Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

LỜI CHÚA LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI 02.11.2012 (Ga 6, 37-40)


Giờ Lễ :
  • Sáng : 05g00
  • Chiều : 17g30
  • Tối : 19g00
08g00 : Đi viếng mộ Cha Cố Antôn

Chết Không Phải Là Xa Cách Vĩnh Viễn

Lm Trần Bình Trọng
Hằng ngày người ta chứng kiến hoặc nghe nói hoặc đọc trên báo chí về những cái chết do già yếu, bệnh tật, tai nạn, thiên tai, chiến tranh, bạo động.. gây ra. Và người ta nghĩ chết chóc là chuyện xẩy ra cho người khác, chứ chưa xẩy ra cho chính mình. Ða số loài người có thể đương đầu với cuộc sống dù có vất vả khổ cực đi nữa. Tuy nhiên ít ai muốn đương đầu với cái chết. Người ta cũng cảm thấy khó chấp nhận cái chết của người còn trẻ tuổi và người thân yêu. Tâm trạng đó có nghĩa là người đời sợ chết hay chưa muốn chết vì người ta sợ đối diện với những gì xẩy ra ở đời sau mà người ta không biết trước được. Có những người sợ chết đến nỗi dặn những người thân yêu phải nắm chặt tay chân mình trong lúc hấp hối.

Trong thực tế, chết có thể xẩy đến cho bất cứ ai: già trẻ, lớn bé, hoặc bất cứ lúc nào: ngày cũng như đêm, hay bất kì ở đâu, ngay cả tại những nơi mà người ta tưởng là an toàn nhất, người ta vẫn có thể chết. Như vậy, chết không kiêng nể một ai. Khi nào thiên thần Chúa đến gõ cửa nhà linh hồn, gọi linh hồn ra khỏi xác, là một điều bí mật. Như vậy sống và chết gắn liền với nhau. Có thể nói được là người ta sinh ra để mà chết. Và tất cả cuộc sống là một tiến trình đi về cái chết.

Ðối với người tin tưởng vào ơn cứu độ của Chúa Kitô, Ðấng cứu độ trần gian, thì chết không phải là hết, cũng không phải là xa cách vĩnh viễn. Chết chỉ là một biến đổi từ đời này qua đời khác. Người thân nhân còn sống cần đem sự hiện của người khuất bóng vào đời sống gia đình bằng hình ảnh của người quá cố, bằng công nghiệp của người quá cố để lại, bằng những kì niệm có được với người quá cố và nhất là bằng lời cầu nguyện và lễ dâng cho người quá cố.

Phụng vụ lễ các linh hồn nhắc nhở cho người tín hữu là người lữ hành trên cuộc hành trình đi về nhà Chúa, họ không đi một mình, nhưng cùng đồng hành với toàn thể dân Chúa, cùng với Mẹ Maria và các thánh, cùng với người tín hữu tại thế và các linh hồn nơi luyện ngục.

Theo tín điều Các Thánh cùng Thông công, thì Mẹ Maria và các thánh trên trời có thể cầu bầu cho người tín hữu tại thế. Người tín hữu tại thế có thể cầu nguyện cho nhau, ủng hộ tinh thần cho nhau và cầu nguyện các linh hồn nơi luyện ngục. Giáo lí về việc người tín hữu tại thế cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục được các Công Ðồng Nicea II, Firenze và Triđentinô gọi là Tín Ðiều Các Thánh cùng Thông Công thì Công Ðồng Vaticanô II gọi là sự hiệp thông sống động (GH #51).

Như vậy đức tin của người công giáo được hỗ trợ một cách tối đa bằng lời bầu của Mẹ Maria và các thánh và lời cầu nguyện, hi sinh và gương sáng của người khác. Và ngay cả khi nằm xuống vĩnh viễn, người quá cố vẫn còn được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của họ hàng, thân nhân và bạn hữu và của toàn thể Giáo hội và bằng ý chỉ của thánh lễ dâng. Biết được như vậy, nghĩa là biết được rằng sau khi chết mà còn có những người thân yêu, bạn bè nhớ đến mình trong lời cầu nguyện và thánh lễ, là điều sưởi ấm tâm hồn biết bao.

Ngay trong thời Cựu ước ngôn sứ Isaia đã có thể nhìn đến một viễn tượng khi Ðấng cứu độ trần gian sẽ đến: tiêu diệt tử thần (Is 25:8). Còn thánh Phaolô thì bảo tín hữu Rôma phải cậy trông vào ngày mà họ: sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang (Rm 8:21). Kinh Tiền tụng I trong Thánh lễ cầu cho những người đã qua đời nhắc nhở cho người tín hữu: Sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan, thì được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời. Chết là một biến đổi vì Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết bằng việc phục sinh của Người. Bằng việc sống lại Chúa đã xoá bỏ tội lỗi và toàn thắng sự chết.

Trước khi về trời, chính Chúa Giêsu cũng hứa với ta qua các tông đồ: Thầy đi dọn chỗ cho chúng con. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho chúng con thì Thầy sẽ trở lại và đón chúng con về với Thầy, để Thầy ở đâu, chúng con cũng được ở đó (Ga 14:2-3). Lời hứa đó đã được thực hiện cho người gian phi cùng chịu đóng đanh với Chúa Kitô mà có lòng ăn năn sám hối: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng (Lc 23:43).

Hôm nay vì lòng hiếu thảo và tình bác ái Kitô, ta đến nhà thờ dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, những linh hồn tổ tiên, ông bà cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân quyến và bạn hữu đã khuất bóng. Xin Chúa vì lòng nhân hậu, khoan dung và hay tha thứ xét nhử nhân hậu với các linh hồn, đưa các linh hồn về hưởng ơn nghĩa trong nước Chúa.

Lời cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời:

Lạy Chúa cả nhân lành hay thương xót.
Chúa không muốn cho loài người phải chết đời đời, nhưng được sống.
Xin Chúa dủ lòng thương xót các linh hồn đã qua đời.
Xin dùng máu thánh Con Chúa đã đổ ra vì tội lỗi loài người
mà tẩy sạch vết nhơ tội lỗi cho các linh hồn
cho được hưởng phúc trường sinh. Amen.

(tinmung,net)

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

LỜI CHÚA LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 01.11 (Mt 5, 1-12a)


GIÁO HỘI KHẢI HOÀN
Trần Đình Phan Tiến
Chúa Giêsu đến trần gian không để thiết lập một vương quốc tại thế trần, nhưng để thiết lập một vương quốc vĩnh cửu cho phàm nhân tại một nơi vĩnh cửu. Đó là vương quốc “TÌNH YÊU”, thật vậy để được vào vương quốc nầy, đòi hỏi con người phải có một tấm thẻ thông hành đặc biệt, đó là tấm “THẺ TÌNH YÊU”.

Thật vậy, vương quốc vĩnh cửu phải là một vương quốc không có khổ đau, vương quốc không có khổ đau tất nhiên phải là một vương quốc dựa trên TÌNH YÊU. Vinh quang nơi vương quốc nầy không phải là vinh quang của trần thế, không có chổ đứng, chổ ngồi như trần gian, cũng không có chổ dựa, vì vương quốc ấy không có sự mất thăng bằng, nên không sợ té, sợ ngã.

Vương quốc ấy là một giáo hội viên mãn, còn được gọi là gíao hội chiến thắng,giáo hội ấy đã vượt qua những gian truân và đã trung thành với sứ mạng của mình, một sứ mạng của tình yêu.

Mọi thành phần được vào vương quốc ấy, được gọi là các Thánh, các ngài đủ mọi thành phần nhưng chỉ có hai giới tính là nam và nữ, nên gọi là các Thánh nam nữ.

Các Thánh nam nữ là những Kitô hữu, những người có niềm tin vào Đức Giêsu- Kitô, không phân biệt cấp bậc địa vị, chủng tộc ,sang hèn, lớn nhỏ. Vinh quang của vương quốc ấy không ai biết được, trừ Thiên Chúa và những kẻ mà Thiên Chúa cho biết. Như vậy , các Thánh nam nữ mà Giáo Hội mừng kính trọng thể hôm nay, là những người đang được hưởng phúc vinh quang ấy. Họ là những người đủ mọi dân nước, đủ mọi thành phần, tuổi tác (Kh 7,9-10), quy phục trước ngai vàng và “Con Chiên”. Họ là những người mà thánh Gioan gọi là : “con Thiên Chúa”.Thật vậy, Đức Giêsu- Kitô, Đấng đã cứu chuộc họ, Đấng đã dẫn đầu trong vương quốc sự thật,và tình yêu. Nhưng vương quốc ấy là vương quốc khổ nạn cho đến chết và phục sinh vinh hiển. Có nghĩa là vương quốc của Đức Kitô là vương quốc tử nạn và phục sinh. Không thể có phục sinh nếu như không có tử nạn, cũng vậy, nếu như không có tử nạn thì không có phục sinh , vì hai mầu nhiệm nầy là một đối với Đấng Cứu Thế, vì tử nạn là điều kiện để được phục sinh. Nhưng đồng thời phục sinh cũng là điều kiện để được tử nạn, vì khi đã sống lại là sống cho Thiên Chúa, nên chi tử nạn là chết cho tội lỗi, và chỉ chết một lần

Thật vậy, Thiên Chúa.đã yêu thương và ban cho thế gian một “Người Con” để ai tin vào “Người Con” đó, thì không phải chết nhưng được sống đời đời. (Ga 3, 16).

Quả thật, đây là trọng tâm của vấn đề. Phàm nhân, ai cũng phải chết, không những chết về mặt thể xác, mà còn phải chết về mặt tâm linh nữa, đó là án phạt tội nguyên tổ, nếu như Thiên Chúa không yêu thương và xóa giải bởi “ Một Con Người”, nhưng Người Con ấy chính là một Ngôi Vị của Thiên Chúa, đã mang lấy án phạt của nhân loại là sự chết, Người đã làm Người, trong kiếp phàm nhân, và đã chết cho phàm nhân, nghĩa là Người đã mang lấy cuộc tử nạn của phàm nhân. Và nhờ đó án phạt phải chết được gỡ bỏ, vì Người không chết bởi tội mà Người chết vì tình yêu, vì thế, Người đã phục sinh.

Phục sinh là mầu nhiệm của sự sống. Vì Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, Vì vậy, người đã thiết lập một vương quốc vĩnh cửu cho những ai Tin vào người, gọi là ơn cứu độ.

Ơn cứu độ hay một dòng dõi mới, tinh tuyền không tỳ ố, đó là tiêu chuẩn dành cho những phàm nhân trung tin với Thiên Chúa. Như vậy, tâm linh của những phàm nhân nầy đang sống cùng Thiên Chúa, nhưng về mặt thân xác, họ cũng đang đợi chờ một sự phục sinh trọn vẹn.

Như vậy, Giáo Hội tại thế mới là những con người còn đang sống cả thể xác lẫn tâm linh, giai đoạn nầy đối với giáo hội lữ hành là một ân huệ vô cùng lớn lao của Thiên Chúa. Họ đang sống giữa hiện tại và quá khứ cùng hướng về tương lai.

Như vậy theo giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, thì Giáo Hội có ba thành phần, thành phần giáo hội lữ hành (tại thế), khải hoàn (chiến thắng), thanh luyện (khổ đau).

Do vậy, tháng cuối của năm phụng vụ, giáo hội dành ra để tưởng nhớ những linh hồn đang chịu thanh luyện, họ cũng đủ mọi thành phần như giáo hội lữ hành và giáo hội khải hoàn. Vì giáo hội nói chung chỉ có hai thành phần là giáo sĩ và giáo dân.Nhưng ngày đầu tháng 11 là ngày để mừng kính tất cả những linh hồn đang hiện diện trong vinh quang cuả Thiên Chúa. (dù thân xác chờ ngày khải hoàn).Tức toàn thể các Thánh dù được tuyên hay chưa.

Hội Thánh Công Giáo, là một giáo hội hiệp thông, vì vậy, mọi thành phần dù ở hoàn cảnh nào cũng được xem là duy nhất. Giáo Hội lữ hành là thành phần chủ chốt, vì là thành phần ở giữa, thành phần còn cả hồn và xác, là thành phần có cơ hội lập công, một mặt luôn hướng về Trời, dưới Thiên Chúa là các Thánh, vì vậy cùng với việc phụng thờ Thiên Chúa, phụng vụ của giáo hội cũng hướng tới các Thánh. Vì đây là thành phần ưu tuyển của giáo hội, giáo hội lữ hành luôn hướng tới các ngài vì các ngài là gương sáng,dẫn dắt cho giáo hội trần thế, vì xưa kia các ngài là những thành phần như chúng ta.

Mọi Kitô hữu nói chung được Thánh hóa nhờ ân sũng của Thiên Chúa, họ được nên thánh cách chung nhờ vào Bí Tích Thánh Tẩy, họ được gia nhập và thông phần vào Thiên Tính của Đức Giêsu- Kitô Con Thiên Chúa làm Người. Trở nên một Hội Thánh hữu hình, ở trần gian để làm chứng cho Tin Mừng của Đức Kitô, nhưng bằng nhiều cách họ đã chiến đấu anh dũng ,hay bại trận là do bởi chính họ , trong quá trình còn hiện hữu trong thân xác, họ có cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng.

Vì vậy có vô số các Thánh, là những người đã bước vào đau khổ thân xác, để chịu sự thanh luyện cho linh hồn, và trong thời gian thanh luyện các ngài như vàng trong lửa. Và lửa tình yêu, lửa huyền siêu đã đốt cháy những con tim trần gian của họ để trở nên những con tim Nước Trời rạng ngời ân sũng. Và như thế, là vô số những con người bị thiêu đốt bởi “lửa ấy”, Như trên bàn thờ giáo hội không thể tuyên phong đầy đủ. Vì vậy, hôm nay là ngày tuyên phong chung cho tất cả thành phần giáo hội khải hoàn.

Bên cạnh đó, Hội Thánh không quên những thành phần đang chịu thanh luyện mà cầu nguyện cho họ, vì lửa thanh luyện cũng chính là lửa tình yêu.

Tóm lại ba thành phần của Giáo Hội Công giáo là một, chỉ có mọt con đường duy nhất muốn được vào vương quốc vĩnh cửu của Đức Kitô thì phải bước vào con đường đau khổ cùng với cuộc tử nạn của Người rồi mới được vào vinh quang phục sinh, nếu ai chưa được tử nạn với Đức Kitô, thì họ chưa được vào dự tiệc trong vinh quang của Người.

Tuy ba thành phần, nhưng một nhiệm thể duy nhất, đó là Đức Kitô chịu tử nạn và phục sinh. Vì vậy trần gian là nơi thanh luyện tích cực, khác với nơi thanh luyện bị động đó là nơi thành phần khổ đau đang chịu. Vì vậy, có nhiều định nghĩa về các thánh, nhưng có một định nghĩa dễ hiểu hơn là : Thánh là những người đã chịu thanh luyện ở trần gian. Sự thanh luyện nầy đã được nhìn nhận bởi những công thức của Tin Mừng.

Tiêu biểu là tám mối phúc thật hay còn gọi là Hiến Chương Nước Trời.
  • Sự nghèo khó được chúc phúc
  • Sự hiền lành được chúc phúc
  • Sự khóc lóc, sầu muộn được chúc phúc
  • Sự khao khát được chúc phúc
  • Sự xót thương được chúc phúc
  • Sự trong sạch được chúc phúc
  • Sự hòa bình được chúc phúc
  • Sự chịu bách hại được chúc phúc.
Tại sao những điều bất hạnh lại được kể là phúc, bởi vì những sự ấy được Thiên Chúa đền bù, sự gì phàm nhân cho là bất hạnh, thì trở nên sự thanh luyện trước Thánh Nhan Thiên Chúa và Thiên Chúa chúc phúc cho những điều ấy.Sự đền bù xứng đáng cũng là sự công bằng của luật tự nhiên cũng như siêu nhiên.

Như vậy, ai thực thi được một trong tám mối phúc, mà can trường chiến đấu, thì họ được thanh luyện và tất nhiên họ được vào nơi được chúc phúc, để hợp cùng Thần Thánh trên Thiên Quốc ngợi ca Thiên Chúa. Vương quốc chịu đau khổ là gồm tóm những mối phúc, chính Chúa Giêsu đã nêu ra và là những ngọn lửa thanh luyện nên những con người được gọi là Thánh, vì họ được nên Thánh nhờ sự gian luyện thánh thiện.

Thiên Chúa là Đấng công minh, không thiên tư tây vị ai, ai yêu mến Thiên Chúa và thực thi Lời dạy của Ngài thì được vào chốn vinh quang, chứ không phải những kẻ kêu: “Lạy Chúa ,lạy Chúa mà được vào Nước Trời… ” ( Mt 7,21).
 
(thanhlinh.net)

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO PHẬN LẠNG SƠN (2)

NGÀY 28.10.2012
TẠI GIÁO XỨ THANH SƠN

Sáng Chúa nhật, 28 tháng 10 năm 2012, Giáo xứ Thanh Sơn thuộc Giáo hạt Cao Bằng của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng vui mừng chào đón Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Khâm Sứ của Toà Thánh tại Việt Nam, tới thăm viếng mục vụ.


Ngay sau khi kết thúc những hoạt động của chương trình Đại Hội Giới Trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ X tại Toà Giám mục Lạng Sơn, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đã khởi đầu chuyến thăm viếng mục vụ tới một số giáo xứ trong Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng. Sau khi thăm giáo xứ Đồng Đăng, Bản Lìm, Ngạn Sơn và Thất Khê, ngài đã vượt qua hành trình thật dài, qua những con đường quanh co đầy hiểm trở của vùng đồi núi để đến thăm giáo hạt Cao Bằng. Cùng đi với Đức Tổng Giám mục là Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân và quý Cha.
 
TẠI GIÁO XỨ CAO BÌNH
 
Trưa Chúa nhật, 28 tháng 10 năm 2012, sau khi thăm mục vụ và cử hành Thánh lễ tại Giáo xứ Thanh Sơn, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Khâm Sứ của Toà Thánh tại Việt Nam, đã tới thăm viếng mục vụ Giáo xứ Cao Bình, thuộc giáo hạt Cao Bằng. 


13g00, xe chở Đức Tổng Giám mục đã đến khu phố Cao Bình. Từ cổng chính dẫn vào thánh đường Giáo xứ, cha quản xứ Giuse Trần Văn Hưng và mọi thành phần Dân Chúa đã đón chào Đức Tổng Giám mục, Đức cha Giuse và phái đoàn. Sau khi tặng hoa chúc mừng, mọi người cùng tiến vào nhà thờ. 
(giaophanlangson.org) 

 

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO PHẬN LẠNG SƠN (1)

NGÀY 26.10.2012
TẠI GIÁO XỨ ĐỒNG ĐĂNG

Ngay sau khi tham dự Đại Hội Giới Trẻ giáo tỉnh Hà Nội tại Lạng Sơn, chiều tối ngày 26/10 Đức Tổng Leopoldo đến thăm và dâng lễ tại nhà thờ giáo xứ Đồng Đăng. 


Lúc 17g25 xe Đức Tổng tới giáo xứ. Cha xứ và cộng đoàn giáo xứ rất vui mừng chào đón Đức Tổng, Đức Cha giáo phận, cha thư ký và quý cha.


NGÀY 27.10.2012
TẠI GIÁO XỨ BẢN LÌM VÀ GIÁO XỨ NGẠN SƠN

Sáng 27-10, Đức Tổng dành thời gian thăm hai xứ Bản Lìm và Ngạn Sơn. 


TẠI GIÁO XỨ THẤT KHÊ

Chiều tối ngày 27/10/2012, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh đã đến thăm và dâng lễ tại nhà thờ giáo xứ Thất Khê. 

Đường lên Thất Khê
Ngay từ cầu Bản Trại, giáo dân giáo xứ Thất Khê đã cử đoàn đón Đức Tổng Đại Diện Đức Thánh Cha đến thăm giáo xứ. 

Đón Đức Tổng Giám Mục Đại Diện Toà Thánh tại cầu Bản Trại
...và tại nhà thờ Thất Khê
Sau mấy phút cầu nguyện và gặp gỡ giáo dân, lúc 18g30 Đức Tổng đã chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ. 
(giaophanlangson.org)

ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO TỈNH HÀ NỘI LẦN X (9)

THÁNH LỄ 

09 giờ 15 phút, tại quảng trường trung tâm của Đại Hội, đã diễn ra Thánh lễ cao điểm với ý Cầu cho việc loan báo Tin Mừng, do Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli chủ sự.


Bài giảng lễ của Đức TGM Leopoldo

Anh chị em quý mến trong Chúa Kitô.

Tôi xin gởi lời chào thân ái nhất của tôi đến với mọi người.

Tôi xin cám ơn Đức Cha Giuse và Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, vì đã tổ chức Đại Hội Giới Trẻ lần này.Tôi xin gởi lời chào đến quý Giám Mục đang hiện diện, quý cha và quý tu sĩ.

Tôi cũng gởi lời chào đặc biệt và cám ơn tất cả các bạn trẻ vì đã hiện diện và tham dự Đại Hội giới Trẻ hôm nay với chủ đề của năm nay tập trung vào Lời Chúa Giêsu “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”.

Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng khi các bạn rời cuộc đại hội này các bạn mang trong mình một niềm tin được đổi mới rằng các bạn được Thiên Chúa yêu thương.

Hãy nhớ rằng.Thiên Chúa tạo dựng nên các bạn giống hình ảnh của Người; Thần Khí Chúa hiện diện bên trong các bạn và các bạn là những người con của Chúa.

Nếu như các bạn tin tưởng vào sự thật này, các bạn sẽ có thể tiến bước trên cuộc sống này, giữa những ơn lành và thập giá, với niềmn tín thác, bình an và an tâm.

Và các bạn không chỉ được yêu bởi Thiên Chúa thôi, các bạn được Thiên Chúa chọn.

Một lần nữa, sự chọn lựa đó là hành động khởi nguồn đến từ Thiên Chúa.Thiên Chúa chọn các bạn trước.

Hôm nay, chúng ta hãy suy gẫm vì điều gì mà Thiên Chúa đã chọn các bạn: Thiên Chúa đã chọn các bạn để các bạn ra đi và sinh nhiều hoa trái.

Chúa Giêsu nói với chúng ta bằng cách nào chúng ta có thể làm được như thế, khi Ngài tóm tắt toàn bộ lời giảng dạy của Ngài trong một lời chỉ dẫn: Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu an hem.

Thiên Chúa đã chọn các bạn cho tình yêu.

Nhưng đôi khi chúng ta sống trong cuộc sống hằng ngày thì như thể là chúng ta được sai đi để cạnh tranh lẫn nhau, để cải cọ với nhau và để chê trách nhau.

Nhưng những người bước theo Chúa Kitô phải chứng minh bằng lời nói và việc làm rằng chúng ta yêu thương nhau.

Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta phải yêu thương mọi người mà không loại trừ một ai, cho dù là những người bất đồng quan điểm với chúng ta và thách đố chúng ta.

Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta phải tha thứ cho những người làm tổn thương và chống đối chúng ta.

Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta phải mong muốn phục vụ, chứ không phải được phục vụ, đặc biệt là đi đến với những người ở giữa chúng ta đã mất niềm hy vọng, đang bị thử thách, và đang cần sự giúp đỡ.

Trong Thánh Lễ này, chúng ta được hiệp nhất như anh chị em của nhau, chúng ta cư hành việc tưởng niệm một dấu chứng hoàn hảo về tình yêu: trao hiến mạng sống mình cho người khác mà không tính toán. Đây là tình yêu mà chúng ta được mời gọi để làm theo.

Nhưng chúng ta có thể làm điều đó bằng cách nào?Không bao giờ bằng sức riêng của chúng ta.Sự thật là, Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn hữu của Ngài và Ngài ước mong chúng ta ở với Ngài. Ngài nói với chúng ta hãy ở lại trong tình yêu .Chỉ khi như thế chúng ta mới có thể yêu thương nhau như ngài yêu chúng ta.

Bằng cách nào chúng ta có thể ở lại trong tình yêu của Ngài?

Chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài qua việc cầu nguyện mỗi ngày, lúc khởi đầu ngày mới chúng ta xin Chúa dẫ dắt, lúc kết thúc mỗi ngày chúng ta tạ ơn Chúa vì những ơn lành của Chúa và cầu xin Ngài gìn giữ.

Chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài khi lắng nghe Lời Chúa nói trong lòng chúng ta, học hỏi giáo huấn của Ngài qua việc liên tục đào luyện đức tin và tuân giữ các giới răn của Ngài.

Chúng ta ở lại trong tình yêu của Ngài một cách đặc biệt khi cử hành và đón nhận các bí tích.

Sự sâu thẳm của tình yêu của Chúa được nhận ra cách cụ thể trong Thánh Lễ, như chúng ta đang cử hành hôm nay.

Thánh Thể là quà tặng quý giá nuôi dưỡng, cũng cố chúng ta và nối kết chúng ta như những anh chị em trong Chúa Kitô.

Xin đừng bao giờ đi lễ ngày Chúa Nhật mà không tham dự sốt sắng và không rước lễ.

Những người bạn trong Chúa Kitô quý mến,

Thiên Chúa yêu các bạn.Thiên Chúa đã gọi các bạn để yêu thương nhau.Thiên Chúa mời gọi các bạn hôm nay và mãi mãi ở lại trong Tình Yêu của Ngài.

Cùng lúc đó, Thiên Chúa thách đố các bạn đi vượt qua những ranh giới của thế giới riêng của các bạn và mang Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đến thế giới của những người khác, để Tin Mừng lan toả khắp mọi nơi.

Các bạn trẻ đang hiện nơi đây quý mến, các bạn phải là những chứng nhân của Chúa Kitô.

Kho tàng đức tin quý giá cần được chia sẻ cho những người chưa có nó, đặc biệt trong năm đức tin này.

Suốt nhiều thế kỷ, đức tin Kitô giáo đã tiếp tục lan toả bởi những người nam nữ được gợi hứng bởi lòng nhiệt thành làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu.

Hôm nay cũng thế, cần có những người trẻ mở lòng ra để tình yêu Thiên Chúa đốt cháy tâm hồn họ, cần những người trẻ quảng đại đáp lại lời mời gọi khẩn thiết của Thiên Chúa, cũng giống như những người trẻ đã sống như thế tại Việt Nam, cho dù là tử đạo.

Hôm nay Chúa Giếu mời gọi các bạn trẻ trở nên người mang Tin Mừng cho những người cùng thời với các bạn.Ngài đang thúc giục các bạn mang lấy sứ mạng này.

Mỗi bạn phải có lòng can đảm để hứa rằng bạn sẽ mang một người bạn trẻ khác đến với Chúa Giêsu Kitô trong cách thức mà bạn xem là tốt nhất.

Các bạn phải là những nhà truyền giáo của Chúa Giêsu và loan báo bằng lời nói và việc làm về tình yêu của Chúa Kitô nơi mọi ngóc ngách của đất nước than yêu của các bạn.

Amen.
(giaophanlangson.org)

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO TỈNH HÀ NỘI LẦN X (8)

NGÀY 26 THÁNG 10

Hôm nay, ngày 26/10, chương trình Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 10 tiếp tục được diễn ra trong khuôn viên nhà thờ Chính tòa Giáo phận Lạng Sơn với sự tham gia của hàng ngàn các bạn trẻ đến từ tất cả các Giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội.


Ngay từ sáng sớm các bạn đã được khởi động bằng những bài tập thể dục trong không khí rất sôi động và vui vẻ. Sau đó các bạn cầu nguyện “Một ngày mới với Giêsu”. Khoảng 6h15 phút các bạn dùng bữa điểm tâm sáng do ban ẩm thực và các tình nguyện viên thuộc Ban Tổ Chức phát. 


LÚC 8 GIỜ SÁNG NGÀY 26 THÁNG 10


Cập nhật một số hình ảnh sinh hoạt của Đại Hội đến 8 giờ 30 sáng ngày 26 tháng 10 năm 2012: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt thuyết trình đề tài "Đức Tin và Văn Hóa", quý Đức cha gặp gỡ giới trẻ các Giáo phận và chương trình trao quà thi đua cho các Giáo phận.

(giaophanlangson.org)

ĐẠI CHỦNG VIỆN HÀ NỘI CUNG NGHINH ĐỨC MẸ MÂN CÔI


WTGPHN - Vào lúc 19 giờ thứ Bảy ngày 27 tháng 10 năm 2012, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội đã long trọng cung nghinh Đức Mẹ Maria dịp cuối tháng Mân Côi (tháng 10). Chủ sự cuộc rước là Đức Tổng Giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn; cùng tham dự có Đức cha Giám đốc Lô-ren-sô Chu Văn Minh, quý cha giáo, quý sơ và toàn thể quý thầy thần học.
(WTGPHN)

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

THÁNH LỄ BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI LẦN THỨ 13

ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO TỈNH HÀ NỘI LẦN X (7)

ĐÊM DIỄN NGUYỆN ĐHGT giáo tỉnh Hà Nội lần thứ X
CHỦ ĐỀ: “HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CỦA THẦY”

Trong không khí tưng bừng của Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội lần thứ X được tổ chức tại Giáo Phận Lạng Sơn đêm diễn nguyện theo chủ đề: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” hứa hẹn đem đến những tiết mục đặc sắc và đầy ý nghĩa trong đêm nay.


Trước đêm diễn nguyện là màn khuấy động sân khấu rất vui vẻ của hai Cha hướng dẫn những mà cử điệu ấn tượng cho các bạn trẻ có mặt tại sân khấu hôm nay.
Mở màn cho đêm diễn nguyện là tiết mục đánh trống vô cùng ấn tượng và đặc biệt bởi những cô gái rất duyên dáng nhưng đầy sức lực. Tiết mục tiếng trống Cửa Bạng này từ Giáo phận Thanh Hóa mang lại một không khí cô cùng sôi động mở màn cho đêm nay. 



(giaophanlangson.org - giaophanbacninh.org)

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO TỈNH HÀ NỘI LẦN X (6)

NGHI THỨC CUNG NGHINH THÁNH GIÁ 
ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO TỈNH HÀ NỘI LẦN THỨ X

Chương trình Đại hội lần thứ X của Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội được chính thức bắt đầu bằng nghi thức Cung Nghinh Thánh Giá của Đại Hội.  


Từ khuôn viên Tòa Giám Mục, Đại diện các Đoàn Giới Trẻ 10 Giáo phận, quý Đức Tổng Giám mục, quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sỹ, chủng sinh và quý khách làm thành một đoàn rước trang trọng. Cờ đại hội được các bạn trẻ của Giáo phận chủ nhà trong sắc phục các dân tộc trong vùng mang ngay trước Thánh Giá Đại Hội.


Đoàn rước với tiếng trống và tiếng kèn đồng hùng tráng tiến vào quảng trường trung tâm Đại Hội trong sự hân hoan chào đón của gần 6.000 bạn trẻ tham dự. Tất cả làm nên một bầu khí thật cảm động và ý nghĩa. 

Chùm ảnh thời khắc khai mạc ĐHGT giáo tỉnh Hà Nội lần thứ X 
tại Lạng Sơn-Cao Bằng 


(giaophanlangson.org)

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B 28-10-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXX thường niên năm B 28-10-2012.
Cha khách dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 10, 46-52)



NGƯỜI MÙ HÔM NAY
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
Có một anh mù đi thăm một người bạn. Trời tối khuya. Anh sợ người khác đụng vào mình nên anh đã có một sáng kiến. Anh đội đèn lên đầu để người khác trông thấy anh mà tránh. Anh hân hoan bước đi. Thình lình anh va vào một người làm cái đèn rớt xuống bể nát. Anh tức giận và chửi: “Mày mù hay sao mà không thấy đèn của tao”. Người kia trả lời rằng: “Đèn mày còn sáng đâu mà tao trông thấy”.

Cái đáng thương của anh mù là không biết đèn mình đã tắt. Anh chong đèn không phải để anh bước đi cho rõ mà quan yếu là nhờ ánh sáng để người khác đừng đụng phải anh. Nhưng anh đâu ngờ đèn anh đã tắt tự bao giờ! Vâng, mù đôi mắt là một bất hạnh. Bất hạnh vì đi lại khó khăn. Bất hạnh vì không còn nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của những người thân yêu, của cuộc sống quanh ta. Song song với cái đáng thương của sự mù loà thể xác còn có cái đáng thương của mù loà về luân lý, về chân thiện mỹ, đó là sự mù loà của tâm hồn. Cái đáng thương của mù loà tâm hồn là họ mù nhưng không chấp nhận mình mù. Họ vẫn bước đi trong vùng tối của tội lỗi, của đam mê nhưng không nhận ra sai trái của mình. Họ có cái nhìn lệch lạc về luân lý, về chân thiện mỹ nhưng đáng thương thay, họ vẫn cố chấp sống theo quan điểm của mình. Chính sự ngộ nhận đó đã giết chết cuộc đời họ và chắc chắn cũng gây nên đau khổ, có khi tổn thất cho những người chung quanh vì sự u tối và dốt nát của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay được thánh Marcô ghi lại, có lẽ không nhằm nói về sự bất hạnh của người mù thể xác. Vì thời Chúa Giêsu cũng như thời nay người mù loà thì rất nhiều. Nhưng Chúa Giêsu chỉ chữa lành một vài trường hợp, trong đó có trường hợp chữa lành người mù thành Giêricô tên là Bactimê. Hơn nữa, những phép lạ của Chúa Giêsu thường liên hệ đến việc chữa lành tâm hồn. Anh mù Bactimê chỉ được chữa lành khi anh cố đến với Chúa. Anh quyết tâm chỗi dậy, dứt bỏ chốn xưa đã giam hãm cuộc đời anh. Anh cậy dựa vào Chúa để mong muốn thay đổi cuộc đời.

Thực vậy, anh mù Bactimê được Chúa chữa lành nhờ thiện chí của anh. Dù rằng người đời cản ngăn anh. Dù rằng thế gian muốn anh mãi mãi là người mù ăn xin bên vệ đường thành Giêricô. Anh đã mạnh dạn kêu cầu Chúa: “Lạy ông Giêsu, con Vua Đavít xin dủ lòng thương”. Với thiện chí của mình anh đã dũ bỏ áo choàng ăn xin, dũ bỏ góc đường Giêricô mà bấy lâu nay anh vẫn ngồi đó để chờ bố thí, và rồi với đức tin mạnh mẽ anh đã được Chúa chữa lành, để từ nay anh trở thành một con người được tôn trọng giữa cộng đoàn, và hơn thế nữa anh còn có thể trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.

Ngày nay, loại mù về tâm hồn rất nhiều. Nguyên nhân có thể là do hoàn cảnh, do môi trường. Có thể do thiếu hiểu biết. Có thể là do đam mê, lười biếng. Có thể là vì thiếu trách nhiệm nên cố tình mù loà để hưởng bổng lộc của thế gian bố thí.

Có những bạn trẻ đã chạy theo xu hướng sai lầm của thời đại, quá tự do về giới tình, quan hệ nam nữ bừa bãi dẫn đến hủy hoại tâm hồn và thể xác. Có những cô gái trẻ đã phá đi cái thai là hậu quả của những giây phút bồng bột, lầm lỡ vì họ đã thấy trong gia đình, trong xóm làng đã có nhiều người làm thế nên mình làm theo.

Có những người trở thành những con nghiện của sì kẻ, ma túy do thiếu hiểu biết nên sa vào con đường tội lỗi và tự huỷ diệt thân xác mình mà không hay.

Có những người vì đam mê rượu chè, ham thích đỏ đen mà hủy hoại thanh danh không chỉ của mình, đôi khi còn ảnh hưởng xấu đến gia đình. Có những người vì rượu chè, cờ bạc đã đẩy gia đình đến khánh tận bần cùng mà họ vẫn trơ trẽn sống theo đam mê của mình.

Có những người vì một chút bổng lộc thế gian đã bán mình làm tôi cho ma quỷ, trở thành một Giuđa bán Chúa và làm hại anh em. Cuối cùng chỉ còn lại sự thất vọng, cô đơn và chán chường.

Hậu quả của những ngừơi mù mất ý thức này là huỷ diệt chính mình, hủy diệt thân xác và cả linh hồn. Còn đâu sự trong sáng của linh hồn là hình ảnh Thiên Chúa! Tất cả đã bị bôi nhọ bởi chính sự lầm lẫn đáng thương của chính mình.

Xem ra người mù thành Giêricô thật có phúc vì anh ý thức được sự mù loà của mình. Anh đã vượt qua mọi trở ngại để chạy đến nương nhờ lòng thương xót của Chúa. Ước gì mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ, với hành vi đấm ngực ăn năn, không phải là máy móc, vụ hình thức mà là sự nhức nhối của con tim đầy nuối tiếc về sự mù loà tâm linh của mình dẫn đến biết bao điều sai quấy, gây lo âu bất an cho tâm hồn, và gây đau khổ cho gia đình. Ước gì chúng ta luôn khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của mình để cần Chúa chỉ đường dẫn lối, và chữa lành khỏi những u mê của cõi lòng, để chúng ta luôn hân hoan bước đi trong ánh sáng của tin mừng, của chân thiện mỹ, của nẻo chính đường ngay. Ước gì cặp mắt của tâm hồn chúng ta luôn đủ sáng để nhận ra đâu là thiện, là ác, để luôn hành động đúng theo lương tri của một con người. Amen.

(tinmung.net)

ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO TỈNH HÀ NỘI LẦN X (5)

TƯỜNG THUẬT TRƯỚC 2 GIỜ KHAI MẠC ĐẠI HỘI

Đại hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà nội lần thứ X sẽ chính thức khai mạc trong vòng 2 giờ đồng hồ nữa. Theo thống kê của Ban Tiếp Tân, đã có trên 4.000 bạn trẻ thuộc các Đoàn của các Giáo phận trong toàn Giáo tỉnh về tham dự Đại Hội.

Tại khu đất trại của Đại Hội, một sân khấu phụ được dựng lên, là nơi quy tụ, tập họp các bạn trẻ để tham dự những chương trình giao lưu, làm quen và cùng tập những cử điệu chính thức cho Đại Hội.

Lúc này đây, các Đoàn xe chở các bạn trẻ vẫn tiếp tục tiến vào các ngả đường của Thành phố dẫn vào Đại Hội.


HÌNH ẢNH: SINH HOẠT NỐI KẾT TÌNH THÂN TẠI SÂN KHẤU PHỤ
Theo chương trình của Ban tổ chức, một số hoạt động phụ của Đại Hội sẽ diễn ra tại ngay khu đất trại, nơi có một sân khấu nhỏ đã được chuẩn bị.
NỬA GIỜ TRƯỚC LỄ KHAI MẠC ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO TỈNH HÀ NỘI LẦN THỨ X 
Chỉ còn không đầy nửa giờ đồng hồ nữa, Đại Hội Giới Trẻ lần thứ X của Giáo Tỉnh Hà nội sẽ chính thức khai mạc tại Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng.

Từ khi đất trại, các bạn trẻ theo Đoàn của mình tiến về quảng trường chính. Những vũ khúc đầy tinh thần của giới trẻ Công Giáo được cất lên làm cho bầu khí của Đại Hội trở nên hết sức rộn ràng và sôi động.


(giaophanlangson.org)

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN

Sức mạnh của đức tin
(phim truyện Xin đừng khóc thương tôi, Sudan)


Trong năm Đức Tin, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy tham gia vào công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi người qua chính đời sống chứng nhân của mình. Đó là một lời mời gọi đầy ý nghĩa và thiết thực nhất để Lời Chúa được rao truyền đến cho tất cả mọi người trên tòan thế giới. Trong tâm tình đó, tôi muốn chia sẻ về đời sống chứng nhân Tin Mừng qua công việc truyền giáo của linh mục Gioan Lee Tae Suk tại Nam Sudan- Phi Châu (1962-2010). Tìm hiểu về cuộc đời truyền giáo của cha và những việc làm nhỏ bé nhưng chứa đựng TÌNH YÊU phi thường của cha để hiểu rõ hơn rằng: Chính Thiên Chúa- Nguồn sức mạnh của Đức Tin và Tình Yêu đã giúp cha sống trọn vẹn một cuộc đời chan chứa thương yêu, chia sẻ cho đến tận cùng và sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo Chúa. Và cũng chính Đức Tin đã ban nguồn sức mạnh phi thường cho cha để cha đến và sống giữa những người dân nghèo, đau khổ tại Nam Sudan và trở thành một nguồn hy vọng, một ngọn lửa bừng sáng trong lòng những người dân tại Nam Sudan- Phi Châu. Cuộc đời của cha đẹp như những lòai hoa biết nói để tỏa hương sắc của Tình yêu đến cho tất cả mọi người chung quanh.

Cha Gioan Lee là linh mục dòng Salêriêng Don Bosco. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa nhưng cha đã bỏ tất cả công danh sự nghiệp sau lưng, và cha đã đáp lại tiếng gọi mãnh liệt của Thiên Chúa để trở thành một linh mục truyền giáo trong dòng Salêriêng Don Bosco. Ngay sau khi được truyền chức linh mục tại Tòa Thánh Vatican, cha đã tình nguyện đến truyền giáo tại miền Nam Sudan thuộc Phi Châu. Cha đã từ bỏ tất cả công danh, sự nghiệp của người bác sĩ để trở thành linh mục. Và hơn thế nữa, cha còn muốn trở thành người mục tử nhân lành sống giữa đoàn chiên nghèo khổ để chăn dắt họ. Vì thế nên cha đã tình nguyện đến sống tại một xứ sở nghèo đói nhất thế giới, giữa những người đói khổ và bệnh tật trong làng Tonj thuộc miền Nam Sudan- Phi Châu trong suốt 8 năm trước khi cha qua đời vị căn bệnh ung thư ruột già. Cuốn phim tài liệu: “Don’t Cry for Me Sudan” năm 2010 (“Đừng Khóc Thương Tôi - Sudan”) đã chia sẻ về cuộc đời truyền giáo của linh mục Gioan Lee Tae Suk và là cuốn phim sẽ tham dự Đại hội điện ảnh lần thứ 61 tại Bá Linh vào năm tới- 2013.

Xem phim Don't cry for me Sudan (Xin đừng khóc thương tôi Sudan) phụ đề tiếng Việt do hội truyền giáo Phanxicô Xaviê thực hiện. Một phim đầy cảm động và chan chứa yêu thương. A must see...
 
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó gồm 10 anh chị em, cha Gioan Lee Tae Suk là người con thứ chin. Năm cha lên 9 tuổi, người bố qua đời để lại gánh nặng gia đình trên đôi vai người mẹ. Người mẹ đã phải tần tảo làm nghề may vá để nuôi nấng đàn con 10 anh chị em. Ngay từ khi còn bé, cha Gioan Lee đã phải sống trong cảnh nghèo khó. Sân chơi của cha chính là ngôi nhà thờ gần nhà. Ngay khi còn học bậc tiểu học, cha đã tỏ ra yêu thương các người nghèo khổ và có ý tưởng thành lập một cô nhi viện cho các trẻ em mồ côi. Một ngày nọ, khi chứng kiến cảnh một người ăn xin nghèo khó, rách rưới mà cha (lúc đó là một cậu bé) không có gì để giúp đỡ người ăn xin này. Cha đã chạy về nhà và hỏi mượn người chị 1 cây kim và sợi chỉ để khâu lại chiếc quần rách rưới cho người ăn xin. Sống trong tuổi thơ nghèo túng, có những ngày cậu bé Gioan Lee Tae Suk đã phải ngồi chờ mẹ về ở ngoài đường, trong con hẻm gần nhà… Do đó, tuổi thơ của cha đã sớm cảm thông với những nỗi bất hạnh của con người. Khi lên bậc trung học, cha đã tự học đàn Guitar và chơi dương cầm… Năng khiếu âm nhạc đến với cha một cách tự nhiên và dễ dàng. Có lẽ đó là nguồn cảm hứng giúp cha giải bày những xúc động ẩn chứa trong tâm hồn khi chứng kiến những cảnh nghèo đói, bất công và bệnh tật của những người nghèo khổ trong xã hội. Cha đã tự sáng tác ra những bản nhạc lúc còn học ở trung học. Những bản nhạc này như một cầu nối giúp cha đến gần với Thiên Chúa. Cha đã chia sẻ những cảm nhận của mình qua âm nhạc. Âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của cha, giúp cha sống đạo hạnh hơn ngay khi còn là một học sinh bậc trung học. Và sau này, trong cuộc đời truyền giáo của mình, âm nhạc đã giúp cha đến được với những đứa trẻ quen sống trong cảnh bạo lực tại Nam Sudan và từ đó, âm nhạc đã giúp cha chuyển hướng tâm hồn chúng thành những đứa trẻ đầy năng khiếu sáng tạo trong âm nhạc.

 
Là một trong những đứa trẻ rất nghèo, nhưng cha Gioan Lee Tae Suk đã cố gắng học và thi đậu vào trường y khoa – một nơi mà ngay cả những đứa trẻ nhà giàu được cho ăn học tử tế - cũng rất khó được chọn vào. Và cha đã trở thành một bác sĩ y khoa với con đường giàu sang và danh vọng mở rộng trước mặt; được trở thành một người giàu sang, quyền quí và được xếp vào bậc thượng lưu trong xã hội. Viễn ảnh tương lai thật huy hoàng ngay trước mặt….Nhưng sau những năm tháng phục vụ như một bác sĩ y khoa trong quân đội, cha đã cảm nhận được tiếng gọi mãnh liệt của Thiên Chúa. Và cha đã quyết định từ bỏ tất cả con đường sự nghiệp đang mở rộng thênh thang trước mắt để bước vào dòng tu Salêriêng- Don Bosco và trở thành linh mục - người của Chúa. Đứng trước sự chọn lựa của cha, người mẹ đã đau đớn vì phải hy sinh trong suốt bao năm tháng nuôi con trưởng thành; nay lại nhìn thấy viễn cảnh của cuộc sống khó nghèo do bởi sự chọn lựa đó của con mình. Người mẹ đã không đành lòng mất đi người con yêu dấu sau những tháng ngày vất vả nuôi nấng con nên người. Nhưng rồi bà cũng phải nhận ra Ơn gọi mãnh liệt mà Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn cậu bé Gioan Lee Tae Suk ngay những ngày còn nhỏ. Cha đã biết ơn người mẹ đã hy sinh trọn vẹn cuộc sống để lo cho đàn con. Và giờ đây, lại một lần nữa, người mẹ đó đã hy sinh những danh vọng lẽ ra sẽ nhận được nếu người con tiếp tục con đường phục vụ như một người bác sĩ tại nơi chính quê nhà của ông – Hàn quốc. Người mẹ cuối cùng đã nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa đối với con mình còn cao cả hơn tất cả những gì mà thế gian mang lại. Thế là Gioan Lee Tae Suk bước vào dòng tu Salêriêng- Don Bosco. 

Vào những năm tháng còn ở chủng viện, thầy Gioan Lee Tae Suk đã có lần được đến thăm miền Nam Sudan- Phi Châu. Ở nơi đó đã xảy ra cuộc chiến tranh Nam- Bắc vào năm 1983, và cuộc chiến đó đã tàn phá khủng khiếp đất nước này. Cuộc chiến đã làm hơn hai triệu người bị chết và đã để lại bao nhiêu tang tóc cho những người dân quê nghèo khổ. Những người còn sống sót sau chiến tranh thì lại bị chết vì bệnh tật và nghèo đói. Họ phải sống nơi một vùng đất mà nguồn nước uống bị ô nhiễm trầm trọng.

Do đó, ngay sau buổi lễ truyền chức linh mục tại Vatican- Rome, cha Gioan Lee Tae Suk đã xin tình nguyện đến phục vụ tại miền Nam nước Sudan ở Phi Châu. Tại nơi đây, vào năm 2001, cha đã mở phòng khám bệnh đầu tiên tại Nam Sudan, và là người bác sĩ duy nhất tại đó. Mỗi ngày, cha khám và chữa trên 30 bệnh nhân. Có những bệnh nhân đã đi bộ hàng trăm Kilômét để đến với cha. Có cả những người phải đi bộ 2-3 ngày đường để đến được nơi phòng khám. Mỗi ngày đều có 30-40 người chờ đợi để được khám bệnh. Nhận thấy nhu cầu quá lớn của những người dân tại Nam Sudan, cha đã quyết định xây một bệnh viện bằng những viên gạch do chính tay cha và dân làng tự làm nên. Cha đã đặt mua xi măng từ Kenya và lấy cát từ dòng sông Tonj thuộc Nam Sudan. Dưới cái nóng trên 50 độ C, cha đã cùng làm việc với những người dân làng để đúc những viên gạch và dung chính những viên gạch đó để xây dựng thành một bệnh viện. Năm 2007, bệnh viện do cha Gioan Lee Tae Suk và dân làng xây được hình thành gồm 12 phòng. Nơi đây, cha đã chữa trị cho các bệnh nhân bị bệnh phổi, tiêu chảy, sốt rét, các phụ nữ mang thai, các trẻ em cần chủng ngừa dịch tả v.v…

Cha không bao giờ từ chối bất kỳ một bệnh nhân nào đến với cha, ngay cả vào ban đêm khi cha đang yên ngủ sau một ngày làm việc mệt nhọc. Khi có những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch đến cầu cứu cha vào ban đêm, cha vẫn sẵn lòng giúp họ mà không một lời phàn nàn than trách. Các bệnh nhân vẫn liên tục kéo đến với hy vọng được cha chữa lành các vết thương cả thể xác lẫn tâm hồn. Với họ, cha là một người cha và là một thầy thuốc. Cha đã đến với họ bằng tất cả tình yêu thương mà họ chưa bao giờ được ban phát. Cha là hiện thân của Chúa Giêsu trong trái tim và tấm lòng của họ. Tại nơi này không có nguồn điện. Do đó, cha đã tự làm những tấm năng lượng mặt trời để tạo ra nguồn điện dùng để cung cấp điện năng cho các tủ lạnh để bảo quản các loại thuốc chủng ngừa cho trẻ em. Mỗi ngày thứ Tư trong tuần, cha lái xe đến 8 ngôi làng khác nhau để chữa bệnh cho những người phong cùi, mù lòa ... khi họ không thể đi xa được, mà chỉ có thể ngồi tại nhà của họ. Thậm chí, có những người không có ai chăm sóc thì bị chết trong nhà mà không ai hay biết. Cha luôn sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai cần đến Ngài.


Năm 2005, khi hòa bình được tái lập giữa miền Nam và Bắc Sudan, bảo đảm sự an ninh khi di chuyển; thì đến năm 2006, cha bắt đầu chương trình thăm viếng các bệnh nhân bị phong cùi khi họ không thể bước chân ra khỏi nhà. Trước khi cha đến, họ đã chết mà cũng không biết chết vì bệnh gì?

Cha đã thành lập một ngôi làng cho những người mắc bệnh phong ở và cấp thuốc để chữa trị và ngăn ngừa chứng bệnh lây lan. Cha là người duy nhất yêu thương họ, đến với họ và lắng nghe họ. Mỗi lần cha đến thăm họ, cha không bao giờ đi với hai bàn tay không. Cha luôn có quà cho tất cả mọi người, khi thì là những cái áo, khi thì là những đôi vớ, lúc thì là những cái quần, những đôi giày, những cái áo ấm v.v... Cha là người đã khâu những vết thương đầy máu mủ nơi chân tay những người bệnh phong và băng bó vết thương cho họ. Cha đã đo chân từng người và đặt làm những đôi giày cho họ mang để họ bớt đau đớn mỗi khi di chuyển. Không hề có một rào cản nào ngăn cách giữa cha và những người mắc bệnh phong cùi này. Họ đã sống trong hạnh phúc vì đã được yêu thương mặc dù họ rất nghèo và bị xã hội bỏ rơi. Cha là một linh mục đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc đã từ bỏ đất nước của mình và sang phục vụ bên Phi Châu. Cha đã sống và đã hội nhập để trở thành một người dân làng Tonj.

Trong cuốn tự truyện: “Các con là những người bạn của cha”, cha đã chia sẻ động lực thúc đẩy cha đến miền Nam Sudan là: Ngay khi còn nhỏ, cha đã cảm nhận được sự hy sinh của người mẹ nuôi nấng và lo lắng, chăm sóc cho đàn con 10 người. Lớn lên, cha nhìn thấy gương hy sinh phục vụ của các cha, các soeur nơi cha sinh trưởng; và nhất là của chính một người anh làm linh mục, và một người chị làm nữ tu. Đặc biệt hơn cả là sự hy sinh tận cùng của người mẹ khi chấp nhận cho cha từ bỏ con đường sự nghiệp của người bác sĩ để trở thành linh mục. Bà mẹ đã từ bỏ sự hưởng thụ giàu sang khi có con làm bác sĩ để sẵn sàng nâng đỡ cha khi Ngài quyết tâm đi theo lời mời gọi của Chúa. Chính những tấm gương sáng đó đã là những động cơ thúc đẩy cha lên đường đi đến Sudan- một nơi nghèo khổ nhất trên thế giới để phục vụ cho những người nghèo, bệnh tật và bất hạnh. Ở nơi đó, cha là người đã xây dựng một ngôi trường học đầu tiên từ cấp mẫu giáo đến cấp trung học. Các giáo sư được cha mời đến từ Keyna để dạy cho các em. Và chính cha cũng đã dùng thời gian eo hẹp của mình để dạy môn toán cho các em.

Nhìn cảnh các trẻ em ngay từ nhỏ đã làm quen với súng đạn, cha quyết tâm phát triển năng khiếu âm nhạc nơi tâm hồn các em để thay những khẩu súng trong tay các em thành những chiếc kèn đồng. Cha đã dùng âm nhạc để xoa dịu những vết thương chiến tranh trong lòng các em. Thế là cha đã hy sinh những giờ ngủ để tập những nhạc cụ, tập thổi kèn trước rồi sau đó dạy cho các em học. Và cuối cùng, giấc mơ của cha đã thành hiện thực. Một đội kèn đầu tiên ở Nam Sudan đã được thành lập. Cha đã xin các ân nhân để gửi tặng những bộ đồng phục của ban kèn cho các em mặc. Cha nâng đỡ những đứa trẻ và phát triển tài năng về âm nhạc của chúng để chống lại bạo lực tại nơi đây. Khi tâm hồn những đứa trẻ bị tan vỡ do những vết thương chiến tranh tạo ra, qua âm nhạc, chúng sẽ tìm được niềm vui và hy vọng. Đây là một biến cố vô cùng trọng đại trong một đất nước bị tàn phá quá nhiều do bởi chiến tranh. Đối với những người dân tại Sudan thì có được một ban kèn là một sự việc ngoài trí tưởng tượng của họ, và là một biến cố gây kinh ngạc mãnh liệt cho họ. Vì từ đây, những đứa trẻ không còn cầm súng trên tay mà thay vào đó là những chiếc kèn mang lại những âm thanh của hòa bình, tình yêu và hy vọng…. 



Nhưng thật đau buồn thay, trong một chuyến nghỉ hè vào tháng 10/2008: Khi trở về Hàn Quốc, cha đã làm một cuộc xét nghiệm sức khỏe tổng quát theo lời khuyên của một bác sĩ, và cha đã phát hiện ra mình đang mang chứng bệnh ung thư ruột già ở giai đoạn cuối. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, cha vẫn chiến đấu dũng cảm với cơn bệnh qua 14 lần chạy hóa trị (chemotherapy) để mong được trở về lại Sudan thăm các em. Cũng trong những ngày tháng chữa bệnh này, cha đã viết cuốn sách: “Các con là những người bạn của cha”. Và cuốn sách đã được phát hành vào tháng 05/2009. Một tháng trước khi về với Chúa, biết mình không thể trở lại Sudan được, cha đã mời hai em trong đội kèn đến thăm cha tại Hàn Quốc. Và tại đây, cha đã bảo trợ cho hai em đó được vào học đại học.

Cuối cùng, vào ngày 14/01/2010, cha đã ra đi về với Chúa khi đã sống trọn vẹn 48 năm cuộc đời tại dương thế với những ngày tháng phục vụ trọn vẹn cho những người đau khổ, bệnh tật, phong cùi, nghèo đói ... tại Sudan. Ngày 16/01/2010 là thánh lễ an táng cha tại nhà dòng Saleriêng – Don Bosco. Cha đã ra đi trong nụ cười, còn những người ở lại đã đưa tiễn cha trong những giọt nước mắt của đau đớn và tiếc thương. Mặc dù cha đã ra đi về với Chúa, nhưng Niềm Tin của cha đã biến thành hiện thực. Cha đã sống và đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời của cha cho những người đau khổ và bất hạnh.

Tin cha qua đời bay đến Sudan và những người dân ở đây đã đau đớn và không thể chấp nhận một thực tại phũ phàng, quá nhiều mất mát cho họ. Họ khóc thương cha như khóc thương một người thân yêu duy nhất đã yêu thương họ, đã chăm sóc tận tình cho họ, đã chia sẻ và ủi an họ với một tình yêu đồng lọai mà họ chưa từng được biết đến. Có những người dân làng xa xôi đã đi bộ hơn 4 ngày trời để được đến tham dự nghi thức tiễn biệt cha lần cuối tại ngôi Thánh đường mà chính cha đã cùng với họ xây cất nên. Họ mang trên tay những tấm ảnh của cha như muốn níu kéo cha ở lại mãi với họ. Các em trong ban kèn đã diễn hành từ căn nhà thương- nơi cha xây dựng và chữa bệnh đến ngôi thánh đường- nơi cử hành nghi thức tiễn biệt người cha thân yêu của họ. Tất cả những người dân làng từ khắp nơi kéo về, có những người đã đi bộ hơn 400Km để đến tham dự nghi thức tiễn biệt cha lần cuối. Những dòng nước mắt khóc thương cho một người cha hiện thân của Tình Yêu và Hy Vọng; hiện thân của Chúa Giêsu trong tâm hồn họ. Chính cha là người đã xoa dịu và chữa lành bao vết thương nơi thể xác lẫn tâm hồn của những người dân đau khổ đang sống tại một nơi nghèo nhất thế giới văn minh này.


Tại nơi đây, những người dân làng đơn sơ, chất phát đã khóc thương cha như khóc thương người cha tinh thần của họ. Trong tâm hồn và trong trái tim của họ đã không còn ranh giới giữa giàu sang và đói khổ, mà chỉ còn lại tình yêu và sự đau xót nhớ thương. Họ đau đớn vì đã mất đi một con người đã đến sống và ở giữa họ; đã yêu thương và trao tặng họ món quà vô giá của tình người. Họ đau đớn vì đã không còn một niềm an ủi và hy vọng giữa cảnh sống nơi một xã hội mà họ đang bị bỏ rơi một cách nghiệt ngã.

Cha Gioan Lee Tae Suk không chỉ là một người cha, một linh mục mà cha đã là TẤT CẢ của họ. Cha đã sống và đã rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu bằng chính cuộc đời của cha. Cha là hiện thân của Chúa Giêsu trong lòng những người dân làng Tonj tại Nam Sudan, nơi mà bản thân họ đang phải chịu đựng những tổn thương do bởi một xã hội đầy rẫy những bất công và một thế giới tràn ngập những đau khổ tạo ra… Cha đã gieo những hạt giống của Đức Tin và Tình Yêu trong tâm hồn những người dân đau khổ và bất hạnh này. Sự ra đi của cha ở độ tuổi 48 khi Ngài còn đang tha thiết muốn phục vụ và được phục vụ những người dân nghèo là một nỗi đau và là sự mất mát không thể bù đắp nơi tâm hồn của những người dân làng Tonj đầy bất hạnh này. Nhưng Niềm Tin mà cha đã gieo rắc và vun đắp trong trái tim và tâm hồn của các trẻ em, nơi các người già yếu, bệnh tật, phong cùi, mù lòa v.v… ; Niềm Tin đó vẫn sống mãi trong lòng họ… Vì trong một thế giới đầy đầy bất hạnh và bạo lực này, vẫn đang có những bàn tay và những tâm hồn của những người môn đệ theo chân Chúa, những ngừời đang hy sinh cả cuộc đời để sống cho Tình Yêu của Chúa, và mang Tình Yêu đó xoa dịu những vết đau và lau rửa những vết thương trong tâm hồn và nơi thể xác của bao người bất hạnh.

Trong năm Đức Tin này, hy vọng mỗi người chúng ta cũng sẽ là những bàn tay nối dài của Thiên Chúa. Những bàn tay của những tâm hồn được lớn mạnh trong Đức Tin và được nuôi dưỡng trong Ân sủng để có thể sẵn sàng chia sẻ và làm chứng về Tình Yêu Thiên Chúa cho mọi người. Ước chi cuộc sống chứng nhân của cha Gioan Lee Tae Suk trong thời đại hôm nay luôn sống động trong lòng của tất cả mọi người chúng ta. Qua đó, mỗi người chúng ta cũng sẽ trở nên những người truyền giáo, rao giảng Tin Mừng của Chúa qua chính những việc làm bác ái và yêu thương, cùng với những đóng góp xây dựng một thế giới trong hòa bình qua việc chia sẻ, nâng đỡ, ủi an và yêu thương những người kém may mắn, bất hạnh hơn chúng ta.

Xin thân ái kính chúc Cộng đòan dân Chúa sống năm Đức Tin tràn đầy Ân sủng và Tình Yêu của Thiên Chúa và qua Ơn lành từ mẫu của Mẹ Maria.


Orange, Ngày 16 Tháng 10 Năm 2012
Maria Trần Thị Lệ Xuân
Cộng Đoàn Chúa Kitô Vua- Giáo xứ St. Columban 
(thanhlinh.net)

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ GIÁO TỈNH HÀ NỘI LẦN X (4)

TƯỜNG THUẬT CÔNG TÁC ĐÓN TIẾP 
CÁC BẠN TRẺ THAM DỰ ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ 
SÁNG NGÀY 25-10

Ngay từ sáng sớm, một đoàn Giới Trẻ từ GIáo phận VInh đã đến với Đại Hội. Đây là GIáo phận xa nhất trong Giáo Tỉnh. Trải qua hành trình rất dài, qua những vùng miền và những con đường khác nhau, nhưng nơi khuôn mặt các bạn trẻ, chúng tôi nhận thấy một niềm vui, hân hoan và tràn đầy sức trẻ.



 

Hình ảnh đón tiếp Giới Trẻ tại khu trại nghỉ các GIáo Phận
Tất cả các Đoàn Giới Trẻ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tnh Hà Nội lần thứ X tại Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng đều được Ban Tổ Chức bố trí nơi nghỉ tại Khu Trại, nằm trong khuôn viên Tòa GIám Mục Lạng Sơn. Trại lớn nhất khoảng 1.000 m2 dành cho Giáo phận chủ nhà, khu trại các Giáo phận khác rộng khoảng trên dưới 300 m2. Tất cả làm nên một không gian thật rộng rãi cho các Đoàn tham dự Đại hội.


  (giaophanlangson.org)