Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021

CHIẾN THẮNG COVID: HÍT VÀO 'GIÊSU' - THỞ RA 'CỨU CON'

CHIẾN THẮNG COVID: 
HÍT VÀO 'GIÊSU' - THỞ RA 'CỨU CON'

TGPSG -- "Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ".  (Rm 10,9)

Trong hơn 4 tháng thực hiện chỉ thị 16 giãn cách xã hội, gia đình tôi và bà con trong hẻm 41 đường Thống nhất, phường 16, Gò Vấp vẫn thực hiện tốt 5K của Bộ Y Tế. Chúng tôi đã được test bốn lần và cả bốn đều âm tính.

Chuyện gì phải đến đã đến

Lúc 16g thứ Tư ngày 23-9-2021, trạm Y Tế Phường 16 đã test nhanh lần năm cho 29 gia đình tại hẻm 41 trong đó có gia đình tôi. Kết quả bà con xóm tôi bị nhiễm dương tính Covid gần hết xóm. Riêng gia đình tôi bốn người thì có ba người bị F0 gồm tôi, vợ, và con gái.

Theo đề nghị của trạm Y Tế phường 16, ba người F0 trong gia đình tôi phải đi cách ly. Con trai tôi chưa bị nhiễm nên ở lại nhà. Gia đình tôi đã chuẩn bị quần áo, mùng mền, đồ hộp, v.v...

Gia đình đi cách ly

Lúc 16g thứ Năm ngày 24-9-2021, xe cấp cứu bệnh viện chuyên chở bệnh nhân covid đã đến tận nhà chở ba người chúng tôi đi cách ly. Trên đường đi, xe chạy nhanh với tiếng còi hú báo động xin nhường đường, và chỉ 15 phút, xe đã chở chúng tôi đến bệnh viện quận Gò Vấp điều trị Covid. Tại phòng cấp cứu, chúng tôi được tiếp nhận làm những thủ tục nhập viện. Tiếp theo, chúng tôi được nhân viên y tế hướng dẫn vào thang máy để lên lầu 4, được hướng dẫn vào phòng 408. Phòng này có 2 bệnh nhân và 3 người gia đình tôi - tất cả 5 người trong một phòng.

Những xét nghiệm đầu tiên tại bệnh viện

Sau khi nhận phòng, ba người chúng tôi được Bác sĩ cho đi thử máu, chụp X quang, đo điện tim. Riêng tôi vì có bệnh nền nên được siêu âm tổng quát.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ đã cho chúng uống thuốc ho và thuốc hạ sốt. Riêng vợ tôi được uống thêm ngày 2 viên thuốc Molnupiavir 400mg (thuốc này chỉ có trong bệnh viện).

Phần tôi không thể uống thuốc Molnupiavir 400mg, vì tôi có bệnh nền viêm gan sợ uống sẽ phản tác dụng. Nhưng khi bước sang ngày thứ ba, tôi ho nhiều, rồi đêm thứ tư tại bệnh viện, tôi ho rất nhiều dường như không ngủ được, mỗi lần ho là tôi đau họng, nghẹt thở và rất mệt. Trong đêm tăm tối, tôi không thể cầm nổi chuỗi Mân Côi, mệt quá miệng không đọc nổi một kinh Kính Mừng, trong trí tôi chỉ còn nhớ lơ mơ câu lời Chúa: "Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ" (Rm 10,9). Vì thế, dù rất mệt, khó thở, đau đớn toàn thân, tôi vẫn cố gắng vận dụng hơi thở để đưa Chúa Giêsu vào trong phổi tôi qua từng nhịp thở: Hít vào 'Giêsu', thở ra 'cứu con'. Cứ như vậy, tôi hít thở liên tục: Hít vào 'Giêsu', thở ra 'cứu con'. Trong đầu, tôi không những xin Chúa Giêsu cứu tôi mà còn xin Chúa Giêsu cứu mọi bệnh nhân Covid.

Xét nghiệm máu và chụp X quang lần 2

Bước qua ngày thứ năm tại bệnh viện vì tôi ho nhiều, mệt, khó thở, nên bác sĩ đã cho tôi làm xét nghiệm máu và chụp X quang lần 2. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho tôi uống thuốc Molnupiavir 400mg - thuốc này ngày uống 4 viên sáng chiều, và chỉ được uống trong năm ngày.

Cũng trong ngày này, con trai tôi ở nhà bị sốt, mất khứu giác và vị giác; kết quả sau khi test tại nhà đã bị F0. Như vậy gia đình tôi có bốn người tất cả đều F0. Riêng con trai tôi được cách ly tại nhà.

Sau khi được bác sĩ cho uống thuốc Molnupiavir 400mg được hai ngày, tôi thấy không còn ho nhiều và dễ thở hơn. Sức khỏe của gia đình tôi, nhờ ơn Chúa với sự chăm sóc của các bác sĩ, đã tốt hơn từng ngày.

Tham dự thánh lễ trực tuyến tại bệnh viện

Sau 10 ngày được điều trị Covid tại bệnh viện, sức khỏe của gia đình tôi đã tốt hơn, và gia đình tôi đã cùng nhau tham thánh lễ trực tuyến tại gường bệnh.

Trong thánh lễ này, chúng tôi dâng tâm tình tạ ơn Chúa, xin Chúa chúc lành cho các đấng bậc trong Tổng Giáo phận đã cầu nguyện cho gia đình tôi. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho các bác sĩ và các bệnh nhân Covid được ơn chữa lành. Vì sức khoẻ của tôi tốt hơn, tôi lại tạ ơn Chúa đã ban cho tôi và mọi người được hơi thở miễn phí: 'Trong Chúa từng giây, từng phút con sống, con thở, con hoạt động là nhờ ơn nhưng không của Chúa' (Cv 17,28).

Bữa cơm gia đình tại bệnh viện

Trong những ngày điều trị Covid tại bệnh viện, gia đình tôi đã mất khứu giác và vị giác, nên không còn cảm nhận được mùi vị thơm ngon nữa. Dù vậy gia đình tôi vẫn cố gắng ngồi chung bữa ăn với nhau, cùng nhìn nhau với ánh mắt yêu thương, không phải chia sẻ ngọt bùi, mà cùng nhau cố gắng ăn hết phần cơm, dù không cảm thấy ngon miệng, nhưng chỉ mong đủ chất dĩnh dưỡng trong cơ thể để có sức vượt qua con virus Corona đang nhiễm trong mình. Bữa cơm gia đình cũng là giây phút mọi trong gia đình tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho những của ăn từng bữa, thế nên phải cố gắng ăn hết khẩu phần của mỗi người, không bỏ dở lãng phí lương thực Chúa ban.

Ngày ra viện

Chúa nhật ngày 03-10-2021, sau 11 ngày điều trị Covid, gia đình tôi được bác sĩ cho xét nghiệm PCR. Hai ngày sau lúc 14g thứ Ba 05-10-2021, gia đình tôi nhận được giấy ra viện, thì lúc 1g45, người hàng xóm vào nhập viện trước tôi một ngày đã qua đời tại bệnh viện này. Tôi thầm cầu nguyện cho người mới qua đời, và nhủ lòng mình tạ ơn Chúa đã cứu gia đình tôi.

Trong lúc chúng tôi đứng ở cổng bệnh viện chờ xe chở về nhà, có một cụ bà khoảng hơn 70 tuổi đã đưa tôi số điện thoại nhờ gọi dùm con cháu lên đón về nhà trọ, nhưng đầu dây bên kia nói: “Gớm! Bây giờ đón về nhà trọ sẽ lây cho con cháu...”

Tôi bèn đưa điện thoại cho bà nói chuyện với con cháu. Nhưng bà vẫn bị con cháu từ chối: "Hết bịnh rồi, bà muốn đi đâu thì đi!"

Bà cụ đưa lại điên thoại cho tôi, nghẹn ngào khóc: "Chúng nó đuổi tôi rồi. Giờ tôi phải đi xin ăn. Tối không biết ngủ ở đâu?"

Nghe tới đây, tôi chưa kịp nghĩ sẽ ứng xử như thế nào, thì xe taxi đã hẹn trước đến đón gia đình tôi về nhà. Tôi vội lấy trong bóp biếu bà 200.000đ. Bà cụ gật đầu nhận, rưng rưng nước mắt. Lúc ngồi trên xe tôi mở điện thoại, đọc Thánh Vịnh (103, 1-4):

"Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà".

GB Nguyễn Tài (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
(WGPSG)

THỐNG KÊ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO NĂM 2021

ĐTC Phanxicô với các tín hữu tại buổi tiếp kiến chung 20/10/2021  (Vatican Media)

THỐNG KÊ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO NĂM 2021

Văn Yên, S.J

Vatican News (23.10.2021) - Như mọi năm, nhân Ngày Thế giới Truyền giáo, hãng tin Fides đã công bố một số thống kê được chọn để đưa ra một bức tranh toàn cảnh về Giáo hội trên toàn thế giới.

Các số liệu này được trích từ ấn bản mới nhất của “Sách về các Thống kê của Giáo hội”, được cập nhật đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, bao gồm các số liệu liên quan đến thành viên của Giáo hội, cơ cấu Giáo hội, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi và giáo dục. Bức tranh này về Giáo hội phụ thuộc vào các báo cáo của Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc.

Đến ngày 31/12/2019, dân số thế giới là 7 tỉ 577 triệu 777 ngàn người, tăng hơn 81 triệu người so với năm trước. Sự gia tăng dân số đã được ghi nhận ở mọi lục địa, bao gồm cả Châu Âu. Châu Á có mức tăng cao nhất với hơn 40 triệu người.

Cũng đến ngày 31/12/ 2019, số tín hữu Công giáo trên thế giới là 1 tỉ 344 triệu 403 ngàn người, tăng tổng thể là 15 triệu 410 ngàn người so với năm trước. Sự gia tăng diễn ra ở tất cả các châu lục, ngoại trừ châu Âu (giảm 292.000).

Tổng số Giám mục trên thế giới giảm 13 vị, còn lại 5.364 vị. Trong đó các Giám mục giáo phận tăng (+12) và các Giám mục dòng giảm (-25). Tổng số linh mục trên thế giới tăng trong năm nay, với 414.336 linh mục, tăng 271 vị so với năm ngoái. Tại các châu lục, số linh mục giảm tại Châu Âu (-2,608), Châu Mỹ (-690) và Châu Đại Dương (-69); trong khi tăng tại Châu Phi (+1,649) và Châu Á (+1,989).

Số nữ tu cũng giảm trong năm qua (11.562) và hiện còn tổng số 630.099 nữ tu. Tại các châu lục, số nữ tu giảm tại Châu Âu (-7.400), Châu Mỹ (-5.315) và Châu Đại Dương (–281); trong khi tăng tại Châu Phi (+835) và Châu Á (+599)

Số nhà truyền giáo giáo dân trên thế giới là 410.440 người, tăng 34.252 người. Trong khi số giáo lý viên trên thế giới giảm 2.590 người, còn tổng số 3.074.034 người.

Trong lĩnh vực giáo dục, Giáo hội Công giáo có 72.667 trường mẫu giáo với 7.532.992 học sinh; 98.925 trường tiểu học với 35.188.771 học sinh; 49.552 trường THCS với 19.370.763 học sinh. Giáo hội cũng chăm sóc 2.395.540 học sinh trung học và 3.833.012 sinh viên đại học.

Các trung tâm từ thiện và chăm sóc sức khỏe do Giáo hội điều hành trên thế giới bao gồm: 5.245 bệnh viện, hầu hết ở Châu Phi (1.418) và ở Châu Mỹ (1.362); 14.963 trạm y tế, chủ yếu ở Châu Phi (5.307), Châu Mỹ (4.043); 532 Nhà chăm sóc cho người bị bệnh phong, chủ yếu ở Châu Á (269) và Châu Phi (201); 15.429 nhà cho người già, người bệnh mãn tính hoặc người khuyết tật, chủ yếu ở Châu Âu (8.031) và Châu Mỹ (3.642); 9.374 trại trẻ mồ côi, chủ yếu ở Châu Á (3.233) và Châu Âu (2.247); 10.723 nhà trẻ, chủ yếu ở Châu Á (2.973) và Châu Mỹ (2.957); 12.308 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu ở Châu Âu (5.504) và Châu Mỹ (4.289); 3.198 trung tâm phục hồi xã hội và 33.840 viện các loại. (Fides 21/10/2021)

(WHĐ) 

PHÍA SAU ĐÁM MÂY ĐẠI DỊCH LÀ BẦU TRỜI TƯƠI SÁNG

PHÍA SAU ĐÁM MÂY ĐẠI DỊCH LÀ BẦU TRỜI TƯƠI SÁNG

Ôi màu xám giăng dày phủ bóng
Vạn nỗi buồn trông ngóng trời quang
Sau bao u uất trái ngang
Bình yên trở lại lối đàng xinh tươi.

Những ngày này là thời khắc mà khó có thể ai đó trong đoàn thiện nguyện quên được - trong đó có tôi, đặc biệt là những y bác sĩ và những anh chị điều dưỡng, các bệnh nhân. Bởi lẽ, đỉnh điểm của đại dịch đang dần vơi đi, đang dần hé lên những tia sáng hy vọng đầu tiên sau bao ngày chìm ngập trong đám mây đen tối. Quên sao được? Bởi cả nước nói chung, cách riêng là Sài gòn, đang chiều hướng chuyển từ trạng thái lo lắng, bất an, đang dần trở về với cuộc sống bình thường màu trời tươi mới.

Và cũng trong những ngày cuối cùng làm việc, bầu không khí có vẻ khác hơn so với những ngày trước. Có thể là do một số bệnh nhân đã được xuất viện chăng? Hay là do các y bác sĩ, tình nguyện viên chuẩn bị về lại với cuộc sống thường nhật? Quả thật, sau bao ngày miệt mài với công việc, nay mọi người có vẻ thư thả hơn vì số lượng bệnh nhân giảm đi thấy rõ, trong khoa ngày nào cũng có những bệnh nhân ra viện. Chia tay với các bệnh nhân cũng làm cho tôi cảm thấy bịn rịn, một nỗi buồn khó tả, vì mỗi khi vào phòng bệnh thấy chiếc những chiếc giường trống, cảm thấy thiếu đi nhiều người. Những hình ảnh bệnh nhân lại dần hiện lên trong tâm trí tôi: “Cô ơi, thay tã cho tôi. Cô ơi, mở gói canh ra giúp tôi hoặc cô ơi, lấy giúp tôi chai nước....”. Có bệnh nhân nhét vội vào tay tôi tờ tiền năm mươi ngàn như thể sợ những bệnh nhân bên cạnh nhìn thấy với lời nói đủ để tôi nghe thấy: cho cô nè, tý về uống nước.

Những lời nói thật thân thương làm tôi cũng quên đi những mệt nhọc vì thiếu khí trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Biết bao nhiêu tình cảm mà những bệnh nhân dành cho tôi cũng như dành cho những tình nguyện viên khác, nhưng tôi cũng vui mừng vì họ đã được trở về cuộc sống bình thường, đây là điều mà bệnh nhân nào cũng mong muốn sau thời gian điều trị bệnh.

Không chỉ những bệnh nhân khỏe sắp ra viện, các bác sĩ và các anh chị điều dưỡng cũng sắp chia tay mọi người trong khoa để trở về với gia đình - nơi ấy, cha mẹ vợ hoặc chồng con đang đợi họ. Đội ngũ bác sĩ và các anh chị điều dưỡng cũng tranh thủ chụp những tấm hình lưu niệm, với những kiểu dáng thật ngộ nghĩnh dễ thương trong bộ đồ bảo hộ màu trắng. Sau lưng mỗi người đều ghi tên và trang trí thật đẹp với hàng chữ đượm tình người như: "Hải phòng yêu Sài Gòn. Thanh Hóa yêu Sài Gòn. Hà Nội yêu Sài Gòn”. Hoặc như câu thơ tự chế mà các anh chị điều dưỡng ghi nắn nót sau lưng áo:

“Nóng làm ướt áo ướt quần
Làm sao ướt nổi tinh thần chúng ta”.


Hay như câu:

“Đứng trên đỉnh núi ta thề
Chưa hết Covid chưa về Sầm Sơn”


Còn với các bác sĩ ở các bệnh viện trong Sài Gòn thì ghi:

“Sài Gòn ơi, cố lên. Sài Gòn ơi, mau khỏe nhé”.

Tất cả những điều ấy đủ nói lên tấm lòng hi sinh, quảng đại của tất cả y bác sĩ dành cho các bệnh nhân. Có những bác sĩ tâm sự đã lâu lắm rồi không về nhà, từ đầu mùa dịch tới giờ. Hoặc như chị điều dưỡng thủ thỉ chị ước ao một lần được vào Thành Phố Hồ Chí Minh, vì nghe nói Thành Phố này rất tráng lệ, cưu mang bao con người từ mọi miền đất nước nhưng chị không nghĩ mình được vào trong hoàn cảnh này.

Tôi cũng thế, cũng sắp đến ngày trở về cộng đoàn với những công việc bổn phận. Ý thức rằng thời gian ở bên các bệnh nhân và mọi người trong khoa là thời gian đếm ngược nên tôi luôn trân trọng giây phút hiện tại. Tôi cũng cảm thấy bùi ngùi với những tin nhắn của một chị tình nguyện viên chào tạm biệt mọi người:

“Ngày mai là ngày cuối tạm xa nhau rồi. Em rất vui và vinh hạnh khi được làm việc cùng quý cha, các sơ, các thầy, và các anh chị em. Em quý trọng mọi người vì sự nhiệt tình, tận tụy hết lòng, sự yêu thương, không toan tính vì những người xa lạ. Vẫn còn niềm tin vào tình người ở thế giới này. Ở chung với mọi người, em không thấy sự phân biệt giữa các tôn giáo với nhau, chúng ta đều đến với nhau tại đây bằng sự cảm động, cái tâm. Em nhớ mãi sự chia sẻ đồng đều gửi cho nhau từng miếng bánh, hộp sữa, đồ ăn giữa các tôn giáo... Em muốn nói rằng, mọi người rất tuyệt vời. Rất cảm ơn Chúa đã cho em được chứng kiến tình yêu thương thật là như thế nào. Trân trọng hết lòng. Xin cảm ơn những khoảnh khắc khó phai trong cuộc đời này. Chúa ở cùng tất cả anh chị em và ban phước lành trên sứ vụ, công việc, gia đình của từng mỗi người”.

Sau gần sáu tháng Sài Gòn sống trong lo sợ vì dịch bệnh, biết bao nhiêu tấm lòng quảng đại của mọi người trong và ngoài nước, người bỏ công - người bỏ của để chung tay với những vị lãnh đạo trong Giáo Hội và Xã hội lo cho từng người dân nhiễm bệnh cũng như những người không nhiễm bệnh . Quả thật, như ông bà ta vẫn nói: “Sau cơn mưa - trời lại sáng”. Giờ đây dường như bầu trời trong xanh đã dần trở lại, xua tan những đám mây mờ. Mọi hoạt động đã dần trở lại sau thời gian dài giãn cách. Như trong thư cám ơn của Đức tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Sài Gòn gởi quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha và cộng đồng dân Chúa Việt Nam ngày 21/10/2021: Sài Gòn chưa khỏe, nhưng hôm nay Sài Gòn đã đứng dậy. Đại dịch tạm lắng xuống…”. Ngoài đường từng dòng người như vội vã trên dòng đời ngược xuôi. Thế nhưng hết giãn cách không có nghĩa là hết dịch bệnh. Ước mong rằng mỗi người luôn tuân thủ những qui định của Chính phủ để ngăn chặn dịch bùng phát trở lại. Để không còn những em bé phải mồ côi cha mẹ, những người vợ mất chồng và những người chồng mất vợ…

Trong thư của thánh Phaolô viết: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu (1Tx 5,16- 18). Vâng, cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng con một thời gian rất dài để suy nghĩ lại cuộc đời này thật mau qua chóng hết. Với những người đã trải qua căn bệnh Covid, đã bước qua cái chết thì càng cảm nghiệm nhiều hơn nữa vì họ có sự sống mới - để từ đây họ không sống với con người cũ nhưng sống với một sức sống mới, một tinh thần mới. Xin cho mỗi người trong chúng con cũng nghiệm được tình Chúa yêu chúng con trong từng giây phút của cuộc đời. Rồi đây, chúng con cũng sẽ phải đối diện và trải qua những khó khăn mới, nhưng con tin chắc rằng Chúa luôn cùng sống và đồng hành với chúng con trong cuộc đời này như Chúa đã cùng chúng con trải qua những ngày tháng qua, vì Chúa chính là Bầu Trời tỏa xuống chúng con những tia nắng tình yêu và lòng Thương xót.

Bệnh viện Hồi sức Covid 19
Bích Huyền – MTG Đà Lạt 
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO. Lễ Thiếu nhi.

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 24.10.2021
tại Nhà thờ Tân Phước.
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 24.10.2021