Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

GIA ĐÌNH LÀ HẬU PHƯƠNG ĐỂ TÔI LÊN ĐƯỜNG LÀM BÁC ÁI MÙA COVID

GIA ĐÌNH LÀ HẬU PHƯƠNG 
ĐỂ TÔI LÊN ĐƯỜNG LÀM BÁC ÁI MÙA COVID

TGPSG -- Tôi lớn lên trong một gia đình với Cha Mẹ không phải là người học cao, trí thức giàu có, nhưng luôn là hậu phương tốt đẹp cho tôi.

Tuổi trẻ của tôi - giống như bao bạn trẻ - luôn thích khám phá những điều mới, muốn đi ra ngoài khỏi gia đình, lang bạt, ngao du và thích tham gia các công tác bác ái xã hội.

Nhưng mùa dịch Covid xảy đến làm tê liệt tất cả. Tôi mất một thời gian phải ở nhà. Khoảng thời gian này, tôi cảm nghiệm được rất nhiều điều. Tôi ngồi lại, nhìn và thấy, để khám phá nhiều điều trong gia đình tôi, và trả lời được câu hỏi to lớn trước đây: Tôi bước ra đường để làm công tác bác ái bên ngoài, còn Cha Mẹ tôi làm gì?

Cái quạt trần lâu ngày lấm bụi, Cha tôi khệ nệ vác thang leo lên lau chùi; việc này đáng lẽ phải thuộc về tôi - người trẻ khỏe hơn, nhanh nhẹn hơn.

Cái máy giặt lâu ngày bị hư, không vào chế độ vắt được. Mẹ tôi phải vắt quần áo bằng tay. Mẹ sợ tôi tốn tiền thay cái mới nên không nói, để tôi dành số tiền đó mà làm việc khác cho bản thân mình.

Viên gạch nền nhà tắm bị bung lên mà tôi chỉ biết vào tắm mà không nhìn tới. Cha tôi phải trám tạm lại để sử dụng.

Mỗi ngày, khoảng 3-4 giờ sáng, Cha Mẹ tôi đã thức dậy vì tuổi già không ngủ nhiều. Các ngài dự lễ online, cầu nguyện cho tôi an mạnh để tôi có thể giúp đỡ được nhiều người trong hoàn cảnh khó khăn ngoài xã hội.

Mùa dịch Covid, tôi lại ra đi tham gia công tác xã hội với bạn bè: trao quà cho người nghèo, trao thuốc, vitamin… cho các bệnh nhân. Nhưng, tôi đã quên mất Cha mình ngày đêm đau đầu do bệnh già, Mẹ mình đau nhức do phải đứng lâu khi nấu ăn…

Nhờ mùa dịch Covid với sự ngăn cách của các hàng rào, tôi có nhiều thời gian phải ở nhà. Và vì vậy tôi đã có cơ hội nhìn thấy Cha Mẹ tôi nhiều hơn, đã nhìn thấy rõ hơn ‘hậu phương tốt lành’ hằng tạo điều kiện cho tôi thanh thản bước ra đời. Khoảng thời gian này, tôi mới cảm nhận sâu sắc điều may mắn tuyệt vời mà tôi có được nhờ Cha Mẹ kính yêu của tôi...

Jos Trung Toàn (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lễ Thiếu Nhi.

Bắt đầu lúc 17g00 Chúa Nhật, ngày 26.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 26.9.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. LA MESSE DU 26E DIMANCHE DU TEMPS ORDINAIRE - ANNÉE B.

Bắt đầu lúc 10g30 Chúa Nhật, ngày 26.9.2021
 tại Nhà thờ Mai Khôi (Nhà thờ nói tiếng Pháp).
le 26 septembre 2021 à 10h30, 
sera célébrée en direct de l'Église de Mai Khoi (Église francophone).


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. Twenty-sixth Sunday of Ordinary Time - English Mass (Live-streamed)

Bắt đầu lúc 09g30 Chúa Nhật, ngày 26.9.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
at 9:30 AM on Sunday, Sep 26th, 2021, 
at Notre Dame Cathedral of Saigon.
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B.

Bắt đầu lúc 07g00 Chúa Nhật, ngày 26.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: ĐÓN 146 TÌNH NGUYỆN VIÊN VỀ TỪ 3 BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN ĐIỀU TRỊ COVID-19


ĐÓN 146 TÌNH NGUYỆN VIÊN 
VỀ TỪ 3 BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN ĐIỀU TRỊ COVID-19

TGPSG -- Vào ngày 24-9-2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM, Ban Tôn giáo TP và Ban Dân vận Thành ủy đã tổ chức đón 146 tình nguyện viên tôn giáo (TNV) đã chung tay cùng ngành Y chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trong thời gian 1 và 2 tháng vừa qua tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu), Bệnh viện Dã chiến số 10, và Bệnh viên Dã Chiến số 12.

Sự kiện đón các TNV vào lúc 8g đã diễn ra tại 3 địa điểm khác nhau:
  • tại Nhà Thiếu Nhi Thủ Đức,
  • tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12,
  • tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10.
Và sự kiện đón các TNV vào lúc 15g30 đã diễn ra tại Khách sạn Minh Tâm Quận 10.
 
1. Tại Nhà Thiếu Nhi Thủ Đức 
 
Buổi lễ đón tiếp tại Nhà Thiếu Nhi TP Thủ Đức (số 2/2B đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú) có sự hiện diện của 71 TNV từng phục vụ 2 tháng ở Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19, gồm: 
 
- 15 tu sĩ và tín đồ Phật giáo;
 
- 3 bạn trẻ Tin Lành;
 
- 53 tu sĩ Công giáo thuộc các Tu hội / Hội dòng: Chúa Chiên Lành (1), Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (3), Đa minh Gò Vấp (2), Mân Côi Chí Hoà (1), Mến Thánh Giá Tân Việt (2), Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (1), Nữ Tu Đức Bà (1), Thánh Phaolô (12), Thừa Sai Chúa Kitô Giêsu (6), Mến Thánh Giá Gò Vấp (6), Mến Thánh Giá Quy Nhơn (1), Nữ Tu Bác Ái Thánh Carôlô Bôrômêô (1), Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục (5), Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn (11).

 
Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn Phó - Giám đốc bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid19 - thông tin kết quả tham gia của các TNV.

 


Bà Phan Thị Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - chia sẻ: “2 tháng qua đã mang đến cho các TNV những trải nghiệm quý báu”.


Phật tử Lý Hoàng Đăng Khao - đại diện cho TNV Phật giáo - chia sẻ tâm tình về “nỗi buồn khi thấy bệnh nhân qua đời, niềm vui khi thấy bệnh nhân xuất viện.”


Nữ tu Maria Phạm Thị Thu Nguyệt - đại diện cho các TNV Công Giáo: “Nói là cho đi, nhưng thực ra là nhận lại được rất nhiều tình thương; nói rằng tuyến đầu rất khổ, nhưng lại rất hạnh phúc.”


Chị Trần Thị Thu Cúc - Tin Lành Trưởng Lão Bình Chánh: “Cảm ơn Đức Chúa Trời, cảm ơn tất cả mọi người, đặc biệt các nhân viên ở nhà Thiếu nhi Quận 9.”


Cả nhóm bạn trẻ hát tặng mọi người bài “Như ngày hôm qua”.

 


Bà Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM trao bằng khen cho các TNV.


Phó giám đốc Bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid-19 trao bằng khen cho TNV.


 Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện Toà Tổng Giám mục SG - trao bằng khen cho TNV.

 

 
Những giọt nước mắt lưu luyến.

  
 
Giữ lại những khoảnh khắc khó quên. 
 
 
 
 
 
 
 

2. Tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12

Buổi lễ đón tiếp tại tại 'Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12' có sự hiện diện của 14 TNV (từng phục vụ 2 tháng ở chính nơi đang diễn ra buổi lễ này) gồm:
  • 3 TNV Phật giáo: 1 sư thầy, 1 cư sĩ, 1 tín đồ;
  • 11 tu sĩ Công giáo thuộc các Tu hội / Hội dòng: Mến Thánh Giá Thủ Đức (2), Nữ Đa Minh Rosa Lima (2), Đa Minh Tam Hiệp (1), Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (2), Chúa Cứu Thế (1), Đức Mẹ Người Nghèo (3).

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hương Thảo - Dòng Đaminh Rôsa Lima - thay mặt các TNV Công giáo nói lời cảm ơn.
 

Ông Nguyễn Văn Lưu - Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM - trao bằng khen cho các TNV.
 
 

3. Tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10

Buổi lễ đón tiếp tại 'Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10' có sự hiện diện của các TNV Công giáo (từng phục vụ 2 tháng ở chính nơi đang diễn ra buổi lễ này) gồm 16 tu sĩ thuộc các Tu hội / Hội dòng: Hiệp Hội Đức Maria Đầy Ơn Phúc (1), Chúa Giêsu Hài Đồng (3), Mến Thánh Giá Thủ Đức (3), Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn (8), Đức Bà Truyền Giáo (1).


Ông Nguyễn Văn Lượng - Phó trưởng ban tôn giáo TP - cảm ơn các tu sĩ.


Các nữ tu hát bài “Cảm ơn người vì ngày hôm nay” để cảm ơn mọi người vì được phục vụ trong yêu thương.


Các Tu sĩ chụp hình chung với Phó trưởng ban tôn giáo TP và Ban Giám đốc, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10.


  
Các nữ tu TNV chụp hình lưu niệm.

 
 
Các tu sĩ đi về nơi cách ly trước khi trở về cộng đoàn.


Xe đưa các tu sĩ về cách ly tập trung tại Tu hội Bác Ái Cao Thái.

 

 

 

 

4. Tại Khách sạn Minh Tâm

Buổi lễ đón tiếp vào lúc 15g30 tại Khách sạn Minh Tâm (số 206 đường 3/2, Phường 12, Q.10) có sự hiện diện của 45 TNV (từng phục vụ 1 tháng ở Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19) gồm:
  • 7 linh mục thuộc TGP Sài Gòn;
  • 38 tu sĩ thuộc các Tu hội / Hội dòng: Thừa Sai Chúa KiTô Giêsu (1), Dòng Tên (1), Mẹ Chúa Cứu Chuộc (2), Đức Mẹ Lên Trời (1), Đức Mẹ Trinh Vương (9), Mến Thánh Giá Thủ Đức (4), Cạnh Nương Long Chúa Giêsu (1), Thừa Sai Đức Tin (5), Hiệp Hội Đức Maria Đầy Ơn Phúc (1), Chúa Quan Phòng Tây Nguyên (4), Hội Thừa Sai Việt Nam (1), Phanxicô (4), Đức Bà Truyền Giáo (5).


Các Linh mục thuộc TGP Sài Gòn.

 
Chia sẻ với các TNV, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện Toà Tổng Giám mục - phát biểu:

“Sáng nay khi đón các tu sĩ hoàn tất 2 tháng phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, bà Phó Chủ tịch Mặt trận có diễn tả ánh nắng đầu ngày đang rọi chiếu năng lượng rất đẹp trên khuôn mặt các TNV Phật giáo, Tin Lành và Công giáo cùng sát cánh bên các y bác sĩ suốt 2 tháng vừa qua.

Chính tình thương kết nối mọi người và trải nghiệm này cho thấy khi cộng tác với nhau trong mùa dịch bệnh Covid này, chúng ta bắt đầu một ngày mới trong tình trạng bình thường mới. Tất cả chúng ta phải thay đổi. Không ai có thể hoạt động một mình, chúng ta cần cộng tác với nhau.

Cảm ơn quý Cha và anh chị em tu sĩ đã chứng minh cho cuộc đời thấy rằng chúng ta có tiềm năng yêu thương và phục vụ mà ai cũng phải công nhận. Từ nay, khi nào cần, chúng ta sẵn sàng bước ra phục vụ với tình thương.”

Cha Giuse không quên cảm ơn các nhân viên phục vụ tại khách sạn - nơi các tình nguyện viên lưu trú 1 tháng vừa qua - đã can đảm và nhiệt thành cho những người có rủi ro lây nhiễm cao được trú ngụ.

Sơn Nữ SPC (TGPSG)
(WGPSG)

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

BÌNH THƯỜNG MỚI

BÌNH THƯỜNG MỚI
 
Lm. Phêrô Vũ Văn Hài
 
WHĐ (25.9.2021) - Mệt mỏi sau những “trận chiến” “chống dịch như chống giặc” để “dập dịch” với rất nhiều thứ “vũ khí”… Thế mà “tên giặc” này nó cứ lí lắc - lì lợm - lạnh lùng - lây lan! Cho nên, người ta bắt đầu phải nói đến cụm từ “sống chung với dịch!”, phải bắt đầu cuộc sống “bình thường mới” và coi đây là mục tiêu cần đạt tới, vì biết chắc khó có thể “quét sạch nó đi” được!
 
1. Bình thường mới có gì “mới”?
 
Chỉ cần lướt qua các trang báo chính thống, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những bài viết, những nhận định về tình trạng xã hội “bình thường mới” mà nhiều người đang mong chờ hiện nay.
 
Lẽ dĩ nhiên “bình thường mới” không phải là “bình thường cũ”. Chúng ta có thể tóm tắt tình trạng này trong một số điểm “mới” sau đây:
 
- Ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng: Hơn lúc nào hết, sự liên đới trong cộng đồng nhân loại lại cần được mỗi cá nhân quan tâm thực hiện như thời điểm hiện nay. 
 
- Khả năng “tự lực cánh sinh”: Dịch bệnh không chừa một ai, “không có vùng cấm” nào cả. Ai cũng có thể là “F0” và ai cũng phải đối diện với nguy cơ nghèo đói và bệnh tật. Vì thế cần phải biết tự bảo vệ mình, tự chăm sóc cho mình… phải biết vượt qua thái độ ỷ lại, dựa dẫm!

- Tập những kỹ năng cần thiết: tập thói quen tuân thủ 5K, sống lành mạnh, quý trọng môi trường sinh thái và bầu khí quyển, siêng vệ sinh nhà cửa, năng tập thể dục, sắp xếp không gian nhà cửa cho thoáng mát tiện ích…

- Có khả năng thích ứng với thay đổi trong xã hội: thanh toán điện tử, chuyển khoản bằng nhiều hình thức khác nhau (trả thẻ, e-banking, ví điện tử…) thay vì chỉ sử dụng tiền mặt, học hành - trao đổi - làm việc trực tuyến…

- Trở về với mái ấm gia đình: ý thức tình thân và sự liên đới trong gia đình được chú trọng trở lại. Nhiều người có nhiều thời gian sống và chăm sóc nhau trong một mái nhà. Nhiều người cảm nhận và trân quý tương quan yêu thương gắn kết giữa các thành viên trong một gia đình.

Thực ra những điều vừa được nói tới trên đây chẳng hề “mới”, nhưng vì chúng đã bị “quên” do sự tự cao tự đại của con người, nên thiếu khả năng sử dụng “những cái cũ, mới trong kho mình” (Mt 13, 52).

2. Bình thường mới có “bình thường”?

Chúng ta có thể nhận định ngay rằng: “bình thường mới” chẳng “bình thường” tí nào. Bởi vì:

- Dù cho không có con số thống kê đầy đủ, nhưng có thể khẳng định rằng có rất nhiều người lao động phải thất nghiệp và lâm vào cảnh đói nghèo! Bằng chứng là chỉ trong vòng 2 tháng, Giáo xứ Rạch Súc đã phân phối 41.063 phần cơm trưa, trên 11 tấn gạo, 600 thùng mì, 500 túi nhu yếu phẩm… cho người nghèo trong địa bàn thành phố Cần Thơ. Mà chúng ta biết: ngoài Giáo xứ Rạch Súc, còn có nhiều mạnh thường quân, nhiều cơ sở tôn giáo, nhiều hội đoàn cũng làm những điều tương tự.

- Hệ thống y tế quá tải vì phải dồn tổng lực điều trị những bệnh nhân covid, khiến cho nhiều người mang những bệnh lý khác như tim mạch, ung thư, gan thận… không được chữa trị kịp thời, đầy đủ và hiệu quả. Tâm lý chung của người dân là sợ đến bệnh viện trong thời điểm hiện tại vì sợ lây nhiễm, nên có những trường hợp đã tử vong vì không được cấp cứu kịp thời.

- Tình trạng “stress” gia tăng do thiếu cơm ăn, mất việc làm, ngột ngạt tù túng vì không được ra ngoài, không được làm việc, không có những sinh hoạt giải trí… Trong khi đó, trên truyền thông đa phần là những tin xấu, tin buồn, tin giả, tin tiêu cực… mà rất thiếu những tin tốt, tin vui, tin thật, tin truyền năng lượng tích cực.

Như vậy, xã hội loài người đang đầy những “bất thường” chứ chẳng “bình thường” tí nào, và nếu không khéo, chúng ta sẽ rơi vào vòng xoáy của “bất ổn - bất minh - bất hoà - bất an”! Và nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo nữa.

3. Sống Đạo trong tình trạng “bình thường mới”

Đã rõ là đời sống đạo của người Công giáo cũng như nhưng tín đồ của các tôn giáo khác đang rơi vào trạng thái chẳng bình thường chút nào. Đã có rất nhiều những suy tư, những cảm nghiệm, những kinh nghiệm… qua việc đọc dấu chỉ của thời đại dưới ánh sáng Lời Chúa.

Ở đây, người viết chỉ xin mạo muội đưa ra một vài thao thức và gợi ý mang tính cách cá nhân, với mong ước mọi thành phần Kitô hữu không chỉ ngồi đó “thở vắn than dài”, “được chăng hay chớ”, cũng không chỉ nói suông… mà phải cùng nhau bàn và cùng nhau làm trong bổn phận và khả năng Chúa trao, để không bỏ lỡ phút sống nào mà Chúa đang thương tặng ban.

- Với cá nhân: ý thức cuộc đời mỏng manh và hư ảo để thành tâm sám hối quay về; vượt qua lối sống ảo để liên đới sẻ chia với tha nhân bên cạnh mình; loại trừ lòng tham lam ích kỷ để quan tâm giúp đỡ những anh chị em thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần; giải phóng khỏi sự nô lệ vào tiến bộ khoa học kỹ thuật để biết khiêm nhu tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa; thoát khỏi những thú vui phù phiếm để dành nhiều thời gian cho cầu nguyện, suy niệm, tĩnh tâm.

- Với gia đình: biết buông điện thoại xuống để cùng nhau đọc kinh hôm kinh mai trong gia đình; chia sẻ cho nhau những công việc cụ thể trong một mái nhà; dành nhiều thời gian để cùng ăn, cùng trò chuyện, cùng học hỏi Lời Chúa; gợi ý khích lệ nhau hướng ánh mắt để thấy những mảnh đời khốn khó và mở đôi tai để nghe được những âm thanh yếu ớt của anh chị em nghèo đói quanh mình; nhất là cùng nhau hun đúc lòng khao khát đón rước Thánh Thể qua những Thánh lễ trực tuyến cách nghiêm trang sốt sắng.

- Với giáo xứ: vượt qua những trở ngại ngăn cản không chỉ bên ngoài xã hội mà ngay trong tâm hồn để “sống Thánh lễ” trong đời thường, nghĩa là chấp nhận hy sinh và hiến tế chính mình vì tha nhân; vượt qua những định kiến và óc hẹp hòi cổ hủ để tin tưởng giao việc, để khích lệ và bổ trợ những sáng kiến trong việc thực thi bác ái đối với anh chị em đồng loại; vượt qua ranh giới “đạo - đời”, “lương - giáo”… để có thể đồng hành, hợp tác trong hành trình trao gởi yêu thương cho những anh chị em đau khổ xung quanh mình; vượt qua lối mòn chờ đợi và “lục bình trôi” để học hỏi và ứng dụng công nghệ trong việc loan báo Tin Mừng và tương tác với giáo dân.

- Một cách đặc biệt, với các mục tử đang chăm sóc đoàn chiên nơi các Giáo xứ: Chúng ta có cơ sở để tin rằng Quý Cha luôn thao thức, luôn trăn trở và có nhiều sáng kiến thật thiết thực và hiệu quả. Để thời gian rất khác biệt này, không chỉ là cơ hội để anh em chúng ta “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31), mà còn là sẵn sàng đáp lại sự đòi buộc khẩn thiết của Chúa Giêsu: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13). Vâng, lời khuyên “nghỉ ngơi” thì chỉ “đôi chút” thôi. Còn mệnh lệnh “cho họ ăn” lại thật dứt khoát: “chính anh em”!!!

Chúng ta có thể nhìn và nghe thấy những sáng kiến tuyệt vời: những chuyến xe nhu yếu phẩm đong đầy yêu thương của Đức Cha và Quý Cha; những lần “dốc hết tình” cho anh chị em nghèo; những liên đới hỗ trợ tìm đến mọi ngõ ngách để tiếp cận được những anh chị em đang thiếu thốn nhất; những sáng kiến mục vụ chỉ có trong thời đại dịch: thăm viếng online, tư vấn về niềm tin lẫn tâm lý online, dạy giáo lý online, dọn mình chết lành online…

Dẫu cho đã có nhiều sáng kiến, đã có nhiều ứng dụng mang lại nhiều hiệu quả, nhưng ước gì những điển hình ấy được nhân rộng, được lan toả, được kết nối… chắc chắn tính hiệu quả và giá trị sẽ được nhân lên. Ví dụ như chúng ta sẽ có những “Cuộc họp online” để nhận định và đưa ra những thực hành mục vụ trong tình trạng “bình thường mới”; chúng ta liên đới với nhau để có thêm các “Thánh lễ trực tuyến” dành cho các Giới; có các Sinh hoạt online cho các Hội đoàn; có chương trình Giáo lý online cho các độ tuổi, nhất là chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân và gia đình; có các chương trình Lần Chuỗi Lòng Thương Xót online, Chầu Thánh Thể online, Giờ kinh gia đình online…

Để “bình thường mới” không là “bất thường” “tầm thường” thì cần phải nhanh chóng “thích nghi”“thích ứng” trong công tác Mục vụ sao cho “thích hợp” với những điều mới mẻ mang tính tích cực lẫn tiêu cực do đại dịch đem lại. Điều này đòi chúng ta phải “một tay nắm lấy tay Chúa và một tay vươn tới con người”! Vâng, chỉ trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể có những sáng kiến Mục vụ phù hợp với hoàn cảnh mới, và chỉ trong ân sủng của Người chúng ta mới có đủ sức mạnh và can đảm để ứng dụng trong bối cảnh hiện nay hầu đem lại lợi ích hồn xác cho tha nhân. Và như thế, tình trạng “bình thường mới” sẽ thực sự trở thành cơ hội để chúng ta “làm mới” cái “bình thường” bằng chính những điều “phi thường” nhờ những trái tim biết yêu thương!
 
(Bài suy tư được tác giả gửi đến Ban biên tập 
tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 25.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 9, 38-43.45.47-48 )


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 25.9.2021