Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

CÂU CHUYỆN CỦA 49 TÌNH NGUYỆN VIÊN TÔN GIÁO TẠI BỆNH VIỆN HỒI SỨC CHUYÊN SÂU COVID-19

CÂU CHUYỆN CỦA 49 TÌNH NGUYỆN VIÊN TÔN GIÁO
TẠI BỆNH VIỆN HỒI SỨC CHUYÊN SÂU COVID-19


TGPSG – "Yêu thương không được trì hoãn; trì hoãn 1 giây, hối hận cả đời..."

Tu sĩ Antôn Nguyễn Tiến Công đã đại diện cho 49 tình nguyện viên tôn giáo (TNV) [1] phát biểu như thế trong buổi lễ đón tiếp do Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM tổ chức vào sáng ngày 27-10-2021 tại Hội trường Ủy Ban Nhân dân Quận 10 (số 474 đường 3/2, p. 14, Q.10).

49 TNV này - hoàn tất thời hạn phục vụ ở Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid 19 (BVHS) tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu quận 9 - đã hân hoan gặp gỡ nhau và kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động trong thời gian phục vụ tại tuyến đầu.

Phục vụ quên thời gian

Trước buổi lễ, nữ tu trưởng nhóm là sơ Maria Đào Thị Hạ - Dòng MTG Thủ Đức - đã kể chuyện về một tu sĩ mà sơ rất ấn tượng về tinh thần phục vụ (tu sĩ này muốn ẩn danh, không muốn ‘bị nêu tên’):

Nữ tu Maria Đào Thị Hạ
Bình thường, các TNV đi làm mỗi ngày một ca rồi nghỉ. Nhưng ông thầy tu sĩ này đã xin làm từ hai đến ba ca một ngày. Ngoài những công việc được giao, thầy còn làm mát xa, cắt tóc, làm vệ sinh, bôi thuốc cho bệnh nhân bị lở loét… Ai cần đến thầy, thầy rất xả thân và làm quên cả giờ về. Ít khi thấy thầy về khách sạn nghỉ. Bệnh viện đã trở thành ngôi nhà làm việc và nghỉ ngơi của thầy.

Có lần thầy nói: “cho mình xin cái khẩu trang”. Thường khẩu trang N95, 1 tuần được phát 1 lần thôi, nhưng thầy đi đến tận 3 ca nên khẩu trang không đủ. Có lúc chúng em trêu thầy: “bệnh viện nào mà có đủ khẩu trang cho thầy để đi cả ngày như vậy”. Nên trong nhóm đã gom các khẩu trang N95 để tặng thầy.

Khi nghe nữ tu trưởng nhóm kể chuyện này, tôi bèn đi tìm gặp thầy. Thầy xin đừng chụp hình, quay phim thầy và nhẹ nhàng trình bày:

Do 1 ca chỉ có 4 giờ, mà mình còn trẻ, còn sức, bệnh nhân thì đông, bị nặng nữa, nên mình muốn làm thêm ca. Có một bà cô bị lở loét vì khi đi vệ sinh bị ô nhơ mà ngại ngùng không dám nhờ y tá điều dưỡng, em thương lắm mới nói với cô: “Cô đừng ngại, khi cần, cô cứ kêu con, con giúp cô ngay thôi.” Chứng kiến nhiều bệnh nhân đau và cần được giúp đỡ, em không thể về nghỉ khi thấy mình vẫn còn đủ sức. Chiều hôm qua, khi lên cân, em không ngờ mình sụt 5 kg, nhưng không sao. Chúa cho em đến giờ vẫn bình an là em tạ ơn Chúa lắm rồi.

Tín hiệu vui: 70% bệnh nhân xuất viện

Bước vào buổi lễ “Đón và Tri Ân các TNV” lúc 8g, chúng tôi được nghe báo cáo của Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc BVHS:

Từ ngày đầu đến hôm nay, BVHS đã tiếp nhận 4.000 lượt bệnh nhân nặng, trong đó có đến 70% bệnh nhân đã xuất viện về với gia đình. Không gì vui hơn khi chứng kiến những người trải qua cơn nguy kịch được bình phục, được về nhà sum họp với thân nhân.

Vào những ngày cao điểm có tới 800 giường, với 3 khoa ICU dành cho bệnh nhân rất nguy kịch, 3 khoa sắp vào ICU dành cho các bệnh nhân khá nguy kịch, và vài khoa điều trị bệnh nhân đã điều trị giảm độ nặng chờ phục hồi để xuất viện.

Hôm nay, số giường chỉ còn khoảng 160. Có 70 bệnh nhân nặng còn thở máy. Tử vong vẫn còn, nhưng không nhiều.

Đến cuối tháng này, sẽ gom lại chỉ còn 1 khoa ICU nguy kịch,1 khoa ICU bệnh nặng, 1 khoa sắp xuất viện. Đây là tín hiệu vui cho thấy giảm bệnh trong toàn thành phố. Sự thành công này là nhờ sự phối hợp đồng bộ của bệnh viện với các cấp lãnh đạo và toàn thể xã hội.

Là đồng nghiệp của nhau khi hết lòng với bệnh nhân

Kế tiếp là câu chuyện từ Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM:

Tôi rất vui mừng vì các TNV có thể tham dự buổi lễ hôm nay được. Đó là nhờ sự giữ gìn của Chúa để các vị an toàn khi thực hiện sứ mạng tại BVHS.

Cảm ơn các TNV đã hóa thân, từ vai trò là linh mục, tu sĩ, trở nên đồng nghiệp với các y bác sĩ và nhân viên y tế để đóng vai: điều trị tâm lý, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, lao công vệ sinh… mỗi người một việc nhằm giúp cho bệnh nhân nhanh chóng phục hồi mà về với gia đình.

Bà Thanh Hương xúc động khi chia sẻ:

Chiến đấu rất cam go với đại dịch mà chúng ta lại không trông thấy quân địch, không nghe tiếng súng, nhưng nghe thấy những tiếng máy thở, trông thấy những cái chết, những người đã mãi mãi rời xa gia đình.

Nhưng cũng có nhiều bệnh nhân trở về nhà nhờ sự tận tâm của các y bác sĩ và các nhân viên y tế cùng với tình yêu thương tận tụy của các TNV.

Ước mong các TNV tiếp tục đem những trải nghiệm trong thời gian phục vụ làm hành trang cho việc tu tập của bản thân.

Rất mong chúng ta sẽ không phải gặp nhau ở vai trò điều trị bệnh nhân Covid nữa, nhưng sẽ hướng về một cộng đồng xã hội yêu thương và hạnh phúc, góp phần xây dựng thành phố của chúng ta - một thành phố năng động và nghĩa tình.

Trì hoãn một giây, hối hận cả đời

Tu sĩ Antôn Nguyễn Tiến Công
Tiếp theo, tu sĩ Antôn Nguyễn Tiến Công - Dòng Anh Em Đức Maria - đại diện cho các TNV kể câu chuyện trải nghiệm trong thời gian 2 tháng phục vụ. Kết thúc câu chuyện thầy diễn tả niềm xác tín: “Yêu thương không được trì hoãn, trì hoãn 1 giây, hối hận cả đời”


 679 TNV 'liên tôn'

Lm Giuse Đào Nguyên Vũ
Câu chuyện cuối cùng của buổi gặp gỡ: Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện Toà Tổng Giám mục Sài Gòn - cho biết con số TNV đi phục vụ:

Từ 22-7 đến 26-10-2021, tổng số TNV tôn giáo là 679, trong đó có 532 linh mục tu sĩ Công giáo, 139 tu sĩ và tín đồ Phật giáo, 8 anh em Tin Lành.

Chính tình thương trong thời Covid đã kiến tạo nên một môi trường sống thân thiện, chan hòa yêu thương và đầy tình người.


Kết luận

Những câu chuyện đẹp từ trái tim đến trái tim
vẫn luôn lan tỏa ánh sáng
của niềm tin và hy vọng giữa cơn đại dịch.

Đó là tiếng nói của yêu thương,
mời gọi đừng bi quan nhưng cũng đừng chủ quan,
không sợ hãi nhưng hãy đối diện và cảnh giác
vì cơn đại dịch vẫn còn đó,
chết chóc và lây nhiễm vẫn còn.

Trên hết mọi sự,
Chúa nhân hậu vẫn cận kề, yêu thương nâng đỡ
và mời gọi chúng ta cùng Ngài
yêu thương nâng đỡ mọi người…

Sơn Nữ SPC (TGPSG
(WGPSG)
[1] 49 TNV này gồm:
  • 43 tu sĩ phục vụ 2 tháng ở BVHS, thuộc Hội Dòng / Tu Hội: Tráppit (2), Thừa Sai Việt Nam (2), Phanxicô (6), Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (1), Dòng Tên (3), Mến Thánh Giá Khiết Tâm (3), Đức Mẹ Lên Trời (1), Anh Em Đức Maria (2), Mến Thánh Giá Thủ Đức (7), Mến Thánh Giá Đà Lạt (3), Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục (7), Mến Thánh Giá Xuân Lộc (1), Thừa sai Đức Bà các Thiên Thần (1), Đức Bà Truyền Giáo (2).
  • 5 tu sĩ phục vụ 6 tuần ở BVHS, thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn (4) và Dòng Tên (1).

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 29.10.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: THÁNH LỄ SAI ĐI, 28.10.2021

THÁNH LỄ SAI ĐI NGÀY 28.10.2021

TGPSG -- “Sai đi là một hành vi siêu nhiên”

Đức Tổng Giám mục Giuse (Đức Tổng Giuse) Nguyễn Năng đã nhấn mạnh như thế khi ngài chủ sự Thánh lễ Sai Đi vào lúc 08g30 ngày 28-10-2021 tại Nhà nguyện cổ Trung tâm Mục vụ, Tổng giáo phận Sài Gòn.


Cùng đồng tế Thánh lễ với Đức Tổng Giuse có linh mục Tổng Đại Diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân, một số vị linh mục đặc trách và các linh mục 'được sai đi' trong dịp này. 
 
Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giuse chia sẻ:
  1. Việc sai đi là một hành vi siêu nhiên: Tin Mừng cho thấy trước khi kêu gọi các tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm. Thánh Luca đặc biệt gọi các tông đồ là những người được sai đi. Đặc tính 'sai đi' trở thành tên gọi của các linh mục. "Như các tông đồ, tất cả chúng ta dù giỏi hay có khiếm khuyết, cũng đều được Chúa ban Chúa Thánh Thần và sai đi. Vì thế, tư thế của chúng ta phải luôn là tư thế sẵn sàng."
  2. Tin Mừng cũng cho thấy Chúa Giêsu đến với tất cả mọi người và các tông đồ đem người ốm đau đến với Chúa. "Hôm nay, các cha lên đường đến các giáo xứ không phải để làm quản lý xã hội mà là mục tử được sai đến với các đàn chiên. Dân Chúa hiện đang thiếu 'tình cha', họ mong được đến với các linh mục để được hưởng lòng thương xót của một người cha."
  3. Bài đọc 1 cho thấy: Giáo Hội như là một căn nhà có đá tảng là Chúa Giêsu và nền móng là các tông đồ. Sứ vụ của các mục tử là xây dựng cộng đoàn dân Chúa cùng với những người khác, là thuyền trưởng cùng chèo với các giáo dân. Do đó, các vị mục tử phải là người biết xây dựng một cộng đoàn giáo xứ hiệp thông.
Đức Tổng Giuse đưa ra 3 thái độ cần có của linh mục trước những trách vụ được giao phó cho mình: 'Không Tìm', 'Không Chối' và 'Không Giữ'. Không tìm kiếm nơi mình sẽ phục vụ, nhưng không từ chối khi được Đấng Bản Quyền giao phó cho một nơi nào đó, và một khi đã đi nơi khác rồi thì không tìm cách giữ lại cho mình bất cứ điều gì từ nơi mình đã rời bỏ để ra đi.

Kết thúc bài giảng, Đức Tổng Giuse nhấn mạnh: "Chúa Giêsu đã nói: 'Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em'. Xin anh em tiếp tục xây dựng thân thể Chúa qua việc loan báo Tin Mừng với sự hứng khởi của Chúa Thánh Thần."
 

Bài giảng của ĐTGM Giuse Nguyễn Năng

Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Sau phần Hiệp lễ, Đức Tổng Giuse cử hành nghi thức Sai Đi. Ngài trao giấy bổ nhiệm cho các linh mục được sai đi hôm nay, trong đó có19 vị tân linh mục. (Xem danh sách tại đây
 

ĐTGM Giuse Nguyễn Năng trao Bổ nhiệm thư cho quý cha

Sau nghi thức Sai Đi, Đức Tổng Giuse đã ban huấn từ cho các linh mục:

“Khi bổ nhiệm anh em, chúng tôi đã làm theo ý Chúa dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và vì ích lợi của Hội Thánh, của giáo xứ và của các cha. Sai đi có thể vừa ý và cũng có thể không vừa ý những người trong cuộc, nhưng vì ích lợi của Hội Thánh mà chúng ta lên đường. 'Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.' ... Chúng ta dù có đi đến đâu thì cũng đã có Chúa Thánh Thần ở đó đợi chúng ta rồi. Ước gì các cha luôn lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần, hầu có thể gieo trong nước mắt, gặt trong tiếng cười. Cầu chúc các cha luôn bình an, vui tươi trong sứ vụ.”
 

Huấn từ Sai đi của ĐTGM Giuse Nguyễn Năng gửi quý cha

Kết thúc huấn từ, Đức Tổng Giuse đã ban phép lành lên đường cho các linh mục.

Thánh lễ Sai Đi kết thúc lúc 9g45 với lời bài hát Thánh Vịnh 32: “Địa cầu đầy Thánh Thần Chúa. Dù đường dài, đi tới đâu cũng đã có Chúa Thánh Thần ở đó trước rồi”.

Bài: Tóc Ngắn - Ảnh: Bảo Phạm & Minh Đức (TGPSG)

Click xem album ảnh  

(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 30 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Sáu, ngày 29.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

NĂM NAY, VIỆC LÃNH ƠN TOÀN XÁ DÀNH CHO TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI CŨNG ĐƯỢC KÉO DÀI SUỐT THÁNG 11

NĂM NAY, VIỆC LÃNH ƠN TOÀN XÁ DÀNH CHO TÍN HỮU
ĐÃ QUA ĐỜI CŨNG ĐƯỢC KÉO DÀI SUỐT THÁNG 11

Hồng Thủy

Vatican News (28.10.2021) - Ngày 27/10/2021, Đức Hồng y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân giải Tối cao, và Đức ông Krzysztof Nykiel, Phó Tòa Ân giải Tối cao, đã công bố sắc lệnh cho phép các tín hữu được lãnh nhận Ơn Toàn Xá dành cho các tín hữu đã qua đời kéo dài suốt tháng 11 năm nay.

Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tối cao giải thích rằng, theo thỉnh nguyện của nhiều mục tử trong Giáo hội, do tình trạng đại dịch kéo dài, Tòa Ân giải Tối cao “xác nhận và mở rộng trong trọn tháng 11 năm 2021 tất cả các ơn ích thiêng liêng đã được ban ngày 22 tháng 10 năm 2020, qua sắc lệnh số 791/20/I”. (CSR_7170_2021)

Trong sắc lệnh ban hành vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, Tòa Ân giải Tối cao quyết định:

Nội dung Sắc lệnh được ban hành tháng 10/2020

Viếng nghĩa trang và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời

“Ơn Toàn Xá được ban cho những ai viếng nghĩa trang và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, thông thường chỉ trong những ngày từ 1-8/11, có thể chuyển sang các ngày khác đến hết tháng 11. Những ngày này, do mỗi tín hữu tự chọn, có thể tách biệt nhau” (không cần các ngày liên tiếp).

Viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện

Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng điều chỉnh việc lãnh nhận Ơn Toàn Xá vào ngày 2/11, ngày lễ “cầu nguyện cho các tín hữu qua đời”, khi viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện và đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, có thể dời không chỉ vào ngày Chúa Nhật trước hoặc sau đó, hoặc vào ngày lễ Các Thánh, mà còn có thể vào một ngày nào khác của tháng 11, do mỗi tín hữu tự chọn.

Người già và người bệnh

Thêm vào đó, riêng đối với những người già, người bệnh hoặc những ai vì lý do nghiêm trọng không thể ra khỏi nhà, cũng có thể lãnh nhận Ơn Toàn Xá, miễn là họ hiệp nhất thiêng liêng với các tín hữu khác, hoàn toàn xa lánh tội lỗi và với ý hướng thực hành ba điều kiện thông thường: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Họ có thể làm việc này trước một bức ảnh Chúa Giêsu hay Đức Mẹ, đọc kinh cầu cho những người đã qua đời hoặc một bài đọc Kinh Thánh vv… để dâng cho Chúa những đau khổ và khó khăn của mình.

Lời kêu gọi các linh mục

Sắc lệnh cũng kêu gọi các linh mục, trong năng quyền của mình, quảng đại cử hành bí tích Giải Tội và trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân. Đồng thời, vì lợi ích cho các linh hồn trong Luyện ngục, tất cả các linh mục đều được mời gọi cử hành ba Thánh Lễ trong ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, theo Tông hiến Incruentum Altaris, do Đức Beneđictô XV ban hành 10/08/1915.

Nguồn: vaticannews.va/vi/
(WHĐ)

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021