Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

HỒ SƠ BỆNH NHÂN COVID

HỒ SƠ BỆNH NHÂN COVID

TGPSG -- Hồ sơ bệnh nhân online tự chế, chắc chắn là khác hẳn với những hồ sơ bệnh án của các bác sĩ.

“Dã chiến thôi mà! Không cầu kỳ! Thế nhưng lại có vẻ rất sáng tạo, rất chuyên nghiệp!” Đó là những nhận định của riêng tôi về một kế hoạch mà nhóm C20 chúng tôi đã thực hiện khi tham gia công tác tình nguyện ở bệnh viện Dã chiến Quận 7, số 1. Kế hoạch mang tên “HỒ SƠ BỆNH NHÂN”.

Sáng kiến được đưa ra bàn thảo trong một cuộc họp giữa các anh chị em Tu sĩ trong nhóm, nhằm tìm ra một phương pháp nào đó thật sự hữu hiệu để có thể tiếp cận và chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Và sau một hồi trao đổi đầy hào hứng, chúng tôi đã quyết định với cái kế hoạch có vẻ độc lạ ấy.

Nếu như ở bệnh viện, mỗi bệnh nhân đều có một hồ sơ bệnh án được sao lưu lại, để các bác sĩ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe và kê đơn, chữa bệnh cho họ, thì đối với anh chị em Tu sĩ chúng tôi, một loại hồ sơ như thế cũng thật sự rất cần thiết. Loại hồ sơ “phi giấy tờ” này được tiến hành theo 2 giai đoạn: giai đoạn “truyền khẩu” ngay tại bệnh viện, và giai đoạn “thành văn” được thực hiện cách bài bản khi về nhà.

Với kế hoạch đó, sau mỗi ca trực, chúng tôi cũng có màn giao ca như các bác sĩ vậy. Nghe thật là oách, đúng không nào? Nhóm trước có điều gì còn dang dở, chưa làm kịp được và cần phải thực hiện ngay, thì dặn dò lại với các anh chị em nhóm sau làm tiếp. Nhìn chung, giờ giao ca rất nhộn nhịp, vui lắm, và rộn rã tiếng cười; mà cũng có lúc trầm hẳn với những câu chuyện của người mới ra đi. Đặc biệt hơn cả là “hồ sơ bệnh nhân”, đã lưu lại những gì cần lưu ý kỹ cho tất cả mọi người trong nhóm biết để tiếp tục công việc của nhóm trước.

Với “hồ sơ bệnh nhân” online tự chế, chắc chắn là nó khác hẳn với những hồ sơ bệnh án của các bác sĩ. Chúng tôi gom góp tất cả những thông tin có thể thu thập được từ việc chúng tôi chăm sóc, trò chuyện với bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân được lưu thông tin vào một sheet riêng trên phần mềm trang tính online. hoàn cảnh gia đình có bao nhiêu người, công việc ra sao, có điều gì cần chia sẻ; bệnh nhân đang cần những vật dụng gì; tình hình sức khỏe thế nào… Và tất nhiên những thông tin đó hoàn toàn được bảo mật, không tiết lộ ra khỏi Nhóm C20 được. Thông thường thì trang hồ sơ của chúng tôi có khoảng trên dưới 30 sheets cho độ chừng 30 bệnh nhân, và chủ yếu là các bệnh nhân không có người thân chăm sóc.

Sau khi trực về, bỏ qua cái mệt mỏi của công việc, chúng tôi chia sẻ các thông tin cho nhau trong nhóm nhỏ của mình, rồi đại diện của nhóm nhỏ sẽ gom góp, đưa thông tin lên trang hồ sơ. Thông tin chỉ cần ghi ngắn gọn, không cần lời văn cầu kỳ trau chuốt, nhưng cần dễ hiểu, dễ nắm bắt là được. Nhớ là phải ghi chú ngày tháng và nhóm làm việc, để có gì cần truy xuất thông tin cụ thể sẽ dễ dàng hơn. Đôi khi, cũng vì sợ quên những gì mà mình đã thu thập được, nên có khi chúng tôi phải chịu khó thức đến khuya để cập nhật thông tin liền, chứ không dám để đến sáng mai. Tuy vất vả thêm một chút, nhưng chúng tôi lại cảm thấy rất hứng thú với công việc này, bởi nó thật sự hữu ích cho chúng tôi và cả cho bệnh nhân.

Chỉ đơn giản thôi: “Hôm nay chị C. cảm thấy khó thở, mệt hơn nhiều, và cần cho chị uống nước nhiều hơn. Trong phiên trực cần để ý mask oxy của chị hay bị rơi ra khi ngủ quên. Nhóm 1, ngày 20/9.”. “Cô T. phòng 3 đã được chuyển lên phòng 1, thở máy nặng, nên khi cho cô ăn, cần có 2 người giúp. Nhóm 3, ngày 1/10”. “Bà H. ở phòng Hội trường muốn được cắt tóc và gội đầu trước khi bác sĩ cho xuất viện. Nhóm 1, ngày 2/10”. “Chú M. có vẻ mệt vì đường lên. Không nên để chú ăn một lần nhiều cơm quá và cần hỗ trợ thêm cho chú ít sữa dành cho người tiểu đường. Chú muốn được có người nhà vào chăm, ai có khả năng thì xin hỏi bác sĩ giúp chú. Nhóm 2, ngày 5/10”. “Cô Y. hôm nay đã khỏe hơn nhiều, cô hay đói bụng, nên để ý cho cô ăn dặm thêm cháo và uống sữa nhiều lần hơn. Tuy nhiên, chỉ cho ăn từ từ, nếu không thì cô sẽ bị sặc và ho. Nhóm 3, ngày 10/10.” … Vâng, hồ sơ bệnh nhân của chúng tôi đa dạng và phong phú thông tin hữu ích vậy đó.

Nhờ những thông tin chia sẻ cho nhau trên bảng thông tin chung như thế, chúng tôi không cần phải hỏi đi hỏi lại một bệnh nhân nào đó về cùng một câu hỏi, và bệnh nhân cũng không phải mệt mỏi khi đưa ra một câu trả lời cho người này đến người khác, mà chẳng đi đến đâu. Và cũng nhờ đó, những niềm vui, nỗi buồn của từng bệnh nhân đều được chia sẻ một cách thật tự nhiên mà không bị “hớ”. Hoặc những nhu cầu tinh thần cũng như vật chất của bệnh nhân đều được đáp ứng tùy theo khả năng riêng của mỗi người trong nhóm.

Thế đó, chỉ một sáng kiến hồ sơ bệnh nhân đơn giản thôi, nhưng nó lại mang rất nhiều ý nghĩa thiết thực. Nó không chỉ giúp cho công việc chăm sóc, tiếp cận bệnh nhân của chúng tôi được trở nên dễ dàng, nhưng nó còn là một dấu chỉ thể hiện những gì chúng tôi đã và đang làm không chỉ đơn thuần là một công việc tình nguyện tay chân, mà xuất phát từ một tấm lòng yêu thương chân thật, luôn ưu tư, mong muốn tất cả những gì tốt đẹp nhất cho bệnh nhân. Hơn nữa, hồ sơ bệnh nhân này còn là một trong những dấu chỉ cho thấy sự nối kết vô cùng bền chặt của mỗi thành viên trong nhóm C20 chúng tôi, và có lẽ cũng là điểm nổi bật mà chưa nhóm nào có.

Thánh Augustinô nói: “Cứ yêu đi, rồi sẽ làm được tất cả.” Vâng, tình yêu luôn có sáng kiến và tình yêu làm được tất cả. Tôi yêu C20, và tôi yêu cái “Hồ sơ bệnh nhân” làm sao!

Nt AMDG, Hội Dòng MTG Huế (TGPSG)
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 22.11.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 22.11.2021

 

VẪN MÃI CHƯA AN

 

VẪN MÃI CHƯA AN


Xuôi tay nhắm mắt ra đi
Lắm điều khắc khoải những gì chưa an
Ở nơi dương thế cơ hàn
Phù vân của cải phá tan thân tình


Thực tế một đời người…

Thế là tôi đã nằm ở đây hơn một năm rồi đấy! 'Nhà' của tôi được xây bằng đá hoa cương rất đẹp và ở gần nhà bạn đời của tôi. 'Ngôi nhà' được tọa lạc trên chỗ đất bằng phẳng, ngay gần đường đi. Những ngày đầu ở 'nhà mới' này, những đứa con của tôi thay nhau ra thay hoa, thắp cho chúng tôi những nén nhang, ngọn nến để căn nhà bớt hiu quạnh, lạnh lẽo.

Thế nhưng, trải qua năm tháng, những lần các con ra thăm 'nhà' của chúng tôi thưa dần, thưa dần. Các con của tôi chắc đang bận rộn với những công việc của chúng. Nhớ ngày nào, cứ mỗi Chủ nhật là người ta đặt hoa trước 'cửa nhà', rồi từng chậu cảnh được thay liên tục. Ngày Tết đến, 'căn nhà' của tôi trở nên chật chội vì hoa được xếp chung quanh, khiến tôi muốn ngộp thở vì hoa.

Rồi ngày lễ các Thánh cận kề, tôi thấy người người, nhà nhà nườm nượp lấy chổi quét lại 'ngôi nhà' của người thân, sau đó chà rửa khiến 'ngôi nhà' của họ sạch bóng. Tôi rảo mắt nhìn quanh, thấy 'nhà' của cha mẹ và 'nhà' của chồng tôi phủ dầy bụi bặm, cây cảnh đã chết khô tự lúc nào vì thiếu nước. Nhìn lại 'ngôi nhà' của mình, tôi cũng chẳng thấy gì khá hơn. Những cây nhang cháy dở vì bị cơn mưa rào làm ướt, những bông hoa khô đét đã chuyển màu, cỏ mọc um tùm…

Thoái thác bổn phận…

Tôi nghe thấy đứa con gái gọi điện thoại về hỏi anh Bảy của nó là đã đi lau chùi 'nhà' và mua hoa trang hoàng 'nhà cửa' cho cha mẹ chưa? Nhưng thằng anh nó nói rằng bận đi làm, chắc là đã có người đi làm việc đó rồi. Con gái lại nhắn tin cho đứa em út là đã mua hoa xuống 'nhà' cha mẹ chưa? Thì đến tối nó mới nhận được tin nhắn: “Mấy ngày nay em bận, không xuống được”. Đứa con gái của tôi buồn rầu, chảy nước mắt. Anh cả đâu, sao không thấy? Các anh chị khác nữa đâu? Nhà có tám người con, khi chia đất, ai cũng muốn phần hơn nhưng sao bây giờ không ai lo cho cha mẹ đã khuất? Nó bất lực vì nó ở xa, phương tiện giao thông chưa thông thương, dịch bệnh vẫn đang bùng phát nên không thể về được…

Có phải là hiếu đễ?

Nhớ ngày nào khi tôi còn sống, các con của tôi chia phiên nhau hàng tuần đến thăm tôi và cho tôi chút tiền uống thuốc. Chắc có lẽ tôi đau ốm liên miên, nên thằng con cả đã gợi ý bán đất để lấy tiền uống thuốc, không phải phiền đến đứa con nào. Nó lại muốn chia đất nhà ở cho cháu đích tôn. Tôi không đồng ý nên nó đã giận dỗi và cả tháng không vào thăm tôi, cũng không mua bánh trái gì cho tôi. Rồi những ngày tôi nằm bất động trong bệnh viện, không ngày nào mà nó không có mặt. Tôi nghĩ chắc nó đã hiểu chuyện nên không còn giận tôi…

Một ngày không xa sau đó, Chúa cất nhắc hết những đau đớn phần xác của tôi, cho tôi được trở về lòng đất mẹ, đi trình diện trước Tôn Nhan Chúa. Các con của tôi đã khóc ngất. Nhìn chúng vật vã nơi quan tài, tôi cũng cảm thấy xót xa. Chúng bàn tính mua cho tôi một miếng đất đẹp, ngay gần bên nhà bạn đời của tôi cho chúng tiện chăm sóc 'nhà cửa' của chúng tôi. Chúng tổ chức tang lễ thật hoành tráng như đền đáp công ơn của tôi.

Tình anh em sứt mẻ

Thế rồi, chỉ vài ngày sau đó, tình anh em của các con tôi đã bị sứt mẻ chỉ vì chuyện đất đai, nhà cửa. Ước nguyện của tôi là để dành căn nhà cho đứa con không lập gia đình, khi có dịp đi xa trở về, có nơi trú ngụ, nhưng thằng cả không đồng ý ký vào văn bản. Rồi anh em mặt nặng mày nhẹ với nhau. Chẳng lẽ tình máu mủ ruột thịt chỉ dựa vào mấy tấc đất? Dẫu biết rằng tiền bạc là cần thiết, nhưng nó cũng chỉ là phương tiện chứ tiền bạc không là cùng đích tối hậu. Dù có tiền dư bạc thừa thì khi nằm xuống lòng đất, ta cũng chẳng thể đem được gì, ngoài ba tất đất.

Nỗi lòng người đã khuất

Các con à! Ta không cần những bông hoa, những nén nhang hoặc một ngôi nhà đắt tiền ngoài nghĩa trang. Đừng tranh cãi vấn đề: ai là người dọn dẹp 'nhà cửa', mua hoa mỗi khi dịp lễ tết, hoặc những dịp giỗ chạp của ta; ai là người xin lễ, ai là người tổ chức các ngày giỗ của ta... Không có các con lau chùi 'nhà cửa' thì cũng chẳng sao cả vì đó chỉ là một 'ngôi nhà' tạm bợ ở trần gian thôi, vì quê hương đích thực của ta ở trên Trời - nơi ấy không có sự ganh ghét, thù hận nhưng luôn đong đầy sự sẻ chia, và nơi ấy có Đấng Tối Cao hằng ở với ta, thế là đủ.

Mong rằng từ nay các con đừng vì đồng tiền, đừng vì vài ba mét đất mà tình anh em không còn. Không có ta và người bạn đời của ta bên cạnh, thì các con phải nương tựa vào nhau mà sống và luôn yêu thương nhau nhé!

Bích Huyền- MTG Đà Lạt (TGPSG
(WGPSG) 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CỬ HÀNH THÁNH LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ, 21/11/2021


Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 34 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Hai, ngày 22.11.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT, 21.11.2021


CHUNG MỘT TẤM LÒNG THỜI COVID

CHUNG MỘT TẤM LÒNG THỜI COVID

TGPSG -- Đại dịch xảy ra để lại bao mất mát, bao đau xót và để lại nhiều đau thương đến thế nhưng tôi thấy tình người vẫn thắt chặt, vẫn chung một tấm lòng đùm bọc nhau.

“Tít... tít... tít..., kính koong, kính koong...; boong… boong...”

Tiếng chuông thức tỉnh con người hướng về nhau, hướng về tình đồng loại, hướng về người quá cố trong đại dịch Covid-19.

Đúng 20g30, đồng hồ báo thức của tôi hòa cùng với các tiếng chuông nhà thờ và tiếng chuông chùa. Những tiếng chuông gióng lên, âm vang trong một bầu không khí rất thánh thiêng, huyền nhiệm.

Một buổi tối tràn đầy câu kinh nguyện cầu cho các nạn nhân đã mất vì Covid: “Lạy Cha Hằng Hữu con xin dâng lên Cha...; Kính mừng Maria đầy ơn phúc..., Nam Mô A Di Đà Phật...”

Lời kinh vang lên, hòa quyện vào nhau để cầu nguyện cho hết thảy mọi người, không loại trừ ai, không phân biệt tôn giáo. Câu kinh dâng lên với ước mong cho người đã ra đi vì đại dịch sớm được hưởng Thánh nhan, được hạnh phúc trên quê trời, hoặc vong linh siêu thoát, sớm về cõi cực lạc...

Tất cả, tất cả những người đã mất được an ủi, được tưởng nhớ, được nhắc đến, được nguyện cầu... Tôi thiết nghĩ đây phải chăng chính là thời đại nối kết tình thân, thời đại kết liên tôn với nhau. Giây phút tuy ngắn ngủi nhưng mang đậm tình người: giây phút hướng về nhau để xích lại gần nhau, giây phút biết ơn nhau và có thể nói dù “xa mặt nhưng không cách lòng”.

Để bày tỏ cảm xúc của mình, tôi xin mượn lời của Soeur Nguyễn Vui nói lại tâm tình của Đại đức Thích Nguyên An trong buổi lễ ‘Đón và tri ân các tình nguyện viên Tôn giáo’ tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương: “Chưa bao giờ chúng con thấy Phật Giáo và Công Giáo gần nhau đến như thế”. Đại dịch xảy ra để lại bao mất mát, bao đau xót và để lại nhiều đau thương đến thế; nhưng tôi thấy tình người vẫn thắt chặt, vẫn chung một tấm lòng đùm bọc nhau và vẫn vì nhau. Vâng, có thể nói chính tình thương trong thời covid đã tạo nên môi trường sống thân thiện, chan hòa yêu thương và đầy tình người.

Tôi ước mong tình người vẫn còn mãi. Tôi ước mong tình nhân ái vẫn được đong đầy và trao ban cho nhau qua những bàn tay, những đôi chân và nhất là qua những câu kinh được nối dài mãi mãi để nhớ đến nhau hoài hoài.

Nt Têrêsa Maria Nguyễn Thành, CMR (TGPSG)
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. Lễ trọng. Lễ Thiếu nhi.

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 21.11.2021
tại Nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 21.11.2021