Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

VIDEO THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 08 - 14.8.2014

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #3

Ngày thứ nhất 
chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Một dân tộc khôn ngoan và vĩ đại 
không chỉ trân trọng truyền thống của tổ tiên 
mà còn biết quý trọng người trẻ”

 
WHĐ (15.8.2014) – Khởi hành từ Sân bay Fiumicino, Roma lúc 16g thứ Tư 13-08, Đức Thánh Cha đã đến Seoul vào lúc gần 10g30 sáng thứ Năm 14-08 theo giờ địa phương. Sau nghi lễ tiếp đón tại Căn cứ không quân Seoul, Đức Thánh Cha đã lên xe về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để cử hành Thánh lễ riêng, sau đó dùng bữa và nghỉ trưa.

Lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã đến Dinh Tổng thống, gọi là “Nhà Xanh”, và được bà Tổng thống Park Geun-hye đón tiếp. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội kiến riêng ngắn gọn và trao đổi quà tặng.

Gặp giới chức chính quyền

Sau đó Đức Thánh Cha gặp gỡ giới chức chính quyền dân sự, gồm các nhà lãnh đạo chính trị Hàn Quốc, một đại diện của phái đoàn ngoại giao và các nhà lãnh đạo khác.

Đức Thánh Cha ngỏ lời: “Thật là một niềm vui lớn lao cho tôi khi được đến Hàn Quốc, đất nước của buổi sáng yên bình, và cảm nghiệm không chỉ cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước này, nhưng trên hết là nét đẹp của con người cũng như lịch sử và nền văn hóa phong phú của Hàn Quốc”.

Đức Giáo Hoàng cũng nói về hai sự kiện chính trong chuyến tông du của ngài: Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, và tôn phong chân phước 124 vị tử đạo Hàn Quốc. “Hai cử hành này bổ sung cho nhau. Văn hóa Hàn Quốc hiểu rõ chân giá trị nội tại và sự khôn ngoan của những người cao niên của chúng ta và kính trọng vai trò của họ trong xã hội. Những người Công giáo chúng ta tôn vinh những người cao niên của chúng ta đã chịu tử đạo vì đức tin bởi vì các ngài sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho sự thật mà các ngài đã tin tưởng và nhờ đó các ngài cố gắng sống cuộc sống của mình”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tuy nhiên, một dân tộc khôn ngoan và vĩ đại không chỉ trân trọng truyền thống của tổ tiên của họ; họ cũng biết quý trọng người trẻ, tìm cách chuyển giao di sản của quá khứ và áp dụng vào những thách đố của hiện tại. Mỗi khi người trẻ quy tụ với nhau, như dịp này, đó là một cơ hội quý giá cho tất cả chúng ta lắng nghe những gì họ hy vọng và quan tâm”.

Về những thách thức và những cơ hội mà thế giới ngày nay phải đối mặt, Đức Thánh Cha nói đến “tầm quan trọng đặc biệt của việc suy tư về nhu cầu trao tặng món quà của bình an cho người trẻ” – một lời kêu gọi gây âm vang mạnh mẽ tại Hàn Quốc, “một đất nước chịu đau khổ lâu dài vì thiếu vắng hòa bình”. Việc tìm kiếm hòa bình đặc biệt là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo chính trị, những người phải nhận ra rằng “hòa bình có thể đạt được qua việc bình tâm lắng nghe và đối thoại, chứ không phải bằng việc tố cáo lẫn nhau, bằng những lời công kích vô dụng và biểu dương sức mạnh”. Các nhà lãnh đạo chính trị phải hướng những nỗ lực của mình vào mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình hơn, tốt đẹp hơn và thịnh vượng cho con cái của chúng ta. 


Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc để cho “tiếng nói của mọi thành viên trong xã hội được lắng nghe”, khi Hàn Quốc đang phải đấu tranh để đối phó với các vấn đề quan trọng hiện nay. Và một lần nữa, ngài kêu gọi “quan tâm đặc biệt đến người nghèo, người dễ bị tổn thương và những người không có tiếng nói”.

Kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc đến Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng cuối cùng đến thăm Hàn Quốc và đã tin rằng “tương lai của Hàn Quốc tuỳ thuộc vào sự hiện diện của nhiều người nam nữ khôn ngoan, đạo đức và có đời sống tâm linh sâu sắc”. Lặp lại những lời trên, Đức Thánh Cha Phanxicô đoan chắc với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc rằng “cộng đồng Công giáo Hàn Quốc luôn mong muốn tham gia trọn vẹn vào đời sống của đất nước”.

Gặp các giám mục Hàn Quốc

Khoảng 17g30, Đức Thánh Cha đã đến trụ sở Hội đồng Giám mục Hàn Quốc để gặp gỡ các giám mục Hàn Quốc. Đây là dịp để ngài trao đổi với một trong những Giáo hội năng động nhất ở châu Á và trên thế giới.

Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha ca ngợi “sức sống mạnh mẽ” này, nhưng cũng không ngần ngại cảnh báo các giám mục Hàn Quốc trước một “tinh thần thế tục về phương diện thiêng liêng và mục vụ, bóp nghẹt tinh thần, thay vì hoán cải lại tự mãn và rốt cuộc dập tắt nhiệt tình truyền giáo”.

Nhận mình là “người anh em trong hàng Giám mục”, Đức Thánh Cha chia sẻ với các giám mục Hàn Quốc suy tư về “hai khía cạnh chính của việc chăm sóc Dân Chúa tại đất nước này: là những người gìn giữ ký ức và gìn giữ niềm hy vọng”.

Những người gìn giữ ký ức

Các giám mục Hàn Quốc là những người thừa kế “một truyền thống mạnh mẽ đã khởi đầu và lớn mạnh nhờ lòng trung tín, sự kiên trì và công lao của các thế hệ giáo dân”. Công lao này đã mang lại hoa trái và hiện nay, “Giáo hội tại Hàn Quốc được đề cao vì vai trò của mình trong đời sống tinh thần và văn hóa của dân tộc và động lực truyền giáo mạnh mẽ. Từ một miền đất được truyền giáo, Hàn Quốc đã trở thành miền đất của các nhà truyền giáo”.

Xét cho cùng, “đời sống và sứ vụ của Giáo hội tại Hàn Quốc không thể đo lường bằng những gì ở bên ngoài, bằng những con số và cơ cấu; Giáo hội ấy phải được đánh giá trong ánh sáng tỏ tường của Phúc Âm và lời mời gọi hoán cải trở về với Chúa Giêsu Kitô”. Một giáo hội không được đánh mất viễn tượng chiều kích tâm linh của sứ mạng của mình. Một giáo hội cũng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế và chỉ dựa vào ký ức của các vị tử đạo. “Nhìn về quá khứ mà không lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi hoán cải trong hiện tại sẽ không giúp chúng ta tiến bước; trái lại, sẽ cản bước tiến của chúng ta và thậm chí còn chặn đứng sự thăng tiến về mặt thiêng liêng của chúng ta”. 


Những người gìn giữ niềm hy vọng

Ở một đất nước được xem là một trong những nước có công nghệ tiên tiến nhất, các giám mục phải giúp xã hội “tìm kiếm điều gì đó lớn lao hơn, xác đáng và phát triển hơn”. Các giám mục gìn giữ “ngọn lửa này của sự thánh thiện, của tình bác ái huynh đệ và nhiệt tâm truyền giáo trong sự hiệp thông với Giáo hội”. Trong nhãn quan này, các giám mục phải gần gũi các linh mục của mình.

Và một chủ đề ưa thích của Đức Thánh Cha Phanxicô: Giáo hội truyền giáo. “Một Giáo hội luôn bước ra với thế giới, nhất là đến các vùng ngoại vi của xã hội hiện nay”. Vì thế Đức Thánh Cha khích lệ các giám mục hãy “chăm sóc đặc biệt” các trẻ em và người già. Ngài nhấn mạnh việc giáo dục người trẻ, “bằng cách trợ giúp không chỉ các trường đại học mà cả các trường học Công giáo các cấp trong sứ vụ giáo dục, bắt đầu từ trường tiểu học nơi những trí óc và con tim non nớt được đào luyện theo tình yêu Thiên Chúa và Giáo hội của Người, theo điều chân thiện mỹ, để trở thành những Kitô hữu tốt và công dân lương thiện”. Một mục tiêu khác cũng phải được ưu tiên là người tị nạn và người di dân cũng như những người sống bên lề xã hội.

Nhưng nếu Giáo hội Hàn Quốc được ca ngợi vì những hoạt động xã hội, thì rất có nguy cơ, theo Đức Thánh Cha, “giảm thiểu sự dấn thân phục vụ những người nghèo chỉ vào chiều kích trợ giúp, mà quên đi nhu cầu của từng cá nhân phải được phát triển như là một nhân vị và thể hiện một cách xứng với phẩm giá, sự sáng tạo và văn hóa của mình”. Đức Thánh Cha nói, “lý tưởng tông đồ của một Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo được diễn tả rõ ràng nơi các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên của đất nước anh em. Và lý tưởng này, phải tiếp tục “định hình con đường của Giáo hội tại Hàn Quốc trong hành trình hướng đến tương lai”.

Kết thúc bài huấn từ, Đức Thánh Cha đưa ra lời phê phán cứng rắn. Ngài thừa nhận rằng Giáo Hội tại Hàn Quốc “sống và hoạt động trong một xã hội thịnh vượng, nhưng ngày càng tục hoá và duy vật”. Nhưng “trong những hoàn cảnh ấy, cám dỗ của những người làm mục vụ không chỉ là việc áp dụng những mô hình hiệu quả trong quản lý, lập kế hoạch và tổ chức của giới kinh doanh, mà còn là một lối sống và suy nghĩ được hướng dẫn theo các tiêu chuẩn thành công của thế gian, kể cả quyền lực, hơn là các tiêu chuẩn được Chúa Giêsu trình bày trong Phúc Âm”. Vì thế, Đức Thánh Cha khích lệ tất cả các giám mục: “Ước gì chúng ta thoát khỏi tinh thần thế tục về phương diện thiêng liêng và mục vụ; nó bóp nghẹt tinh thần, thay vì hoán cải lại tự mãn và rốt cuộc dập tắt nhiệt tình truyền giáo”.
 
Vũ Bình
(WHĐ)

ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 30 NĂM 2014

Thánh Lễ khai mạc 
Đại hội La Vang lần thứ 30 (năm 2014)

Chiều thứ Tư 13-08-2014, Đại hội La Vang lần thứ 30 với chủ đề “Phúc-Âm-hoá đời sống Gia đình” đã long trọng khai mạc tại Trung tâm Hành hương toàn quốc Đức Mẹ La Vang.

Tham dự Đại hội có các Đức giám mục: Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục Tổng giáo phận Tp. HCM, Chủ tịch Hội đồng Giám mục; Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng giám mục Huế, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Mỹ Tho, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục; Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục Bà Rịa; Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Đà Nẵng, Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Gia đình; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ; Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Phú Cường, Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông xã hội; Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá Hưng Hoá, Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng; Đức cha Têphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Cần Thơ; Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh, Giám mục Phụ tá Hà Nội; cùng với khoảng 150 linh mục và gần 50.000 giáo dân.
 
 
Trước Thánh lễ, cha Micae Hy Lê Ngọc Bửu lược thuật lịch sử Linh địa Mẹ La Vang để nhắc nhớ mọi người ý thức về tình yêu thương bao bọc, che chở của Mẹ hiền La Vang. Ngày xưa Mẹ đã cứu giúp đoàn con trong cơn khốn khó gian nan, ngày nay Mẹ cũng luôn ra tay phù trợ đỡ nâng những ai đến nơi đây cầu xin Mẹ. 

 
Chủ đề của Đại hội “Phúc-Âm-hoá đời sống Gia đình” cũng là chủ đề Hội đồng Giám mục mời gọi toàn thể Giáo hội Việt Nam thực hiện trong năm 2014. Mọi tín hữu Việt Nam, con cái của Chúa, con cái của Đức Mẹ, được mời gọi cùng nhau Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình, sống yêu thương chung thủy, hiệp dâng tấm lòng cùng với những cánh hoa dâng Mẹ, nguyện cầu cho các giám mục, linh mục và nhất là cho các gia đình tích cực sống loan báo Tin Mừng.
 
 
Đúng 17 giờ, lễ khai mạc Đại hội bắt đầu với nghi thức dâng hoa cho Đức Mẹ. Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc và Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng cùng đến trước thánh tượng Mẹ La Vang dâng hoa cho Đức Mẹ.
 
Sau khi toàn thể Đại hội cùng đọc kinh Lạy Đức Mẹ La Vang, hai Đức cha đã thả những chùm bóng bay ba màu lên trời cao, tượng trưng cho ba miền giáo tỉnh: màu đỏ tượng trưng cho Hà Nội với dòng sông Hồng chở nặng phù sa; màu xanh tượng trưng cho Huế với dòng sông Hương êm đềm thơ mộng; và màu vàng tượng trưng cho Sài Gòn với những cánh đồng lúa mênh mông...

Tiếp đến, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Huế dâng vũ khúc hoan ca, cùng với những tiếng trống rộn rã hân hoan, diễn tả tình huynh đệ yêu thương hiệp nhất của toàn thể con cái Mẹ thuộc 26 giáo phận sống trên khắp ba miền đất nước Việt Nam và cả hải ngoại.

Từ 2000 năm qua, Chúa đặt Mẹ làm hiền mẫu phù hộ cho mọi người. Mẹ tỏa bóng trên trần gian, an ủi dân Chúa giữa những thử thách ở đời này. Theo lời Mẹ đã hứa “các con hãy cam lòng chịu khổ, từ đây Mẹ sẽ nhận lời các con kêu xin”, chúng ta dõi theo Mẹ và sẽ không lạc đường, có Mẹ chở che, chúng ta không lo sợ gì; nhờ ơn Mẹ phù hộ, chúng ta sẽ đạt đến quê trời. Mẹ thật là “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu”. Với tâm tình ấy, cộng đoàn cùng bước vào Thánh lễ do Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế.

Dứt lời ca nhập lễ, cha Antôn Dương Quỳnh, Tổng đại diện giáo phận Huế, đã giới thiệu và chào mừng quý Đức cha, quý cha và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa.
 
 
 Sau bài Tin Mừng tường thuật việc Đức Mẹ và Thánh Giuse tìm kiếm Chúa Giêsu trong Đền thờ (Luca 2,41-52), Đức cha chủ tế chia sẻ:

Cuộc đời của Mẹ luôn tìm kiếm Chúa, mang Chúa cho người khác, như ngày Mẹ Maria viếng thăm người chị họ cao niên Êlisabeth. Mẹ mang tràn đầy tình thương đến cho gia đình họ. Mẹ Maria loan báo Tin Mừng hữu hiệu bằng tinh thần phục vụ, yêu thương, thật lạ lùng, kỳ diệu. Do tác động của Chúa Thánh Thần, bà Êlisabeth đã thốt lên Mẹ đầy ơn phúc.

Mẹ Maria cũng đang yêu thương đến La Vang và muốn an ủi chúng ta. Mẹ dạy chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin vào những gì Thiên Chúa đã làm và sẽ thực hiện. Thiên Chúa không ngừng tiếp tục ban Chúa Thánh Thần xuống cho chúng ta.

Mẹ là Đức Bà phù hộ các giáo hữu vì Mẹ đầy tràn ân sủng. Mẹ dạy chúng ta tin vào điều Thiên Chúa sẽ thực hiện cho chúng ta là chúng ta sẽ được thông phần vinh quang với Người. Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai cầu xin Người. Tình yêu Chúa giúp chúng ta đồng hình đồng dạng, nên một với Người. Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa hiện thân, đã gọi chúng ta là bạn hữu.

Mẹ La Vang dạy chúng ta gần gũi Chúa, cầu xin Chúa. Mẹ La Vang chính là Mẹ Đầy Ân Phúc. Chính vì sức phù hộ gần gũi của Mẹ đối với Giáo hội Việt Nam mà danh xưng của Mẹ được gọi là Mẹ phù hộ các tín hữu.

Mỗi người được mời gọi yêu mến Mẹ, cầu nguyện với Mẹ. Mẹ dạy chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, cảm ơn Thiên Chúa Cha.

Trong phần lời nguyện tín hữu, cộng đoàn dâng lời cầu nguyện cho các vị mục tử trong Hội Thánh, cho những người đang gặp thử thách, cho hoà bình trên thế giới và cho mỗi người biết sống yêu thương và bác ái thật sự với hết mọi người.

Thánh lễ kết thúc với phép lành trọng thể của Đức Tổng giám mục chủ tế trong tâm tình hân hoan lắng đọng của đoàn con cái Mẹ. 
 

Tâm tình ấy còn được tiếp nối trong phần kiệu và chầu Thánh Thể vào lúc 20 giờ và Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào đêm khuya do Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ giảng lễ.

Đại hội La Vang lần thứ 30 còn kéo dài trong hai ngày tiếp theo. Ngày 14 với Thánh lễ kính Đức Mẹ vào buổi sáng và Thánh lễ Vọng kính Đức Mẹ hồn xác lên trời vào buổi chiều, ngoài ra sẽ có 2 buổi thuyết trình và chia sẻ, và Đêm canh thức tại Linh đài Đức Mẹ. Ngày 15 với Thánh lễ đại triều mừng kính Đức Mẹ hồn xác lên trời, trước đó là phần rước kiệu Đức Mẹ La Vang.
 
WHĐ

VIDEO TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO SÁNG 13.7.2014

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #2

Đức Phanxicô đã tới Hán Thành

Tin CNN vừa cho hay Đức GH Phanxicô đã tới Hán Thành thứ Năm hôm nay, đánh dấu cuộc viếng thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng trong 25 năm nay.
Cuộc viếng thăm lịch sử này cũng là một xác nhận đối với việc thay đổi dân số Công Giáo vì càng ngày con số người Công Giáo càng xuất thân từ Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi và Châu Á, chứ không phải từ thành trì lịch sử là Châu Âu nữa.

Lionel Jensen, giáo sư phụ khảo ngành Ngôn Ngữ Và Văn Hóa Đông Á tại Đại Học Notre Dame cho hay: “Cuộc thăm viếng Nam Hàn của Đức Giáo Hoàng là phần thứ nhất của một việc mở cửa rất thông minh với Á Châu. Sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng là một biểu tượng mạnh mẽ của việc Vatican thừa nhận rằng: chính tại Á Châu và Hạ Sahara của Phi Châu Giáo Hội đang lớn mạnh một cách trông thấy nhất”.

Trong cuộc thăm viếng 5 ngày tại Nam Hàn, Đức GH sẽ phong chân phúc cho 124 vị tử đạo Đại Hàn, giúp cử hành Ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ 6 và cử hành Thánh Lễ cho hoà bình và hòa giải, nhằm nhiều vào mối liên hệ Nam Bắc Hàn.

Bộ Quốc Phòng Nam Hàn cho hay Bắc Hàn bắn ba phi tiễn tầm ngắn ra biển phía đông Bán Đảo Triều Tiên khoảng một giờ trước khi Đức GH đặt chân xuống Hán Thành.

Bán Đảo Triều Tiên tiếp tục vẫn là một bán đảo bị chia đôi. Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Lombardi nói rằng: một trong các sứ mệnh của Đức GH là “đi tới Đại Hàn để cầu nguyện cho hòa giải và hòa bình”.

Đức Phanxicô sẽ gặp Tổng Thống Nam Hàn là Park Geun-hye, cũng như sẽ cử hành Thánh Lễ với thân nhân các nạn nhân của vụ đắm phà Sewol, trong đó các phụ nữ từng bị bắt buộc làm nô lệ tình dục cho quân lính Nhật trong Thế Chiến II cũng có mặt.

Sự lớn mạnh của Đạo Công Giáo tại Nam Hàn rất đáng kể, tăng từ 5 triệu 200 ngàn người năm 2005 lên 5 triệu 400 ngàn người năm 2013. Ấy là đã giảm so với 10 năm trước năm 2005 là thời kỳ mức tăng lên tới 70 phần trăm. Hiện tỷ số người Công Giáo là khoảng 11 phần trăm dân số Đại Hàn. Phần đông theo Phật Giáo (khoảng 25%) hay Thệ Phản (khoảng 18%).

Tại một đất nước có trình độ kỹ thuật cao nhưng đồng thời cũng là một đất nước có số nợ gia hộ trung bình cao nhất, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chắc chắn sẽ nhấn mạnh tới sứ điệp thông thường của ngài về sự đơn giản và khiêm nhường. Chính ngài yêu cầu được sử dụng chiếc xe hơi nhỏ nhất có thể có cho chuyến viếng thăm của mình.

Đức Cha Peter Kang U-il, chủ tịch Hội Đồng GM Đại Hàn, từng viết rằng “Đại Hàn đã trải nghiệm một phát triển nhanh về kinh tế và xã hội, và nay phải chật vật với nhiều tranh chấp phát sinh do cảnh phân cực xã hội mỗi ngày một gia tăng”. Ngài cũng cho rằng: Giáo Hội Đại Hàn phải cố gắng theo đuổi sự lớn mạnh về thiêng liêng, hơn là sự lớn mạnh về vật chất.

Theo tin AP, tại phi trường quân sự ở phía nam Hán Thành, Đức Phanxicô đã bắt tay 4 thân nhân của vụ chìm phà từng làm thiệt mạng hơn 300 người và 2 con cháu các vị tử đạo Đại Hàn thà chết chứ không chối bỏ đức tin.

Một số vị cao niên Công Giáo không cầm được nước mắt, cúi đầu thật sâu lúc chào kính Đức Giáo Hoàng. Một bé trai và một bé gái mặc quốc phục Đại Hàn đã dâng hoa lên Đức Phanxicô. Sau đó, Đức GH đã bước lên chiếc xe hơi nhỏ mầu đen sản xuất trong nước để vào Hán Thành, nơi ngài và Nữ Tổng Thống Park Geun-hye sẽ đọc diễn văn.

Ông Co Young-rae, một người đàn ông Phật Giáo 58 tuổi, phát biểu: “Vì đất nước chúng tôi kinh qua nhiều tình huống không may, nên người dân Nam Hàn rất đau lòng. Ước muốn của tôi là cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng có thể băng bó những con người tan nát cõi lòng này”.

Khi máy bay của Đức GH bay qua vùng trời Trung Quốc trên đường tới Nam Hàn sáng sớm Thứ Năm, Đức GH Phanxicô đã gửi 1 điện văn chào kính và cầu nguyện cho Chủ Tịch Trung Quốc Xi Jinping.

Theo tin BBC, nội dung điện văn vỏn vẹn chỉ có thế này: "Tôi xin ngỏ những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi tới ngài và các đồng công dân của ngài, và tôi khẩn cầu Thiên Chúa ban phúc hoà bình và thịnh vương xuống cho đất nước”.

Đây quả là dịp hiếm hoi để trao đổi vì Tòa Thánh và Bắc Kinh không có liên hệ ngoại giao. Đây cũng là một cố gắng nữa trong việc có được các liên hệ tốt hơn với Trung Quốc và hàn gắn sự nứt rạn giữa nhà cầm quyền Trung Quốc và những người Công Giáo phải thờ phượng bên ngoài Giáo Hội được nhà nước thừa nhận.

Nghi lễ Vatican đòi Đức Phanxicô gửi điện văn cho bất cứ nguyên thủ quốc gia nào máy bay của ngài bay qua. Thông thuờng, các điện văn này không được ai lưu ý, nhưng điện văn sáng sớm Thứ Năm có khác vì lần cuối cùng một vị giáo hoàng muốn bay qua không phận Trung Quốc vào năm 1989 đã bị từ khước.

Các giới chức Vatican nói rằng hiện đang có cuộc đối thoại với các nhà cầm quyền Trung Quốc. Nhưng vấn đề cốt lõi chia rẽ đôi bên, tức việc Vatican được quyền cử nhiệm giám mục, vẫn dậm chân tại chỗ. Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc vẫn nằng nặc đòi quyền cử nhiệm giám mục không cần sự thỏa thuận của giáo hoàng để quản trị gần 12 triệu người Công Giáo.
Vũ Văn An
(VietCatholic News)  

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #1

Đức Phanxicô trên đường tới Đại Hàn

Phái viên của CNA trên chuyến máy bay chở Đức Phanxicô tới Đại Hàn ngày 13 tháng Tám cho hay: trên chuyến bay này, Đức Giáo Hoàng đã bất ngờ dành một phút im lặng cầu nguyện cho một nhà báo vừa bị giết tại Gaza, và cám ơn các nhà báo vì công việc họ làm.

Simone Camilli, một người Ý 35 tuổi làm việc cho hãng tin Associated Press, và thông dịch viên người Palestine của anh là Ali Shehda Abu Afash, đã chết ngày 13 tháng Tám cùng với 4 sĩ quan gỡ bom của Gaza lúc họ đang cố gắng tháo gỡ một hỏa tiễn Do Thái.

Hỏa tiễn phát nổ tại Beit Lahiya lúc họ cố gắng vô hiệu hóa nó. Bốn người khác, trong đó có nhiếp ảnh viên Hatem Moussa của AP, bị thương nặng bởi vụ nổ.

Cuộc đánh nhau giữa Do Thái và Hamas, từ ngày 8 tháng Bẩy, đã sát hại hơn 1,900 người Palestine, và 67 người Do Thái.

Đức Phanxicô nói với các phóng viên sau khi nghe về cái chết của Camilli, Afash và những người khác rằng: “Đây là hậu quả của chiến tranh”.

Ngài cũng nói với họ: “Cám ơn các bạn về viêc phục vụ của các bạn. Cám ơn tất cả những gì qúy bạn đang làm”

Sau đó, ngài xin dành một phút im lặng để cầu nguyện cho những người bị sát hại tại Beit Lahiya. Rồi Đức Giáo Hoàng mới quay qua nói về chuyến đi Nam Hàn. Ngài cho các nhà báo hay: “Đây sẽ không phải là một cuộc du lịch. Nó sẽ rất cực nhọc. Xin cám ơn các bạn rất nhiều, vì lời lẽ của qúy bạn luôn giúp kết hợp chúng ta với thế giới. Tôi cũng xin khuyến khích qúy bạn, hãy luôn luôn ban bố sứ điệp hòa bình này”.

Đức Phanxicô cũng loan báo rằng ngài sẽ dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn trên đường từ Nam Hàn trở về Ý.

Trong một tinh thần nhẹ nhõm, ngài so sánh cuộc phỏng vấn vừa hứa hẹn với câu truyện về tiên tri Đanien trong Thánh Kinh. Ngài bảo: “Đanien sẽ đi vào hang cọp. Nhưng chúng không cắn đâu”, có ý nói tới các nhà báo.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã chào hỏi từng nhà báo, nhiếp ảnh gia và nhân viên quay phim một trên chuyến bay.

Theo phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, có tất cả 10 nhân viên truyền thông người Đại Hàn trên chuyến bay của Đức GH, trong tổng số 72 nhà truyền thông. Họ đại diện cho 11 quốc gia.

Trong số các nhà báo có Jung Ae-ko, một phóng viên làm việc tại London cho tờ JoongAng Ilbo, một nhật báo ở Hán Thành có ấn bản Anh Ngữ.

Jung cho CNA hay: cuộc thăm viếng của Đức GH “hết sức quan trọng” đối với Nam Hàn. Anh nói tiếp: “Gần đây chúng tôi trải qua một thời kỳ khá khó khăn”. Anh có ý nói tới vụ chìm của chiếc phà dài 480 bộ Anh hồi tháng Năm vừa qua. Số người chết lên tới 300, trong đó, có nhiều học sinh trung học đang đi du khảo.

Theo anh “Cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng là tin mừng duy nhất để Nam Hàn vui hưởng vào lúc này”.

Đức GH Phanxicô sẽ ở Nam Hàn trong các ngày 14-18 tháng này. Các biến cố trong chương trình của ngài bao gồm việc phong á thánh cho Paul Yun Ji-chung và 123 bạn đồng tử đạo vì đức tin tại Đại Hàn ở thế kỷ 19.

Những thay đổi lý thú

Theo tin Zenit ngày 13 tháng Tám, điều đáng ghi là trước khi Đức Phanxicô chính thức lên máy bay đi Nam Hàn, đã có nhiều thay đổi lý thú liên quan tới chuyến đi này.

Trước nhất, Thủ Tướng Ý Matteo Renzi sẽ đích thân ra phi trường Fiumicino để chào tạm biệt Đức Phanxicô lúc 4 giờ chiều giờ Rôma. Thứ hai, Tổng Thống Nam Hàn Park Geun-hye sẽ đích thân tới phi trường quân sự để chào đón Đức Phanxicô khi ngài đặt chân tới đây vào lúc 10 giờ 30 phút giờ địa phương.

Việc Tổng Thống Nam Hàn ra tận phi trường đ1on chào Đức GH là một thay đổi có ý nghĩa trong chương trình vì, theo chương trình, bà sẽ chào đón Đức Phanxicô tại dinh tổng thống tức Nhà Xanh.

Đức Giáo Hoàng vẫn sẽ gặp Nữ Tổng Thống Phác tại Nhà Xanh, nơi ngài sẽ được chào đón chính thức. Điều cũng lý thú là ngài sẽ đọc diễn văn tại đây bằng tiếng Anh.

Điều lý thú khác là máy bay của Đức Giáo Hoàng được bay qua không phận Trung Quốc lần đầu tiên, cùng với 10 nước khác là Italy, Croatia, Slovenia, Austria, Slovakia, Poland, Belarus, Russia, Mongolia, và dĩ nhiên Nam Hàn.
Vũ Văn An
(VietCatholic News) 

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM A 10-8-2014

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XIX thường niên năm A
05g30 Chúa Nhật ngày 10-8-2014.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

HỘI DÒNG ĐAMINH TAM HIỆP : HỒNG ÂN KHẤN DÒNG

Dòng Đaminh Tam Hiệp, Lễ Khấn Dòng
 
 
Sáng ngày 07.8.2014, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo Phận Xuân Lộc đã dâng thánh lễ tại nguyện đường Dòng thánh Đaminh Tam Hiệp – Biên Hòa cho 3 chị mừng Kim khánh khấn dòng, 2 chị Ngân khánh và 13 chị mừng Hồng ân vĩnh khấn, cùng với sự hiện diện của Quý Đức Ông, Quý Cha Quản Hạt, Quý Cha Bề Trên, Quý Cha Giáo, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ, Quý Ông Bà Cố, Quý Khách Mời và đông đảo cộng đoàn dân Chúa.
 
 
Dòng Đaminh Tam Hiệp được thành lập vào năm 1951 với tên gọi là Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina Siena, theo tôn chỉ “chia sẽ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm”, sống theo linh đạo của Thánh Đa Minh đã thể hiện: chung sống hòa hợp, trung thành thực hiện ba lời khấn khiết tịnh-khó nghèo và vâng phục theo Hiến pháp Chị em Đa Minh Việt Nam. Hiện nay trụ sợ chính của dòng tại phường Tam Hiệp-Thành phố Biên Hòa-Tỉnh Đồng Nai- thuộc Giáo Phận Xuân Lộc. Qua bao thăng trầm của lịch sử với biết bao khó khăn, thử thách, giờ đây Hội Dòng đã có 345 chị em khấn, 38 tập sinh, 19 tiền tập sinh và 125 thỉnh sinh. Các nữ tu phụ vụ tại trụ sở trung ương và 27 cộng đoàn trong 8 giáo phận khác nhau.
 
 
Hôm nay, Quý thân nhân và ân nhân của đã có mặt từ rất sớm để tham dự Thánh lễ, Qúy Sơ của Hội Dòng đã đón tiếp một cách rất niềm nở, vui tươi và chu đáo. Sơ ca trưởng đã có giờ tập hát chung cho cộng đoàn với các bài ca: Gieo bước, Từng bước con đi lên, Này con tiến dâng, Hướng về Cha Thánh Đa Minh.

Đúng 8h30, đoàn rước tiến bước trong lời ca nhập lễ: Ngày hạnh phúc Chúa ơi, cuộc giao duyên đất trời, đưa con vào tình sử để hiến thân trọn đời, đã tạo nên một bầu không khí linh thiêng, trang nghiêm và đây hân hoan trong ngày Hồng ân Thánh hiến.

Mở đầu, Đức Cha Đaminh đã có lời mời gọi cộng đoàn dân Chúa hãy cùng hiệp lời cầu nguyện cho Quý Dì, cho Hội dòng Đa Minh luôn được đẹp lòng Chúa trong ngày vui hôm nay và mãi mãi. Trong bài chia sẽ Lời Chúa, Đức Cha Đaminh mời gọi các tân khấn sinh hãy sống đời cầu nguyện thật chuyên sâu, làm sao để luôn được kết hiệp với Chúa Giêsu Tình Yêu, từ đó Chúa biến đổi con người của quý sơ theo hình ảnh của Chúa và quý sơ sẽ đem Chúa đến cho mọi người như ý Chúa muốn. Sau phần Phụng vụ Lời Chúa là nghi thức khấn dòng: phần gọi tên của từng ứng sinh như gợi lại tiếng Chúa gọi Samuel trong đêm khuya: Dạ, con đây, cũng như là lời Xin Vâng của Đức Maria năm xưa, lời đáp trả để từ nay các Sơ thuộc trọn về Chúa Kitô. Kế đến là Kinh cầu Các thánh, các ứng sinh phủ phục như là sự từ bỏ tất cả, chỉ khoác lên mình tấm áo choàng đen, sẵn sàng chết với Chúa Kitô để mang lại sự sống mới cho thế gian như hạt lúa mì thối đi để mang lại sự sống mới. Tiếp theo là lời tuyên khấn của các ứng sinh như là lời hứa để các sơ từ nay thuộc về Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, luôn sống tinh thần đã tuyên hứa và gắn trên mình phù hiệu của Hội dòng. Xúc động nhất trong phần gia nhập Hội dòng là lúc Chị tổng phụ trách chính thức nhận các tân ứng sinh với những cái ôm thân tình của chị em để sẵn sàng cùng nhau chia sẽ những niềm vui, nỗi buồn trên con đường dâng hiến. Kết thúc là phần nghi thức trao nhẫn của Đức Cha Đa Minh cho từng ứng sinh như là sự đính ước mỹ mãn để từ nay các Sơ thuộc trọn vẹn về Đức Kitô.
 
 
Kết thúc Thánh lễ là lời chúc mừng của Chị Tổng phụ trách đến Đức Cha Đa Minh, đến Quý Cha nhận Cha Thánh Đa Minh làm Thánh bổn mạng vào ngày 8-8. Chị Tổng cũng nói lên lời tri ân đến Quý ông bà cố đã không quản ngại hy sinh để dâng một người con cho Chúa và cho Hội dòng, tấm lòng của ông bà cố thật cao cả, xin Chúa tiếp tục chúc phúc và trả công bội hậu cho ông bà cố.
 
 
Nguyện xin Thiên Chúa Tình Yêu luôn tuôn đổ ơn lành, sức mạnh và tình yêu cho Quý sơ trong ngày Hồng ân Thánh hiến.

 
Gioan Trần Chính Trọng.
 

GIỚI THIỆU VỀ HỘI DÒNG ĐA MINH TAM HIỆP

1. Danh hiệu

Theo sắc lệnh thiết lập năm 1951, Hội dòng mang tên là Hội dòng Chị Em Đa Minh Việt Nam, Thánh hiệu Catarina Siena. Ngày nay được gọi là Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp.

2. Tôn chỉ

“Chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm” (Contemplare et contemplata aliis tradere).

3. Sống linh đạo Đa Minh

Chị em đón nhận nếp sống tông đồ đã được Thánh Đa Minh thể hiện là: chung sống hòa hợp, trung thành thực thi ba lời khấn, sốt sắng cử hành phụng vụ cộng đoàn, chuyên chăm học hành, tuân giữ kỷ luật đời tu và thi hành sứ vụ.

4. Mục đích

Làm vinh danh Chúa, thánh hóa bản thân và dâng hiến hoàn toàn cho việc loan báoTin Mừng bằng cách thực thi ba lời khấn: Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục theo Hiến pháp Chị em Đa Minh Việt Nam, Nội quy Hội dòng và tinh thần Tu luật Thánh Augustinô.

5. Các hình thức sinh hoạt tông đồ

a. Cầu nguyện, hy sinh và chứng tá đời sống.

b. Loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

c. Giáo dục đức tin và văn hóa, đặc biệt cho thiếu nhi và thanh thiếu niên.

d. Tham gia các hoạt động thăng tiến con người, nhất là quan tâm đến người nghèo khổ, bệnh nhân và những người bị áp bức.

6. Bổn mạng

Cùng với việc tôn kính Cha Thánh Đa Minh, Hội dòng nhận Thánh nữ Tiến sĩ Catarina Siena là bổn mạng nhất (Lễ mừng ngày 29/04) và Thánh Giuse là bổn mạng nhì (Lễ mừng ngày 19/03).

7. Những điểm mốc lịch sử

- Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Đại Diện Tông Tòa Giáo phận Bùi Chu, chính thức ký sắc lệnh thiết lập Hội dòng vào ngày 30/4/1951, sau khi được sự đồng ý của Tòa Thánh (21/3/1951). Nhưng nguồn gốc của Hội dòng xuất thân từ các Nhà Mụ Đa Minh do các Cha thừa sai Dòng Đa Minh quy tụ và sáng lập trong địa phận Đông Đàng Ngoài, Việt Nam từ năm 1715.

- Năm 1954, trước biến cố lịch sử đất nước bị phân đôi thành hai miền Bắc và Nam, và với làn sóng di cư đông đảo, Mẹ Bề trên tiên khởi Maria Êmilia Nguyễn Thị Sê cùng với các thành phần của Hội dòng lúc bấy giờ đã đi vào miền Nam để duy trì và phát triển. Hội Dòng đã chọn mảnh đất Tam Hiệp (Biên Hòa) để định cư và làm nhà Trung ương kể từ đó.- Ngày 27/07/1961, cha Michael Browne, Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, đã ký chấp thuận cho Hội dòng được hiệp thông với Dòng Anh Em Thuyết Giáo trong tinh thần, nhưng biệt lập về việc quản trị.

- Ngày 03/5/1962, Thánh bộ truyền giáo ban hành một Thông tư quyết định cho các Dòng tu đã di cư được hoàn toàn trực thuộc thẩm quyền của các Giám mục địa phương nơi các Dòng đang cư ngụ. Từ đó Hội dòng không còn thuộc thẩm quyền Đức Giám Mục Giáo phận Bùi Chu nữa, mà thuộc thẩm quyền Đức Giám Mục Giáo phận Sài Gòn (từ 1962-1966) và Đức Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc (từ 1966 đến nay).

- Ngày 10/03/1996 Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp cùng với 3 Hội dòng Đa Minh, chính thức thành lập Liên hiệp Nữ Đa Minh Việt Nam. Các Hội Dòng đã sử dụng chung một Hiến Pháp, một tu phục và hợp tác với nhau trong các lãnh vực đào tạo, phụng vụ và sứ vụ…

- Tính đến nay đã có tám vị Bề trên Tổng quyền nối tiếp điều hành Hội Dòng tại trụ sở Trung ương Tam Hiệp, đó là: Mẹ Bề trên tiên khởi Êmilia Nguyễn Thị Sê (1954 – 1960, 1960 – 1966), Mẹ Bề trên Agnès Đỗ Thị Sâm (1966 – 1969), Mẹ Bề trên Antônina Nguyễn Thị Phượng (1969 – 1975, 1983 – 1987), Mẹ Bề trên Anna Nguyễn Thị Ninh (1975 – 1983), Bề trên Tổng quyền Rôsa Đinh Thị Ngọc Hương (1987 – 1991, 1991 - 1995), Bề trên Tổng quyền Isabelle Trần Thị Kim Hường (1995 – 1999, 1999 – 2003), Bề trên Tổng quyền Theresa Nguyễn Thị Mừng (2003 – 2007, 2007 – 2011) và Bề trên Tổng quyền đương nhiệm Maria Nguyễn Thị Hùy (2011 – 2015).

- Hiện nay (Năm 2014) Hội Dòng có 345 chị em Khấn, 38 Tập sinh, 19 Tiền Tập sinh và 125 Thỉnh sinh. Các nữ tu phục vụ tại trụ sở Trung ương và 27 cộng đoàn trong 8 giáo phận khác nhau.

Địa chỉ Nhà Mẹ: 134/4 Khu phố 5, P. Tam Hiệp, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. 
 
(VietCatholic News)

DÒNG THÁNH TÂM HUẾ : HỒNG ÂN KHẤN DÒNG

DÒNG THÁNH TÂM HUẾ
THÁNH LỄ KHẤN DÒNG
 
 
Sáng hôm nay 8/8, đông đảo bà con ân nhân, thân nhân của các thầy thuộc Dòng Thánh Tâm Huế nao nức chờ đợi giờ phút thiêng liêng và vinh dự của con em mình tuyên khấn lần đầu và tuyên khấn trọn đời. Một hồng ân cao quí mà Thiên Chúa đã tuyển chọn cho con em được hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa qua Hội Dòng Thánh Tâm, để phục vụ Giáo Hội và phục vụ tha nhân.
 
 
Trong tâm tình tạ ơn, cộng đoàn sốt sắng chào đón Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Giáo phận Huế chủ tế Thánh lễ và chủ sự Nghi thức Khấn Dòng. Đặc biệt có sự hiện diện của Cha Gaspark Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Tâm Betharam, Cha Giuse Hồ Thứ Giám đốc Đại Chủng viện Huế cùng quí Cha trong và ngoài Giáo phận.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục nói: Hôm nay chúng ta qui tụ về đây tạ ơn Thiên Chúa và Thánh Tâm Chúa Giêsu, chia sẻ niềm vui với Hội Dòng Thánh Tâm, vì đã có nhiều tâm hồn trẻ dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa qua Hội Dòng để phục vụ Giao hội. Nhờ sự dấn thân tự nguyện theo chân Chúa Kitô, các thầy rất cần sự trợ giúp của mỗi một người chúng ta trong lời cầu nguyện, để các thầy vững tâm sống đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục hầu phục vụ Giáo Hội và phục vụ mọi người.

Sau phần phụng vụ Lời Chúa, Nghi thức Khấn Dòng bắt đầu, cộng đoàn sốt sắng quì gối hát kinh Cầu xin Chúa Thánh Thần do Đức Tổng Giám mục khởi xướng. Xin ngọn lửa tình yêu của Thánh Linh xuống trên các thầy để các thầy an tâm, vững bước theo Thập giá Chúa Kitô mà các thầy sắp tự nguyện lãnh nhận.

 
Tiếp đó, Đức Tổng Giám mục ban huấn từ, Ngài nói: Chúa Giêsu xuống thế làm người, Ngài đã thực thi Thánh ý của Chúa Cha: “Này con xin đến để thực thi ý Ngài” Những ai đi theo Ngài đều phải chấp nhận sống đời khó nghèo và vâng phục.

Đời sống thánh hiến là truyền thống sinh động thực thi 3 lời khuyên Phúc âm: Sống đời khiết tịnh của người độc thân trinh khiết, dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa một cách tự nguyện. Sống khó nghèo là từ bỏ vật chất cá nhân ở thế gian này, dùng chính cái nghèo của mình để làm cho mọi người trở nên giàu có, giàu tình yêu của Thiên Chúa. Sống vâng phục là đi vào linh đạo của Chúa Giêsu để làm theo Thánh ý của Chúa Cha: “Tôi đến không phải để làm theo ý tôi, mà làm theo ý Đấng đã sai tôi”.

Điều quan trọng của đời sống thánh hiến không chỉ là đọc lên những lời tuyên hứa mà thôi, những chính là phải thực hiện đời sống thánh thiện, khó nghèo và phục vụ.

Bước vào Nghi thức tuyên khấn lần đầu, Cha Đaminh Phạm Văn Dũng xướng tên 13 ứng sinh đã trải qua một thời gian dài sống trong linh đạo của Hội Dòng, nay được tuyển chọn để tuyên khấn lần đầu, cam kết sống theo 3 lời khuyên Phúc âm, học hỏi hiến chương và tuân giữ luật Dòng.

Các thầy tiến lên quì gối trước vị Chủ chăn của Giáo phận và Cha Bề trên Tổng quyên Antôn Huỳnh Đầy, sau khi được Đức Tổng Giám mục thẩm vấn và dâng lời nguyện chúc phúc, các thầy trang nghiêm đọc lời tuyên khấn. Tiếp đó Đức Tổng Giám mục làm phép Thánh giá và trao cho các thầy biểu tỏ những gánh nặng mà các thầy phải gánh chịu khi chấp nhận bước theo Chúa Kitô. Đức Tổng Giám mục cũng trao sách Hiến chương và luật sống của Hội Dòng cho các thầy để các thầy sống theo khuôn khổ của Hội Dòng.
 
 
Tiếp theo là Nghi thức khấn trọn đời, Cha phó Bề trên xướng tên 6 thầy sắp tuyên khấn lên trước mặt Đức Tổng Giám mục và Cha Bề trên Tổng quyền Hội Dòng. Đức Tổng Giám mục thẩm vấn và dâng lời nguyện chúc. Giờ phút thiêng liêng nhất của các thầy bắt đầu khi các thầy phủ phục trước bàn thờ, Đức Tổng Giám mục xướng kinh cầu Các Thánh, cộng đoàn sốt sắng dâng lời nguyện cầu xin các Thánh chuyển cầu lên Thiên Chúa ban cho các thầy ơn bền chí, sức mạnh để tín thác vào Thiên Chúa, mạnh dạn hiến dâng cuộc đời của mình cho Chúa để phục vụ Giáo Hội.

Trước sự chứng kiến của Vị Đại diện Hội Thánh, trong tay Cha Bề trên Tổng quyền Hội Dòng, các thầy lần lượt đọc lời tuyên khấn và ký tên vào sổ Hội Dòng. Kết thúc phần tuyên khấn, Cha Bề trên Tổng quyền thay mặt Hội Dòng long trọng tuyên bố từ nay các thầy là thành viên chính thức của Hội Dòng, trực tiếp sẻ chia những khó khăn và gánh vác tương lai của Hội Dòng, cộng đoàn hân hoan vỗ tay chúc mừng các thầy. Cha Bề trên Tổng quyền và quí Cha đại diện Hội Dòng trao hôn bình an cho các thầy với một tâm tình huynh đệ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Antôn Huỳnh Đầy, Bề trên Tổng quyền thay mặt Hội Dòng nói lời cảm tạ và tri ân Đức Tổng Giám mục, quí Cha đồng tế, quí tu sĩ nam nữ và cộng đoàn đã hiệp thông cầu nguyện cho các thầy trong Thánh lễ tạ ơn hôm nay. Ngài đặc biệt cảm ơn gia đình của các thầy đã tin tưởng phó thác con cái mình Thiên Chúa qua Hội Dòng để phục vụ Giáo Hội.
 
 
Mặc dù trời nắng nóng, nhưng sau Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục vẫn vui vẻ nhận lời chụp hình lưu niệm với các thầy và gia đình các thầy trong ngày hồng ân thánh hiến này.
 
 
 
Trương Trí
(VietCatholic News)

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 14,22-33)


HỘI DÒNG CON ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM HUẾ KHẤN DÒNG

Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế Mừng Hồng Ân Khấn Dòng
 
Dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm, thường gọi là Dòng Phú Xuân Huế với bề dày lịch sử gần 100 năm thành lập, toạ lạc bên giòng sông Hương thơ mộng, biểu tượng của thành phố Huế, thành phố Di sản Văn hoá của thế giới, thuộc vùng đất Kim Long, xen giữa bao thắng cảnh hữu tình.
 
 
Sáng ngày 5/8, trong bầu khí hân hoan và trang trọng, cộng đoàn Dân Chúa gồm gia đình các khấn sinh và bà con bạn hữu từ khắp nơi trên 3 miền đất nước tề tựu trước sân Hội Dòng chào mừng Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Giáo phận Huế cùng với gần 100 linh mục đồng tế thánh lễ trọng thể mừng hồng ân thánh hiến của 53 khấn sinh, trong đó có 29 Tiên khấn sinh, 24 khấn sinh vĩnh khấn, và 2 chị mừng ngân khánh khấn dòng. 


Không chỉ là nhờ vào vùng đất lành có nhiều chim đậu, mà chính là nhờ vào những nỗ lực hoạt động của Hội Dòng trên khắp mọi miền đất nước, nhất là công việc phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, những bệnh nhân HIV và những người nghèo. Tiếng thơm lan khắp mọi miền, từ đó khơi dậy tinh thần dấn thân phục vụ của giới trẻ. Số thanh tuyển sinh mỗi năm một tăng cao, khấn sinh được chọn lựa ngày càng nhiều.
 
 
Thánh lễ mừng hồng ân khấn dòng hôm nay nói lên được hiệu quả của Hội Dòng với số khấn sinh có thể nói là kỷ lục không chỉ đối với dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm trong suốt gần 100 năm qua của Giáo Hội Việt Nam. 



(dongthanhtam.net)

GIÁO PHẬN THANH HOÁ MỪNG 10 GIÁM MỤC CỦA ĐỨC CHA GIUSE GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

Thánh lễ kỷ niệm 10 năm hồng ân giám mục 
của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh 
và truyền chức linh mục

 
Sáng ngày 05.8.2014, tại lễ đài lớn của nhà thờ Chính tòa Thanh hóa đã diễn ra thánh lễ kỷ niệm 10 năm hồng ân giám mục của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh Giám mục chính tòa giáo phận Thanh hóa và truyền chức linh mục cho 3 phó tế: Giuse Hoàng Kim Khấn, Giuse Vũ Văn Tuyến và Giuse Đỗ Văn Tuấn. 
 
 
Tham dự sự kiện quan trọng này có Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Chủ tịch Ủy Ban Phụng Tự, trực thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Nguyên Giám mục chính tòa Địa phận Phú Cường, cha Tổng Đại Diện giáo phận Bà Rịa Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, quý cha trong và ngoài giáo phận, quý sơ, quý thầy đến từ các hội Dòng trong và ngoài nước và đông đảo bà con đến từ 51 giáo xứ trên khắp các nẻo đường của giáo phận. 
 
 
 Ngày 04.8.2004 của 10 năm trước, cũng tại Lễ đài của nhà thờ Chính Tòa Thanh hóa, linh mục Giuse Nguyễn Chí Linh, thuộc hàng giáo sĩ Giáo phận Nha Trang đã lãnh nhận hồng ân chức giám mục và được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Thanh hóa.
 
 
Xem chi tiết>>

(gpthanhhoa.org)

VIDEO THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 01 - 07.8.2014

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

TỪ VÔ THẦN SANG CÔNG GIÁO

Từ vô thần sang Công giáo: 
Một câu chuyện của nghi ngờ, hiếu kỳ và cuối cùng là niềm vui

Người ta ước tính rằng khoảng 2 phần trăm của dân số thế giới là người vô thần. Trong nhiều năm, Jennifer Fulwiler, là một người trong số đó. Cô lớn lên trong một gia đình hạnh phúc nhưng vô tín ngưỡng. Thậm chí, cô tin rằng tôn giáo được dựa trên một câu chuyện cổ tích và Kitô giáo là một tôn giáo nguy hiểm.


Jennifer Fulwiler, tác giả cuốn “Something Other Than God”, nghĩa là “Còn gì khác ngoài Thiên Chúa”, nói:

"Vâng, tôi đã từng xem Kitô giáo như một cái gì đó nguy hiểm và tôi thực sự muốn khuyến khích mọi người quên đi hệ thống niềm tin nguy hiểm này."

Trong cuốn sách của mình, " Còn gì khác ngoài Thiên Chúa ", cô chia sẻ hành trình của mình. Tất cả mọi thứ từ sự thờ ơ, tới sự hiếu kỳ và cuối cùng là niềm vui. Cô nói rằng tất cả mọi thứ đã thay đổi khi cô và chồng có đứa con đầu tiên. Cô bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi hơn, mà chủ nghĩa vô thần không có thể trả lời.

Jennifer giải thích:

"Chủ nghĩa vô thần nói rằng cuộc sống của con người chẳng qua chỉ là tình cờ ngẫu nhiên của một chuỗi những phản ứng hóa học và điều đó thực sự trái ngược với kinh nghiệm của tôi về cuộc sống và sự gặp gỡ với những người khác."

Sau khi đọc tất cả các loại sách tôn giáo, với nhiều bất ngờ, cô tìm thấy sự thật trong Kitô Giáo. Cuối cùng cô và chồng cô đã trở thành người Công Giáo. Nhìn lại, cô cho biết cuộc sống của cô bây giờ là hoàn toàn khác trước đây.

Jennifer nói thêm:

"Khi tôi còn là một người vô thần, tôi nghĩ rằng ý nghĩa của cuộc sống là phải có càng nhiều tiền càng tốt. Nhưng tôi nhận thấy không bao giờ là đủ. Ao ước được thăng chức nhưng khi được rồi, tôi lại muốn trèo lên cao hơn nữa. Có xe đẹp, tôi lại muốn có xe đẹp hơn. Tôi đã luôn luôn tìm kiếm một điều khác nữa."

Kể từ đó, đức tin của tôi đã phát triển và cả gia đình cô cũng đón nhận đức tin. Cô vẫn giữ liên lạc với một số bạn bè vô thần. Họ có thể không đồng ý về những gì là chân lý, nhưng họ nhìn nhận một sự thật rằng cô đã tìm thấy niềm tin thông qua lý trí.

Jennifer nói tiếp:

"Tôi nghĩ rằng người Công Giáo đôi khi có chút do dự trước các cuộc đối thoại thân thiện với những vô thần, bởi vì họ có thể nghĩ rằng ‘Tôi không muốn nhìn vào những lập luận vô thần quá nhiều vì nó có thể làm lung lay đức tin của tôi và tôi có thể không thích những gì tôi tìm thấy. Tôi luôn luôn khuyến khích mọi người theo lời khuyên của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị: đừng sợ. Trước những thách đố của người vô thần, hãy khám phá mọi khả năng và bạn sẽ tự tin hơn nơi đức tin Công Giáo của mình".
 
Đặng Tự Do
(VietCatholic News) 

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A 03-8-2014

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XVIII thường niên năm A 03-8-2014.
Cha phó Giuse dâng Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( CN đầu tháng ).
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.