Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

TÌM HIỂU VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ QUỐC GIA VATICAN

TỪ LỊCH SỬ...

Tòa Thánh Vatican có tên chính thức Thành Quốc Vatican – Status Civitatis Vaticanae (tiếng Latin), Stato della Città del Vaticano (tiếng Ý), là một quốc gia có chủ quyền với lãnh thổ gồm một vùng đất được xây tường bao kín. Với diện tích xấp xỉ 44 hecta (108,7 mẫu Anh). Đây là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, nằm trong lòng Thành phố Rôma (Ý quốc), quốc ca là bài “Inno e Marcia Pontificale” (tiếng Ý), nghĩa là “Quốc ca và Hành khúc Giáo hoàng”.
Quốc gia này được thành lập năm 1929 theo Hiệp ước Latêranô với tư cách là hậu thân của Quốc gia Giáo hoàng, vốn rộng lớn hơn, tồn tại từ năm 756 tới 1870 sau Công Nguyên. Vì được Giám mục Rôma (tức Giáo hoàng) điều hành nên Thánh Vatican chính thức là một nền quân chủ. Các quan chức cấp cao nhất của quốc gia đều là giáo sĩ của Giáo hội Công giáo Rôma.Đây cũng là lãnh thổ có chủ quyền của Tòa Thánh (Latinh: Sancta Sedes, Anh ngữ: Holy See) và là nơi có Điện Tông Tòa (nơi ở của Giáo hoàng) và Giáo triều Rôma. Vì thế, dù trụ sở Giáo hội Công giáo theo nguyên tắc là Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Latêranô (nhà thờ mẹ của các nhà thờ) nằm ở Rôma, ngoài biên giới của quốc gia, nhưng Vatican vẫn được cho là trung tâm giáo quyền của Giáo hội Công giáo Rôma.
Tên Vatican có từ thời xưa, trước khi Kitô giáo ra đời, xuất phát từ tiếng Latin là Mons Vaticanus (Đồi Vatican). Lãnh thổ Vatican là một phần của Mons Vaticanus, và sát kề Cánh đồng Vatican nơi có Đền thờ Thánh Phêrô, Điện Giáo hoàng, Nhà nguyện Sistine, nhiều bảo tàng và nhiều công trình kiến trúc khác. Năm 1929, vùng này tách biệt khỏi thành phố và nằm trên bờ phía tây sông Tiber, đây là vùng mở rộng về sau của thành phố và được bảo vệ khi Giáo hoàng Leo IV cho gộp vào trong bức tường bao quanh thành phố, và sau này được mở rộng thành những bức tường kiểu pháo đài như hiện nay bởi các giáo hoàng Phaolô III, Piô IV và Urbanô VIII.

Hiệp ước Latêranô năm 1929 quy định hình dạng hiện nay của Thành phố được khởi thảo, thực tế đa phần lãnh thổ được đề nghị đều nằm bên trong vòng tường này khiến nó được dùng để định nghĩa ranh giới. Ở một số đoạn biên giới không có tường xây khiến những dãy nhà ở đó trở thành một phần biên giới, và một phần nhỏ biên giới được xây dựng mới ở thời hiện đại. Lãnh thổ bao gồm Quảng trường Thánh Phêrô, không thể tách rời với phần còn lại của Rôma, vì thế mà có một đường biên giới ảo với Ý quốc được quy định chạy dọc giới hạn bên ngoài của quảng trường nơi nó giáp với Piazza Pio XII và Via Paolo VI. Via della Consiliazione nối Quảng trường Thánh Phêrô với Rôma qua Ponte Sant'Angelo (Cầu Thiên Thần). Con đường lớn này được Mussolini xây dựng sau khi ký kết Hiệp ước Latêranô.


Theo Hiệp ước Latêranô, một số tài sản của Tòa Thánh nằm trong lãnh thổ Ý, mà nổi tiếng nhất là Castel Gandolfo và Nhà thờ Thánh Phêrô, được trao quy chế lãnh thổ bên ngoài tương tự như đối với các đại sứ quán. Những tài sản đó, rải rác trên toàn bộ Rôma và Ý, nơi đóng trụ sở và làm việc của các định chế cần thiết cho tính chất và nhiệm vụ truyền đạo của Tòa Thánh.
Trong lãnh thổ của thành Vatican là những khu vườn thành Vatican (tiếng Ý: Giardini Vaticani), chiếm hơn một nửa diện tích lãnh thổ. Những khu vườn được thành lập từ thời đại Phục Hưng và thời kỳ Baroque, chiếm xấp xỉ 23 hecta (57 acres), chiếm phần lớn Đồi Vatican. Điểm cao nhất là 60 m (200 ft) so với mực nước biển. Những bức tường đá bao quanh khu vực trên ở phía Bắc, Nam và Tây.
Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của Thành Vatican. Giáo hoàng cũng là giám mục GP Rôma, và là nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Rôma. Danh hiệu chính thức của Giáo hoàng tại Thành Vatican là Lãnh đạo tối cao của quốc gia Vatican, là vị vua không truyền tử, nắm quyền lực tuyệt đối, bao gồm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đối với Vatican. Giáo hoàng là vua chuyên chế duy nhất tại Âu châu.

Giáo hoàng được bầu với quyền lực trọn đời bởi một Mật nghị Hồng y gồm các Hồng y dưới 80 tuổi. Các quan chức chính phủ chủ yếu của Vatican là Hồng y Ngoại giao (ngoại trưởng), Chủ tịch Ủy ban Nghi lễ của Vatican, và Chưởng ấn của Vatican.

Hồng y Tarcisio Bertone (người Ý) là ngoại trưởng, Tổng giám mục Giovanni Lajolo vừa là Chủ tịch Ủy ban Lễ nghi vừa là Thủ hiến Vatican. Hai vị này được Giáo hoàng Biển Đức XVI chỉ định vào tháng 9-2006.

Tháp kỷ niệm Vatican được Caligula sáng tạo một cách độc đáo bởi để trang hoàng trường đấu và cũng là vật còn sót lại đến ngay nay. Khu vực này là nơi tử đạo của nhiều Kitô hữu hồi năm 64 sau công nguyên. Truyền thuyết kể rằng Thánh Phêrô đã bị đóng đinh treo ngược vào thập giá tại nơi này. Đối diện đấu trường là một nghĩa trang tách rời với Via Cormelia. Những hầm mộ, lăng tẩm và mồ mả nhỏ cũng như bàn thờ thần ngoại của những tôn giáo khác được xây dựng kiên cố trước khi công trình quảng trường Constrantinian Thánh Phêrô được xây dựng một nửa hồi thế kỷ IV sau công nguyên. Những tàn tích của nghĩa trang tăng dần qua các triều đại giáo hoàng khác nhau suốt thời kỳ Phục hưng, cho đến khi chúng được khai quật có hệ thống theo lệnh của giáo hoàng Piô XII từ 1939-1941.

Năm 326, ngôi thánh đường đầu tiên được xây dựng trên mộ Thánh Phêrô. Từ khi xuất hiện thánh đường, bắt đầu có dân cư nhưng thưa thớt quanh quảng trường. Nơi ở của giáo hoàng nằm gân quảng trường, được xây dựng ngay từ thế kỷ V trong thời giáo hoàng Symmachus (qua đời ngày 19-6-514, triều đại từ 498-514). Các giáo hoàng trong vai trò không thuộc tôn giáo đã đến cầm quyền các khu vực lân cận, lập ra Quốc gia Giáo hoàng, có quyền lực trên phần lớn bán đảo Ý hơn một ngàn năm cho đến giữa thế kỷ XIX, khi lãnh thổ của Quốc gia Giáo hoàng bị tịch thu bởi sự thành lập của Vương quốc Ý. Trong thời gian ấy, Vatican (đúng ra là Điện Latêranô) không phải là nơi ở thường xuyên của giáo hoàng, mà là ở Avignon (Pháp quốc).
Năm 1970, tài sản của giáo hoàng bị bỏ lại trong một trường hợp không rõ ràng khi Rôma tự sáp nhập bởi Piedmontesse sau khi kháng cự yếu ớt của lính giáo hoàng. Từ những năm 1861 tới 1929, uy tín của giáo hoàng được đề cập trong cuốn “Những Câu Hỏi Về Giáo Hội Công Giáo La-mã”. Giáo hoàng không bị làm phiền tại nơi ở của mình, và được pháp luật công nhận. Nhưng giáo hoàng không được vua Ý công nhận khi ra luật ở Rôma, và họ từ chối cấp phép cho vùng đất Vatican tới khi sự bất hòa của đôi bên được giải quyết vào năm 1929. Các nước khác tiếp tục duy trì sự công nhận quốc tế rằng Tòa Thánh là một thực thể tối cao. Ý không có ý định can thiệp vào Tòa Thánh trong thành Vatican. Tuy nhiên, họ đã tịch thu tài sản của Giáo hội ở nhiều nơi, đặc biệt bao gồm lâu đài chính phủ Ý, nơi ở chính thức trước kia của giáo hoàng. Giáo hoàng Piô IX (13/3/1792 – 7/2/1878, triều đại từ 1846-1878), quốc trưởng cuối cùng của Quốc gia Giáo hoàng, đã nói rằng sau khi Rôma sáp nhập, ngài là “Người tù của Vatican”. Mốc quan trọng là ngày 11-2-1929, Tòa Thánh và Vương quốc Ý, Hiệp ước được ký kết giữa Benito Mussolini và Hồng y Pietro Gasparri đại diện vua Victor Emanuel III, và Giáo hoàng Piô XI (31/5/1857 – 10/2/1939, triều đại từ 1922-1939) đại diện Tòa Thánh. Hiệp ước Latêranô và Giáo ước (hiệp ước giữa Giáo hoàng và chính phủ một nước) đã thành lập Thành Quốc Vatican (Quốc gia Vatican), đồng thời công nhận Công giáo có vai trò quan trọng tại Ý. Năm 1984, một Giáo ước mới giữa Tòa Thánh và Ý sửa đổi một số điều khoản của Giáo ước trước đây, gồm vị thế của Công giáo như quốc giáo của Ý.

... TỚI HIỆN TẠI

Mọi lần, khi giáo hoàng qua đời thì mật nghị mới được tính đến thời gian triệu tập. Nhưng lần này, việc từ nhiệm của ĐGH Biển Đức XVI tạo ra một chuỗi sự kiện phức tạp khi chọn vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Rôma. Việc chuẩn bị mật nghị và luật bầu cử không thay đổi, chỉ khác là không có thời gian tang chế.

Đây là tiến trình: Tòa Thánh triệu tập một mật nghị gồm các hồng y trong khoảng 15-20 ngày sau khi việc từ nhiệm của ĐGH Biển Đức XVI có hiệu lực từ 20 giờ ngày 28-2-2013, các hồng y phải dưới 80 tuổi mới đủ điều kiện bỏ phiếu và biệt lập trong TP Vatican, đồng thời phải thề giữ bí mật.

– Hiện nay có 118 hồng y dưới 80 tuổi và có quyền tham dự mật nghị này, 67 vị được ĐGH Biển Đức XVI tấn phong hồng y. Tuy nhiên, có 4 trong số hồng y này sẽ 80 tuổi trước khi hết tháng Ba. Tùy vào thời gian tổ chức mật nghị, các vị này có thể hoặc không thể được quyền bỏ phiếu.

– Bất kỳ người đàn ông nào đã được rửa tội đều có thể được chọn làm giáo hoàng, nhưng từ năm 1378 thì chỉ hồng y mới có thể được chọn làm giáo hoàng. Hai đợt bỏ phiếu vào buổi sáng và hai đợt vào buổi chiều được tổ chức tại Nhà nguyện Sistine. Ai được hơn 2/3 số phiếu trong tổng số sẽ trở thành giáo hoàng. Nhưng sau 12 ngày bỏ phiếu mà không được, ai đạt 2/3 số phiếu sẽ trở thành giáo hoàng.

– Các lá phiếu được đốt sau mỗi đợt bỏ phiếu. Khói đen là chưa có kết quả; khói trắng là đã có kết quả. Chuông đổ báo hiệu đã có giáo hoàng để tránh lầm lẫn màu khói tỏa lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine.

– Tân giáo hoàng được giới thiệu từ hành lang (loggia) phía bên trên Quảng trường Thánh Phêrô với lời tuyên bố: “Habemus Papam!” (tiếng Latin nghĩa là “Chúng ta có Giáo hoàng rồi!”). Và lúc đó giáo hoàng ban phép lành đầu tiên.Trầm Thiên Thu(VietCatholic News)

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI : HÃY CẦU NGUYỆN CHO VỊ GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI



Ngày Lễ Tro: 
ĐTC Bênêđíctô thứ 16 đã giảng bài suy niệm cuối cùng trong triều đại của ngài

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã giảng bài suy niệm cuối cùng trong triều đại Giáo Hoàng của ngài trong buổi chiều thứ Tư Lễ Tro cảm động tại đền thờ Thánh Phêrô.

Thông điệp của ngài với các tín hữu tụ họp xung quanh ngài tại đền thờ và thông qua các phương tiện truyền thông toàn cầu là không bao giờ là quá muộn để quay lại với Thiên Chúa và đức tin nhất thiết phải có tính cộng đoàn giáo hội.

Theo thông lệ thì Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức làm phép tro và xức tro ngày thứ Tư Lễ Tro tại đền thờ thánh nữ Sabina trên đồi Avventino. Tuy nhiên, đây là lần cuối cùng Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức có đông đảo anh chị em tín hữu tham dự nên Tòa Thánh đã quyết định dời về Đền thờ Thánh Phêrô vào lúc 5 giờ chiều.

Đức Thánh Cha đã bắt đầu Phụng Vụ ngày thứ Tư lễ tro bằng việc cảm ơn các tín hữu hiện diện, đặc biệt là các tín hữu của giáo phận Rôma – là những người đã hỗ trợ và cầu nguyện cho ngài trong 8 năm sứ vụ Mục Tử Toàn Hội Thánh của ngài.

Sau đó, Đức Thánh Cha trình bày những suy tư của ngài liên quan đến bài đọc thứ nhất trích trong Chương 2 sách Tiên Tri Joel, trong đó Thiên Chúa nói "Hãy quay lại với Ta với tất cả tâm hồn con".

Ngài nhấn mạnh rằng sự trở về cùng Chúa chỉ trở thành một thực tại cụ thể trong đời sống chúng ta nếu chúng ta để ơn thánh Chúa thấm nhập vào nội tâm sâu thẳm và đánh động tâm hồn ta, ban cho ta sức mạnh của của sự “xé lòng”. Tiên Tri Joel đã làm vang dội những lời này của Thiên Chúa: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”. Thực vậy, cả ngày nay, nhiều người sẵn sàng xé áo trước những vụ tai tiếng và bất công - dĩ nhiên là do người khác phạm - nhưng ít người sẵn sàng hành động trên chính con tim, trên lương tâm, trên những ý hướng của mình, để cho Chúa đổi mới và hoán cải.

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng lời kêu gọi hoán cải ấy không phải chỉ với tư cách cá nhân, nhưng cả với tư cách cộng đoàn. “Chiều kích cộng đoàn là một yếu tố thiết yếu trong đức tin và trong đời sống Kitô. Thật vậy, Chúa Kitô đã đến để tập hợp những con cái Chúa bị tản mác” (Xc Ga 11,52).

Đức Thánh Cha gây xúc động đặc biệt cho những người tham dự thánh lễ khi nhấn mạnh lời Tiên Tri Joel “Xin Chúa thương xót dân Chúa, đừng để gia nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: Chúa của chúng ở đâu?” (v.17).

Ngài giải thích rằng: “Lời cầu nguyện này làm cho chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của chứng tá đức tin và đời sống Kitô của mỗi người chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta để biểu lộ khuôn mặt của Giáo Hội, một khuôn mặt nhiều khi đã bị tủi hổ. Tôi đặc biệt nghĩ đến những tội lỗi chống lại sự hiệp nhất trong Giáo Hội, những chia rẽ trong nhiệm thể Hội Thánh Chúa. Muốn sống mùa chay trong tình hiệp thông nồng nhiệt và hiển nhiên hơn của Giáo Hội, chúng ta phải vượt thắng những thái độ cá nhân chủ nghĩa và cạnh tranh, đó là một dấu chỉ tuy khiêm tốn nhưng quí giá đối với những ai đang xa lìa hoặc dửng dưng với đức tin”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chứng tá của chúng ta sẽ càng có ảnh hưởng quyết định hơn nếu chúng ta càng ít tìm kiếm vinh quang cho chúng ta và nếu chúng ta ý thức rằng phần thưởng của người công chính là chính Thiên Chúa, là được kết hiệp với Chúa, ngay đời này trong hành trình đức tin, và đời sau, trong an bình và trong ánh sáng cuộc gặp gỡ diện đối diện với Chúa mãi mãi”

Sau bài giảng là nghi thức làm phép và xức tro. Đức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêro đã bỏ tro trên đầu Đức Thánh Cha trước khi đến lượt ngài xức tro cho một số Hồng Y và một số linh mục, tu sĩ và anh chị em tín hữu.

Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y Tarsicio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã có đôi lời với Đức Thánh Cha thay mặt cho cộng đoàn.

Ngài nói: Trọng Kính Đức Thánh Cha,

Với tâm tình rất xúc động và rất kính trọng, không chỉ trong Giáo Hội nhưng cả thế giới đã hay tin về quyết định của Đức Thánh Cha thoái vị khỏi sứ vụ Giám Mục Rôma và Người Kế Vị Thánh Phêrô.

Thưa Đức Thánh Cha, sẽ là không thành thực nếu chúng con không thưa thật với Đức Thánh Cha rằng chiều hôm nay có một màn buồn sầu bao phủ tâm hồn chúng con. Trong những năm qua, Giáo Huấn của Đức Thánh Cha là một cửa sổ mở ra cho Giáo Hội và thế giới, để những tia sáng chân lý và tình yêu của Thiên Chúa có thể chiếu rọi mang đến ánh sáng và nhiệt tình cho hành trình của chúng con, nhất là trong những khi mây đen dầy đặc che phủ.

Tất cả chúng con cũng hiểu rằng chính lòng yêu mến sâu đậm của Đức Thánh Cha với Thiên Chúa và Giáo Hội của Người đã thúc đẩy Đức Thánh Cha đi tới quyết định thoái vị ấy. Điều này biểu lộ một tâm hồn thanh khiết, một đức tin vững mạnh, một sức mạnh của sự khiêm tốn và dịu hiền cùng với lòng can đảm mạnh mẽ, nổi bật trong mỗi bước tiến trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Thánh Cha, và chúng chỉ có thể đến từ sự thân mật kết hiệp với Chúa, dưới ánh sáng Lời Chúa, liên tục lên núi gặp gỡ Chúa để rồi trở xuống nơi xã hội con người.

Trọng Kính Đức Thánh Cha,

Cách đây vài ngày, Đức Thánh Cha đã nói với các chủng sinh của Giáo Hội tại Rôma này rằng là Kitô hữu, chúng ta biết tương lai là của chúng ta, tương lai là của Thiên Chúa, và cây Giáo Hội luôn tiếp tục tăng trưởng. Giáo Hội luôn đổi mới, luôn tái sinh. Chúng ta phải phục vụ Giáo Hội với ý thức mạnh mẽ Giáo Hội không phải là của chúng ta nhưng là của Thiên Chúa, và không phải chúng ta xây dựng Giáo Hội, nhưng là Thiên Chúa, vì sự thật: “Chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng. Chúng ta chỉ làm điều chúng ta phải làm” (Lc 17,10). Hoàn toàn tín thác nơi Chúa, đó là giáo huấn lớn lao mà Đức Thánh Cha, qua quyết định đau thương này, không những dành cho chúng con là những mục tử của Giáo Hội, nhưng còn cho toàn thể Dân Chúa.

Thánh Lễ là lời tri ân cám tạ Thiên Chúa. Chiều hôm nay chúng con muốn cảm tạ Chúa vì hành trình mà toàn thể Giáo Hội đã thực hiện dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha và chúng con muốn nói với Đức Thánh Cha tự thâm tâm chúng con, với tất cả lòng quí mến, xúc động và ngưỡng mộ rằng: Cám ơn Đức Thánh Cha vì đã cho chúng con tấm gương rạng người về người thợ đơn sơ và khiêm tốn trong vườn nho của Chúa, nhưng là một người thợ đã muốn thực hiện trong mọi lúc điều quan trọng nhất là mang Chúa đến cho con người và đưa con người về cùng Thiên Chúa”.
 
Đồng Nhân
(VietCatholic News) 

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG THÁNH MẪU TÀPAO - THÁNH LỂ MỒNG 3 TẾT QUÝ TỴ

Thánh Lễ Mùng 3 Tết
Cầu Nguyện Cho Các Bệnh Nhân Tại Tàpao

Tối mùng 3 Tết Quý Tỵ, ngày 12/2/2013, lúc 19g00, tại quảng trường Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, khoảng 6 ngàn khách hành hương từ muôn phương nô nức tìm về bên Mẹ và sốt sắng tham dự Thánh Lễ xin thánh hóa công ăn việc làm, cách đặc biệt cầu nguyện cho những người đau yếu, tàn tật nhân ngày Quốc tế Bệnh Nhân (11.2).


Trong suốt những ngày cuối năm, mùng 1 – mùng 2 Tết, Tàpao rộn ràng bước chân của khách hành hương về kính viếng và cầu nguyện với Đức Mẹ. Chiều mùng 2 Tết, trong tâm tình của ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, rất nhiều người già cả, đau yếu, bệnh tật đã được người thân dắt dìu đến hành hương Mẹ Tàpao để xin ơn chữa lành phần hồn phần xác. Trên những chiếc xe lăn, các bệnh nhân tươi nở nụ cười với nhau, nhận lời chúc lành của mọi người và sốt sắng hướng về Linh đài Mẹ cùng hiệp dâng lời cầu nguyện.



(gpphanthiet.com)

THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2013

THƯ MÙA CHAY 2013
Tòa TGM Thành phố HCM

 
Kính gửi : Quý Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân, trong gia đình Giáo phận

Anh Chị Em rất thân mến,

1. Như anh chị em biết, Hội nghị toàn thể lần X của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã diễn ra rất tốt đẹp. Các giám mục đã họp tại Tòa giám mục Xuân Lộc từ ngày 10 -15 tháng 12 năm 2012. Sau đó, các ngài chia ra thành nhiều nhóm, đi thăm Đại chủng viện Thánh Giuse và 14 giáo hạt trong Tổng giáo phận Thành phố, và cử hành Thánh Lễ bế mạc tại Nhà thờ chính tòa Sàigòn.

Các giám mục Á châu đã có những ấn tượng thật tốt đẹp về đất nước, con người, nhất là về Giáo Hội công giáo tại Việt Nam. Các ngài ca ngợi đời sống đức tin kiên trung và sống động của người tín hữu Việt Nam, và cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của anh chị em. Được như thế là nhờ ơn Chúa, cùng với sự đóng góp tích cực và đầy tình huynh đệ hiệp nhất của mọi thành phần Dân Chúa trong gia đình giáo phận. Tôi hết sức vui mừng và xin gửi đến tất cả anh chị em lời cảm ơn chân thành nhất.

2. Cùng với niềm vui khi thấy Giáo Hội tại Việt Nam phát triển, các giám mục Á châu cũng khuyên chúng ta phải đào sâu và củng cố đức tin hơn nữa, để có thể vững vàng trước những cám dỗ của lối sống văn hóa thế tục đang lan rộng khắp nơi tại châu Á. Đây chính là điều cần phải quan tâm đặc biệt trong Năm Đức Tin, nhất là trong Mùa Chay.

Mùa Chay là thời gian củng cố đức tin vào mầu nhiệm Vượt Qua, tức là mầu nhiệm thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô. Mầu nhiệm ấy là trung tâm của Tin Mừng mà các thánh Tông đồ và toàn thể Giáo Hội phải loan báo cho trần gian. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất “một lần cho mãi mãi” (Dt 9,25) nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người.

3. Vì thế, trong Mùa Chay này, dựa vào Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo và những tài liệu đã được Tòa Tổng giám mục gửi đến các giáo xứ, xin anh chị em cố gắng học hỏi, tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô. Càng hiểu biết, chúng ta càng yêu mến Đức Kitô và mong muốn bước theo Người sát hơn. Do đó, Mùa Chay cũng là thời gian sám hối và canh tân đổi mới đời sống. Ngay từ đầu Mùa Chay, Giáo Hội đã kêu gọi các tín hữu ăn chay, cầu nguyện, làm việc bác ái. Tất cả đều nhằm mục đích giúp chúng ta canh tân đổi mới, để nên giống Chúa Giêsu hơn trong tâm tình, trong suy nghĩ, cũng như trong lời nói và cách sống hằng ngày, như thánh Phaolô kêu gọi : “Hãy mang trong anh em những tâm tình của Đức Giêsu Kitô” (Phil 2,5).

4. Nếu chúng ta thật sự yêu mến Đức Kitô thì cũng sẽ yêu mến Giáo Hội vì Giáo Hội chính là Thân Mình của Chúa. Lòng yêu mến Giáo Hội dẫn chúng ta đến chỗ đồng cảm với những ưu sầu và lo lắng, cũng như mừng vui và hi vọng của Giáo Hội. Cách riêng trong Giáo Hội địa phương là giáo phận nhà, tôi muốn nhắc anh chị em nhớ đến sự kiện quan trọng này : chúng ta sẽ mừng kỷ niệm 150 năm thành lập chủng viện Thánh Giuse-Sàigòn, bắt đầu từ ngày lễ Thánh Giuse, 19 tháng 3 năm 2013, và kết thúc trọng thể vào ngày 19 tháng 3 năm 2014.

Chủng viện Thánh Giuse được thành lập từ năm 1863 để đáp ứng nhu cầu đào tạo linh mục cho các giáo phận miền Nam Việt Nam. Trong 150 năm qua, chủng viện đã đào tạo 1.402 linh mục. Trung bình 10LM/năm, trong số đó, có một hồng y và 30 giám mục. Nhắc lại thành quả đó để thấy sự đóng góp lớn lao của chủng viện cho đời sống và sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội tại Việt Nam nói chung, và tại Tổng giáo phận Sàigòn trong Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Sau 150 năm, chủng viện vẫn tiếp tục sứ mạng cao cả của mình và nhu cầu còn gia tăng hơn trước. Hiện nay, chủng viện Thánh Giuse-Sàigòn không chỉ đào tạo linh mục cho Sàigòn mà còn cho hai giáo phận Mỹ Tho và Phú Cường. Trước đây, chủng viện chỉ chiêu sinh 2 năm 1 lần, nhưng từ ít năm nay đã tổ chức chiêu sinh hằng năm, do đó số chủng sinh tăng gấp đôi. Thêm vào đó, theo yêu cầu của Tòa Thánh, chủng viện phải mở thêm Năm Tu Đức cho chủng sinh trước khi chính thức bước vào chương trình Triết học và Thần học. Vì thế, đến niên khóa 2014-2015, dự kiến số chủng sinh sẽ là 280 thầy cho chương trình đào tạo 7 năm.

5. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, giáo phận bắt buộc phải sửa chữa những khu nhà cũ đã được sử dụng từ 50 – 80 năm; đồng thời xây dựng khu nhà mới làm nơi cho chủng sinh ở, học tập, cầu nguyện. Chủng viện đã tiến hành việc xây dựng này từ tháng 3 năm 2012 và cho đến nay, nhờ sự giúp đỡ quảng đại của anh chị em, đã hoàn thành được một nửa công trình. Tôi xin hết lòng cảm ơn anh chị em đã rộng lòng giúp đỡ cho công việc đào tạo linh mục, là đòi hỏi hết sức quan trọng trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Và tôi ước mong anh chị em tiếp tục giúp đỡ cho công trình xây dựng này sớm được hoàn thành.

Cách cụ thể, trong Mùa Chay này, xin anh chị em tiết giảm chi tiêu cho bản thân và gia đình mình, và dành phần tiết kiệm ấy cho chủng viện. Nếu bình quân mỗi người trong giáo phận có thể góp 50.000 (năm mươi ngàn đồng) trong Mùa Chay này, hy vọng chúng ta sẽ hoàn tất công trình đúng như dự kiến, và chủng viện có thể đón nhận 280 chủng sinh cho niên khóa sắp tới.

Kết luận

Đức Trinh Nữ Maria vừa là Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, vừa là môn đệ đầu tiên và mẫu mực của Người. Mẹ đã đồng hành với Chúa từ khi sinh con trong cánh đồng Bêlem đến lúc đứng dưới chân thập giá trên đồi Canvê. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ và Thánh Cả Giuse, nguyện xin Chúa ban tràn đầy Thánh Thần của Ngài xuống trên mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, giúp mọi người sống đời sống môn đệ Chúa Giêsu như lòng Người mong ước.
Thứ Tư Lễ Tro, đầu Mùa Chay Thánh

Gioan B. Phạm Minh Mẫn                  Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám Mục của Anh Chị Em 
(WGPSG) 

ĐỨC HỒNG Y ANGELO SODANO, NIÊN TRƯỞNG HỒNG Y ĐOÀN PHÁT BIỂU CẢM TƯỞNG KHI ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI TUYÊN BỐ TỪ CHỨC

VATICAN - Ngày 11.2.2013 Trong bầu không khí hân hoan và vui mừng trước biến cố Giáo Hội vừa có thêm ba vị Thánh mới đã trở nên ảm đạm, im lặng và ngỡ ngàng của các vị Hồng Y khi ĐTC Bênêđictô XVI tuyên bố từ nhiệm ngôi vị giáo hoàng, Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn thay mặt cho các vị Hồng Y ứng khẩu nói như sau:

Kính Thưa Đức Thánh Cha,

Người Kế Vị quí mến và đáng kính của Thánh Phêrô,

Sứ điệp cảm động của Đức Thánh Cha vang lên trong dinh Tông Tòa này như một tiếng sấm giữa trời thanh quang. Chúng con ngỡ ngàng khi nghe sứ điệp ấy, như thể không tin được. Trong những lời của Đức Thánh Cha, chúng con nhận thấy lòng yêu mến nồng nhiệt của Đức Thánh Cha đối với Hội Thánh Chúa, đối với Giáo Hội mà Đức Thánh Cha đã thiết tha yêu mến dường nào. Giờ đây, xin cho phép con nhân danh cộng đoàn tông đồ này, Hồng y đoàn, nhân danh tất cả những cộng sự viên quí mến của Đức Thánh Cha, để nói rằng chúng con gần gũi với Đức Thánh Cha hơn bao giờ hết, cũng như chúng con đã gần gũi với Đức Thánh Cha trong 8 năm rạng ngời triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha. Ngày 19 tháng 4 năm 2005, nếu con nhớ rõ, vào cuối Mật Nghị, với giọng hồi hộp cảm động con đã hỏi Đức Thánh Cha: “Ngài có nhận việc bầu cử hợp pháp để lên ngôi Giáo Hoàng hay không?”, và cũng với sự hồi hộp, ngài đã không trì hoãn trả lời chấp nhận, với niềm tín thác nơi ơn Chúa và trong sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội. Như Mẹ Maria, ngày hôm ấy, Đức Thánh Cha đã thưa “xin vâng” và đã khởi đầu một triều đại Giáo Hoàng sáng ngời, trong sự kế tục với 265 vị tiền nhiệm của Ngài trên ngai tòa thánh Phêrô, xuyên suốt lịch sử Giáo Hội qua hơn haingàn năm lịch sử, từ Thánh Phêrô người ngư phủ khiêm hạ miền Galilêa, cho đến các vị đại Giáo Hoàng trong thế kỷ vừa qua, từ thánh Piô 10 cho đến chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

Kính thưa Đức Thánh Cha,

Trước ngày 28 tháng 2, như Ngài đã nói, ngày mà Ngài muốn chấm dứt sứ vụ Giáo Hoàng được chu toàn với tất cả lòng yêu mến, lòng khiêm nhường, chúng con sẽ có dịp biểu lộ rõ hơn tâm tình của chúng con. Cũng như bao nhiêu vị mục tử và tín hữu trên thế giới, cũng như bao nhiều người thiện chí cùng với chính quyền của các nước. Rồi trong tháng này, chúng con còn được niềm vui nghe tiếng vị chủ chăn, ngay trong ngày thứ Tư lễ tro tới đây, rồi ngày thứ năm, với hàng giáo sĩ Rôma, trong những buổi đọc kinh Truyền Tin những ngày Chúa nhật, trong các buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư hàng tuần. Vì thế còn bao nhiêu dịp để nghe tiếng nói hiền phụ của Đức Thánh Cha. Nhưng sứ vụ của Ngài sẽ tiếp tục. Ngài đã nói rằng sẽ luôn gần gũi chúng con với chứng tá và lời cầu nguyện của Ngài. Dĩ nhiên, những ngôi sao trên trời sẽ tiếp tục chiếu sáng và sẽ luôn chiếu sáng giữa chúng con ngôi sao triều đại giáo hoàng của Ngài. Chúng con gần gũi Đức Thánh Cha, xin chúc lành cho chúng con.

TÌM HIỂU THỂ THỨC MỘT MẬT VIỆN HỒNG Y BẦU GIÁO HOÀNG


Họa đồ diễn giải tiến trình Mật Nghị Hồng Y bầu đức Tân Giáo Hoàng tại điện Sistine ở Vatican và các nghi thức ra sao...

Xin mời click chuột vào hình để xem ở khổ lớn

GB.Trần Thế Vinh
(VietCatholic News)

NHỮNG GÌ SẮP DIỄN RA TẠI VATICAN?

Quyết định thoái vị của Đức Thánh Cha không phải là do ngài mắc một chứng bệnh cụ thể nào nhưng do tình trạng sức khoẻ suy sút theo tuổi già. Cha Federico Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho các ký giả biết như trên trong cuộc họp báo vào sáng thứ Ba 12 tháng Hai.

Đông đảo các ký giả từ khắp nơi đã kéo về Rôma với những máy móc đứng chen chúc tại quảng trường Thánh Phêrô.

Quyết định thoái vị của Đức Thánh Cha là một điều ngài đã suy tư trong thời gian qua, đặc biệt sau chuyến đi của ngài sang Mexico và Cuba hồi năm ngoái, như một phần trong sứ vụ tông đồ của ngài. Cha Lombardi đã nhắc lại với các ký giả những điều Đức Thánh Cha nói trong công nghị Hồng Y sáng 11 tháng Hai “Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng.”

Về vấn đề tại sao Đức Thánh Cha chọn lúc 20h mà không phải là 24h hay một thời điểm nào khác của ngày 28 tháng Hai để thoái vị, cha Lombardi nói với các nhà báo, đơn giản chỉ vì đó là thời điểm Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 thường kết thúc ngày làm việc của mình.

Trả lời một ký giả Ý, cha Lombardi xác nhận tin cách đây khoảng 3 tháng Đức Thánh Cha đã chịu một cuộc giải phẫu để thay pin trong máy trợ tim của ngài. Nhưng đó là cuộc can thiệp thường lệ, và ngài đã mang máy trợ tim khi còn là Hồng y. Theo bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha xác nhận Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 hiện không có bệnh cấp tính nào, nhưng ở trong tình trạng sức khỏe suy giảm do tuổi già. Ngài sẽ tròn 86 tuổi vào ngày 16 tháng Tư tới đây.

Theo dự trù Đức Thánh Cha sẽ công bố một tông thư về Đức Tin. Tuy nhiên, việc này đã bị hủy bỏ và có nhiều khả năng "sẽ được xuất bản dưới hình thức khác".

Về Mật Nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng, vị Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết là sau khi Đức Thánh Cha công bố ý định thoái vị của ngài, điều này đã bắt đầu được nghĩ đến nhưng chỉ có thể diễn ra trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng (Sede Vacante), nghĩa là từ ngày 1 tháng Ba. Lúc đó, Tòa Thánh được điều hành theo Tông Hiến Universi Dominici Gregis (Mục Tử toàn thể đoàn chiên Chúa), do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1996. Quyền cai trị Tòa Thánh do Hồng y đoàn, dưới sự điều động của Đức Hồng Y niên trưởng Angelo Sodano, 86 tuổi. Ngoài ra những công việc hành chánh thông thường thì do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, là Hồng y nhiếp chính cùng với 3 Hồng Y khác, được chọn theo lượt trong số các Hồng Y. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ không tham dự Cơ Mật Viện.

Về cách xưng hô với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sau ngày 28 tháng Hai, cha Lombardi cho biết vấn đề này chưa được xác định rõ.

Cha Lombardi cũng nhắc lại rằng chương trình hoạt động của Đức Thánh Cha như đã định trước cho tới ngày 28 tháng Hai vẫn được giữ nguyên, như cuộc gặp gỡ các Giám Mục Italia về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, buổi tiếp kiến dành cho tổng thống Rumani và Guatemala.

Theo dự trù Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức làm phép tro và xức tro ngày thứ Tư Lễ Tro 13 tháng Hai tại đền thờ thánh nữ Sabina trên đồi Avventino như vẫn thường diễn ra hàng năm. Tuy nhiên, đây là lần cuối cùng Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức có đông đảo anh chị em tín hữu tham dự nên Tòa Thánh đã quyết định dời về Đền thờ Thánh Phêrô vào lúc 5 giờ chiều.

Sáng thứ Năm 14 tháng Hai, Đức Thánh Cha sẽ gặp hàng giáo sĩ Roma theo thông lệ từ lúc 11 giờ tại Đại thính đường Phaolô 6. Năm ngoái, ngài cũng đã gặp hàng ngàn linh mục và Phó Tế của giáo phận Rôma tại Đại thính đường này và ngài đã trình bày một bài suy niệm ứng khẩu dưới hình thức “lectio divina”, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Năm nay, đề tài bài nói chuyện sẽ là những kinh nghiệm cá nhân của ngài về Công Đồng Chung Vatican.

Sáng ngày thứ Tư 13 tháng Hai và sáng thứ Tư 27 tháng Hai, Đức Thánh Cha sẽ có buổi tiếp kiến chung với anh chị em giáo dân (tuần lễ từ chiều Chúa Nhật 17 tháng Hai cho đến sáng thứ Bẩy 23 tháng Hai là tuần tĩnh tâm Mùa Chay hàng năm của giáo triều Rôma nên không có buổi triều yết chung).

Như thế, sáng thứ Tư 27 tháng Hai là buổi gặp gỡ cuối cùng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 với công chúng trong tư cách Giáo Hoàng.
 
Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

DANH SÁCH 117 VỊ HỒNG Y ĐƯỢC TRIỆU VỀ VATICAN BẦU VỊ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG


Số tt   TÊN CÁC
ĐỨC HỒNG Y                        NGÀY SINH      QUỐC GIA      CHÂU LỤC

001. KASPER Walter                       05.03.1933       Germania        Europa

002. POLETTO Severino                 18.03.1933       Italia                Europa

003. SANDOVAL ÍÑIGUEZ Juan       28.03.1933       Messico          America Latina

004. ANNEELS Godfried                  04.06.1933       Belgio              Europa

005. ERRÁZURIZ OSSA Francisco
Javier, dei P. di Schönstatt     05.09.1933       Chile                 America Latina

006. FARINA Raffaele, S.D.B.        24.09.1933       Italia                  Europa

007. AGNELO Geraldo Majella       19.10.1933       Brasile               America Latina

008. MEISNER Joachim                 25.12.1933       Germania          Europa

009. VELA CHIRIBOGA
Raúl Eduardo                         01.01.1934        Ecuador           America Latina

010. RE Giovanni Battista              30.01.1934        Italia                Europa

011. TETTAMANZI Dionigi              14.03.1934         Italia                Europa

012. MONTERISI Francesco          28.05.1934        Italia                Europa

013. HUMMES Cláudio, O.F.M.      08.08.1934         Brasile            America Latina

014. AMIGO VALLEJO
Carlos, O.F.M.                       23.08.1934         Spagna           Europa

015. SARDI Paolo                          01.09.1934         Italia               Europa

016. CORDES Paul Josef              05.09.1934         Germania       Europa

017. RODÉ Franc, C.M.                 23.09.1934         Slovenia         Europa

018. BERTONE Tarcisio, S.D.B.    02.12.1934         Italia               Europa

019. DARMAATMADJA
Julius Riyadi, S.I.                  20.12.1934         Indonesia       Asia

020. PHAM MINH MÂN
Jean-Baptiste                          --.--.1934          Viêt Nam        Asia

021. LAJOLO Giovanni                 03.01.1935          Italia              Europa

022. NAGUIB Antonius                  18.03.1935          Egitto            Africa

023. RIGALI Justin Francis           19.04.1935          USA              America Settentrionale

024. DE PAOLIS Velasio, C.S.      19.09.1935          Italia             Europa

025. ABRIL y CASTELLÓ Santos 21.09.1935          Spagna         Italia

026. POLICARPO José da CRUZ 26.02.1936          Portogallo     Europa

027. MAHONY Roger Michael       27.02.1936          U.S.A.           America Settentrionale

028. TERRAZAS SANDOVAL 
        Julio, C.SS.R.                       07.03.1936          Bolivia           America Latina

029. DIAS Ivan                              14.04.1936         India              Asia

030. LEHMANN Karl                      16.05.1936         Germania      Europa

031. LEVADA William Joseph        15.06.1936         U.S.A.           America Settentrionale

032. OKOGIE Anthony Olubunmi   16.06.1936         Nigeria          Africa

033. TURCOTTE Jean-Claude      26.06.1936         Canada         America Settentrionale

034. ROUCO VARELA
Antonio María                       24.08.1936         Spagna         Europa

035. ORTEGA Y ALAMINO
Jaime Lucas                         18.10.1936         Cuba            America Latina

036. LÓPEZ RODRÍGUEZ
Nicolás de Jesús                  31.10.1936         R. Dominicana  America Latina

037. ANTONELLI Ennio                 18.11.1936         Italia             Europa

038. SARR Théodore-Adrien         28.11.1936         Senegal        Africa

039. BERGOGLIO
       Jorge Mario, S.I.                    12.12.1936         Argentina      America Latina

040. GEORGE
Francis Eugene, O.M.I.        16.01.1937         U.S.A.           America Settentrionale

041. B ČK S udrys Juozas            01.02.1937         Lituania        Europa

042. ASSIS Raymundo
DAMASCENO                      15.02.1937         Brasile          America Latina

043. NICORA Attilio                      16.03.1937         Italia             Europa

044. MARTÍNEZ SISTACH Lluís   29.04.1937         Spagna         Europa

045. VEGLIÒ Antonio Maria         03.02.1938         Italia             Europa

046. ROMEO Paolo                     20.02.1938         Italia             Europa

047. COCCOPALMERIO
        Francesco                           06.03.1938         Italia             Europa

048. O’BR EN Keith Michael
        Patrick                                 17.03.1938         Scozia (GB) Europa

049. MONTEIRO de CASTRO
Manuel                                29.03.1938         Portogallo    Europa

050. CAFFARRA Carlo                01.06.1938         Italia            Europa

051. AMATO Angelo, S.D.B.        08.06.1938         Italia            Europa

052. O'BRIEN Edwin Frederick   08.04.1939         U.S.A.          America Settentrionale

053. DZIWISZ Stanisŀaw            27.04.1939         Polonia        Europa

054. TONG HON John                 31.07.1939         China          Asia

055. BRADY Seán Baptist          16.08.1939          Irlanda        Europa

056. MONSENGWO PASINYA
Laurent                              07.10.1939       Rep. Dem.     Congo  Africa

057. GROCHOLEWSKI Zenon   11.10.1939          Polonia       Europa

058. TOPPO Telesphore 
        Placidus                             15.10.1939          India           Asia

059. RAÏ Béchara Boutros, 
        O.M.M.                               25.02.1940          Libano        Asia

060. VALLINI Agostino               17.04.1940          Italia           Europa

061. WUERL Donald William     12.11.1940          U.S.A.         America Settentrionale

062. ZUBEIR WAKO Gabriel     27.02.1941          Sudan         Africa

063. NAPIER Wilfrid Fox, 
        O.F.M.                               08.03.1941        Sud Africa     Africa

064. PELL George                    08.06.1941          Australia     Oceania

065. SCOLA Angelo                  07.11.1941          Italia           Europa

066. RIVERA CARRERA 
        Norberto                           06.06.1942          Messico      America Latina

067. UROSA SAVINO 
       Jorge Liberato                  28.08.1942           Venezuela   America Latina

068. SALAZAR GÓMEZ 
         Rubén                            22.09.1942            Colombia    America Latina

069. BERTELLO Giuseppe     01.10.1942            Italia           Europa

070. RAVASI Gianfranco         18.10.1942            Italia           Europa

071. VINGT-TROIS André        07.11.1942           Francia       Europa

072. RODRÍGUEZ MARADIAGA
Oscar Andrés, S.D.B.    29.12.1942            Honduras    America Latina

073. BAGNASCO Angelo       14.01.1943            Italia            Europa

074. CALCAGNO Domenico  03.02.1943            Italia            Europa

075. TAURAN Jean-Louis      05.04.1943            Francia        Europa

076. DUKA Dominik, O.P.      26.04.1943      Repubblica Ceca    Europa

077. SEPE Crescenzio         02.06.1943            Italia             Europa

078. VERSALDI Giuseppe    30.07.1943            Italia             Europa

079. COMASTRI Angelo       17.09.1943            Italia             Europa

080. SANDRI Leonardo        18.11.1943       Argentina           America Latina

081. CIPRIANI THORNE 
        Juan Luis                     28.12.1943            Perù              America Latina

082. ONAIYEKAN 
        John Olorunfemi          29.01.1944            Nigeria           Africa

083. OUELLET 
        Marc, P.S.S.                08.06.1944           Canada           America Settentrionale

084. O'MALLEY Seán 
        Patrick, O.F.M. Cap.    29.06.1944           U.S.A.             America Settentrionale

085. PENGO Polycarp        05.08.1944           Tanzania          Africa

086. PIACENZA Mauro       15.09.1944           Italia                Europa

087. RICARD Jean-Pierre  25.09.1944           Francia            Europa

088. GRACIAS Oswald       24.12.1944           India                Asia

089. NJUE John                    --.--. 1944           Kenya             Africa

090. SCHÖNBORN 
        Christoph, O.P.           22.01.1945           Austria             Europa

091. ALENCHERRY 
        George                      19.04.1945            India                Asia

092. SARAH Robert           15.06.1945           Guinea             Africa

093. RYŁKO Stanisław      04.07.1945           Polonia             Europa

094. PULJ Ć Vinko            08.09.1945      Bosnia-Erzegovina    Europa

095. CAÑIZARES 
        LLOVERA Antonio     15.10.1945           Spagna             Europa

096. FILONI Fernando      15.04.1946            Italia                 Europa

097. COLLINS Thomas 
        Christopher               16.01.1947           Canada             America Settentrionale

098. BETORI Giuseppe    25.02.1947            Italia                 Europa

099. AVIZ João BRAZ de  24.04.1947           Brasile              America Latina

100. PATABENDIGE DON 
     Albert Malcolm Ranjith 15.11.1947           Sri Lanka           Asia

101. BURKE 
        Raymond Leo          30.06.1948            U.S.A.               America Settentrionale

102. TURKSON Peter 
        Kodwo Appiah         11.10.1948            Ghana               Africa

103. ROBLES ORTEGA 
        Francisco               02.03.1949           Messico             America Latina

104. BOZ N Ć Josip       20.03.1949           Croazia              Europa

105. DiNARDO Daniel 
        Nicholas                 23.05.1949           U.S.A.                America Settentrionale

106. SCHERER 
        Odilo Pedro           21.09.1949           Brasile                America Latina

107. HARVEY James 
        Michael                 20.10.1949            U.S.A.                America Settentrionale

108. NYCZ Kazimierz    01.02.1950           Polonia               Europa

109. DOLAN Timothy 
        Michael                 06.02.1950           U.S.A.                 America Settentrionale

110. KOCH Kurt            15.03.1950           Svizzera              Europa

111. BARBARIN 
       Philippe                  17.10.1950           Francia               Europa

112. ERDŐ Péter          25.06.1952           Ungheria             Europa

113. EIJK Willem 
        Jacobus                22.06.1953           Paesi Bassi        Europa

114. MARX Reinhard     21.09.1953           Germania           Europa

115. WOELKI 
        Rainer Maria          18.08.1956           Germania          Europa

116.  TAGLE Luis 
         Antonio G.             21.06.1957           Filippine            Asia

117. THOTTUNKAL 
        Baselios Cleemis   15.06.1959           India                  Asia


117 Hồng Y dưới 80 tuổi tham dự cuộc bầu cử Giáo Hoàng
  • Nếu Mật Nghị Hồng Y bầu tân Giáo Hoàng diễn ra vào đầu tháng 3 năm 2013, sẽ có 117 Đức Hồng Y dưới 80 tuổi được tham dự cuộc bầu cử.
  • Trong số 117 Hồng Y nêu trên, có 61 vị người Âu Châu, 19 vị Châu Mỹ Latinh, 14 vị Bắc Mỹ, 11 vị Phi Châu, 11 vị Á Châu và 01 vị Đại Dương Châu.
  • Nước Ý thuộc Châu Âu có số Hồng Y cử tri đông nhất là 21 vị.
  • Bình thường thì Đức tân Giáo Hoàng sẽ được tín nhiệm bầu cử từ trong số 117 Hồng Y hiện diện tại Mật Nghị.
  • Ngay vòng bầu cử đầu tiên, nếu có một vị được 2/3 tổng số phiếu, vị đó sẽ là tân Giáo Hoàng sau khi trả lời “chấp nhận” câu hỏi của vị Hồng Y niên trưởng, hiện nay là Đức Hồng Y Angelo Sodano.
  • Giáo Hội Việt Nam có Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, 78 tuổi, Tổng Giám Mục Saigon.
  • Hai vị trẻ tuổi nhất hiện nay trong Hồng Y đoàn là người thuộc Á Châu, đó là Đức Hồng Y Tagle Luis Antonio, 55 tuổi, người Phi Luật Tân, và Đức Hồng Y Thottunkal Baselios Cleemis, 53 tuổi, người Ấn Độ.
Giuse Đặng Văn Kiếm
(VietCatholic News)