Cụ Bường ngồi trên ghế đá, trước đài Đức Mẹ trông buồn bã lắm.
Tôi hỏi cụ: “Cụ khỏe chứ, sao trông buồn vậy ?”
– “Rồi đâu cũng vào đấy, anh ạ !” Tôi chẳng hiểu cụ muốn nói gì.
Trong sân Nhà Thờ tuần này, những đêm trước Chúa Nhật Lễ Lá, cả vài trăm người đang lãnh Bí Tích Hòa Giải để chuẩn bị vào Tuần Thương Khó với Chúa Giêsu. Có hơn mười tòa giải tội… Tòa nào cũng người và người xếp hàng dài nối đuôi nhau. Thật là tuyệt đẹp hình ảnh gối quì tay chắp, miệng thân thưa lời thú lỗi và lời xin xá tội để được quay về trong tình trạng ân sủng. Thánh thiện biết chừng nào. Cụ Bường có lẽ cũng bừng lên niềm vui của cộng đoàn đấy chứ. Sao ông lại nói: “Rồi đâu cũng vào đấy anh ạ”.
Tôi lại hỏi cụ: “Sao cụ lại nói thế, cụ có ý gì ?”
Thế là cụ tâm sự một hơi dài:
“Người Việt Nam sống rất tình cảm anh ạ. Cái tình làng nghĩa xóm, chung cái lũy tre quanh làng, chung cây đa ngàn năm đầu ngõ, chung cái giếng nước cuối xóm lối ra những bờ đê… hình như đã tượng hình nhân ái trong lòng người Việt Nam cách linh thiêng diệu kỳ. Họ đã chung sống thân thương trong cái bầu của tình người đậm đà đến nỗi chuyện của nhà ai cũng là chuyện của mình. Họ khóc chung cả làng. Họ vui chung, cười chung suốt đêm thâu tới sáng. Họ chia nhau nửa chén gạo, chút muối chút tiêu… chia cả con cầy tơ đến vài con cá rô, cá giếc lúc hạn hán mất mùa… Tuyệt đẹp lắm.
Chính đời sống tình cảm Chúa ban cách tự nhiên ấy, đã góp phần cho việc đón nhận một con người tưởng như là xa lạ mang tên Giêsu về với đất nước mình, với làng quê mình, nên rất thân quen, nên rất gần gủi, và nhất là khi con người Giêsu ấy vì yêu nên nỗi mang thương tích đau đớn tột cùng và chết trên Thập Giá.
Vì thế, chuyện đạo đức cũng vậy. Mỗi năm, đến Tuần Thánh, người Việt Nam sốt sắng lắm, vì họ thương Chúa Giêsu bị hàm oan, bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị vác thập giá, bị đóng đinh, như chính người thân, người làng của họ vậy. Họ khóc lóc, họ tang chế, họ ăn chay cầu nguyện, họ sám hối, họ rất thành tâm trở về với Chúa. Ở nơi nào càng có những tổ chức Tuần Thánh thống thiết hơn thì Giáo Dân càng sốt sắng. Thế nhưng, “rồi đâu cũng vào đấy thôi anh ạ”. Hết Tuần Thánh và các nghi thức, thì cũng hết ngay những cảm tình chóng qua ấy, những giọt nước mắt khô đi, và gối không còn quì thống thiết nữa…
Tôi chỉ mong sao, lòng yêu mến Chúa Giêsu Chịu Tử Nạn không phải là một thứ xúc động nhất thời, một thứ tình cảm mau qua, nhưng là một tâm tình yêu mến triền miên phát xuất từ Đức Tin và lòng trông cậy ơn cứu rỗi cho chính mình và cho nhiều người.
Yêu mến Chúa Giêsu không phải là khóc thương Chúa tội nghiệp, nhưng là khóc thương chính thân mình tội lỗi mà gây ra cái chết của Ngài. Đạo đức không phải là những giọt lệ bên ngoài, những gối quì, những than vãn, những xúc động… nhưng chính là “hết lòng ăn năn”, “đau đớn vì tội lỗi”, “quyết lòng tự hối” và “nhất là theo đường Chúa đi mà thôi”.
Tôi tâm đắc bài hát ấy lắm. Theo đường Chúa đi cả đời mình, mới là yêu mến Chúa. Chúa bảo những người phụ nữ Giêrusalem theo Chúa trên đường Thập Giá: “Đừng khóc thương ta, hãy khóc thương các ngươi và con cháu các ngươi” (Lc 23, 27 – 28).
Như vậy, Tuần Thánh không chỉ có một tuần. Thứ sáu Tuần Thánh không chỉ có một ngày. Rồi sau tuần ấy, sau ngày ấy… rồi đâu cũng vào đấy… Rồi cứ những lối đi xa… đi xa… xa nữa…, chờ đến Mùa Chay năm sau…, Tuần Thánh lại trở về... Khóc lóc !
Tôi cũng không tránh khỏi những lần sướt mướt ấy. Nhưng tôi cũng đã từng không chịu cách giữ đạo của mình như thế đâu. Tôi ước ao mỗi Tuần Thánh, giúp tôi tiến gần hơn chút nữa tới cuộc tử nạn của chính mình cho phần rỗi của mình và cho nhiều người. Cuộc tử nạn ấy là có thật từng ngày. Chiến đấu và bằng lòng chịu thương tích, chịu thiệt thòi, chịu nhục nhã, chịu đổ máu.
Tôi ví mình như con ốc sên bò lên đồi thập tự. Nếu con ốc sên sợ đổ máu, vì những cạnh đá sắc bén, nó sẽ rút mình vào trong vỏ ốc cho an toàn. Nhưng như vậy thì nó sẽ không theo Chúa được. Nó phải biết xấu hổ vì nó đã tuyên xưng là theo Chúa mà không chịu thò đầu, đưa thân mình nó ra để chịu đau khổ. Nó chỉ làm bộ đau khổ với Chúa mấy ngày, rồi lại thụt đầu vào… Thật đáng tủi hổ !
Tôi cũng vậy, đời tôi chối Chúa nhiều gấp 77 lần ông Phêrô, thụt đầu vào cả ngàn lần như con ốc sên sợ chết, nhưng rồi, giờ này tôi mới hiểu ra, càng giữ cho mình yên thân, mình càng cảm thấy bất xứng với danh xưng Kitô hữu, vì mình không có một chút gì giống Chúa Kitô của mình cả. Làm sao mong được cứu rỗi ? Làm sao mong được phục sinh ? Tôi nghĩ, giữ đạo là phải giữ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu gắn liền với hành trình Đức Tin của mỗi người chúng ta...”
Tôi giật mình, nhìn cụ già 79 tuổi – một đời người đã đi qua 79 Tuần Thương Khó, hoặc ít là cũng 70 Tuần Thương Khó từ tuổi có trí khôn. Tôi không dám nói là cụ đang chê trách cách giữ đạo của người khác, nhưng cụ đang nói chính cách sống đạo của mình, chính ước muốn nên thánh của mình, phải thoát ra cái vỏ bọc hình thức hay tình cảm nhất thời mà vươn tới một sự kết hiệp toàn bích giữa Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc và người được cứu chuộc.
Tuần Thánh đang mở ra cho chúng ta, một tuần tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Cụ Giáo Dân rất tầm thường đã có những suy nghĩ cũng rất đơn sơ, tầm thường theo cách thấy sao nói vậy, về chính cách sống Tuần Thánh rất tầm thường của chúng ta. Nhưng những suy nghĩ ấy, để lại không ít nỗi bàng hoàng cho tôi, chắc là cho cả bạn, cho mọi người.
Có lẽ nào chúng ta đang giả vờ yêu mến Chúa, yêu mến Chúa Giêsu đầy thương tích, Chúa Giêsu tử nạn, để rồi đời mình lại “đâu cũng vào đấy” mãi sao ?
Có lẽ nào chúng ta lại diễn vở tuồng “cuộc tử nạn Giêsu”, mỗi người trong vai Giêsu, rồi xong vở tuồng ấy, ta lại là ta sao ?
Có lẽ nào chúng ta lại đành đoạn xuất chiêu những trò đùa tình yêu gian dối như thế đối với một Thiên Chúa đã thật lòng yêu thương thế gian đến nỗi sai chính Con mình đến để chết mà đền thay tội lỗi chúng ta sao ?
Không ! Trăm ngàn lần không thể như thế được.
Lạy Chúa Giêsu chịu tử nạn vì con, xin cho con biết yêu mến Chúa thật lòng. Và vì yêu mến Chúa thật lòng mà con nhận ra là con đã dối trá. Xin cho con yêu Chúa suốt đời. Và vì muốn yêu Chúa suốt đời, nên con vui vẻ mà bước đi theo con đường của Chúa: con đường không vương tội lỗi, con đường chịu thương tích, thiệt thòi, chịu đau khổ, và sẵn sàng chịu chết còn hơn phạm tội mất lòng Chúa. Amen.
PM. CAO HUY HOÀNG, 25.3.2010
(nguồn : huongvedaihoidanchua.net)
(nguồn : huongvedaihoidanchua.net)