Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

NƠI TUYẾN ĐẦU: DUYÊN LÀ DO TRỜI ĐỊNH?

NƠI TUYẾN ĐẦU: DUYÊN LÀ DO TRỜI ĐỊNH?

TGPSG -- “Em gặp chị lần này đây là một cái duyên. Và nếu sau này mình có được gặp lại nhau thì đó là định mệnh.”

Đây là một câu nói thật dễ thương mà một người bệnh nhân đã quý mến gởi trao đến tôi sau một vài lần trò chuyện. Tôi thì không tin cái gọi là duyên hay định mệnh đó, nhưng ngẫm nghĩ lại thì thấy nó cũng thú vị đấy chứ. Vậy thì C20 chúng tôi gặp nhau là duyên, hay định mệnh đây?

Âu là cái duyên ư?

Bởi nếu dịch bệnh không bùng phát dữ dội, chúng tôi nay đã mỗi người mỗi nẻo cho sứ mạng đã được lên chương trình định sẵn của mình. Như lời bài hát tôi vẫn nghêu ngao: “Người lên cao nguyên nơi nông trường xanh màu lá; người ra biển khơi nuôi ước vọng theo những con thuyền…”, và người ở Phi Châu bôn ba chu toàn bổn phận mục tử thừa sai. Chứ không ai nghĩ rằng mình là một TNV nơi tuyến đầu chống dịch.

Âu là cái duyên ư?

Có người đăng ký được đi tình nguyện nay là lần thứ 3, thứ 4 mới có kết quả. Có người đăng ký từ thở bình sinh của lời kêu gọi Tu sĩ lên đường. Cũng có người vừa mới đăng ký là được nhận liền tay. Và tất cả đã được quy tụ trong một nhóm với tên gọi đầu tiên được đặt là Nhóm “TNV C20”, trong đó, C = chống dịch, 20 = nhóm 20 người, nghĩa là nhóm 20 người TNV đi chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 quận 7.

Âu là cái duyên ư?

20 Tu sĩ đến từ 11 Hội Dòng, và thậm chí có những người còn chưa hề nghe đến tên Hội Dòng của nhau. Ấy thế mà lại được gặp gỡ nơi đây và kết nên một gia đình C20 tràn ngập yêu thương và tiếng cười rộn rã. Một gia đình Liên tu sĩ đúng nghĩa.

Quả thật là cái DUYÊN đã đưa đẩy mỗi người chúng tôi lại nơi mái ấm C20 thân thương này. Nơi đây, chúng tôi liên kết với nhau thành một nhóm Tình nguyện viên tôn giáo để đi phục vụ bệnh nhân, để giới thiệu khuôn mặt của Đấng Tình Yêu đã tạo dựng và hằng luôn chăm sóc dõi bước theo con người. Và hơn thế nữa, chúng tôi đã thật sự là một cộng đoàn làm chứng cho một Giáo Hội hiệp nhất năm châu bốn phương, một Giáo Hội sẵn sàng đi ra đến vùng ngoại biên.

Nhớ giây phút lần đầu gặp gỡ, tuy vẫn còn giữ chút gì đó là ngại ngùng, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự gần gũi đến lạ lùng, và dường như không có ranh giới “phân biệt chủng tộc”. Những khuôn mặt đó, tôi chưa bao giờ gặp. Những linh đạo đó, thật tôi chỉ có thể nói thầm “cái Dòng gì nghe mà lạ thế?” Để rồi, với cái ấn tượng ban đầu ấy, chúng tôi đã dễ dàng hòa nhập với nhau, trở nên thân thiết như những anh chị em thật sự trong một gia đình. Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau vui đùa, cùng nhau làm việc một cách rất dễ thương, rất gắn bó, rất hòa hợp. Những căng thẳng mệt mỏi bao trùm nơi bệnh viện luôn được đánh tan bởi những câu chuyện vui nhộn và những tiếng cười rộn rã mà chúng tôi dành tặng nhau mỗi ngày. Chúng tôi cũng không quên những khoảnh khắc linh thiêng bên nhau khi tham dự thánh lễ và dâng chuỗi kinh Mân Côi kính Đức Mẹ.

Không biết từ bao giờ chúng tôi đã ‘bén duyên’ nhau để rồi mỗi chúng tôi đều cảm nhận được bầu khí gần gũi đến lạ thường. Thật tuyệt vời khi những ngày đặc biệt như sinh nhật, bổn mạng của các thành viên trong nhóm, cũng như các ngày lễ không thể nào bị quên lãng mà không có một sự bất ngờ sáng tạo nơi những bữa tiệc ấm cúng với những câu hát ngân nga dường như bất tận. Chúng tôi được tự do thoải mái là chính mình trong những cuộc vui, như những đứa trẻ với các trò chơi nghịch ngợm thỏa thích mà không lo ngại ai dò xét. Cũng nhờ vậy mà mối tình thân càng ngày càng được bền chặt hơn. Có thể hiếm khi gặp được một gia đình liên tu sĩ như thế, một minh chứng sống động mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui.”

Đương nhiên, niềm vui đó chúng tôi không giữ cho riêng mình nhưng lan toả đến môi trường chúng tôi đang phục vụ. Những khuôn mặt rạng ngời, những sáng kiến không ngơi nghỉ trong công việc cũng như trong những dịp Trung Thu, 20/10, chia tay, ... đã thực sự làm giảm nhiệt bầu không khí căng thẳng của bệnh viện dã chiến. Những mục văn nghệ bỏ túi, những bông hoa đơn sơ hái từ bờ rào, những cánh thiệp làm vội hay những món quà bé nhỏ cũng đủ giúp bệnh nhân nối kết với thế giới sống động bên ngoài phòng bệnh.

Khi làm cho niềm vui được lan toả như thế, chúng tôi như càng thêm gắn kết với nhau. Thật là một cơ hội hiếm có, một kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình dâng hiến của mỗi người chúng tôi. Để rồi cho đến ngày chia tay, mỗi người về một ngã, bao nhiêu bịn rịn và luyến lưu.

Cái DUYÊN này thật là thú vị! Tạ ơn Chúa đã cho chúng con được có cơ hội nếm trải cái duyên Trời định này. Và nếu phải nói cho đúng thì … “âu cũng là Ý CHÚA”! Chúa đã sắp đặt để chúng con gặp gỡ, nối kết và thăng hoa.

Vậy, nếu Chúa đã cho chúng con có duyên đến với nhau, thì hy vọng sẽ có duyên gặp lại, khi trái đất vẫn vần xoay. Rồi đây, mỗi người chúng tôi lại trở về với cuộc sống “bình thường mới”, với những sứ mạng mới, ở những vùng đất mới, có thể xa, có thể gần … Tôi chỉ ước mong sao định mệnh lại cho mỗi người trong gia đình C20 chúng tôi lại được gặp nhau. Chúng tôi vẫn sẽ luôn đồng hành với nhau trên con đường thánh hiến mà chúng tôi đã “vô tình lướt qua nhau”.

Khẩu hiệu của chúng tôi là “Hãy Luôn Hy Vọng”, nên chúng tôi sẽ không đánh mất niềm hy vọng về một ngày ĐỊNH MỆNH, ngày chúng tôi sẽ hội tụ, dù là không thể trọn vẹn 100%. Và lỡ ra, nếu định mệnh không làm điều đó cho chúng tôi, thì chúng tôi sẽ tự tin làm nên định mệnh của chính mình . Biết đâu định mệnh đó sẽ “to” hơn, khi nó liên kết các dòng lại trong những sứ mệnh vĩ đại và ‘dài hơi’ hơn (chứ không phải chỉ vài tháng).

Nữ tu Anna AMDG - Hội Dòng MTG Huế (TGPSG)
(WGPSG)

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 33: HAI PHÍA CON ĐƯỜNG

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 32 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 09.11.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 32 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 08.11.2021 
tại nhà thờ Tân Phước
 

TÌNH THÂN HỮU NƠI TUYẾN ĐẦU

TÌNH THÂN HỮU NƠI TUYẾN ĐẦU

TGPSG -- Đời người cần giữa trần gian / Một ‘tình thân hữu’ đầy tràn yêu thương…

Nếu không có đại dịch này, thì chắc chắn tôi sẽ không có những trải nghiệm thực tế khiến tôi chạm tới được nơi sâu thẳm tâm hồn của những con người đang rơi vào vực tối khủng khiếp nhất của kiếp người. Có những niềm vui, nỗi buồn mà người ta đã cất giấu trong tâm hồn từ rất lâu. Và tôi chỉ thấu cảm được những nỗi niềm ấy của họ khi tôi ra khỏi chốn an toàn của bản thân, của cộng đoàn. Nếu không, tôi cũng chỉ mơ hồ qua nội dung của những bài báo xa vời.

Nhìn lại thời gian đi làm thiện nguyện và phục vụ bệnh nhân covid nơi tuyến đầu, tôi đã cảm nghiệm được rất nhiều tình thương qua từng người tôi có dịp tiếp xúc. Dù chỉ phục vụ ở đây vỏn vẹn trong 2 tháng 5 ngày, nhưng tôi đã được chia sẻ công việc của 3 khoa khác nhau. Mỗi lần chia tay mọi người trong khoa này để đến làm việc trong một khoa khác, tôi có đôi chút lưu luyến, thế nhưng đó lại là một dịp mới để tôi có thể tiếp xúc thêm nhiều người hơn trong khoa mới, từ đội ngũ y bác sĩ khác, cho đến các tình nguyện viên và các bệnh nhân khác. Tôi càng cảm nghiệm thêm rằng: không ai sống sót một mình, và luôn cần có thêm nhiều người trong cuộc đời…

Thật vậy, tôi đã thấy rõ hơn tình thương mà các bác sĩ dành cho bệnh nhân trong một buổi tối nọ - khi một bệnh nhân có triệu chứng trở nặng. Tất cả các bác sĩ trong khoa chạy vội vào, mỗi người mỗi việc, chỉ mong muốn giúp cho bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Lúc chỉ số oxy đã giảm đáng kể, một bầu khí vô cùng ảm đạm bao trùm trên nét mặt căng thẳng của những con người đang cảm thấy bất lực với ca bệnh này. Cùng lúc ấy, một bác sĩ vội vã gọi điện thoại cho một bác sĩ khác để xin được tư vấn. Đầu dây bên kia là một vị bác sĩ đang dùng bữa qua loa ở căn tin trong bệnh viện. Khi nghe tin, vị bác sĩ ấy đã bỏ dở bữa cơm, nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, chạy vội tới tiếp tay cho đồng đội của mình. Sau khoảng 25 phút, khi bệnh nhân đã tạm qua khỏi lưỡi hái tử thần thì cũng là lúc các y bác sĩ thở phào. Thế đấy, đúng là tình yêu bắc những nhịp cầu và chúng ta được sinh ra cho tình yêu [1]. Chỉ có tình yêu thương mới thôi thúc các y bác sĩ làm được những điều ấy.

Tôi có dịp được làm việc chung với rất nhiều tình nguyện viên, trong đó có linh mục, tu sĩ, phật tử… Tất cả đều cho tôi có cơ hội để ‘hiểu được điều tôi chưa hiểu’ và ‘biết được điều tôi chưa biết’. Nhưng có lẽ người để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất vẫn là một thầy đan sĩ sống đời chiêm niệm.

Vị đan sĩ có vóc dáng gầy gò trong bộ đồ bảo hộ kín mít; trước áo có hàng chữ: một bên ghi Giêsu, một bên viết Maria; đằng sau áo ghi Micae và một thánh giá. Thầy tận dụng dây thở đã hết sử dụng được để làm dây đeo, gắn vào một cái túi tự chế - trong túi đó là cả một kho tàng: những tràng chuỗi, máy nghe các bài giảng, thuốc chống hăm, nước thánh, dầu thánh Giuse…

Trên tay thầy còn có máy massage và chiếc tông đơ cắt tóc. Khi đã hoàn tất những việc trong khoa, thầy thường đi vào các phòng bệnh để hỏi xem ai có nhu cầu cắt tóc, cạo râu, hoặc đấm bóp, và không quên có những lời dí dỏm khiến cho bệnh nhân vơi bớt đi mệt nhọc, khó chịu…

Với kinh nghiệm của người đã từng đi giúp các bệnh nhân, thầy đã chỉ cho tôi cách rửa vết thương của những người nằm lâu ngày bị lở loét. Thầy nhẫn nại ghé tai mình sát mặt bệnh nhân để nghe xem bệnh nhân muốn nói gì. Có người thường sáng lên niềm vui trong ánh mắt khi thấy thầy đến. Nhìn thầy kiên nhẫn tập cho người này co duỗi chân tay, và cùng đọc với họ những câu kinh quen thuộc “Kính mừng Maria... Thánh Maria”, tôi thầm cảm phục. Theo cảm nghĩ của tôi thì đó chính là ‘tình thân hữu’ giữa người với người, và chỉ có người mang trái tim nhân hậu mới làm được những điều bình thường nhưng cao quý như vậy.

“Trong một xã hội băng hoại đang quay lưng lại với đau khổ và hoàn toàn mù tịt với việc chăm lo cho người đau yếu và dễ bị tổn thương [2], tất cả chúng ta được mời gọi như người Samari nhân hậu, trở thành người thân cận với tha nhân [3], bằng việc vượt qua những rào cản lịch sử và văn hóa.”

Vâng, dường như các tôn giáo cũng xích lại gần nhau hơn, khi mà các sư cô chia sẻ từng hộp sữa, từng bịch bánh cho các sơ cùng phòng nghỉ với tôi, rồi cùng ngồi uống trà.

Trong lần chia tay giữa các tình nguyện viên tu sĩ Công Giáo và Phật Giáo, hai bên đã chia sẻ về đời sống tôn giáo của mình và cùng chung chia bữa ăn thắm đượm tình yêu, cùng ngồi với nhau để hát lên những bài hát riêng của mỗi tôn giáo. Không có sự phân biệt tuổi tác, chức sắc hoặc tôn giáo… Tất cả cùng nhìn về một hướng: đó là phục vụ trong yêu thương.

Thời gian phục vụ trong bệnh viện đã dần khép lại. Rồi đây tôi sẽ trở về với cuộc sống của mình. Cám ơn tất cả mọi người: các y bác sĩ, các tình nguyện viên tu sĩ và các bệnh nhân đã hiện diện, cùng đồng hành với tôi trong bước đường đã qua. Cảm ơn mọi người đã cho tôi cảm được và thấy được ‘tình thân hữu’ giữa người với người, đã cho tôi thấy cuộc sống này thật mong manh…

Tôi đã trải nghiệm được những vui buồn, sướng khổ trong cuộc sống, tựa như bản nhạc có nốt lặng, nốt trắng, xen kẽ với những nốt móc kép, để tạo nên những cung bậc và trường độ khác nhau cho cuộc đời.

Thời gian không thể quay trở lại, nhưng kỉ niệm này tôi sẽ mãi khắc ghi, và sẽ là hành trang để tôi tiến bước trên con đường dâng hiến.

Cảm ơn mọi người đã cho tôi những trải nghiệm mới trong cuộc sống, trải nghiệm của ‘tình thân hữu nhân loại’, khi chúng ta đã sống với nhau như anh chị em ruột thịt trong một hoàn cảnh và một thời điểm vô cùng khắc nghiệt của đại dịch:

Tạ ơn Thiên Chúa thương ban
Tình yêu thân hữu chứa chan giữa đời…

Bích Huyền - MTG Đà Lạt (TGPSG)

[1] Thông điệp Fratelli tutti của Đức Thánh Cha Phanxico số 64-65
[2] Thông điệp Fratelli tutti của Đức Thánh Cha Phanxico số 81
[3] Thông điệp Fratelli tutti của Đức Thánh Cha Phanxico số 88 

(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 08.11.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 32 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Hai, ngày 08.11.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT, 07.11.2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lễ Thiếu nhi.

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 07.11.2021 
tại Nhà thờ Tân Phước
 

CŨNG MỘT KIẾP NGƯỜI

CŨNG MỘT KIẾP NGƯỜI

TGPSG -- “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác” (Xukhôm Inxki).

 

Trải qua hàng thiên niên kỷ, trái đất và con người phải đối diện với biết bao thảm họa bởi thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh… và gần đây nhất là đại dịch Covid-19. Cuộc sống con người dường như bị đảo lộn hoàn toàn bởi con virus vô hình ấy. Nghe tới nó ai cũng sợ. Những người đã bị nó xâm nhập vào cơ thể thì sự sống và cái chết dường như đang giành giật nhau trong từng hơi thở của họ.

Dẫu biết rằng sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tự nhiên của con người. Cái chết là điều mà ai cũng biết chắc là nó sẽ đến, nhưng khi phải đối diện với quy luật tất yếu ấy thì không ai tránh khỏi sợ hãi, bởi vì ai cũng muốn được sống và được sống thọ nữa. Do đó, khi đối diện với thời khắc khó khăn của đại dịch, nhiều người đã cảm thấy chao đảo, không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu, tương lai sẽ như thế nào? Họ nhận ra ranh giới giữa sự sống và cái chết thật quá mong manh, đời người thật quá ngắn ngủi. Tuy nhiên, cũng nhờ dịch bệnh mà nhiều người đã dần hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc đời, về cùng đích của kiếp làm người.

Đối với những người đã phân biệt được sự sống và cái chết thì bài học là thế, còn đối với những em bé sơ sinh, chưa biết cảm nhận về sự sống và cái chết thì sẽ thế nào?

Những tháng ngày được chăm sóc các bé tại khoa Sơ Sinh trong chuyến đi thiện nguyện đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn, nhiều kỷ niệm yêu thương khó phai và cả những ưu tư, thao thức về kiếp làm người.

Tôi không thể nào quên giây phút gặp mặt đầu tiên của tôi với các bé. Hồi hộp sau cánh cửa bước vào khoa, tôi bắt gặp hình ảnh của những hài nhi bé nhỏ nằm ngủ say trong nôi và được quấn gọn bởi tấm mền ấm áp. Các bé nằm ngủ say đến nỗi tôi cứ tưởng đó là những chú búp bê bất động. Chưa hết ngạc nhiên này lại đến ngay ngạc nhiên khác, khi tôi ghé qua phòng ICU, phòng chăm sóc đặc biệt dành cho các bé có bệnh lý nặng. Tim tôi đã như thắt lại khi nhìn thấy thân hình bé xíu của các bé nằm trong lồng kính và được gắn đầy các loại dây trên cơ thể. Tôi không nghe thấy gì ngoài những tiếng kêu bip, bip, bip... và những làn sóng nhấp nhô trên màn hình thiết bị.

Giây phút đầu tiên ấy đã khơi lên trong tôi tình yêu sự sống mãnh liệt và khao khát được làm điều gì đó cho các hài nhi bé nhỏ còn non yếu. Cơ hội đã đến và tôi nghĩ đây là lúc thuận tiện để tôi có thể làm điều gì đó ý nghĩa cho cuộc đời này, đặc biệt là cho các bé nơi đây.

Việc phải chứng kiến sự ra đi đột ngột của các bé mà tôi được gặp trong những ngày làm việc tại khoa nhi càng khiến lòng tôi thêm ngậm ngùi, đau xót. Vâng, làm sao không đau, không xót khi thấy cảnh một hài nhi ra đi trong lạnh lẽo, cô đơn, không người thân thích, nằm bơ vơ trong tấm vải trắng tinh sau hành lang bệnh viện, bên ngoài trời mưa như trút. Lặng lẽ bên bé, hai hàng nước mắt tôi tự động tuôn rơi lúc nào không biết. Vâng, tôi đã khóc. Tôi khóc cho một kiếp người quá ngắn ngủi của bé, tôi khóc vì thương bé phải ra đi trong cô đơn và trống vắng. Tôi dâng lên Chúa lời kinh nguyện, cầu chúc bé được an nghỉ bên Chúa và được đoàn tụ cùng các thánh hài nhi trên Trời.

Lúc này tôi chỉ muốn nghĩ tới những điều tích cực hơn để tự an ủi mình. Bởi vì, biết đâu đó lại là điều Chúa nhân lành muốn để bé được hưởng nếm hương vị hạnh phúc Thiên đàng, cho dù bé đã đi qua một cuộc đời quá ngắn ngủi.

Mỗi bé có một hoàn cảnh đáng thương khác nhau. Có bé mới sinh ra đã nhiễm cùng lúc nhiều căn bệnh: HIV và giang mai do lây truyền từ mẹ sang con; thêm vào đó, mẹ bé còn dương tính với virus Sars-Cov-2 nên bé phải nằm tại phòng cách ly và không được ở bên mẹ. Có bé thì mãi mãi không được gặp người mẹ yêu dấu của mình, không được hưởng tình yêu thương dịu dàng, nồng ấm của mẹ vì mẹ bé đã ra đi sau khi sinh.

Tại phòng “Săn sóc tiêu chuẩn 1” - phòng chăm sóc các bé sinh thiếu tháng và cũng là nơi tôi được phân công trực tiếp chăm sóc các bé - tôi ấn tượng mãi hình ảnh của bé có mẹ tên là T.H. Nhìn khuôn mặt đầy khắc khổ của bé, tôi đã phải thốt lên với chị điều dưỡng cùng phòng: “Chị ơi, lòng em đầy ưu tư khi nhìn khuôn mặt khắc khổ của bé!”. Nghe tôi nói thế, chị gật đầu rồi chị kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của bé: Mẹ bé đã mất sau khi sinh bé; gia đình bé nghèo lắm, đã nghèo rồi còn thêm thất nghiệp vì dịch Covid. Hôm trước, bệnh viện thông báo đóng tiền để mổ mắt cho bé nhưng ba bé xin khất, vì ngoài tiền mổ mắt, gia đình còn phải trả các lệ phí khác khi bé đang điều trị tại bệnh viện do sinh non. Dù đã được bảo hiểm chi trả cho khoảng 80-90% tổng số chi phí dành cho các bé sơ sinh, nhưng số tiền 20 triệu đồng gia đình bé chưa thể chi trả cho bệnh viện.

Đúng là đã nghèo lại còn mắc eo, nhìn khuôn mặt gầy gò, xanh xao của bé, tôi thấy chữ “nghèo”, chữ “khổ” như được khắc sẵn. Chẳng lẽ cuộc đời đã định mệnh sẵn tương lai cho bé rồi sao? Ẵm bé trên tay mà lòng tôi đầy thao thức, hy vọng sau này bé sẽ vượt qua số phận để thoát được hai chữ “nghèo” và “khổ” trong kiếp làm người của mình. Kiếp người là thế, dù chỉ là đứa trẻ sơ sinh còn non yếu mà đã phải trải qua những hoàn cảnh khác nhau: hạnh phúc có, đau khổ có, khỏe mạnh có, yếu đau có, sang có, hèn có…

Được tham gia trong công tác thiện nguyện, tôi tưởng mình sẽ có gì đó để cho đi, nhưng thực tế điều tôi cho đi chẳng đáng là gì so với những điều tôi nhận được. Trong đó, điều quý giá nhất tôi nhận được đó là bài học về tình yêu sự sống, về ý nghĩa của kiếp làm người.

Kiếp người thật đúng như Thánh Vịnh đã diễn tả: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103, 15-16). Lời Vịnh gia mấy ngàn năm về trước vẫn luôn thích hợp cho kiếp người mọi thời đại. Vì thế, chúng ta hãy trân quý sự sống mình đang có, trân quý từng hơi thở mình đang hưởng, đừng để khi gần kề với cái chết ta mới hối hận, vì đã không trân quý khí trời Thiên Chúa đã ban tặng cách nhưng không. Đời người mau qua, không ai biết được mình sẽ ra đi lúc nào, nên chúng ta hãy cố gắng tạo nên những giá trị ý nghĩa cho cuộc đời khi còn có thể. Những giá trị ấy không nằm trong của cải, vật chất hay danh vọng, tiền tài…, mà nằm trong từng giây phút sống có giá trị bền lâu cho cuộc đời, cho con người, như lời Thầy Giêsu đã dạy trong Tin Mừng: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không thể khoét vách lấy đi” (Mt 6,19-20).

Kho tàng trên trời sẽ ở lại với những ai chăm lo “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” ngay tại trần thế này với tình yêu và sự cho đi vô vị lợi, như lời Xukhôm Inxki đã nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”.

Tôi tạ ơn Chúa, cảm ơn Hội dòng, cảm ơn những người đã cho tôi cơ hội để có được những trải nghiệm quý giá qua chuyến đi đầy ý nghĩa này. Tôi sẽ không quên từng kỷ niệm đầy dấu ấn khó phai; không quên từng khuôn mặt ngây ngô, dễ thương của các hài nhi bé nhỏ; không quên những chị điều dưỡng, hộ sinh, những cô lao công ngày đêm vất vả trong trách nhiệm, bổn phận của mình. Tất cả đã góp phần viết nên một trang lịch sử mới trong cuộc đời tôi và đã giúp tôi thực thi sứ mạng của mình trong ơn gọi người Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh mục qua những công việc nhỏ bé trong chuyến đi thiện nguyện ý nghĩa này. Với lòng tri ân và cảm mến, tôi sẽ nhớ tất cả mọi người trong lời cầu nguyện.

A little flower, Sjp.
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 07.11.2021