Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

GIỜ LỄ THỨ TƯ LỄ TRO 05.3.2014


GIỜ LỄ THỨ TƯ LỄ TRO
05.3.2014
(KHAI MẠC MÙA CHAY)

GIỮ CHAY VÀ KIÊNG THỊT

  • 05g00 : Thánh Lễ Sáng - Làm Phép Tro và Xức Tro
  • 17g30 : Thánh Lễ Chiều - Làm Phép Tro và Xức Tro

Thuanphat's blog

THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2014

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


THƯ MỤC TỬ 
MÙA CHAY 2014

Kính gởi: Quý anh em linh mục,
quý tu sĩ nam nữ và giáo dân
trong gia đình giáo phận

Anh chị em thân mến trong Đức Kitô,

Ngay từ đầu mùa Chay, Hội Thánh đã dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần” (Lời nguyện nhập lễ Thứ Tư Lễ Tro). Như vậy, mùa Chay là mùa chiến đấu thiêng liêng, chống lại ác thần, vượt thắng con người cũ, để trở nên con người mới theo hình ảnh Đức Kitô phục sinh.

1. Để có thể chiến thắng trong cuộc chiến đấu thiêng liêng này, mỗi người cần phải thấy rõ tình trạng thiêng liêng của mình, và áp dụng những phương thế tập luyện thích hợp để tăng cường sức mạnh thiêng liêng.

Trong Sứ điệp Mùa Chay 2014, Đức giáo hoàng Phanxicô nói đến ba hình thức cùng khổ trong đời sống con người. Một là sự cùng khổ vật chất, khi phải sống trong những điều kiện không xứng với phẩm giá con người, thiếu những quyền và nhu cầu căn bản như thực phẩm, nước uống, công ăn việc làm. Hai là sự cùng khổ về đạo đức, là sự nô lệ tội lỗi và những thói xấu như nghiện ngập, rượu chè, cờ bạc, đam mê xác thịt. Ba là sự cùng khổ về mặt thiêng liêng, khi chúng ta sống xa cách Chúa và khước từ tình yêu của Chúa.

Có thể chúng ta may mắn không phải sống trong sự cùng khổ vật chất, nhưng biết đâu lại đang sống trong tình trạng cùng khổ về đạo đức hoặc thiêng liêng, vì thường xuyên ở trong tội lỗi và nô lệ những đam mê xấu. Mỗi người cần phải chân thành khám phá và nhìn nhận tình trạng linh hồn mình trước mặt Chúa. Có thấy rõ mình là bệnh nhân thì mới mong chữa trị, có biết rõ mình yếu đuối mới mong củng cố sức lực.

2. Để giúp chúng ta tập luyện đời sống thiêng liêng, truyền thống lâu đời trong Hội Thánh đã nhấn mạnh ba việc đạo đức: chay tịnh, cầu nguyện, làm việc bác ái.

Chay tịnh không chỉ đơn giản là giữ chay vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng là tập bỏ mình, chế ngự nết xấu, giảm bớt tính kiêu căng, nhờ đó tâm hồn được nâng cao và đến gần Chúa hơn.

Cầu nguyện là nâng lòng lên cùng Chúa để tập nhìn mọi sự trong ánh sáng của Chúa, mang lấy tâm tư của Chúa, nhờ đó được nên giống Chúa hơn và thuộc về Chúa trọn vẹn hơn.

Làm việc bác ái giúp chúng ta ra khỏi bản thân để biết quan tâm đến nhu cầu của người khác, nhạy bén trước nỗi đau của tha nhân và giúp đỡ họ, theo gương Chúa Giêsu là Đấng giàu có, nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để nhờ sự nghèo khó của Ngài mà chúng ta được nên giàu có (x. 2Cr 8,9).

3. Chúng ta đang sống trong năm Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, nghĩa là đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần đời sống và mọi sinh hoạt trong gia đình. Do đó, chúng ta được kêu gọi sống tinh thần chay tịnh, cầu nguyện và bác ái ngay trong gia đình mình.

Gia đình sống chay tịnh bằng cách kềm chế những lời nói và cử chỉ nóng nảy, gây bất hoà và chia rẽ. Thay vào đó là những lời lẽ dịu dàng và thân thiện như thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe … Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nẩy giận hờn hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Eph 4,29-32).

Gia đình cầu nguyện bằng cách dành thời giờ mỗi ngày để cùng cầu nguyện chung. Trong giờ cầu nguyện, hãy chúc tụng và tạ ơn Chúa về những ơn lành đã đón nhận. Hãy lắng nghe Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn cách sống của mình. Hãy tha thiết xin Chúa an ủi khi đau khổ, nâng đỡ lúc khó khăn, và ban bình an trong mọi hoàn cảnh. Việc cầu nguyện chung trong gia đình như thế không những liên kết chúng ta với Chúa, mà còn liên kết mọi người trong nhà với nhau, nhờ đó bảo vệ mái ấm gia đình luôn hạnh phúc.

Gia đình Công giáo còn là gia đình làm việc bác ái. Trước hết là bác ái giữa những người sống trong cùng một mái ấm gia đình: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Eph 4,32). Ngoài ra, lòng bác ái còn phải vươn ra bên ngoài khuôn khổ gia đình. Chung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu anh chị em đang sống nghèo khổ, thiếu thốn, hoặc đang gặp những thử thách lớn lao. Đối diện với thực tế đó, Đức giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta: “Nơi những người nghèo và cùng khổ, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ người nghèo, chúng ta yêu thương và phục vụ chính Đức Kitô. Chúng ta còn phải nỗ lực để chấm dứt những vi phạm phẩm giá con người, những kỳ thị và lạm dụng trên thế giới, vì đây thường là những nguyên cớ tạo nên sự cùng khổ” (Sứ điệp Mùa Chay 2014).

Anh chị em thân mến,

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn gìn giữ gia đình anh chị em trong tình yêu của Ngài. Ước gì mùa Chay năm nay trở thành cơ hội thuận lợi để tinh thần chay tịnh, cầu nguyện, yêu thương thấm sâu vào đời sống mỗi gia đình. Nhờ đó chúng ta có thể trở nên chứng nhân tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người chung quanh.

Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Tp HCM
Mùa Chay Thánh 2014
(WGPS)

GIUSE : CON NGƯỜI CỦA MÙA CHAY

Trong niên lịch Phụng vụ hiện hành tháng 3 kính Thánh Giuse thường trùng hợp với thời gian Phụng vụ Mùa Chay, tín hữu được mời gọi để nhìn lên Thánh Giuse như một mẫu gương và đồng thời hướng đến lễ Phục sinh như một chuẩn đích đang đến gần. Sự trùng hợp hợp ấy lặp đi lặp lại khiến tôi có ý nghĩ : Giuse là con người của Mùa Chay.

Gọi như thế không muốn nói ngài đã thực hành việc ăn chay nghiệm ngặt hơn mấy ông Biệt phái; gọi như thế cũng chẳng có ý xa gần ám chỉ đến kiếp chồng chay chồng hờ chả sơ múi gì như kiểu nói vui của mấy vị xồn xồn; nhưng gọi như thế chỉ muốn nêu lên những đức tính nổi bật của ngài, vừa tự nhiên, vừa dễ dàng gần gũi cho mọi người trong hướng sống Mùa Chay, nhất là trong khuôn khổ những ngày tĩnh tâm ở đây.

1. Gọi Giuse là con người của mùa Chay vì lý do thứ nhất là ngài yêu thích sự lặng thầm.

Cuộc đời của Giuse qua Phúc Âm là một cuộc đời gắn liền với gia đình thánh, một cuộc đời có nhiều sóng gió bất ngờ. Thế nhưng, trên nền những sóng gió ấy, người ta gặp thấy một Giuse hoàn toàn lặng thầm, lặng thầm đến độ khó tin. Trong Phúc Âm, Đức Maria vốn thích giữ kín và suy niệm trong lòng, ít ra người ta cũng nghe được nơi Mẹ 7 lời vắn gọn gợi mở suy tư, đằng này, tìm đỏ mắt cũng chẳng gặp một lời nào của Giuse hết, ngay cả một lời vâng vắn gọn, ngay đến một tiếng thở dài. Tuyệt đối không.

Điều này được chứng thực qua những biến cố trong đời của ngài. Sau biến cố truyền tin, thuở Giuse và Maria mới quen nhau, người ta muốn thấy một Giuse nhút nhát không nói được một câu nào. Rồi khi đã đính hôn, Giuse bỗng thấy Maria đã đổi khác nơi vòng số 2, thì thay vì phải làm cho ra lẽ, người ta lại thấy một Giuse băn khoăn, cạy miệng cũng chẳng hé lời. Có người bảo Giuse yếu, có kẻ nói Giuse dại. Mặc kệ. Ồn ào quá dễ, còn biết im lặng trong tình huống căng thẳng như thế không phải ai cũng làm được. Im lặng vốn là quê hương của những tâm hồn lớn mạnh. “Phải can đảm mới bền gan yếu đuối, phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ”.

Nhưng phải đến biến cố tìm lại Chúa Giêsu sau ba ngày lạc mất trong Đền thánh, người ta mới thấy lặng thầm là điều Giuse đã chọn lựa như châm ngôn cuộc đời. Trong biến cố ấy, thay vì trong tư cách trưởng gia đình, có thể trách móc Chúa Giêsu như những người cha khác, người ta thấy Giuse lùi lại đằng sau cho Maria tiến lên, người ta thấy Giuse rút vào im lặng cho Maria cất tiếng mở lời. Rõ ràng, đây không chỉ là một tính cách tự nhiên, mà còn là một chọn lựa thực thi đến độ thuần thục.

Thinh lặng là nét đẹp của chay tịnh. Giuse yêu thích sự im lặng, ngài là con người của Mùa Chay.

Trong dịp hành hương tại Nagiarét quê hương của Guise, tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy ngoài đường phố, trong cửa hiệu buôn bán, thậm chí ngay ở quầy tiếp tân của khách sạn, tuyệt nhiên không có lấy một bóng người phụ nữ. Họ ở đâu, không ai biết rõ, chỉ biết chắc rằng tất cả mọi sinh hoạt công khai ngoài mặt phố đều do đàn ông đảm trách. Tôi thắc mắc, và hướng dẫn viên đã giải thích rằng : đâylà xã hội của đàn ông, đàn bà không có quyền ăn nói, thậm chí không có quyền xất hiện. Trong một nếp sống như thế, lẽ ra Giuse có quyền và có bổn phận phải nói, nhưng một khi ngài đã chọn thinh lặng, ắt hẳn sự thinh lặng ấy phải có một giá trị đặc biệt. Vâng, đó là tĩnh tâm, đó là đi vào sa mạc tâm hồn, đó là đường vào của một tình yêu. Thảo nào cha Philippon, op, đã có lần viết : “Ai yêu mến sự thinh lặng sẽ được Thiên Chúa dẫn tới thinh lặng của mến yêu”.

2. Gọi Giuse là con người của Mùa Chay, vì lý do thứ hai ngài biết lắng nghe và thực hành lời Chúa.

Cầu nguyện theo định nghĩa đầy đủ gồm nhiều động tác như thờ lạy,tạ ơn, tạ tội, dâng hiến, xin ơn. Nhưng với Giuse, đơn giản thôi, cầu nguyện có nghĩa là lắng nghe và thực thi ý Chúa. Sự lặng thầm của ngài không phải là một thứ ù lì chẳng có gì để nói ra, hay một thứ trống rỗng chẳng thấy chi mà ghi nhận vào. Ngược lại, đó là điều kiện để ngài cầu nguyện. Từ ngữ “giấc mơ” mà Phúc Âm nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không muốn nói tới một điều gì khác ngoài hình ảnh của một tâm hồn bỏ ngỏ cho thánh ý Thiên Chúa tự do tác động. Giống như chiếc ống sáo sẵn đợi đó cho làn hơi Thiên Chúa thổi vào làm phát ra những giai đoạn ngọt ngào đầm ấm.

Trong biến có phải đưa Chúa Giêsu và Mẹ Maria lánh nạn sang Ai Cập, rồi sau đó từ Ai Cập trở về Nagiarét, Giuse đã cho thấy một dáng hình cầu nguyện không thể quên được. Ngài vâng nghe và thực hành lệnh Chúa mau mắn đến độ lạ lùng. Thảo nào, con người ấy phút trước đã có thể đi vào giấc ngủ một cách ngon lành, lại còn mơ một cách vô tư, phút sau đã choàng tỉnh dậy khẩn trương lên đưởng. Thế mới biết người quen lắng nghe và thực thi ý Chúa thì tâm hồn họ bình an chừng nào. Ta gọi đó là tâm tình phó thác. Nghe tưởng dễ, nhưng thực ra từ nghe lời Chúa đến thực hành lời Ngài là cả một khoảng cách không chỉ đo bằng thiện chí, mà còn bẳng nỗ lực không ngừng. Vất vả đường lưu lạc và bơ vơ nơi đất khách, đó là cái giá Giuse phải trả cho đời phó thác tin yêu.

Mùa Chay cũng là mùa cầu nguyện, là mùa bắc những nhịp cầu thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa bằng những kinh nghiệm hằng ngày, nhưng cầu nguyện không chỉ là cầu kinh, nghĩa là đọc những kinh quen thuộc soạn sẵn trong sách toàn niên như thói quen đạo đức vốn được thực hiện trong các giáo đường, mà cầu nguyện còn là lắng đọng tâm hồn nhận ra ý Chúa mà đem ra thực hiện. Bằng một hình ảnh khá gợi ý, có tác giả tu đức bảo rằng : nhiều người chỉ quen chắp tay cầu nguyện mà không biết mở tay ra đón nhận ý Chúa. Trong ý hướng ấy, tinh thần cầu nguyện biết lắng nghe và thực thi ý Chúa của Giuse cũng là tinh thần cầu nguyện Mùa Chay cần có cho đời tín hữu.

Có lần một bạn trẻ tân tòng hỏi tôi phải làm những gì khi cầu nguyện, bởi anh không thuộc kinh như những giáo dân đạo gốc đạo dòng vốn đọc kinh từ khi còn bé, tôi hỏi xem anh đã làm gì khi đến nhà thờ. Anh cho biết : mỗi lần đến nhà thờ anh chỉ biết ngồi đực ra nghe : nghe đọc, nghe giảng, nghe hát. Thế thôi, Anh thích lắm nhưng không làm gì hơn được. Tôi bảo anh : tốt lắm, anh đã bắt đầu cầu nguyện rồi đấy, nhưng mới được một nửa, còn một nửa nữa anh có thể tự làm lấy không cần sách vở kinh kệ gì cả, đó là hãy sống những gì anh tâm đắc khi nghe được nơi giáo đường.Cứ nghe và thực hiện như thế, dần dần anh sẽ biết cách cầu nguyện cho mà xem. Qủa nhiên, sau này mỗi khi gặp lại tôi, anh đều xa gần nhắc lại : cách cầu nguyện như thế đã giúp anh sống đạo rất nhiều, nhất là nó đã giúp anh vượt qua được những nghịch cảnh không thiếu trong cuộc sống hiện tại, khi mà vẫn thấy đó đây cái cảnh dật dờ dắt díu dây dưa, đạo đời điên đảo đá đưa đôi đàng .

3. Gọi Giuse là con người của Mùa Chay, còn vì ngài đã tận tuỵ quên mình phục vụ.

Qua cương vị là “bạn thanh sạch của Đức Maria trọn đời đồng trinh, có lẽ người ta chỉ cảm nhận được một sự hiện diện nhạt nhòa của Giuse cặm cụi làm được mọi việc, trừ mỗi việc làm chồng, thế mà trên vai lại chất chồng không biết bao nhiêu là trách nhiệm. Nhưng chính ở đó đã sáng lên hình ảnh của một con người tận tuỵ hy sinh. Đối với thánh nhân, làm là cách nói hay hơn cả. Không băn khoăn, chẳng dị ứng, ngài hết mình làm việc bổn phận được trao phó và hết tình gắn bó yêu thương để trở nên trụ cột không phải của một mái nhà che nắng trú mưa cho qua ngày đoạn tháng, mà là cột trụ của một mái ấm gia đình ở đó mọi thành viên đều cảm nhận được hạnh phúc an sinh.

Qua cương vị là “cha nuôi của Đấng Cứu Thế”, có lẽ người ta cũng chỉ thấy sự có mặt của một người đàn ông lủi thủi, phải cưu mang giọt máu chẳng phải của mình. Nhưng đó lại là ơn gọi lớn Giuse đã khẳng định được với tất cả ý thức trách nhiệm cao độ quên mình. Tất nhiên, không có Thánh Giuse vẫn có Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu ấy sẽ khác lắm, không có một gia đình đúng nghĩa, cũng chẳng được pháp luật chở che. Nhưng bởi vì đã có Thánh Giuse, nên Chúa Giêsu đã có nơi an toàn để mà lớn lên trước mặt Thiên Chúa và trước mắt người đời. Chính ở điểm này, hậu thế thích xưng tụng Thánh Giuse là người tận tuỵ canh giữ Đấng Cứu Thế, đúng như tên gọi một Tông huấn về Thánh Giuse của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Thực ra thì Phúc Âm có gọi Thánh Giuse là người công chính, nhưng danh xưng đẹp nhất của thánh nhân chính là danh xưng đặt ngài trong tương quan với Chúa Giêsu và Đức Maria. Thành thủ, qua cương vị ”bạn thanh sạch Đức Maria” và “ Cha nuôi Đấng Cứu Thế”, Thánh Giuse đã xuất hiện nhưmột người tận tuỵ hy sinh quên mình phục vụ. Với tính cách ấy, ngài chính là con người của Mùa Chay, bởi Mùa Chay cũng là mùa phục vụ.

Tuần trước, ở một giáo xứ nhỏ mới tách ra khỏi giáo xứ mẹ được vài tháng, thấy hầu hết những người trong ban đại diện đều là người trẻ độ 30, tôi ngẫu hứng nói đến tính cách trẻ của yếu tố nhân sự trong Giáo hội.Sau đó, một người trẻ chia sẻ lại với tôi rằng; anh góp mặt trong ban hành giáo không nhắm đến một quyền lợi nào trong tôn giáo cả, mà chỉ muốn đóng góp cùng với người khác một chút gì đó gọi là phục vụ. Bởi anh hiểu phục vụ không phải là nói mà là làm ; phục vụ không phải là làm vì mình, mà là làm cho người khác,rồi phục vụ không phải là làm để cho người khác biết,mà là chỉ để một mình Chúa biết thôi. Tôi lưu ý anh: coi chừng, khi nhấn mạnh đến phục vụ như thế là dấu cho biết mình vật lộn để có tinh thần phục vụ ấy.Anh thú nhận rằng đúng, và bảo rằng đó là điều anh phải chọn lại mỗi ngày. Tôi bỗng hiểu ra : quên mình chính là điều kiện tiên quyết cho phục vụ, và phục vụ có ý nghĩa nhất là phục vụ khởi đi từ sự quên mình. Như Thánh Giuse đã quên mình, như Thánh Giuse đã phục vụ Đấng Cứu Thế.

Tóm lại, im lặng, nghe và thực thi Lời Chúa, đồng thời quên mình để phục vụ. Đó là 3 đức tính làm nên một Giuse, con người của Mùa Chay.

Trong một thành phố lớn khá ồn ào như Sài Gòn đây, có là lạc điệu không khi nói đến sự tĩnh lặng. Trong một nhịp sống kinh tế nhốn nháo thời hội nhập có đầy đủ gió đông gió tây ùa vào, vàng thau lẫn lộn, như một mời mọc giới trẻ, có là lỗi điệu không khi đề cao việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Và cuối cùng, trong một bầu khí cạnh tranh thi thố khả năng, qua đó người tài mới được tuyển dụng, còn phó thường dân nam bộ chỉ biết cặm cụi ngày 2 buổi đến xưởng đến trường, có là đơn điệu không khi nhà thờ lại cứ thích kêu gọi sống tinh thần phục vụ.

Những câu hỏi ấy và những câu tương tự có thể do người khác hay do tự ta đặt ra với mình, luôn luôn là những trăn trở gợi mở suy tư và gọi mời chọn lựa. Không có câu trả lời soạn sẵn, như những người thi vào quốc tịch Mỹ, chỉ cần nhấn nút cuốn Kim Tự Điển là gặp thấy đáp án, rồi rang học thuộc lòng là xong, Vâng, không có giải pháp làm sẵn, nhưng bù vào đó vẫn có những mẫu gương, những kinh nghiệm, và Thánh Giuse chính là một trong số những mẫu gương gần gũi bình dị ấy.

Thật vậy, đặt ngài trong tương quan với tiếng gọi Mùa Chay, người ta sẽ thấy Giuse như một mẫu gương đời thường khiến ta sẵn sang noi theo soi bóng, như một kẻ đồng hành dầy dạn kinh nghiệm sẵn sàng chỉ bảo cho ta phương cách hữu hiệu để sửa chữa đổi đời, và còn hơn thế nữa, như một Vị bổn mạng đầy thế lực sẵn sang chuyển cầu cho ta trong những tình huống khó khăn gay cấn nhất của sức khoẻ linh hồn.

Xin nhờ kinh nghiệm của ngài ngày xưa đã thành công trong trách vụ anh giữ Đấng Cứu Thế, ngày nay cũng nâng đỡ phù trợ mọi người trong nhiệm vụ gìn giữ Đấng Cứu Thế trong chính cuộc đời ta và cuộc đời những người lân cận, có thể không bằng cánh tay ở phía trước, nhưng rất thường là bàn tay âm thầm phía saucho ta được nâng đỡ thôi thúc vững vàng đi lên

Xin Thánh Giuse cầu cho chúng con biết sống Mùa Chay trọn vẹn như ngài. Amen

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

(gpphanthiet.com)

THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG CHỦNG VIỆN PHÚ CƯỜNG

Giáo Phận Phú Cường
Thánh Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Xây Dựng Cơ Sở Đào Tạo Chủng Sinh

Mọi sự tốt lành là ở nơi Chúa.
Mọi sự thánh thiện là ở nơi Chúa.
Nên con xa Ngài sẽ là lầm sai.
Nên con xa Ngài là đau thương thôi.



Lời bài hát: “Nhờ Chúa” được cộng đoàn hát vang, mở đầu cho Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dưng cơ sở Đào Tạo Chủng Sinh ngày 1-3-2014, tại Nhà Chung giáo phận Phú Cường. Địa chỉ: số 104 Lạc Long Quân Tp. Thủ Dầu Một- Bình Dương.

9 giờ 30 rước đoàn đồng tế. Đi đầu là bình hương lửa (Sốt mến), tiếp theo là Thánh Giá nến cao (Sự hiện diện của Thiên Chúa), kế đến là phiến bia đá với hàng chữ: Thánh Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Xây dựng Cơ Sở Đào Tạo Chủng Sinh Do Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Tấn Tước Giám Mục Giáo Phận- Ngày 1- 3 - 2014. Tiếp theo sau là khoảng 160 linh mục, trong đó có quý cha khách, quý cha quản hạt, cha giám đốc nhà chung Jb. Phạm Quý Trọng, cha tổng đại diện Micae Lê Văn Khâm, sau cùng là hai Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ và Giuse.Nguyễn Tấn Tước.

Thánh lễ có rất đông quý tu sĩ nam nữ của các hội dòng, quý khách phương xa và khoảng 2000 giáo dân của các giáo xứ.
 
 
Trước lễ Đức Cha Giuse làm phép bia đá. Hai Đức Cha cùng đặt bia đá vào bệ đỡ, tượng trưng cho việc bắt đầu công việc xây dựng. Đức Cha Giuse nói:

Anh chị em thân mến.

Công việc mà chúng ta khởi sự hôm nay phải thúc đẩy chúng ta bày tỏ tâm tình đức tin và lòng biết ơn.

Chúng ta đã nghe thánh vịnh: “Nếu Chúa chẳng xây nhà, mọi người thợ chỉ làm việc uổng công”.

Theo một phương diện nào đó, chúng ta là những cộng tác viên của Thiên Chúa, khi chúng ta dùng việc làm của mình mà củng cố anh chị em hay phụng vụ công đoàn.

Vậy chúng ta hãy dùng việc cử hành này mà kêu cầu sự phù giúp của Chúa. Xin Chúa cho công việc xây cất được kết thúc tốt đẹp, xin Ngài che chở các công nhân và gìn giữ họ khỏi mọi điều tai ác.

Hôm nay là ngày đầu tháng 3, mừng kính Thánh Giuse quan thầy Nhà Chung. Lời nguyện giáo dân, chúng ta hãy nguyện xin:

Lạy Chúa, là Thiên Chúa của các tổ phụ và tiên tri. Nơi Thánh Giuse, Chúa đã tỏ cho chúng con thấy tình cha yêu thương con cái, xin Chúa thương nhận ban ý nguyện cầu của Hội Thánh, ban cho chúng con đang hân hoan họp nhau để khởi công xây dựng ngôi nhà này, có thể hoàn tất thật tốt đẹp như ý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Bài giảng. Đức Cha Giuse chia sẻ: Thánh Giuse là tấm gương nhân đức cho chúng ta noi theo. Thánh Giuse khiêm nhừng, Thánh Giuse đạo đức, Thánh Giuse siêng năng.vv. Thánh Giuse là thợ mộc đã làm nên ngôi nhà thánh thiện, ngôi nhà yêu thương. Chúng ta nguyện noi gương Thánh Nhân và xin Thánh Nhân cầu bầu cho chúng ta, để sau này chúng ta cùng được hưởng phúc Thiên Đàng với Thánh Nhân.
 
 
Nhà Chung giáo phận Phú Cường được xây dựng cùng với năm thành lập. (Năm 1965. Đức Giáo Hoàng Phaolo IV đã ký quyết định thành lập giáo phận và Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên là giám mục tiên khởi). Từ đó đến nay đã trải qua nhiều năm mưa nắng. Cùng với việc phát triển của Giáo phận, cơ sở nhà chung như là nhỏ bé. Thế nên để có một cơ sở đào tạo thích hợp quả là chính đáng.

Năm 2006 toàn giáo phận có 67 giáo xứ ( Theo bản tin Công Giáo VN ngày 14/1/2006).

Năm 2014 toàn giáo phận có 98 giáo xứ ( Theo lịch giáo phận năm 2014).

Như vậy cùng phát triển giáo xứ là phát triển chủng sinh là điều đương nhiên.

Hôm nay cũng là ngày mừng sinh nhật thứ 78 của Đức Cha Phêrô. Đức Cha Giuse thay mặt cộng đoàn có lời chúc mừng đến Đức Cha Phêrô. Xin Thiên Chúa ban cho Đức Cha thêm tuổi thêm nhân đức đề dẫn đưa gia đình giáo phận ngày một tiến bước trên con đường thánh thiện.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, cha giám đốc nhà chung có lời cám ơn đến quý Đức Cha, quý cha cùng toàn thể cộng đoàn, xin cộng đoàn cầu nguyện và chung tay xây dựng để cho công việc này được tốt đẹp, nhanh chóng hoàn thành.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 30, mọi người chung vui với nhau qua bữa cơm trưa. Đây cũng là dịp để các giáo xứ giao lưu với nhau.
Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
(VietCatholic.net)

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY ĐẦU TIÊN (2014) CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

VATICAN. Sáng ngày 04-02-2014, ĐHY Robert Sarah, người Guinée Equatoriale, bên Phi châu, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm) đã giới thiệu Sứ điệp Mùa Chay đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô.
 
Hiện diện trong trên bàn chủ tọa cuộc họp báo còn có 2 vị Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Hội đồng Đồng Tâm và ông Bà Davide Dotta và Anna Zumbo, thừa sai giáo dân tại Haiti.
 
Sau đây là toàn văn Sứ Điệp của ĐTC.


”Ngài đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta được giàu có nhờ cái nghèo của Ngài” 
(Xc 2 Cr 8,9)

Anh chị em thân mến,
Nhân dịp Mùa Chay, tôi muốn cống hiến anh chị em vài suy tư có thể giúp anh chị em trong hành trình hoán cải bản thân và cộng đồng. Tôi lấy hứng từ câu nói của thánh Phaolô: ”Thực vậy, anh chị em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (2 Cr 8,9). Thánh Tông Đồ ngỏ lời với các tín hữu Kitô thành Corintô để khích lệ họ quảng đại trong việc giúp đỡ các tín hữu thành Jerusalem ở trong tình trạng túng thiếu. Những lời này của thánh Phaolô nói gì với các Kitô hữu chúng ta ngày nay? Lời nhắn nhủ trở nên nghèo khó, sống thanh bần theo tinh thần Tin Mừng có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?

Ân sủng của Chúa Kitô

Trước tiên những lời ấy nói với chúng ta đâu là đường lối của Thiên Chúa. Thiên Chúa không tỏ mình bằng những phương thế quyền lực và giàu sang của trần thế, nhưng bằng những phương thế yếu đuối và nghèo nàn: ”Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em...”. Chúa Kitô, Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha về quyền năng và vinh quang, đã trở nên nghèo; Ngài đã xuống giữa chúng ta, trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Ngài đã cởi bỏ, ”trở nên trống rỗng”, để trở nên giống chúng ta hoàn toàn (Xc Pl 2,7; Dt 4,15). Mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa cao cả dường nào! Chính tình yêu của Thiên Chúa là nguyên nhân mầu nhiệm ấy, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, và không do dự hiến thân và hy sinh vì những thụ tạo mà Ngài yêu mến. Lòng bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ trong mọi sự số phận của người mình yêu. Tình yêu làm cho trở nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và những ngăn cách. Và đó là điều Thiên Chúa đã làm với chúng ta. Thực vậy, Chúa Giêsu ”đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của con người, đã hành động với ý chí của con người, đã yêu thương với trái tim của con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi” (Gaudium et Spes, 22,2).

Lý do thúc đẩy Chúa Giêsu trở nên nghèo không phải là sự nghèo nàn tự nó, nhưng - như thánh Phaolô đã nói - ”.. là để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài”. Đây không phải là một kiểu chơi chữ, một kiểu nói để gây ấn tượng! Trái lại đó là một sự tổng lô-gíc của Thiên Chúa, lô-gíc yêu thương, lô-gíc Nhập Thể và Thập Giá. Thiên Chúa đã không làm cho ơn cứu độ rơi xuống chúng ta từ trên cao, như kẻ thương người lấy của dư thừa của mình mà làm phúc bố thí. Đó không phải là tình yêu của Chúa Kitô! Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Giordano và chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, Ngài không hành động vì thấy cần phải thống hối, hoán cái; Ngài làm như thế để nhập hàng giữa dân chúng là những người đang cần ơn tha thứ, Ngài ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Đó chính là con đường Ngài chọn để an ủi chúng ta, cứu thoát chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi tình trạng lầm than. Chúng ta có ấn tượng mạnh vì Thánh Tông Đồ nói rằng chúng ta đã được giải thoát không phải nhờ sự giàu sang của Chúa Kitô, nhưng nhờ cái nghèo của Ngài. Tuy Thánh Phaolô biết rõ ”những sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô” (Ep 3,8), ”là người được thừa tự mọi sự” (Dt 1,2).

Như thế, cái nghèo mà Chúa Giêsu dùng để giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giàu sang, là gì? Thưa đó chính là cách thức Ngài yêu thương chúng ta, Ngài trở nên người thân cận của chúng ta như Người Samaritano nhân lành đến gần người bị bỏ mặc giở sống giở chết bên vệ đường (Xc Lc 10,25tt). Điều mang lại cho chúng ta tự do chân thực, ơn cứu độ thực sự và hạnh phúc đích thực chính là tình yêu thương xót, dịu dàng và chia sẻ của Ngài. Cái nghèo của Chúa Kitô làm cho chúng ta được giàu sang chính là sự kiện Ngài làm người, gánh lấy những yếu đuối của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, thông truyền cho chúng ta lượng từ bi vô biên của Thiên Chúa. Cái nghèo của Chúa Kitô là sự giàu sang lớn nhất: Chúa Giêsu giàu lòng tín thác vô biên nơi Thiên Chúa Cha, tín thác nơi Cha trong mọi lúc, luôn luôn và chỉ tìm kiếm thánh ý và vinh danh Thiên Chúa. Ngài giàu sang như một trẻ em giàu sang khi cảm thấy được yêu thương và mến yêu cha mẹ, và không nghi ngờ một giây phút nào về tình thương và sự dịu dàng của cha mẹ. Sự giàu sang của Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa; tương quan có một không ai với Chúa Giêsu chính là đặc ân cao cả nhất của Đấng Messia nghèo khó này. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mang lấy ”ách nhẹ nhàng” của Ngài, Ngài mời gọi chúng ta hãy trở nên giàu có bằng ”cái nghèo giàu sang” và ”sự giàu sang nghèo” của Ngài, chia sẻ với Ngài tinh thần con thảo và huynh đệ, trở nên con cái trong Con của Ngài, là anh em trong người Anh Trưởng Tử (Xc Rm 8,29).
Người ta nói rằng có một điều sầu muộn duy nhất, đó là sầu muộn vì không được nên thánh (L. Bloy); chúng ta cũng có thể nói rằng có một sự lầm than đích thực duy nhất, đó là: không sống như con cái Thiên Chúa và như những người em của Chúa Kitô.

Chứng tá của chúng ta

Chúng ta có thể nghĩ rằng ”con đường” nghèo như thế là con đường của Chúa Giêsu, trong khi chúng ta, là những người đến sau Ngài, chúng ta có thể cứu vớt thế giới bằng những phương thế thích hợp của con người. Không phải như vậy. Trong mọi thời đại và mọi nơi, Thiên Chúa tiếp tục cứu vớt con người và thế giới nhờ cái nghèo của Chúa Kitô, Đấng trở nên nghèo trong các Bí tích, trong Lời Chúa và trong Giáo Hội của Ngài, là một dân tộc gồm những người nghèo. Sự giàu sang của Thiên Chúa không thể đến với chúng ta qua sự giàu sang của chúng ta, nhưng luôn luôn và chỉ qua cái nghèo của chúng ta, bản thân và cộng đoàn, được Thần Khí của Chúa Ktiô linh hoạt.

Noi gương Thầy Chí Thánh, các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hãy nhìn đến tình cảnh lầm than của anh chị em chúng ta, động chạm đến, gánh lấy và hoạt động cụ thể để thoa dịu những lầm than ấy. Lầm than (miseria) không đồng nghĩa với nghèo (povertà); lầm than là sự nghèo nàn không có lòng tín thác, không có tình liên đới, không có hy vọng. Chúng ta có thể phân biệt ba loại lầm than: lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm than tinh thần. Lầm than vật chất vẫn thường được gọi chung là sự nghèo khổ và đè nặng trên những người sống trong hoàn cảnh không xứng đáng với con người: những người bị thiếu các quyền cơ bản và nhu yếu phẩm như lương thực, nước, những điều kiện vệ sinh, công ăn việc làm, khả năng phát triển và tăng trưởng về văn hóa. Đứng trước lầm than này, Giáo Hội cống hiến dịch vụ của mình, diakonia, để đi gặp gỡ những người túng thiếu và chữa lành nhưng vết thương làm xấu xí khuôn mặt của nhân loại. Nơi những người nghèo và những người rốt cùng, chúng ta nhìn thấy tôn nhan của Chúa Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa Kitô. Sự dấn thân của chúng ta cũng nhắm làm sao để chấm dứt những vụ vi phạm phẩm giá con người trên thế giới, những kỳ thị và lạm dụng là nguồn gốc gây ra lầm than trong bao nhiêu trường hợp. Khi quyền lực, sa hoa và tiền bạc trở thành thần tượng, thì người ta coi chúng quan trọng hơn đòi hỏi phải phân phối công bằng những của cải. Vì thế, các lương tâm cần hoán cải, trở về với công lý, sự bình đẳng, sự điều độ và chia sẻ.

Điều không kém phần gây lo âu chính là lầm than luân lý, nó hệ tại trở nên nô lệ cho những tật xấu và tội lỗi. Bao nhiêu gia đình lo âu vì có một trong những phần tử của mình, thường là người trẻ, nghiện ngập rượu, ma túy, cờ bạc và dâm ô! Bao nhiêu người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu những viễn tượng tương lai và mất hy vọng! Và bao nhiêu người bị bó buộc sống trong lầm than luân lý do những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, khiến họ không còn phẩm giá mang mang cơm bánh về nhà, thiếu bình đẳng trong các quyền giáo dục và sức khỏe. Trong những trường hợp ấy, lầm than luân lý có thể được gọi là một sự bắt đầu tự sát. Hình thức lầm than này cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế suy sụp, nó luôn gắn liền với lầm than tinh thần mà chúng ta khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa và từ khước tình thương của Ngài. Nếu chúng ta cho rằng mình không cần Thiên Chúa, Đấng đang giơ tay cho chúng ta trong Chúa Kitô, vì chúng ta nghĩ mình tự mãn, thì chúng ta đang đi vào con đường thất bại. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu vớt và giải thoát chúng ta thực sự.

Tin Mừng là thuốc giải độc đích thực chống lại lầm than tinh thần: Kitô hữu được mời gọi mang vào mọi môi trường lời loan báo giải thoát, theo đó có sự tha thứ tội lỗi đã phạm, Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta một cách nhưng không, luôn luôn, và chúng ta được dựng nên để hiệp thông và sống vĩnh cửu. Chúa mời gọi chúng ta hãy trở thành những người hân hoan loan báo sứ điệp từ bi và hy vọng ấy! Thật là đẹp khi cảm nghiệm niềm vui loan truyền tin mừng đó, chia sẻ kho tàng đã được ủy thác cho chúng ta, để an ủi những con tim tan vỡ và mang lại hy vọng cho bao nhiêu anh chị em chúng ta đang bị bóng đêm bao phủ. Vấn đề ở đây là đi theo và noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã đi đến với người nghèo và tội nhân như một mục tử đi tìm con chiên bị lạc mất, và Ngài đến gặp chúng ta với đầy tình yêu thương. Khi hiệp nhất với Chúa, chúng ta có thể can đảm mở ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người.

Anh chị em thân mến, ước gì Mùa chay này thấy được toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Kitô. Chúng ta có thể thi hành điều ấy theo mức độ chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta được giàu sang bằng cái nghèo của Ngài. Mùa Chay là mùa thích hợp để cởi bỏ, làm cho chúng ta tự hỏi đâu là điều chúng ta có thể chịu thiếu để giúp đỡ và làm cho người khác trở nên phong phú nhờ cái nghèo của chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng sự nghèo nàn đích thực gây đau khổ: một sự cởi bỏ mà không có chiều kích thống hối thì không có giá trị. Tôi không tín nhiệm việc làm phúc mà chẳng làm cho chúng ta mất mát hoặc không gây đau đớn nào.

Xin Chúa Thánh Linh, - nhờ Ngài ”chúng ta vốn là người nghèo, nhưng có khả năng làm bao nhiêu điều phong phú: như người không có gì cả, nhưng lại sở hữu tất cả” (2 Cr 6,10),- nâng đỡ những quyết tâm trên đây của chúng ta và củng cố trong chúng ta mối quan tâm và trách nhiệm đối với sự lầm than của con người, để chúng ta trở nên từ bi và là những người thực thi lòng từ bi. Với lời cầu chúc ấy, tôi hứa cầu nguyện cho anh chị em, để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội tiến bước một cách hiệu quả trong hành trình Mùa Chay, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.

Vatican ngàyb 26 tháng 12 năm 2013
Lễ Thánh Stephano, Phó Tế và là Vị Tử Đạo tiên khởi

(LM Trần Đức Anh, O.P, chuyển ý)

(VietCatholic.net)

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

VIDEO TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO SÁNG 13.02.2014

VIDEO TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO TỐI 12.02.2014

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN NĂM A 02-3-2014

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật VIII thường niên năm A 02-3-2014.
Cha phó xứ Giuse dâng Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( CN đầu tháng ).
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

NGÀY QUYÊN GÓP GIÚP ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

Cảm nghĩ về ngày quyên góp giúp ĐCV Huế 
tại An Nhơn, Thuận Phát và Vườn Xoài

Không chỉ đơn thuần mỗi việc cầm oi giúp quyên tiền cho ĐCV Huế, cơ hội này giúp chúng tôi còn được tận mắt “mục thị” công việc mục vụ, sinh hoạt của từng cộng đồng dân Chúa qua từng ngôi nhà thờ ở TGP Sàigòn, cũng như được tiếp xúc, trò chuyện… với các linh mục quản xứ. 

Vào ngày thứ Bảy và Chúa Nhật 22 và 23 tháng 2, chúng tôi chia thành hai nhóm để phục vụ giúp quyên góp tại cả hai nhà thờ Thuận Phát và Vườn Xoài.

Nhà thờ Thuận Phát tọa lạc trước bến mễ cốc Trần Xuân Soạn, quận 7, nơi trên bến dưới thuyền. Hàng ngày ngày hàng ngàn chiếc ghe tàu cập bến tấp nập cung cấp lương thực, rau trái…xuôi ngược từ miền Tây chở vào, sau đó cất hàng gia dụng lại chở về miền Tây.

Ngôi thánh đường có phần chính diện theo mẫu nhà thờ Chánh Tòa Đức Bà Sàigòn với hai tháp chuông cao chót vót vừa mới xây xong. Phía dưới là tầng hầm hiện đại vừa để xe vừa sinh hoạt mục vụ. Cha quản xứ Goankim Lê Hậu Hán hãy còn trẻ trung, sung độ, vừa tới ngưỡng 45, niềm nở đón chào anh em chúng tôi. Ngài vừa về nhận sở ở đây mới 3 năm và đã bắt tay xây dựng công trình nhà thờ mới. Ngài tâm sự rằng chưa có nhu cầu xây mới vì nhà thờ cũ vẫn còn tốt, chỉ cơi nới thêm cho có chỗ bổn đạo dự lễ, nào ai ngờ việc Chúa làm, có một vị đại ân nhân giúp tiền xây cất hàng chục tỷ từ A đến Z, nhờ vậy,bộ mặt của xứ đạo nghèo xưa kia mới được thay đổi hoành tráng như ngày hôm nay.

Xem hình ảnh>>>

(cuucshuehn.net)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT VIII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 6, 24-34)


Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 15-27.02.2014

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO PHẬN VĨNH LONG #3

Lễ Khánh Thành Nhà Thờ 
Trung Tâm Hành Hương Philipphê Minh 
tại Giáo Phận Vĩnh Long

Vào lúc 9g30 ngày 24 tháng 02 năm 2014, tại trung tâm hành hương Thánh Philipphê Phan Văn Minh - Đình Khao - thuộc Hạt Vĩnh Long - Giáo phận Vĩnh Long vui mừng chào đón Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, Đức Cha Stêphanô Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ, Cha Giám Quản Phêrô giáo phận Vĩnh Long, Đức ông Phêrô tới làm phép Nhà Thờ Đình Khao và dâng Thánh Lễ tạ ơn cùng với 150 linh mục trong và ngoài giáo phận . 


Vào lúc 9g00, Đức TGM Leopoldo Girelli đặt chân đến trước cổng Trung tâm hành hương Đình Khao, cha giám đốc trung tâm Tadêô Phạm Văn Don và đông đảo bà con giáo dân đã đón chào Đức Tổng Giám mục, cùng đồng hành có Đức cha Stêphanô, cha Giám Quản giáo phận và phái đoàn. Sau khi tặng hoa chúc mừng, mọi người làm thành một đoàn rước thật trang trọng tiến vào trước lễ đài.

Kế đến, là các nữ tu dòng MTG Cái Nhum với tiết mục múa đậm nét dân tộc pha lẫn bản chất bộc trực miền Tây thật nhẹ nhàng và đặc sắc, để chào đón Đức Khâm Sứ với tâm tình thân thương và gần gũi.
 
 
Đúng 9h30, Thánh lễ làm phép nhà thờ được cử hành do Đức Tổng Giám mục chủ sự, cùng với Đức cha Stêphanô, cha Giám Quản giáo phận, Đức ông Phêrô và quý Cha đồng tế. Trung tâm hành hương Đình Khao hôm nay có thật đông đảo quý tu sĩ, chủng sinh và bà con giáo dân tham dự Thánh lễ.

Vì nhà thờ mới với sức chứa khoảng 400 người, không đủ chỗ cho tất cả với số lượng hơn 2000 người. Do đó phần lớn bà con giáo dân cùng hiệp dâng thánh lễ tại lễ đài phía dưới được trực tiếp bằng các màn hình rộng.
 
 
(giáophanvinhlong.net) 
 
 
 

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

R.I.P MARIA PHẠM THỊ XUÂN

XIN CẦU CHO LINH HỒN
  MARIA

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ,
Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Phêrô
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Bà MARIA PHẠM THỊ XUÂN
Sinh ngày 25.12.1953 tại Ninh Bình

Cư ngụ tại : 253/22 đường Trần Xuân Soạn
P.Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Họ Thánh Phêrô - Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 06g00 Thứ Năm ngày 27.02.2014
(Nhằm ngày 28 tháng Giêng năm Giáp Ngọ)


Hưởng thọ 62 tuổi 




CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

 
Thứ Năm  27.02.2014
  • 16g00 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan.
Thứ Sáu  28.02.2014
  • 18g30 : Thánh Lễ Cầu Hồn cử hành tại tư gia.
Thứ Bảy  01.3.2014
  • 04g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ.
  • 05g00 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát.
  Sau đó di quan đi hoả táng
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM.



Thuận Phát, ngày 27 tháng 02 năm 2014


Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
BĐH Giáo Họ Thánh Giuse
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đì

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO PHẬN VĨNH LONG #2

Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli 
Chủ Sự Thánh Lễ Làm Phép Nhà Thờ Rạch Lọp 
và Thăm Họ Đạo Vĩnh Kim, Cái Đôi 
 
Hôm nay ngày 22. 12. 2014, Giáo Hội kính nhớ việc lập Tông Tòa Thánh Phêrô, nhân ngày này họ đạo Rạch Lọp cùng chung tâm tình cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài ban muôn hồng ân cho họ đạo: đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam đã về thăm Giáo Phận Vĩnh Long ... Ngài đến họ đạo Rạch Lọp cắt băng khánh thành Nhà Thờ Rạch Lọp, thánh hiến Bàn Thờ, Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài mừng 40 năm hồng ân trong thiên chức linh mục, Cha Sở Phêrô Lê Công Rạng mừng 25 năm hồng ân trong thiên chức linh mục, Cha Phó Angphongsô Lâm Thanh Hà mừng 10 năm hồng ân trong thiên chức linh mục..
 
 
Trong dịp mừng lễ hôm nay còn có sự hiện diện của Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên - Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ, Đức Ông Vinhsơn Đặng Văn Tú - Tổng Đại diện Giáo Phận Xuân Lộc, Cha Tổng Đại Diện Giáo Phận Mỹ Tho; đông đảo Quý Linh Mục trong và ngoài Giáo Phận, rất đông tu sĩ nam nữ thuộc các Hội Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Thánh Phaolô, Dòng Bác Ái Vinh Sơn,... và rất đông giáo dân khắp nơi cùng về tham dự.
 
 
Lúc 09h30 Đức Tổng Giám Mục đến Nhà Thờ Rạch Lọp, nơi đó có đông đảo giáo dân xếp thành hàng rào danh dự đón Ngài, liền khi ấy tất cả các chuông trong Nhà Thờ đồng loạt vang lên, đội kèn Vĩnh Kim đang thổi những nốt nhạc hay nhất để đón chào người đại diện của Đức Thánh Cha... Trong khuôn viên Nhà Thờ đang tràn ngập sự nô nức chào mừng như muốn nói lên sự hiệp nhất của mọi người và lòng quý mến tột độ đối với Đức Thánh Cha, người đại diện của Thiên Chúa.


Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam đến cắt băng khánh thành Nhà Thờ rồi đi vào Nhà Thờ, Ngài quỳ cầu nguyện như những lần đến thăm họ đạo như thế này rồi quay lại tiếp kiến giáo dân trong tâm tình thân mật ấm cúng và đầy yêu thương.
 

Trong bài giảng Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh đến vai trò phục vụ của vị lãnh đạo Phêrô và mời gọi cộng đoàn chung tâm tình yêu mến, vâng phục và cộng tác với Đức Giáo Hoàng.

Tiếp theo là phần nghi thức Thánh Hiến Bàn Thờ và sau đó Thánh Lễ lại được tiếp tục như thường lệ.

Sau bữa ăn thân mật, Đức Tổng Giám Mục đi thăm Họ Đạo Vĩnh Kim và Cái Đôi.
 
 
Ngày hôm nay được coi là ngày đáng nhớ chẳng những của Họ Đạo Rạch Lọp, Vĩnh Kim và Cái Đôi mà còn là ngày để lại kỷ niệm đẹp cho Giáo Phận Vĩnh Long nói riêng và Giáo Hội Việt Nam nói chung, để lại một kỉ niệm khó phai mờ về hình ảnh của vị Mục Tử đói với đoàn chiên và tâm tình cảm tạ hồng ân Chúa ban.
 
 
Xin được mượn tâm tình của Tv 89, 2 để nói lên tâm tình cảm tạ Thiên Chúa "Tình thương Chúa đời đời con ca tụng".
 
(giáophanvinhlong.net)
 
 

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO PHẬN VĨNH LONG #1

Đại Diện Giáo Phận Vĩnh Long 
Đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli Thăm Giáo Phận Vĩnh Long

Hôm nay 21/ 02/ 2014, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam đã về thăm Giáo Phận Vĩnh Long. Đức Ông Phêrô, Cha Phanxicô Việt, Cha Phêrô Vũ, Quý Cha, quý Dì đã đón Đức Tổng Giám Mục tại sân bay Tân Sơn Nhất và đưa ngài về nghỉ ngơi tại Nhà Khách Giáo phận.


Theo lịch trình Đức Tổng Giám Mục sẽ lưu lại Giáo phận Vĩnh Long để làm phép Nhà thờ Rạch Lọp, làm phép nhà thờ Trung Tâm Hành Hương kính Thánh Philipphê Minh tại Đình Khao. 

(giaophanvinhlong.net)