Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

MÙA VỌNG VỚI ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA

MÙA VỌNG VỚI ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA

Tác giả: Sarah Reinhard

WHĐ (16.12.2021) - Nếu bạn giống tôi, bạn sẽ nhận thấy bản thân mình rất thường khởi đầu mùa Vọng với một cái nhìn chán ngán và với một danh sách mua sắm còn dài hơn cả danh sách tặng quà của ông giá Noel. Bạn sẽ phải đi mua sắm, phải làm bánh, rồi gói quà, dọn dẹp và hàng tá thứ khác nữa, tất cả đều chi phối bạn. Tôi thậm chí còn chưa tính đến những việc thường ngày, những điều chẳng bị chi phối bởi những dịp đặc biệt.

Khoảng nhiều năm trước, tôi cảm thấy như thiếu một điều gì đó trong mùa Vọng của mình. Và một vài năm trở lại đây, tôi bắt đầu nhận ra điều đó là gì.

Mặc dù đã trang trí Giáng Sinh một tuần trước lễ, và luôn thừa nhận ngoài miệng về vẻ đáng yêu của mùa Vọng, nhưng tôi vẫn chưa chuẩn bị chính mình để đón chờ Đấng Cứu Độ của tôi vào ngày lễ Giáng Sinh.

Tôi đã không có ý định hướng về Đức Maria. Mẹ đã chỉ hiện diện ở đó, nơi Chúa chào đời. Mẹ đã rất trầm tĩnh và thanh thản. Mẹ thật khác biệt so với tôi và những gì tôi đã thể hiện.

Bạn nghĩ rằng Mẹ đã trải qua mùa Vọng của chính Mẹ vào năm ấy như thế nào, khi Hài Nhi Giêsu chào đời? Chúa Giêsu là sự hoàn tất của một thời gian chờ đợi, và nó lâu hơn nhiều so với bốn tuần mà chúng ta cử hành mỗi năm trước Giáng Sinh.

Có lẽ những kỳ vọng cho mùa Vọng của tôi không được như mong đợi. Thay vì khư khư toan tính cho những việc mua sắm, tất cả những lo toan, và tất cả những điều khả dĩ cho mùa Vọng, thì tôi nên dừng lại đôi chút.

Có lẽ, trong bất kì điều gì tôi chọn lựa để làm trong mùa Vọng này, tôi nên chắc chắn rằng ánh mắt của tôi luôn hướng về thiên đàng, và trái tim tôi đợi chờ trong sự cảm nếm trước một niềm hân hoan.

Năm nay, tôi sẽ làm ít hơn trong mùa Vọng. Trong hàng loạt các kế hoạch, tôi hy vọng sẽ hoàn thành việc mua sắm Giáng Sinh trước khi mùa Vọng bắt đầu.

Tôi không thích mua sắm. Tôi chưa bao giờ thích. Mặc dù trong cuộc sống, tôi sẽ lẽo đẽo theo các chị em, những người rất yêu mua sắm, nhưng tôi làm điều đó chỉ vì bạn bè, chứ không phải là để thỏa mãn cơn nghiện mua sắm giống như họ.

Vậy thì tại sao tôi lại để cho khuynh hướng chần chừ áp đảo sự căm ghét mua sắm nơi tôi? Tại sao tôi lại lưu tâm tới một công việc mà tôi ghét vào thời điểm mà tôi đang chuẩn bị để đón Đấng Cứu Thế?

Việc nhận ra sự thật nhỏ bé này – sự thật không nên lưu tâm tới những công việc mà tôi ghét trong mùa Vọng - đã mang đến một bước đột phá trong tôi. Bất thình lình, tôi được tự do, và có thể nhìn thấy mùa Vọng như một điều gì đó mới mẻ hơn là một khoảng thời gian đầy khiếp sợ.

Có lẽ bạn đang say sưa trong việc mua sắm cho Mùa Giáng Sinh. Quan điểm của tôi là khuyến khích bạn hãy nhớ đến lý do của mùa Vọng.

Mùa Vọng không phải là thời gian của Giáng Sinh. Mặc dù chúng ta bị bao quanh bởi những ông già Noel bằng nhựa, các vòng hoa, và tất cả những thứ lễ phục, trang sức khác,… nhưng chúng ta chỉ đang chuẩn bị cho Hài Nhi Giêsu.

Và Người vẫn chưa đến.

Trong sự ồn ào của thế giới này, tôi nhận thấy thật khó để nhớ rằng mùa Vọng là thời gian của sự thống hối và sự chuẩn bị. Mặc dù có thể có những bài thánh ca vang dội nơi các cửa hàng mua sắm, nhưng tôi không nhận thấy được bất kì sự thánh thiện nào ở đó.

Một vài năm trước, tôi đã cố thử một cái gì đó hơi đặc biệt. Tôi đã cất chiếc iPod của mình. Điều này thật không dễ, nhưng một điều gì đó đang mời gọi tôi thinh lặng, và trong bước tiến đó, tôi đã tìm thấy một giải pháp cho mùa Vọng.

Mùa của sự thống hối, đây là thời gian tuyệt vời để bắt đầu một việc tập luyện, một việc sẽ thử thách bạn đôi chút. Có lẽ, thay vì từ bỏ một điều gì đó, thì bạn nên cố gắng thêm trong một việc nào đó.

Đừng nghĩ rằng tôi không hiểu điều mà tôi đang đề nghị. Tôi không có dư 20 phút mỗi ngày… nhưng tôi nhận ra rằng khi tôi dành cho Chúa thêm một chút thời gian của tôi, thì Ngài luôn trả lại cho tôi nhiều hơn về sự kiên nhẫn hoặc ân sủng để đối mặt với những thách thức.

Giọng nói của Thiên Chúa thường được mô tả như là một hơi thở, một làn gió nhẹ, một tiếng thì thầm. Làm thế nào tôi có thể nghe được Ngài nếu như mắt tôi (và tâm trí tôi) tràn ngập vô số tiếng ồn?

Thú thật, tôi đã từng ghét Giáng Sinh. Thực tế là mới chỉ vài ngày trước, bất giác tôi đã thốt lên rằng “Tôi ghét Giáng Sinh”.

Thế nhưng, những điều tôi đã ghét – và điều tôi vẫn ghét – không phải là Giáng Sinh. Đó là sự ồn ào, áp lực, cùng những đòi hỏi. Đó là cảm giác như thể tôi không thể chiến thắng hay thậm chí không thể đứng hạng hai. Đó là một sự mong đợi không giống ai, nó tràn ngập trong tôi mỗi khi tôi nghĩ về điều cần phải làm.

Điều mà tôi đang lãng quên là chính bản thân tôi. Quả thật, mùa Vọng là thời gian của sự chuẩn bị, chứ không phải là thời gian cho thứ mà tôi cần hoàn thành hay cách thức mà tôi thực hiện. Đây là thời gian cho một chuyến hành trình thiêng liêng, và khi tôi điều chỉnh lại nhận thức của mình, thì chỉ có một nơi duy nhất tôi cần hướng đến: Đức Maria.

Mẹ đang đợi chờ tôi trong lúc tôi đang đứng ở chân núi của những âu lo và sợ hãi, và Mẹ chỉ cho tôi một con đường khác, Mẹ nói với tôi rằng tôi hoàn toàn không cần phải tiến đến ngọn núi kia: có một con đường giúp tránh xa ngọn núi ấy mà vẫn có thể đến được phía bên kia núi.

Và đó là con đường nào? Chính là Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ.

Anthony Lai chuyển ngữ từ catholicexchange.com (07.12.2020)
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 3 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 16.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 16.12.2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN 3 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Năm, ngày 16.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 15.12.2021


Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CẦU NGUYỆN VỚI CÁC BÀI HÁT TỪ CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, 15.12.2021

Bắt đầu lúc 19g30 Thứ Tư, ngày 15.12.2021
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 15.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 


TĨNH TÂM MÙA VỌNG 2021 - NGÀY 6: CHỖI DẬY, LÀM LẠI CUỘC ĐỜI


THÁNH GIUSE CHO CHÚNG TA THẤY 5 CÁCH ĐỂ SỐNG MÙA VỌNG

THÁNH GIUSE CHO CHÚNG TA THẤY 5 CÁCH 
ĐỂ SỐNG MÙA VỌNG
Lm. Ed Broom, OMV

WHĐ (15.12.2021) - Thánh Giuse có thể giúp chúng ta sống một mùa Vọng hiệu quả và với nhiều động lực. Chúng ta hãy cùng lặng ngắm năm nhân đức đặc biệt của Thánh cả, hầu có thể sống trọn một mùa Vọng đầy sốt mến, và để cho Hài Nhi Giêsu được hạ sinh nơi sâu thẳm tâm hồn chúng ta trong mùa Giáng Sinh này!

1. Sự thinh lặng

Chưa bao giờ trong Kinh Thánh, chúng ta nghe thấy một lời nào phát xuất từ Thánh cả Giuse. Dẫu vậy, sự thinh lặng này của thánh nhân là một thông điệp hết sức mạnh mẽ và rõ ràng. Thông điệp ấy dạy chúng ta một thái độ nền tảng để đi sâu vào đời sống cầu nguyện: đó là thinh lặng.

Nếu thường xuyên bị công kích bởi những tiếng ồn, chúng ta sẽ chẳng thể nào nghe được Lời hay Thần Khí của Thiên Chúa muốn nói với chúng ta trong làn gió dịu nhẹ của thinh lặng. Hơn nữa, sự thinh lặng của Thánh Giuse cũng dạy chúng ta biết tầm quan trọng của việc trở nên gương mẫu. Bởi vì, chúng ta minh chứng cho sự chân thực của mình không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng hành động. Thánh Giuse đã cho toàn nhân loại thấy bằng chính con đường thánh thiện mà ngài đã sống. Ước mong sao ngài luôn là một mẫu gương cho đời sống của chúng ta.

2. Lời cầu nguyện

Thánh Giuse là con người của cầu nguyện. Ngài đóng một vai trò hết sức đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Thánh nhân vừa là bạn trăm năm của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, vừa là nghĩa phụ của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống. Thật sự, Thánh Giuse đã dạy cho Chúa Giêsu cất tiếng gọi Thiên Chúa là “Abba” - nghĩa là “Cha ơi”.

Theo một nghĩa nào đó, chính Thánh Giuse đã dạy Chúa Giêsu dùng ngôn ngữ của nhân loại để thưa chuyện cùng Thiên Chúa Cha – Đây chính là việc cầu nguyện. Thế nên, nếu như Thánh Giuse đã dạy Chúa Giêsu biết cách cầu nguyện, thì ngài cũng sẽ dạy tôi thật nhiều điều về cách thức cầu nguyện khi tôi đơn thành kêu cầu sự trợ giúp của ngài. Vì vậy, hãy bắt đầu thân thưa ngay từ bây giờ: Lạy Thánh Giuse, xin thương dạy con cách cầu nguyện!

3. Lòng dũng cảm

Trong một xã hội nơi mà có rất nhiều người đàn ông đang lẩn tránh trách nhiệm của mình đối với vợ con và gia đình, Thánh Giuse rạng ngời như một hình mẫu của lòng dũng cảm và nghị lực can trường. Ngài lữ hành vạn dặm trong sương gió, để rồi phải nhận sự chối từ, và sau đó, khó khăn lắm mới tìm được nơi trú ngụ trong một chuồng gia súc để Chúa Giêsu chào đời. Nhận biết mối đe dọa tàn ác và nguy hiểm đến từ Vua Hêrôđê, Thánh nhân đã chỗi dậy từ sớm để đưa gia đình trốn sang Ai Cập hầu cứu mạng Hài Nhi.

Đối diện trước bao nguy biến, Thánh Giuse vẫn hiên ngang đương đầu bằng lòng dũng cảm của một bậc trượng phu. Xin cho những người đàn ông của thế hệ chúng ta luôn biết hướng nhìn lên Thánh Giuse - người gia trưởng hiền lành nhưng đầy can đảm của Thiên Chúa.

4. Lo liệu và chở che

Thánh Giuse vừa lo liệu vừa chở che cho Thánh Gia. Thánh nhân là một con người cần lao – luôn làm công việc của một Bác thợ mộc. Ngài nuôi sống gia đình bằng chính mồ hôi công sức của mình. Ngài chẳng lo nghĩ gì về bản thân, nhưng luôn tìm cách tốt nhất để lo liệu và chở che cho gia đình nhỏ được Thiên Chúa gửi trao cho sự coi sóc của ngài.

Lễ Giáng Sinh đã gần kề, chúng ta hãy khẩn xin Thánh Giuse nhân hiền giúp chở che và lo liệu cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Trong một nền văn hóa hiện đại nơi mà chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa khoái lạc đang thực sự là những vị thần bóp nghẹt đời sống thiêng liêng, thì những lời nguyện cầu của Thánh Giuse có thể giúp chúng ta có cái nhìn vượt ra khỏi những việc mua sắm, sở hữu và chiếm đoạt. Thánh nhân có thể giúp chúng ta nhận ra niềm vui và hạnh phúc đích thực không đến từ việc sở hữu những của cải phù vân, nhưng đến từ việc có được Thiên Chúa. Việc ôm ấp Hài Nhi Giêsu trên đôi tay và trong trái tim của chúng ta thì đáng quý gấp nhiều lần so với tất cả tiền bạc, của cải trên toàn cõi thế này. Thánh Giuse nhân hiền có thể dạy chúng ta những bài học đơn thành nhưng rất sâu sắc!

5. Thánh Gia Thất: Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu

Thánh Giuse nhân hiền có thể là cây cầu vững chắc, hầu dẫn đưa chúng ta đạt đến một lòng sùng kính đích thực dành cho Đức Maria. Ngoài Chúa Giêsu, chẳng ai trên thế gian này hiểu biết, thấu cảm và yêu mến Đức Trinh Nữ Maria cho bằng Thánh Giuse. Hãy đến cùng Thánh Giuse nhân hiền và van nài thánh nhân những ân phúc nhằm gia tăng sự hiểu biết và lòng yêu mến dành cho Đức Maria, bạn trăm năm của ngài. Nhờ vậy, lòng sùng kính Đức Maria của bạn sẽ có một bước tiến lớn!

Kế đó, hãy chạy đến với Thánh cả để khẩn xin ngài những ân phúc về một sự hiểu biết thân tình đối với Chúa Giêsu, ngõ hầu bạn sẽ yêu mến Chúa Giêsu nồng nàn hơn và theo sát gót chân Ngài hơn. Ngoài Đức Maria, không ai trên thế gian này hiểu rõ Chúa Giêsu bằng Thánh Giuse nhân hiền.

Chỉ khi cả ba thành viên cùng được đón nhận, tôn kính và mến yêu, thì Thánh Gia Thất mới tròn đầy. Xin cho những lời nguyện cầu của Thánh Giuse nhân hiền mở lối trái tim bạn đến với kho tàng rộng lớn mà Thiên Chúa đã tích trữ cho bạn trong mùa Vọng này. Và ước mong Chúa Giêsu Hài Đồng sẽ được hạ sinh trong sâu thẳm tâm hồn bạn vào ngày lễ Giáng Sinh năm nay.

Quang Sáng chuyển ngữ từ catholicexchange.com (16.12.2020)
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 15.12.2021


TĨNH TÂM MÙA VỌNG 2021 - NGÀY 5: SỢ & ĐỪNG SỢ


GIÁO PHẬN BẮC NINH: TRỰC TIẾP THÁNH LỄ TẠ ƠN CỦA ĐỨC TÂN GIÁM MỤC GIUSE ĐỖ QUANG KHANG

Bắt đầu lúc 19g00 Thứ Tư, ngày 15.12.2021
tại Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Tư, ngày 15.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU BA TUẦN 3 MÙA VỌNG 2021. Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 14.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

BA CÓ… YÊU KHÔNG?

TGPSG – Tôi cám ơn Chúa thật nhiều vì Ngài đã ban cho tôi có được một đứa con trai đạo đức lại tế nhị, nhạy bén, nhờ đó mà tôi biết yêu nhiều hơn…

Từ xa xưa, ông bà ta đã có câu: “Lá vàng là bởi đất khô – Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình” nhằm nhắc nhở các bậc cha mẹ hãy nhớ rằng: Con trẻ là tấm gương phản chiếu cuộc sống của chính cha mẹ. Vì thế, cha mẹ phải sống sao cho mẫu mực để con cái noi theo.

Vâng! Cuộc sống vẫn luôn là thế: “Cha nào con nấy”, “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”… Nhưng có lẽ đối với tôi, câu tục ngữ “Con hơn cha là nhà có phúc” mới thật chính xác. Con tôi hơn tôi - không ở tài năng, của cải, công việc… mà là Tình Yêu. Cuộc sống của tôi được biến đổi và trở nên ý nghĩa hơn là nhờ câu hỏi mà con trai tôi luôn lặp đi lặp lại: “Ba có yêu… không?”

Do tính chất công việc, tôi không hay có mặt ở nhà. Một năm có khi 7 – 8 tháng vợ chồng tôi phải đi xa, những tháng còn lại làm gần nhà thì cũng quần quật từ sáng tới tối mới về để ăn cơm tối chung với ba mẹ tôi và hai đứa con trai nhỏ.

Một lần ngồi chơi với hai con, thằng lớn (lúc đó mới 5 tuổi) đột nhiên nhìn tôi rồi hỏi: “Ba ơi! Ba có yêu ông bà không?” Câu hỏi quá bất ngờ làm tôi lúng túng, nhưng trước mặt con, tôi gắng tỏ ra gương mẫu: “Có chứ sao không, ông bà sinh ra ba mà”. Nó trầm tư vài giây rồi tiếp tục: “Ba yêu ông bà mà sao không ở nhà để chăm sóc ông bà, đi xa ba cũng không hay gọi điện về hỏi thăm ông bà nữa?” Tôi cứng họng trước câu nói của con nhưng cũng cố vớt vát: “Có nhiều cách thể hiện tình yêu mà”.

Sau buổi hôm đó, tôi nghĩ ngợi rất nhiều. Tôi thấy con mình còn nhỏ mà tinh tế quá. Chỉ với câu nói của con thôi mà tôi thấy mình cần phải đổi thay, bởi rõ ràng tôi đã chưa yêu ba mẹ mình như cách ba mẹ yêu tôi. Và câu nói đó cũng nhắc nhở tôi ý thức về vai trò “là bố, là ba” của mình với con cái trong việc yêu thương và chăm sóc những người thân thương của mình.

Lên 6 tuổi, con trai bắt đầu vào lớp Một nên năn nỉ ba đi mua dụng cụ học tập. Trên đường đến hiệu sách, tôi và con đã đi qua nhà thờ. Đi được một đoạn, con kéo áo tôi hỏi nhỏ: “Ba ơi! Ba có yêu Chúa không?”. Tôi trả lời rất nhanh: “Tất nhiên là có chứ”. Thằng bé lại im lặng vài giây khiến tôi tự nghĩ: không biết con mình đang suy tính điều gì đây? Tôi vừa nghĩ vậy, con trai tôi đã thì thầm: “Ba yêu Chúa mà sao đi qua nhà thờ, ba không cúi chào Chúa?” Lần thứ hai tôi lại phải khỏa lấp câu chất vấn của con bằng lời giải thích qua loa: “Tại ba phải tập trung lái xe nên ba chỉ chào Chúa trong lòng thôi”. Nhưng cũng kể từ ngày đó, dù đi qua bất cứ nhà thờ nào, câu nói của con lại hiện về nhắc nhớ tôi hướng lòng về Chúa và cúi chào Ngài. Nhờ vậy, tôi thấy mình nhớ tới Chúa nhiều hơn một chút.

Rồi dịch bệnh covid ập đến, mọi sinh hoạt tôn giáo không còn được tiếp diễn. Giống như mọi gia đình Công giáo, ba mẹ, vợ con tôi bắt đầu tham dự thánh lễ online, tham dự giờ chầu online, duy trì giờ đọc kinh gia đình sớm tối… chỉ thiếu mỗi mình tôi. Mặc dù dịch bệnh hoành hành nhưng công việc của tôi vẫn đều đều, do đó tôi chỉ giữ lễ Chúa nhật và tự an ủi mình “thế là đủ”. Chính vì viện lý do cả ngày làm việc mệt nhọc, tối muốn đọc tin tức một tí rồi ngủ sớm, nên ba mẹ và vợ dù đã giục giã tôi đọc kinh chung gia đình nhiều lần, nhưng không thấy tôi “hợp tác”, đành chán chả muốn nói nữa.

Rồi một hôm, đọc kinh tối xong, con trai tôi lên giường, nằm bên cạnh tôi thủ thỉ: “Ba ơi! Ba đọc tin tức thì được lợi gì?” Tôi bối rối nhưng vẫn nhanh miệng trả lời: “Thì biết được tin tức đó đây, biết được tình hình dịch covid nữa nè”. Con tôi lại tiếp tục: “Ngoài ra không còn gì khác hả ba?” Tôi nhìn con cười rồi giỡn: “Chứ con trai nghĩ còn gì khác nữa nào”. Tôi chưa nói dứt câu, con tôi đã trả lời: “Còn sự lo lắng, bất an, đau đầu, hại mắt nữa đó ba. Con thấy ba đọc tin rồi thở dài, mặt suy tư cau có, thế mà ba tốn hàng giờ để đọc nó. Trong khi ngồi đọc kinh dâng Chúa, ba thu lượm được tình yêu, được đức tin, được bình an, nhưng ba lại không làm. Vậy mà khi con hỏi: ‘Ba có yêu Chúa không’ thì ba trả lời ‘Tất nhiên là có’. Ba đã nói dối con”. Trong giây phút ấy, tôi đã lặng im, trong lòng thấy xấu hổ với con và với chính mình. Tôi chỉ biết quay qua và nói với con: “Ba biết ba sai rồi, từ mai ba sẽ đọc kinh chung với mọi người”.

Kể từ hôm đó, tôi đã sốt sắng dự giờ Chầu Thánh Thể, đọc kinh gia đình cùng với ba mẹ, vợ con tôi. Và thực sự tôi thấy tâm hồn mình vui hơn, hạnh phúc và bình an hơn.

Ngày qua ngày, dịch bệnh chưa chấm dứt nhưng rồi Nhà Nước cũng cho mở cửa nền kinh tế trở lại với phương chấm ‘Sống chung an toàn với dịch bệnh’, từ đó nhà thờ cũng có Thánh lễ trở lại với lượng người tham dự có hạn. Dù ngày Chúa nhật, giáo xứ có nhiều thánh lễ để nhiều người được tham dự nhưng tôi một lần nữa lại tự viện lý do dịch bệnh vẫn còn nên tiếp tục dự lễ online. Thú thực, tự nhiên tôi cảm thấy lười đến nhà thờ dự lễ vì phải chuẩn bị trang phục, mất giờ di chuyển… Thế là mặc ai đi thì đi, tôi cứ ung dung với màn hình điện thoại và một mình tham dự lễ online.

Rồi bỗng nhiên đến Chúa nhật tuần 3 mùa Vọng, cậu con trai đi dự lễ ở nhà thờ về liền sà vào lòng tôi hỏi: “Ba vẫn yêu Chúa chứ?” “Vẫn yêu chứ con trai” tôi đáp. Con tôi cười cười nói: “Vậy con an tâm rồi. Mà ba ơi, ba thử đoán xem hôm nay cha xứ mình giảng lễ điều gì? Tôi cười khà khà trả lời: “Ba không biết, nhưng ba biết lễ online hôm nay, cha nói điều gì”. Con tôi dường như không quan tâm đến câu nói của tôi, mà thao thao kể lại: “Cha xứ giảng là, hôm nay dân chúng kéo đến với ông Gioan và hỏi ông về cách thức tỏ lòng sám hối: Với dân chúng thì ông Gioan nói họ phải sống bác ái, yêu thương, cụ thể là ‘Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy’. Với những người thu thuế ông khuyên họ đừng đòi gì quá mức đã ấn định và với các quân nhân ông nói họ đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; bằng lòng với số lương của mình. Rồi cha nói tiếp: ‘Mỗi người chúng ta hãy tim giờ ngồi lại với Chúa và hỏi Chúa xem mình cần phải làm gì để tỏ lòng sám hối và để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến, chắc chắn Chúa sẽ trả lời cho chúng ta biết.’ Vậy nên… tối nay đọc kinh gia đình xong, con và ba cùng hỏi Chúa nha ba”.

Và buổi tối đó, sau giờ đọc kinh chung, mắt nhìn lên Chúa con tôi đã sốt sắng chắp tay cầu nguyện, tôi cũng theo con ngồi thinh lặng và tự hỏi Chúa xem tôi cần phải làm những gì? Bỗng nhiên lòng tôi cảm thấy hối lỗi thực sự và có một nguồn cảm xúc dâng trào, thôi thúc tôi phải chạy đến với Chúa gần hơn, nhiều hơn. Cũng trong giây phút ấy tôi cám ơn Chúa thật nhiều vì Ngài đã ban cho tôi có được một đứa con trai đạo đức lại tế nhị, nhạy bén, nhờ đó mà tôi biết yêu nhiều hơn. Cuộc sống của tôi đã biến đổi mỗi ngày nhờ những câu hỏi và câu nói đầy đánh động của con.

Không biết con có đọc được tâm tư của tôi hay không, nhưng cầu nguyện xong, bé đã đứng dậy, ghé sát tai tôi và hỏi: “Ba có yêu…con không?” Tôi ẵm con vào lòng, hôn lên trán con và nói: “Điều đó là đương nhiên rồi”. Nụ cười đã rực sáng trên môi con và trong lòng tôi. Đó là khoảnh khắc của hạnh phúc và của sự biến đổi mà có lẽ không bao giờ tôi quên.

Nguyệt Nguyễn (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

(WGPSG)