Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ HỖ TRỢ KHẨN CẤP CHO VIỆT NAM, HAITI VÀ BANGLADESH

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ HỖ TRỢ KHẨN CẤP 
CHO VIỆT NAM, HAITI VÀ BANGLADESH
 
Ngọc Yến - Vatican News

Vatican News (24.8.2021) - Đức Thánh Cha đã quyết định gửi hỗ trợ khẩn cấp 100 ngàn euro cho người dân Việt Nam, những người đang gặp khó khăn nghiêm trọng do hậu quả kinh tế-xã hội liên quan đến đại dịch Covid-19. Cũng trong lần hỗ trợ này, Đức Thánh Cha còn gởi 200 ngàn euro cho Haiti và 69 ngàn euro cho Bangladesh.

100 ngàn euro cho Việt Nam

Đại dịch tại Việt Nam 

Theo dõi diễn biến tình hình trong thời gian gần đây, qua Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, Đức Thánh Cha đã quyết định gửi hỗ trợ khẩn cấp 100 ngàn euro cho người dân Việt Nam, những người đang gặp khó khăn nghiêm trọng do hậu quả kinh tế-xã hội liên quan đến đại dịch Covid-19.

200 ngàn euro cho Haiti

Động đất tại Haiti

Đối với Haiti, theo số liệu của chính quyền địa phương, trận động đất đã làm cho 2.200 người thiệt mạng, 12.000 người bị thương, và nhiều thiệt hại về vật chất. Cũng qua Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, Đức Thánh Cha đã hỗ trợ ban đầu cho người dân Haiti với số tiền là 200 ngàn euro. Số tiền này sẽ được Sứ thần Toà Thánh tại Haiti cùng với các giáo phận bị ảnh hưởng bởi thiên tai sử dụng để hỗ trợ các nạn nhân của trận động đất.

69 ngàn đô la cho Bangladesh

Bão Yaas tại Bangladesh 

Quốc gia cuối cùng được Đức Thánh Cha trợ giúp trong dịp này là Bangladesh với số tiền là 69 ngàn đô la. Trong thời gian qua, nhiều người dân của đất nước châu Á này đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yaas.

Ngoài số tiền hỗ trợ, Đức Thánh Cha còn bày tỏ sự gần gũi thiêng liêng và sự khích lệ của người cha đối với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch và thiên tai.
(WHĐ)

TÂM TÌNH NGƯỜI THIỆN NGUYỆN

TÂM TÌNH NGƯỜI THIỆN NGUYỆN

TGPSG -- Thời gian trôi đi thật nhanh. Mới ngày nào, tôi bước vào phòng bệnh nhân Covid với tâm trạng hoang mang lo sợ và cả đôi chút bối rối nữa, thế mà một tháng đã qua rồi.

Đa số các tu sĩ thiện nguyện đợt 1 của chúng tôi sẽ khép lại công việc phục vụ ở bệnh viện dã chiến để trở về với cộng đoàn. Trước khi ra về, một vị đại diện tu sĩ thiện nguyện nói lời cảm ơn chân thành đến các y bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế; cám ơn những người đã cho chúng tôi có cơ hội đóng góp công sức nhỏ bé trong việc chăm sóc các bệnh nhân Covid tại tuyến đầu chống dịch.

Thời gian một tháng tuy ngắn nhưng cũng đủ để mỗi tu sĩ chúng tôi cảm nhận về tình Chúa – tình người cách đặc biệt trong cơn đại dịch này, vì thế chia tay nhau, ai cũng thấy buồn.

Là một thiện nguyện viên còn được tiếp tục ở lại, tôi không khỏi thổn thức trong giây phút rời xa nhau, nhưng đồng thời cũng hân hoan, và thầm tạ ơn Thiên Chúa đã giữ gìn chúng tôi được bình an. Những người ra đi nhắn nhủ chúng tôi: “Các chị ở lại cố gắng lên nhé! Chúng em sẽ luôn đồng hành cùng các chị và bệnh nhân trong lời cầu nguyện!” Những lời yêu thương đó như là một liều thuốc bổ giúp tôi và chị em ở lại hăng say hơn trong công việc của mình.

Và đã có không ít những tâm tình của các thiện nguyện viên ở lại cùng chia sẻ với nhau.

Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Điệp cho biết: “Khi phục vụ các bệnh nhân, tôi cảm thấy niềm vui được nhân lên vì nhớ lại lời của Chúa Giêsu nói: Khi các ngươi làm cho kẻ bé mọn dù chỉ là một chén nước lã, là các người đã làm cho chính ta vậy.”

Nữ tu Cecilia Cao Trang Minh Hằng nói: Hạnh Phúc vì có cơ hội thực thi lời đã tuyên khấn và làm chứng qua việc làm - dù nhỏ bé nhưng ích lợi cho người bệnh…

Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Hồng Điệp: Vì Tình Yêu Đức Ki tô thúc bách tôi ở lại… Hãy rao giảng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện…

Như lời của thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Galát:“Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Đức Ki tô sống trong tôi” ( Gl 2, 19-20), sự sống là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho tôi. Tôi ước mong bản thân sẽ sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc để đáp lại tình yêu mà Chúa đã ban và sai tôi đi.

Điều dưỡng Hồng nói với tôi: “Sơ ơi! Mình chăm sóc các bệnh nhân, thấy họ khỏe và được xuất viện thì mừng vui với họ; chứng kiến ca nào tử vong thì lòng buồn rầu và áy náy vì bất lực không thể giúp họ…”

Chính những trải nghiệm này giúp tôi hiểu được rằng: Dám chọn lựa giá trị sống mỗi ngày là sống để lan tỏa yêu thương cho mọi người: đó mới là một cuộc sống giàu có, đáng sống và đáng trân trọng.

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Và tôi tự nhủ hôm nay tôi phải gạt bỏ đi những nỗi buồn phiền và tham sân si, để đổi lấy cách sống đơn giản hơn, nhiệt thành hơn và biết yêu thương cho đi nhiều hơn nữa. Nếu biết sống quảng đại, dấn thân và cho đi, tôi sẽ được Chúa đón nhận như lời Người đã hứa: “Anh em đong đấu nào thì sẽ được Thiên Chúa cho lại như thế”. Sự đồng hành của Chúa khiến tôi quý trọng cuộc sống phục vụ hiện tại của mình.

Tôi tin rằng: các tu sĩ ra về hôm nay sẽ là hậu phương, cùng đồng hành với những người ở lại qua lời cầu nguyện. Đặc biệt hơn nữa, vì biết được các bệnh nhân nơi đây vẫn đang cần sự chăm sóc của các tu sĩ thiện nguyện, nên Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã tăng cường thêm 92 thiện nguyện viên mới để chia sẻ công việc. Và chị điều dưỡng trưởng đã phân công cho các chị em còn ở lại sẽ trở thành những ‘chị Hai’ hướng dẫn công việc cho các thiện nguyện viên mới ra tuyến đầu vào ngày 22/8.

Một tháng làm thiện nguyện đã để lại trong tôi những ký ức đẹp, khi mọi người - không phân biệt tôn giáo, chức vụ - đã cùng nhau dấn thân chăm sóc các bệnh nhân, xích lại gần nhau hơn vì ích lợi của cộng đồng, và nhất là khi các tu sĩ luôn nỗ lực thể hiện tình yêu qua sự tận tâm dấn thân phục vụ của mình.

Têrêsa Nguyễn Thị Dung
Dòng Đaminh Gò Vấp 
(WGPSG)

NHẬT KÝ TU SĨ THIỆN NGUYỆN: “HÃY ĐẾN MÀ XEM”

NHẬT KÝ TU SĨ THIỆN NGUYỆN: 
“HÃY ĐẾN MÀ XEM”

Hoàn Phạm, Dòng Thừa Sai Việt Nam (MSV)
Lễ Kính thánh Batôlômêô, 24/08/2021
Bệnh Viện Ung Bướu 2, Thủ Đức

WHĐ (24.8.2021) - Theo triết học thì một trong ba khởi nguồn cho việc suy tư chính là sự tò mò. Con người là một hữu thể mở ra đến vô tận, luôn luôn muốn khám phá, muốn hiểu biết và không bao giờ thỏa mãn. Tôi cũng không ngoại lệ, trong mọi vấn đề đều luôn thắc mắc, luôn tò mò và ít thỏa mãn. Nhưng tôi cũng như đa số con người lại dễ rơi vào những khẳng định theo định kiến, theo những kinh nghiệm mà mình quan sát, mình biết qua người khác hay sách vở, hay theo ý kiến của đám đông mà không có cơ sở chính xác, không có lý chứng… và tôi dừng lại coi đó là chân lý kiểu như Nathanaen khẳng định với Philipphê “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?” (x. Gioan 1, 45 – 51).

Tôi đến với bệnh viện ung bướu 2, nơi những bệnh nhân được coi là nặng nhất và nguy hiểm nhất do Covid gây nên. Khởi đầu cũng có một chút tò mò, có một chút hoang hoải do những hiểu biết tôi có trước khi vào đây. Trong tâm trí tôi cũng như đa số mọi người thì nơi bệnh viện dã chiến thì có gì hay ho đâu: đó là nơi chẳng ai muốn vào, nơi mà ai cũng muốn ra khỏi nhanh nhất khi có cơ hội, dù đó là những bệnh nhân hay là đội ngũ nhân viên; nơi đó đầy đau thương và nước mắt… nói chung, trước khi vào nơi thiện nguyện, trong đầu tôi dường như là một bức tranh u ám được thêu dệt nên bởi những gam màu đen tối và chết chóc…

Nhưng rồi sau khi biết Tòa Tổng giám mục Sài Gòn mời gọi “hãy đến mà xem”. Tôi có lưỡng lự, có suy tính và cũng có lúc không muốn ra đi vì mang trong mình những suy nghĩ hiểm nguy, rồi cũng nghĩ theo kiểu “biết rồi nói mãi”… Nhưng sau 4 ngày quan sát, cộng tác và làm việc tôi đã thấy rất nhiều gam màu khác nhau trong bức tranh của bệnh tật.

Dù nguy hiểm, đau khổ, tang thương và khó nhọc là có thật, nhưng nơi đây cũng có nhiều câu chuyện đẹp. Khi tôi giúp cho Bà Hoài, bà đưa cho tôi một tờ giấy với dòng chữ nguệch ngoạc của anh con trai yêu quý, một chữ viết vội với số điện thoại trên tay. Tôi cầm tờ giấy đọc mà thấy đây quả là một người con tuyệt vời. Anh ấy viết cho mẹ “Mẹ yên tâm chữa trị đừng lo điều gì hết, ngoài này đã có con lo hết cho mẹ” và phía dưới là số điện thoại với lời nhắn “cứ gọi cho con mẹ nhé”. Khi tôi giúp bà gọi cho anh, nghe hai mẹ con nói chuyện với nhau tôi rất ấm lòng và xúc động. Bà và anh đã cho tôi biết tình mẫu tử thật tuyệt vời và tôi đã nghẹn lòng khi nghĩ đến cha mẹ tôi! Tôi cũng gặp một bệnh nhân là người cha của 3 người con, anh nói cố gắng ăn uống và chỉ mong bình an để về với vợ và 3 con đang chờ đợi ở nhà, anh kể cho tôi trong ánh mắt tự hào về các con của anh. Tôi lại ức nghẹn và nuốt nước mắt vào trong khi nhớ đến những vần thơ:

“Những đứa con ném tình yêu mẹ cha vào vô cảm
Mải mê theo chút vui thú tầm thường
Quên đường về nhà, quên góc sân rêu
Quên đời mẹ cha gừng cay muối mặn
Cho con xa nhà trọ học
Giữa thị thành mong mỏi một ước mơ
Nấc gục vào đêm khi yêu tin chẳng đến bến bờ”.[1]

Nuốt nước mắt vào trong, tôi lại tiếp tục sang phòng bên cạnh. Tôi lại thấy những người bệnh nhân thật là tuyệt vời và lạc quan. Có một chú nhờ tôi mở cửa số ra, chú nói dù ở trong bốn bức tường nhưng vẫn tập thể dục hằng ngày, ngâm nước nóng 30 phút, cố gắng ăn uống vì để nhanh khỏi bệnh đỡ khổ cho mọi người phục vụ. Nhìn tinh thần của chú, tôi thấy “nghịch cảnh có thể là vấn đề của người này nhưng lại là cơ hội cho người khác”. Chú dạy cho tôi một bài học thật tuyệt vời, và chú cho tôi thấy rằng dù hoàn cảnh thế nào cũng phải vận động, phải cố gắng và phải lạc quan. Và sau khi ăn tối chú đã được chuyển lên khu vực nhẹ hơn và vài ba ngày nữa sẽ được xuất viện. Chính những bệnh nhân như chú làm cho khuôn mặt của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên ở đây bớt căng thắng và tôi thấy những nụ cười nơi họ. Họ cười hiền từ với tình yêu của sự sẻ chia, sự nâng đỡ của mọi người dành cho nhau. Các bác sĩ và nhân viên cũng nói với tôi nếu bệnh nhân có cần gì mà thấy bên ngoài có thì cứ lấy cho họ. Và chính các bệnh nhân cũng dạy tôi bài học về chia sẻ yêu thương. Khi có một bệnh nhân xin sửa không đường, tôi đi ra phía ngoài tìm mãi không thấy nhưng may mắn là có một bệnh nhân phòng khác có, tôi xin chú thì chú bảo cứ lấy mà chia sẻ cho người ta; có gì lấy được cứ lấy; rồi có nhiều bệnh nhân cũng khoe được cho sữa, cho thuốc, cho trái cây bởi những người họ không quen biết.

Tôi cũng thấy nơi đây sự hi sinh tận tụy của các y bác sĩ và nhân viên cũng như đội ngũ thiện nguyện viên. Có những bạn sinh viên nữ, theo quan sát của tôi thì được hơn kém 40 kg. Nhưng bạn làm việc suốt cả ca trực từ việc bưng bê, dọn dẹp… hay tôi cũng nghe những soeur trên cùng chuyến xe kể cho tôi nghe ca trực của soeur chỉ có hai người mà lại là hai soeur nên làm việc không ngừng nghỉ mà không hết việc. Thật sự tôi khâm phục họ, vì số lượng công việc rất nhiều và khá mệt, nhất là trong việc gom rác thải, thay đồ cho bệnh nhân, đổ bô vệ sinh… khi kết thúc ca làm mặt mày tôi dường như đen sầm, cổ họng đắng nghét mà đó là ca trực tôi toàn là thầy. Thế mà các soeur cũng từng đó việc mà bệnh nhân lại nặng nữa thì quả là một sự hi sinh và dấn thân thật sự. Họ dấn thân, hi sinh không phải với sự cau mày nhưng là với những niềm vui.

Tôi còn thấy nơi đây những nụ cười của các thiên thần trong bộ đồ áo trắng. Tôi gặp một số thiện nguyện viên, nhất là quí thầy quý soeur làm việc chung luôn luôn cười cười nói nói với nhau và với các bệnh nhân. Khi bắt đầu vào làm việc, bác sĩ trưởng khu 6B cũng dặn chúng tôi vào đây các bệnh nhân rất cần bóng dáng của các bạn dù chỉ cần đi qua đi lại, hỏi họ một vài câu cũng làm cho họ thấy ấm lòng và yên tâm rồi, vì họ bị cách ly hoàn toàn. Vì thế, tôi luôn cố gắng đi từng phòng hỏi han động viên cười cười nói nói với các bệnh nhân. Hôm qua trong lúc tôi đi vào một buồng bệnh nhân, vừa bước tới cửa bảo mọi người có cơm; một chú đã thốt lên “các thiên thần đã đến”, và trong cuộc điện thoại nói chuyện với người nhà có một bệnh nhân đã khoe là yên tâm lắm vì có các người mặc áo trắng như các thiên thần chăm sóc. Khi nghe chữ thiên thần, tôi lại nhớ đến lời Chúa Giê su nói với Nathanaen: “Các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên con người” (Ga 1,51). Thật sự lúc này, tôi cảm nghiệm rằng tình yêu thương làm cho cái điều tưởng chừng là chết chóc trở nên có sức sống. Thiên Chúa hiện diện ngay chính giữa cuộc đời bởi sự trao ban yêu thương của con người và qua đó “tôi thấy kho tàng trong giọt mồ hôi. Thấy nụ cười trong từng dòng nước mắt. Thấy Nước Trời trong lòng đất mẹ cằn khô. Thấy sáng tạo, đi lên, tình người. Yêu thương và hiệp nhất. Thấy lớn lao trong từng nhỏ nhặt. Thấy vinh quang trong khổ nhục, ngài ơi”.

Tôi đã thấy, đã cảm nghiệm nhưng tôi biết rằng tôi còn thấy được những điều lớn lao hơn khi biết nhìn trong ánh mắt của người tin với trái tim yêu thương như lời Chúa Giêsu khẳng định với Nathanaen “anh sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1,50). Tôi thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa qua các người bệnh, nhất là những người tu sĩ và giáo dân. Có một soeur đang nằm điều trị tâm sự với tôi: soeur không chán lắm vì có bộ tràng chuỗi bên mình, soeur biết Mẹ và Chúa luôn ở bên soeur. Hay một giáo dân cũng nói với tôi là đọc kinh kính mừng thường xuyên nên yên tâm hơn… Tôi thấy Thiên Chúa vẫn đang hành động ngay chính lúc này và ở đây, như thông tin của bác sĩ phó giám đốc bệnh viện Ung bướu 2 cho biết thì quý cha và quý tu sĩ thiện nguyện làm việc ở đây chưa có ai bị lây nhiễm trong quá trình làm việc. Thiên Chúa vẫn ở bên để bao bọc yêu thương con người, nâng đỡ con người trong những lúc thử thách gian lao nhất. Thiên Chúa sẽ có cách của Ngài vì Ngài có thể vẽ những đường thắng qua những nét cong của cuộc đời.

[1] Lương Đình Khoa, bài thơ: “Những đứa con ném tình yêu mẹ cha vào sóng”
 
(WHĐ)

 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 21 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. THÁNH BARTHÔLÔMÊÔ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 24.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

17 TÌNH NGUYỆN VIÊN TU SĨ CHIA TAY BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN SỐ 12

17 TÌNH NGUYỆN VIÊN TU SĨ 
CHIA TAY BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN SỐ 12

TGPSG -- Sau một tháng phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12, p. An Khánh, Tp. Thủ Đức, 17 tu sĩ thiện nguyện đợt 1 đã chia tay Ban Lãnh đạo và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện vào lúc 7g30 sáng nay, ngày 23-8-2021.

Trong buổi chia tay, có sự hiện diện của đại diện chính quyền thành phố, gồm: Ông Vũ Mạnh Hải - Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo UBMTTQ Thành phố, và Ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng ban Dân Tộc Tôn Giáo Thành uỷ Thành phố.

Thay mặt Ban Lãnh đạo và y bác sĩ bệnh viện dã chiến số 12, Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường -giám đốc bệnh viện - đã nói lên tâm tình của mình:

“Tôi xin được nói lên lời cảm ơn quý sơ, quý thầy trước khi chia tay. Phải nói là sự đóng góp của quý tu sĩ thiện nguyện là vô cùng to lớn, không chỉ là bề rộng nhưng còn là bề sâu, bởi vì, các vị đã làm việc với cái tâm, với sự tận tuỵ, lòng yêu mến các bệnh nhân ở đây. Bây giờ, các sơ, các thầy ra về, đã để lại khoảng trống lớn trong bệnh viện. Nhưng không biết nói gì hơn, chúc quý sơ, quý thầy và toàn thể gia đình mọi sự bình an, luôn được an khang, mạnh khoẻ và mọi sự may lành.”

Đại diện chính quyền thành phố, ông Vũ Mạnh Hải phát biểu:

“Sau một thời gian quý sơ và quý thầy tham gia chống dịch và mang lại những kết quả rất đáng khích lệ, chúng tôi muốn nói lên lời cám ơn đến quý sơ và quý thầy. Quý tu sĩ đã nêu cao tinh thần hiến thân phụng sự, nhất là đã can đảm dấn thân vào nơi nguy hiểm ở tuyến đầu để phục vụ các bệnh nhân Covid và hỗ trợ các bác sĩ về sức lực cũng như tinh thần. Sự đóng góp này được chính quyền và nhân dân ghi nhận và biết ơn.”

Ông cũng chia sẻ vui bên lề:

“Đời tôi sống đến nay 60 mấy năm mà chưa bao giờ thấy có giai đoạn lịch sử nào đặc biệt như thế này, chỉ vì đại dịch. Trên thế giới cũng không có nước nào làm được như Việt Nam, là huy động lực lượng tu sĩ dấn thân phục vụ chống dịch như thế. Quý sơ quý thầy rất đặc biệt!”.

Thay mặt cho các thiện nguyện viên tu sĩ, thầy Phêrô Nguyễn Bảo Vinh, DCCT. cũng có đôi lời:

“Đại diện cho anh chị em tu sĩ, xin được gửi lời tri ân đến quý bác sĩ trong Ban Giám đốc bệnh viện đã cho anh chị em tu sĩ cơ hội được phục vụ những người gặp đau khổ vì dịch bệnh. Chắc hẳn chúng em chưa làm được gì nhiều để hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây, nhưng chúng em vui vì đã cố gắng hết mình trong mọi công việc. Còn gì thiếu sót, xin quý bác sĩ cũng thông cảm bỏ qua.”

Cuối cùng, các tu sĩ nhận quà tặng và biểu dương của Uỷ ban MTTQ Thành phố, và cùng nhau chụp những bức hình lưu niệm. Sau đó, các tu sĩ lên xe để đến nơi cách ly được sắp đặt trước và sẽ ở lại đây khoảng 2 tuần.


Được biết, tại bệnh viện này vẫn còn 19 tu sĩ và tín hữu Công giáo và Phật giáo tiếp tục ở lại phục vụ, hỗ trợ các bệnh nhân.

Có thể nói, đây là trải nghiệm thật đẹp trong cuộc đời dâng hiến của các tu sĩ trẻ thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn. Các tu sĩ rất mong mọi người tiếp tục cầu xin Thiên Chúa xót thương ra tay quyền năng đẩy lùi dịch bệnh đang gây đau khổ cho rất nhiều mảnh đời, nhiều gia đình trên quê hương Việt Nam.

Jos. Lương Tùng, C.Ss.R.
(WGPSG)

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN NĂNG: THƯ GỬI TU SĨ THIỆN NGUYỆN SẮP RỜI BỆNH VIỆN

THƯ GỬI TU SĨ THIỆN NGUYỆN SẮP RỜI BỆNH VIỆN

TGPSG -- Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đã gửi tin nhắn đến anh chị em tu sĩ kết thúc một tháng phục vụ tuyến đầu trở về:

Chiều Chúa nhật 22/08/2021
Mến gửi anh chị em tu sĩ thiện nguyện sắp rời bệnh viện,
Vậy là một tháng phục vụ đã qua rất mau, phải không?

Tôi biết anh chị em còn đang nhiệt tình muốn ở lại tiếp tục phục vụ, nhưng vì công việc đành phải trở về.

Xin cám ơn anh chị em rất nhiều. Bằng sự hiện diện, tận tụy phục vụ, bằng tình yêu thương và niềm vui, anh chị em đã để lại một ấn tượng tốt đẹp nơi lòng mọi người.

Tôi đã đọc những cảm nghiệm anh chị em đã chia sẻ. Một số đoạn được in đậm tô màu hơi quá, nhưng tất cả đều là những cảm nghiệm quí báu chân thành. Thời gian vừa qua anh chị em đã cho đi, nhưng chính anh chị em lại nhận được nhiều. Những kinh nghiệm phục vụ đã là những bài học “đào tạo” mà chúng ta chưa được học.

Chắc chắn anh chị em ra về mà lòng vẫn nhớ: nhớ bệnh nhân, nhớ những cảnh đời đau khổ...

Xin hãy tiếp tục “nhớ”, nhớ để cầu nguyện, nhớ để quyết tâm hành động, nhớ để biến đổi cuộc đời.

Giáo phận đã thu xếp để anh chị em nghỉ ngơi tại Foyer Cao Thái ít ngày trước khi trở về cộng đoàn.

Cầu chúc anh chị em bình an, vui khỏe và hạnh phúc trong đời dâng hiến.

Chúc anh chị em tối nay từ giã nhau thật vui.

+ Giuse Nguyễn Năng

 

(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 24.8.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 21 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021.THÁNH BARTHÔLÔMÊÔ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Ba, ngày 24.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

PHÂN ƯU - ÔNG CỐ GIUSE PHẠM VĂN LIỆU

PHÂN ƯU

Chúng con được tin: 
 
 
ÔNG CỐ 
GIUSE PHẠM VĂN LIỆU

là Thân Phụ
Cha Giuse Phạm Công Trường, Chính xứ Tam Hà
và Cha Giuse Phạm Văn Thới, Chính xứ Thuận Phát.
  • đã an nghỉ trong Chúa lúc 19g10 thứ Bảy 21.08.2021
  • Hưởng thọ 86 tuổi.
Xin được chia sẻ nỗi niềm bùi ngùi, thương nhớ Ông Cố GIUSE cùng Bà Cố, Quý Cha và quý tang quyến. Nguyện xin Thiên Chúa sớm đón nhận Linh Hồn Ông Cố GIUSE vào quê Thiên Đàng.

Giaoxuthuanphat's blog

CÁO PHÓ: ÔNG CỐ GIUSE - THÂN PHỤ CHA CHÍNH XỨ TAM HÀ VÀ CHA CHÍNH XỨ THUẬN PHÁT - QUA ĐỜI

“Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25a)

CÁO PHÓ

Trong niềm tin vào Mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô,
gia đình chúng con chân thành kính báo:

ÔNG CỐ GIUSE PHẠM VĂN LIỆU

đã được Chúa gọi về lúc 19g10 thứ Bảy 21.08.2021
hưởng thọ 86 tuổi.

Kính xin Đức Tổng Giám mục Giuse, Đức Hồng y Gioan Baotixita, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và quý ông bà anh chị em thương cầu nguyện cho Ông cố Giuse sớm hưởng Nhan Thánh Chúa.

Tang gia đồng kính báo.
 
T/M gia đình,
Lm. Giuse Phạm Công Trường, Chính xứ Tam Hà
và Lm. Giuse Phạm Văn Thới, Chính xứ Thuận Phát.

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN TRẺ TRONG CHUYẾN ĐI THIỆN NGUYỆN


CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN TRẺ 
TRONG CHUYẾN ĐI THIỆN NGUYỆN

WGPXL (23.8.2021) - Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà đã hơn một tuần con tham gia hoạt động thiện nguyện chống dịch Covid-19. Thời gian phục vụ tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong con biết bao nhiêu cảm xúc và những kỷ niệm đẹp mà có lẽ con sẽ không bao giờ quên được.

Con còn nhớ rất rõ ngày ấy, vào một buổi chiều vàng nhạt nắng, nhận được lá thư kêu gọi tham gia tình nguyện của Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, lòng con bỗng trào dâng một cảm xúc lâng lâng khó tả: con muốn được ra đi, được phục vụ, được chia sẻ nỗi đau của những bệnh nhân Covid-19. Vì thời gian đăng kí khá gấp nên con chỉ có một ngày để suy nghĩ và quyết định. Con đã cầu nguyện thật nhiều để xin ơn Chúa soi sáng và thêm sức; hơn lúc nào hết, con cảm thấy tâm hồn mình thật bình an nên con đã quyết định đăng kí tham gia. Vì rất thương và lo lắng cho con nên gia đình con đã phản đối không cho phép con đi. Nhìn đôi mắt đượm buồn của Mẹ và những người thân trong gia đình, con đã phải chiến đấu một cách dữ dội. Vâng, người ta thì được kêu gọi “ở nhà để chống dịch” còn con thì lại muốn “lên đường chống dịch”. Nhưng Mẹ ơi, “Nơi nào cần thanh niên có; Nơi nào khó có Giáo Lý viên” mà. Là một Giáo Lý viên, con không thể khoanh tay đứng nhìn. Mẹ yên tâm, con sẽ hết sức cẩn trọng, con tin Chúa sẽ gìn giữ con và gia đình mình được bình an. Thế là, với tất cả nhiệt tâm muốn dấn thân phục vụ, con đã thuyết phục được gia đình đồng ý và ủng hộ cho con đi thiện nguyện.

Cập nhật tin tức Covid thường xuyên về số ca nhiễm và số người chết mỗi ngày một tăng, cũng như xem những video tang thương về những “đám tang không xác”, tiếng khóc than của những người thân khi đứng cạnh chiếc xe chở quan tài người thân của mình mà mình không được nhìn mặt lần cuối, vội vã chia tay trong ngậm ngùi,... tất cả những hình ảnh đó đã đánh động lòng con. Con cảm thấy lòng mình quặn đau vì quá nhiều những đau thương, mất mát và thiệt hại đang diễn ra xung quanh mình. Covid ơi, mi không chỉ khiến người ta phải chết mà đau đớn hơn cả đó là phải chết trong cô đơn, cô độc và cô quạnh. Càng nhìn thấy những hình ảnh tang thương đó, con càng muốn được dấn thân phục vụ, càng thôi thúc con rằng “mình phải phục vụ thật tốt, hết sức, và bằng hết tấm lòng của mình dù trong bất kì công việc nào”.

Ý thức rất rõ những nguy hiểm mà con sẽ phải đối diện, con biết rằng: con có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, nhưng những điều đó không làm con chùn bước nản lòng. Nhiều người hỏi con rằng “không biết sợ hay sao?” - Là con người yếu đuối, con sợ và rất sợ những nguy hiểm rình rập bên mình. Nhưng với một niềm xác tín nơi tình yêu Thiên Chúa và sự ủng hộ, đồng hành của gia đình cũng như Giáo xứ, con lại cảm thấy tâm hồn mình bình an đến lạ thường, hạnh phúc vì sắp được lên đường phục vụ những anh chị em của mình. Mỗi lúc sợ hãi con luôn nói với Chúa rằng “Chúa ơi! Ngài lo liệu mọi sự cho con nhé!” Và thật sự cho đến bây giờ, từng ngày từng giờ trôi qua, con đều cảm nhận được rằng Ngài đã và đang lo liệu cho con mọi sự.

Có những lần nóng bức trong bộ đồ bảo hộ, có những ngày con cảm thấy mệt nhoài ngỡ tưởng gần như kiệt sức, con lại nhớ đến hình ảnh của những nạn nhân Covid đang phải gồng mình chống chọi để dành lấy sự sống từng giây từng phút, con lại nở một nụ cười, âm thầm dâng lên Chúa những hy sinh nhỏ bé của mình để cầu nguyện cho họ, và cầu nguyện cho các linh hồn; rồi sau đó, con lại tiếp tục vui vẻ hăng say với công việc phục vụ của mình.

Giữa cơn đại dịch này, con người thường loay hoay tự hỏi “Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Ngài lại để con khổ thế này?” Đây chính là câu hỏi mà nhân loại cật vấn khi phải đau khổ vì con virus kia, và đó cũng là câu hỏi của con trước đây. Nhưng khi tham gia thiện nguyện, con đã tìm gặp được Chúa qua mỗi người con tiếp xúc, qua mỗi việc con làm. Và con đã nhận được câu trả lời rằng “Ngài vẫn hiện hữu bên ta mặc dù ta không thấy, nhưng bên hữu của ta luôn luôn có Ngài. Vì vậy, hãy tín thác nơi Chúa, hãy chạy đến với lòng thương xót của Ngài, và hãy thành tâm thống hối vì tất cả những yếu đuối lỗi lầm của nhân loại”.

Lạy Chúa, xin thánh hoá mọi việc con làm, qua đó, con có thể đem hình ảnh và lòng thương xót của Chúa đến với những người con đã và đang phục vụ, để có thêm nhiều người nhận biết Chúa và mở lòng đón nhận Ngài trong cuộc đời của họ. Xin Chúa tiếp tục đồng hành và giữ gìn chúng con trong sứ mạng này.

Đặng Thị Ngọc Hân
Giới trẻ Giáo lý viên Giáo xứ Bình Hải
Ngày 22.8.2021

Nguồn: giaophanxuanloc.net
(WHĐ)