Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: CHUYỆN MÂN CÔI TRONG LỄ ĐÓN CÁC TÌNH NGUYỆN VIÊN PHỤC VỤ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN


CHUYỆN MÂN CÔI 
TRONG LỄ ĐÓN CÁC TÌNH NGUYỆN VIÊN 
PHỤC VỤ BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

TGPSG -- “Các sơ đã phải tìm đủ mọi cách để đưa bệnh nhân khiếm thị ấy ra ngoài ánh sáng - điều này khiến liên tưởng đến Mùa Sáng của Kinh Mân Côi.”

Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch UB MTTQVN TPHCM - đã kể lại câu chuyện này trước Buổi lễ “đón và tri ân" 19 tình nguyện viên (TNV) Công giáo (*) do Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM tổ chức tại nhà Khách Công Đoàn, 1 Bùi Thị Xuân vào ngày 2-11-2021.

Câu chuyện đã là nguồn cảm hứng để Bà Phó chủ tịch phát biểu trong buổi lễ đón tiếp các TNV này - những người vừa kết thúc 1 tháng phục vụ tại Bệnh viện Dã Chiến 16 ở Quận 7 (BVDC 16):

Tôi là một người ngoại đạo nhưng vô tình đọc được một bài viết của sơ Hồng Hà đang có mặt tại đây. Sơ đến công tác tại bệnh viện vào tháng Mười - là tháng người Công giáo 'thực hiện' chuỗi Mân Côi. Sơ Hồng Hà đã liên tưởng đến 4 Mùa của chuỗi Mân Côi được thể hiện trong cơn đại dịch này. Là người ngoại đạo, tôi không hình dung được, nhưng qua sự liên tưởng của sơ, tôi thấy rất đúng.

Sau đó, Bà Phó Chủ tịch đã nói về những hiệu quả công việc của TNV như Bốn Mùa của Kinh Mân Côi:
  • Một bệnh nhân khiếm thị đã hơn 1 tháng không chịu ra bên ngoài. Các sơ phải tìm đủ mọi cách để đưa bệnh nhân khiếm thị ấy ra ngoài ánh sáng - điều này khiến liên tưởng đến Mùa Sáng của Kinh Mân Côi.
  • Rồi các bệnh nhân covid ban đầu rơi vào tình trạng tâm lý hoang mang, lo sợ không biết mình có sống được hay không. Các bệnh nhân này không có người thân, nhưng các TNV đã đem Mùa Thương (thương yêu hy sinh phục vụ) đến cho họ.
  • Sự động viên, chăm sóc của các TNV đã giúp bệnh nhân có niềm tin, để vượt lên chính mình. Và Mùa Vui đã đến khi bệnh nhân được xuất viện.
  • Từ đó, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống. Và Mùa Mừng đã đến khi thành phố chúng ta trở về trạng thái bình thường mới.


 Câu chuyện 'thêm lửa'

Kế tiếp, Bác sĩ CK2 Vương Trọng Hiếu - Phó giám đốc BVDC 16 - chia sẻ:

Khi các bạn đến, thành phố chúng ta đang trong thời gian hồi phục, nên đã có những người nghĩ, bệnh viện sắp đóng cửa rồi thì còn gì nữa để làm.

Nhưng các bạn lại là cứu tinh của chúng tôi. Thật sự, các bạn đã đến vào đúng thời điểm y bác sĩ tuyến đầu chúng tôi gần như đã kiệt quệ và đuối sức sau một thời gian dài chiến đấu với Covid. Nếu không có nhóm các bạn, không có quý thầy, quý sơ đến đây 'thêm lửa' thì BVDC 16 gần như chịu không nổi sức ép đã dồn lại trong suốt 3 tháng qua.

Bác sĩ CK2 Vương Trọng Hiếu

Rất may mắn, trong đợt tình nguyện này, phần lớn các thầy, các sơ nằm trong đội ngũ y bác sĩ, tham gia ngay vào công việc điều trị bệnh nhân.

Còn những thầy, những sơ không nằm trong chuyên ngành y khoa thì luôn nâng đỡ tâm lý bệnh nhân, giúp cho số lượng bệnh nhân ra viện tăng lên rất nhiều và đến bây giờ chỉ còn lại 86 bệnh nhân, so với thời điểm các bạn mới đến là 800.

Một điều may mắn thứ hai là sau đợt công tác, không ai bị nhiễm bệnh.

Chúng tôi rất xúc động vì các TNV tôn giáo trong cả 2 đợt đã chủ động từ chối tất cả những hỗ trợ tuyến đầu theo chính sách của nhà nước.

Trân trọng cảm ơn và chúc các bạn nhiều sức khỏe, nhiều thành công và luôn giữ được ngọn lửa của ngày hôm nay.

Tôi luôn xem các TNV là bạn, trân trọng các bạn như những đồng nghiệp đã từng chiến đấu ở BVDC 16 này.

Cho đi thì khó hơn là nhận

Linh mục Martinô Nguyễn Phương Linh - Giáo xứ Chí Hòa - đã thay mặt các TNV kể về chuyện cho và nhận:

Qua 1 tháng, chúng tôi cảm thấy mình nhận được nhiều hơn là cho đi: cho đi thời gian nhưng nhận lại được những kỷ niệm đẹp với các y bác sĩ, các dân quân, các điều dưỡng và các bệnh nhân.

Tưởng rằng cho đi tình thương, nhưng chúng tôi lại nhận được bao nhiêu tình thương của mọi người, bao nhiêu hồng ân từ Chúa.

Tưởng rằng cho đi sự giúp đỡ, nhưng về mặt tôn giáo, chúng tôi đang trở nên giống Chúa Giêsu vì đạo Công giáo dạy chúng tôi cúi xuống để phục vụ anh chị em của mình.

Linh mục Martinô Nguyễn Phương Linh
Chúng tôi cho đi những chăm sóc, vệ sinh hay an ủi động viên, nhưng chúng tôi nhận lại nhiều câu chuyện rất đẹp và đầy ý nghĩa của từng bệnh nhân.

Cho đi thì khó hơn là nhận. Có những công việc chúng tôi không nghĩ là mình sẽ làm được như lau quét phòng bệnh, thay tã cho bệnh nhân, nói chuyện động viên an ủi họ...

Ban đầu thật bỡ ngỡ với những đụng chạm về thể lý vì chưa quen. Nhưng qua một tháng, công việc đó trở nên dễ dàng, có lẽ vì chúng tôi đã coi những bệnh nhân như người thân của mình, chứ nếu nghĩ đó chỉ là những việc bác ái đơn thuần thì hẳn là rất khó.

Kết thúc buổi lễ

Cuối buổi lễ, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - đại diện tòa Giám mục TGP Sài Gòn - đã nhắc lại lời Đức Tổng nhắn nhủ các TNV:

Hãy nhớ những trải nghiệm, những cảm xúc, những bệnh nhân và nhớ đến sứ mạng của mình đã được dịp mài giũa cho bóng đẹp hơn.
 
Xin nhớ đến các bệnh nhân covid đã qua đời, khi chúng ta trở về trong ngày lễ đặc biệt của tháng các linh hồn.

Kính chúc quý Cha, quý thầy quý sơ ở lại trong tình bạn với Chúa và tiếp tục xây dựng tình bạn với anh chị em trong cuộc đời.

Sơn nữ SPC (TGPSG)

Chú thích (*): 19 TNV này gồm:
  • 1 linh mục: Cha Martino Nguyễn Phương Linh - Giáo xứ Chí Hòa của TGP Sài Gòn,
  • 4 chủng sinh của Đại Chủng viện Thánh Giuse,
  • 2 thầy phó tế Dòng Thương Khó Chúa Giêsu,
  • 2 đệ tử Dòng Cạnh Nương Long Chúa Giêsu,
  • 10 nữ tu thuộc các Dòng: Nữ Truyền Giáo Phanxicô Assisi (3), Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương (1), Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa (4), Mến Thánh Giá Thủ Đức (2).
(WGPSG)

8 TRUYỀN THỐNG LIÊN QUAN ĐẾN NGÀY LỄ CÁC ĐẲNG TỪ KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI

Cavan-Images | Shutterstock
 
8 TRUYỀN THỐNG LIÊN QUAN ĐẾN 
NGÀY LỄ CÁC ĐẲNG TỪ KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI

Tác giả: Cerith Gardiner

WGPVL (03.11.2021) - Đây là cách người Công giáo trên khắp thế giới tưởng nhớ những người đã khuất.

Ngày 02/11 là một ngày trọng thể trong niên lịch Giáo Hội khi chúng ta cầu nguyện cho linh hồn của những người thân yêu. Trong quá khứ, có nhiều truyền thống đáng suy nghĩ mà ngày nay không còn được tuân giữ: Trong các ngôi nhà ở Ireland, những cánh cửa không được khoá để những người ra đi có thể cảm thấy được chào đón trở về vào ngày lễ đặc biệt này và có thể tìm cho mình một chỗ tại bàn ăn tối.

Trong khi nhiều phong tục đã biến mất một cách đáng buồn, có một số truyền thống tốt đẹp vẫn còn diễn ra trên khắp thế giới. Sau đây là một số những truyền thống như thế:

1. Đức
 
© Serge Ka | Shutterstock
Vào khoảng thời gian này trong năm, người Đức đảm bảo rằng tất cả các con dao được cất giữ một cách an toàn, để bất kỳ linh hồn nào đến thăm cũng không tự làm đứt mình.

2. Ba Lan

© New Africa | Shutterstock

Người Công giáo Ba Lan sẽ đến thăm những ngôi mộ của người thân yêu đã được trang hoàng bằng những bông hoa cúc - biểu tượng của sự bất tử - và một ngọn nến tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa bên cạnh người thân yêu của mình, những điều này giúp ích cho cầu nguyện và chiêm nghiệm. Nếu bạn đang ở nghĩa trang vào dịp này, thì đó là một quang cảnh ấn tượng đáng để chiêm ngưỡng.

3. Philippines

© at.rma | Shutterstock

Thời điểm này trong năm sẽ chứng kiến ​​các nghĩa trang ở Philippines đầy ắp người. Nhiều gia đình sẽ dành nhiều thời gian bên phần mộ của người thân: ăn uống, trò chuyện, cầu nguyện, cũng như dọn dẹp và trang trí phần mộ. Đây là dịp để gia đình dành thời gian bên nhau, và cùng nhau có được một cảm giác vui mừng khi ai nấy đều tưởng nhớ đến những người đã ra đi.

4. Ireland

© Madhourse | Shutterstock

Mặc dù nhiều truyền thống trong quá khứ không còn được lưu giữ, nhưng người Ireland dành thời gian của họ để cầu nguyện và tham dự Thánh lễ để kính nhớ những người bạn và thành viên trong gia đình đã khuất của mình. Một số gia đình vẫn còn thắp một ngọn nến trong nhà của họ, đặc biệt là nơi căn phòng có người thân qua đời.

5. Mexico

© Cavan-Images | Shutterstock

Người Mexico kỷ niệm Ngày Lễ Các Đẳng kết hợp với lễ hội Dia de los Muertos, hay “Ngày của những người đã khuất”. Giống như ở nhiều quốc gia Công giáo, các gia đình sẽ dành thời gian bên mộ những người thân yêu, nhưng họ cũng sẽ lập một bàn thờ tại nhà với thức ăn, hoa và những chiếc hộp sọ làm bằng đường để kính nhớ những người đã qua đời.

6. Áo

© mongione | Shutterstock

Ở các vùng của Áo, các gia đình sẽ đảm bảo cho ngôi nhà của họ được xinh đẹp và ấm áp, và sẽ để lại bánh trên bàn để cho những người thân yêu đã khuất của họ có thể dùng đến.

7. Malta

© Jukov studio | Shutterstock

Người Công giáo Malta theo truyền thống có món lợn quay cho bữa tối. Điều này bắt nguồn từ một phong tục, theo đó một con lợn sẽ đeo chuông đi lang thang trên đường phố. Người dân địa phương sẽ cho lợn ăn, sau đó nó sẽ bị giết thịt vào ngày hôm đó và dùng để chu cấp cho người nghèo.

8. Ý

© Image Source Trading Ltd.
Shutterstock

Trong khi cả nước Ý có nhiều truyền thống vào dịp này, thì nhiều khu vực cũng có những truyền thống riêng khi làm ra những món đồ ngọt - hay còn gọi là “dolci dei morti”, nghĩa là “bánh ngọt dành cho người đã khuất”. Thường là những chiếc bánh quy màu trắng có hình xương, chúng là một cách thức pha trộn niềm vui lẫn nỗi buồn khi tưởng nhớ về những người thân yêu.
 

Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
chuyển ngữ từ
aleteia.org (02/11/2021)

(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 31 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 03.11.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: CHÚNG TA LÀ ANH EM - CÁC TU SĨ KẾT THÚC SỨ VỤ TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN SỐ 12

CHÚNG TA LÀ ANH EM - CÁC TU SĨ 
KẾT THÚC SỨ VỤ TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN SỐ 12

TGPSG -- “Khi có giờ rảnh, em và các cha, các sơ cũng trao đổi với nhau về giáo lý Phật giáo và Công giáo; điểm chung mà em thấy ở hai tôn giáo là giảm bớt ‘cái tôi’ và sống vì tha nhân: chúng ta là anh em.”

Phật tử Dương Hữu Tùng - Chùa Bửu Long, Q. 9 - đã chia sẻ như thế trước buổi lễ “Đón và tri ân các tình nguyện viên (TNV) tôn giáo” được tổ chức vào lúc 8g30 ngày 1-11-2021 tại sân Bệnh viện Dã chiến số 12 (BVDC 12) ở Chung Cư R5 Phường An Khánh.

Buổi lễ này do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM phối hợp tổ chức để đón 14 TNV, gồm:

- 1 phật tử phục vụ 3 tháng tại BVDC 12;
- 1 linh mục và 12 tu sĩ (*) phục vụ 1 tháng tại BVDC 12.

Chỉ còn 5 bệnh nhân

Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường - Phó giám đốc Bệnh viện Da Liễu kiêm Giám đốc BVDC 12 - với gương mặt rất hiền từ và đôi mắt ánh lên niềm vui, đã cho biết:

BVDC 12 chỉ còn 5 bệnh nhân đang điều trị. Họ cũng đang hồi phục và sắp được xuất viện.

Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường
Nhớ lại ngày đầu nhận công tác với một bệnh viện đúng với cái tên “Dã chiến”, chúng tôi đã có những giai đoạn quá tải, thiếu phương tiện phòng hộ, có lúc đã phải tính đến cả phương án tái sử dụng khẩu trang N95... Nhưng nhờ các doanh nghiệp và những tổ chức tư nhân hỗ trợ, cuối cùng phương tiện phòng hộ cho y tế đã không còn thiếu hụt nữa.

Thời gian đầu khi triển khai chống dịch, đã có những lúc gọi là 'điểm chết' rất đáng sợ như thế: quá tải, thiếu phương tiện phòng hộ, virus 'chui vào hệ thống bệnh viện' khiến bệnh viện bị phong tỏa, không đủ bình oxy cho bệnh nhân... Như bác sĩ Đông - Phó Giám đốc - chia sẻ “Bây giờ ngủ mà vẫn còn bị giật mình; 2 hay 3 giờ sáng giật mình dậy là thức luôn đến sáng vì bị ám ảnh bởi tiếng gõ cửa phòng lúc bệnh nhân đông - mọi người gõ cửa bất cứ lúc nào 24/24: bệnh nhân kẹt thang máy, nước nghẹt, thiếu oxy…"

Bác sĩ Tường cho biết ông rất cảm động về sự hợp tác của đội ngũ TNV:

Họ rất thầm lặng, không nói gì, không than thở. Không có họ, chúng tôi không thể hoàn thành sứ mạng, bệnh nhân thiếu người chăm sóc, thăm hỏi…

Tất cả là anh em

Sau câu chuyện của bác sĩ Giám đốc, tôi đã tìm gặp phật tử Dương Hữu Tùng đã phục vụ 3 tháng tại đây. Anh Tùng đã học xong Điều dưỡng nên được tham gia trực tiếp vào khâu điều trị bệnh nhân. Anh kể:

Phật tử Dương Hữu Tùng
Những ngày đầu đến bệnh viện, không khí rất căng thẳng. Em và các TNV mới được chích vắc-xin mũi 1 được 2 ngày nên mọi người làm việc trong e dè và thận trọng. Bệnh nhân mỗi ngày nhập viện một đông, mọi phòng của tòa nhà lúc nào cũng sáng đèn, mọi khâu luôn khẩn trương. Phòng cấp cứu của bệnh viện có khoảng 40 bệnh nhân nặng mà không thể chuyển tuyến được vì bệnh viện tuyến trên đã kín giường rồi, vì thế thật áp lực và xót xa khi bệnh nhân không qua khỏi được.

Khoảng cuối tháng 9, các ca bệnh giảm dần nhờ việc phủ vắc-xin trong cộng đồng bắt đầu có hiệu quả, gánh nặng bớt nhiều. Bệnh viện đến hôm nay không tiếp nhận bệnh nhân nữa. Em cảm nghiệm mình vừa trải qua một mùa giông bão khủng khiếp.

Chia sẻ về tình huynh đệ, anh nói:

Trước đây chưa bao giờ được gặp các sơ, các cha. Việc tham gia tình nguyện tại bệnh viện đã mang đến cho em một cái nhìn rất mới. Các cha, các sơ sống chan hòa tình người, cởi mở, hòa đồng và phục vụ bệnh nhân như đang phục vụ người nhà của họ. Khi có giờ rảnh, em và các cha, các sơ cùng nhau trao đổi giáo lý về Phật giáo và Công giáo. Điểm chung mà em thấy ở hai tôn giáo là: giảm bớt “cái tôi”, sống vì tha nhân, tất cả đều là anh em...

Niềm hy vọng

Trong khi các TNV chuyển đồ lên xe, chúng tôi được nghe Lm Phêrô Trần Hoàn Chỉnh nói về thời gian phục vụ tại BVDC số 12, với 3 bài học được rút ra: (1) chung tay góp sức vì bệnh nhân, (2) đời sống thiêng liêng nhờ cầu nguyện và Thánh lễ lúc 6g, (3) niềm hy vọng tha thiết...


 Linh mục Phêrô chia sẻ:

Lm Phêrô Trần Hoàn Chỉnh, Dòng Tên

Ngày đầu tiên khi mới đến, buổi tối chúng con thường nhìn lên các phòng của tòa nhà, hầu như các căn hộ đều sáng đèn, nghĩa là lượng bệnh nhân rất nhiều. Nhưng ngày qua ngày, đèn ở các căn hộ tắt dần, đó là dấu hiệu nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh. ‘Khi ánh đèn của căn hộ chung cư này tắt đi, thì ánh đèn nơi căn hộ các gia đình lại sáng lên”: mọi người đều thấy vui, và đó là ý nghĩa của niềm hy vọng.

Vui vẻ với bệnh nhân và công việc

Chúng tôi đến gặp các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức và được nghe về niềm vui trong 1 tháng phục vụ. Nữ tu Maria Ngọc Hảo cho biết, trước khi đi, chị nghĩ là vào sẽ được phục vụ bệnh nhân như đã đọc các bài trên web của TGP Sài Gòn, nên đã chuẩn bị trong đầu phải làm sao cho bệnh nhân bớt đau. Nhưng khi đến bệnh viện thì được phân công phát thuốc cùng các chị điều dưỡng. Mỗi sáng khi phát thuốc cho bệnh nhân, "em cười với họ, chúc họ bình an hạnh phúc và mau khỏe; thấy họ khỏe lên mỗi ngày là em vui lắm.”

Còn nữ tu Maria Thùy Trâm thì kể về kinh nghiệm khi bước vào ca trực, không biết tí gì về y tế:

Ca đầu tiên thử lượng đường trong máu cho bệnh nhân, em không biết phải lấy máu như thế nào. Em phải liên hệ dưới văn phòng, được các nhân viên y tế hướng dẫn. Sau khi chích lấy máu bệnh nhân, chụp hình gửi xuống văn phòng, được duyệt kết quả, em vui lắm. Rồi phải thức đến 12 giờ đêm để học tên thuốc...

Vui nhất là khi được lên phòng thông báo cho bệnh nhân được xuất viện. Họ vui một thì mình vui mười.

Nữ tu Maria Kim Phương cũng nghĩ là đến đây sẽ được phục vụ bệnh nhân, nhưng lại được phân công dọn dẹp vệ sinh dưới các phòng của các bác sĩ và nhân viên y tế, rồi làm hồ sơ bệnh nhân: "Con hiểu ngay ý Chúa muốn con làm tất cả những gì mà Chúa muốn qua sự phân công của những người có trách nhiệm, vì làm gì thì cũng đều cộng tác vào việc điều trị cho bệnh nhân hết."

Đại diện TNV nói lên niềm tri ân

Khi buổi lễ đón tiếp bắt đầu, tu sĩ Giuse Vũ Duy Thao - Dòng Anh Em Hèn Mọn - đã nói lời tri ân:

Chúng tôi không có kinh nghiệm chuyên môn như các bác sĩ, nhưng vẫn được bệnh viện đón nhận và giao phó cho một vài công việc để chúng tôi được đóng góp với tinh thần đức ái qua các công việc nho nhỏ.

Ở đây, chúng tôi được làm việc với các TNV tôn giáo bạn như các phật tử, sư cô cùng các sinh viên. Nhiệt huyết làm việc của các bạn đã đem lại động lực, đóng góp 'chất lửa' cho chúng tôi.

Chúng tôi cũng cám ơn các bệnh nhân đã giúp chúng tôi cảm nghiệm sâu sắc hơn về giá trị của sự sống.

Mở ra một chặng đường mới

Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM - bày tỏ niềm vui:

Bà Phan Kiều Thanh Hương

Hôm nay chúng ta vui mừng vì chỉ còn 5 bệnh nhân và họ cũng sẽ trở về với gia đình. Đây là điều rất đáng mừng vì chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Các TNV đã kết thúc chặng đường hỗ trợ các y bác sĩ để giúp cho bệnh nhân đủ sức khỏe trở về với gia đình.

Mỗi người đóng góp một việc khác nhau nhưng chúng ta đã đạt được kết quả chung. Tuy nhóm TNV này tham gia ở giai đoạn cuối nhưng đây là giai đoạn mang ý nghĩa lịch sử: chúng ta đã kết thúc chặng đường của bệnh viện Dã chiến và mở ra một chặng đường mới.

Kinh nghiệm tự hủy

Tiếp theo, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ - Đại diện Tòa TGM TGPSG - nhắn nhủ các TNV:

Tuy thời gian và công việc phục vụ của các TNV trong đợt này không nhiều như những đợt trước, nhưng đây cũng là một kinh nghiệm quý cho các TNV.

Trong đời dâng hiến, có lúc chúng ta thấy mình vẫn hiện diện để sẵn sàng yêu thương, dù người ta không cần. Khi thấy mình thừa thãi thì chính lúc ấy ta có kinh nghiệm về sự tự hủy, học được kinh nghiệm khiêm cung của Chúa Giêsu.

Xin cầu chúc quý cha, quý tu sĩ và quý phật tử luôn mạnh khỏe. Hy vọng những ngày làm việc chung sẽ trở thành kỉ niệm để chúng ta nhớ nhau, nhắn tin gọi điện thoại chia sẻ với nhau. Mỗi người là một miếng mẩu nhỏ, nhưng ghép lại sẽ tạo ra bức tranh toàn cảnh. Vậy hãy tiếp tục sánh vai nhau, chung sức chung lòng vì cuộc sống tốt đẹp chung của mọi người.

Kết thúc buổi lễ “Đón và Tri Ân”, Ban lãnh đạo BVDC số 12 và lãnh đạo các ban đã tiễn các TNV về nơi cách ly tại Tu Hội Cao Thái.

(*) Chú thích: Các TNV Công giáo đợt này gồm: Lm Phêrô Trần Hoàn Chỉnh, 1 thầy Dòng Tên, 7 tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn, và 4 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức.

Bài & Ảnh: Sơn Nữ, SPC (TGPSG)
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 03.11.2021


Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 31 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Tư, ngày 03.11.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 31: CÂU CHUYỆN CHIỀU MƯA

 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI, 02.11.2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 02.11.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI, 02.11.2021

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Ba, ngày 02.11.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

GIỌT NƯỚC MẮT MUỘN MÀNG

TGPSG -- Mỗi khi tháng mười một về - tháng mà Giáo Hội dành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, là dịp những người con cháu tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, nhớ đến những người thân đã khuất. Những ngày này, tại các nghĩa trang tấp nập người qua lại. Nghĩa trang ở quê cũng thế, nơi ấy có những đồi chè xanh ngát và cà phê chín đỏ nặng hạt, gió hiu hiu thổi với tiếng nhạc nhè nhẹ. Chiều chiều, các em thơ chạy xe đạp chung quanh khuôn viên nghĩa trang. Những ngày đầu của tháng, từng đoàn người tiến về nghĩa trang để thắp những nén nhang - ngọn nến nơi phần mộ người thân của mình. Mùi hoa thoang thoảng, những câu kinh, tiếng hát vang lên làm cho không khí nơi đây như ngày hội mỗi tối. Làm cho nghĩa trang trở nên ấm cúng hơn. Người đã khuất nhìn thấy cảnh này chắc cũng đang mỉm cười…

Tôi quen chị trong dịp đi phục vụ trong bệnh viện Hồi Sức Covid-19, chị là một trong những bệnh nhân tôi từng giúp. Tôi như chiếc cầu nối giữa chị và người mẹ đang nằm ở dưới khoa nặng hơn. Sau khi làm xong việc của mình, tôi thường đi thăm cô thay chị. Ting, ting, ting… Tiếng tin nhắn điện thoại kêu làm tôi tỉnh giấc. Ngày nào chị cũng nhắn tin nhưng sao hôm nay chị ấy lại nhắn vào lúc quá nửa đêm thế này? Tin nhắn với dòng chữ: “Sơ ơi, con nhớ mẹ, con không ngủ được. Con nghĩ con có lỗi với mẹ, con không chăm mẹ lúc cuối đời. Trước đây, có những lúc con cáu gắt với mẹ. Giờ nằm nghĩ lại, con càng cảm thấy có lỗi với mẹ nhiều hơn. Con phải làm sao đây sơ?”.

Mới chỉ cách đây vài ngày, khi nhận được tin mẹ đã trút hơi thở cuối cùng để trở về với Chúa, sau một thời gian chống chọi với con virus nhỏ bé. Chị đã khóc ngất. Chị thất vọng bởi sự ra đi của người mẹ, chị bất lực bởi chị dành nhiều lời cầu nguyện để cố nài xin Chúa cứu chữa mẹ của mình nhưng dường như Chúa không nhận lời chị khẩn nguyện. Chị khó chấp nhận với tin dữ ấy, chị vừa khóc vừa nói: “Con đau lòng quá, con được nhìn thấy mẹ trong nhà xác lần cuối cùng nhưng mà con không làm gì cho mẹ được, đến cái áo quan mẹ cũng không có. Con nghĩ tới mà không thở nổi, sơ ơi…”.

Đọc những dòng tin nhắn của chị, tôi cũng không khỏi xúc động, và cũng không biết phải khuyên chị thế nào, vì chính tôi cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh như chị. Khi người cha thân yêu của tôi ra đi, để lại trong tôi và những người thân trong gia đình một nỗi mất mát và trống vắng, nhất là người mẹ của tôi đã gắn bó với ông hơn năm mươi năm. Giờ đây, bà phải sống cô đơn lẻ bóng. Tôi ở xa không thể chăm sóc người mẹ quanh năm đau yếu vì bệnh tật. Thế nhưng khi có dịp về thăm gia đình hoặc những kỳ nghỉ phép, tôi đã không dành trọn thời gian cho mẹ. Những khi mẹ than phiền vì các anh chị không quan tâm tới mẹ thì tôi biện minh rằng các anh chị phải lo kinh tế nuôi sống gia đình anh chị. Hoặc khi mẹ tôi không uống thuốc đầy đủ và ăn những món ăn không tốt cho sức khỏe, tôi đã cằn nhằn và có khi cáu gắt mẹ vì bà hay lặp đi lặp lại những lỗi lầm của con cái. Rồi những khi nhà cửa bề bộn, không sạch sẽ, tôi lại nhăn nhó. Thế rồi, như thường lệ sau những ngày nghỉ phép, tôi trở về với công việc của mình.

Vào cuối tuần tôi thường gọi điện thoại thăm mẹ, nhưng bỗng một ngày không xa sau đó, tôi nhận được tin mẹ đã nhập viện, bác sĩ thông báo mẹ tôi đã chết lâm sàng. Suốt mười ngày chăm sóc mẹ là mười ngày tôi không thể ngủ yên, chỉ sợ mình ngủ thì mẹ sẽ ra đi. Nhưng cuối cùng, điều anh em chúng tôi không mong muốn cũng đã xảy ra. Mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi, mẹ ra đi không nói với chúng tôi một lời nào. Tôi ân hận vì tuần cuối cùng tôi không gọi điện thoại cho mẹ. Còn nhiều điều tôi chưa kịp nói với mẹ, có thể cách thể hiện tình yêu của tôi khác những người khác, đó là không chiều theo ý riêng của mẹ. Chính vì điều đó mà rất nhiều lần làm mẹ buồn, nhưng trong tận sâu thẳm lòng mình, tôi muốn nói lên: Con yêu mẹ nhiều lắm, mẹ ơi…

Có những đêm mơ thấy cha mẹ, tôi tỉnh lại mắt đã lệ nhòa. Tôi không thể ngủ lại được vì nỗi nhớ thương kèm theo sự hối hận vì có những lúc tôi chưa trân quý những tháng ngày bên cha mẹ. Chỉ khi không còn nữa, tôi mới nhận thấy sự mất mát rất lớn và hụt hẫng trên đường đời. Khi mà về nhà mỗi dịp tết đến, một mình tôi lủi thủi, tự đi chợ, tự nấu ăn. Căn nhà giờ đây thiếu đi tiếng nói cười của mẹ cha. Thế nhưng, tôi vẫn phải bước tiếp những bước trong cuộc sống. Thời gian không thể quay ngược trở lại, tôi không thể lấy lại những gì đã vụt mất.

Chị à! Người đã chết thì không thể sống lại được nữa. Có người đã nói: “Buông được một kiếp người… bên kia không còn đau khổ nữa”. Có thể Chúa muốn người thân của chúng ta không còn những đau đớn vì thân xác bệnh tật mà vào hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên Đàng. Tôi, chị và mọi người có đau buồn tới đâu đi nữa thì cũng không thể làm cho người thân trở về với chúng ta bằng xương bằng thịt. Nhưng có một điều, họ luôn sống mãi trong tâm hồn của chúng ta, họ đang dõi theo chúng ta từng bước và đang cần lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể dùng những lời kinh và Thánh lễ để nối kết với người đã khuất, vì họ là những người đang ở trong Giáo hội Khải Hoàn - Giáo hội Vinh Thắng. Chúng ta là những người ở trong Giáo hội Lữ hành, chúng ta có nhiệm vụ cầu nguyện cho họ. Đặc biệt, trong tháng mười một này- là tháng của những người con báo hiếu ông bà, cha mẹ.

Ước mong rằng những ai còn cha mẹ, hãy trân quý những ngày tháng cha mẹ còn ở bên. Vì khi cha mẹ không còn, bạn muốn làm những điều vĩ đại cho họ thì cũng không thể. Đừng để đánh mất cơ hội, vì chúng ta không thể nào bù đắp được những lỗi lầm khi xưa. Như trong sách Huấn Ca nhắn nhủ: Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng? Cha con, con hãy hết lòng tôn kính và đừng quên ơn mẹ mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành. Công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho can xứng? (Hc 7,17-28)

Bích Huyền - MTG Đà Lạt 
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 02.11.2021

 

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI, 02.11.2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 02.11.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: BUỔI GẶP GỠ CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC GIÁM MỤC TÂN CỬ GIUSE ĐỖ QUANG KHANG

BUỔI GẶP GỠ CẦU NGUYỆN CHO
ĐỨC GIÁM MỤC TÂN CỬ GIUSE ĐỖ QUANG KHANG


TGPSG -- Vào lúc 17g thứ Bảy 30-10-2021, ngay khi Tòa Thánh vừa công bố bổ nhiệm Tân Giám mục phó của Giáo phận Bắc Ninh, đã có cuộc gặp gỡ chia sẻ và cầu nguyện cho vị Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang.

Cuộc gặp gỡ thân tình này - do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng quy tụ - trước hết đã diễn ra tại nhà khách Đại Chủng viện Thánh Giuse (ĐCV) của Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGP). Các linh mục thuộc ĐCV và Trung tâm Mục vụ TGP đã cùng lắng nghe vị Cha chung TGP: vui mừng vì Giáo Hội có thêm một vị Giám mục, nhưng cũng buồn vì TGP Sài Gòn vắng thiếu đi một giáo sư Kinh Thánh, một phó Giám đốc chủng viện nhiệt thành…

Đức Tổng Giuse tâm sự rằng ngài đã phải động viên rất nhiều để Cha giáo Kinh Thánh Giuse đừng quá lo lắng mà từ chối trách vụ sắp được Giáo hội trao phó.

Tiếp theo là tâm tình của vị Giám mục tân cử: luôn cảm thấy hạnh phúc thanh thản khi được là người con của TGP Sài Gòn, lo âu trước trách nhiệm mới, nhưng cũng cảm thấy mình như được trở về quê cũ vì có nguyên quán Bắc Giang (thuộc Bắc Ninh), tri ân và rất mong nhận được lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của mọi người…

Kế tiếp, Cha Giám đốc ĐCV - khi kể ra rất nhiều vị giám mục có xuất thân từ Ban Giảng huấn của ĐCV Sài Gòn - đã chúc mừng và động viên vị Phó Giám đốc của mình trong nhiệm vụ mới.

Vào cuối buổi chia sẻ, đại diện gia đình ruột thịt của vị Giám mục tân cử đã diễn tả những ngỡ ngàng trước sự kiện mới mẻ này, đồng thời nói lên niềm tri ân và cầu mong sự nâng đỡ cho một người thân trong gia đình trước nhiệm vụ mới do Giáo hội giao phó.

Cuối cùng, cuộc hội ngộ thân tình đã kết thúc với giờ Chầu Thánh Thể trong nhà nguyện của ĐCV, để dâng lên Chúa những lời cầu nguyện thật sốt sắng hòa quyện trong những suy niệm thật sâu sắc do Cha Giám đốc ĐCV dẫn giải về sứ vụ Giám mục.

Lm Giuse Vi Hữu (TGPSG
(WGPSG)