Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

ĐỨC PHANXICÔ I VÀ CHIẾC ÁO CHÙNG TRẮNG ĐƠN GIẢN

Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô Đệ Nhất
Linh tính cho tôi thấy rất có thể có khói trắng lần này, nên tôi thức dậy sớm, vào lúc 4 giờ 50 sáng giờ Sydney. Một mình ra ngồi ở phòng TV, không dám bật đèn sợ các cháu thức giấc, tôi rón rén mở TV, Đài CNN. Màn ảnh rực sáng với hàng chữ Vatican City 18.55. Lúc ấy, CNN đang chiếu một số chương trình quảng cáo. Kiên nhẫn nằm chờ. Khởi đầu là ống khói với bản tin sơ khởi. Khói chưa phun. Nhưng rồi sự chờ đợi của tôi được tưởng thưởng hả hê, sau bản tin về Syria: đúng lúc 5 giờ 07 giờ Sydney, khói tuôn ra từ ống khói, một mầu trắng không thể nào lầm lẫn được. Không như năm 2005, mầu khói lần này được tôi chắc mẩm là trắng ngay từ phút đầu tiên. Tôi vào phòng gọi bà xã ra coi: khói trắng rồi, em ơi! Trước khi chuông Nhà Thờ Thánh Phêrô xác nhận sự chắc mẩm của mình.

Và rồi kiên nhẫn nằm chờ hơn một giờ nữa, mãi lúc 6 giờ 11 phút, Đức Hồng Y Louis Tauran mới xuất hiện ở bancông để công bố “Habemus Papam”. Lời ngài không được truyền thanh rõ như năm 2005, nên chính CNN cũng không biết là vị hồng y nào được bầu làm giáo hoàng, mãi một hai phút sau, họ mới xác nhận là Đức Hồng Y Bergoglio của Buones Aires, Argentina, vị hồng y từng đứng thứ nhì sau Đức HY Ratzinger về số phiếu được bầu. Nhớ lại lời một người bạn mấy ngày hôm trước, tôi biết vị hồng y này thuộc Dòng Tên. Nhưng sao lại chọn tên Phanxicô, một cái tên lạ hoắc, phải chăng ngài không phải là Dòng Tên mà là Dòng Phanxicô. Đến khi CNN nhắc đến việc ngài không ngụ tại tòa giám mục lộng lẫy mà ngụ tại một căn hộ đơn giản. Ngài cũng không dùng xe có tài xế lái mà dùng xe buýt để di chuyển. Bình luận gia của CNN còn nói Ngài nổi tiếng về lòng khiêm nhường, thì tôi hiểu tu sĩ Dòng Tên vẫn có quyền chọn Thánh Phanxicô làm người hướng dẫn, làm đuốc soi đường cho hành trình giáo hoàng đầy cam go của mình.

Rồi tân giáo hoàng xuất hiện trong bộ áo chùng trắng đơn giản, không có cả dây stola, cử chỉ đơn giản, dơ cao một tay như để ban phép lành. Nhưng không phải, ngài chỉ ban phép lành sau khi xin dân chúng cầu xin Chúa ban phép lành cho ngài. Cả Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô như nhôn nhao cả lên. Giáo hoàng xin tín hữu cầu sự chúc lành cho giáo hoàng trước khi giáo hoàng chúc lành cho họ. Một điều chưa bao giờ xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội. Và ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên đọc đủ kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh cùng với cộng đoàn nay trở thành đoàn chiên của mình trước khi cùng ban phép lành cho nhau. Phần cầu nguyện kéo dài hơn cả phần diễn văn, trong lần xuất hiện đầu tiên của Đức Phanxicô. Chúc lành xong rồi, Đức Phanxicô I lại cởi dây Stola ra, trở thành vị giáo hoàng với bộ áo chùng trắng đơn giản. Giáo Hội trong những ngày tới chắc chắn sẽ loại bỏ nhiều điều rườm rà không cần thiết, để nắm lấy điều căn bản, điều cần thiết duy nhất như Chúa Giêsu đã nói với Marta xưa: em con đã chọn phần tốt hơn!

Cám ơn Chúa đã cho chúng con một giáo hoàng đúng lúc để đem chúng con lại gần Chúa hơn, chứ không gần trần gian hơn, như nhiều người tưởng tượng.

Vài hàng ghi vội về vị tân giáo hoàng: Jorge Bergoglio sinh tại Buenos Aitres, một trong 5 người con của một công nhân hoả xa Ý. Sau khi học ở chủng viện Villa Devoto, ngài vào Dòng Tên năm 1958, đậu thạc sĩ triết học tại Colegio Máximo San José ở San Miguel, rồi dạy văn chương và tâm lý học tại Colegio de la Inmaculada ở Santa Fe, và Colegio del Salvador ở Buenos Aires. Được thụ phong linh mục năm 1969, ngài theo học tại Phân Khoa Triết và Thần Học San Miguel, rồi làm giám tập và giáo sư thần học.

Cảm phục trước tài lãnh đạo của ngài, Dòng Tên đã cử ngài làm giám tỉnh Argentina trong các năm 1973 tới 1979. Năm 1980, ngài trở thành giám đốc chủng viện San Miguel, cho tới năm 1986. Ngài hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đức, rồi về nước làm cha giải tội và linh hướng tại Córdoba.

Ngài kế nhiệm Đức HY Quarracino vào ngày 28 tháng Hai năm 1998. Đức Gioan Phaolô II phong ngài lên hồng y linh mục ngày 21 tháng Hai, năm 2001. Trong tư cách hồng y, ngài nổi tiếng về lòng khiêm nhường, bảo thủ về tín lý nhưng dấn thân cho công bằng xã hội. Lối sống đơn giản càng làm lòng khiêm nhường của ngài được biết đến nhiều hơn. Ngài sống trong một căn hộ nhỏ, chứ không sống tại toà giám mục lộng lẫy, không dùng xe riêng mà dùng phương tiện giao thông công cộng, và có người còn cho là ngài nấu ăn lấy.

Lúc Đức Gioan Phaolô II băng hà, ngài được coi là một trong những papabili. Và trong cơ mật viện năm 2005, có lời đồn là số phiếu bầu ngài sít sao với số phiếu bầu Đức HY Ratzinger cho tới lúc ngài khóc lóc xin các hồng y anh em đừng bỏ phiếu cho ngài.

Henry Chu, viết trên Los Angeles Times ngày 13 tháng 3, nhận định rằng: vận tốc cuộc bầu cử, chỉ vài giờ lâu hơn thời gian cơ mật viện lần trước nhằm bầu Đức Bênêđíctô năm 2005, cho thấy các vị hồng y đã nhanh chóng kết hợp sau một ứng viên bất chấp các phúc trình cho rằng có sự chia rẽ gia tăng giữa các hồng y trong việc lựa chọn. Báo chí thế tục quả có nhiều điều cần học hỏi qua việc chọn bầu Đức Phanxicô I.

Vũ Văn An
(VietCatholic News) 

QUO NOMINE VIS VOCARI? NGÀI NHẬN DANH H IỆU GÌ? PHANXICÔ

Quo nomine vis vocari? Ngài nhận danh hiệu gì?

Theo thông lệ xưa nay, mỗi vị
Giáo Hoàng thường nhận một tên cho triều đại Giáo hoàng của mình. Vì thế, vị vừa được các Hồng Y cử tri trong Mật viện bầu là Giáo Hoàng liền được vị Hồng Y niên trưởng hay vị đại diện hỏi: Quo nomine vis vocari? Ngài nhận danh hiệu gì?

Danh hiệu
Giáo hoàng theo lịch sử còn ghi chép lại có từ hơn 1000 năm nay.

Năm 533 Vị Giám mục Mercurius được bầu chọn là
Giáo hoàng. Ngài không muốn lấy tên của ngài trùng với tên của vị thần ngoại giáo, nân ngài nhận tên danh hiệu là Gioan II.. Rồi năm 955 một vị Giám mục tên là Octavian được bầu chọn là Giáo Hoàng. Và vì không muốn có tên trùng với thần ngoại giáo hay vua chúa hoàng đế Octavius, nên ngài đã chọn danh hiệu Gioan XII. cho triều đại giáo hoàng của mình.

Năm 983 Giám mục Petrus Canepanova được bầu chọn là Giáo Hoàng. Ngài muốn tránh tên của Đức giáo Hoàng Phêrô, vị
Giáo Hoàng thứ nhất của Gíao Hội, nên đã chọn danh hiệu là Gioan XIV.

Năm 996 vị Giám mục Bruno von Kaernten người Đức được bầu chọn là Giáo hoàng. Và năm 999 vị Giám mục Gerbert von Aurillac, người Pháp đầu tiên được bầu chọn là Giáo hoàng. Tên của hai vị này có nguồn gốc Nhật nhĩ man, thời đó còn xa lạ với truyền thống giáo hoàng. Nên hai vị đã đổi tên. Vị Giám mục Bruno von Kaernten lấy danh hiệu là Giáo hoàng Gregor V., Đức Giám mục Gerbert von Aurilla lấy danh hiệu giáo hoàng là Silvester II.

Rồi sau này Giám mục Petrus von Albano được bầu chọn là Giáo hoàng cũng đổi tên lấy danh hiệu là Sergius IV. (1009-1012)

Từ những tiền lệ có những lý do văn hóa lịch sử, nên từ cuối thế kỷ 10, phần đông các vị Giáo Hoàng thường đổi lấy tên mới cho triều đại của mình, khi được bầu chọn thành giáo hoàng. Và thông lệ này đã trờ thành nếp tập tục trong Giáo hội Công giáo. Các vị Gíao hoàng nhận danh hiệu mới cho triều đại giáo hoàng của mình, cho dù tên thánh rửa tội của các vị có khác đi nữa.

Với danh hiệu giáo hoàng, vị tân Giáo hoàng không còn là vị trước khi được bầu chọn nữa. Chính vì thế, tên của ngài cũng không được trùng với tên trước đó nữa. Việc này mang sắc thái đặc biệt quan trọng cho việc nhận lãnh chức vị là Gíao hoàng. Việc đổi tên lấy danh hiệu mới của vị Giáo hoàng không bao giờ được công nhận xem là Bí Tích như chức Linh Mục hay chức Giám Mục.

Nhưng danh hiệu của Đức giáo hoàng chọn cũng nói lên trọng tâm chương trình làm việc của triều đại mình.

Lịch sử còn ghi chép lại trong quãng thời gian 1000 năm trở lại đây chỉ có ba lần truyền thống Đức giáo hoàng đổi tên nhận danh hiệu mới khi lên ngôi bị gián đoạn không được thực hiện. Vào thời kỳ Phục hưng Gíao hoàng Julius II. (1503-1513) giữ tên cũ của mình. Cũng như thế thời Đức giáo hoàng Hadrian VI. (1522-1523) và thời Đức gíao hoàng Marcellus II. ( 1555), Đức gíao hoàng này trị vì ngằn nhất chỉ vỏn vẹn có ba tuần lễ trong lịch sử Giáo hoàng của Gíao Hội Công giáo, ngài qua đời vì bị bệnh.

Cho tới Đức giáo Hoàng Benedicto XVI. có tất cả 82 danh hiệu được các Đức giáo hoàng chọn. Danh hiệu được yêu thích chọn nhiều nhất là Gioan tới 23 vị, kế đến là danh hiệu Gregor với 16 vị, danh hiệu Benedicto có 16 vị, danh hiệu Clemento có 14 vị, danh hiệu Innozenz có 13 vị, danh hiệu Leo có 13 vị, danh hiệu Pius có 12 vị.

Đức giáo hoàng Gioan Phaolo I. năm 1978 là vị Gíao hoàng đầu tiên có danh hiệ với hai tên Gioan và Phaolo. Ngài muốn chọn như thế để nố tiếp truyèn thống của hai vị Gíao hoàng tièn nhiệm là Gioan XXIII. và Phaolo VI. Cũng có suy luận cho rằng, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo I. là người Ý có sáng kiến sáng tạo về nghệ thuật nhiều hơn, nên ngài đã đưa ý kiến sáng tạo vào việc nhận danh hiệu triều đại Giáo hoàng với hai tên.

Đức Giáo Hoàng kế vị ngài sau đó cũng chọn lấy danh hiệu như ngài là Gioan Phaolo II. 1978/2005 vừa nhắc nhớ đến các vị Giáo hoàng thời Công đồng Vatican II. và vừa nhớ đến vị Giáo hoàng tiền nhiệm Gioan Phaolo I. vừa mới băng hà sau 33 ngày trị vì trên ngôi Giáo hoàng.

Đức Giáo hoàng Benedicto XVI. chọn danh hiệu Benedicto, như ngài giải thích cắt nghĩa, vì muốn nhớ đến hình ảnh của Đức giáo hoàng Benedicto XV. (1914-1922), một vị Gíao hoàng xây dựng hòa bình, cũng như đến Thánh Benedicto (480-547), vị sáng lập Dòng Benedicto và là Thánh bổn mạng của Âu Châu.

Mỗi vị Gíao Hoàng được tự do chọn tên danh hiệu cho triều đại giáo hoàng của mình. Các vị có thể căn cứ theo truyền thống đã có, hay có thể sáng tạo lập ra điều gì mới.

Nhưng cho tới bây giờ ngày hôm nay danh hiệu Phero vị Gíao hoàng tiên khởi của Giáo Hội được chính Chúa Giêsu tấn phong làm Giáo hoàng,

danh hiệu Giuse là cha nuôi Chúa Giêsu cùng là Thánh bổn mạng của Gíao Hội,

Tên của các Thánh Tông đồ Chúa Giêsu cũng như tên của bốn vị Thánh sử viết phúc âm đã không có vị Giáo hoàng nào chọn.

Riêng tên Gioan có nhiều vị Thánh trong Giáo Hội. Trong trường hợp Đức giáo hoàng nào chọn danh hiệu Gioan, đó là Thánh Gioan tẩy gỉa, chứ không phải Thánh Gioan Tông đồ thánh sử viết phúc âm.

Những vị Gíao hoàng thời Giáo Hội ban đầu tới thế kỷ thứ 6. hầu hết đều là những Vị Thánh được tôn kính trong Giáo hội. Nên tên của các Ngài trở thành tên Thánh rửa tội cho những thế hệ sau đó cho tới bây giờ vẫn còn được nhận dùng, như Eugeno, Julius, Pascal, Urban, Silvester, Felix..

Hôm nay ngày 13.03.2013, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, đến từ Argentinien đã được bầu chọn là Gíao Hoàng thứ 266. của Giáo hội Công giáo kế vị Thánh Phero. Ngài chọn danh hiệu c

Đức tân Gíao hoàng Phanxico I. năm nay 76 tuổi là tu sỹ Dòng Tên. Ngài nổi tiếng là Hồng Y của người nghèo. Đứng trước Bancon đền thờ Thánh Phero trong cung cách một người cha có lòng từ tâm nhân hậu, ra mắt chào dân chúng đang tụ họp chào đón ngài giữa trời mưa rét.

Ngài kêu mời mọi người đang hiện diện ở quảng trường Thánh Phero cùng với ngài cầu nguyện đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng Maria và kinh sáng danh. Rồi trước khi ban phép lành Urbi et Orbi, ngài đã yên lặng chắp tay cúi mình sâu trước ban con âm thầm cầu nguyện. Trước khi ra về, ngài còn nói lời cám ơn từ gĩa mọi người đến chào đón ngài.

Danh hiệu Đức tân Giáo hoàng chọn là Phanxico nói lên chương trình sống làm việc theo gương khó nghèo của Thánh Phanxico, nó phản ảnh cung cách sống của ngài lúc còn là Tổng giám mục ở Buenos Aires bênh đỡ cho người nghèo, như tiếng tăm người ta nói về ngài: hồng Y của người nghèo.

Đức gíao hoàng vẫn mừng kính Thánh bổn mạng của ngài, mà cha mẹ ngài đã chọn đặt cho, như vị Thánh quan thầy bảo trợ từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

Chào mừng Đức tân giáo hoàng Phanxico I.

13.03.2013

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
(VietCatholic News)

TIỂU SỬ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG PHANXICÔ ĐỆ NHẤT

Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô Đệ Nhất
Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô Đệ Nhất, vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo, được bầu trong lần bỏ phiếu thứ 5 vào ngày 13 tháng Ba năm 2013, năm nay 76 tuổi và sẽ mừng sinh nhật thứ 77 vào tháng 12 tới đây. Ngài nguyên là Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17 tháng 12 1936.

Ngài sẽ đi vào lịch sử như là vị Giáo Hoàng đầu tiên được sinh ra ở châu Mỹ.

Ngài là Tổng Giám Mục của Buenos Aires từ năm 1998 và đã được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng Hồng Y vào ngày 21 tháng Hai năm 2001 cùng trong một nghi lễ tấn phong Hồng Y với Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận của Việt Nam.

Đức Tân Giáo Hoàng Jorge Bergoglio được sinh ra tại Buenos Aires, trong một gia đình có năm người con của một công nhân đường sắt người Ý. Sau khi học tại chủng viện Villa Devoto, ngài gia nhập Dòng Tên vào ngày 11 tháng Ba năm 1958. Ngài hoàn thành cử nhân triết học tại Đại Học Maximo San José ở San Miguel, và sau đó giảng dạy văn học và tâm lý học tại hai trường Inmaculada ở Santa Fe, và Salvador ở Buenos Aires. Ngài được Đức Tổng Giám Mục José Ramón Castellano phong chức linh mục vào ngày 13 tháng 12 năm 1969. Ngài tiếp tục khoa triết học và thần học tại San Miguel và trở thành giáo sư thần học.

Dòng Tên đã bầu ngài làm Giám Tỉnh Á Căn Đình từ năm 1973 đến 1979 vì danh tiếng về tài lãnh đạo của ngài. Năm 1980, ngài trở thành giám đốc chủng viện San Miguel, nơi ngài đã được đào tạo. Ngài phục vụ trong cương vị đó cho đến năm 1986 trước khi sang Đức hoàn thành luận án tiến sĩ và trở về quê hương của mình để phục vụ như là cha giải tội và linh hướng tại Córdoba.

Ngài thay Đức Hồng Y Quarracino vào ngày 28 tháng 2 năm 1998 trong chức vụ Tổng Giám Mục thủ đô Buenos Aires. Ngài cũng đồng thời được bổ nhiệm là Đấng Bản Quyền cho người Công Giáo Đông Phương ở Á Căn Đình.

Ngày 21 tháng Hai năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho ngài với Hiệu Tòa là nhà thờ Thánh Robert Bellarmino.

Ngài đã được bổ nhiệm vào một số vị trí trong Giáo Triều Rôma như Thánh Bộ Giáo sĩ, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thánh Bộ Đời Sống Tận Hiến và các Tu Hội Tông Đồ. Ngài cũng là một thành viên của Ủy ban châu Mỹ La tinh và Hội đồng gia đình.

Đức Hồng Y Bergoglio nổi tiếng với sự khiêm tốn cá nhân, mạnh mẽ bảo vệ các học thuyết Giáo Hội và dấn thân cho công bằng xã hội. Ngài sống trong một căn nhà nhỏ, chứ không phải tại nơi cư trú nguy nga của giám mục.

Dù là Hồng Y, ngài thường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, và tự mình nấu ăn cho mình.

Sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Bergoglio, đã được nhiều người coi là một ứng viên sáng giá vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2005.

Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

VIDEO : HABEMUS PAPAM - CHÚNG TA ĐÃ CÓ GIÁO HOÀNG

HABEMUS PAPAM - CHÚNG TA ĐÃ CÓ GIÁO HOÀNG

Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô Đệ Nhất
Hàng chục ngàn người đã chờ đợi dưới trời mưa để hy vọng là những người đầu tiên biết tin chúng ta có Tân Giáo Hoàng. Họ đã được trả công xứng đáng.
Đúng 19:09 (giờ Roma) ngày thứ Tư 13/3/2013, khói trắng đã bốc lên.
Chuông Đền thờ Thánh Phêrô dồn dập đổ.
Chúng ta đã có Giáo Hoàng rồi!

Đặng Tự Do
Nguyễn Long Thao
(VietCatholic News)

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

NGÀY TRỌNG ĐẠI ĐÃ ĐẾN

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 26-27).

Con thuyền Giáo Hội trong mấy tuần qua không có người lái. Tôi cũng có cảm giác trống vắng, thiếu thiếu trong phần cầu nguyện cho Giáo Hội nơi Kinh Nguyện Thánh Thể, bởi tên của Đức Giáo Hoàng không được xướng lên. Một cảm giác là lạ thật khó tả. Có thể có một sự bất an nào đó không?

Tôi cũng giống như các môn đệ của Chúa ngày xưa khi họ phải một mình vất vã chèo chống nặng nề trước sức mạnh của sóng to, gió lớn rồi bị sóng đánh vì ngược gió nơi biển năm xưa. Vị Thuyền Trưởng rời khỏi vị trí thì liền sau đó chúng ta thấy cứ hết đợt sóng này đến đợt sóng khác bủa vây con thuyền Giáo Hội.

Người ta đồn đại, người ta nhìn Giáo Hội theo cách của thế gian, của vụ lợi, của tranh giành. Một bài báo nọ, có lẽ không biết cách thức và tính thánh thiêng của Giáo Hội nên đã vội vã nhận định việc bầu Giáo Hoàng sắp tới là “Cuộc đấu tranh nội bộ?” Họ nói, họ bình luận vô tội vạ về những vấn đề liên quan đến Giáo Hội của Chúa. Có lẽ đây là những đợt sóng cuối cùng trong những ngày này chăng? Mong rằng như thế, bởi vì con thuyền Giáo Hội sắp có vị thuyền trưởng mới để lèo lái, chèo chống và để vượt thắng mọi sự dữ. Vì không bao lâu nữa, chúng ta sẽ có Vị Cha Chung là Đức Tân Giáo Hoàng thứ 266 trong Giáo Hội. Nhưng đó là cách nhìn của thế gian, của người trần mắt thịt mà thôi.

Tôi nhớ lời của Đức Benedict nói rằng: “Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn cả qua các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế. Thiên Chúa hướng dẫn Giáo Hội, Người luôn đỡ nâng Giáo Hội nhất là trong những lúc khó khăn”.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nói như trên với 170.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ngài tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 27-2-2013. Vâng, Con thuyền Giáo Hội là của Chúa. Chúa vẫn đang điều khiển nó đi đúng hướng mà Ngài muốn cho đến hôm và mãi mãi vẫn như thế. Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi các Tông đồ một mình trong sóng gió. Chúa luôn có mặt chính lúc các Ngài đang gặp thử thách, Chúa đến củng cố niềm tin các Ngài: “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!” “Đừng sợ”, vì có Thầy đây, chứ không phải ai hoặc cái gì khác; và chỉ một mình Thầy là đủ rồi.

Giáo Hội lữ hành trên trần gian cũng gặp những sóng gió, khủng hoảng. Cả đến gia đình, xã hội hôm nay cũng đang chao đảo vì những cơn khủng hoảng. Nhưng xin hãy nhớ và xác tín cho rằng: giữa biển đời sóng gió, Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện bên ta. Sự hoài nghi có thể làm ta sợ hãi; còn lòng tin sẽ giúp ta nhận ra Chúa là chỗ dựa vững chắc và dù có phải bước “đi trên mặt nước là những cơn sóng dữ của thời đại này” chúng ta vẫn có thể bước đi trong bình an.

Các Hồng Y bước vào Cơ Mật Viện, Các Ngài đang ở trong bình an với Chúa qua cầu nguyện và Chúa vẫn đang hiện diện với Các Ngài trong những ngày đặc biệt này. Các Ngài còn được sự hỗ trợ đắc lực từ chính con cái của mình khắp nơi trên hoàn cầu. Họ đang hướng về, đang cầu nguyện, đang kêu xin Chúa Thánh Thần hằng ngày, hằng giờ trong những ngày trọng đại này. Chúng ta tin và xác tín một cách chắn chắn rằng: Chúa sẽ ban cho Giáo Hội, cho con cái của Ngài trong Giáo Hội một Vị Thuyền Trưởng đầy tài đức và sức lực để tiếp tục hướng dẫn con thuyền Giáo Hội như ý Chúa muốn.

“Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ !” Hãy tin tưởng, hãy phó thác vào Lời của Vị Mục tử, Vị Thuyền Trưởng Tối Cao là Chúa Giêsu. Mong rằng không bao lâu nữa, chúng ta sẽ chính thức nhận được tin mừng trọng đại của Vị Hồng Y niên trưởng loan báo từ bao lơn của Đền Thánh Phêrô: “Habemus papam” (Chúng ta có Giáo Hoàng). Sau đó Đức Tân Giáo Hoàng tiến ra và ban phép lành cho thành Rôma và toàn thế giới (urbi et orbi).

Lạy Chúa, chúng con vẫn tin tưởng Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con. Xin Chúa nâng đỡ, an ủi và giúp chúng con vượt qua thử thách, củng cố niềm tin cho chúng con, vì niềm tin sẽ là sức mạnh và bình an cho chúng con. Xin cho chúng con mạnh dạn tin vào quyền năng của Ngài mà không một chút hoài nghi như Thánh Phê-rô đã bị Ngài trách: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" vì chính ngay lúc này con tin rằng Ngài đang đồng hành cùng với Giáo Hội, với Hồng Y Đoàn và với chúng con, và có Thầy đây: "Cứ yên tâm, đừng sợ". Amen

LM Giacôbê Nguyễn Thanh Bình
(VietCatholic News) 

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI THEO DÕI CUỘC BẦU CỬ GIÁO HOÀNG TỪ XA

Đức Thánh Cha Bênêđictô 16, đang hưu trí tại nhà nghỉ hè Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo theo dõi cuộc bầu cử Giáo Hoàng từ nơi đây. Ngài muốn tham gia gián tiếp vào cuộc Mật Nghị bầu Giáo Hoàng bằng lời cầu nguyện, như cha Federico Lombarditheo Vatican, phát ngôn viên của Tòa Thánh đã cho biết.

"Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 ở với với chúng tôi, lặng lẽ nhưng hiệp thông sâu sắc và chắc chắn Ngài kết hợp với tất cả chúng tôi trong lời cầu nguyện", cha Lombardi nói.

Đức TGM Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Thánh Cha Bênêđictô là chiếc cầu nối chuyển tải các tin tức tại Vatican cho Ngài. TGM Gänswein đã có mặt tại Đền Thánh Phêrô vào sáng thứ ba để cùng đồng tế với Hồng Y Đoàn cho ngày khai mạc Mật Nghị Hồng Y. Buổi chiều Đức Cha Gänswein cũng có mặt trong nhà nguyện Sixtine với tư cách giám đốc Điện Giáo Hoàng. Sau đó, lúc bắt đầu cuộc bầu cử Giáo Hoàng Đức cha Gänswein giống như tất cả những người khác phải rời khỏi nhà nguyện này.

Theo cha Lombardi, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã theo dõi tường tận các buổi họp của Hồng Y Đoàn trong tuần qua để chuẩn bị cho Mật Nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng. "Đức Thánh Cha luôn luôn được thông báo, Ngài theo dõi các tường thuật từ truyền hình", cha Lombardi cho biết thêm. Tuy nhiên các chi tiết về cuộc họp giữa các Hồng Y cử tri, Đức Thánh Cha Bênêđictô không biết đến.

Trưa thứ tư, 13.3.2013 Đức TGM Georg Gänswein vừa cho báo chí biết sức khỏe của Đức Thánh Cha Bênêđictô khả quan. Ngài đã theo dõi thánh lễ khai mạc Mật Nghị Hồng Y vào buổi sáng thứ ba và buổi chiều xem các Hồng Y tiến bước vào nhà nguyện Sixtine.
 
 VISLm. Paul Phạm Văn Tuấn
(VietCatholic News)

VIDEO : CHƯA CÓ ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG SAU LẦN BỎ PHIẾU THỨ BA VÀO TRƯA THỨ TƯ 13.3.2013

ĐỨC HỒNG Y JAVIER LOZANO BARRAGÁN GIẢI THÍCH VỀ VIỆC BỎ PHIẾU TRONG CƠ MẬT VIỆN

Đức Hồng Y Javier Lozano Barragán
Đức Hồng Y Javier Lozano Barragán, người Mễ Tây Cơ, đã mừng sinh nhật thứ 80 hôm 26 tháng Giêng vừa qua, trước ngày bắt đầu trống ngôi Giáo Hoàng. Cho nên, ngài không tham dự Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng.

Ngài giải thích sơ qua về những gì diễn ra trong các lần bỏ phiếu như sau:
 
“Trên dòng kẻ của lá phiếu, chúng tôi phải viết tên của Đức Hồng Y mà chúng tôi lựa chọn, nhưng bằng chữ in hoa, theo một cách thế mà không ai có thể biết ai là người bỏ phiếu".

Mỗi Hồng Y cử tri bầu Đức Giáo Hoàng sau đó bước lên bàn thờ của nhà nguyện Sistina, gấp lá phiếu của mình hai lần, và đặt nó trong một cái dĩa. Sau khi khẳng định đó là của mình, ngài bỏ vào thùng phiếu. Ba Hồng Y, được chọn một cách ngẫu nhiên, sẽ kiểm từng lá phiếu một.

Đức Hồng Y đầu tiên, phiá bên trái, sẽ đọc thầm lá phiếu. Ngài đưa lá phiếu cho vị thứ hai ngồi chính giữa. Vị này cũng đọc thầm trước khi trao cho vị Hồng Y thứ ba là người đọc to thành tiếng cho mọi người nghe.

Các phiếu bầu sẽ được xâu lại với nhau bằng một cây kim, để tránh đếm hai lần. Ba vị Hồng Y khác sẽ kiểm tra lại việc kiểm phiếu để đảm bảo tính chính xác. Sau đó, tất cả các hồng y sẽ lần lượt nộp các ghi chú của họ, để được đốt cháy, cùng với những lá phiếu đã được kiểm.
 
John Allen, một tác giả thường viết về Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng nói rằng những lần bỏ phiếu đầu thường khó có kết quả ngay, đơn giản là các vị Hồng Y không tự mình ra tranh cử. Tuy nhiên, trong những lần bỏ phiếu sau các vị Hồng Y bắt đầu dồn phiếu tập trung cho những vị đang dẫn đầu.

Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

THẾ GIỚI MONG CHỜ GÌ NƠI VỊ TÂN GIÁO HOÀNG?

Hôm nay không chỉ 1 tỷ 3 người Công Giáo trên các châu lục mà cả thế giới đang hướng nhìn về Roma để nghe ngóng và theo dõi cuộc mật nghị bầu Tân Giáo Hoàng – Conclave – của các Đức Hồng Y qua trung gian của trên 5.000 ký giả đại diện báo chí khắp thế giới đang có mặt tại quãng trường Thánh Phêrô.

Vào hậu thời trung cổ cách đây khoảng 800 năm, lần đầu tiên các vị Linh Mục và các công dân thành phố Roma đã tụ họp để bầu vị Tân Giám Mục cho giáo phận Roma của họ, Đức Giáo Hoàng. Để sự bầu chọn của họ hoàn toàn được tự do và dân chủ, chứ không bị áp lực của chính quyền hay của những thế lực khác luôn tìm cách đe dọa, lôi kéo, chi phối và phá hoại, các vị Linh Mục và cộng đồng dân cư Roma đã tụ họp trong một phòng lớn và khóa trái cửa lại. Chính vì vậy, cuộc mật nghị bầu Giáo Hoàng của các Đức Hồng Y được gọi là “Conclave” – Căn phòng khóa kín.

Tuy nhiên, Conclave đầu tiên vào năm 1241 để bầu Đức Tân Giáo Hoàng vẫn không thoát khỏi áp lực của thế quyền Roma vào lúc bấy giờ. Nhà độc tài Matteo Orsini đã ra lệnh bao vây không cho mang bánh và nước uống tiếp tế cho các Đức Hồng Y, Linh Mục vào giáo dân đang tham dự cuộc bầu chọn Giáo Hoàng, vì ông muốn cuộc bầu chọn phải diễn ra thật nhanh chóng và theo cách thức ông đề nghị. Đứng trước sự đe dọa quá lớn cho mạng sống của mình, các Đức Hồng Y đã không thể làm gì khác được. Đây quả thực là một cuộc bầu chọn Tân Giáo Hoàng trong tủi nhục. Và kết quả là Đức Hồng Y Goffredo Castiglioni, một Tu Sĩ Dòng Xitô và là cháu ruột của Đức Giáo Hoàng Urban III, được bầu làm Giáo Hoàng với tước hiệu Coelestin IV. Nhưng chẳng may, sau khi lên ngôi Giáo Hoàng được 17 ngày thì Đức Coelestin IV bị bạo bệnh và bang hà.

Với truyền thống lâu đời về Conclave như vậy, hôm nay một khi 115 vị Hồng Y có quyền đầu phiếu đã chính thức tham dự vào Mật Nghị bầu Đức Tân Giáo Hoàng, thì các ngài chỉ được phép rời khỏi nơi trọ của mình là Nhà Nguyện Sixtine (nơi bầu chọn) và nhà nghỉ Santa Marta (nơi ngủ nghỉ) để tiếp xúc với thế giới bên ngoài sau khi đã bầu được Đức Tân Giáo Hoàng.

Trong các lần bầu chọn Tân Giáo Hoàng trước kia, để có được một vị Tân Giáo Hoàng hợp thời đại, người ta thường dựa theo hai tiêu chuẩn “canh tân” hay “bảo thủ” để bầu chọn. Nhưng hiện nay chắc chắn lại khác, vì thời thế và hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi.

Sau khi hai triều đại Giáo Hoàng mang hai sắc thái khá khác nhau vừa qua đi – một Giáo Hoàng nặng tinh thần mục vụ Wojtyla và một Giáo Hoàng bác học Ratzinger – có lẽ người ta đang chờ mong một vị Tân Giáo Hoàng có khả năng trỗi vượt về tổ chức và giải quyết tốt các khủng hoảng chăng? Một vị Giáo Hoàng có đủ tự tín và bản lãnh để dám đưa ra một sự canh tân đúng đắn và khẩn thiết cho bộ máy hành chánh của giáo triều Roma? v.v…

Và người ta đã nghĩ ngay tới một vài nhân vật đặc biệt trong Hồng Y Đoàn, như:

ĐHY Angelo Scola, 71 tuổi, hiện là TGM Milan, Ý. Ngài là người có tương quan thân thiết với Đức Bênêđíctô XVI. Ngài cũng là vị Hồng Y không hề quan tâm đến vấn đề quyền bính ở giáo triều. Theo dự đoán, nếu 77 phiếu, tức 2/3 trong số 115 vị Hồng Y hiện diện, là số phiếu cần thiết để được trúng cử Giáo Hoàng, thì Đức HY Scola có thể đạt được từ 35 đến 40 phiếu trong vòng đầu.

Hay các Đức Hồng Y sẽ bầu một vị trong số họ làm Tân Giáo Hoàng, là người có thể mang đến cho Giáo Hội Công Giáo một bầu không khí hoàn toàn mới lạ? Chẳng hạn một vị Giáo Hoàng xuất thân từ Phi châu hay Á châu? Nghĩa là một vị Giáo Hoàng hiểu rõ được Giáo Hội từ nền tảng của sự nghèo khổ hay của những kinh nghiệm về sự bắt bớ và đàn áp đầy đau thương. Vì theo lịch sử Giáo Hội thì từ thế kỷ IV tới nay chưa hề có một vị Kế Vị Thánh Phêrô nào xuất thân từ những Giáo Hội bị đàn áp và đau khổ cả.

Đó là lý do khiến nhiều người nghĩ tới Đức HY Luis Antonio Tagle, 55 tuổi, hiện là TGM Manila, Phi Luật Tân, mang dòng máu Trung Hoa. Cũng như ĐHY Angelo Scola, ngài có một tương quan thân thiện với Đức Bênêđíctô XVI vì đã từng cộng tác với nhau khi Đức Bênêđíctô còn phụ trách thánh bộ Giáo Lý Đức Tin. Nhiều người cho rằng nếu ĐHY Tagle làm Giáo Hoàng sẽ có một tác động đối với chế độ cộng sản Bắc Kinh, tương tự như Đức Gioan Phaolô II đối với chế độ CS Ba Lan.

Hoặc trường hợp ĐHY Gabriel Zubeir Wako, 77 tuổi, hiện là TGM Khartum, Sudan. Ngài từng bị chính quyền Hồi Giáo Sudan bỏ tù và vào năm 2010 ngài bị ám sát hụt và đã thoát chết chỉ trong gang tấc.

Còn ĐHY Oullet, 68 tuổi, người Canada, thì tuyên bố: “Thiên Chúa đã quyết định đâu vào đó cả rồi.” Ngài là một trong số ít các Hồng Y được dư luận cho là có nhiều tiềm năng nhất.

Ngoài ra, còn một số tên tuổi khác cũng đã gây được sự chú ý của dư luận, như <i>ĐHY Odilo Scherer, 63 tuổi, mang dòng máu Đức, hiện là TGM São Paulo; ĐHY John Onaiyekan, 69 tuổi, Nigeria; ĐHY Sean Patrick O´Malley, 68 tuổi, người Hoa Kỳ, tu sĩ Dòng Phanxicô hay ĐHY Albert Malcolm, hiện là TGM Colombo, Sri Lanka.
 
Lm. Nguyễn Hữu Thy
(VietCatholic News) 

VIDEO CÁC VỊ HỒNG Y TIẾN BƯỚC VÀO NHÀ NGUYỆN SISTINA

SAU PHIÊN BẦU THỨ NHẤT : KHÓI ĐEN BỐC LÊN BÁO HIỆU CHƯA CÓ TÂN GIÁO HOÀNG

Làn khói đen cuồn cuộn ra khỏi ống khói phía trên nhà nguyện Sistine khoảng 7:40 giờ tối thứ Ba tại Rome, báo hiệu rằng các Hồng Y họp kín bầu Giáo hoàng đã không thành công trong bầu vị Giáo hoàng mới.

Tại quảng trường Thánh Phêrô, số đông người đã tụ tập với ô dù trên cao nhìn chằm chằm lên trên ống khói với hy vọng mình là những người đầu tiên thấy được khói trắng báo hiệu có Đức Giáo Hoàng mới.
 
115 Đức Hồng Y cử tri đã bước vào nhà nguyện Sistine lúc 4:30 chiều và bắt đầu cuộc họp kín bầu Giáo hoàng với lời tuyên thệ long trọng trung thành và giữ bí mật. Sau khi cầu nguyện, Đức Hồng Y niên trưởng Giovanni Battista Re đã loan báo cho các Hồng Y tiến hành bầu vị Giáo Hoàng thứ 265 nối nghiệp thánh Phêrô, giáo hoàng tiên khởi.

Bắt đầu từ sáng thứ Tư và mỗi ngày tiếp theo, trong các cuộc họp kín bầu Giáo hoàng, các Đức Hồng Y cử tri ​​sẽ bỏ phiếu 2 lần trong hai buổi sáng và 2 lần buổi chiều mỗi ngày. Khoảng trưa và khoảng 7 giờ ban chiều mỗi ngày, phiếu sẽ được đốt và cho tín hiệu khói mỗi ngày xem đã bầu được tân Giáo hoàng hay chưa.

Một khi có Đức tân Giáo hoàng, thông thường, mất khoảng 40 phút giữa thời gian Giáo hoàng mới và lúc tuyên bố chính thức công khai có tân Giáo hoàng: Vị tân giáo hoàng tuyên bố chấp nhận sứ vụ của mình, ngài thay đổi lễ phục màu trắng và nghe lời các Hồng Y cam kết vâng lời Ngài, trước khi vị Hồng Y chưởng nghi tuyên bố "Habemus Papam" (Chúng ta có Giáo Hoàng) từ lôgia trung tâm của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Đồng Nhân
(VietCatholic News)

HÔM NAY BỎ PHIẾU LẦN THỨ NHẤT

Một nghi thức phụng vụ
Rome, 12.3.2013 (Le Monde vu de Rome)

Hôm nay ngày 12 tháng 3, 2013, có lần bỏ phiếu đầu tiên để bầu tân giáo hoàng. Nhưng từ ngữ bầu cử không được hiểu nhầm: không có vận động tranh cử, không có ứng viên chính thức, không có sự cạnh tranh của các “chánh đảng”.

Mật nghị tuân theo một nghi thức chính xác - l’Ordo Rituum conclavis (2000) – đây là một tụ họp có tính cách phụng vụ: việc bầu người kế vị Thánh Phêrô được ghi chép trong kinh nguyện chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, phải tự hỏi, ai sẽ là vị giáo hoàng được hồng y đoàn lựa chọn và bao giờ mới xong?

Sự đòi hỏi, được bầy tỏ bởi các hồng y đã theo dõi từ xa vụ tiết lộ “vatileaks”, hay việc yêu cầu ngân hàng Vatican phải tuân hành các tiêu chuẩn của các ngân hàng Âu Châu, và các biện pháp phòng ngừa và chế tài do Đức Benedict XVI ban hành để chống các vụ lạm dụng trẻ em, khiến cho “hơn bao giờ hết” những vụ khủng hoảng như vậy đòi hỏi phải có những cải tổ cần thiết trong guồng máy giáo triều để đáp ứng sứ vụ của Thánh Phêrô là một sứ mệnh của đức tin, hiệp thông, bác ái và rao truyền Phúc Âm.

Thánh Phêrô và cả Thánh Phaolô, hai thánh bổn mạng của Giáo Hội sẽ được các hồng y chiêm niệm chiều nay vào lúc 16 giờ 30, trong nhà nguyện Thánh Phaolô trước khi tiến về nhà nguyện Sistine để bầu cử. “Khốn cho tôi nếu tôi không loan truyền Phúc Âm.”: lời kêu than của Phaolô đã được xướng lên trong các cuộc tranh luận trong 10 buổi họp khoáng đại tiền mật nghị.

Tại Rôma, giới truyền thông đã nêu lên dư luận của một “nhóm” người Ý quyết định khả dĩ phải có một giáo hoàng Ý hay ít ra một Tổng Trưởng Ngoại Giao người Ý. Đây là một dư luận hết sức có tính cách “chính trị”. Sự phản đối của hồng y Angelo Scola khi ngài từ chối các đề nghị là phải có những sự “thoả thuận”, cho thấy là dư luận này không phải là vô căn cứ.

Con số các hồng y Ý lên tới 49 trên 209 trong hồng y đoàn và 28 trên 115 vị cử tri tham dự mật nghị. Trong số này, hai nhân vật chính trong thời gian trống tòa là: hồng y trưởng đoàn do các hồng y bầu lên, là hồng y Sodano, Bộ trưởng Ngoại Giao của Đức Gioan Phaolô II, ngài là người tuyên bố những lời cuối cùng trước mật nghị, và trong bài giảng Thánh Lễ sáng nay tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô về việc “bầu Giáo Hoàng Rôma”: xót thương và bác ái, hiệp nhất trong sự đa dạng của các ân sủng. Nhưng ngài lại không được bỏ phiếu.

Và vị Nhiếp Chính, bộ trưởng bộ ngoại giao và người thân tín của Đức Benedict XVI, hồng y Tarcisio Bertone, Dòng Salésien và là người rất tỉ mỉ về tâm linh và lịch sử, người của “Fatima” vì chính ngài đã được hồng y Ratzinger đề cử đi gặp Sơ Lucia trước khi có sự tiết lộ “bí mật thứ ba”. Ngài là một cử tri. Nhưng còn có vị chủ tịch Mật Nghị: hồng y Giovanni Battista Re, Bộ Trưởng Danh Dự của Thánh Bộ các Giám Mục.

Các đường lối làm việc và văn hóa khác nhau đã tỏ hiện trong những ngày đầu họp khoáng đại. Chẳng hạn: việc truyền thông hàng ngày của các hồng y Hoa Kỳ (11 cử tri), bên ngoài các thông tin chính thức của trưởng đoàn hồng y, ngoài ra còn có sự việc giới truyền thông Ý đã tiết lộ những chi tiết bí mật trong các cuộc tranh luận. Các hồng y Hoa kỳ đã ngưng các cuộc họp báo vào ngày thứ ba. Nhưng có lẽ quá trễ, vì họ đã khiến cho những người lo sợ sẽ có một giáo hoàng người Mỹ - và không thể thánh thiện lắm – để tránh một sự diễn giải có tính cách “điạ dư và chính trị” có ảnh hưởng không tốt đối với các kitô hữu tại các quốc gia trong đó họ chỉ là các nhóm thiểu số.

Các hồng y Pháp hay Đức dường như xa lạ đối với văn hóa về các “thỏa thuận” tiền mật nghị. Và sự liên đới được thực hiện hàng ngày và lâu dài với thế giới Nam Bán Cầu và với các kitrô hữu tại Trung Đông – chắc chắn sẽ có ảnh hưởng quan trọng trong mật nghị được diễn ra dưới họa phẩm Ngày Cánh Chung của Michel-Ange.

Có nhiều tên được nêu lên, không kể các hồng y nổi tiếng của Hoa Kỳ và Ý, không kể các hồng y Pháp, có hồng y Brézil Odilo Scherer và Joao Braz de Aviz; Christoph Schönborn (Áo); Péter Erdö (Hung gia lợi); Albert Malcolm Ranjith (Sri Lanka); Luis Antonio Tagle, (Phi Lật Tân); và Marc Ouellet (Gia Nã Đại).

Nếu lạc quan, tân giáo hoàng có thể được bầu ngày thứ bẩy là trễ nhất, và sớm nhất là sáng thứ tư.

Bùi Hữu Thư
(VietCatholic News)

KHAI MẠC MẬT NGHỊ HỒNG Y BẦU GIÁO HOÀNG

VATICAN - Lúc 16h30 tại nhà nguyện Pauline, các Hồng Y đã cuộc rước trọng thể vào nhà nguyện Sistina nơi diễn ra hai Nghi Thức là Chào Đón vào Mật Nghị Hồng Y và Tuyên Thệ.

Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, 79 tuổi, là Hồng Y cử tri trưởng đẳng Giám Mục đã chủ trì buổi lễ. Sau khi làm dấu thánh giá, ngài nói:

"Xin Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn tâm hồn chúng ta trong tình yêu và sự kiên nhẫn của Chúa Kitô, ở cùng tất cả các hiền huynh."

Sau một lời cầu nguyện ngắn, Đức Hồng Y Re đã mời tất cả các vị trong đoàn rước tiến về phía nhà nguyện Sistina, nơi Mật Nghị Hồng Y sẽ diễn ra, với những lời này:

"Các hiền huynh đáng kính, sau khi đã cử hành mầu nhiệm chí thánh, giờ đây chúng ta tiến vào Mật Nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng Rôma.

Toàn thể Giáo Hội, hiệp với chúng ta trong lời cầu nguyện, liên tục kêu gọi ân sủng của Chúa Thánh Thần, để có thể chọn ra từ giữa chúng ta một Mục Tử xứng đáng cho tất cả đoàn chiên của Chúa Kitô.

Xin Chúa hướng dẫn những bước chân chúng ta để cuộc hành trình của chúng ta tiến theo con đường của sự thật, nhờ đó, với lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và các Thánh, chúng ta luôn luôn có thể làm vui lòng Chúa. "

Sau khi dứt lời cầu nguyện này, các Hồng Y tiến vào nhà nguyện Sistina theo sau Thánh Giá nến cao, ca đoàn, Đức Ông Chưởng Nghi, thư ký của Hồng Y Đoàn, và Đức Hồng Y Prospero Grech, 87 tuổi, là vị giảng thuyết. Đoàn rước được kết thúc với một phó tế, mặc áo alba với dây stola, kính cẩn giơ cao sách Phúc Âm, và cuối cùng là Đức Hồng Y Re.

Trong khi rước các vị Hồng Y hát Kinh Cầu Các Thánh- một lời cầu nguyện có tầm quan trọng vượt trội trong các cử hành phụng vụ Latinh và kết thúc với bài thánh ca "Veni Creator Spiritus" khi các vị đã vào hết trong nhà nguyện Sistina.

Kinh Cầu Các Thánh trong dịp này bao gồm cả những vị chúng ta thường không kêu cầu trong các cử hành khác như các tổ phụ và tiên tri Abraham, Môisê, và Ê-li; Thánh Marôn của Li Băng; Thánh Frumencio của Ethiopia và Eritrea, Thánh Nina của Georgia; Thánh Gregôriô của Armenia, Thánh Patrick của Ireland, và các vị thánh khác đại diện cho những vùng đất khác nhau như các vị tử đạo của Canada, Uganda, Việt Nam, Hàn Quốc, và Châu Đại Dương; Thánh Rôsa Đệ Lima của Peru và một số thánh Giáo Hoàng, trong đó có Thánh Piô thứ Mười.

Sau đó là phần Tuyên Thệ. Mỗi Hồng Y đặt bàn tay của mình trên các sách Tin Mừng và tuyên thệ giữ các bí mật của Mật Nghị Hồng Y.

Khi vị Hồng Y cuối cùng đã tuyên thệ xong, vị Chưởng Nghi đọc công thức truyền thống "Omnes Extra" và tất cả những người không tham gia trong Mật Nghị Hồng Y đã rời khỏi nhà nguyện Sistina.

Bên cạnh các Hồng Y cử tri, giờ đây chỉ còn lại vị Chưởng Nghi và Đức Hồng Y Prospero Grech, là người thuyết giảng về nhiệm vụ nghiêm trọng của các Hồng Y cử tri, nói lên sự cần thiết phải hành động vì lợi ích của Giáo Hội phổ quát.

Sau bài thuyết giảng của Đức Hồng Y Prospero Grech, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re đã mời các Hồng Y cử tri bắt đầu bỏ phiếu.
 
Đồng Nhân
(VietCatholic News) 

VIDEO THÁNH LỄ KHAI MẠC CƠ MẬT VIỆN BẦU GIÁO HOÀNG