Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

TÌNH CHÚA TÌNH NGƯỜI NƠI TUYẾN ĐẦU

TÌNH CHÚA TÌNH NGƯỜI NƠI TUYẾN ĐẦU

TGPSG -- Con đã dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và quyết định ở lại thêm một tháng nữa...

Ngày Sở Y Tế thông báo: “Xin cho danh sách các Tình Nguyện Viên sẽ đi trong một tháng và hai tháng để chuẩn bị xe trở về”, con đã lặng lẽ tìm một góc vắng, tận hưởng bầu khí yên bình, thanh mát của hàng cây bên nhà, cố gắng hít những hơi thật sâu và dâng lên Chúa chút tâm tư trăn trở trong con.

Mới ngày nào đó con "ra quân" mà hôm nay đã nhận được thông báo ngày trở về. Gần một tháng qua, nỗi nhớ Nhà Dòng, nhớ chị em, nhớ những giờ kinh chung đong đầy trong con… Con muốn trở về, nhưng nỗi niềm thương nhớ bệnh nhân đang đau khổ, đang cô đơn trên giường bệnh; những đôi chân liêu xiêu mệt mỏi của các y bác sĩ; nghĩ về những hành lang bệnh viện đầy rác không có nhân viên thu dọn; nghĩ về giây phút hiện tại con vẫn còn đang thở, đang khỏe, bình an và vui tươi trong sứ vụ... con đã dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và quyết định ở lại thêm một tháng nữa.

“Những ân tình Chúa dành cho con quá cao vời không còn chi hơn, biết lấy chi cảm mến Thánh Ân không bờ bến Chúa thương ban xuống trên phận hèn”. Cả cuộc đời con là lời chúc tụng Chúa, bởi từng phút, từng giây con được sống trong Ơn Thánh Ngài. Mỗi sáng khi thức dậy, lời đầu tiên con thưa lên cùng Chúa thật đơn giản: “Con cám ơn Chúa! con vẫn còn sống”, rồi con nghĩ về những chợ rau không đồng, siêu thị không đồng, những cây ATM gạo miễn phí do những nhà hảo tâm lập ra... Tuy nhiên, có một cửa hàng mà chủ nhân của nó dù có tài sản “kếch-xù” đến mấy cũng không đứng tên được, đó là cửa hàng: “O HAI KHÔNG ĐỒNG” (O2 là Oxy). Vâng chủ cửa hàng ấy chỉ có thể là Thiên Chúa. Mỗi ngày, Ngài vẫn ban phát khí thở cho con cách miễn phí nhưng con cứ ngỡ đó là tự nhiên nên con quên mất cội nguồn của mình. Chỉ khi phải đối diện với sự thiếu thốn O2 giữa cơn đại dịch, con mới bắt đầu thức tỉnh và suy tư.

“Tạ ơn Chúa mỗi sớm mai thức dậy cho con thêm ngày nữa để yêu thương”. Vì thế, con đã tìm về bên Chúa để tạ ơn, để chìm sâu trong thinh lặng và cầu nguyện, vì chỉ nơi Chúa con mới có đủ tình yêu, sức mạnh, sự bình an để trao ban cho những người con phục vụ. Tất cả chúng con - những tu sĩ tuyến đầu - đều hiểu và cảm nghiệm rõ điều ấy, nên mỗi người tự tìm những góc khuất sau ca làm để ở lại với Chúa và hâm nóng đời sống nội tâm của mình.

Mỗi buổi sáng, khi cầm trên tay tô hủ tiếu, chiếc bánh giò, hộp cơm… rồi nhìn vào trong những túi ni-lon đầy đủ những thứ nho nhỏ: chanh, ớt, tăm, khăn ướt… rau, nước để riêng từng bịch, con xúc động, chợt nhớ đến những “chi tiết nhỏ của tình yêu” (Tông huấn Gaudete et exsultate số 144). Vâng, chỉ có những tâm hồn tràn đầy tình yêu mới có thể chu đáo, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ. Chắc chắn để có những phần ăn sáng đúng giờ cho chúng con đi làm, từ những ngày trước các ân nhân đã phải vất vả, trời mưa, trời nắng chuẩn bị nguyên liệu cần thiết; có khi chúng con đang say giấc 3 đến 4 giờ sáng, các mẹ, các chị đã dậy sớm để nhúng phở, luộc rau… Cảm động lắm khi chúng con nhận được những phần cơm bổ dưỡng còn kèm theo bao khích lệ được viết ngoài hộp cơm như: “Cám ơn các chiến sĩ áo trắng”.

Cứ như thế, ngày qua ngày các chuyến xe chuyên chở lương thực, nhu yếu phẩm gói trọn bao yêu thương vất vả, hy sinh cùng lời cầu nguyện từ Đức Tổng, các Linh mục, các Hội Dòng, các giáo xứ, các ân thân nhân xa gần đã được chuyển tới chúng con để tới ngày hôm nay chúng con vẫn khỏe, vẫn vui tươi và bình an. Nhìn về phía sau, chúng con thật hạnh phúc vì có một hậu phương vững chắc đêm ngày giang tay cầu nguyện, thay nhau chầu trực Thánh Thể, dâng lên Mẹ bao lời kinh Mân Côi… để cầu nguyện cho chúng con.

Con ngậm ngùi khi nhận được tin nhắn từ một linh mục già nơi vùng sâu xa:

“Con thương quí. Cha già rồi. Ý thức sự giới hạn con người và sẽ trở thành người thừa thãi trong Giáo Hội, trong xã hội nên nghe biết con và chị em ra đi, cha mừng và theo dõi cũng như mong tin con. Nhớ và cầu nguyện cho chúng con mỗi ngày. Vì có giờ nên mỗi ngày cha dâng lên Chúa nhờ Mẹ 8 Tràng chuỗi, 2 lần 4 cầu nguyện cho chúng con cách riêng. Nói thì dễ, nhất là những người như cha, nhưng đứng trước ngưỡng cửa chết-sống thì mới thấy ý nghĩa Đời Theo Chúa con hè. Cảm ơn con và chị em đã giới thiệu Chúa là tình thương, đặc biệt tiếp cận với những người âm thầm ra đi... Xin Chúa là niềm vui an bình cho Con.
Cha già!”

Và con xúc động hơn khi hậu phương lại có bóng dáng các em thiếu nhi của mình.  
 
Ra đi trong ơn gọi là một tu sĩ - tình nguyện viên nơi tuyến đầu, con nghĩ rằng mình sẽ cho “ai đó” nhiều điều nhưng chút nhỏ bé con cho đi chưa được bao nhiêu thì đã nhận lại cả một đại dương ân tình.

Niềm hạnh phúc càng lúc càng đong đầy hơn khi từng ngày mối tình thân giữa các anh chị em liên tôn giáo càng thêm khăng khít. Hình ảnh “bộ áo nâu” bên những chiếc áo sơ mi nhiều màu sau mỗi giờ cơm chiều, sẻ chia cùng nhau bao vui buồn trong công việc cũng như trong đời tu mới đẹp làm sao! Có lần sư thầy hỏi con:

“Chiều chiều thấy mấy Soeur vừa đi vừa đọc gì vậy?”.
“Làm Soeur mình khấn hứa những điều gì vậy?”.

Các Soeurs cũng hỏi lại Thầy: “Pháp danh 'Chúc Khai' của Thầy nghĩa là gì? Thời gian đào tạo một tu sĩ bên chùa như thế nào vậy Thầy?...

Có lẽ thật hiếm những khoảnh khắc để các tôn giáo sống đời thường, cùng ăn uống, cùng ngủ, cùng làm bên nhau. Khác nhau rất nhiều trong niềm tin, văn hóa, cách ăn, cách mặc… nhưng giờ đây, tất cả chúng con cùng một nhịp đập của yêu thương, cùng một chuyến xe, cùng một nơi đến, cùng một nơi để về và cùng chung một nhịp bước nơi tuyến đầu phục vụ. Những phút giây xa lạ ban đầu giờ đây trở nên gần gũi, thân thương. Tiếng “mọi người ơi” mỗi khi thông báo điều gì đó nay được thay thế bằng tiếng “cả nhà ơi”. Ôi thật đẹp! Thật là một cơ hội quý giá để con học hỏi, trao đổi, giao lưu văn hóa cũng như sống và làm chứng niềm tin của mình với người tôn giáo bạn.

Rời xa mái ấm Hội Dòng con đã nhận lại được nghĩa tình ấm áp nơi đây: Đôi khi chỉ là những miếng gừng, chút sả được bào sẵn trên bàn để khi tan ca trở về có thể dùng ngay; hoặc những chiều mưa nơm nớp trong lòng: “quần áo đang phơi!” Nhưng khi trở về tất cả đều tươm tất... Nhiều lắm những chi tiết nhỏ mà mỗi lần nhìn thấy lại gợi lên trong con lời nhắn nhủ của vị Cha chung trong tông huấn Gaudete et exsultate số 145: “Cộng đoàn nào ấp ủ những chi tiết nhỏ của tình yêu, các thành viên quan tâm, chăm sóc nhau và tạo được môi trường cởi mở và Tin Mừng, bao giờ cũng là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hóa cộng đoàn ấy theo kế hoạch của Chúa Cha. Có những lúc, do quà tặng tình yêu của Chúa, ta được ban cho, giữa những chi tiết nhỏ này, các kinh nghiệm an ủi về Thiên Chúa”.

Trên tất cả có một nơi để con nghĩ về, một hình ảnh lòng con thương nhớ và chứa đầy những kỉ niệm cũng như dấu vết Tình Yêu của Thiên Chúa, đó là tình gia đình. Ba má chính là hiện thân sống động, cụ thể để con dễ dàng hướng lòng lên Cha trên trời. Từ ngày ra quân cho đến hôm nay, khi biết con đang ở tuyến đầu, ba má không lúc nào không đón xem các tin tức từ Sài Gòn. “Thương con nhưng dâng tất cả cuộc đời con vào tay Chúa quan phòng”, Ba con vẫn nói với con như thế mỗi khi gọi điện. Giọng nói của Chúa vẫn ngày ngày thầm thì những lời yêu thương, động viên, khích lệ qua tiếng nói nơi xa của ba má. Ôi tình Chúa thương con!

Đường Sài Gòn những ngày này vắng ngắt, tiếng còi cứu thương vang lên đến sắc lạnh nhưng lòng con vẫn an vui bởi tiếng Chúa vẫn âm thầm từng ngày: “Ta ở với con”. Đong đầy tình của Chúa, của người can đảm đi vào “chiến trận”, con mang theo bao khát vọng để đem Chúa đến với những người con gặp gỡ. Sự hiện diện của con tuy nhỏ bé, âm thầm nhưng chính những “cái nhỏ” ấy lại ánh lên ánh sáng Chúa Phục Sinh. Một bác sĩ đã từng nói với con: “Bệnh viện sẽ vơi đi sự chết, thêm sự sống khi có các Soeurs ở đây cầu nguyện”.

Đôi khi, trên những chiếc áo bảo hộ ghi tên: “Sr Hà, Sr Kiều, Sr Liên …” đã làm các nhân viên y tế không khỏi thắc mắc: “Sao các Soeurs lại có cùng tên lót là “Sơ”. Hay những câu hỏi chúng con vẫn thường nghe: “Sao các Soeur lại có thể sống độc thân không lập gia đình, không thể hiểu nổi?”

Từ trước tới nay, mọi người vẫn quen nhìn các nữ tu trong bộ tu phục chỉnh tề nơi xứ đạo, nay nhìn thấy chúng con trong bộ đồ bảo hộ tại các bệnh viện chắc chắn sẽ có nhiều thắc mắc, nhiều dấu hỏi, nhưng nó lại là một cơ hội để chúng con nói về Chúa. Riêng đối với con, con luôn cảm thấy hạnh phúc vì được sống và cảm nghiệm mầu nhiệm “tự hủy”. Con đã để lại bộ tu phục và nhà nguyện thân thương để mặc lấy chiếc “áo trắng thiên thần”, đến bên Thánh Thể đang hiện diện sống động nơi các bệnh nhân. Nhà nguyện của con giờ đây là nhà thương. Như Giêsu, con hiểu và thấu cảm bao nỗi đau của phận người khi sống giữa vùng dịch, để biết rằng: “Không có Chúa, con không làm gì được” (Ga15, 5) và xác tín hơn: “Không còn là con sống nhưng chính Chúa sống trong con” ( Gl 2, 20). “Mọi sự luôn nói với con về Chúa”.

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết tận dụng mọi hoàn cảnh “lúc thuận tiện cũng như khi không thuận tiện” để rao giảng và làm vinh danh Chúa. Xin được vang mãi khúc ca tạ ơn cũng như khắc ghi “TÌNH CHÚA, TÌNH NGƯỜI” trong tim những người con nơi tuyến đầu chống dịch.

BV Dã chiến ngày 16-8-2021
Nt. Marie Đoàn Tuyết, SPC
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 20 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 18.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

TỪ TUYẾN ĐẦU: LÒNG BIẾT ƠN ĐƯỢC GHI KHẮC TRONG TIM

TỪ TUYẾN ĐẦU: 
LÒNG BIẾT ƠN ĐƯỢC GHI KHẮC TRONG TIM

TGPSG -- "Biết ơn" là tâm tình tôi cảm nhận được trong suốt thời gian phục vụ ở đây.

Khi quyết định lên đường đến tuyến đầu để chống dịch, tôi đã tâm niệm rằng: Hành trình phục vụ bệnh nhân Covid là hành trình “Trao hiến”. Đó là hành trình mà Chúa Giêsu - Vị Mục Tử Nhân Lành - mời gọi và cũng là tinh thần, là linh đạo sống của Hội Dòng chúng tôi. Và thời gian này, tôi cảm thấy mình đang sống ơn gọi, sống lòng biết ơn cách tròn đầy nhất.

Mỗi ngày sống tôi đều cảm nếm được rất nhiều nghĩa cử của tình yêu trao ban - thứ tình yêu đẹp và ý nghĩa đến lạ thường! Tình yêu đó, tôi có thế bắt gặp nơi bất cứ ai trong môi trường sống này: Họ có thể là bệnh nhân, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, các bạn tình nguyện viên hay hàng ngàn con tim đang hướng về chúng tôi để cầu nguyện, để khích lệ và gửi gắm đồ dùng cũng như thức ăn hàng ngày cho chúng tôi.

Niềm vui sướng và lòng biết ơn đến với tôi mỗi khi tôi được tiễn một bệnh nhân xuất viện. Lúc đó, tôi được hòa vào cảm xúc vỡ òa trong hạnh phúc của họ vì cảm nghiệm mình được trở về từ cõi chết. Cuộc sống của họ từ đây chắc hẳn sẽ khác lắm! Tuy nhiên, cả những lần ngậm ngùi tiễn biệt các bệnh nhân trở về nơi an nghỉ cuối cùng, dù lòng xót xa, mũi cay cay và giọt lệ lăn dài trên má, nhưng trong tôi vẫn chứa đầy tâm tình biết ơn. Tôi biết ơn họ đã cho tôi cơ hội để hiểu sự thật về cuộc sống cũng như sự chóng qua của nó. Điều mà trước đây tôi chỉ đọc trên sách vở và cảm nghiệm cách hời hợt, thì nay ngay tại môi trường này, tôi đang trải nghiệm để sống đức tin của mình cách mạnh mẽ nhất. Giờ đây, tôi không còn vất vả để tưởng tượng ra mình phải làm gì, sống như thế nào cho ý nghĩa nữa, vì các bệnh nhân tôi đang phục vụ và những việc tôi đang làm đã cho tôi cơ hội để cảm nhận rõ điều này.

Bên cạnh đó, những cử chỉ “trao ban tình yêu” thật ấm áp - được biểu lộ từ anh chị em trong nhóm tình nguyện viên - luôn làm tim tôi rung động. Chúng tôi đến đây như những người xa lạ, chưa hề gặp gỡ nhau trước đó, nhưng một sợi dây vô hình đã kết nối chúng tôi cho mục đích chung là phục vụ Đức Kitô đau khổ nơi các bệnh nhân trong trận đại dịch. Vì thế, chẳng mất nhiều thời gian để tìm hiểu, chúng tôi vẫn dễ dàng để diễn tả tình yêu và sự quan tâm cho nhau như những người đã thấu hiểu nhau từ lâu. Sự thấu hiểu ấy được thể hiện qua việc chăm lo cho các bệnh nhân, nối kết với người thân và nhận quà… đến việc chăm sóc sức khỏe cho nhau, khích lệ nhau ăn uống, tập thể dục hay nấu những nồi nước xả, gừng thơm phức để cho nhau xông mỗi khi tan ca trở về. Tôi cảm thấy ấm lòng biết bao!

Hằng ngày, chúng tôi cảm nghiệm được sức mạnh của lương thực thiêng liêng qua việc hiệp thông với hy tế của Chúa Giêsu trong thánh lễ, những giờ cầu nguyện và lần chuỗi riêng. Chính nhờ đó, chúng tôi có sức mạnh để đi vào hiến tế cuộc sống nơi anh chị em bệnh nhân chúng tôi phục vụ đang phải gánh chịu.

Nơi đây, chúng tôi có thể tìm gặp Chúa mọi lúc, mọi chỗ chứ không phải chỉ trong nhà nguyện - nơi có đặt Mình Thánh Chúa, hay những giờ đã được quy định như khi ở nhà dòng. Mọi thời điểm và nơi chốn đều có thể giúp chúng tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Tuy nhiên, điểm lựa chọn yêu thích nhất của nhiều người trong chúng tôi mỗi khi có thời gian thinh lặng là trên mái nhà chúng tôi ở.

Những giây phút ở một mình trên đó, tôi cảm thấy mình như đang tạm lánh xa khỏi thế gian và đắm mình trong sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa. Ngoài ra, ngọn tháp cao vót của ngôi thánh đường giáo xứ Thánh Linh xa xa cũng cho tôi cảm nghiệm được sự gắn bó thiêng liêng của mình với Giáo hội. Được sống trong lòng Giáo hội và cảm nghiệm được tình yêu thương đã giúp tôi kín múc được sức mạnh thiêng liêng để phục vụ và trao tặng.

Nhìn lại hành trình từ khi bước chân vào đây, tôi thấy mình nhận được nhiều hơn những gì tôi trao tặng. Lời hứa của thầy Giêsu lúc này đối với tôi đã trở nên ứng nghiệm: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6, 38).

Nt. Francesca Đỗ Thị Thái
Dòng Chúa Chiên Lành 
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 18.8.2021

 

CARITAS TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: NHỮNG TẤM LÒNG SẺ CHIA KHÔNG MỆT MỎI

CARITAS TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: 
NHỮNG TẤM LÒNG SẺ CHIA KHÔNG MỆT MỎI

Vào lúc 23g15 ngày 12-8-2021, tại Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm (MTG KT), địa chỉ 116/3 Hùng Vương, phường 9, Q.5, (Nhà hưu dưỡng Hà Nội); sơ Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Thủy - Phó Giám đốc Caritas TGPSG, đã tiếp nhận 2 xe hàng, chở hơn 22 tấn gồm 35 loại mặt hàng; xuất phát từ Dòng MTG KT - Cộng đoàn Phúc Lộc (PL), tại giáo họ Thánh Mẫu, giáo xứ Phúc Lộc, Giáo phận Buôn Mê Thuột, chuyển đến cho Caritas Tổng Giáo Phận Sài Gòn (TGPSG), nhằm mục đích giúp cho những người nghèo khó bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid.

Số hàng trên do sơ Maria Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Phụ trách Dòng MTG KT - PL, đã kêu gọi các giáo dân trong giáo xứ tiếp tục “Hãy thương đến Sài Gòn”. Trong tình yêu thương, giáo dân lại cùng nhau gom góp những gì gia đình có hoặc mua được chia sẻ với Sài Gòn.

Ngay sáng hôm sau, tức ngày 13-8-2021, lúc 08g30, lần lượt 13 giáo Hạt và 13 đơn vị khác như: Bếp ăn, khu cách ly, các nhóm cứu trợ, các hộ gia đình và một vài phường... đã đến nhận số hàng được phân chia trong số 35 loại gồm: gạo, đường và các loại rau củ quả thiết yếu. Các giáo Hạt sau khi nhận mang về chia cho các giáo xứ, rồi các Gx phân chia cho các hộ nghèo, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch trong địa phương của mình.
 

Chị Maria Lại Thị Mỹ Phụng, trong Ban Caritas Gx Nhân Hòa, hạt Tân Sơn Nhì, TGPSG, khi theo xe đến nhận hàng đã vui mừng, chị nói: “Con thay mặt những người nghèo: người gom ve chai, bán vé số, trẻ em nghèo, người neo đơn, công nhân thất nghiệp; gởi lời cảm ơn đến sơ Ngọc Diệp, cảm ơn quý cha, quý cộng đoàn dân Chúa đã yêu thương gởi đến cho chúng con những hàng thiết yếu này. Xin Chúa trả công bội hậu và ban nhiều sức khỏe cho quý Sơ, quý cha, quý cộng đoàn Gx Phúc Lộc.”
 
Linh mục chánh xứ Martinô hạt Gia Định đã tự lái xe đến nhận rau củ quả để phục vụ cho “Điểm phát cơm miễn phí hỗ trợ mùa dịch Covid” tại giáo xứ, Cha bộc bạch là mình đang nghĩ: “Không biết ngày mai mình lấy gì để nấu đây? Đúng lúc đó sơ Thủy gọi điện báo đến nhận rau củ quả. Tạ ơn Chúa con mừng quá, thế là bếp ăn lại có rau!” Cha cũng cho biết, người giúp Bếp ăn thì như “muối bỏ bể” nhưng Chúa vẫn nuôi dân của Ngài. Mình chỉ có “5 chiếc bánh và 2 con cá” trao cho Ngài và Ngài tiếp tục hóa ra nhiều, nuôi Bếp ăn trong suốt 8 năm qua. Mùa dịch này, mỗi ngày Bếp ăn lo cho hơn 1000 phần ăn: phục vụ cho những người nghèo đến nhận, khu cách ly, nhân viên làm công tác phòng dịch...trong địa bàn của phường 17 và 21 quận Bình Thạnh. Cha đã cảm ơn những người cộng tác giúp cho Bếp ăn luôn đỏ lửa để giúp người nghèo. Việc làm này cũng mang ý nghĩa truyền giáo.
 
 
Có nhóm khá đông công nhân khu nhà trọ vùng Hốc Môn, thất nghiệp trong mùa dịch, phần đông không phải người Công giáo. Mới đây, nhờ sơ Thủy họ mới tiếp cận được sự cứu trợ này, họ mừng lắm, chỉ mong có gạo là thực phẩm chính giúp đỡ đói.

Caritas TGPSG xin cảm ơn sơ Maria Ngọc Điệp, cảm ơn quý cha và cộng đoàn Gx Phúc Lộc, cảm ơn những tấm lòng đã chung tay sẻ chia không mỏi mệt những món quà đang rất cần đối với người nghèo tại Sài gòn.
Caritas TGPSG cũng xin cảm ơn quý sơ của Dòng MTG KT, đã giúp trong việc phân chia hàng hóa ra nhiều phần cho các nơi và cảm ơn những tình nguyện viên (những người hàng xóm của nhà Dòng) đã giúp cho việc bốc dỡ nhiều chuyến hàng, không quản ngày đêm. Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người và xin Chúa cho đại dịch chấm dứt để mọi người được sống bình yên, hạnh phúc.


Tiến Hương
(WGPSG)