Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #23

Đức Giáo Hoàng ổ Chuột trở về khu ổ chuột.

Đức Thánh Cha Phanxicô hình như không né tránh những chủ đề chính trị xã hội nhạy cảm của Brazil, đã tuyên bố với cư dân của một khu ổ chuột cuả Rio là các nhà lãnh đạo của họ phải làm việc tốt hơn để giúp họ.


Những ý kiến khiêu khích đó phản ảnh những lý tưởng thân thương nhất cuả vị giáo hoàng đầu tiên từ châu Mỹ: đó là công bằng xã hội và trợ giúp người nghèo.

"Tôi lên tiếng kêu gọi những người sở hữu các nguồn tài nguyên lớn, các cơ quan công quyền và tất cả mọi người có thiện chí đang làm việc cho công bằng xã hội," Đức Giáo Hoàng đã nói với đám đông tụ tập chật ních trên một sân đá bóng mặc dù trời mưa tầm tã, trong một khu ổ chuột (favela) tên là Varginha.

"Đừng bao giờ mệt mỏi với việc làm cho một thế giới công bằng hơn, đánh dấu bằng sự đoàn kết lớn hơn", Ngài nói trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt.
 

"Không ai được vô cảm với sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại trên thế giới."

Varginha là một khu ổ chuột nghèo thê thảm và đầy bạo lực cho nên đôi khi người ta còn gọi nó là Dải Gaza, đã được hưởng một đôi chút cải tiến từ những nỗ lực mới đây cuả chính phủ trong một chương trình bình định xã hội. Nhưng Đức Thánh Cha dường như muốn nói rằng những nỗ lực như thế vẫn là chưa đủ.

"Ở đây, cũng như ở mọi nơi khác cuả Brazil, có rất nhiều người trẻ tuổi. ... đang có sự nhạy cảm đặc biệt đối với những bất công, nhưng thường bị thất vọng trước những sự việc tỏ tường nói lên nạn tham nhũng cuả những người đặt quyền lợi riêng tư lên trên lợi ích chung".
 

"Hỡi quí bạn và tất cả mọi người, tôi lặp lại: Không bao giờ chán nản, không mất lòng tin, không cho phép hy vọng của bạn bị dập tắt. Tình huống có thể thay đổi, con người có thể thay đổi. "

Đó là thông điệp có tính chất chính trị nhất đã được nêu ra trong cuộc hành hương của Đức Thánh Cha và rõ ràng Ngài có ý chỉ về các cuộc biểu tình lớn chống tham nhũng từng nổ ra hồi tháng trước, chỉ trích chính phủ chi tiêu quá nhiều vào thể thao mà thiếu đầu tư vào các dịch vụ như giáo dục cơ bản và chăm sóc sức khỏe.

Mạo hiểm vào khu ổ chuột Varginha có lẽ là việc làm nguy hiểm nhất trong cuộc tông du cuả Đức Giáo Hoàng ở Brazil. Vấn đề an ninh trở thành trầm trọng hơn vì xu hướng cuả Ngài thường vượt qua các qui định. Các đường phố ở khu ổ chuột lại chật hẹp, nhà cửa đổ nát, và đám đông, mặc dù có vẻ ngưỡng mộ Đức Thánh Cha, nhưng không thể đoán trước được.
 
Nhưng mọi sự đã xẩy ra êm xuôi.
 

Ngay ngày hôm trước, trước khi Đức Thánh Cha tới, khu phố của khoảng 36.000 người vẫn còn chuẩn bị ráo riết. Một bức tường xi măng được đổ thêm, các nhân viên nhà đèn sắp đặt thêm giây cáp điện cho nhà thờ.

Trong nhiều ngày trước, cảnh sát đã được huy động khắp hang cùng ngõ hẻm. Những tay súng bắn xẻ được bố trí trên các mái nhà.

Đức Thánh Cha đến trên một chiếc xe Fiat (sản xuất tại Brazil) 4 cửa nhỏ, cửa sổ mở toang.

Hàng ngàn cư dân chờ đợi trong mưa lạnh, cơn mưa bớt đi khi Ngài đến.


Varginha là một khu ổ chuột được xây dựng trên một đầm lầy cũ, là một trong những khu ổ chuột đã được 'bình định', nghĩa là chính phủ đã 'chiếm đóng' và đẩy các băng đảng ma túy đi nơi khác, và đã xây dựng các trung tâm cộng đồng, thư viện và trường học. Nhưng cư dân nói rằng họ chỉ nghe toàn lời hứa hão chứ thực tế không có bao nhiêu, và các dịch vụ cơ bản như cống rãnh và điện nước vẫn không có. Họ cũng phàn nàn rằng lực lượng cảnh sát thường lạm dụng và nặng tay, đối xử với dân như là những tên tội phạm.

Sau khi cầu nguyện tại một nhà thờ bé nhỏ nằm sâu trong ngõ hẻm, Đức Thánh Cha bước vào một căn nhà nhỏ, có nước sơn mới hai mầu cuả lá cờ Vatican, vàng và trắng.

"Ngay từ đầu," Đức Thánh Cha nói, "Điều ước mơ của tôi trong lần đến Brazil này là có thể tới thăm tất cả các làng trên toàn quốc. Tôi mong ước được gõ mọi cánh cửa, và nói lời "chào buổi sáng", và xin một ly nước lạnh, uống một hớp cafezinho, nói chuyện như một người bạn bè của gia đình.

"Tuy nhiên, Brazil lớn quá! Tôi không thể gõ mọi cánh cửa ", Ngài nói.

Vậy thì, Đức Thánh Cha nói, Favela sẽ là đại diện cho "tất cả các làng của Brazil."

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #22

THÁNH LỄ TẠI ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ APARECIDA

Lúc 08:15 sáng thứ Tư 24 tháng Bẩy, Đức Thánh Cha đã đáp máy bay trực thăng từ sân bay trực thăng của Sumaré để đến Đền Thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Aparecida. Sau 1giờ 15 phút bay, lúc 09:30 Đức Thánh Cha đã đến đền thờ.


Địa điểm này không xa lạ gì với Đức Thánh Cha vì ngài đã từng đến viếng nơi này nhiều lần, đặc biệt trong thời gian Thượng Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La Tinh, gọi tắt là CELAM, lần thứ Năm. Tưởng cũng nên nhắc lại là Thượng Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La Tinh đã được hình thành tại ngay Rio De Janeiro vào năm 1955.

Đón tiếp Đức Thánh Cha tại đây có Đức Hồng Y Raymundo Damasceno Assis, là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Brazil và cũng là Tổng Giám Mục Aparecida và linh mục Dominic Savio Silva, thuộc dòng Chúa Cứu Thế là giám quản đền thờ.

Lúc 10h, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức tôn kính Đức Trinh Nữ Maria trong hội trường 12 Thánh Tông Đồ Đền Thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Aparecida.

Những hình ảnh quý vị đang theo dõi là thánh lễ tại đền thờ chính được Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lúc 10h30.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trọng kính Đức Hồng Y,
Chư huynh đáng kính trong hàng Giám Mục và Linh Mục,
Anh chị em thân mến!

Vui mừng biết bao khi tôi được đến ngôi nhà Mẹ của mỗi người Brazil, là Đền Thánh Đức Mẹ Aparecida! Một ngày sau khi được bầu làm Giám Mục Rôma, tôi đã đến viếng Đền Thờ Đức Bà Cả, để phó thác sứ vụ là Người Kế Vị Thánh Phêrô cho Đức Mẹ. Hôm nay, tôi đã đến đây để xin Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, ban cho Ngày Giới Trẻ Thế giới được thành công và đặt dân chúng Châu Mỹ Latinh dưới chân Mẹ.

Trước hết, tôi muốn nói với anh chị em điều này. Sáu năm trước đây, Hội Nghị Khoáng Đại lần Thứ Năm của Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh và Vùng Biển Caribbê đã được tổ chức tại đền thánh này, một số điều thật tuyệt vời đã xảy ra mà tôi được chứng kiến tận mắt: Tôi đã thấy các Giám Mục – là những vị đang thảo luận về chủ đề gặp gỡ Đức Kitô, làm môn đệ Chúa và truyền giáo - cảm thấy được khích lệ, được nâng đỡ dường nào; và theo một nghĩa nào đó, được linh hứng bởi hàng ngàn khách hành hương đến đây mỗi ngày để phó thác đời họ cho Đức Mẹ: Hội nghị này là một khoảng khắc quan trọng của Giáo Hội. Thật chí lý khi nói rằng Văn Kiện Aparecida đã được hình thành trong sự tương tác giữa lao động của các Giám Mục và đức tin đơn sơ của những khách hành hương, dưới sự phù trì từ mẫu của Mẹ Maria. Khi Giáo Hội tìm kiếm Đức Kitô, Giáo Hội luôn luôn gõ nơi cửa Mẹ Ngài và hỏi: "Xin Mẹ chỉ Chúa Giêsu cho chúng con." Chính là xuất phát từ Đức Mẹ mà chúng ta học biết cách để trở nên những môn đệ đích thực. Đó là lý do tại sao Giáo Hội trên bước đường truyền giáo luôn luôn dõi theo bước chân Mẹ Maria.

Hôm nay, hướng về Ngày Giới Trẻ Thế Giới là sự kiện đã dẫn đưa tôi đến Brazil, tôi cũng đến gõ cửa nhà Mẹ - Đấng đã yêu thương và nuôi dưỡng Chúa Giêsu – để Mẹ giúp tất cả chúng ta, là những mục tử của Dân Chúa, những bậc phụ huynh và các nhà giáo dục, biết cách truyền lại cho con em của chúng ta những giá trị có thể giúp chúng xây dựng quốc gia và thế giới công bằng hơn, hiệp nhất hơn và huynh đệ hơn. Vì thế, tôi muốn đề cập đến ba thái độ đơn giản là đầy hy vọng, mở lòng ra để kinh ngạc trước Thiên Chúa, và sống trong niềm vui.

1. Đầy hy vọng. Bài đọc thứ hai của Thánh Lễ trình bày một cảnh tượng bi thảm đó là một phụ nữ - hình ảnh của Đức Maria và Giáo Hội - đang bị bách hại bởi Con Rồng – là quỷ - muốn nuốt sống hài nhi con Mẹ. Nhưng cảnh này không phải là cảnh chết chóc, nhưng là sự sống, bởi vì Thiên Chúa can thiệp và cứu đứa bé (x. Kh 12:13a, 15-16). Biết bao những khó khăn chồng chất trong cuộc đời mỗi cá nhân, mỗi dân nước, mỗi cộng đồng của chúng ta, nhưng dù những khó khăn ấy lớn cỡ nào đi nữa thì Thiên Chúa cũng không bao giờ để cho chúng ta bị chúng vùi dập. Đứng trước những thời khắc chán nản chúng ta gặp phải trong đời, trong cố gắng truyền giáo hay truyền lại đức tin của chúng ta cho con cháu trong gia đình, tôi muốn nói một cách mạnh mẽ rằng: anh chị em hãy luôn mang trong lòng niềm xác tín là Thiên Chúa bên cạnh chúng ta, Ngài không bao giờ bỏ rơi anh chị em! Đừng bao giờ đánh mất đi niềm hy vọng! Đừng bao giờ để hy vọng chết đi trong tâm hồn anh chị em! "Con rồng", sự dữ, hiện diện trong lịch sử của chúng ta, nhưng nó không phải là tiếng nói định đoạt sau cùng. Thiên Chúa mới là tiếng nói cuối cùng! và Thiên Chúa là niềm hy vọng của chúng ta! Đúng là trong thời đại của chúng ta, trong chừng mực nào đó, mọi người, bao gồm cả những người trẻ của chúng ta bị lôi cuốn bởi nhiều thứ ngẫu tượng muốn thay thế Thiên Chúa, và chúng xem ra đem lại nhiều hy vọng như: tiền bạc, thành công, quyền thế và lạc thú. Thường khi cảm giác cô đơn và trống rỗng trong lòng dẫn họ đến chỗ tìm kiếm thoả mãn nơi những ngẫu tượng phù du này. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy là ánh sáng của hy vọng! Chúng ta hãy có một cái nhìn tích cực vào thực tại. Chúng ta hãy khuyến khích lòng quảng đại là đặc trưng cho giới trẻ, và giúp họ tích cực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Những người trẻ là một động cơ mạnh mẽ cho Giáo Hội và xã hội. Họ không chỉ cần những của cải vật chất, nhưng trên hết các em cần được cung cấp những giá trị phi vật chất, là tâm hồn siêu nhiên, là ký ức của một dân tộc. Trong Đền Thánh này, là một phần trong ký ức của Brazil, chúng ta hầu như có thể đọc được các giá trị ấy: đời sống tâm linh, lòng quảng đại, tình liên đới, sự bền đỗ, tình huynh đệ và niềm vui; những giá trị này có cội rễ sâu xa nhất nơi đức tin Kitô.

2 - Thái độ thứ hai: mở lòng ra để ngạc nhiên trước Thiên Chúa. Bất cứ ai là người của hy vọng – của niềm hy vọng lớn lao mà đức tin ban cho chúng ta – đều biết rằng ngay cả trong gian truân Thiên Chúa hành động, và Ngài làm cho chúng ta kinh ngạc. Lịch sử của Đền Thánh này là một thí dụ điển hình: ba ngư dân, sau một ngày không bắt được con cá nào, đã tìm thấy nơi dòng sông Parnaíba một điều bất ngờ: một bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Có ai dám nghĩ rằng vùng đất cá mú hiếm hoi thế này sẽ trở thành một nơi mà mọi người Brazil có thể cảm thấy mình là con của Mẹ không? Thiên Chúa luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên, như rượu mới trong Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Thiên Chúa luôn luôn ban những gì tốt nhất cho chúng ta. Nhưng Ngài đòi chúng ta phải để cho mình ngạc nhiên bởi tình yêu của Ngài và đón nhận những bất ngờ của Ngài. Chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa! Nếu chúng ta xa cách Ngài, chúng ta sẽ hết rượu của niềm vui, của hy vọng. Nếu chúng ta đến gần Ngài, nếu chúng ta ở lại với Ngài, những gì là giá lạnh, là khó khăn của chúng ta, tội lỗi của chúng ta sẽ được biến đổi thành rượu mới là tình bằng hữu với Ngài.

3. Thái độ thứ ba: sống trong niềm vui. Các bạn thân mến, nếu chúng ta đi trong hy vọng, và để cho mình được ngạc nhiên bởi rượu mới mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, thì chúng ta sẽ có niềm vui trong tâm hồn, và chúng ta không thể không làm chứng cho niềm vui này. Người Kitô hữu luôn vui vẻ, không bao giờ buồn. Thiên Chúa đồng hành với chúng ta. Chúng ta có một người Mẹ luôn cầu bầu cho cuộc sống của con cái Mẹ, cho chúng ta, như Nữ hoàng Esther trong Bài Đọc Thứ Nhất (x. Est 5:3). Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy thiên nhan Chúa, là gương mặt của một người Cha từ bi nhân hậu. Tội lỗi và sự chết đã bị đánh bại. Người Kitô hữu không thể bi quan! Họ không thể có khuôn mặt của một người thường xuyên than khóc. Nếu chúng ta thật sự yêu mến Đức Kitô và nếu chúng ta cảm thấy Người yêu chúng ta biết bao, thì tâm hồn chúng ta sẽ "bừng cháy" một niềm vui đến nỗi lây sang tất cả những người lân cận chúng ta. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói ở đây, trong đền thánh này: "Người môn đệ biết rằng không có Đức Kitô thì không có ánh sáng, không có hy vọng, không có tình yêu, không có tương lai" (Diễn từ khai mạc Hội Nghị Aparecida - ngày 13 tháng 5, 2007, p. 861).

Các bạn thân mến, chúng ta đã đến gõ cửa nhà của Mẹ Maria. Mẹ đã mở cửa cho chúng ta, Mẹ đã cho chúng ta vào và chỉ cho chúng ta thấy Con Mẹ. Giờ đây Mẹ yêu cầu chúng ta: "Hãy làm bất cứ điều gì Người dạy bảo" (Ga 2:5). Vâng, thưa Mẹ, chúng con cam kết làm những gì Chúa Giêsu bảo chúng con! Và chúng con sẽ làm với niềm hy vọng, vững tin vào lời hứa của Thiên Chúa và tràn đầy niềm vui. Amen.

(Bản dịch Việt ngữ của J.B. Đặng Minh An)

 (VietCatholic News)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #21

Video Trực tiếp WYD 2013
GIỚI TRẺ CHÀO ĐÓN ĐỨC GIÁO HOÀNG

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #20

Video trực tiếp WYD 2013 
ĐỨC GIÁO HOÀNG THĂM KHU Ổ CHUỘT

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #19

Video trực tiếp WYD 2013
ĐỨC GIÁO HOÀNG NHẬN CHÌA KHOÁ THÀNH PHỐ

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #18

Đức Giáo Hoàng đi viếng đền thánh Aparecida, 
mong trở lại 4 năm sau.

Sáng ngày 24 tháng 7, Đức Giáo Hoàng đã tới viếng đền thánh Aparecida, là ngôi đền cuả Đức Mẹ lớn nhất thế giới, và giao phó Ngày Giới trẻ Thế Giới dưới sự bảo vệ cuả lòng từ mẫu cuả đức Trinh Nữ Maria.
 

Ngài cũng kêu gọi các bậc cha mẹ, các linh mục và các giáo dân trưởng thành hãy cung cấp cho các bạn trẻ hai điều mà thế giới không thể cung cấp được cho dù nó giầu có đến đâu, đó là đức tin và các giá trị luân lý.

Đức Thánh Cha đã gợi lại những kỷ niệm năm 2007 khi ngài tới Aparecida như là một thành viên của hội nghị các giám mục châu Mỹ La tinh, CELAM, và vai trò là người đứng đầu ủy ban soạn thảo tài liệu kết thúc của cuộc hội nghị về việc rao giảng Tin Mừng tại lục địa.
 

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết hồi đó các giám mục đã coi sự việc hàng ngàn giáo dân đến đền thờ mỗi ngày để tỏ lòng tôn kính Đức Maria là những nhân chứng sống động cho đức tin và đã giúp các giám mục trên các quyết định cuả hội nghị.

"Văn kiện Aparecida được sinh ra nhờ sự tương tác giữa hai yếu tố, sự lo lắng của các giám mục và đức tin đơn giản của những người hành hương," Ngài nói.
 
Hàng chục ngàn khách hành hương đã tụ tập trong và ngoài đền thờ, và xếp hàng hai bên đường dẫn tới chủng viện Bom Jesus, hy vọng được nhìn thấy Đức Thánh Cha, mặc dù trời mưa tầm tã.

Ngay sau khi Đức Giáo Hoàng đến, Ngài được cha bề trên Dòng Chúa Cứu Thế và cũng là nhà dòng coi sóc đền thờ cà các nhân viên chào đón, sau đó Ngài đã dúng chiếc xe popemobile để chào đón đám đông.

Trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện trước bức linh ảnh Đức Mẹ Aparecida, một bức tượng đất màu đen được 3 ngư phủ lưới lên vào năm 1717. Lịch sử cuả bức tượng và ngôi đền thánh đã được trình bày trong một bài khảo cứu trước .

Đức Thánh Cha đã xin Đức Mẹ hỗ trợ Ngài trong việc thực hiện trách nhiệm Giáo Hoàng và chính thức giao phó cho Mẹ hàng trăm ngàn người trẻ từ khắp nơi trên thế giới đang tập trung tại Rio cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
 

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết, trước khi bắt đầu lịch trình dày đặc cuả Ngày Giới trẻ Thế giới, Ngài muốn "gõ cửa ngôi nhà của Mẹ Maria."

Hy vọng là chìa khóa cuả tương lai, Ngài nói, ngay cả khi phải đối mặt với những khó khăn và thực tế của sự ác.

 "Luôn luôn ghi nhớ trong lòng rằng Thiên Chúa luôn ở bên ta, Ngài không bao giờ bỏ rơi ta," Đức Thánh Cha nói. "Chúng ta không bao giờ để mất hy vọng. Đừng bao giờ để cho nó chết trong trái tim của chúng ta."

 Đề cập đến bài đọc từ Sách Khải Huyền mô tả một con rồng theo đuổi một phụ nữ và muốn ăn tươi nuốt sống đứa con, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, "con rồng, sự ác, hiện diện trong lịch sử, nhưng nó không có thế thượng phong ".

"Người có thế thượng phong là Đức Chúa Trời," ngài nói, "và Thiên Chúa là niềm hy vọng của chúng ta."

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết tất cả mọi người, kể cả các bạn trẻ, bị thu hút bởi một loạt các "thần tượng sai" đang hứa hẹn hy vọng và hạnh phúc trên "tiền bạc, thành công, sức mạnh, niềm vui."

Chúng ta dễ bị bi quan và lo lắng rằng đức tin không thể có thể cạnh tranh với sự hào nhoáng của thế giới, nhưng, Đức Thánh Cha nói, chúng ta phải tự tin, tin tưởng vào Thiên Chúa và vào sự tốt đẹp nằm trong mỗi trái tim con người.

"Hãy khuyến khích tinh thần hào phóng là điển hình của giới trẻ và giúp họ làm việc tích cực trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn"

"Thanh niên là một đầu máy mạnh mẽ cho Giáo Hội và cho xã hội", Đức Thánh Cha nói. "Họ không chỉ cần vật chất, nhưng trên hết, họ cần lãnh trách nhiệm trên những giá trị phi vật chất, tức là tâm linh của một dân tộc, ký ức của một dân tộc."

Các giá trị cần thiết để họ thấy và hiểu là "tâm linh, lòng quảng đại, tình đoàn kết, sự kiên trì, tình huynh đệ (và) niềm vui."

Như những ngư phủ tìm được tượng Đức Mẹ, và sau đó là một mẻ cá lớn, các Kitô hữu cần phải sẵn sàng để được ngạc nhiên bởi công việc cuả Đức Chúa Trời, Đức Thánh Cha nói. "Ngay cả trong bối cảnh khó khăn, Thiên Chúa hành động và Ngài làm chúng ta ngạc nhiên."

Như câu chuyện tiệc cưới Cana, lúc Chúa Giêsu biến nước thành rượu, Dức Thánh Cha nói, "Thiên Chúa luôn luôn để dành phần tốt nhất cho chúng ta, nhưng Ngài đòi hỏi chúng ta để cho mình được ngạc nhiên bởi tình yêu của Ngài, chấp nhận bất ngờ do Ngài đem đến. Nếu chúng ta đến gần với Ngài, nếu chúng tôi ở lại với Ngài, những gì có vẻ là nước lạnh, khó khăn, tội lỗi, sẽ được biến đổi thành rượu mới."

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói, các Kitô hữu phải là những người của niềm vui, những người chia sẻ hạnh phúc và tự tin với những người khác.

"Kitô hữu phải vui vẻ, không bao giờ ảm đạm," Ngài nói. "Kitô hữu không thể là người bi quan. Họ không giống như một người nào đó đi đám tang liên tục."
 

Trong nghi thức dâng lễ, những lá cờ cuả từng tiểu bang cuả Brazil đã được rước lên như là một dấu hiệu dâng hiến quốc gia cho Đức Mẹ Aparecida.

Đức Thánh Cha cũng biểu lộ lòng sùng kính đức Mẹ của mình một cách rõ ràng khi ngài nâng một bản sao bức tượng nổi tiếng để ban phước lành cuối lễ và cũng để ban phước lành cho đám đông bên ngoài.

Trong khi mưa vẫn tiếp tục rơi, Ngài xin hàng ngàn người đứng ở bên ngoài cầu nguyện cho ngài, đặc biệt là việc Ngài sẽ có thể quay trở lại Aparecida vào năm 2017 để kỷ niệm năm thứ 300 ngày tìm lại được bức tượng.

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #17

Video trực tiếp WYD 2013
Đức Giáo Hoàng viếng nhà thương São Francisco De Assis Na Providência

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #16

Khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28

WHĐ (24.7.2013) – Chiều hôm qua thứ Ba 23-07, hơn nửa triệu bạn trẻ đã tham dự Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28 tại bãi biển Copacabana do Đức Tổng giám mục giáo phận Thánh Sebastianô - Rio de Janeiro là Đức cha João Orani Tempesta, cử hành.

Khi hoàng hôn xuống, trên lễ đài nổi bật một cây thập giá màu xanh được thắp sáng bằng các màu cờ Brazil. Mọi người thinh lặng chào đón cây thập giá và bức ảnh Đức Trinh Nữ Ngày Giới trẻ Thế giới, được những người trẻ của năm châu lục rước lên. 
Trước Thánh Lễ có những lời cầu nguyện cho những người trẻ thất nghiệp, cho các nạn nhân của một vụ cháy hộp đêm ở Brazil, cho các trẻ em đường phố bị sát hại tại nhà thờ La Candelaria, và cho một bạn trẻ nữ người Pháp thiệt mạng trong một tai nạn xe buýt ở Guyanne thuộc Pháp trên đường đến Rio tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới. 
Như thường lệ, Đức giáo hoàng không tham dự lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới, nhưng Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi S.J., xác nhận rằng ngài theo dõi lễ này trên truyền hình và rất ấn tượng về số người tham dự.
 
Trong bài giảng, Đức Tổng giám mục Tempesta trở lại chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giới: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”, ngài mời gọi các bạn trẻ hãy trở thành những nhà truyền giáo: “Tuần lễ này Rio trở thành con tim của Giáo hội, con tim ấy vừa trẻ trung vừa sinh động. Các bạn đến đây từ khắp nơi trên thế giới để chia sẻ với nhau trong đức tin và niềm vui được làm người môn đệ và nhà truyền giáo trong mọi quốc gia. Khắp nơi, nhiệt tình của tuổi trẻ đều hiện lên nơi khuôn mặt các Kitô hữu trẻ, những người muốn nối kết chứng tá của một đời sống Kitô giáo đích thực với chiều kích xã hội của Tin Mừng. ... Chúng ta được kêu gọi trở nên tác nhân cho một thế giới mới. Tôi chắc chắn các bạn sẽ làm được điều này nơi thành phố và quốc gia của các bạn. Thế giới cần những người trẻ như các bạn”.

Về lịch trình của Đức giáo hoàng trong những ngày tới, cha Lombardi cho biết do điều kiện thời tiết xấu, Đức giáo hoàng sẽ di chuyển bằng máy bay chứ không dùng trực thăng để đến Đền Thánh Đức Mẹ ở Aparecida, ít nhất là gần như suốt hành trình. Ngài cũng sẽ gặp gỡ một nhóm bạn trẻ Argentina tại Nhà thờ chính tòa Rio de Janeiro.    
Thời tiết xấu cũng khiến cho Đức hồng y Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone không thể đặt kỷ niệm chương của Ngày Giới trẻ Thế giới tại chân bức tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Corcovado, như đã dự định. Thay vì thế, nghi lễ này đã diễn ra tại trụ sở Sumaré của Đức Tổng giám mục. Kỷ niệm chương đúc bằng kim loại, mô tả Đức giáo hoàng Phanxicô tươi cười và cây thánh giá của Nhà thờ chính tòa Thánh Sebastianô tại Rio de Janeiro và Vương cung thánh đường Đức Mẹ Aparecida. Đức hồng y Bertone nói: “Nó cho thấy sự gần gũi của Đức giáo hoàng với dân mình và những cử chỉ đơn sơ của ngài đã chinh phục cả thế giới”.
Ngoài ra, từ ngày 24 đến ngày 26 tháng Bảy, 250 giám mục từ khắp năm châu lục sẽ đào sâu chủ đề của Ngày Giới trẻ Thế giới trong ba buổi sáng học hỏi giáo lý về các chủ đề: “Khao khát hy vọng, khao khát Thiên Chúa” (ngày 24); “Để trở thành môn đệ Chúa Kitô” (ngày 25) và “Để trở thành nhà truyền giáo: hãy lên đường!” (ngày 26). Các buổi dạy giáo lý sẽ diễn ra tại 300 địa điểm khác nhau, từ Copacabana và các khu đô thị đến các khu lao động (favelas), trong các nhà thờ, phòng thể thao, sân vận động và các trung tâm xã hội.
 
Các buổi dạy giáo lý được trình bày bằng 20 ngôn ngữ khác nhau, nhiều nhất là tiếng Bồ Đào Nha (133 buổi), 50 buổi bằng tiếng Tây Ban Nha và 25 buổi bằng tiếng Anh. Tiếng Ý và tiếng Pháp có 15 buổi, tiếng Đức 8 và tiếng Ba Lan 5. Ngoài ra, các bài giáo lý cũng được giảng bằng tiếng Ả Rập, Nga, Croat, Hy Lạp, Séc, Sloven và Đan Mạch.

(Theo VIS, 24-7-2013)
Minh Đức 
(WHĐ)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #15

Một Đoàn Việt Nam đi từ Saigòn 
đã tới Rio de Janerio va đang sinh hoạt

RIO DE JANERIO - Một đoàn Việt Nam tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới đi từ Sài gòn đoàn có 8 người, cha Việt TTK UBMVGT, 3 cha Phan thiết: An, Duy, Luật cùng 3 bạn trẻ và 1 chị ở Gò vấp. Sau 24 giờ bay đến Sân bay Rio. Vui mừng gặp Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp tại sân bay. NGài được ban tổ chức đón rước. Chụp với ngài tấm hình lưu niệm nơi xa xôi này và hẹn gặp lại những ngày tới.

 
Nhờ Chúa quan phòng nên gặp Chị Lan trên Face books. Chị có chồng người Pháp đang làm việc tại Brazril. Nhà của Chị ở chung cư và đã đón 2 linh mục Italia và /brazil nên Chị giới thiệu 1 chị bạn người Singgapor có chồng là người Pháp.Chúng tôi đã ở đây. thật là may mắn. Tạ ơn Chúa. những ngày đại hội giới trẻ đang diễn ra sôi động.

 
Sau một đêm nghĩ ngơi lấy lại sức, sáng nay 24/7 chúng tôi bắt đầu tham gia chương trình chung. 
Hữu An 
(VietCatholic News)

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #14

Video trực tiếp WYD 2013
LỄ KHAI MẠC NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013

HỦ TỤC RÙNG RỢN GIỮA THÂM SƠN CÙNG CỐC


Lối sống hồn nhiên, bản năng hết mình cộng với tư duy đơn giản của đồng bào Tây Nguyên xa xưa đã sinh ra hủ tục hà khắc trong những buôn làng biệt lập giữa thâm sơn cùng cốc.

“Dọ-tơm-amí” và “Joă ană” (chôn con theo mẹ và đạp cho chết) là 2 hủ tục hoang dã gây nên nhiều cái chết oan khốc cho trẻ sơ sinh. Khởi nguyên, tục “dọ tơm amí” chỉ quẩn quanh trong một số buôn làng của đồng bào Bana, Jơ rai, Jẻ Triêng, những sắc tộc bản địa đông đúc sinh sống lâu đời trên cao nguyên Gia Lai - Kon Tum, phía bắc Tây Nguyên. Nhưng sau đó, theo những nhóm người ly tán, giao thoa, tục “dọ tơm amí” lan nhiễm qua cả những cộng đồng Xêđăng, S’rá, và vài nhánh Ê đê ở những vùng nghèo khó nhất.

Theo hủ tục này, nếu người mẹ chẳng may chết khi vượt cạn thì trẻ sơ sinh phải bị bỏ xuống huyệt chôn theo mẹ. Trẻ đã vài tuần, thậm chí đầy tháng tuổi mà mẹ ốm chết vì kiệt sức, hậu sản, thì đứa trẻ cũng bị chôn sống theo, hoặc bị vứt bỏ giữa bãi tha ma cho chết mòn, cho thú dữ ăn thịt.

Buôn làng càng thiếu thốn lạc hậu, hủ tục càng phổ biến vì đồng bào không biết cách nuôi dưỡng hài nhi thiếu sữa mẹ, luôn tin đứa bé đã làm cho mẹ chết cần phải theo mẹ về cõi ma mới mong được chăm sóc tốt hơn... Trên nhiều ngôi mộ chôn chung những đôi mẹ con tội nghiệp người Ba Na, Jơ rai, Jẻ Triêng, nghệ nhân vẫn tạc tượng nhà mồ tạo hình mẹ ôm con, mẹ cõng con chan chứa tình thương nhưng trĩu nặng thảm sầu.
 
Nhà Rông ở Kon Tum. Ảnh: Tiền phong.
Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên tôn trọng quyền tự do yêu đương, chọn lựa bạn đời của các đôi trai gái, trừ trường hợp mặc định từ đầu không thể kết hợp sẽ bị cả gia tộc cấm đoán. Đồng bào Jơ Rai vùng Ia Le huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai trước kia có tục “ngă mit”, ngă là làm, mit là đêm tối, cho phép con gái vào tuổi dậy thì được tự do chọn lựa ý trung nhân. Nếu cô gái đã lỡ “ăn cơm trước kẻng” thì có quyền mời người làm chứng để “giữ chân” cho đối tác khỏi “xù”. Nhưng gặp kẻ Sở Khanh ngă mấy thì ngă, xù vẫn xù, thì sơn nữ lắm khi phải vài lần ngă mit!

Khi nàng lấy chồng, nếu người chồng nghi ngờ đứa bé đầu tiên ra đời không phải con mình, anh ta có quyền yêu cầu vợ hoặc bà đỡ phải Joă ană (đạp đến chết), nếu không sẽ mời già làng xét xử, không những mất mặt với cộng đồng mà còn có thể bị đuổi khỏi làng, tựa đi đày biệt xứ. Joă là đạp, ană là con, Joă ană là đạp con cho chết. Hủ tục này nghiệt ngã tàn khốc hơn cả “dọ tơm amí”.

Buộc phải tự thi hành án Joă ană, người phụ nữ vừa gượng dậy sau sinh nở sẽ phải bồng con vào rừng, dùng cây chụp loại chuyên đào củ mài đào một hố tròn sâu, thả đứa con mình vừa rứt ruột đẻ ra dốc ngược đầu xuống đáy hố để hồn ma bé khỏi biết đường về, rồi… đạp và …lấp. Hành đồng ấy được thực hiện trước sự chứng kiến của gã chồng, người cứ đinh ninh từ nay người vợ này mới hoàn toàn thuộc về mình, đứa con tiếp theo mới chắc chắn là con của mình.

Đến Kon Tum, đoàn du khách nào cũng được hướng dẫn ghé thăm nhà Rông, nhà thờ gỗ Kon R’Bang trăm tuổi nổi tiếng độc đáo số một của thành phố nhỏ bé xinh đẹp phía Bắc Tây Nguyên, rồi vòng ra phía sau tòa giáo đường lộng lẫy thăm một công trình đầy ý nghĩa khác, là Tổ ấm Vinh Sơn thuộc dòng Ảnh Phép Lạ (APL), dòng tu duy nhất trên cả nước do các nữ tu người dân tộc thiểu số sáng lập. Nửa thế kỷ qua nơi đây đã cưu mang nuôi nấng mấy trăm trẻ nhỏ mồ côi tật nguyền, trong đó có nhiều em bé được giành khỏi tay tử thần “Dọ tom amí” và “Joă ană”.

Cuối tháng 8/2005, nữ y tá Y Ngum ở trạm xá xã Đăk Sao huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, đón một phụ nữ người Xê Đăng ở làng Kạch Lớn 2 tên là Y Nel, bụng chửa vượt mặt lại bị rắn độc cắn trong lúc lên rừng hái măng. Y Nel tắt thở đúng lúc đứa con trai đầu lòng chào đời. Cộng đồng làng Kạch nhất trí chôn con theo mẹ, anh A Huih, cha bé không dám cãi, nhưng nữ y tá Y Ngum cương quyết không cho làng chôn sống cháu bé. Được chồng là anh Nguyễn Đức Thành Nam, thành viên đội trí thức trẻ tình nguyện ủng hộ, Y Ngum đã thuyết phục được làng Kạch trao cháu bé cho cô nhận làm con nuôi, đặt tên là A Công Sơn.

Bà đỡ hoặc người vợ đáng thương biết sinh linh trong bụng mình sắp bị giết, đã trốn làng chạy đến tu viện cầu xin cứu vớt. Những thân phận Dọ tom amí, Joă ană đầu tiên về với dòng APL từ năm 1947. Tiếng lành đồn xa, càng ngày số trẻ bất hạnh được đưa về Tổ ấm càng đông, các nữ tu phải tách cơ sở làm đôi. Tổ ấm I lặng lẽ nép mình sau Nhà thờ gỗ. Tổ ấm II cách gần 2 cây số, nằm khuất sâu trong thôn Kon Harachot.

Xơ Y Blưih người dân tộc Bơhnar là mẹ cả của Tổ ấm Vinh Sơn I. Xơ Gông người dân tộc Xêđăng là mẹ cả của Tổ ấm Vinh Sơn II. Hai bà năm nay đều đã 63 tuổi, nhân từ phúc hậu, đi tới đâu đàn cháu nhỏ cũng vẫy gọi rối rít và giơ tay đòi bế. Để có đủ cơm áo nuôi nấng hàng trăm trẻ nhỏ, có tiền thuê thầy cô vào dạy học, các xơ phải vừa chăm trẻ vừa tổ chức lao động sản xuất.
 
Y tá Y Ngum bế bé A Công Sơn cùng chồng con. Ảnh: Tiền phong.
Từ đây, nhiều thân phận bất hạnh đã có cơ hội học hành đỗ đạt. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, theo kịp các bạn ở các trường công lập là cố gắng lớn. Thi đậu vào cao đẳng, đại học lại là kỳ tích của cả mẹ và con. Các xơ thuộc lòng tên tuổi những đứa con mang lại niềm tự hào, thành tấm gương sáng cho lớp em sau ở tổ ấm: A Huyên, A Nương, dân tộc Bơhnar, A Rươh dân tộc Jơlâng, Y Yêm dân tộc Xơđăng , Y Thu người S’rá , Alê Khăm dân tộc Rơngao, Y Loai dân tộc Jơlâng...

Xơ Y Blưih bồng một em bé xinh xắn kể, em bé này người Jơ Rai, đã may mắn khỏi chết oan vì bị chôn theo mẹ. Khi bé được 4 tháng tuổi, mẹ bé ở làng Kon Thup, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, địu con lên rẫy bị trúng gió và qua đời. Dân làng họp lại, đồng tình Dọ tom amí.

Một phụ nữ nhân hậu cùng làng nghe tin vội bỏ buổi tuốt lúa chạy về nài xin làng cho chị nhận bé làm con nuôi, dù nhà chị cũng nghèo và có tới 7 đứa con. Đón được bé về, vợ chồng chị làm khai sinh, đặt tên cháu là Pi Yo Rong rồi báo cho một nữ tu ở TP Plây Ku nhờ giúp đỡ.

Bố nuôi lái xe máy, nữ tu ngồi sau ôm Pi Yo Rong chạy mấy chục cây số qua Kon Tum xin mẹ cả Y Blưih nhận cháu. Về nơi ở mới, Pi Yo Rong được chị Y Loan người Xêđăng quê huyện Ngọc Hồi, Kon Tum, đang học lớp 6 nhận làm em nuôi, vì mười mấy năm trước Y Loan cũng được cứu khỏi tục chôn con theo mẹ.

Giờ cuộc sống từng ngày đổi thay, buôn làng khắp Tây Nguyên giờ đều đã tiến bộ, tiện nghi đầy đủ hơn xưa. Hủ tục “Dọ tom amí” và “Joă ană” dần lui vào dĩ vãng.
Theo Tiền phong
(vnExpress)

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #13

Diễn Văn của Đức Phanicô 
trong nghi lễ chào mừng tại Dinh Guanabara

Kính thưa Bà Tổng Thống
Kính thưa qúy vị hữu trách, anh chị em và bằng hữu thân mến!


Trong sự quan phòng đầy yêu thương của Người, Thiên Chúa muốn cuộc công du quốc tế đầu tiên trong triều giáo hoàng của tôi sẽ dẫn tôi trở lại Châu Mỹ La Tinh thân thương của tôi, nhất là trở lại Ba Tây, một đất nước rất tự hào về mối liên kết với Tông Tòa và các cảm tình đức tin và bằng hữu sâu sắc luôn giữ cho mối liên kết này hợp nhất một cách đặc biệt với Người Kế Vị của Phêrô. Tôi rất biết ơn đối với lòng nhân hậu thần linh này.

Tôi từng học được điều này: muốn lui tới với người Ba Tây, người ta cần phải đi qua tâm hồn họ; thành thử xin cho tôi được gõ nhẹ vào cánh cửa này. Tôi mạn phép được bước vào và sống tuần lễ này với qúy vị. Tôi không có bạc cũng không có vàng, nhưng tôi mang theo mình đồ qúy giá nhất tôi từng nhận được: Chúa Giêsu Kitô! Tôi tới đây nhân danh Người, để nuôi dưỡng ngọn lửa yêu thương huynh đệ vốn bừng cháy trong mọi trái tim; và tôi mong lời chào của tôi tới tai từng người và mọi người: bình an của Chúa Kitô ở cùng qúy vị!


Tôi nhiệt liệt chào mừng Tổng Thống và qúy thành viên trong chính phủ của bà. Tôi cám ơn bà về lời chào mừng nồng hậu và những lời bà dùng diễn tả niềm vui của mọi người dân Ba Tây khi thấy tôi hiện diện trên đất nước họ. Tôi cũng chào mừng thống đốc tiểu bang, người đã tiếp chúng tôi tại dinh thống đốc, và thị trưởng Rio de Janeiro cũng như các thành viên của Ngoại Giao Đoàn bên cạnh chính phủ Ba Tây, các nhà hữu trách khác đang hiện diện và tất cả những ai từng làm việc vất vả để biến cuộc thăm viếng của tôi thành một thực tại.

Tôi muốn âu yếm chào mừng các giám mục anh em của tôi, những vị lãnh trách nhiệm nghiêm trọng hướng dẫn đoàn chiên của Thiên Chúa tại xứ sở mênh mông này, cũng như các Giáo Hội thân yêu của các ngài. Với cuộc thăm viếng này, tôi mong theo đuổi sứ mệnh mục tử của riêng Giám Mục Rôma là củng cố anh chị em tôi trong đức tin vào Chúa Kitô, khuyến khích họ chứng tỏ được các lý do hy vọng từng phát sinh từ Người, và gợi hứng để họ đem đến cho mọi người những kho tàng bất tận của tình yêu Người.

Như quý vị đã biết, lý do chính cho cuộc viếng thăm Ba Tây của tôi vượt quá các biên giới của nó. Tôi tới đây thực sự vì Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Tôi hiện diện ở đây để gặp gỡ người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, được cánh tay rộng mở của Chúa Kitô Cứu Thế lôi cuốn. Họ muốn tìm nơi trú ẩn trong vòng ôm của Người, gần gũi trái tim Người, một lần nữa được nghe lời kêu gọi rõ ràng và mạnh mẽ của Người: “Hãy ra đi và làm muôn dân thành môn đệ”.

Những người trẻ này đến từ mọi châu lục, họ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, họ mang theo họ nhiều nền văn hóa khác nhau, ấy thế nhưng họ cũng tìm thấy nơi Chúa Kitô câu trả lời cho các khát vọng cao cả nhất của họ, được duy trì chung, và họ thoả được cơn khát sự thật tinh tuyền và tình yêu chân chính vốn nối kết họ với nhau, bất kể các dị biệt.

Chúa Kitô đề xuất cho họ một không gian, giúp họ biết rằng không có sức mạnh nào mạnh hơn sức mạnh thoát ra từ trái tim người trẻ khi trái tim ấy được chinh phục bởi cảm nghiệm bằng hữu với Người. Chúa Kitô tin tưởng nơi người trẻ và ủy thác cho họ chính tương lai sứ mệnh của Người: “Hãy ra đi và làm muôn dân thành môn đệ”. Hãy ra đi quá bên kia các biên giới khả hữu đối với con người và tạo ra một thế giới của những người anh em và chị em! Và người trẻ cũng tin tưởng nơi Chúa Kitô: vì Người, họ không sợ nguy đến sự sống duy nhất của họ, vì họ biết rằng họ sẽ không thất vọng.

Khi bắt đầu cuộc viếng thăm Ba Tây của tôi, tôi biết rõ rằng nói với người trẻ cũng là nói với gia đình họ, với các cộng đồng địa phương và cả nước của họ, với các xã hội mà họ xuất thân, và với những người nam nữ mà thế hệ mới này phần lớn dựa vào.

Đây là điều các cha mẹ thường nói, “con cái chúng tôi là con ngươi trong mắt chúng tôi”. Cách nói này trong túi khôn Ba Tây thật đẹp đẽ biết bao, vì nó áp dụng vào người trẻ một hình ảnh rút ra từ con mắt, vốn là cửa sổ nhờ đó ánh sáng tràn vào mắt ta, ban cho ta phép mầu được nhìn thấy! Điều gì sẽ xẩy đến với ta nếu ta không chịu chăm sóc con mắt của ta? Làm thế nào ta bước về phía trước được? Tôi hy vọng trong tuần lễ này, mỗi người chúng ta sẽ tự hỏi mình câu hỏi đầy kích thích suy tư này.

Người trẻ là cửa sổ nhờ đó tương lai bước vào thế giới, do đó, trình bày với ta nhiều thách thức lớn lao. Thế hệ chúng ta sẽ chứng tỏ mình có khả năng thể hiện được viễn ảnh hứa hẹn tìm thấy nơi từng người trẻ khi ta biết cách đem lại cho họ một không gian; biết cách tạo ra các điều kiện vật chất và tâm linh giúp họ phát triển trọn vẹn; biết cách mang lại cho họ một nền tảng vững chắc để xây dựng đời họ; biết đảm bảo sự an toàn của họ và nền giáo dục để họ trở nên bất cứ điều gì họ có khả năng; biết chuyển giao cho họ di sản một thế giới xứng đáng với sự sống con người; và biết làm sống dậy trong họ tiềm năng cao cả nhất của họ là xây dựng chính số phận của họ, chia sẻ trách nhiệm đối với tương lại mọi người.

Để kết luận, tôi xin mọi người chứng tỏ sự quan tâm đối với nhau và nếu có thể sự thiện cảm cần thiết để thiết lập cuộc đối thoại huynh đệ. Vòng tay Giáo Hoàng đang dang rộng để ôm trọn lấy Ba Tây trong mọi phức thể và phong phú về văn hóa và tôn giáo của nó. Từ Vịnh Amazon tới các thảo nguyên, từ các vùng khô cạn tới Pantanal, từ làng quê tới các thành thị lớn, không ai bị loại ra ngoài tình âu yếm của Giáo Hoàng cả. Trong hai ngày nữa, nếu Thiên Chúa muốn, tôi sẽ tưởng nhớ tới toàn thể anh chị em trước Đức Mẹ Aparecida, khẩn cầu sự che chở mẫu thân của ngài trên các mái ấm và gia đình anh chị em. Giờ đây, tôi ban cho tất cả anh chị em phép lành của tôi. Xin cám ơn anh chị em vì sự tiếp đón nồng hậu!

Vũ Văn An
(VietCathiloc News) 

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #12

Xe cuả Đức Thánh Cha Phanxicô bị đám đông vây buả

Theo tin cuả giới hữu trách thì chiếc xe đầu đoàn cuả Đức Thánh Cha đã lái lộn vào lề trong của con đường lúc đi ra khỏi phi trường thay vì đi vào lằn giữa đã có sự sắp đặt từ trước, và vì thế mà đám đông dân chúng đã nhân dịp đó ào tới, vây buả chiếc xe mini-van hiệu Fiat trắng cuả Đức Thánh Cha trong gần 10 phút, không chịu để Ngài ra đi.

Cảnh sát công lộ và nhân viên bảo vệ đã phải chiến đấu với đám đông đang cuồng nhiệt (ecstatic), họ lập thành một hàng rào vây quanh chiếc xe và từ từ từng bước một luồn lách ra ngoài lộ.

Tuy thế đám đông vẫn hồ hởi lấn tới, có người nhào tới chận đầu xe, tạo ra nhiều pha hồi hộp.

Hãng thông tấn AP cho biết trong suốt thời gian điên cuồng ấy (frenzy), Đức Thánh Cha có vẻ bình tĩnh, Ngài quay cửa xổ xuống, vẫy tay chào và bắt tay với đám đông. Một phụ nữ đã đẩy vào cho Ngài một em bé tóc đen, Ngài đã hôn nó trước khi trao lại cho bà mẹ.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi đăng quang, Đức Thánh Cha Phanxicô trở về lục địa của mình.

Sau khi phi cơ hạ cánh, bà tổng thống cuả Brazil là Dilma Rousseff đã nồng nhiệt bắt tay Đức Thánh Cha ngay dưới chân cầu thang. Ngài được trao tặng hai bó hoa trắng và vàng và sau khi duyệt qua một hàng chào danh dự gồm các chức sắc tôn giáo và chính phủ, Ngài và Tổng thống Brazil đã dừng lại để nghe một dàn hợp xướng gồm nhiều người trẻ hát lên một bài hát cuả Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Trước khi hát, các em đã mạnh mẽ hô lên những khẩu hiệu như trong một trận đấu bóng đá. 

Sau khi vượt qua đám đông làm tắc nghẽn giao thông, Đức Thánh Cha đã chuyển sang một chiếc xe 'popemobile' và đi lưu diễn trên các đường phố trong trung tâm thành phố Rio. Đài TV của Vatican trực tiếp truyền hình cho thấy 4 cây số đường dài đứng chật kín người, trung bình 10 hàng người mỗi lề, hò hét vang dội đến nỗi nghe thấy được từ trực thăng đang bay ở trên cao. Trong những khúc đường có cao ốc hai bên, những nụ hoa giấy được tung xuống trông như tuyết rơi. Phóng viên AP cho biết rất nhiều người có vẻ mặt choáng váng (stunned), một số người đứng chết trân (still) và có người thì khóc lớn tiếng (sobbing loudly).

Bà Idaclea Rangel, 73 tuổi, đứng dựa vào một bức tường và thổn thức nói trong nước mắt. "Tôi không thể đi du lịch đến Rome, nhưng Ngài đến đây để làm cho đất nước của tôi được tốt hơn... và để đào sâu thêm đức tin của chúng tôi". 

Đứng bên ngoài cung điện Guanabara ở Rio, nơi Đức Giáo Hoàng sẽ được chính thức chào đón bởi chính quyền, bà Alicia Velazquez, một giáo viên 55 tuổi, đến từ Buenos Aires, mong nhìn thấy người mà bà quen biết khi còn là tổng giám mục của thành phố của bà. 

"Thật là tuyệt vời khi Ngài được lựa chọn, chúng tôi không thể tin được, chúng tôi đã khóc và ôm lấy nhau". Bà Velazquez cho biết. "Riêng cá nhân tôi muốn đến đây để xem Ngài có vẫn còn là người đơn giản và khiêm tốn mà chúng tôi đều biết không. Tôi tin rằng Ngài vẫn trước sau như một".
Tôi đến đây vì đức tin! Tôi đến đây vì vui sướng! Và tôi đến đây vì Đức Giáo Hoàng là người xứ La tinh đầu tiên!" là lời cuà anh Ismael Diaz, một thanh niên hành hương 27 tuổi đến từ Paraguay, anh vừa nói vừa nhẩy nhót trên bãi biển Copacabana trước nhiều con mắt chứng kiến cuả dân chúng đi hóng mát. 

"Tôi đến đây vì tôi có sức mạnh của Thiên Chúa trong tôi và muốn làm môn đệ cho tất cả. Arghhhhhhhhhh!" anh hét lên, ngẩng đầu và gào thét vào làn không khí nóng và ẩm ướt của Rio trước khi chứng tỏ sức mạnh của mình trong một tư thế lên gồng cuả một võ sĩ. 

Nhưng ngược lại anh Alex Augusto thì có vẻ chính chắn hơn, là một chủng sinh mới 22 tuổi, anh mặc chiếc áo màu xanh lá cây chính thức cuả đại hội, cho biết rằng anh và năm người bạn thực hiện cuộc hành hương từ bang Sao Paulo để "cho thấy rằng trái ngược với niềm tin phổ biến, Giáo Hội Công Giáo không chỉ gồm những người lớn tuổi, nhưng còn là của những người trẻ tuổi. Chúng tôi muốn chứng minh hình ảnh thực của Giáo Hội.

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #11

Đức Phanxicô được chào đón tại Rio

Hôm nay, 22 tháng 7, có tin binh sĩ Ba Tây đã tiêu hủy một dụng cụ mang chất nổ tại Đền Thánh Đức Mẹ Aparecida, nơi Đức Phanxicô sẽ tới thăm vào hôm Thứ Tư này. Đây là loại chất nổ làm tại nhà được tìm thấy trong một phòng tắm của nhà đậu xe ở Đền Thánh.

Trong khi đó, hàng đoàn ngũ khách hành hương nhiệt liệt chào mừng Đức Phanxicô tới Rio de Janeiro vào hôm Thứ Hai. Họ đứng dọc theo các hè phố của đô thành nhiệt đới này, dừng xe ngài lại để được rờ vào vị giáo hoàng đầu tiên của Châu Mỹ La Tinh.  

Đám đông hoan hô khi vị giáo hoàng người Á Căn Đình 76 tuổi bước xuống sân phi trường để được Nữ Tổng Thống Dilma Rosseff chào đón trước khi vào trung tâm thành phố và bước lên chiếc xe jeep mui trần để gặp gỡ dân chúng.  

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Ba Tây, một cường quốc đang thành hình, với một dân số Công Giáo đang thu nhỏ, để cổ vũ viễn kiến của ngài về một Giáo Hội khiêm nhường hơn và để tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, một biến cố dài một tuần đang thu hút hơn một triệu người Công Giáo trẻ. 


Sự phấn khích trước cuộc tông du ngoại quốc đầu tiên của ngài đã lôi cuốn hàng ngàn người ra ngoài phố để hao hô “Đức Giáo Hoàng vạn tuế” và để ca hát và vẫy cờ Á Căn Đình cũng như cờ nhiều nước khác.

Đức Giáo Hoàng, người mà quyết định phải gần gũi dân bao nhiêu có thể đang làm nhà cầm quyền lo ngại, đã dùng chiếc xe nhỏ 4 cửa và mọi cửa sổ được kéo xuống để chạy qua nhiều đường phố Rio.

Người hành hương thỉnh thoảng lại dừng xe của ngài lại để được bắt tay ngài. Các cận vệ phải vất vả lắm mới kiểm soát được đám đông. Đức Giáo Hoàng đã cho phép một phụ nữ đem con tới cho ngài ôm hôn.

 
Sau đó, Đức Giáo Hoàng leo lên chiếc jeep mui trần và vẫy tay với đám đông, khi ngài tiếp tục cuộc hành trình giữa đám đông trước khi đàm đạo với TT Rousseff tại Điện Thống Đốc tiểu bang.  

Renzo Cicroni, 33 tuổi người Á Căn Đình cho hay: “chúng tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ đem lại cho chúng tôi sự canh tân đức tin và niềm phấn khởi. Nhìn tất cả những người trẻ này tụ họp với nhau khiến chúng tôi được lên sinh lực trở lại”. 

Anaia Betarte, 17 tuổi người Uruguay, cho biết cô đến để “thấy sự thay đổi, một điều gì mới mẻ, một điều gì khiến bạn tươi mát trở lại”.  

 
Quyết định của Đức Giáo Hoàng không dùng xe chống đạn đã khiến người địa phương quản ngại và nhà cầm quyền Rio đã triển khai 30,000 binh sĩ và cảnh sát, vì những vụ biểu tình mới đây.  

Trong mấy tuần lễ trước đây, hơn 1 triệu người Ba Tây đã xuống đường biểu tình chống lại chi phí chuyển vận, nạn tham nhũng và hàng tỉ dollars phí phạm cho Giải Túc Cầu năm 2014. 

 
Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng về “một Giáo Hội nghèo cho người nghèo” có thể rất thích hợp với Ba Tây, một nước tuy đang là cường quốc về kinh tế nhưng vẫn còn hàng triệu người sống tại các khu ổ chuột favelas cứ mãi mãi “leo” lên sườn đồi Rio.  

Nói với các phóng viên trên máy bay tới Rio, Đức Phanxicô cảnh giác chống lại việc đẩy người trẻ và người già qua một bên. Với chiếc cạc-táp tự mình mang lên máy bay, một đặc điểm nói lên cung cách sống đơn giản của ngài, Đức Phanxicô nói rằng “cuộc khủng hoảng hoàn cầu không đem được điều tốt nào cho người trẻ. Tôi đã thấy các dữ kiện về nạn thất nghiệp của người trẻ vào tuần trước. Chúng ta liều mình tạo ra một thế hệ không có việc làm”.

Ngài cho hay cuộc tông du của ngài một phần “để khuyến khích người trẻ hòa mình vào xã hội” và để thuyết phục thế giới đừng bỏ rơi họ. Ngài cũng buồn về “nền văn hóa vứt bỏ” người già “bất chấp sự khôn ngoan các ngài đem đến cho đời ta”.  

Tuy nhiên, cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng vẫn không tránh khỏi chống đối. Các người vô thần và nhiều nhóm phản đối vô danh đang có kế hoạch sẽ biểu tình trước dinh thống đốc chống lại việc sử dụng 53 triệu công qũy cho cuộc thăm viếng của ngài.  

Ngài dự trù sẽ nghỉ ngơi hôm Thứ Ba, rồi sẽ viếng Đền Thánh Đức Mẹ Aparecida tọa lạc giữa Rio và São Paolo vào hôm Thứ Tư. 

Một khán đài lớn với cây thập tự khổng lồ đã được dựng lên tại bãi biền thời danh Copacabana, nơi Đức Phanxicô sẽ ngỏ lời với các người trẻ Công Giáo vào hôm Thứ Năm sau khi viếng một khu ổ chuột.

Ba Tây là quốc gia Công Giáo đông nhất thế giới, nhưng số giáo dân đang thu nhỏ lại vì nhiều người chạy qua các Giáo Hội Tin Lành hay đứng ngoài các tôn giáo có tổ chức. Theo thống kê dân số, năm 1970, hơn 90% người Ba Tây tự nhận là Công Giáo. Nay thì cuộc thăm dò của Viện Datafolha cho thấy chỉ có 57% nhận mình là Công Giáo trong khi 28% coi mình là Ngũ Tuần hay một phái Tin Lành không phải là Ngũ Tuần. Theo một cuộc điều tra riêng của nhật báo Folha de São Paolo, tại Rio chỉ có 40% là Công Giáo trong khi đó gần 1 phần tư “không có tôn giáo” nào. 

Vũ Văn An 
(VietCatholic News) 

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #10

Video trực tiếp WYD 2013
LỄ ĐÓN TIẾP ĐỨC GIÁO HOÀNG TẠI BRASIL