Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

BẠN TÔI MÙA COVID

BẠN TÔI MÙA COVID

TGPSG -- Nhờ chiếc điện thoại, 4 người trong gia đình vẫn liên lạc được với nhau và động viện nhau lần chuỗi...

Có lẽ chưa bao giờ chiếc điện thoại di động lại trở nên thân thiết với tôi như trong mùa covid. Giãn cách không bước ra khỏi nhà thì làm sao thăm viếng nhau, làm sao mua thực phẩm, làm sao xúc tiến công việc đang dang dở? Chiếc điện thoại di động giúp tôi làm được tất cả mọi việc đó! Nó trở thành người bạn trung gian kết nối tôi với thế giới bên ngoài, nhất là với người thân và bạn bè thân thiết.

Thật vậy, trong khoảng thời gian cao điểm của dịch bệnh đợt 4, tôi nhận được nhiều cuộc gọi rất ấn tượng, nhưng có 2 cuộc gọi mang đến 2 cảm xúc khác nhau mà tôi không sao quên được.

CUỘC GỌI THỨ NHẤT

- Em ơi, con Út nó ra sao rồi?

- Dạ, một giờ nữa, Y tế Phường sẽ có xe để đưa đi cách ly ở bệnh viện dã chiến thu dung.

- Ủa, sao nó nói nhất định cách ly ở nhà vì nó không thấy có triệu chứng gì hết? Với lại, nó đang ăn kiêng, sợ vô đó đồ ăn không hạp sẽ chết sớm!

Tội cho chị Hai ở cách xa nữa vòng trái đất, cứ liên tục gọi để biết tin tức của các em tại quê nhà. Nhà kế bên, cô Út có 3 người dương tính, nay đến phiên cô Út dương tính. Chị Ba ở khác quận, thuyết phục khô cả miệng, hết cả pin điện thoại, cuối cùng cô Út mới gật đầu chịu đi cách ly tập trung.

Bảy ngày sau, cô Út gọi lại từ nơi cách ly :

- Họ mới test lại, em âm tính rồi, chỉ còn ho chút chút thôi! Đợi làm thủ tục về nhà cách ly tiếp 14 ngày nữa!

Tin vui, mừng quá!

CUỘC GỌI THỨ HAI

- Chị ơi, chị mời cha nào xức dầu cho ông xã em đang ở Bệnh viện 115 được không? Em ở Bệnh viện Hồi sức 16 Thủ Đức, có cha trong nhóm tình nguyện viên biết em có đạo, nên đã giải tội, xức dầu và cho em rước lễ rồi, lúc em mới nhập viện đó!

Trời! Chồng cách ly một nơi, vợ cách ly một nơi, 2 đứa con cách ly ở một nơi khác. Nhờ chiếc điện thoại, 4 người trong gia đình vẫn liên lạc được với nhau và động viện nhau lần chuỗi, phó thác cho Lòng Chúa Thương xót.

Đúng một tháng sau, con gái báo tin:

- Cô ơi, mẹ con ‘ra đi’ vào rạng sáng nay rồi! Ba cha con tụi con từ nay không còn nghe tiếng mẹ nhắc lần chuỗi mỗi tối nữa rồi!

Tin sét đánh! Rụng rời! Mọi lời nói trở nên vô nghĩa!

Vài ngày sau, chiếc điện thoại cũng cho tôi thấy bạn mình trở về nhà, trong một 'cái hộp' xinh xắn! Buồn, nhưng đột nhiên tai nghe văng vẳng lời an ủi từ đáp ca trong thánh lễ online sáng nay:

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 118,1)

Hồng Nhan (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 29 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 22.10.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 22.10.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 29 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Sáu, ngày 22.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: 9 TU SĨ LÊN ĐƯỜNG PHỤC VỤ TẠI BỆNH VIỆN HỒI SỨC CHUYÊN SÂU COVID-19 (đợt 10)


9 TU SĨ LÊN ĐƯỜNG PHỤC VỤ TẠI BỆNH VIỆN
HỒI SỨC CHUYÊN SÂU COVID-19
(đợt 10)


TGPSG -- Cuộc đời chỉ ý nghĩa khi làm cho tình yêu Chúa được lan tỏa…

Lm Giuse Đào Nguyên Vũ đã nhận định như thế trong buổi lễ ‘ra quân’ đợt 10 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cho 9 Tu sĩ lên dường phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu)

Buổi lễ đã diễn ra vào lúc 9g ngày 21-10-2021 tại sảnh Khách sạn Minh Tâm (số 145/8 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận.)

Đợt ‘ra quân’ cuối cùng này gồm có 9 tu sĩ thuộc các Hội dòng / Tu hội: Đức Mẹ Sept-Fons Pháp (1), Đức Bà Bác Ái Chúa Chiên Lành (1), Đaminh Bắc Ninh (1), Foyer Bình Triệu (1), Đaminh Bùi Chu (2), Nữ tu Đức Bà (2), Mến Thánh Giá Quy Nhơn (1).

Mở đầu buổi lễ, Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid-19 (BVHS) - đã thông tin:

Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn,
Phó Giám đốc bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid-19

Số lượng nhiễm trên địa bàn thành phố chúng ta đã giảm rất nhiều, tuy nhiên số lượng bệnh nhân nặng, cần chăm sóc đặc biệt thì vẫn còn, vì để chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, ngoài chuyên môn, còn cần phục vụ vệ sinh, dinh dưỡng, tâm lý... BVHS được lãnh đạo giao nhiệm vụ là đơn vị sẽ đóng cửa cuối cùng: khi nào không còn bệnh nhân covid nặng trên địa bàn thành phố mới được quyền đóng cửa và bàn giao lại mặt bằng cho BV Ung Bướu cơ sở 2. Như thế từ bây giờ đến khi đóng cửa, hoạt động của tình nguyện viên (TNV) vẫn rất cần thiết cho hoạt động của bệnh viện.

Bà Phan Kiều Thanh Hương
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM

Tiếp theo, Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM - sau những lời động viên các TNV, đã mong rằng đợt 10 này sẽ là đợt cuối. Bà phát biểu:

Chúng ta sẽ có kinh nghiệm phòng chống dịch; và đó sẽ là hành trang để sau này biết cách hướng dẫn những người bị nhiễm trong cộng đồng, góp sức phục hồi và phát triển thành phố. Cầu chúc các tu sĩ khi đi khỏe thì về cũng khỏe như vậy.

Sau đó, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện Toà Tổng Giám mục SG - có đôi lời với các tu sĩ:

Lm Giuse Đào Nguyên Vũ
đại diện Toà Tổng Giám mục SG

Khi cuộc sống đã bình thường rồi, mà các tu sĩ vẫn can đảm tiếp tục dấn thân ra tuyến đầu, thì đây là điều rất quý. Theo nhận định của bác sĩ Tuấn và bà Thanh Hương, thành phố đã kiểm soát được dịch, nhưng nhu cầu người bệnh nhiễm covid vẫn còn, họ rất cần chúng ta. Giống như mầu nhiệm Thập giá - càng về cuối ân sủng càng chứa chan, bệnh viện lúc này rất cần các TNV, vì các bác sĩ bắt đầu rút hết trở lại bệnh viện để khám chữa bệnh bình thường. Mỗi sáng ngủ dậy hãy thấy sự hiện diện của mình là quan trọng vì giúp ích rất nhiều cho các bệnh nhân và người nhà của họ vào lúc này. Thật là ý nghĩa khi đem hết sức khỏe và tình yêu để phục vụ. Quả thực, cuộc đời chỉ ý nghĩa khi làm cho tình yêu Chúa được lan tỏa…

Kết thúc lễ ‘ra quân’, tu sĩ Phêrô La Chí Phú - Dòng Đức Mẹ Sept-Fons Pháp - đã phát biểu:

Tu sĩ Phê rô La Chí Phú
Dòng Đức Mẹ Sept-Fons Pháp

Mẹ Thánh Têrêsa Calcuta đã nói: “chúng ta không làm điều gì vĩ đại hết, chỉ làm những việc nhỏ nhặt thôi, nhưng với một tình yêu rộng lớn”. Chúng ta phục vụ bệnh nhân nhiễm covid với những công việc rất nhỏ nhặt, nhưng làm với hết tình yêu của mình, và tập luyện cho tình yêu ấy lớn lên, để có khả năng phục vụ nhiều hơn trong tương lai. Các bệnh nhân chính là hình ảnh của Chúa Giêsu đau đớn trên cây Thập giá. Vì thế phục vụ bệnh nhân là phục vụ chính Chúa.

Tu sĩ Phê rô cũng chia sẻ cảm xúc của mình: “Rất vui và hồi hộp khi mong mau được đến phục vụ tại bệnh viện”.

Được biết, tổng số TNV tu sĩ và linh mục tham gia 10 đợt ra quân, từ ngày 22-7 đến 21-10, là 535 người (507 tu sĩ, 21 linh mục, 7 phó tế), lên đường phục vụ tại 8 Bệnh viện: BV Dã Chiến (BVDC) số 10, BVDC số 12, BVDC số 16, BVHS, BV Quận 7, BV Nhân dân Gia Định, BV Tân Bình và BV Trưng Vương.

Sơn Nữ SPC (TGPSG)
(WGPSG)

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

SAIGON ĐÃ ĐỨNG DẬY: THƯ CÁM ƠN CỦA TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Tp. Hồ Chí Minh ngày 21/10/2021

SÀI GÒN ĐÃ ĐỨNG DẬY
THƯ CÁM ƠN CỦA TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN
TP. HỒ CHÍ MINH

Kính thưa quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha và cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam,

Từ hơn 5 tháng qua, đại dịch đã bùng phát và gây ra biết bao thiệt hại cho cuộc sống người dân tại thành phố Hồ Chí Minh. Chưa bao giờ người dân Sài Gòn lại trải qua những ngày tháng thử thách lớn lao như thế. Tính đến ngày 20/10/2021, đã có 420.946 ca nhiễm, 16.198 người chết. Cả triệu người lâm cảnh thiếu thốn, đành bỏ lại thành phố sau lưng để về quê bất chấp nguy hiểm khó khăn; cả chục ngàn gia đình mất người thân, hàng ngàn trẻ mồ côi bơ vơ vì cha mẹ đã mất vì Covid-19. Công ty xí nghiệp đóng cửa; siêu thị cửa hàng dừng hoạt động. Suốt ba tháng người dân không được ra đường. Người Sài Gòn vốn năng động đã phải ngồi yên. Nhiều người đã nằm xuống vĩnh viễn.

Sài Gòn chưa khỏe, nhưng hôm nay Sài Gòn đã đứng dậy. Đại dịch tạm lắng xuống, mặc dù nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao. Người Sài Gòn lại ra đường, thành phố lại nhộn nhịp. Các công ty, cửa hàng, siêu thị, rồi cũng sẽ hoạt động lại như trước. Sài Gòn không thể như hôm nay nếu không được cả nước chung tay hỗ trợ. Các vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội, các bác sĩ và nhân viên y tế, các thiện nguyện viên…, đã tận tụy phục vụ và dành cho Sài Gòn mọi ưu tiên với những phương tiện tốt nhất. Sài Gòn sẽ khỏe và sẽ lại vang lên “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi”.

Trong phạm vi Giáo Hội Công Giáo, khởi từ lời kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong thư “Thương quá, Sài Gòn ơi” đề ngày 9/7/2021, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, Ban Caritas, Giới Doanh nhân Công giáo, các tổ chức và cá nhân, trong nước cũng như hải ngoại, đã hết lòng giúp đỡ người dân Sài Gòn, từ đồng tiền nhỏ bé của bà góa đến những khoản tiền tỷ; từ những bó rau, cây gừng cây sả, quả dừa, quả trứng, đến thịt cá hay những bao gạo hoặc thùng mì tôm; từ những chuyến xe miền Bắc, miền Trung, hay những con đò miền Tây… Tất cả đều chất chứa đầy ắp tình thương hội tụ về Sài Gòn, nhờ đó chúng con vừa được hưởng dùng vừa có thể chia sẻ cho những người dân chung quanh để cùng nhau vượt qua chặng đường khó khăn. Hôm nay chúng con đã đứng dậy.

Thay lời cho mọi thành phần Dân Chúa, con hết lòng cám ơn Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục, quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha, quí cha, quí tu sĩ và toàn thể anh chị em, đã cầu nguyện, khích lệ và quảng đại giúp đỡ chúng con trong thời gian đại dịch vừa qua. Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên quí Đức Cha và toàn thể cộng đồng Dân Chúa.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria và thánh Giuse, nguyện xin Thiên Chúa chữa lành và ban bình an cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới.

(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục
 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 21.10.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 21.10.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 29: MẢNH ĐẤT TÌNH YÊU

 

NỖI NIỀM CỦA THIỆN NGUYỆN VIÊN: CÁCH LY NHƯNG KHÔNG CÁCH LÒNG!

NỖI NIỀM CỦA THIỆN NGUYỆN VIÊN: 
CÁCH LY NHƯNG KHÔNG CÁCH LÒNG!

TGPSG -- Lắng đọng để nối kết với chính mình. Chia sẻ để nối kết với tha nhân. Tri ân để nối kết với Thiên Chúa.

Sau lễ chia tay các thiện nguyện viên (TNV) tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động quận Tân Bình (2F Nguyễn Hiến Lê, phường 13, Tân Bình), chúng tôi lên đường đến Tu hội Foyer Bác Ái Cao Thái để cách ly, nghỉ ngơi theo thời hạn y tế trong một tâm trạng vui tươi, thoải mái và hạnh phúc! Dẫu vậy, sâu thẳm trong cõi lòng là những nỗi nhớ, nhớ các bệnh nhân Covid-19, nhớ các bạn TNV, nhớ các y bác sĩ, nhân viên y tế, nhớ các chú bảo vệ, nhớ những chị lao công, nhớ hình ảnh của những chiếc áo phòng hộ trắng toát và nhớ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thân thương.

Những vần thơ về tình yêu của Thế Lữ có thể diễn tả chút tâm trạng này: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.” Có người hai tháng, có người hơn một tháng phục vụ bệnh nhân Covid-19, thời gian không quá ngắn, cũng chẳng lâu, nhưng đã lưu giữ trong tôi, các linh mục, tu sĩ và những anh chị em thiện nguyện tuyến đầu những ký ức, những kỷ niệm khó quên, trong đó, có những kỷ niệm khó diễn tả thành lời.

Để những tâm tình, ưu tư và trải nghiệm của các TNV được lan tỏa cho nhau một cách hệ thống, tích cực và cụ thể, chúng tôi đã may mắn được Cộng đoàn Foyer Cao Thái tổ chức “Chương trình Hậu Thiện nguyện: Hồi Tưởng - Nối Kết - Biết Ơn - Chia Sẻ” do cha Nguyễn Trọng Sơn khởi xướng, vào sáng Chúa Nhật (17/10/2021). Thời gian quý báu này, chúng tôi cùng ngồi lại để lắng nghe những tâm tư, kinh nghiệm khác biệt của nhau, để từ đó, bổ túc và làm giàu thêm chút hành trang trên hành trình dâng hiến.

“Lắng đọng để nối kết với chính mình. Chia sẻ để nối kết với tha nhân. Tri ân để nối kết với Thiên Chúa.” Đó là khẩu hiệu mà Ban Tổ chức đã trao gửi cho chúng tôi. Khẩu hiệu ý nghĩa, rõ ràng, và súc tích để cho chúng tôi biết phân định, chọn nhớ, chọn buông bỏ những gì không cần thiết và cách riêng, mỗi người cần nhận thấy nơi bản thân và công việc phục vụ thiện nguyện này được đặt trong ba mối tương quan: với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Buổi chia sẻ diễn ra trong bầu khí ấm cúng và tôn trọng.

Câu nói của một tu sinh Phanxicô, trong nhóm chia sẻ khiến tôi xúc động! Em bộc bạch cách chân thành rằng: “Trong khi em đang đứng cạnh một bệnh nhân đang hấp hối, người đó nắm chặt lấy tay em! Em thấy sợ! Nhưng em vẫn để cho người đó nắm tay mình, dường như bệnh nhân đó đang muốn níu kéo một niềm hy vọng! Từ cử chỉ đó, em cảm nhận được sự đau khổ của người đó nơi chính bản thân mình”. Quả là một trải nghiệm ý nghĩa! Một sự đồng cảm, liên đới và đầy tình yêu!

Thời gian cách ly ở Cộng đoàn Foyer Cao Thái cũng cận kề kết thúc, thế nhưng, nhiều người trong chúng tôi vẫn còn cụ thể nỗi nhớ của mình bằng cách liên kết, dâng lễ, cầu nguyện với và cho những người có liên quan, đó là: những bạn hữu trong lĩnh vực y tế, những thiện nguyện viên, những thân nhân của bệnh nhân, những người phục vụ bệnh nhân cách này hay cách khác và những bệnh nhân còn sống hay đã qua đời! Để qua những kỷ niệm có được trong thời gian qua, sẽ giúp chúng tôi biết trân quý và mang theo bên mình, ngõ hầu bản thân sống vui vẻ, tích cực và hữu ích hơn cho những chặng đường sắp tới.

Xin tạ ơn Chúa và cảm ơn nhau vì những ngày tháng hồng ân, vì những kỷ niệm, kí ức vui buồn. Niềm vui gặp gỡ, niềm vui trong các mối tương quan, niềm vui được phục vụ, niềm vui được trao ban, niềm vui được nhận lãnh qua những cử chỉ, ánh mắt, nụ cười! Tạ ơn và xin lỗi vì cả những nỗi buồn, khi mọi người phải bất lực chứng kiến những bệnh nhân từ giã cõi trần, để cuối cùng giúp tôi chân nhận và xác tín rằng, chỉ có Chúa là nơi tôi nương tựa vững bền, như lời Thánh vịnh: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.” (Tv 61,2).
Cao Thái ngày 19/10/2021
Lm. Giuse Trần Thanh Hải, SVD
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 29 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 21.10.2021
tại nhà thờ Tân Phước