Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

ÁNH BÌNH MINH ĐANG LÓ RẠNG

ÁNH BÌNH MINH ĐANG LÓ RẠNG

TGPSG -- Nếu một ngày bắt đầu với ánh ban mai óng ánh cùng những tia nắng ấm áp thì ngày đó sẽ là một ngày rất đẹp và hứa hẹn sẽ mang đến cho mỗi người chúng ta niềm vui, niềm hạnh phúc đong đầy.

Những tháng ngày qua, quê hương đất nước chúng ta đã và đang phải sống trong những ngày u tối của cơn đại dịch, nhưng những ngày đó đang bớt u ám và dần tươi sáng hơn với số ca nhiễm giảm, số bệnh nhân được chữa lành ngày càng tăng.

Hôm qua, tôi có hỏi thăm một vài anh chị em Tình nguyện viên (TNV) ở lại tháng thứ 3 để tiếp tục phục vụ bênh nhân tại bệnh viện dã chiến, thì được biết “mấy ngày nay số người xuất viện tăng nhiều lắm thầy, hơn 30 người luôn”. Đó là niềm vui lớn cho tất cả những ai đang phục vụ nơi tuyến đầu nói riêng và cho tất cả mọi người dân nói chung. Nhớ lúc trước, khi còn là TNV nơi đó, mỗi ngày tôi chỉ thấy có khoảng 7 người xuất viện mà thôi, nhưng nay con số đó đã tăng gấp nhiều lần. Đây chính là tín hiệu báo rằng cơn dịch bệnh đang suy yếu và sẽ chấm dứt vào một ngày gần đây. Chiến đấu với dịch bệnh trong những ngày tháng qua, mọi người đã thấm mệt nhưng sự hy sinh cao cả ấy đã được đền đáp vì Thiên Chúa của chúng ta vẫn trọn tình thương.

Tại tuyến đầu, có những "kỳ tích" đã xảy ra với các bệnh nhân được chữa lành. Một tình nguyện viên chia sẻ: “Trong khoa của em có ông L 92 tuổi, ông bị lãng tai nên mình nói ông không nghe được. Muốn hỏi ông cái gì là phải la lớn ông mới nghe. Ông hiền lắm, hầu như tất cả các bác sĩ, điều dưỡng và TNV rất thương ông. Do ông quá già yếu nên không nói được, vì thế chúng em phải tự chủ động đến để đút cho ông chút nước hay chút thức ăn. Có lần ông nằm khóc mà tội nghiệp lắm… Bây giờ, ông đã khỏe lại và được xuất viện, cả khoa mừng lắm. Đó chính là một kỳ tích trong khoa này...”

Từ "kì tích" này, chúng ta xác tín rằng: mọi cố gắng cứu sống bệnh nhân sẽ được Chúa thương nhậm lời, mọi đau khổ sẽ được Chúa an ủi. Chúa luôn bên ta, luôn hiện diện cùng chúng ta trong mọi biến cố và Ngài sẽ mở rộng cánh tay để đón nhận chúng ta vào lòng. Vì thế, chúng ta “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” và dâng lên Chúa những tháng ngày phía trước để cầu xin Chúa cho cơn dịch bệnh sớm qua và mọi người được trở lại những ngày bình thường. Cái bình thường cũ đã qua và chúng ta sẽ được sống những ngày bình thường mới với muôn ngàn hồng ân mới Chúa sẽ ban cho.

Antôn Chung Chí Tâm, La San
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ MỪNG KÍNH THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. Bổn Mạng các xứ truyền giáo. Lễ Kính.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Sáu, ngày 01.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU: CÁNH HOA HY VỌNG

THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU: 
CÁNH HOA HY VỌNG
 
Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 30/09/2021
 
WHĐ (30.9.2021) - Nhân dịp bế mạc Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ra tông thư kêu gọi toàn thể Hội Thánh tiến bước vào Thiên Niên Kỷ mới với một ý thức lớn lao hơn nữa về sứ mạng làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Trong thông điệp đó, Thánh Giáo Hoàng đề cập đến Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu như là một chuyên gia về “Khoa học Tình Yêu” (scientia amoris)[1]. Mười năm sau, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc lại danh hiệu đặc biệt đó đồng thời ngài triển khai linh đạo thiêng liêng của vị thánh trẻ Dòng Cát Minh trong cái nhìn đức tin[2]. Khi khẳng định rằng “Khoa học đức tin” và “Khoa học Tình Yêu” luôn luôn song hành và bổ túc cho nhau[3], Đức Bênêđictô XVI trước là bày tỏ sự ngưỡng mộ của cá nhân ngài đối với Thánh nữ Têrêxa, sau là giáng tiếp tuyên dương ngài như một vị thánh lỗi lạc về “Khoa học Đức Tin” (scientia fidei). Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đồng quan điểm với hai vị tiền nhiệm, xác tín rằng đức tin Kitô Giáo không chỉ rao giảng về tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng còn hướng lòng trí những kẻ tin tìm đến ánh sáng chân lý đích thật[4]. Con người ta vốn dĩ phải cần đến cả đức tin và lý trí để đạt đến chân lý. Têrêxa sống tròn đầy ý nghĩa đời chị trong ân sủng Thiên Chúa vì chị biết tận dụng cả con tim và khối óc để tìm kiếm Ngài.
 
Không còn nghi ngờ gì nữa, là bậc thầy trong lĩnh vực “Khoa học Đức Mến” và “Khoa học Đức Tin”, cuộc đời và gương sáng của Thánh Têrêxa chứa đựng cả một kho tàng những bài học vô giá. Kinh nghiệm nên thánh của chị giúp chúng ta tìm ra hướng giải quyết và sự cảm thông nâng đỡ mỗi khi sóng gió ập đến thử thách đức tin và lòng yêu mến của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta tự hỏi, liệu rằng chị thánh có điều gì nhắn nhủ với chúng ta về nhân đức trông cậy hay không? 
 
Tình hình dịch bệnh Covid-19 không ngừng tấn công tàn bạo lên cộng đồng nhân loại khiến cho nhiều quốc gia phải đối diện với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhiều gia đình phải tan tác đổ vỡ, nhiều mảnh đời gần như kiệt quệ tan nát, thậm chí nhiều người còn đánh mất cả niềm tin và rơi vào tuyệt vọng tối tăm. Trong bối cảnh đó, lời kêu gọi “giữ vững niềm hy vọng” và “quảng đại tiếp lửa hy vọng” dường như đã trở thành thông điệp cấp bách diễn tả đường hướng mục vụ của nhiều vị chủ chăn Hội Thánh, điển hình như Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn[5]. Trong lúc chúng ta tưởng chừng mất hết tất cả, Thiên Chúa vẫn không ngừng ban “mưa hoa hồng” giúp chúng ta đủ sức vượt qua những thời khắc “dầu sôi lửa bỏng”. Têrêxa thành Lisieux chính là đóa hoa thanh khiết mà Chúa ban tặng cho chúng ta. Mặc dù chị thánh lúc nào cũng tự coi mình là một nụ hoa bé bỏng, không hương, không sắc, nhưng ngày nay chúng ta có đầy đủ bằng chứng để nói rằng bông hoa ấy không chỉ đượm đầy sắc hương Đức Tin và Đức Ái và còn ngào ngạt cả hương thơm Cậy Trông Phó thác nữa. Để hiểu rõ hơn hành trình hy vọng của Thánh Têrêxa, chúng ta hãy cùng nhau lược lại một số biến nổi bật trong cuộc đời dương thế của ngài. 
 
Đức Tin: Đảm bảo cho hành trình Hy Vọng
 
Dựa trên nền tảng Thánh Kinh, cụ thể là những lời khuyên bảo của tác giả thư Hipri và tác giả thư Titô, Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo định nghĩa đức cậy hay đức hy vọng “là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Chúa Thánh Thần, chứ không vào sức mạnh riêng của chúng ta.” (GLHTCG, 1817). Mặc dù đây là câu định nghĩa về nhân đức cậy nhưng nội dung thì đề cập đến cả hai nhân đức đối thần còn lại, đức tin và đức mến. Ba nhân đức đối thần Tin - Cậy - Mến gắn bó chặt chẽ, hòa quyện và bổ túc cho nhau. 
 
Thông thường, khi nói đến hy vọng là nói đến “khát khao” về một “tương lai tốt đẹp”. Nói đến cậy trông là nói đến “cậy nhờ” và “trông mong”. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta không thể giản lược nhân đức cậy trông Kitô Giáo thành một đặc tính tâm lý tình cảm như “lạc quan yêu đời” chẳng hạn. Đức cậy là một nhân đức đối thần, và vì thế, cũng giống như đức tin và đức mến, nhân đức này có nguồn gốc, động lực và đối tượng không phải là bất cứ thứ gì chóng qua của đời này nhưng là chính Thiên Chúa (x. GLHTCG, 1840). 
 
Quả thực Thiên Chúa vì lòng xót thương hải hà mà ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta có khả năng tham dự tích cực vào sự sống thần linh của Ngài. Các nhân đức đối thần giúp chúng ta sống xứng hợp với phẩm giá là “nghĩa tử”, là con Chúa (x. GLHTCG, 1812). Nước trời và hạnh phúc trường tồn là những điều thiện hảo đáng để chúng ta ước ao. Tuy không dễ gì đạt được nhưng chúng ta vẫn cứ hy vọng những điều ấy, là vì sao? Là vì chúng ta tin vào quyền năng của Cha trên trời, tin vào lời hứa của Đức Kitô Đấng đã thí mạng để cứu chúng ta, và tin vào sức mạnh biến đổi của Chúa Thánh Thần[6]. Niềm hy vọng Kitô Giáo đặt trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa và được củng cố nhờ mặc khải đức tin. 
 
Những bản văn tự thuật do Thánh Têrêxa để lại đã dệt nên một bản tình ca trác tuyệt. Bản tình ca ấy đánh động hàng triệu tâm hồn là vì nó kể lại câu truyện của một đức tin dạt dào tinh thần hy vọng. Khi nhận thấy mình đã trưởng thành đủ và đã trọn đời tận hiến cho Chúa trong Dòng Cát Minh, Têrêxa nhìn lại chặng đường đã qua, chị thấy mình dạn dĩ hơn nhiều, chủ động hơn trong tương quan với Chúa, nên chị mạnh dạn công khai những tâm sự chị đã chôn kín từ lâu. Đối với chị, Chúa Giêsu là Chúa, là Mục Tử, là Cha, và đặc biệt nhất là hôn phu. Chị biết mình được Chúa yêu chiều quan tâm, nên chị hoàn toàn tin tưởng và phó thác. “Chúa nhân lành đã rất cưng chiều con,” chị đã viết cho Mẹ Agnes de Jesus như thế, “con chỉ muốn ghi lại những cảm nghĩ của con về những ơn lành Chúa nhân từ đã đoái thương ban cho con… Khi nhìn lại, con thấy đời con ứng nghiệm đúng như lời Thánh Vịnh 23: ‘Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi không còn thiếu gì,… tôi không còn lo sợ nỗi gì’”[7]. Tin tưởng vào quyền năng của Vị Mục Tử Nhân Lành, và lòng thương xót của Cha Trên Trời, Têrêxa hoàn tất bản tình ca cuộc đời với trọn lòng biết ơn: “Tất cả là hồng ân.”
 
Khiêm Hạ: Biểu hiện của Hy Vọng
 
Lớn lên trong gia đình đạo hạnh, Têrêxa không chỉ ý thức rất cao về đặc ân được “làm con Chúa” nhưng còn nỗ lực hết sức để không phí phạm ân huệ Chúa ban. Ngay từ những dòng đầu tiên của tác phẩm “Truyện Một Tâm Hồn”, chúng ta dễ dàng bắt gặp một Têrêxa khiêm tốn, vâng lời và nhất là một Têrêxa vô cùng nhạy cảm trước khối ân tình bao la của Thiên Chúa. “Con viết những mẩu truyện tâm hồn này… trong sự vâng phục một cách đơn sơ… Việc con đang làm đây chẳng qua là xướng lên bài ca về Lòng Chúa Xót Thương… để ca ngợi những đặc ân Chúa Giêsu đã ban xuống cho linh hồn con.”[8]
 
Hoàn toàn không chút giả tạo, Têrêxa tự nhận mình như một bông hoa dại bé nhỏ ẩn mình trong vườn của Chúa Giêsu. Têrêxa không hề có ý phân bì hay trách móc, ngược lại, chị lấy làm mãn nguyện trước ơn mặc khải Chúa thương ban. Mấy ai có được diễm phúc nhận ra chân lý cao siêu mà Têrêxa đã đón nhận: Để làm vui lòng Chúa thì bất cứ việc làm gì dù là lớn hay bé đều đáng được thi hành với một tình yêu lớn nhất có thể. “Chúa Giêsu dạy cho con biết mầu nhiệm này, và con hiểu hoa nào Chúa dựng nên cũng đều đẹp cả; hoa hồng sặc sỡ cũng như đóa huệ trắng ngần không át hương thơm của cánh hoa đồng thảo bé cỏn con, hay vẻ đơn sơ quyến rũ của bông cúc trắng tinh... Chúa muốn dựng nên những vị đại thánh ví như đóa hồng hay đóa huệ. Ngài cũng đã dựng nên những vị thánh nhỏ hơn như những bông hoa đồng thảo hay hoa cúc dại trắng nằm an phận dưới gót chân để làm đẹp mắt Chúa. Sự thánh thiện hệ tại việc thi hành ý Chúa và sống đẹp lòng Ngài.”[9]
 
“Tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa” trong mọi hoàn cảnh cuộc đời là con đường nên thánh của chị nữ tu Nhà Kín Lisieux. Mất mẹ khi vừa tròn 4 tuổi; phải xa lìa người mẹ thứ hai là chị gái Paulin khi mới lên 9; lâm bệnh nặng suýt chết năm 10 tuổi; bất lực vì không thể ở gần bên chăm sóc cho người Cha già đau nặng khi chị mới nhập Dòng; rồi phải đón nhận tin thân phụ qua đời trong bệnh tật lẻ loi; giữa những tình cảnh bi đát đó, Têrêxa vẫn một lòng tìm kiếm thánh ý Chúa mà thôi. Ngài hoàn toàn tin rằng Chúa muốn những gì là tốt đẹp nhất cho những kẻ Chúa yêu. Chị đã không cậy vào sức riêng mà chỉ dựa vào ơn Chúa. Còn điều gì khác có thể minh chứng hùng hồn hơn cho một tâm hồn trông cậy phó thác cho bằng một tâm hồn khiêm hạ đơn sơ? Thông điệp sống trong sáng mạch lạc của “Bông hoa nhỏ Têrêxa” hoàn toàn phù hợp với sứ điệp Tin Mừng. Dù cho cuộc đời có thăng trầm thay đổi ra sao đi nữa, “chúng ta cũng hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng” là vì chúng ta tin tưởng vào những gì Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã hứa (x. Rm 8, 28-30) và hãy nhớ rằng Chúa là “Đấng hoàn toàn tín trung” (x. Hr 10, 23). Thiên Chúa “đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. [Nhờ] ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hằng trông đợi” (x. Tt 3, 6-7). 
 
Đức Ái: Tiếng gọi của Hy Vọng
 
“Truyện Một Tâm Hồn” không chỉ cung cấp cho chúng ta dữ liệu về cuộc đời và di sản tinh thần của vị Thánh nữ chúng ta rất mực mến mộ, mà còn được mệnh danh là một “kho tàng tuy nhỏ nhưng lại vô cùng vĩ đại”, đó là lời bình luận sáng ngời về Tin Mừng mà Thánh nữ đã sống trọn vẹn. Đức Bênêđictô cho rằng “Truyện Một Tâm Hồn” cũng chính là “Truyện Một Tình Yêu”. Câu truyện đó đã được kể lại một cách chân thực, giản dị và mới mẻ đến mức nó có thể chinh phục hầu như tất cả những ai đọc nó. Chẳng phải tình yêu này đã tràn ngập toàn bộ cuộc đời của Têrêxa, ngay từ thuở thơ ấu cho đến khi lìa đời là gì? Tình yêu này có một khuôn mặt cụ thể, có danh tính rõ ràng, và đó là Chúa Giêsu. Thánh nữ của chúng ta đã liên tục nói về Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta hãy xem lại những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của chị Thánh, để đi sâu vào trọng tâm những giáo huấn mà chị để lại cho chúng ta.”[10]
 
Đức ái không chỉ hướng chúng ta về Thiên Chúa nhưng còn hướng chúng ta đến tha nhân nữa. Vì chưng ai càng yêu Chúa thì càng dễ nhận ra Chúa nơi những kẻ Chúa thương yêu vì thế họ không thể khước từ yêu Chúa trong tha nhân. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (x. Ga 14, 15). Và “đây là điều Thầy truyền dạy anh em: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 15,12). Đức mến là giới răn tiên quyết Chúa truyền dạy chúng ta tuân giữ vì đức mến tác động mạnh mẽ lên mọi khía cạnh cuộc đời của kẻ theo Chúa: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 4-7). “Không có đức mến, chúng ta chẳng là gì hết” (x. 1 Cr 13, 2) và những việc chúng ta làm “chẳng có ơn ích gì cả” (x. 1 Cr 13, 3). Đức mến cao trọng hơn mọi nhân đức (x. 1 Cr 13,13). 
 
Khi quyết định dấn thân vì ơn gọi “là con tim trong cung lòng Hội Thánh”, Têrêxa ý thức rất rõ con đường chị sắp dấn thân vào. Con đường yêu thương sẽ cho phép chị chu toàn mọi mơ ước và nguyện vọng, kể cả giấc mơ được vĩnh viễn thuộc về Chúa. Quả thực, việc thực thi tất cả các nhân đức được nên sinh động và được gợi hứng bởi đức mến. Đức mến là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14); là mô thể của các nhân đức; liên kết và phối hợp cả đức tin và đức cậy (x. GLHTCG, 1827).
 
Cầu Nguyện: Sức mạnh của Hy Vọng
 
Chỉ hai năm sau ngày nữ tu Têrêxa được tuyên Thánh (1925), Đức Piô XI tuyên bố đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo (1927). Dù cho chị Thánh chưa hề thoát ly ra khỏi nội vi đan viện và cũng chưa một lần đặt chân đến miền đất “dân ngoại” nhưng chị xứng đáng được tuyên dương như một nhà truyền giáo thực thụ. Tâm hồn truyền giáo của chị được biểu lộ qua thao thức “vì phần rỗi các linh hồn” và qua tình yêu mãnh liệt chị dành cho các tội nhân. Nếu như đức cậy của chúng ta thôi thúc chúng ta mong ước phần rỗi và hạnh phúc thiên đàng cho chính bản thân trước thì đức cậy nơi tâm hồn Thánh Têrêxa quá sức vĩ đại. Đức cậy ấy thôi thúc chị lo lắng cho phần rỗi linh hồn của tha nhân. Chị không ngần ngại nhận lấy trách nhiệm làm “mẹ các linh hồn”[11] để nhờ Chúa cứu lấy các linh hồn ấy bằng thật nhiều hy sinh và nguyện cầu. 
 
Chúng ta còn nhớ biến cố năm 1887, lúc Têrêxa mới có 15 tuổi. Cô bé Têrêxa lo lắng cho phần rỗi người tử tù tên Pranzini. 
 
Con mong rằng mọi loài thụ tạo hợp ý cùng con khẩn nài ơn thánh cho các tội nhân. Từ đáy lòng con,… con cầu nguyện cho kẻ có tội… Con vững tâm tin Chúa thứ tha cho tử tù Pranzini bất hạnh này và con tin tưởng như thế, cho dù anh không xưng tội và không hề tỏ ra một dấu nào cho thấy anh ta hối cải… Con hoàn toàn tín thác vào lòng thương xót hải hà của Chúa Giêsu… Sau ngày Pranzini bị xử, con cầm ngay tờ báo “La Croix”. Con vội vã mở ra và… con xúc động đến rơi lệ,... Pranzini lên đoạn đầu đài, chuẩn bị đưa đầu vào máy chém, bỗng nhiên được ơn trên thúc đẩy, anh quay lại cầm lấy cây Thánh giá do Linh mục giơ lên và anh hôn lên những vết thương thánh đến ba lần... Con đã được “Dấu chỉ” con xin, dấu chỉ ấy khích lệ con [tiếp tục] cầu nguyện cho kẻ có tội… Kể từ ân huệ độc nhất này, lòng mong ước cứu rỗi các linh hồn của con mỗi ngày một lớn thêm.[12]
 
Phần rỗi của tử tù Pranzini không phải là do Têrêxa cứu lấy. Chị ý thức rất rõ điều này. Chị chỉ dùng lời cầu nguyện và sự hy sinh của mình để diễn tả niềm cậy trông chị đặt nơi Thiên Chúa toàn năng. Chúa cứu anh ta. Dấu lạ đến từ đời sống cầu nguyện cũng lại là sức mạnh củng cố đức tin của Têrêxa và khích lệ chị cầu nguyện nhiều hơn nữa. 
 
Kết: Lời nguyện Hy Vọng
 
Kết thúc chặng đường dương thế khi vừa tròn 24 tuổi, chị nữ tu người Pháp khép nhẹ bờ mi, cánh tay buông thõng bên mạn giường làm rơi vãi xuống sàn nhà những cánh hồng còn đọng sương mai. Tất cả những ai ngắm nhìn “Bông Hoa Nhỏ Têrêxa” cũng có thể cảm nhận được hương thơm nhân đức của một vị thừa sai đức tin, vị tông đồ đức mến, và vị sứ giả hy vọng.
Đọc lại hồi ký cuộc đời của Thánh Têrêxa, nhất là bí quyết nên thánh bằng “con đường thơ ấu thiêng liêng” của chị, chúng ta hoàn toàn bị thuyết phục bởi nhận xét vô cùng xác đáng của ba vị Giáo Hoàng. Tình yêu hỷ xả tràn ngập tâm hồn thơ bé của thánh nữ. Nơi trái tim nhỏ bé mà vĩ đại ấy, lời Chúa Giêsu trở nên hoàn toàn ứng nghiệm: “Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người thông thái, nhưng đã mặc khải cho những kẻ bé mọn” (x. Mt 11, 25). Chị hiểu ra rằng ai càng hạ mình xuống thì càng gần Ngôi Lời Nhập Thể, mẫu mực hoàn hảo về nhân đức tự hạ. Ai càng gần Thiên Chúa Tình Yêu nhiều thì càng rành rẽ hơn về khoa học của “con tim”, và nhờ đó sẽ được Đấng là Chân - Thiện - Mỹ soi sáng để trở nên bậc thầy về khoa học “khôn ngoan”. “Bông Hoa Nhỏ” đơn sơ của Dòng Cát Minh không chỉ dùng chính cuộc đời để diễn tả đức tin và lòng yêu mến của chị đối với Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương nhưng còn có khả năng làm lan tỏa niềm hy vọng chan chứa nơi trái tim chị đến những tâm hồn chới với vì tuyệt vọng lo âu.
 
Trong lúc tinh thần và thể xác chúng ta kiệt quệ rã rời, chúng ta hãy nhớ đến hình ảnh cánh hoa nhỏ bé đơn sơ mang tên Têrêxa Hài Đồng Giêsu và học lấy “linh đạo thơ ấu thiêng liêng” của ngài. Vì chưng đó chính là bí quyết giúp cho ngài vượt qua “đêm đen đức tin” mà vẫn giữ được “niềm trông cậy vững chắc” rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta giữa giông tố cuộc đời (x. Dt 6, 18). Lời nguyện hy vọng là lời nguyện theo suốt cuộc đời của chị. Chị đã không một phút nào ngưng bám vào Chúa Giêsu, tình yêu vĩnh cửu của đời chị: “Giêsu, con yêu mến ngài!”
 
[1] ĐTC Gioan Phaolô II, Novo Millennio Ineunte- Tông Thư Khởi Đầu Ngàn Năm Thứ Ba, số 42. 
 
[2] ĐTC Bênêđictô XVI, Bài Giáo Lý - Tiếp Kiến Chung Hàng Tuần, Thứ Tư 06/04/2011. 
 
[3] ĐTC Bênêđictô XVI, Diễn từ đúc kết kỳ tĩnh tâm Giáo Triều Rôma, Thứ Bảy 19/03/2011. 
 
[4] Xem ĐTC Phanxicô, Thông Điệp Lumen Fidei – Ánh Sáng Đức Tin, 29/06/2013, số 32.
 
[5] Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, Thư Gửi Gia Đình Tổng Giáo Phận Sài Gòn, ngày 31/08/2021, tại https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-gui-gia-dinh-tong-giao-phan-hay-nam-giu-niem-hy-vong-danh-cho-chung-ta-64108
 
[6] Tham khảo Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, II-II, 17.1. 
 
[7] Tham khảo Truyện Một Tâm Hồn - Storia di un’anima, Francois-Marie Lethel, OCD biên tập, Roma: Edizioni OCD, 2015, tr.41. Bài viết sử dụng các trích dẫn từ bản tiếng Ý, từ đây sẽ viết tắt “TMTH”. 
 
[8] TMTH, tr.35 & 38. 
 
[9] TMTH, Phần Mở Đầu, tr.37. 
 
[10] ĐTC Bênêđictô XVI, Bài Giáo Lý - Tiếp Kiến Chung Hàng Tuần, Thứ Tư 06/04/2011.
 
[11] TMTH, Lời Nguyện Dâng Lên Chúa Giêsu, tr. 257. [12] TMTH, Thủ Bản A, tr. 133-134.

 (WHĐ)

MỤC VỤ THỜI COVID-19

 

MỤC VỤ THỜI COVID-19

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

WGPMT (24.9.2021) - Bản tin UCA News ngày 10/9/2021 có bài viết về tình trạng tự tử của các hướng dẫn viên du lịch tại Thái Lan. Du lịch là một trong những nguồn lực kinh tế chính của Thái Lan, chẳng hạn trong năm 2019, Thái Lan đã thu hút 40 triệu lượt khách du lịch, đóng góp 1/5 GDP. Vì thế khi đất nước phải đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch cũng đóng băng và cả trăm ngàn người làm việc trong ngành du lịch lâm vào cảnh thất nghiệp. Cụ thể là các hướng dẫn viên du lịch không có việc làm, không có thu nhập suốt 18 tháng qua, từ tháng 3/2020 đến nay. Họ phải sống nhờ vào sự trợ giúp của chính quyền và các tổ chức từ thiện. Tình trạng thiếu thốn kéo dài dẫn đến những suy sụp tinh thần và tuyệt vọng. Chỉ riêng tại thành phố Hat Yai gần biên giới với Malaysia, đã có 9 hướng dẫn viên du lịch tự tử.

Dĩ nhiên không chỉ có hướng dẫn viên du lịch ở thành phố nhỏ Hat Yai mới tự tử, cũng không phải chỉ có người làm trong ngành du lịch tự tử, nhưng con số này là minh họa cụ thể để nhìn rộng ra toàn xã hội và thấy những tác động tiêu cực của dịch bệnh trên đời sống người dân. Tại Việt Nam, tuy không có con số thống kê chính thức nhưng tôi cũng đã nghe một vài linh mục ở Sài Gòn nói đến vấn đề này. Thông thường tự tử chỉ là bước đi cuối cùng, trước đó người ta đã phải chiến đấu với những sang chấn tâm lý như âu lo, sợ hãi, thất vọng, chán nản, cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi, tuyệt vọng…. Và đó là điều mà người làm mục vụ phải quan tâm.

Thực tế trên giúp chúng ta có tầm nhìn bao quát hơn về những nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19. Rất tự nhiên, trên các phương tiện truyền thông cũng như trong câu chuyện hằng ngày, chúng ta nói nhiều đến nguy hiểm của dịch bệnh về mặt thể lý: số ca nhiễm mỗi ngày, số tử vong mỗi ngày, những khó khăn trong việc đi lại, mua bán, chợ búa…đồng thời bàn luận về những phương thế chống dịch về mặt thể lý như giãn cách, phong tỏa, thông điệp 5 K, vaccine… Hình như không mấy ai quan tâm đến những tác động tâm lý mà dịch bệnh và những phương thế chống dịch có thể tạo ra trong đời sống cá nhân cũng như gia đình của người dân. Vì thế cần có tầm nhìn tổng thể về nhiều mặt của đời sống (tâm lý, tinh thần, xã hội) chứ không chỉ gói gọn trong vấn đề thể lý và y tế, dù rất quan trọng. Quả là một thách thức lớn cho tất cả mọi người, nhưng nhận ra vấn đề đã là bước đầu để có thể tìm cách giải quyết.

Trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay, người Công giáo cũng không ngoại lệ, cũng phải đối diện với những khó khăn như mọi người: thất nghiệp, thiếu thốn, nghèo khổ. Chúng ta có thể làm gì? Dĩ nhiên người Công giáo có chỗ dựa tinh thần vững chắc là niềm tin vào sự quan phòng và tình yêu thương của Chúa. Tuy nhiên tôi muốn nói đến một lợi thế lớn của người Công giáo là hệ thống giáo xứ. Người Công giáo nào – dù ở thành phố hay nông thôn, cũng đều thuộc về một giáo xứ, và trong mỗi giáo xứ, bà con hầu như biết nhau hết (nhất là trong các vùng tập trung người Công giáo), vì thế có thể giúp nhau trong lúc khó khăn, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần.

Nói đến giáo xứ, không thể không nói đến vai trò của các linh mục. Đây là lúc các linh mục thi hành chức năng mục tử: “Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi”. Biết chiên đang ở đâu, hoàn cảnh sống ra sao, đầy đủ hay thiếu thốn, khỏe mạnh hay đau yếu. Biết chiên bằng cách gặp gỡ, thăm viếng từng nhà, trong hoàn cảnh bị giãn cách vẫn có thể thăm hỏi qua các phương tiện truyền thông. Biết chiên để tìm cách đồng hành, chia sẻ, nâng đỡ, khuyến khích; nếu quá nhiều việc phải làm, có thể mời gọi những người khác tham gia hỗ trợ. Biết chiên để kiến tạo sự hiệp thông trong gia đình giáo xứ, ví dụ hẹn nhau đọc kinh chung cùng lúc trong ngày, cùng nhau giúp đỡ một gia đình trong xứ hoặc trong khu vực đang gặp khó khăn, nơi nào có khả năng cũng có thể thiết lập đường dây tư vấn online.

“Ngôi Lời đã làm người và ở cùng chúng ta”. Bước đầu tiên của mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Độ là Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta. Bước căn bản của Mục vụ cũng là ở cùng, hiện diện, chia sẻ. Đây chính là lúc cần thể hiện mục-vụ-ở-cùng nhiều nhất.

(WHĐ)

NHẬT KÝ TỪ KHU ĐIỀU TRỊ F0: NIỀM VUI HỒI SINH

NHẬT KÝ TỪ KHU ĐIỀU TRỊ F0: 
NIỀM VUI HỒI SINH

TGPSG Rinascerò: Tôi sẽ hồi sinh, bạn sẽ hồi sinh, khi mọi thứ qua đi rồi thì chúng ta cùng nhau sẽ lại ngắm sao trời...

Nắng ấm

Hôm nay tôi có dịp ra đường ngắm phố xá, nhìn nắng rọi lên từng tán cây phiến lá, phản chiếu trên các toà nhà cao tầng mà trong lòng bỗng thấy Sài Gòn sao mà đẹp và xinh tươi thế.

Một số hàng quán được mở cửa, xe cộ bắt đầu được lưu thông nhiều hơn làm không khí thành phố cũng “ấm” lên hẳn. Niềm hi vọng và niềm tin Sài Gòn sắp “hồi sinh” trong tôi lại được sưởi lên bằng một luồng sinh khí mới!

Có lẽ tâm trạng thoải mái nên nhìn mọi thứ đều tràn đầy sức sống.

Bên trong Bệnh viện khu điều trị Covid, nơi tôi và đồng nghiệp đang ngày đêm chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân, mỗi ngày chúng tôi lại có thêm nhiều niềm vui.

Đó là số lượng bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 nhập viện giảm đi, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhẹ hơn nhiều so với cách đây 1 tháng, và đặc biệt hơn là những bệnh nhân nguy kịch với nhiều bệnh nền được mạnh khỏe và xuất viện mỗi ngày một nhiều hơn.

Sài Gòn vui và lòng tôi cũng vui.

Kể cũng không hết những gì mà tôi và đồng nghiệp đã trải qua tại khoa trong gần 2 tháng chiến đấu với Covid-19. Ở đó, mỗi bệnh nhân là một câu chuyện, để rồi, mỗi khi vất vả, chúng tôi lại kể nhau nghe để động viên nhau cùng mỉm cười vượt qua bao vất vả. Dưới đây là một số chuyện vui...

Người ảo
 

Cô bệnh nhân U50, béo phì nặng, vừa có tăng huyết áp, tai biến mạch máu não cũ, mà còn kèm theo suy tuyến giáp. Cô nhập viện cấp cứu trong tình trạng giảm oxy máu nặng đến nỗi không còn biết gì, được các bác sĩ cấp cứu hồi sức hô hấp, rồi thở máy xâm lấn, thêm các thuốc an thần để Cô thở hiệu quả. Chức năng tuyến giáp cô bị suy giảm nặng đến nỗi Cô có 2 lần mạch chậm quá mức phải hồi sức tim. Vậy mà sau 1 tuần chiến đấu không mệt mỏi, Cô đã hồi sinh.

Khi mở mắt ra, tỉnh hẳn, và tự thở, Cô đã hỏi chúng tôi:

“Các người là người thật hay người ảo? Tại sao bắt tui ở đây, mấy người ai cũng trắng toát từ trên xuống, ai cũng mang mặt nạ, mấy người cứ bắt tui uống sữa hết chai này đến chai khác, cho tui ăn no vậy có ý đồ gì à?”.

Nghe xong, đồng nghiệp và tôi chỉ nhìn nhau cười. Cười vì không biết làm sao giải thích cho bệnh nhân, mà cũng cười vì không thể mở PPE và mặt nạ ra để Cô biết mình cũng là “người” như Cô. Ấy vậy mà sau 1 tuần được phục hồi chức năng, được chăm sóc bởi nhóm “người ảo” ấy, Cô đã được xuất viện.

Lúc xuất viện, Cô còn vui vẻ mời chúng tôi đến nhà Cô chơi. Chúng tôi lúc này mới ngỡ ngàng, thì ra Cô đã nhận biết chúng tôi là “người thật” từ mấy ngày trước đó rồi! Có lẽ Cô đã cảm nhận được hơi ấm tình thân từ các y bác sĩ, cái hơi ấm mà tôi nghĩ có sức thuyết phục hơn hàng chục lời giải thích.

Bệnh nhân lực lưỡng

Một chàng trai khỏe mạnh, 33 tuổi, đi làm công nhân vô tình nhiễm Covid, nhập khoa tôi, phải thở máy ‘xâm lấn’. Chàng ta nặng đến 110 kg, mỗi lần thực hiện y lệnh nằm sấp của các bác sĩ hay thay tả lót là phải cần ít nhất 5 người để giúp cho anh ấy.

Có những lúc tưởng chàng trai này không vượt qua được số phận, thế mà, trong vòng 1 tuần lọc máu liên tục hấp phụ các chất viêm trong máu và chăm sóc tích cực, chàng trai đã hồi tỉnh.

Khi chuyển ra khỏi phòng hồi sức, chàng trai còn yếu đến nỗi cứ xoay trở người là oxy trong máu giảm nhiều. Các bác sĩ và kỹ thuật viên vật lý trị liệu phải nỗ lực hết mình, động viên và tìm các bài tập phù hợp phục hồi chức năng phổi.

Sau 2 tuần miệt mài phục hồi chức năng, chàng ấy đã không còn cần tới oxy, tự vệ sinh cá nhân và ra viện. Ngày trước khi ra viện, chàng trai 33 tuổi cứ bịn rịn: “Em nhớ nhà, muốn về nhà lắm rồi, nhưng tối hôm qua em suy nghĩ về thì không còn gặp các anh chị ở đây, em cũng buồn. Em không giỏi ăn nói, em muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã giúp em hồi sinh”.

Tình mẫu tử

Có lẽ cảm động nhất trên đời là câu chuyện về tình mẫu tử. Mẹ mắc tăng huyết áp thai kỳ (tiền sản giật), tiểu đường thai kỳ, nhập viện sanh con khi biết mình bị nhiễm Covid. Sau sanh, mẹ-con phải cách ly. Mẹ phải nằm theo dõi hậu sản tại khu điều trị Covid. Sau 1 tuần theo dõi ổn định, mẹ được xuất viện với tải lượng virus an toàn, nhưng vẫn không gặp được con vì phải tiếp tục cách ly y tế. Những tưởng sau thời gian ấy, mẹ-con được gặp nhau, vậy mà về nhà được 4 ngày, mẹ vào giai đoạn tăng viêm của Covid, khó thở nhiều, nhập lại bệnh viện.

Mẹ suy hô hấp nặng đến nỗi da tái nhợt, phải thở oxy lưu lượng cao, hình X quang phổi thì viêm phổi cả hai bên. May mắn thay, các bác sĩ hội chẩn kịp thời sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng và thuốc kháng siêu vi đặc trị Covid, phối hợp với kiểm soát bệnh nội khoa. Chỉ sau 3 ngày, mẹ đã không còn cần hỗ trợ oxy. Niềm khát khao gặp được con càng mạnh mẽ hơn khi kết quả phết họng không còn phát hiện virus.

Ngày ra viện, nhìn theo dáng đi kiên cường của người mẹ ấy, tôi và đồng nghiệp nhìn nhau mỉm cười hạnh phúc, vì biết rằng mình đã giúp một bé thơ thoát cảnh mồ côi mẹ.

Rinascerò: Hồi sinh

Còn, và còn rất nhiều câu chuyện mà các y bác sĩ chúng tôi đã trải nghiệm và chứng kiến mỗi ngày. “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” (Trịnh Công Sơn), và có lẽ đối với các y bác sĩ chúng tôi, không có niềm vui nào lớn hơn là nhìn thấy bệnh nhân của mình được “hồi sinh” và trở lại cuộc sống bình thường.

Tôi tin rằng, những lời động viên chân thành, những thìa cháo, muỗng sữa, ngụm nước mà tôi và các đồng nghiệp kiên trì chăm sóc bệnh nhân sẽ phần nào giúp bệnh nhân không còn mặc cảm bệnh tật. Họ cảm nhận được sự an toàn và hơi ấm tình thân ở nơi mà 24/24 phải nghe nhịp báo động của máy thở, máy truyền dịch và máy theo dõi sinh hiệu reo lên liên tục.

Niềm vui của tôi cứ thế mà lớn lên theo từng ngày. Niềm vui đó là động lực để tôi và các y bác sĩ đồng nghiệp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nhiều vất vả nhưng cũng đong đầy hạnh phúc. Và cũng chính niềm vui đó làm tôi tin rằng Sài Gòn nhất định sẽ ‘hồi sinh’ như lời của bài hát ‘Rinascero’: Bạn sẽ hồi sinh…

Thực sự, ‘một bệnh nhân xuất viện’ là công sức của cả tập thể lớn, từ đường hướng của ban lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa, sự tận tình- tận tâm- tận tụy của các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và anh chị em tình nguyện viên trong khoa.

Tôi rất biết ơn và tự hào về tập thể khoa ICU 2A, vì tất cả anh chị em đều luôn hy sinh cố gắng chăm sóc cứu chữa bệnh nhân hết mình.

Và phần quan trọng nữa là sự hợp tác của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân cố gắng ăn uống, cố gắng tập thở, cố gắng vận động... theo sự hướng dẫn của bác sĩ thì nhất định sẽ mau khỏe, mau xuất viện, mau đoàn tụ bên gia đình.


Sài Gòn 29/09/2021
Nt Mai Thương - Dòng Chúa Quan Phòng (TGPSG
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 30.9.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 30.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Năm, ngày 30.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 30.9.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Năm, ngày 30.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: THIỆN NGUYỆN VIÊN LINH MỤC & TU SĨ LÊN ĐƯỜNG RA TUYẾN ĐẦU ĐỢT 8


THIỆN NGUYỆN VIÊN LINH MỤC & TU SĨ 
LÊN ĐƯỜNG RA TUYẾN ĐẦU ĐỢT 8

TGPSG -- Buổi lễ 'ra quân' đợt 8 - do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM phối hợp tổ chức cho các linh mục & tu sĩ lên đường phục vụ bệnh viên Dã Chiến 16 (Q. 7) - đã diễn ra vào lúc 12g ngày 22-9-2021 tại sảnh nhà khách Công Đoàn số 1, Bùi Thị Xuân, Q.1, TPHCM.

 
Đợt 'ra quân' này có 19 TNV, gồm: 
 
- 1 linh mục: Cha Martino Nguyễn Phương Linh - Giáo xứ Chí Hòa, TGP Sài Gòn;
 
- 4 chủng sinh của Đại Chủng viện Thánh Giuse;
 
- 2 thầy phó tế Dòng Thương Khó Chúa Giêsu;
 
- 10 nữ tu thuộc các Dòng: Nữ Truyền Giáo Phanxicô Assisi (3), Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương (1), Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa (4), Mến Thánh Giá Thủ Đức (2);  
 
- 2 đệ tử Dòng Cạnh Nương Long Chúa Giêsu.

Phỏng vấn

Trước buổi lễ 'ra quân', chúng tôi có cuộc phỏng vấn ngắn với Bác sĩ CK2 Vương trọng Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viên Dã chiến số 16.

Pv: Bác sĩ nhận định như thế nào về hoạt động sắp tới của các TNV tại Bệnh viện Dã chiến 16?

BS: Với tình hình dịch bệnh chưa hề ổn định như bây giờ, Bệnh viện Dã chiến 16 hiện nay, ngoài lực lượng y tế chính thức, rất cần có thêm những lực lượng tình nguyện viên (TNV), vì các bộ phận đều đang thiếu người phục vụ.

Việc chăm sóc bệnh nhân Covid tốn rất nhiều nguồn nhân lực, trong đó có những bộ phận hỗ trợ tâm lý và tinh thần, chăm sóc những bệnh nhân kiệt quệ, tinh thần lung lay vì phải cách ly với người nhà.

Có những bệnh nhân đang nằm ở khu vực nhẹ, nhưng khi biết có người thân nằm ở khu vực hồi sức bệnh trở nặng, lúc đó họ xuống tinh thần ghê gớm lắm, hoảng loạn dữ lắm; đội ngũ y bác sĩ dẫu có tâm đến bao nhiêu cũng không đủ để từng người đến mà theo sát nâng đỡ từng bệnh nhân.

Vì thế, lực lượng TNV tôn giáo có một vai trò rất lớn. Phần lớn các thầy, các sơ là những người rất tâm lý, hỗ trợ về nhiều mặt: chia sẻ, chăm sóc và trấn an bệnh nhân trong lúc họ hoảng loạn.

Khi bước vào công tác chăm sóc bệnh nhân, các TNV tôn giáo sẵn sàng quên hết các địa vị bên ngoài của mình để hết lòng phục vụ: kiểm soát nhiễm khuẩn, quét dọn, làm sạch cảnh quan…, là những công việc mà đội ngũ y tế không thể đảm nhận hết được. Các TNV hỗ trợ rất lớn, giúp cho bệnh nhân sớm được hồi phục và xuất viện nhiều hơn.

Phần lớn các TNV đã đồng hành xuyên suốt rất tốt với các y bác sĩ trong các bộ phận. Chưa bao giờ tôi thấy tình người trải rộng và sâu sắc đến thế, rất là tuyệt vời. Khi cùng mặc bộ đồ bảo hộ giống nhau thì tất cả đều là đồng nghiệp, là đồng đội của nhau, cùng nhau chung tay giúp bệnh nhân sớm hồi phục. Rồi sau đó thì mỗi người cũng sẽ lại trở về với công việc trước đây của mình…

PV. Theo thông tin trên báo đài, vào ngày 30-9, Thành phố sẽ nới lỏng... Khi ấy tình hình bệnh nhân nhập vào Bệnh viện Dã Chiến 16 sẽ như thế nào?

BS: Hiện tại, lượng bệnh nhân nhập vào Bệnh viện Dã Chiến 16 vẫn rất nhiều. Đó là do chủ trương của Thành phố đang đóng cửa một số bệnh viện dã chiến, để trả lại mặt bằng cho các trường học, các đơn vị hành chánh… Vì thế, Bệnh viện Dã chiến 16 phải tiếp nhận thêm bệnh nhân từ các nơi ấy, do Sở Y tế chỉ định...

Pv: Bác sĩ có lời khuyên gì cho người dân chuẩn bị “bình thường mới”?

BS: Thực ra hiện giờ tại bệnh viện, công việc cũng tương đối có nhẹ nhàng hơn đôi chút. Các y bác sĩ cũng giảm căng, trán cũng đã giãn ra nhiều hơn. Nhưng điều đó cũng không hẳn là phấn khởi 100%... Theo tôi, dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Nếu chúng ta chủ quan thì thành phố sẽ lại quay trở về tình trạng nặng nề của một, hai tháng trước. Với suy nghĩ của tôi, mọi nhà, mọi bộ phận, mọi ngành nghề đều nên tuân thủ chống dịch để tránh lây nhiễm chéo cho nhau, để gìn giữ một cuộc sống ổn định trong tương lai, nếu không dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành.

Lễ ‘ra quân’

Khởi sự buổi lễ ‘ra quân’, Bà Phan Thị Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - đã động viên các TNV:

“Dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên các TNV đến trong giai đoạn này không phải là sớm, cũng không phải là quá muộn. Tôi mong các TNV đồng hành với bệnh viện để mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.”
 
Sau đó, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện tòa Giám mục TGP Sài Gòn - có đôi lời với TNV:

“Hôm nay chúng ta xuất quân rất là ấn tượng. Ấn tượng vì chúng ta gặp nhau trễ như thế này. Tôi biết trong lòng quý cha, quý tu sĩ có những cảm xúc trái ngược vì đã hăng hái đăng ký tình nguyện lâu rồi mà bây giờ mới có mặt ở đây. Trong khi đó, báo chí gần đây lại cho thấy có vẻ như tình hình sắp trở lại bình thường rồi. Vậy mà sao vẫn cần tình nguyện?

"Thì đây là con số mà chúng ta nên biết: Cho đến 18g ngày 27-9-2021, theo Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid của Thành Phố, chỉ cách đây 36 tiếng, Thành phố chúng ta vẫn còn 37.897 bệnh nhân, 1.793 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân phải can thiệp EMO. Có nghĩa là chúng ta bằng mọi cách vẫn cần tham gia giúp cho người bệnh trở về cuộc sống bình thường với gia đình. Chúng ta chưa hết việc đâu.

"Chúng ta ra quân gần đợt này cũng quan trọng lắm. Lúc này, người ta đang mong chờ mòn mỏi làm sao để được đón người thân từ dịch bệnh trở về, mọi sự bình thường trở lại, học sinh đi học, các nhà thờ mở cửa lại, người người có thể ra đường sinh hoạt.

"Đây là lúc chúng ta cần mạnh mẽ hơn. Đừng có sợ rằng mình đi muộn. Cho dù đi có mấy ngày, bệnh viện đóng cửa rồi về cũng được. Nhưng nếu tình hình dịch bệnh chưa giảm, bệnh nhân vẫn còn, thì chúng ta vẫn còn phục vụ. Kính chúc quý cha và quý tu sĩ bước ra tuyến đầu đầy lửa của hồn tông đồ; đi trong yêu thương, bình an, mạnh khỏe; lên đường đầy ân sủng của Chúa."


Kết thúc ‘lễ ra quân’, các TNV nhận quà tặng từ lãnh đạo Thành phố.

Tính từ ngày 22-7-2021 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức được 8 lần lên đường ra tuyến đầu, với 606 TNV tôn giáo tham gia phục vụ tại những bệnh viện điều trị Covid-19.

Bài và ảnh: Sơn Nữ SPC (TGPSG)
 
(WGPSG)