Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

KHẨU TRANG LÊN TIẾNG

 
Chúng tôi là những chiếc khẩu trang đơn sơ và âm thầm. Đơn sơ vì ai cũng có thể mang chúng tôi để bảo vệ sức khỏe; âm thầm vì ít người quan tâm đến chúng tôi. Nhưng thời điểm này thì hoàn toàn khác! Khi dịch virus corona hoành hành, ai ai, đâu đâu cũng tìm đến chúng tôi, nói về những chiếc khẩu trang. Do đó, hôm nay chúng tôi mạo muội lên tiếng sau khi lắng nghe những xào xáo trong dư luận những ngày qua.

Dĩ nhiên khẩu trang nhà chúng tôi luôn ước mơ bảo vệ sức khỏe cho mỗi người. Những nơi ô nhiễm không khí, những lúc trời nắng nóng, nhất là trong bệnh viện, chúng tôi luôn đồng hành với mỗi người. Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn những thứ độc hại, không cho chúng lọt vào buồng phổi của con người. Tuy với chức năng cao quý ấy, nhưng chúng tôi được bán với giá rất đỗi bình thường. Hy vọng chúng tôi giúp con người có được an toàn cần thiết liên quan đến đường hô hấp. Trong nạn dịch virus corona lần này, “để chúng tôi nói cho mà nghe” những điều tai nghe mắt thấy.

- Nơi bệnh viện:

Hẳn nhiên chúng tôi theo bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế như hình với bóng. Hơn một tháng qua, chúng tôi chứng kiến biết bao người quảng đại chăm sóc cho các bệnh nhân lây nhiễm corona. Tội nghiệp họ. Vì sứ mạng cứu chữa con người, họ khoác chúng tôi trên miệng và lao vào cứu càng nhiều người càng tốt. Cứ nhìn những vết hằn trên mặt của nhân viên y tế, ai cũng thấy họ đang cố gắng từng giờ, chiến đấu với cơn đại dịch này. Tôi nghe thấy biết bao chuyện vui buồn của những người đang phục vụ trong ngành y. Chúng tôi vất vả một, họ cơ cực trăm phần! Biết sao được, khi nạn dịch mỗi ngày một nguy hiểm. Chúng tôi cũng chẳng ngại ngần đồng hành với y tá, bác sĩ để gần gũi bệnh nhân hơn.

- Nơi tiệm thuốc tây:

Chúng tôi đa phần được phân phối tại tiệm thuốc tây. Những ai cần chúng tôi, xin cứ đến đó mua. Tiếc là những tuần qua, nhiều nhà thuốc tự dưng cho chúng tôi lên giá. Tăng chóng mặt! Chúng tôi không muốn gây khó dễ cho người sử dụng. Sứ mạng của chúng tôi là bảo vệ mọi người. Biết sao được khi nhiều người tham lam, đẩy giá chúng tôi lên tới trời mây. Chúng tôi đâu vui vẻ gì. Đúng là trong hoạn nạn mới biết lòng người. Chúng tôi đau đầu nhức óc khi nghe người ta cãi vã, trả giá và gây hấn về chuyện giá cả của khẩu trang. Phải chi lương tâm con người không để đồng tiền làm hoen ố, chúng tôi đã đến được với mọi người! Hy vọng ai đó bình ổn giá để chúng tôi tự hào vì là “chiếc khẩu trang liêm chính”. Đó chưa kể nhiều nơi trớ trêu với tấm bảng: “không bán khẩu trang, đừng hỏi!” Thật đau lòng, đau cả lương tâm người bán!

- Nơi đường phố:
Chạy dọc các con đường những này, thi thoảng bạn bắt gặp chúng tôi đang được phát miễn phí. Số là trong xã hội vẫn còn nhiều người tốt lắm. Họ sẵn sàng bỏ tiền để mua chúng tôi và phát miễn phí cho những ai cần. Ôi, những người nhận được chúng tôi, vui biết chừng nào! Họ vui vẻ, chúng tôi phấn khởi và xã hội cũng nức lòng. Hóa ra chỉ qua chiếc khẩu trang, người ta lại có thể đo được lòng dạ con người, biết được hiện tình đạo đức của xã hội.

- Nơi người sử dụng:

Chúng tôi ước mong là bạn của mỗi người trong cơn đại dịch virus corona lần này. Xin đừng chểnh mảng quên lãng chúng tôi. Theo chuyên viên, chúng tôi biết bọn virus corona không tha một ai. Có cơ hội là chúng lao thẳng vào buồng phổi con người. Lúc này, chúng tôi có thể ngăn chặn được bọn corona. Nhất là khi đến nơi đông người, xin đừng chủ quan hoặc thờ ơ mà nhiễm bệnh. Hãy làm bạn với chúng tôi nhé!

- Nơi trung tâm dịch bệnh:

Tuy chúng tôi được sản xuất đơn giản và nhanh chóng, nhưng những ngày này chúng tôi dần cạn kiệt. Nhất là những nơi ổ dịch, ai ai cũng dùng khẩu trang nên chúng tôi thiếu hàng. Đó là tắc trách của chúng tôi. Sẽ rút kinh nghiệm để mọi nơi, mọi lúc đủ nguồn cung cấp khẩu trang. Tuy vậy, chúng tôi cũng biết ơn những quốc gia gửi hàng viện trợ đến những nơi thiếu thốn. Đó quả là nghĩa cử cao đẹp. Ước mong dòng họ chúng tôi được phân bổ kịp thời đến người cần.

- Nơi nhà đầu cơ:

Tôi nghe người ta kháo với nhau: “có thể khẩu trang hết hàng khi dịch bệnh kéo dài.” Có thể! Nhưng hy vọng nhà chức trách, nhà sản xuất tìm cách để chúng tôi được hiện diện càng nhiều càng tốt. Nhất là trong lúc cần, chúng tôi không ngại để đồng hành cùng mỗi người. Xin đừng đầu cơ, lãng phí chúng tôi. Hãy trả lại cho chúng tôi đúng vị trí của một chiếc khẩu trang bảo vệ sức khỏe con người. Chúng tôi không vui khi “bị ghim hàng”, trục lợi. Hãy có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Cũng vậy, những ai thực sự cần chúng tôi, cứ việc mua dùng. Ai chưa cần đến, xin nhường chúng tôi cho người khác. Túm lại, mỗi người bình tĩnh để đối phó với cơn dịch virus này. Xin đừng quá hoang mang và lo lắng!

- Lời cuối cùng muốn nói:

Xin cầu nguyện thật nhiều trong cơn đại dịch này. Cầu xin Thiên Chúa sớm cho các nhà chức trách tìm ra giải pháp tốt để khống chế cơn dịch. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những nhà nghiên cứu sớm tìm ra phương thuốc chữa trị. Đừng quên cầu nguyện cho nhau, để lòng người sáng lên trong cơn đại dịch này. Đừng vì khẩu trang chúng tôi mà chí chóe, tham lam và làm hại lẫn nhau.

Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi được đồng hành để chống lại bọn virus này. Corona vẫn đang bùng phát. Số người nhiễm và chết vẫn tăng từng giờ. Do đó, một trong những việc làm cần thiết và hữu hiệu: đeo khẩu trang. Khi đó, chúng tôi tự hào, phấn khởi vì được phục vụ con người trong mỗi nẻo đường.

Chúc mỗi người mạnh khỏe và bình an!

Ký tên: Khẩu trang trong thời gian đại dịch corona,

Nguồn: dongten.net

KHUYẾN CÁO VỀ PHÒNG CHỐNG BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CORONA VIRUS (2019-NCOV) TẠI CÁC CƠ SỞ TÔN GIÁO

Đối tượng: giáo dân – tu sĩ

Mục đích: phòng chống bệnh Viêm Đường Hô Hấp Cấp do chủng mới Corona Virus (2019-nCoV)

Nội dung:
  • Đại cương về tình hình bệnh
  • Các hình thức lây truyền và cách phòng chống
  • Khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y Tế
  • Áp dụng trong một số sinh hoạt tôn giáo
Đại cương về tình hình bệnh

Theo Bộ Y tế, bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong cao, đặc biệt ở những người có bệnh lý mạn tính đi kèm. Một số người nhiễm nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ, không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), tính đến sáng ngày 08/02/2020 thế giới có 34.872 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV và 724 người tử vong, bao gồm 722 người ở Trung Quốc lục địa, 1 ở Hongkong, và 1 ở Phillipin. Tại Việt Nam, có 13 trường hợp nhiễm virus, 3 trường hợp bệnh đều khỏi, chưa có tử vong. Những tỉnh/thành phố có nhiều người nhiễm là Vĩnh Phúc (8), TP Hồ Chí Minh (3), Thanh Hóa (1), Khánh Hòa (1). Đa số cá nhân nhiễm đều có yếu tố nguy cơ là trở về từ Trung Quốc (8). Một số ít tiếp xúc với người trở về từ Trung Quốc (3).

Hiện nay tình hình viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới vẫn tiếp tục và diễn tiến phức tạp. Tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong tiếp tục tăng tại Trung Quốc, chủ yếu xuất phát từ thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc. Ngoài Trung Quốc, dịch lây lan đến 24 quốc gia, có 2 trường hợp tử vong tại Phillipin và Hồng kông. Singapore ngày 07.02.2020 nâng cao mức cảnh báo khi phát hiện 3 trường hợp nhiễm virus ở người không đến Trung Quốc và cũng không có liên hệ với người nhiễm virus trước đó, ám chỉ lây lan virus từ cộng đồng. Nếu có nhiều người nhiễm nCoV từ cộng đồng, việc lan truyền dịch sẽ rất khó cách ly và kiểm soát tốt.

Các hình thức lây truyền và cách phòng chống

Sự lây nhiễm của virus từ người với người thông qua tiếp xúc với dịch tiết cơ thể người bệnh. Ba đường lây chính là ho hắt hơi, bắt tay tiếp xúc, và chạm vào mặt phẳng rắn đã nhiễm virus rồi đưa lên mũi mắt miệng.

Đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao là: (1) những người đã đến vùng dịch tễ như Vũ Hán Trung Quốc, và (2) những người trong nước đã tiếp xúc với những người nhiễm virus trong vòng 14 ngày. Các triệu chứng thường gặp là ho, chảy mũi, sốt, đau họng. Bệnh có thể biến chứng và tử vong vì viêm phổi với triệu chứng khó thở suy hô hấp.

Các biện pháp cần thực hiện để phòng tránh lây lan là: tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, rửa tay sạch thường xuyên, đeo khẩu trang nếu ho sổ mũi, che miệng-mũi khi ho, và khám bệnh khi có triệu chứng ho sổ mũi. Ngoài ra cũng cần thiết ăn uống chín và tránh động vật hoang dã.

Khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y Tế

Bộ Y Tế cùng với Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã có nhiều quy định để phòng ngừa dịch bệnh này.

Đeo khẩu trang y tế không phải là yếu tố quyết định. Tuy nhiên cần đeo khẩu trang cho một số đối tượng cần thiết và trong một số hoàn cảnh cần thiết. Các quy định được Bộ Y Tế ban hành là:
  • 4 đối tượng cần phải đeo khẩu trang: cán bộ y tế, người chăm sóc, người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, và người đi đến cơ sở y tế.
  • 4 hoàn cảnh phải đeo khẩu trang: khi tiếp xúc chăm sóc theo dõi điều trị trực tiếp, khi tiếp xúc gần với người có nguy cơ, khi đến cơ sở y tế khám bệnh, khi ở trong các cơ sở y tế.
  • Có hai loại khẩu trang là khẩu trang y tế chỉ dùng 1 lần rồi bỏ và khẩu trang vải có thể dùng nhiều lần. Người khỏe mạnh, không mắc bệnh đường hô hấp không cần sử dụng khẩu trang khi không cần thiết hoặc có thể sử dụng khẩu trang vải để bảo vệ sức khỏe.
  • Khẩu trang y tế chỉ sử dụng 1 lần, không dùng tay chạm vào mặt trước khẩu trang. Tháo khẩu trang chỉ cầm phần dây quai và cho ngay vào thùng rác có nắp đậy. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi tháo khẩu trang.
  • Khẩu trang vải có thể dùng cho người khỏe mạnh, không có các triệu chứng đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, chảy nước mũi. Đeo khẩu trang vải đúng cách là che cả kín và miệng, tránh dùng tay chạm vào mặt trước khẩu trang, khi tháo chỉ chạm vào phần dây đeo qua tai, giặt sạch khẩu trang hàng ngày bằng xà phòng để dùng lại cho lần sau, và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng tránh lây nhiễm.
Áp dụng trong một số sinh hoạt tôn giáo

Bộ Y Tế khuyến cáo cần đeo khẩu trang khi đến các khu vực tập trung đông người như bến xe, nhà ga, sân bay, chợ, siêu thị, phố đi bộ...

Do đó trong các Thánh lễ, tất cả mọi người, kể cả Ca Đoàn đều nên mang khẩu trang. Ngoại trừ linh mục chủ tế khi ra bàn thánh hoặc bục giảng đứng cách xa mọi người có thể không đeo khẩu trang (với điều kiện linh mục khoẻ mạnh và không có bệnh đường hô hấp). Linh mục và những thừa tác viên giúp trao Mình Thánh Chúa phải sát khuẩn tay trước khi trao Mình Thánh (cần chuẩn bị sẵn những chai sát khuẩn rửa tay nhanh). Nên cho giáo dân rước lễ bằng tay, hạn chế bằng miệng.

Tín hữu khi tham dự các giờ cầu nguyên và đọc kinh chung, lần hạt Mân Côi, Lòng Chúa Thương Xót, những giờ sinh hoạt chung, nên đeo khẩu trang.

Những ai có biểu hiện sốt, ho hắt hơi, không nên tham dự thánh lễ hoặc đến nơi đông người. Nếu tham dự phải mang khẩu trang và phòng ngừa lây lan cho người khác. Giáo Hội nên miễn chuẩn cho họ ngay cả trong trường hợp lễ trọng buộc để tâm lý bà con an tâm.

Ngoài việc đeo khẩu trang, mọi người cần rửa tay với savon và nước sạch thường xuyên, đặc biệt sau khi đưa tay lên mặt và chạm vào khẩu trang.

Trong giai đoạn này xin tạm ngừng chấm Nước Thánh khi bước vào nhà thờ. Nên mở cửa thông thoáng nhà thờ và hạn chế sinh hoạt trong phòng máy lạnh kín gió.

Nghi thức chúc bình an chỉ cúi đầu chào, không nên bắt tay nhau.

Linh mục và hối nhân đều phải mang khẩu trang trong tòa giải tội.

Khi dịch bệnh tăng nhiều sẽ hạn chế hơn các buổi sinh hoạt đông người và các tiếp xúc gần gủi khi thăm kẻ liệt, viếng người bệnh.

Khuyên giáo dân nếu tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm nCoV hoặc khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở nên chủ động đến cơ sở Y Tế địa phương để được tầm soát và cách ly phòng bệnh kịp thời nhằm tránh lây lan cho cộng đồng.

Nhóm soạn thảo chuyên đề của Giới Y Tế Công Giáo TGP Sài Gòn.
(WTGPSG)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 5,13-16)


60 NĂM GP MỸ THO: BÀI 2. CÁC VỊ CHỦ CHĂN ĐÁNG KÍNH - ĐỨC CHA GIUSE








60 NĂM GIÁO PHẬN MỸ THO
1960 - 2020








Bài 2. CÁC CHỦ CHĂN ĐÁNG KÍNH
ĐỨC CHA GIUSE TRẦN VĂN THIỆN
(1908-1989)

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, khi Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, ngài cũng quyết định thành lập ba Giáo phận mới thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn là Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên; đồng thời chính thức bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Thiện làm Giám mục chính tòa tiên khởi Giáo phận Mỹ Tho.

Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện sinh ngày 1 tháng 10 năm 1908 tại Ngũ Hiệp (Cù lao Năm thôn), huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sau thời gian đào tạo tại Tiểu và Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, ngài được thụ phong linh mục ngày 21 tháng 9 năm 1935, sau đó được đặt làm Cha Phó Giáo xứ Mặc Bắc.

Năm 1938, Giáo phận Vĩnh Long được thành lập và Cha Giuse Trần Văn Thiện trở thành linh mục Giáo phận Vĩnh Long. Năm 1940, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục, Giám mục Vĩnh Long, cử ngài du học tại Pháp và đến năm 1947, ngài tốt nghiệp Cử nhân Văn chương Pháp. Trở về Việt Nam, ngài được đặt làm Giám đốc Tiểu chủng viện Á thánh Philipphê Minh mới được thành lập năm 1947. Năm 1956, Cha Giuse giúp họ Bãi Xan, Giáo phận Vĩnh Long. Năm 1958, Hội đồng giám mục Miền Nam Việt Nam quyết định thành lập Viện Đại học Đà Lạt và đặt Cha Giuse Trần Văn Thiện làm Viện trưởng tiên khởi của Đại học.

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ban Sắc chỉ thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Cũng trong Sắc chỉ này, ngài quyết định thành lập Giáo phận Mỹ Tho, tách ra từ Giáo phận Sài Gòn, đồng thời bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Thiện làm Giám mục chính tòa tiên khởi của Giáo phận Mỹ Tho. Nghi thức phong chức giám mục được cử hành tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ngày 22 tháng 1 năm 1961. Khẩu hiệu của vị Tân Giám mục là “Phần rỗi trong Thánh Giá”. Ngày 5 tháng 4 năm 1961, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện chính thức về nhận Giáo phận tại Nhà thờ chính tòa Mỹ Tho, danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội.

La Giám mục tiên khởi của Giáo phận, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện chính là người đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển Giáo phận Mỹ Tho về mọi mặt, trong đó có thể quan tâm đến một số lãnh vực nổi bật (x. Kỷ yếu 50 năm Giáo phận Mỹ Tho, 266-272).

1. Ơn gọi linh mục và tu sĩ

Trong Sắc chỉ quyết định thành lập Giáo phận Mỹ Tho, Thánh Gioan XXIII nhấn mạnh đặc biệt đến việc đào tạo các linh mục tương lai: “Các vị lãnh đạo phải lưu ý đặc biệt đến việc đào luyện những thanh niên có triển vọng lên chức linh mục, vì họ là những hướng đạo tương lai của giáo dân”. Vì thế công việc đầu tiên của Đức Cha Giuse là mở Chủng viện. Năm 1961, Đức Cha Giuse cùng với Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, Giáo phận Cần Thơ, thành lập Đệ tử viện truyền giáo tại địa chỉ 23 Lý Thường Kiệt, Thành phố Mỹ Tho ngày nay. Từ năm 1965, Đức Cha Giuse thành lập Tiểu chủng viện Thánh Gioan XXIII và đã chuyển Ban Giáo sư cũng như nhân sự của Đệ tử viện sang Tiểu chủng viện. Các đệ tử gốc Cần Thơ được đưa về học tại Tiểu chủng viện Á thánh Quý, Cần Thơ.

Nhờ sự quan tâm này, số linh mục trong Giáo phận gia tăng khá nhanh. Năm 1960 khi mới thành lập Giáo phận, có 43 linh mục phục vụ tại 39 giáo xứ. Năm 1974, số linh mục là 71 làm việc tại 41 giáo xứ và trong những lãnh vực khác, ngoài ra còn có 78 chủng sinh đang được đào tạo tại các đại chủng viện.

2. Giáo dục
Khi Hội đồng giám mục Miền Nam Việt Nam quyết định thành lập Đại học Đà Lạt năm 1958, cha Giuse Trần Văn Thiện đã được đặt làm Viện trưởng đầu tiên của Đại học. Sự kiện này nói lên trình độ trí thức cũng như mối quan tâm của Đức Cha Giuse về vấn đề giáo dục. Mối quan tâm đó được thể hiện rõ nét khi ngài nhận trách nhiệm cai quản Giáo phận Mỹ Tho.

Năm 1964, Giáo phận có 7 trường Trung học và 36 trường Tiểu học. Đến năm 1969, tất cả các Giáo xứ trong Giáo phận đều có trường Tiểu học, hầu hết các Giáo xứ lớn đều có trường Trung học. Giáo phận còn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh nghèo, nhất là các em ở vùng quê, bằng cách xây dựng những học xá cho học sinh trung học.

Mối quan tâm về giáo dục của Đức Cha Giuse phản ánh tầm nhìn rộng về sự liên kết chặt chẽ giữa giáo dục văn hóa và giáo dục đức tin, cũng như giữa giáo dục văn hóa và sứ mệnh Phúc-Âm-hóa : “Đức Giám Mục luôn luôn đặt công việc mở mang các trường, khai hóa nhân tâm lên hàng đầu, vì theo ngài, đó là phương pháp tiếp xúc truyền giáo hữu hiệu” (Nguyệt san Đồng Tháp số 6 – Tháng 10-1960).

3. Hoạt động bác ái, xã hội

Theo thống kê năm 1964, tức là sau 4 năm thành lập, Giáo phận Mỹ Tho đã có 5 Nhà thương với 651 giường bệnh, 6 Cô nhi viện với 713 trẻ, 1 Viện dưỡng lão với 207 người, 6 Phòng phát thuốc cấp thuốc cho 63.000 người, 6 Nhà hộ sinh đã tiếp nhận 219 sản phụ. Ngoài ra, Caritas Giáo phận còn quan tâm trợ giúp những người nghèo, cấp học bổng cho học sinh nghèo, mở các khóa dạy nghề, không phân biệt tôn giáo hay địa phương.

Những hoạt động được Đức Cha Giuse quan tâm và phát triển cách đây gần 60 năm vẫn là những hoạt động cần được tiếp nối ngày nay cho dù hoàn cảnh và môi trường xã hội có nhiều thay đổi. Vì thế, dù ngày nay Giáo phận không được phép mở trường như xưa nhưng các Dòng tu vẫn cố gắng mở Nhà trẻ và âm thầm trợ giúp các học sinh nghèo để các em có cơ hội học hành. Ngày nay Giáo phận không thể mở Bệnh viện như xưa nhưng vẫn cố gắng làm những gì trong hoàn cảnh cho phép để phục vụ người nghèo: mở Trường khuyết tật, Nhà dưỡng lão, phòng phát thuốc, thúc đẩy công tác bác ái xã hội.

***

Cuộc đời giám mục của Đức Cha Giuse có thể được chia thành hai giai đoạn: 14 năm đầu (1961-1975) là những năm hoạt động mạnh mẽ trong nhiều lãnh vực, 14 năm sau (1975-1989) là những năm sống âm thầm trong hi sinh và cầu nguyện. Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện qua đời ngày 24 tháng 2 năm 1989, hưởng thọ 81 tuổi, 54 năm linh mục, 28 năm phục vụ trong cương vị Giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho. Thánh Lễ an táng được cử hành ngày 27 tháng 2 năm 1989 và mộ phần Đức Cha được đặt trên cung thánh Nhà thờ chính tòa của Giáo phận.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
(Nguồn: http://giaophanmytho.net)