Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: ĐÓN 5 TU SĨ VÀ ĐƯA 35 TU SĨ LÊN ĐƯỜNG PHỤC VỤ TẠI BỆNH VIỆN ĐIỀU TRỊ COVID 16 VÀ QUẬN TÂN BÌNH

ĐÓN 5 TU SĨ VÀ ĐƯA 35 TU SĨ 
LÊN ĐƯỜNG PHỤC VỤ TẠI BỆNH VIỆN 
ĐIỀU TRỊ COVID 16 VÀ QUẬN TÂN BÌNH

TGPSG -- Vào ngày 29-11-2021, Văn phòng tu sĩ Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã gửi thư mời gọi các linh mục tu sĩ - trong các Hội Dòng, Tu Hội, Tu đoàn, Hiệp Hội - dấn thân vào sứ vụ bác ái yêu thương, qua việc phục vụ các bệnh nhân tại các bệnh viện điều trị Covid.

Lời mời gọi lần này nhằm đáp ứng nhu cầu của một số bệnh viện cần các tu sĩ giúp các bệnh nhân về chăm sóc và tâm lý. Ban lãnh đạo các bệnh viện sẽ trao đổi trực tiếp với Văn phòng Tu sĩ TGP Sài Gòn về thời gian và việc làm tại các bệnh viện, và việc phục vụ sẽ được thực hiện cách uyển chuyển, tùy theo nhu cầu, thỏa thuận giữa bệnh viện với các tu sĩ thiện nguyện. Văn phòng Tu sĩ giáo phận sẽ nỗ lực hết sức để giúp cho việc phục vụ được tiến hành tốt đẹp.

Đáp ứng lời mời gọi này, vào ngày 3 và ngày 6-12-2021, 36 tu sĩ tình nguyện viên đã và sẽ lên đường đến 2 bệnh viện:

Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ đến điểm tập trung
tiễn nhóm tu sĩ đi phục vụ tại
Bệnh viện Dã chiến số 16

- Phục vụ tại Bệnh viện điều trị Covid 16: có 19 nữ tu, gồm 10 nữ tu Dòng Đaminh Gò Vấp và 9 nữ tu Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn.

- Phục vụ tại Bệnh viện Điều trị Covid Quận Tân Bình: có 16 tu sĩ, gồm 8 nữ tu thuộc Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn, 1 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa, 3 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum, 3 thầy Thánh Tâm Betharram, và 1 phó tế dòng Thừa Sai Thánh Tâm.

Sáng ngày 3-12-2021, đại diện tòa Giám mục, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ đã:

- Đến điểm tập trung để tiễn nhóm tu sĩ đi phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 16, đồng thời đón 5 tu sĩ hoàn thành 2 tháng phục vụ thiện nguyện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19;

- Đến thăm Bệnh viện Dã chiến Điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình, điện thoại hỏi thăm đại diện nhóm tu sĩ đang làm thủ tục hành chánh để xét nghiệm COVID và tập huấn y tế.

Nữ tu Công Giáo và tu sĩ Phật Giáo lưu luyến
chia tay tại Khách sạn Minh Tâm sau 2 tháng
phục vụ Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid 19
tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu quận 9

Linh mục Giuse chia sẻ:

"Nhìn anh chị em tu sĩ Phật giáo và Công giáo bịn rịn chia tay nhau sau thời gian phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức, tôi rất vui và hạnh phúc. Tình yêu của những thiện nguyện viên phục vụ nơi lằn ranh sinh tử đã cuốn hút họ dấn thân vượt qua rào cản của khác biệt tôn giáo để “trở nên” một phần khổ đau của những người bệnh, gánh vác một phần gian khó và đau bệnh của thành phố này trong tháng ngày vừa qua."

19 nữ tu đã đến phục vụ
tại Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 16

Khi tiễn những tu sĩ lên xe, bắt đầu hành trình phục vụ thiện nguyện, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ đã nhắc lại lời 'hiệu triệu' của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng: "Đây là việc tốt, cần làm, và nên làm để chia sẻ với những ai đang rất cần." Vì thế, Lm. Giuse đã 'năn nỉ' các nữ tu "nếu có thể ở lại lâu hơn để hiện diện và phục vụ thì đừng ngần ngại, nếu còn người cần thì chúng ta đừng chần chừ, cố gắng hết lòng nhé!"

Các TNV được lấy mẫu dịch tỵ hầu để xét nghiệm Sars-Cov-2 bằng phương pháp RT-PCR. Khi có kết quả âm tính, các TNV mới vào làm việc. 
 
 
Sơn Nữ SPC - Ảnh: TNV (TGPSG)
 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Bảy, ngày 04.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Ý NGHĨA MÙA VỌNG TRONG ĐẠI DỊCH

Ý NGHĨA MÙA VỌNG TRONG ĐẠI DỊCH

Trong suốt Mùa Vọng, dường như tinh thần hân hoan chờ đợi của thánh Gioan Tiền Hô đang mời gọi chúng ta trước biến cố Chúa Giáng Sinh hơn bao giờ hết. Thách đố của thời buổi này là các hàng quán trưng bày đủ loại mặt hàng giáng sinh, và nó khiến mùa Giáng sinh nghiêng về chiều kích kinh tế hơn là những giá trị Tin Mừng. Nhưng năm nay thật khác. Đại dịch Covid-19, đặc biệt là việc giãn cách và tuân thủ 5K, đang khiến chúng ta phải cân nhắc và nhận ra những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống của mình. Đối với rất nhiều người, đó là sự trân trọng và khao khát được nối kết với nhau.

Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành thông điệp Laudato Si’, trong đó đặc biệt tập trung vào các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Bức thông điệp đặt ra những câu hỏi cần thiết và đề nghị các giải pháp tiềm năng cho các vấn đề toàn cầu, cũng giống như các cuộc bàn luận xoay quanh tương lai của một trái đất đang nóng lên từng ngày.

Năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành thông điệp Fratelli Tutti, một thông điệp tập trung vào tầm quan trọng của tình huynh đệ và bằng hữu của con người. Với khả năng bị xa cách và chia ly bắt nguồn từ đại dịch, thông điệp này một lần nữa mời gọi chúng ta đi vào tương quan nhiệm màu ấy.

Đức Phanxicô bày tỏ mong muốn của mình đối với sự kết nối mới của gia đình nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch hiện nay. Ngài mời gọi chúng ta “…hãy ước mơ như một nhân loại duy nhất, như những người du hành cùng chia sẻ một thân xác con người, như những đứa con của cùng một đất mẹ, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người với sự phong phú của niềm tin và những xác tín của mình, mỗi người với cung giọng riêng của mình, tất cả đều là anh em.” (số 8 Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội)

Tình liên đới ấy đã thể hiện rất rõ nét trong thời gian đại dịch vừa qua. Khi Sài Gòn gặp nạn, cả nước rộng tay giúp đỡ, cứu trợ. Khi Sài gòn lâm nguy, các linh mục, tu sĩ đã tình nguyện xung phong ra tuyến đầu chống dịch… Đối diện với đại dịch, dường như Thiên Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta chung tay vào lợi ích chung và quan tâm đặc biệt đến những người ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn khủng hoảng này. Có lẽ trong những khó khăn, đặc biệt trước sự ra đi của bao cuộc đời, chúng ta được nhắc nhớ về sự thánh thiêng của mỗi con người của từng nhân vị.

Đối với Đức Phanxicô, một trong những niềm vui lớn của cuộc sống là đối thoại: cơ hội trò chuyện với những người thân yêu cũng như những kẻ xa lạ. Cơ hội khám phá, thấu hiểu và trân quý các quan điểm khác nhau sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta và mang đến cơ hội phát triển và giúp đỡ tha nhân. Dưới ánh sáng này, Đức Thánh Cha đang mời gọi chúng ta suy ngẫm về nhu cầu cơ bản nhất của con người: nối kết.

Thiên Chúa đã nhận ra tầm quan trọng của sự kết nối giữa con người với nhau đến nỗi Người đã bước vào thế giới với tư cách là một người trong số chúng ta. Từ khi sinh ra cho đến lúc phục sinh, mọi người đã được thu hút bởi quyền uy, tình yêu và ân sủng của Người nơi Đức Giêsu. Cho dù đó là cuộc hành trình của Ba Vua tới Bê-lem, tiệc cưới tại Cana, hay đám đông ở Ga-li-lê nghe Bài giảng trên núi, sứ mạng trần thế Chúa Giêsu luôn gia tăng nhờ kinh nghiệm được chia sẻ của những ai quy tụ quanh Người. Với cùng một thần khí, ta tiếp tục quy tụ vào mỗi dịp Giáng sinh để đợi chờ và kỷ niệm sự ra đời của Đấng Cứu Độ.

Mặc dù nhiều người trong chúng ta đang trải qua những cơn đau nặng nề, những cuộc giãn cách với người thân và cộng đoàn họ đạo, chúng ta vẫn được mời gọi giữ vững niềm an ủi đợi chờ Chúa đến dù chúng ta đang ở bất cứ nơi nào.

Dù chúng ta đang tham dự Thánh Lễ trong nhà thờ hay trực tuyến qua màn hình, Mùa Vọng vẫn là một thời khắc độc nhất của việc cử hành mang tính toàn cầu và sự chờ đợi sâu xa. Thời gian đại dịch này buộc chúng ta phải ngẫm suy về những khía cạnh cao quý giá nhất của cuộc đời và các mối tương quan trong cuộc sống. Chúng ta hãy biến dịp đặc biệt này thành cơ hội để nhắc nhở bản thân về chân lý đức tin cơ bản này: Đức Giêsu đã bước vào thế giới của chúng ta để Người chiến thắng sự chết.

Mùa Vọng này, chúng ta cùng nài xin Chúa giúp chúng ta nhận ra mối liên kết thiêng liêng sâu xa và tình huynh đệ mà chúng ta đang chia sẻ với anh chị em trên khắp thế giới, đặc biệt là người nghèo, người già và các bệnh nhân Covid.

Lạy Chúa, chẳng có chi chắc chắn đối với chúng con bây giờ cả ngoại trừ tình yêu của Người dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết trân quý món quà đặc biệt được ban tặng cho nhân loại và cho từng người chúng con trong ngày Giáng sinh. Xin Chúa hãy đến và ở cùng chúng con. Amen

Lyeur Nguyễn theo devp.org
Nguồn: dongten.net (28.11.2021)
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 03.12.2021


Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 02.12.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA VỌNG 2021. THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, LINH MỤC. Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Sáu, ngày 03.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

6 LÝ DO ĐỂ BẮT ĐẦU MÙA VỌNG BẰNG VIỆC XƯNG TỘI CHO NÊN

Hình một cha giải tội

6 LÝ DO ĐỂ BẮT ĐẦU MÙA VỌNG 
BẰNG VIỆC XƯNG TỘI CHO NÊN

Tác giả: Lm. Patrick Briscoe, OP

WHĐ (02.12.2021) - Thực sự không có lý do gì để không bắt đầu Mùa Vọng bằng việc xưng tội cho nên!

1. NĂM MỚI, KHỞI ĐẦU MỚI

Mùa Vọng mở ra năm phụng vụ của Giáo hội. Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng khởi động một chu kỳ, khởi đầu một năm mới. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết, “Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, Giáo hội bắt đầu Năm Phụng vụ mới, một hành trình đức tin mới, một mặt để kỷ niệm biến cố Giáng sinh của Đức Giêsu Kitô, mặt khác, mở ra cho sự hoàn tất viên mãn của Người.”

Mỗi lần xưng tội đều là một khởi đầu tươi mới, và là một khởi điểm mới. Như tiên tri Isaiah đã nói, "Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết."

Khi xưng tội, Đức Kitô xóa sạch tội lỗi của chúng ta, mở ra cánh cửa cho chúng ta bước vào cuộc sống mới với Ngài.

2. DỌN MÌNH

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Để dọn mình đón Chúa ngự đến, trước hết và trên hết cần có thái độ cầu nguyện tin tưởng mãnh liệt. Dành chỗ cho Thiên Chúa trong tâm hồn, đòi hỏi chúng ta một sự cam kết nghiêm túc để được biến đổi nhờ tình yêu Chúa. "

Bí tích thống hối là một lời cầu nguyện thật cao cả, và là một lời cầu nguyện đầy uy quyền giúp xua đuổi tội lỗi. Chỉ khi loại bỏ bóng tối của sự dữ, chúng ta mới có thể dâng trọn tâm hồn mình cho ánh sáng và tình yêu của Đức Kitô.

3. SUY NGẪM VỀ NGÀY SAU HẾT

Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Trong Mùa Vọng, chúng ta không chỉ sống trong sự chờ đợi Lễ Giáng Sinh; mà chúng ta còn được mời gọi để khơi dậy niềm trông đợi về ngày trở lại vinh quang của Chúa Kitô, khi Người tái lâm vào ngày sau hết, và dọn mình sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ cuối cùng với Người bằng những chọn lựa dứt khoát và can đảm. Chúng ta mong chờ lễ Giáng sinh, chúng ta trông đợi ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Kitô, và cả cuộc gặp gỡ cá nhân của mỗi người: ngày mà Chúa sẽ gọi chúng ta về với Người. ”

Đối với các Kitô hữu, nghĩ về ngày Chúa Giê-su “ngự đến” có một ý nghĩa kép, một viễn cảnh kép. Chúng ta nhớ về biến cố Đức Kitô đến lần thứ nhất tại Bêlem. Đồng thời, chúng ta cũng nghĩ đến ngày Người “sẽ trở lại trong vinh quang” như trong Kinh Tin Kính mà chúng ta vẫn tuyên xưng.

Xưng tội giúp chúng ta sẵn sàng để gặp gỡ Đức Kitô, Đấng sẽ trở lại với tư cách là thẩm phán của chúng ta. Liệu chúng ta có sẵn sàng đứng trước mặt Chúa Giê-su và kể lại cuộc đời mình không?

4. SÁM HỐI

Đối với nhiều người Công giáo, xưng tội là một thực hành thống hối thuần khiết. Ở nhiều nơi, thật khó để tìm được những cha giải tội. Xưng tội đòi hỏi một sự tự vấn lương tâm , một cái nhìn trung thực vào những góc tối của tâm hồn. Cha giải tội có thể không đưa ra những lời khuyên hữu ích, hoặc tệ hơn, ngài có thể hời hợt hoặc bỏ qua.

Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Thiên Chúa vẫn hoạt động qua Bí tích này. Trong Mùa Vọng, tất cả những khía cạnh của việc xưng tội đều có thể được dâng lên Thiên Chúa như một hành động tỏ lòng sám hối. Điều này phù hợp với đặc tính của Mùa Vọng!

5. HÀNH TRÌNH ĐẾN BÊLEM

Làm cách nào để chúng ta cùng Chúa Giêsu và Mẹ Maria một lần nữa tới gần máng cỏ? Cách quan trọng nhất là noi theo sự kết hiệp mật thiết của các ngài với Thiên Chúa Cha.

Khi xưng tội, Thiên Chúa kéo chúng ta lại thật gần Ngài, tuôn đổ trào tràn tình yêu thương xót của Người trên từng người chúng ta. Khi xưng thú tội lỗi, chúng ta được đến gần Chúa, thậm chí có thể nói, như thể chúng ta đang đứng giữa Thánh Gia tại Bêlem!

6. ĐỪNG CHỜ ĐỢI!

Xưng tội vào những phút cuối của Mùa Vọng cũng khó nhọc như việc mua sắm vào cuối dịp Giáng sinh. Lý do tốt nhất để bắt đầu Mùa Vọng bằng việc xưng tội là bạn sẽ không phải tranh dành trong thời khắc hối hả điên cuồng trước Giáng sinh !!! Bạn cũng có thể tránh những hàng dài chờ xưng tội bằng cách dành thời gian để xưng tội ngay hôm nay!

Ngọc Tỷ chuyển ngữ từ aleteia.org (28.11.2021)
(WHĐ)

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 25.11.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 02.12.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

LINH MỤC: RA ĐI VÀ PHỤC VỤ

LINH MỤC: RA ĐI VÀ PHỤC VỤ

TGPSG -- Linh mục bước đi trong chương trình và kế hoạch của Chúa nên các ngài luôn tín thác vào Thiên Chúa. Chúa muốn các ngài ở đâu, thì các ngài làm việc tận tình, sinh hoa trái ở nơi đó.

Trong những ngày vừa qua, tại Tổng Giáo phận Sài Gòn nhiều giáo xứ có thánh lễ tạ ơn và nghi thức nhậm chức linh mục (Lm) chánh xứ.

Năm nay, vì đại dịch, các linh mục được thuyên chuyển và bổ nhiệm vào cuối tháng 10, trễ hơn so với những năm trước. Nhưng cũng thật ý nghĩa tốt đẹp khi các ngài về giáo xứ cũng là những ngày khởi đầu của năm Phụng Vụ mới, bắt đầu Mùa Vọng.

Có thể thấy việc chuyển giao giáo xứ diễn ra nhẹ nhàng, các lễ nhậm chức chỉ trong một cộng đoàn tham dự không đông người không kèn trống, không có đoàn xe đón rước, cũng không có những đoàn rước linh mục đồng tế thật dài ở đầu lễ.

Linh mục - được sai đi

Trong bối cảnh của dịch bệnh bùng phát nguy hiểm, những sinh hoạt Giáo Hội cần phải thích ứng, vẫn phải hoạt động chứ không phải ngồi chờ đợi, những sinh hoạt giáo xứ hiện nay là sống chung an toàn với Covid. Tuy nhiên, các lễ nhậm chức vẫn đầy đủ nghi thức, cộng đoàn dân Chúa còn được tham dự sốt sắng các nghi thức diễn nghĩa, nhờ đó giáo dân có dịp hiểu hơn vai trò và căn tính của Lm chánh xứ trong cộng đoàn giáo xứ.

Trong thánh lễ tạ ơn kết thúc sứ vụ của Lm Giuse Đinh Văn Thọ, nguyên chánh xứ Tân Trang, Lm Giuse Phạm Bá Lãm, Hạt Trưởng hạt Phú Thọ đã chia sẻ: “Ở giáo xứ này, ngài đang có dự định xây dựng ngôi nhà thờ mới, đúng 10 năm cha con gắn bó, luôn đong đầy tình nghĩa. Ngài đã vâng lời Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đi nhận nhiệm sở ở giáo xứ mới. Dù công việc như còn dở dang, nhưng đối với ngài, phụng sự Chúa là hạnh phúc của đời dâng hiến. Ngài đã theo tâm niệm của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chọn Chúa, chứ không phải chọn việc của Chúa,”.

Thật vậy, “không tìm, không chối và không giữ” những lời của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trong thánh lễ sai đi luôn bên cạnh thôi thúc, nhắc nhở người linh mục.

Linh mục bước đi trong chương trình và kế hoạch của Chúa nên các ngài luôn tín thác vào Thiên Chúa. Chúa muốn các ngài ở đâu, thì các ngài làm việc tận tình, sinh hoa trái ở nơi đó. Nhiệm vụ của người quản lý là như thế, Chúa mới là ông chủ. Giáo Hội của Chúa Kitô không ngừng được Chúa Thánh Thần làm cho mới mẻ qua sự cộng tác của các vị mục tử.

Các bổ nhiệm thư đã nêu rõ: các linh mục được bổ nhiệm vì nhu cầu dân Chúa ở giáo xứ đó và vì lợi ích của Giáo Hội. Môi trường mục vụ mới có thể sẽ khó khăn, có nhiều thách đố hơn. Các tân chính xứ phải làm quen với những con người mới, bắt đầu lại tất cả…

Ra đi là đặc tính của người tông đồ Chúa trong mọi thời đại, cụ thể qua hình ảnh của vị linh mục chánh xứ. Có khi cha sở ở một giáo xứ đến mấy chục năm, cha con quen cách làm việc, hiểu ý nhau, được giáo dân thương mến. Khi nhận bài sai, các ngài đã vâng phục ra đi để lại những dự tính kế hoạch của mình.

Chắc chắn, vị linh mục về một giáo xứ sẽ mang đến một bầu khí mới. Những sinh hoạt mục vụ giáo xứ sẽ mang sắc thái mới vì Chúa ban cho mỗi con người khả năng, nhận thức, sự quan tâm… khác nhau.

Linh mục - trái tim người cha

Cơn đại dịch Covid 19 đã gây ra rất nhiều hoàn cảnh đáng thương: nhiều gia đình chật vật, túng thiếu, đau khổ vì mất mát người thân, nhiều người thất nghiệp, đau bệnh... Vì thế, trong thánh lễ sai đi ngày 28.10.2021, Đức TGM Giuse Nguyễn năng đã mong muốn: “Ước gì dân Chúa gặp thấy được các ngài như là một người cha giàu lòng thương xót. Linh mục thì nhiều nhưng những người cha đích thực thì ít. Không ai khiếu nại các cha vì các cha không xây nhà thờ nhưng thiếu tình cha thì dân Chúa không chấp nhận được…”

Ở đâu cũng là Giáo Hội của Chúa mà các linh mục được mời gọi phục vụ. Quan trọng nhất, là các ngài yêu thương đồng hành với con cái, chia vui sẻ buồn với đoàn chiên. Dân Chúa sẽ thấy được hình ảnh Đức Kitô Mục Tử nhân lành đích thực khi các linh mục sống với trái tim người cha qua cách cư xử và mục vụ. Như thế, linh mục chánh xứ được mọi người yêu mến cộng tác, để cùng nhau xây dựng giáo xứ là cộng đoàn sống đức tin, cộng đoàn phụng thờ Thiên Chúa và là cộng đoàn không ngừng ra đi loan báo Tin Mừng.

Lạy Chúa, xin đốt lên trong tâm hồn các linh mục lòng nhiệt thành phục vụ, tận tụy hy sinh vì đàn chiên theo gương Vị Mục Tử nhân lành. Xin Chúa ban cho các ngài một tình yêu quảng đại, biết sử dụng quyền bính Chúa trao để hướng dẫn dân Chúa với lòng nhẫn nại, bao dung. Xin Chúa luôn nâng đỡ khi các linh mục gặp những khó khăn thử thách, để các ngài luôn bền đỗ trong ơn gọi phục vụ của mình, và thực sự trở thành những người mang sức mạnh tinh thần cho cộng đoàn mà Chúa trao phó.

Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 1 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 02.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 01.12.2021


NHẬN BIẾT CHÚA GIÊ-SU NGANG QUA NĂM PHỤNG VỤ


NHẬN BIẾT CHÚA GIÊ-SU NGANG QUA NĂM PHỤNG VỤ

Tác giả: Lm. Ed Broom, OMV

WHĐ (02.12.2021) – Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta đang sống. Người mời gọi chúng ta, đụng chạm đến chúng ta và đi vào trong chúng ta ngang qua Thân Mình Mầu Nhiệm của Người là Hội Thánh! Nói theo nghĩa đầy đủ nhất, đó là: Đức Giê-su đang sống trong chúng ta nhờ Thánh Thể.

Mọi hành động của Hội thánh và các chi thể của Thân Mình Mầu Nhiệm Đức Ki-tô đều quy tụ về nguồn mạch và chóp đỉnh của Hội thánh trong Hy tế Thánh Lễ.

Trước khi về Trời, Chúa Giê-su hứa sẽ ở cùng chúng ta bằng những lời này: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 19-20)

Nếu đúng là Chúa Giê-su đã lên Trời và hứa sẽ luôn ở cùng chúng ta cho đến tận thế, thì Người ở đâu vậy? Câu trả lời là: Người ở cùng chúng ta nơi Thân Mình Mầu Nhiệm của Người, là Hội thánh.

Cách cụ thể, Chúa Giê-su hiện diện thực sự trong Thánh Lễ, nơi Thánh Thể, và trong Đời sống Bí tích. Đời sống Bí tích này của Chúa Giê-su trải rộng ra vào mỗi Năm của Hội thánh, Năm Phụng Vụ, và trong Chu Kỳ Phụng Vụ. Chúa Giê-su đến với chúng ta qua Lời và Bí tích.

Nói ngắn gọn và súc tích, chúng ta hãy lữ hành ngang qua Năm Phụng Vụ của Hội thánh để biết sự hiện diện của Chúa Giê-su. Nếu bạn có thể ghi nhớ những khoảnh khắc Phụng Vụ đáng nhớ về Cuộc đời của Đức Ki-tô, thì bạn sẽ luôn có thể định vị được bản thân mình ở nơi chốn, thời gian, và điều gì Chúa Giê-su đang thực hiện ngang qua Thân Mình Mầu Nhiệm của Người là Hội thánh. Hy vọng rằng, bạn sẽ chia sẻ sự hiểu biết này cho người khác. Hãy trở thành một giáo lý viên về Phụng Vụ nhé!

I. Mùa Vọng

Từ Advent (Mùa Vọng)- có nghĩa là “đến”- ám chỉ đến những ngày và những tuần trước Lễ Giáng Sinh, cũng như đến việc chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh. Luôn có 4 Chúa Nhật trong Mùa Vọng. Màu sắc Phụng Vụ là tím tía, trừ ra các Lễ nhớ, Lễ kính và Lễ trọng.

1) Biểu tượng

Một trong những biểu tượng làm cho Mùa này trở nên chói lọi, đó là Vòng hoa Mùa Vọng. Nó được làm theo hình thức một vòng tròn màu xanh lá cây, vòng hoa Mùa Vọng thường được trang trí bằng một dây ruy-băng màu đỏ, đôi lúc là một quả táo, nhưng thành phần chính lại là các cây nến. Biểu tượng bí tích hình tròn có bốn cây nến riêng biệt; ba cây màu tím tía và một cây màu hồng.

Vào Lễ Giáng Sinh, cây nến thứ năm được chen vào giữa vòng hoa Mùa Vọng- màu trắng tương phản với màu hồng và màu tím tía. Cây nến trắng ở giữa biểu thị Ngày Sinh Nhật của Chúa Giê-su, Đấng thực sự là Ánh Sáng thế gian, đến để đẩy lui bóng tối tội lỗi.

2) Những lễ kính Đức Maria

Như đã nói, hình ảnh Đức Maria đóng vai trò rất quan trọng trong Mùa Vọng, có hai cử hành Phụng Vụ quan trọng về Đức Maria: Lễ Đức Maria vô nhiễm nguyên tội (8 tháng 12); sau đó là Lễ Đức Mẹ Guadalupe (ngày 12 tháng 12). Trong tất cả các ngày của Mùa Vọng, Hội thánh vui mừng chờ đợi Ngày Sinh Nhật của Chúa Giê-su cùng với Đức Bà, Thân Mẫu được trông đợi của Chúa Giê-su.

3) Thánh Gioan Tiền Hô

Ngoài ra, một nhân vật quan trọng trong Kinh Thánh chính là thánh Gioan Tiền Hô, người đã mời gọi chúng ta dọn đường cho Ngày Hạ Sinh của Đấng Cứu Độ.

II. Ngày Lễ Giáng Sinh và Mùa Giáng Sinh đến

Mùa Vọng kết thúc với Lễ Giáng Sinh và Mùa Giáng Sinh. Không thể cử hành Ngày Sinh Nhật của Chúa Giê-su - sinh nhật quan trọng nhất ở thế gian - chỉ trong một ngày. Phải có Tuần Bát nhật, cũng như một Mùa kéo dài để hân hoan vui mừng vì Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã ra đời.

1) Lễ Vọng Giáng Sinh

Lễ Giáng Sinh khởi đầu với Lễ Vọng Giáng Sinh. Ngày đợi chờ mòn mỏi đã đến: Chúa Giê-su sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria.

2) Kinh Vinh Danh

Kinh Vinh Danh trong Thánh Lễ không được hát cho tới Lễ Vọng Giáng Sinh. Đêm ấy, cùng với đoàn nhạc các Thiên Thần, mọi tâm hồn và cung giọng của chúng ta vang lên: “Gloria in excelsis Deo”, tiếng La tinh có nghĩa là: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời!”

3) Lễ Giáng Sinh

Thật ra, có ba Thánh Lễ Giáng Sinh: Lễ nửa đêm (diễn ra vào đêm trước); Lễ rạng đông, và Lễ ban ngày. Mỗi Thánh Lễ đều diễn tả một khía cạnh khác về tính chất long trọng và Niềm vui của Ngày sinh Nhật Đức Giê-su.

4) Tuần Bát Nhật

Trong 8 ngày, bắt đầu với Lễ Giáng Sinh, Hội thánh cử hành Sinh nhật Đức Giê-su. Đối với một sự kiện như thế, phải có ít nhất là 8 ngày!

5) Mùa Giáng Sinh

Kế đến, trong suốt Mùa Giáng Sinh, có nhiều Lễ kính quan trọng khác. Tất cả các Lễ kính này đều trùng khớp và có liên hệ đến Ngày sinh của Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ.

6) Các lễ Kính theo lịch Phụng vụ trong Mùa Giáng Sinh

Các ngày lễ kính: Lễ Thánh Gia thất: Đức Giê-su, Đức Maria và thánh Giuse; lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (luôn luôn là ngày 1 tháng Giêng); và Lễ Hiển Linh là những Lễ kính chính yếu được cử hành trong bối cảnh của Mùa Giáng Sinh.

7) Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

Sau cùng, với việc cử hành lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, Mùa Giáng Sinh kết thúc. Đây là lúc gỡ cây thông và Hang đá.

III. Mùa Thường niên

Với phần kết của Mùa Giáng Sinh, Hội thánh chuyển sang Mùa Thường Niên I.

Thực ra, có hai Mùa Thường Niên trong Năm Phụng vụ của Giáo hội: một mùa diễn ra ngay sau Mùa Giáng Sinh và mùa còn lại diễn ra ngay sau Mùa Phục Sinh.

Trong Mùa Thường Niên 1, linh mục thay đổi lễ phục, từ màu trắng của Mùa Giáng Sinh sang màu Xanh.

Trong Mùa này, các Bài đọc Tin Mừng tập trung chủ yếu vào Cuộc đời rao giảng Công khai của Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Điều đó có ý nói rằng các sách Tin Mừng giới thiệu về Đức Giê-su trong suốt Cuộc đời hoạt động Công khai, kéo dài khoảng 3 năm, khi Đức Giê-su được 30-33 tuổi.

Mùa Thường Niên 1 không kéo dài, thường khép lại trong khoảng từ 7 đến 8 tuần lễ. Trong những tuần lễ này, thường rớt vào tháng Giêng và tháng Hai, Hội thánh cũng cử hành lễ kính các thánh.

Mùa thường niên sẽ là thời gian chúng ta cố gắng hiểu biết, yêu mến và bước theo Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc đời mình. Cũng như, chúng ta sẽ nỗ lực làm những bổn phận Hằng ngày trong đời sống thường nhật với một tình yêu phi thường.

IV. Mùa Chay: Mùa của Thống hối, Ân sủng và Hoán cải

Mùa Thường Niên 1 kết thúc với việc bắt đầu Mùa Chay Thánh. Sau đây là những đặc tính cơ bản của Mùa Chay Thánh:

1. Thứ tư Lễ Tro.

2. Màu sắc phụng vụ: màu tím.

3. Thời gian: 40 ngày, không kể các Chúa Nhật.

4. Thời kỳ Chay tịnh và Kiêng khem.

5. Không hát Alleluia và Kinh Vinh Danh trong Thánh Lễ.

6. Có các Bài đọc riêng trong Thánh lễ - hướng đến việc Hoán cải.

Tuần Thánh- Tuần Lễ Cực Thánh trong Năm Phụng vụ!

Đỉnh cao hay chóp đỉnh của Mùa Chay chính là Tuần Thánh. Nó giống như đỉnh cao ân sủng mà qua đó, Hội thánh cử hành việc cứu rỗi hay Cứu độ của Chúa Giê-su với tình yêu và niềm vui cả thể.

Việc cử hành trong Tuần Thánh: Tuần Thánh bắt đầu.

Sau đây là những thành phần chính của Tuần Thánh.

1) CHÚA NHẬT LỄ LÁ.

Tuần Thánh bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá. Hội thánh tưởng niệm việc Chúa Giê-su khải hoàn tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trên lưng lừa. Các nhành lá được phát để tưởng niệm ngày đó. Trong Thánh lễ, linh mục mặc áo Đỏ và đọc Bài thương khó về cuộc Khổ nạn của Chúa Ki-tô.

2) TAM NHẬT VƯỢT QUA.

Tâm điểm của Năm Phụng Vụ chính là Tam Nhật Vượt Qua, gồm 3 ngày (chữ triduum có nghĩa là ba): thứ Năm Thánh, Thứ Sáu Thánh, và Thứ Bảy Thánh.

3) THỨ NĂM THÁNH

Tưởng niệm Bữa Tiệc Ly và việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, cũng như chức Linh Mục và Bí tích Truyền chức thánh.

4) THỨ SÁU THÁNH.

Với tình mến sâu đậm và đau khổ cùng cực, Hội thánh mời gọi hết thảy mọi người chiêm ngắm Cuộc Khổ Nạn, Nỗi Khổ Đau và cái chết của Đức Giê-su trên thập giá. Đây là ngày giữ chay và kiêng khem.

5) THỨ BẢY THÁNH.

Trong ngày này, chúng ta cùng đi với Đức Trinh Nữ Maria qua những sự thương khó của Mẹ. Cùng với Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta sống lại Cuộc Thương Khó, khổ đau và cái chết của Chúa Giê-su, Con Mẹ. Chúng ta cố gắng sống lại Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su qua ánh mắt và Tâm hồn Sầu khổ của Mẹ Maria.

V. Mùa Phục Sinh: Khởi đầu với Lễ Vọng Phục Sinh.

Để cho vắn gọn, chúng tôi xin đưa ra một lời giải thích súc tích về việc cử hành Lễ Phục Sinh và Mùa Phục Sinh.

1) Lễ Vọng Phục Sinh

Lễ Vọng Phục Sinh là một trong những việc cử hành Phụng Vụ long trọng và trang nghiêm của Năm Phụng Vụ. Nhiều bài Đọc Sách Thánh được công bố với những Thánh vịnh Đáp ca. Anh chị em dự tòng được rửa tội, được thêm sức, và được Rước lễ Lần đầu.

2) Lời tung hô Alleluia, Kinh Vinh Danh và Lễ phục trắng.

Một lần nữa, Hội thánh hát lên lời alleluia, Kinh Vinh Danh được xướng lên trong Thánh lễ, và Màu Phụng vụ là màu trắng.

3) Đức Giê-su quả thực đã trỗi dậy từ cõi chết.

Cốt lõi của Lễ Phục Sinh và toàn bộ Mùa Phục Sinh chính là sự kiện Đức Giê-su đã chịu chết, nhưng Người đã thực sự trỗi dậy từ cõi chết , để không bao giờ chết nữa. Lời hứa dành cho chúng ta chính là sự sống đời đời!

4) Tuần Bát nhật Phục Sinh.

Giống như Lễ Giáng Sinh, Hội thánh cử hành tuần bát nhật Phục Sinh. Thực tại Chúa Giê-su trỗi dậy từ cõi chết chính là điều quan trọng nhất, đòi phải có 8 ngày (tuần Bát Nhật) để cử hành chiến thắng khải hoàn của Đức Giê-su trên sự chết và việc Người đã trỗi dậy từ cõi chết.

5) Mùa Phục Sinh.

Mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày. Trong những ngày này, Bài đọc 1 trong Thánh Lễ được trích từ sách Công vụ Tông đồ.

6) Lễ Thăng thiên và Hiện xuống.

Mùa Phục Sinh đi đến hồi kết với việc Chúa Giê-su được rước lên trời. Tuần Cửu Nhật bắt đầu và kết thúc với Lễ Hiện xuống, Chúa Thánh Thần hiện xuống. Biến cố này tưởng niệm Ngày sinh nhật của Hội thánh, cũng như kết thúc 50 ngày hân hoan vui sướng của Mùa Phục Sinh!

VI. Mùa Thường Niên II

Với Lễ Hiện Xuống, Mùa Phục Sinh đi đến hồi kết và Mùa Thường Niên II bắt đầu, mùa này kéo dài đến 6 tháng.

Sau Lễ Hiện Xuống, có ba Lễ trọng: Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô, và Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su.

1) Lễ Chúa Ba Ngôi.

Hội thánh cử hành mầu nhiệm cao trọng nhất trong tất cả các mầu nhiệm: Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi. Điều đó có ý nói rằng Hội thánh dạy về thực tại Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

2) Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô.

Hội thánh tin rằng trong Thánh Lễ, qua lời Truyền phép, bánh và rượu đã được biến thành Mình và Máu, Linh hồn, và Thần Tính của Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ.

3) Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su

Thứ Sáu sau Chúa Nhật Mình và Máu Chúa Ki-tô, Hội thánh cử hành mầu nhiệm tình yêu mà Đức Giê-su dành cho chúng ta qua việc tôn kính và ngợi khen Thánh Tâm cực trọng của Người.

Đức Ki-tô, Vua vũ trụ: Kết thúc Năm Phụng vụ

Độ dài của Mùa Thường Niên II khép lại với lễ trọng kính Đức Ki-tô vua vũ trụ. Đức Giê-su, Vua vũ trụ, cai trị thế gian, cũng như cai trị mọi tâm hồn chúng ta!

Mùa Vọng

Chu kỳ Phụng vụ lại bắt đầu với Mùa Vọng. Trong suốt Năm Phụng Vụ, Hội thánh hồi tưởng lại cuộc đời, lời nói, và hành động cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta, ngang qua Lời Chúa và Bí tích.

Thế nên, nếu chúng ta muốn nối kết với Chúa Giê-su, gặp gỡ Chúa Giê-su, và đón nhận Chúa Giê-su vào trí lòng, linh hồn và toàn bộ đời sống, thì chúng ta chỉ có thể thực hiện điều đó cách thiết thực nhất ngang qua Thân Mình Mầu Nhiệm của Đức Ki-tô và đời sống Bí tích mà thôi, cách cụ thể là qua Hy tế Thánh Lễ, qua Thánh Thể và Việc Hiệp Lễ.

Cát Bụi, SSS chuyển ngữ từ catholicexchange.com 
(30.11.2021)
(WHĐ)

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

PHỎNG VẤN ĐỨC TÂN GIÁM MỤC GIUSE ĐỖ QUANG KHANG – GIÁM MỤC PHÓ GIÁO PHẬN BẮC NINH

WHĐ (01.12.2021) – Lúc 17 giờ ngày 30 tháng 10 năm 2021, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam đã thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Giuse Đỗ Quang Khang, thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, làm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh. Lễ tấn phong giám mục cho ngài được ấn định vào lúc 9g00 ngày 14 tháng 12 năm 2021 tại Giáo phận Bắc Ninh.

Trong dịp đặc biệt này, Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có buổi phỏng vấn Đức Tân Giám mục Giuse về tâm tình, sứ vụ và huy hiệu giám mục của ngài, cũng như những chuẩn bị cho thánh lễ tấn phong sắp tới...
 

(WHĐ)

HOẠT HÌNH EM VÀ GIÊSU - TẬP 1: TRUYỀN TIN


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 1 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Tư, ngày 01.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon