Thứ Tư, 10 tháng 2, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN: THƯ MỤC VỤ TẾT TÂN SỬU - MÙA CHAY 2021

 

TÒA TỔNG GIÁM MỤC SÀI GÒN
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
E.mail: tgmsaigon@gmail.com
Ngày 08 tháng 02 năm 2021

THƯ MỤC VỤ

Kính gửi quí cha, quí tu sĩ, chủng sinh, và anh chị em tín hữu trong gia đình Tổng Giáo phận

Anh chị em thân mến,

1. Chúng ta vừa đi qua một năm quá khó khăn. Cuộc sống vốn đã vất vả nay lại gánh thêm khó khăn do dịch Covid. Đại dịch đã cướp đi hơn hai triệu sinh mạng trên thế giới và gây nên biết bao thiệt hại cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Tại Việt Nam, sau gần hai tháng bình an, dịch Covid tái xuất hiện và đang lây lan tại một số địa phương.

Thánh Phaolô dạy: “Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,18). Khi được bình an thuận lợi như ý, tạ ơn Chúa là điều dễ. Nhưng Tết năm nay, chúng ta có thể tạ ơn Chúa không? Với đôi mắt tự nhiên, đúng là khó tạ ơn Chúa khi gặp nghịch cảnh khổ đau. Nhưng người Kitô hữu không chỉ nhìn sự việc với đôi mắt tự nhiên, mà còn nhìn với cái nhìn đức tin. Khi bị các anh bán cho các lái buôn đưa sang Ai Cập và phải sống thân phận nô lệ tại đó, làm sao Giuse có thể tạ ơn Thiên Chúa! Nhưng sau này, khi được cất nhắc làm tể tướng phân phát lúa thóc cho dân chúng, lúc gặp lại các anh từ Canaan xuống Ai Cập mua lúa, bấy giờ Giuse mới nhận ra kế hoạch diệu kỳ của Thiên Chúa: “Các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em” (St 45, 5).

Cha trên trời luôn yêu thương và ban cho con cái những điều tốt nhất. Có thể lúc này chúng ta chưa hiểu, nhưng sau này khi nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa thật là kỳ diệu. Như thánh Phaolô, chúng ta xác tín rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người… Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ?” (Rm 8, 28.32).

Với lòng tin tưởng đó, chúng ta hãy bước vào Năm Mới Tân Sửu trong niềm hân hoan. Kính chúc anh chị em Năm Mới đầy tràn phúc lành của Chúa, thánh thiện, bình an và hạnh phúc. Mặt biển có thể nổi sóng vì gió bão, nhưng lòng biển sâu vẫn luôn êm đềm lặng lẽ. Cuộc sống chắc chắn sẽ có nhiều thử thách đau thương, nhưng thẳm sâu của tâm hồn chúng ta luôn bình an vì đã có Chúa là nơi nương tựa vững vàng.

Chúng tôi đặc biệt nhớ đến các anh chị em đang mang bệnh tật, cô đơn, nghèo khổ, thất nghiệp, cách riêng những anh chị em di dân năm nay không thể về quê đoàn tụ với gia đình. Xin Chúa ban cho anh chị em niềm an ủi và sức mạnh thiêng liêng. Xin các cộng đoàn Dân Chúa quan tâm chăm sóc và có những việc làm cụ thể để giúp đỡ các anh chị em này.

2. Ngay sau Tết sẽ là thứ Tư Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay. Đây là thời gian sám hối và canh tân đời sống Kitô hữu bằng cách gia tăng cầu nguyện, thực hành chay tịnh và bác ái. Trong bối cảnh đại dịch Covid, các việc đạo đức Mùa Chay này lại càng khẩn thiết và mang ý nghĩa sâu xa hơn.

Trong thời Cựu ước cũng như trong lịch sử Hội Thánh, bất cứ lần nào gặp tai ương, đau khổ, dịch bệnh, Dân Chúa luôn được mời gọi gia tăng sám hối, ăn chay và cầu nguyện. Phương thuốc thiêng liêng này lúc nào cũng là tiên quyết và hiệu nghiệm.

Hội Thánh là Dân tư tế, không những cầu nguyện cho mình mà còn có sứ mạng cầu nguyện cho thế giới, chuyển cầu cho nhân loại. Là những người con của Cha trên trời, chúng ta hãy khiêm tốn khẩn khoản cầu xin và tuyệt đối tín thác vào lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài muốn chúng ta kiên trì cầu nguyện, để rồi sẽ nhận được bánh chứ không phải đá, nhận được con cá chứ không phải con rắn.

Cầu nguyện không chỉ là khấn xin mà còn là hồi tâm lắng nghe Chúa muốn chúng ta sám hối và thay đổi đời sống thế nào. Lời cầu nguyện chỉ hiệu nghiệm khi quyết tâm hoán cải để sống theo Tin Mừng. Nếu chỉ cầu xin cho nạn dịch mau qua để sau đó trở lại với lối sống ích kỷ, gian tham, hận thù và tội lỗi, liệu Thiên Chúa có nhậm lời cầu xin không? Những cuộc tĩnh tâm Mùa Chay sẽ giúp chúng ta dứt bỏ đời sống cũ để bước theo Chúa trên nẻo đường mới.

Mùa Chay cũng là thời gian thực hành bác ái, mở lòng ra với anh chị em. Trong giai đoạn khó khăn thử thách, hơn lúc nào hết, nhân loại càng cần tình liên đới, cảm thông và chia sẻ. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu hiến mình cho nhân loại qua cái chết trên Thánh giá, chúng ta đón nhận tình yêu của Chúa để sau đó có thể tuôn trào tình yêu cho anh chị em. Kitô hữu phải là người tiên phong trong sự tha thứ và hòa giải, biết chấp nhận nhau, biết giúp đỡ nhau, biết nhận ra người nghèo khổ là Chúa Giêsu để cho ăn, cho uống, cho mặc. Bác ái phải là dấu hiệu đặc trưng để nhận diện người Kitô hữu.

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay và Phục sinh chính là mùa Xuân của tâm hồn. Kính chúc anh chị em vui hưởng mùa Xuân thiên nhiên và mùa Xuân tâm hồn với sức sống và niềm vui của Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống.

Nguyện xin Đức Maria là “Mẹ của niềm hy vọng” thương xót nhân loại đang chịu nhiều nỗi thương đau. Đặc biệt trong năm kính thánh Giuse là Bổn mạng của Hội Thánh, chúng ta phó thác gia đình Tổng giáo phận cho Ngài, xin Ngài bảo vệ và dẫn dắt chúng ta trên mọi bước đường đời.

Thân mến chào anh chị em.

(đã ký)
+ Giuse NGUYỄN NĂNG
Tổng Giám mục

+ Louis NGUYỄN ANH TUẤN
Giám mục Phụ tá
 

(WHĐ), (WGPSG)

TẦM QUAN TRỌNG CỦA THÁNH GIUSE

TẦM QUAN TRỌNG CỦA THÁNH GIUSE

Tác giả: Linh mục Johann Roten, Dòng Mẹ Maria (SM)
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: udayton.edu

WHĐ (9.2.2021) – Lễ Thánh Giuse được nhắc đến lần đầu tiên trong lịch phụng vụ Coptic vào thế kỷ thứ năm, và xuất hiện trong lịch Pháp vào ngày 19 tháng Ba (lần đầu tiên) vào khoảng năm 800.

Sự có mặt của Thánh Giuse trong câu chuyện Chúa Giáng Sinh là một nét quen thuộc trong mỗi khung cảnh Giáng Sinh. Nhưng trong nhiều thế kỷ, Giáo Hội ít chú ý đến Ngài. Điều này đặc biệt rõ ràng so với mối quan tâm đặc biệt đối với vai trò của Đức Maria trong kế hoạch cứu độ. Mặc dù Giáo Hội khá nôn nóng nhấn mạnh tình phụ tử thiêng liêng của Chúa Giêsu đến nỗi Thánh Giuse, người cha thay thế, đã bị quên lãng trong vùng đất bóng tối. Chỉ đến thế kỷ XVI, việc khuyến khích sùng kính Ngài mới chính thức được mở rộng. Vào khoảng thời gian đó, Thánh Giuse bắt đầu có mặt rộng rãi hơn trong việc rao giảng cho giới bình dân như một người lý tưởng trong việc “nuôi nấng và bảo vệ”. Năm 1870, Đức Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ.

Con người của Thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Maria, là câu đố cho các nhà chú giải nhưng lại là niềm vui mừng các nhà linh đạo. Các nhà chú giải vật lộn với con người của Ngài: Thánh Giuse lớn tuổi hơn Mẹ Maria, kết hôn trước khi Ngài gặp Mẹ Maria, với bao nhiêu đứa con từ cuộc hôn nhân trước, và Chúa Giêsu bao nhiêu tuổi khi Thánh Giuse qua đời? Các nhà chú giải vật lộn với nguồn gốc của Thánh Giuse: Ngài quê ở Bêlem hay Nadarét; Ngài đã cùng gia đình chuyển từ Nadarét đến Bêlem, hay từ Bêlem đến Nadarét? Một vấn đề khác giữa các nhà chú giải là tính cách của Thánh Giuse, và đặc biệt là phản ứng của Ngài đối với việc mang thai của Mẹ Maria: Ngài nghi ngờ Mẹ Maria không chung thủy; Ngài có phải là một người đàn ông nhân hậu và mong muốn không để Mẹ Maria xấu hổ không; Ngài có biết về sự thụ thai đồng trinh và cảm thấy không tương xứng với mầu nhiệm kỳ diệu đó; có phải Ngài tôn trọng lề luật Cựu ước nhưng không muốn công khai vạch trần Đức Maria không? Cuối cùng, các nhà chú giải phải vật lộn với gia phả của Thánh Giuse. cha của Ngài là Giacóp, như được chỉ ra trong Mátthêu, hay là Hêli, theo gợi ý của Luca?

Trong Tông huấn của mình Redemptoris Custos – Đấng Bảo Vệ Chúa Cứu Thế, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cẩn thận tránh suy đoán về những chi tiết cụ thể về tiểu sử và cuộc sống hàng ngày của Thánh Giuse. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng đưa ra nhiều hiểu biết liên quan đến mối quan hệ giữa Thánh Giuse và Mẹ Maria. Sức mạnh của thông điệp của Đức Giáo Hoàng là mối tương quan giữa Đức Maria và Thánh Giuse về cơ bản được tìm thấy trong ơn gọi chung của các ngài là tận hiến cho Hài Nhi Thiên Chúa.[1]

Mặt khác, Thánh Giuse là một trong những vị thánh bình dân nhất của thời hiện đại, đặc biệt là từ thời kỳ sau cải cách. Ngài là vị thánh bảo trợ của nhiều quốc gia, chẳng hạn như Áo, Canada, Mexico và Peru, và vì nhiều lý do: Ngài là vị thánh bảo trợ cho ơn chết lành, sự trong trắng, trẻ mồ côi, hôn nhân và gia đình, người ở trọ và chủ nhà trọ, người tị nạn, người gây quỹ, thợ mộc và tiều phu.

Các thánh và các nhà linh đạo đã có ảnh hưởng trong việc đổi mới và làm sâu sắc thêm sự chú trọng đến Thánh Giuse bằng lòng sùng kính và hiểu biết cá nhân của họ. Trong số này có Thánh Têrêsa Avila, Phanxicô Salêsiô và Bernadette. Chúng ta hãy xem xét điều sau đây của Thánh Phanxicô Salêsiô: “Tôi không thấy gì ngọt ngào đối với trí tưởng tượng của tôi hơn là được nhìn thấy trẻ thơ Giêsu trong vòng tay của vị thánh cả này, kêu Ngài bằng những lời trẻ thơ cùng với một tấm lòng hiếu thảo và yêu thương tuyệt đối”[2]. Nhà chú giải nào có thể bác bỏ lời suy niệm này? Hoặc chúng ta hãy lấy lời cầu thay nguyện giúp này từ Bài thánh ca Akathistos[3]. Điều đó cho thấy một sự kết hợp tuyệt vời giữa sự nghi vấn ngay thật với lời ngợi ca hành động siêu nhiên của Thiên Chúa:

“Lòng đầy hoang mang với những ý nghĩ nghi ngờ, Giuse khôn ngoan đã vô cùng bối rối: Ngài luôn nhìn Mẹ như một trinh nữ, và bây giờ Ngài nghi ngờ Mẹ, hỡi Đấng vô tội! Nhưng khi biết rằng sự thụ thai của Mẹ là bởi Chúa Thánh Thần, Ngài kêu lên: Alleluia – Mừng vui lên”.

Lời Alleluia này tự nó là bằng chứng đầy đủ về sự thánh thiện tinh tế của Thánh Giuse. Thánh Giuse quả là một vị thánh mạnh mẽ. Sự thánh thiện của Ngài có ba tầng lớp bởi vì theo một nghĩa nào đó, sự thánh thiện này vừa có phần đóng góp vừa bao gồm sự thánh thiện của cả Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đó là sự thánh thiện của Thánh Gia.

Câu chuyện dân gian sau đây tại thành phố Verona, nước Ý, nhấn mạnh ý tưởng này và nhắc nhở chúng ta một cách hóm hỉnh về chỗ dựa vững chắc nơi vị thánh khiêm tốn này.

Xưa có một người tận hiến riêng cho Thánh Giuse. Người đó dành hết mọi lời cầu nguyện của mình cho Thánh Giuse, thắp nến tri ân Thánh Giuse, bố thí nhân danh Thánh Giuse; tóm lại, ông không đến với thánh nào khác ngoài Thánh Giuse. Ngày hấp hối của ông đã đến, và ông ra trước Thánh Phêrô. Thánh Phêrô từ chối cho ông vào thiên đàng, vì điều duy nhất khiến ông có công nghiệp chỉ là những lời cầu nguyện mà ông đã cầu trong suốt cuộc đời của mình với Thánh Giuse.

Người sùng kính Thánh Giuse nói, “Vì con đã đến tận đây, ít nhất xin hãy cho con gặp Ngài”.

Vì vậy, Thánh Phêrô đã cho người đi mời Thánh Giuse. Thánh Giuse đến và thấy người sùng mộ mình đang ở đó, Thánh Giuse nói: “Hoan hô. Vào ngay đi”.

“Con không được vào. Thánh Phêrô không cho phép con vào; vì Thánh Phêrô nói rằng con chỉ cầu nguyện với Thánh Giuse mà không cầu nguyện với một vị thánh nào khác”.

Thánh Giuse trả lời.

“Điều đó thì có gì khác đâu? Cũng vậy thôi mà, thôi cứ vào đi!”

Nhưng Thánh Phêrô vẫn tiếp tục cản đường. Một cuộc tranh cãi lớn xảy ra sau đó, và cuối cùng Thánh Giuse nói với Thánh Phêrô:

“Hoặc là ông bạn cho anh ta vào, hoặc tôi sẽ dẫn Vợ tôi, Con Trai tôi và tôi sẽ chuyển Thiên Đàng đi một nơi khác”.

Đức Thánh Cha Phanxicô, vào ngày 19 tháng Ba năm 2020, đã mời gọi các tín hữu khẩn cầu với thánh Giuse, đấng bảo vệ các gia đình:[4]

Lạy thánh Giuse, đấng bảo vệ gìn giữ, xin bảo vệ đất nước chúng con.

Xin soi sáng cho những người chịu trách nhiệm về công ích để họ biết, như Cha, chăm sóc cho những người được ủy thác cho trách nhiệm của họ.

Xin ban trí thông minh khoa học cho những người đang tìm các phương thức phù hợp cho sức khỏe và thiện ích thể lý của các anh chị em.

Xin nâng đỡ những ai đang hy sinh vì những người nghèo khổ: các tình nguyện viên, các y tá bác sĩ, những người ở tuyến đầu chăm sóc cho các bệnh nhân, thậm chí với giá là sự an toàn của chính họ.

Lạy thánh Giuse, xin chúc lành cho Giáo hội: từ các thừa tác viên của Giáo hội, xin làm cho Giáo hội trở thành dấu chỉ và dụng cụ của ánh sáng và lòng tốt của Cha.

Lạy thánh Giuse, xin đồng hành với các gia đình: bằng sự thinh lặng cầu nguyện của Cha, xin kiến tạo sự hòa hợp giữa các bậc cha mẹ và con cái, cách đặc biệt là những người bé nhỏ nhất.

Xin gìn giữ những người cao niên khỏi sự cô đơn: xin giúp cho không ai bị rơi vào sự thất vọng khi bị bỏ rơi và nản chí.

Xin an ủi những người yếu đuối nhất, ban ơn can đảm cho những người lung lay, xin bầu chữa cho những người nghèo khổ.

Xin cùng với Đức Trinh nữ, Mẹ của chúng con, cầu Chúa giải thoát thế giới khỏi mọi hình thức của đại dịch. Amen.

Chú thích của người dịch:

[1] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng chăm sóc Chúa Cứu Thế), Ngày 15-09-1989, số 7, đã nói: “Chính phải góp phần vào mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể mà ông Giuse và bà Maria đã lãnh nhận ơn thánh để họ vừa sống đặc sủng trinh khiết vừa sống hồng ân hôn nhân đích thực.”

[2] http://www.intercessorsforpriests.com/

[3] Akathistos là bài thánh ca hay nhất mà Giáo Hội Byzantine tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Trinh Nữ Maria, được long trọng công bố tại Công đồng Êphêsô vào năm 431 (xem Byzantine Leaflet Series 1983, số 27). Bài thánh ca đó ca tụng vai trò của Đức Trinh Nữ trong mầu nhiệm Nhập thể. Bài thánh ca chẳng bao lâu đã trở thành một bài thánh ca tạ ơn sự chuyển cầu và giúp đỡ của Mẹ Maria trên trời, và được cử hành trong suốt năm phụng vụ. Cuối cùng bài thánh ca đã được ấn định đặc biệt cho Thứ Bảy tuần thứ năm Mùa Chay, do đó được gọi là Thứ Bảy Akathistos. Vì bài thánh ca được xướng lên trong khi cộng đoàn vẫn đứng, nên được đặt tên là Akathistos, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là một buổi lễ đứng.

[4] Người dịch thêm Lời khẩn cầu thánh Giuse của Đức Thánh Cha Phanxicô: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-03/dtc-phanxico-khan-cau-thanh-giuse.html

 (WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 10.02.2021


BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 3: BÀ HAI ỚT

 

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 5 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 09.02.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: THÔNG BÁO V/v HẠN CHẾ SINH HOẠT MỤC VỤ TRONG TÌNH TRẠNG DỊCH BỆNH, NGÀY 09.02.2021


 TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
E.mail : tgmsaigon@gmail.com

Số: 231.4_210209_01



THÔNG BÁO
V/v hạn chế sinh hoạt mục vụ trong tình trạng dịch bệnh

Kính thưa quý Cha và các Cộng đoàn,

Dịch Covid đã bùng phát tại thành phố chúng ta với hàng chục ca nhiễm trong cộng đồng. Chính quyền thành phố đã quyết định từ 12 giờ ngày 9/2/2021 phải tạm dừng một số dịch vụ không thiết yếu và hạn chế các hoạt động công cộng có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm cả các nghi lễ tôn giáo.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng và cộng tác tích cực với mọi thành phần xã hội trong cuộc chiến chống dịch bệnh, Tòa Tổng giám mục đề nghị quý Cha, các Cộng đoàn giáo xứ và dòng tu chấp hành triệt để quyết định và tuân thủ nguyên tắc 5K của ngành y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế.

Trong thời gian hạn chế cử hành phụng vụ tập trung, các tín hữu được miễn chuẩn bổn phận tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật. Tuy nhiên, mọi người được khuyến khích tham dự thánh lễ trực tuyến hằng ngày tại Nhà thờ Chính tòa để hiệp thông với toàn thể Hội Thánh không ngừng cầu nguyện cho thế giới trong cơn đại dịch. Các tín hữu cần tham dự một cách ý thức, tích cực và trọn vẹn bằng việc chuẩn bị tâm hồn và y phục xứng hợp, có tư thế cử chỉ nghiêm trang, cùng với tâm tình yêu mến và ước ao kết hợp với Chúa qua việc rước lễ thiêng liêng, hiệp ý cầu nguyện với chủ tế.

Về việc thực hiện thánh lễ trực tuyến, xin lưu ý quý Cha là chỉ nơi nào có phép của Giám mục mới được cử hành, như Ủy ban Phụng tự đã hướng dẫn: “Giám mục giáo phận chịu trách nhiệm đối với các chương trình trực tuyến thánh lễ để luật phụng vụ được tuân thủ cách đầy đủ” (x. Ủy ban Phụng tự: Những lưu ý về trực tuyến Thánh lễ, số 2 - xem tại đây).

Trong bối cảnh cả đất nước chào đón Năm mới Tân Sửu và Giáo Hội bước vào Mùa Chay thánh năm 2021, mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận chúng ta cùng dâng những khó khăn hiện tại và hy sinh của từng cá nhân hay cộng đoàn lên Thiên Chúa, xin Người chúc lành và giúp chúng ta biết sám hối và sống thánh thiện như lòng Chúa mong ước.

Tòa Tổng Giám mục, ngày 9 tháng 2 năm 2021
TL. Đức Tổng Giám mục
(đã ký)
Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
Chưởng Ấn
 

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 09.02.2021


BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 2: TÌM HẠNH PHÚC NƠI THIÊN CHÚA


Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 5 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 08.02.2021


NHỮNG LỢI ÍCH DÂNG MÌNH CHO THÁNH GIUSE VÀ SỰ BẢO TRỢ CẦN THIẾT CỦA NGÀI

 
NHỮNG LỢI ÍCH DÂNG MÌNH CHO THÁNH GIUSE 
VÀ SỰ BẢO TRỢ CẦN THIẾT CỦA NGÀI

Tác giả: Vladimir Mauricio-Perez
Chuyển ngữ: Gia Thi, SDB
Từ: denvercatholic.org

thegioisaledieng (05.02.2021) - Thánh Giuse được Thiên Chúa trao phó sứ mệnh bảo vệ, hướng dẫn và lo liệu cho hai người được thụ thai mà không phạm tội là Mẹ Maria và Chúa Giêsu, nghĩa là bản thân Ngài phải là một người rất nhân đức. Và ngài thực sự là như thế. Các Giáo phụ của Giáo hội và nhiều vị thánh khác nhau trong suốt lịch sử đã tôn kính Thánh Giuse là “vị thánh vĩ đại nhất” – tất nhiên, ngoại trừ Đức Maria, người luôn được xếp vào một hạng khác với những người còn lại. Ngài chiếm một hạng độc nhất trong số các thánh vì vai trò quan trọng của mình trong lịch sử cứu độ, vì đã được tiền định trở thành cha của Chúa Giêsu trên trần gian.

Vì lý do này, và sau khi được các giám mục từ khắp nơi trên thế giới bày tỏ mong muốn, Giáo Hoàng Piô IX đã tuyên bố Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ vào năm 1870.

Khi chúng ta kỷ niệm 150 năm sắc lệnh này, hầu hết các vị Giám mục trong Giáo hội đều ủng hộ các mục tử, giáo xứ và các tín hữu xem xét việc dâng mình hoặc cộng đoàn của họ cho Thánh Giuse trong Năm đặc biệt này.

Sự thánh hiến này sẽ không vô ích, như Thánh Gioan Phaolô II đã viết: “Sự bảo trợ này của Thánh Giuse phải được cầu khẩn khi cần thiết cho Giáo hội, không chỉ như một sự bảo vệ chống lại mọi nguy hiểm, mà còn, và thực sự thiết yếu, như một động lực thúc đẩy sự cam kết mới của Giáo hội đối với việc truyền giáo trên thế giới và tái truyền bá phúc âm hóa ở những vùng đất và quốc gia nơi tôn giáo và đời sống Kitô hữu trước đây rất hưng thịnh và nay đang bị thử thách khó khăn”.

Nếu bạn đang tự hỏi sự dâng hiến cụ thể đòi hỏi điều gì, thì thánh hiến là một hành động mà một cái gì đó hoặc một người nào đó được tách ra cho một mục đích thiêng liêng. Trong đức tin Công giáo của chúng ta, một số vật phẩm được thánh hiến cho mục đích phụng vụ, chẳng hạn như nhà thờ, bàn thờ, chén thánh, v.v… Con người cũng được thánh hiến cuộc sống của họ cho Thiên Chúa bằng những lời khấn hứa trong đời sống tu trì.

Sự dâng mình “cho một vị thánh,” như Đức Maria hay Thánh Giuse, thực sự là sự dâng mình cho chính Chúa Giêsu qua vị thánh đó, qua Đức Maria hoặc Thánh Giuse. Đó là một cam kết nghiêm túc để đáp lại ân sủng của Thiên Chúa, dưới sự hướng dẫn của các ngài.

Cha Donald Calloway viết trong cuốn sách Tận hiến cho Thánh Giuse: “Người dâng mình cho Thánh Giuse muốn càng gần gũi với người cha thiêng liêng của họ, đến độ giống Người về những nhân đức thánh thiện”. Đổi lại, Thánh Giuse dành cho người đó “sự quan tâm yêu thương, sự che chở và sự hướng dẫn của Ngài”.

Đức Maria thành Agreda đáng kính đã đặt ra 7 đặc ân tôn sùng Thánh Giuse: đạt được nhân đức trong sạch; cầu xin sự cầu thay nguyện giúp cách mạnh mẽ để thoát khỏi tội lỗi; gia tăng tình yêu và lòng sùng kính Đức Maria; bảo đảm ân sủng trong việc chết lành; chống lại ma quỷ khi kêu thánh danh của ngài; được khỏe mạnh về thể xác và giúp đỡ những khó khăn; an toàn cho con cái trong gia đình.

Thánh Giuse giữ một vị trí đặc biệt

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII giải thích rằng không ai đến gần sự thánh thiện của Đức Trinh Nữ Maria như Thánh Giuse. “Tự bản chất của nó, [sự kết hợp vợ chồng] đi kèm với sự trao đổi qua lại của sự tốt lành của vợ chồng. Nếu khi ấy, Thiên Chúa ban Thánh Cả Giuse cho Đức Maria làm người phối ngẫu của Mẹ, thì chắc chắn Ngài không ban cho Ngài chỉ như một người bạn đồng hành trong cuộc đời, một nhân chứng cho sự trinh trắng của Mẹ, một người bảo vệ danh dự của Mẹ, nhưng Ngài đã cho Ngài tham dự vào tình cảm vợ chồng trong phẩm giá lỗi lạc của Mẹ.”

Vì lý do này, người ta cũng nói rằng sự gần gũi của Thánh Giuse với Thiên Chúa vượt quá tất cả các thiên thần thánh thiện.

Nhưng câu trả lời cuối cùng, tất nhiên, là Thiên Chúa. Như Cha Calloway viết, “Thánh Giuse là vị thánh vĩ đại nhất trong Vương quốc Thiên đàng bởi vì Thiên Chúa đã tiền định cho ngài vị trí đó”. Cuối cùng, không có thiên thần nào, bất kể thứ hạng của mình, có đặc quyền và trách nhiệm được Con Thiên Chúa gọi là “cha” trên trần gian. Quyền hạn đó được dành cho Thánh Giuse – yêu thương, hướng dẫn và giáo dục một Thiên Chúa làm người.

Chính vì lý do này mà ngài có thể là người bảo trợ của Giáo hội và là người cha thiêng liêng của chúng ta.

Từ “người bảo trợ” bắt nguồn từ tiếng Latinh “pater ”, có nghĩa là “father – cha”. Mặc dù Thánh Giuse không phải là cha ruột của Chúa Giêsu, nhưng ngài chắc chắn là “một người cha thực sự đối với Chúa Giêsu vì ngài đã thực thi tình phụ tử đối với Chúa Giêsu một cách uy quyền, tình cảm và trung thành. Và nếu Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô, thì Thánh Cả Giuse cũng là cha của Giáo Hội.

Điều này có ý nghĩa cá nhân đối với tất cả chúng ta. Chúng ta là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô qua phép rửa của chúng ta, có nghĩa là, nếu Thánh Giuse là cha của Giáo Hội, thì ngài cũng là cha thiêng liêng của chúng ta. Tất nhiên, ngài không phải để thay thế cha đẻ của chúng ta, nhưng ở đó để “nuôi dưỡng, che chở, bảo ban, giáo dục, bảo vệ và sửa chữa chúng ta về mặt tinh thần”.

Chúng ta hãy cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa qua sự chuyển cầu vĩ đại thực sự của ngài, như Thánh Têrêxa Avila đã đề nghị: “Tôi muốn thuyết phục mọi người tôn kính Thánh Giuse với lòng sùng kính đặc biệt. Tôi luôn thấy những người tôn vinh ngài một cách đặc biệt tiến bộ về nhân đức, vì Đấng bảo vệ thiên đàng này phù trợ một cách đặc biệt sự thăng tiến tâm linh của những linh hồn tự khen ngợi ngài”.

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 08.02.2021


Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

GIỜ LỄ TẾT NGUYÊN ĐÁN TÂN SỬU 2021


 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ AN TÁNG LM. PHANXICÔ ASSISI LÊ QUANG ĐĂNG

Bắt đầu lúc 08g30 Thứ Hai, ngày 08.02.2021
 tại Nhà thờ Giáo xứ Tân Hương.
 

8 NỖI SỢ MÀ KINH THÁNH CÓ THỂ GIÚP BẠN VƯỢT QUA



8 NỖI SỢ MÀ KINH THÁNH CÓ THỂ GIÚP BẠN VƯỢT QUA

Chuyển ngữ: Giuse Võ Tá Hoàng
Từ: aleteia.org (04.02.2021)


WGPQN (05.02.2021) - Nỗi sợ thất bại, những vết thương trong quá khứ, tương lai ... Kinh thánh nói về những điều chúng ta thường sợ nhất.

Nỗi sợ có thể trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta khi nó xâm nhập vào cuộc sống dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, một khi đã được nhận diện, nó có thể bị Lời Chúa đánh bại. Như thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta trong thư thứ hai gửi cho Timôtê: “Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2Tm 1, 7). Dưới đây là 8 nỗi sợ có thể ám ảnh chúng ta mỗi ngày và phương thức mà Kinh thánh đưa ra để chống lại chúng.

1. SỢ THIÊN CHÚA

Nếu bạn sợ rằng bạn không đủ tư cách trong mắt Chúa; sợ rằng bạn không có khả năng bước vào trong mối tương quan sâu xa với Chúa Giêsu; sợ rằng Thiên Chúa không ban cho bạn các ơn thiêng liêng; sợ rằng Thiên Chúa sẽ không nói với bạn hoặc không nghe bạn; sợ rằng Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho bạn, hãy đọc thư thứ nhất của thánh Gioan:

“Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4,18)

2. SỢ NGƯỜI KHÁC

Nếu bạn sợ ánh mắt và ý kiến của người khác; sợ bị từ chối bởi những người thân; sợ chính quyền; sợ thua kém, đối đầu hay sợ thất bại, hãy mở sách của tiên tri Isaia:

“Hãy nghe Ta, hỡi những ai biết sống đời công chính, hỡi dân hằng tâm niệm luật pháp của Ta, đừng sợ chi miệng đời nhạo báng, chớ vì lời sỉ nhục của ai mà khiếp đảm” (Is 51, 7).

3. SỢ BẤT AN


Nếu bạn sợ không hiểu được ý Chúa và không đáp lại lời mời gọi của Ngài, hay sợ phải dấn thân; ngại vì rộng rãi với tiền bạc của mình; sợ rằng Thiên Chúa đòi hỏi bạn quá nhiều hay sợ cầu nguyện nơi công cộng, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong sách Đệ Nhị luật:

“Mạng sống anh (em) sẽ treo lơ lửng trước mặt anh (em); đêm ngày anh (em) sẽ khiếp sợ, anh (em) sẽ không tin mình còn được sống. Ban sáng anh (em) sẽ nói: "Bao giờ mới đến chiều? "; ban chiều anh (em) sẽ nói: "Bao giờ mới đến sáng? ", vì nỗi khiếp sợ tràn ngập tâm hồn anh (em) và vì cảnh tượng mắt anh (em) chứng kiến” (Đnl 28, 66-67).

4. SỢ SỐNG THEO TIN MỪNG


Bạn sợ bị bách hại phải không? Sợ cái giá phải trả vì theo Chúa Giêsu? Sợ hoạt động của Chúa Thánh Thần hay sợ cuộc chiến đấu thiêng liêng? Có lẽ đó là nỗi sợ về thực tại của ma quỷ đang ám ảnh bạn? Hay bạn sợ Bí tích Hòa giải, sợ những lời hứa của Thiên Chúa sẽ không được thực hiện? Hãy đọc Thánh vịnh 23:

“Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”
(TV 23,4).

5. SỢ THẤT BẠI

Nếu bạn sợ lại ngã vào tội lỗi hay những cám dỗ của mình; nếu bạn sợ không bao giờ kết hôn, hay ngược lại, sợ trải qua một cuộc khủng hoảng hôn nhân và ly hôn; nếu bạn sợ rằng con cái của bạn sẽ không thành công, sợ thất bại về chuyên môn, sợ làm cha mẹ của bạn hay người khác thất vọng, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong sách Isaia:

“Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta. Quả vậy, hết thảy những ai giận ghét ngươi sẽ thẹn thùng xấu hổ, và mọi kẻ gây hấn với ngươi đều kể như không có và bị tiêu diệt.

Thù địch ngươi, ngươi sẽ tìm mà không thấy. Những kẻ giao chiến với ngươi sẽ kể như không có, như hết sạch cả rồi. Vì Ta, ĐỨC CHÚA, là Thiên Chúa của ngươi, Đấng cầm lấy tay phải ngươi và phán bảo: "Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi” (Is 41, 10-13).

6. SỢ CÁC SỰ KIỆN

Bạn sợ xung đột hoặc nhận tin xấu? Bạn sợ những thời điểm khó khăn hay một thành viên trong gia đình bị thương hoặc bị thiệt mạng? Bạn sợ rằng tình hình tài chính của bạn bấp bênh và điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra? Hãy đọc Thánh vịnh 112:

“Họ sẽ không bao giờ lay chuyển,
thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.


Họ không lo phải nghe tin dữ,
hằng an tâm và tin cậy CHÚA,
luôn vững lòng không sợ hãi chi
và rốt cuộc coi khinh lũ địch thù.

Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc,
đức công chính của họ tồn tại muôn đời, 
uy thế họ vươn cao rực rỡ.

Thấy cảnh này ác nhân tức giận,
nghiến răng nghiến lợi và mòn mỏi héo hon,
ước vọng của ác nhân sẽ chẳng còn”
(Tv 112, 6-8).

7. SỢ QUÁ KHỨ

Quá khứ có đang ám ảnh bạn không? Bạn có sợ phải thú nhận những tội lỗi trong quá khứ không? Bạn có hổ thẹn về quá khứ hoặc điều đó đang ngăn cản công việc của Thiên Chúa trong đời sống của bạn không? Bạn có sợ rằng Thiên Chúa sẽ trừng phạt vì những gì bạn đã làm trong nhiều năm trước không? Hãy mở chương 54 sách Isaia:

“Đừng sợ chi: ngươi sẽ không phải xấu hổ, chớ e thẹn: ngươi sẽ không phải nhục nhằn. Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân và không còn nhớ bao nhục nhằn thời goá bụa” (Is 54, 4).

8. SỢ TƯƠNG LAI

Nếu tương lai khiến bạn phải toát mồ hôi – sợ cô đơn, tuyệt vọng, chết chóc, bệnh tật, cái chết của một người thân, sợ vì thiếu thốn điều gì đó – hãy đọc sách Châm ngôn:

“Khi ngả lưng, con không khiếp sợ. Nằm xuống rồi là an giấc thảnh thơi. Đừng sợ chi khi kinh hãi bất thần ập xuống, hay kẻ ác xông vào tấn công. Vì ĐỨC CHÚA sẽ ở bên con, giữ chân con khỏi sa vào cạm bẫy” (Cn 3, 24-26).

Nguồn: gpquinhon.org
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 07.02.2021