỹ đạo mà satan luôn mời gọi ta bằng những lời hoa mỹ, những dễ dãi…. Người cha trong câu chuyện trên, là một điển hình. Sau những lời tâng bốc của bè bạn đại loại: “kỳ này tăng đô zữ hén, nào là không ai chơi đẹp như ông…!”, sau những cú chạm ly và những tiếng hò zô..zô..zô, những tiếng cười sảng khoái. Để rồi sau những cuộc vui đó, khi trở về nhà anh lại trở thành tấm gương, thành cái cớ vấp phạm cho chính con đẻ của mình qua hình thức bắt chước từ giọng nói, dáng đi…

Lời Chúa trong phụng vụ thánh lễ hôm nay qua môi miệng của Đức Giêsu: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc.9,42), như một lời cảnh báo, lời nhắc nhở và như những mũi tên xoáy vào tim ta, làm ta phải giật mình nhìn lại đời sống của mình từ mái ấm gia đình, cho đến môi trường xã hội, Giáo hội. Đặc biệt khi ta mang trong mình danh hiệu Kitô hữu, đang mang trong đời sống trọng trách loan báo Tin Mừng, vì trong từng ngày sống ta đã từng gây nên cớ vấp phạm cho anh em mình bằng lời nói, hành động.

Giữa một xã hội đầy những cớ làm ta vấp ngã từ đời lẫn đạo, thì Lời Chúa hôm nay cũng chỉ cho ta những phương cách để tránh khỏi mắc sai lầm: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi, thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn còn đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục…. Nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi, thà mất một chân mà được vào cõi sống, con hơn đủ cả hai chân mà phải xuống hỏa ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà còn một con mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hỏa ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc.9,43-47).

Đọc qua những lời răn dạy của Đức Giêsu, một ý nghĩ chợt lóe lên trong tâm trí: “Có lẽ trên Thiên Đàng rất nhiều người bị cụt tay, cụt chân và mù một mắt chăng?”, vì có một lần người thủ lãnh gọi Đức Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành…. Đức Giêsu phán với ông: Sao ông nói tôi là nhân lành? Không ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Lc.18,18-19). Nếu hiểu, cách nghĩ và giải thích Lời Chúa theo mặt chữ như thế, chắc không ai dám đọc Lời Chúa và nhất là không ai dám bước theo Chúa, theo đạo Công Giáo!

Ngạn ngữ có câu: “Nhân vô thập toàn”. Vì thế, đã là con người, ai mà không vấp ngã. Vấp ngã vì ngoại cảnh, vấp ngã vì tính tự kiêu, tự đại; vấp ngã vì tính ích kỷ, lười biếng; vấp ngã vì tính tham lam, đam mê…. Từ vấp ngã ta trở thành cái cớ, trở thành người nên gương mù, gương xấu cho chính mình và cho nhau.

Hôm nay và ngay thời đại này, Đức Giêsu dùng ngôn ngữ một cách mạnh mẽ, dứt khoát trước là để nhắc nhở ta ý thức hơn nữa về căn tính Kitô hữu của mình, nhắc nhở ta hãy tránh xa những điều gây nên dịp tội cho ta, kế đến là giúp và bảo vệ ta khỏi những cái cớ làm ta vấp ngã. Qua sự vấp ngã ta thực hiện những điều trái ngược với Tin Mừng và trở nên cớ vấp ngã cho anh em mình.

Để tránh xa dịp tội, tránh xa những điều làm ta vấp ngã và trở thành cớ vấp ngã cho anh em không phải là dễ! Ngay trong kinh “Lạy Cha” có câu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, lời kinh chính Đức Giêsu truyền dạy. Ấy thế mà nhiều người lấy lời kinh “Lạy Cha” ra bỡn cợt khi đọc: “Xin cứ để chúng con sa chước cám dỗ !!!”. Sự bỡn cợt lời kinh “Lạy Cha” nói lên cái yếu đuối của con người nhân loại trước những cám dỗ của thời đại hôm nay, thời đại mà người ta quảng bá, tôn sùng chủ nghĩa “hưởng thụ”, chủ nghĩa “thành công”.

Lời cảnh báo của thánh Giacôbê qua thư ngài gửi cho những người giàu có, hưởng thụ thời Giáo Hội sơ khai, cũng là lời cảnh tỉnh ta giữa thời đại hôm nay: “Này đây, hỡi các người giàu có, các người hãy than khóc kêu la về những tai họa ắp đổ xuống trên đầu các người…. Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại” (Gc.5,1- 5).

Sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, ta được Thiên Chúa ban tặng cho ta, cuộc sống của ta ánh sáng của Ngài. Ánh sáng đó tựa như tấm gương phản chiếu tình yêu và sự thánh thiện tuyệt hảo của Thiên Chúa ngang qua Đức Kitô. Ước mong của Đức Kitô là ta hãy gìn giữ tấm gương đó và ngày càng làm cho tấm gương sáng hơn, ngõ hầu đưa ánh sáng của Ngài lan tỏa tới để cho mọi người, mọi nơi. Khó đấy! Như những con cá lội ngược dòng khi ta gìn giữ tấm gương, khi ta lắng nghe, tuân giữ và thực hành lời dạy bảo, nhắc nhở và mời gọi của Đức Giêsu. Còn đó lời động viên của Đức Giêsu: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt.19, 26). Đức Giêsu còn nhấn mạnh: “ Không có Thầy, anh em không thể làm được gì” (Ga.15,5).

Vì thế, để giúp ta tránh xa những cớ làm ta vấp ngã và biến ta thành cớ vấp ngã cho anh em mình. Thiết tưởng chỉ có một điều duy nhất, đó là ta năng đến với Đức Giêsu nơi bí tích Thánh Thể, tiếp cận sức mạnh và ơn soi sáng từ Lời của Ngài nơi Kinh Thánh và ta cũng không thể nào quên tấm gương và sự trợ giúp của Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. “Kẻ đến với Ta, Ta không loại ra ngoài” (Ga.6,37). Đây là lời hứa của Đức Giêsu, Ngài vẫn luôn chờ đợi ta trong nhà tạm nơi các ngơi thánh đường để tăng sức mạnh, thánh hóa và giúp ta sống như lòng Ngài ước mong.

Lạy Chúa Giêsu! Xin thương xót con vì trong cuộc sống con đã nhiều lần vấp ngã và nên gương xấu cho anh em con. Xin Chúa tha thứ và thánh hóa con để con sống xứng đáng là con Chúa hơn. Amen.

Sài Gòn, ngày 28/09/2012
(tinmung.net)

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 21-28.9.2012

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

R.I.P

XIN CẦU CHO LINH HỒN
MARIA

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,

Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, 
Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Anna
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :



Bà MARIA NGUYỄN THỊ BÌNH
Sinh ngày 26.10.1966 tại Saigon

 Cư ngụ tại : 12 đường 47
P.Bình Thuận, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Họ Thánh Anna - Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 20g10 ngày Thứ Năm 27.9.2012
(Nhằm ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Thìn)

Hưởng dương 47 tuổi

 


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Sáu  28.9.2012

  • 08g00 : Nghi Thức Tẩn Liệm - Nhập Quan.
  • 20g00 : Thánh Lễ Cầu Hồn cử hành tại tư gia.
Chúa Nhật  30.9.2012
  • 08g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
  • 09g30 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Mai Khôi (44 Tú Xương, Phường 7, Quận 3, TP.HCM)
Sau đó di quan đi hoả táng
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM.



Thuận Phát, ngày 28 tháng 9 năm 2012
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
BĐH Giáo Họ Thánh Anna
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B 23-9-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXV thường niên năm B 23-9-2012.
Cha khách dâng Lễ
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 9, 30-37)


Mời xem videoclip>>

GIÁ TRỊ
Sưu tầm
Giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

Để minh họa cho bài học này, sau đó Đức Giêsu đưa ra hình ảnh một em bé. Hình ảnh của một em bé đối với bất cứ người nào nhìn, cũng thấy dễ thương. Cho nên khi thấy một em bé, ai cũng muốn bồng ẵm, muốn ôm hôn, muốn cho nó ăn bánh, ăn kẹo. Tại sao người ta thương em bé và muốn cho nó đủ thứ như vậy? Có phải tại nó giỏi giang, tại nó giúp cho người ta được việc này việc nọ không? Thưa hoàn toàn không, đứa bé còn quá nhỏ, chưa biết là gì, chưa giúp ích được gì. Nhưng người ta thường nói chỉ vì người ta thương nó, thế thôi. Một tình thương hoàn toàn vô vụ lợi. Người ta cho nó cái này cái nọ, cũng không phải để trả ơn nó hay để mong nó làm gì giúp mình. Cũng chỉ vì thương mà phục vụ thôi. Chúa dùng hình ảnh em bé để minh họa cho bài học phục vụ trên kia: chúng ta cũng phải cư xử với mọi người theo kiểu chúng ta cư xử với một em bé: hết lòng yêu thương phục vụ một cách hoàn toàn vô vụ lợi. Người nào biết phục vụ kẻ khác như thế thì là phục vụ Chúa, và mới xứng đáng làm môn đệ Chúa.

Chúng ta hãy nhớ bài học của Chúa: giá trị con người không tùy vào địa vị của người đó, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

- Trong một gia đình, ai là người lớn nhất? Có phải là người cha, người chồng không? Bề ngoài là như vậy. Nhưng đối với Chúa thì chưa chắc. Người cha ấy, người chồng ấy nếu chỉ biết có ra lệnh bảo người này người nọ làm mọi việc, nếu chỉ biết ngồi đó mà chê món này dở, cái bàn này lau chưa sạch, nhà cửa này lộn xộn lung tung;

Nếu chỉ biết ăn no rồi đi chơi, chỉ biết có nhậu nhẹt và để mặc vợ con làm tất cả, thì đó chính là kẻ nhỏ nhất trong nhà, nhỏ hơn cả vợ mình, nhỏ hơn cả con mình. Bởi vì người chồng người cha ấy là một người vô ích.

- Trong một khu xóm cũng vậy, trong một cơ quan cũng vậy, trong một họ đạo cũng vậy. Nếu xét theo tiêu chuẩn của Chúa, thì kẻ lớn nhất không hẳn là người có địa vị cao nhất, không hẳn đó là ông trưởng xóm, không hẳn đó là ông giám đốc, không hẳn đó là ông chủ tịch Hội đồng Giáo xứ. Mà rất có thể kẻ được Chúa xét là lớn lại chính là một người mà ít ai để ý tới, người đó không có chức có quyền nào, người đó âm thầm ít nói, nói ít mà làm nhiều; luôn luôn chu toàn nhiệm vụ mình, luôn tìm cách giúp ích cho người khác.

- Thí dụ như linh mục Jean Marie Vianney. Cha là một người vừa kém thông minh và vừa có tư cách cục mịch như một người nhà quê. Sau nhiều năm học ở chủng viện, Vianney thi không đủ điểm nên đáng lẽ bị loại. Nhưng người ta chỉ thương tình mà cho đậu vớt và được phong chức linh mục. Vì thấy cha quá kém cõi. Đức Giám mục đưa cha đi làm cha sở một họ đạo nhỏ xíu ở miền quê mà giáo dân đã bỏ đạo gần hết, đó là họ Ars. Thế nhưng cha Vianney đã tận dụng tất cả các khả năng và sức lực Chúa ban để hết lòng phục vụ họ đạo. Mỗi ngày cha chỉ nghỉ ngơi 3, 4 tiếng đồng hồ. Nhưng ngồi tòa giải tội thì liên miên, có khi tới 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Cha không có giờ nấu cơm, nên chỉ nấu một nồi khoai lớn để ăn dần cho suốt một tuần lễ. Dần dần cả họ Ars trở lại, thành một họ đạo sốt sắng sống gương mẫu. Giáo dân từ các họ khác cũng đến đó để dự lễ, để nghe giảng, để xưng tội. Có cả các tu sĩ, các linh mục, Giám mục từ khắp nơi đến để nhờ cha giúp đỡ về mặt linh hồn. Sau này người viết tiểu sử của cha đã nhận định: Nếu cả Giáo Hội nước Pháp mà có được chỉ một vài linh mục như cha Vianney thôi thì cả nước Pháp đã nên thánh. Đó mới là người lớn thật mặc dù chỉ là một linh mục học kém, một cha sở nhà quê, bởi vì sức phục vụ của cha thật là lớn.

Bài học của Chúa Giêsu hôm nay thật là dễ hiểu, nhưng lại khó thực hành.

Ai muốn làm lớn thì phải hạ mình phục vụ mọi người như một kẻ đầy tớ.

Giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà là do khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.  

(tinmung.net)