Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN: THÁNH LỄ KHAI GIẢNG KHÓA ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN KHÓA 14 - NĂM 2022

THÁNH LỄ KHAI GIẢNG KHÓA ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN
KHÓA 14 - NĂM 2022

TGPSG -- “Cùng bước đi trên con đường yêu thương phục vụ”

Đó là chủ đề trong Thánh lễ khai giảng khóa đào tạo Giáo lý viên Khóa 14 - năm 2022 và trao chứng nhận cho các anh chị Giáo lý viên (GLV) tốt nghiệp cấp I, II, và III, niên khóa 2020-2021, của Cơ sở Sài Gòn; vào lúc 14g Chúa nhật ngày 9-1-2022, tại hội trường GB. Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục Vụ TGPSG (TTMV).

Tham dự có: Linh mục (Lm) Giuse Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc TTMV, Trưởng Ban Giáo lý GP. Các giảng viên: Lm Giuse Đặng Chí Lĩnh, ông Gioan Nguyễn Quang Vinh, Nữ tu Juniana Nguyễn Thị Châu Âu. SPP, cô M Md. Phạm Thị Thúy; quý Ban điều hành, cùng với sự tham dự của 296 học viên (HV).

Lúc 13g45, anh Đại đã giúp khởi động chương trình bằng những bài hát và cử điệu tươi vui, ý nghĩa, giúp các HV giao lưu với nhau; trước khi chương trình được chính thức bắt đầu lúc 14g.

Cô M Md. Phạm Thúy - Giám học, đã giới thiệu Ban giảng huấn, Ban điều hành của chương trình đào tạo các cấp, và học viên các cấp. Ban Giáo lý đã hân hoan chào đón 266 HV khóa 14. Trong số đó có: 136HV cấp I, 84HV cấp II và 46 HV cấp III.

Sau đó, Lm Phêrô Hiền đã phổ biến lộ trình học giáo lý (GL). Cha cho biết, Logo BGL là biểu tượng truyền thống của Giáo hội (GH) về Chúa Ba Ngôi; linh đạo của BGL là Ba Ngôi. Cốt yếu là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi: Tạo dựng - Cứu chuộc - Thánh hóa; nhằm mục đích đưa chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, trong niềm vui, bình an và hạnh phúc dồi dào của Thiên Chúa.

Vì thế, hiệp thông xuất phát từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, đó cũng chính là bản chất của GH - cộng đoàn hiệp thông với Chúa, với GH, với nhau và với vũ trụ này. GH hiệp thông trở thành dấu chỉ, dung mạo, khí cụ xây dựng sự hiệp thông.

Giáo lý cũng là sự hiệp thông, là sự gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, để từ đó ra đi gặp gỡ anh em. GLV cũng là con người của hiệp thông. Bộ GL cũng thể hiện đào tạo sự hiệp thông theo lộ trình: cấp I – Hiệp thông với Chúa; cấp II – Hiệp thông với GH và cấp III – Hiệp thông với mọi người. Cùng với Chúa ta đam mê Chúa, phụng thờ Chúa và cùng với Chúa ta đam mê con người, phục vụ con người. Qua đó, cha cũng giới thiệu chi tiết hơn lộ trình đào tạo qua các môn học trong các cấp.

Mục đích của Ban GL là huấn luyện GLV, nhằm đào tạo những người có khả năng thi hành tác vụ huấn giáo nhân danh Hội Thánh theo 3 chiều kích: hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với Hội Thánh và hiệp thông với mọi người. cha nhấn mạnh: “Người đào tạo chính là Chúa Thánh Thần cùng với sự cộng tác nỗ lực của bản thân học viên.”

Học viên cũng được thông tin về những qui định và điều kiện tốt nghiệp. Lm Giuse Lĩnh đã nhắn nhủ các học viên: “Việc tự đào tạo rất quan trọng, nếu các bạn không muốn học thì không ai giúp được bạn. Ước mong các bạn có động lực mãnh liệt để học. Các bạn đến đây học không phải để lấy kiến thức cho bằng trở thành GLV như lòng Chúa mong ước, như GH mong muốn.” Cha cũng đã chúc học viên có được những điều tốt đẹp trong Năm mới.

Thánh lễ

Lúc 14g30, Lm Phêrô đã chủ sự Thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.

Trong bài giảng, Lm chia sẻ: Chúa Giêsu chịu phép rửa, khởi đầu công khai sứ vụ của Ngài. Sứ vụ của Ngài là thực hiện ước muốn của Chúa Cha cách tuyệt hảo. Tin Mừng Thánh Luca nói: “...Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian để cứu độ trần gian, hòa giải con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dìm mình trong phép rửa để bước đi với nhân loại, lắng nghe và chạnh lòng trước những đau khổ, tội lỗi của con người, nhằm cứu vớt nhân loại. Trên thập giá, Chúa Giêsu tuôn đổ nước và máu, Ngài trao ban Thần khí. Những ai đón nhận bí tích Rửa tội thì đón nhận được thần khí. Sau khi Phục Sinh, Ngài thổi hơi trao ban Thần khí cho các môn đệ tiếp nối sứ mạng của Ngài: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.

Vậy ước muốn của chúng ta hôm nay có là ước muốn của Chúa Giêsu không? Trong tông huấn “Đức Kitô đang sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Các con được Chúa rất yêu dấu, các con rất quý giá vì được cứu chuộc bằng máu châu báu của Đức Kitô! Các con là vô giá!” (số 122) Mỗi người là chi thể độc đáo không ai thay thế được trong nhiệm thể Chúa Kitô. Nếu chúng ta không tham gia đóng góp vào, thì thế giới mất đi phần đóng góp độc đáo của chúng ta. Muốn vậy, chúng ta phải chia sẻ, lắng nghe được tiếng kêu gào của người nghèo, để nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của chính mình.

Trong tâm tình yêu mến, Lm Phêrô nói với các học viên: “Tôi đặt các bạn ở vị trí cao vì sự hy sinh của các bạn: ngày Chúa nhật, ban sáng phục vụ nơi giáo xứ, cộng đoàn; ban chiều các bạn đến đây học GL. Các bạn đang đóng góp vào việc xây dựng một thế giới mới, thế giới hiệp thông, yêu thương, ngang qua việc dạy GL; dạy các em thiếu nhi đến với Chúa Giêsu. Hãy nuôi dưỡng ước mơ này và rèn luyện chính mình để trung thành với Chúa; Xin Chúa biến Thần khí của Chúa thành hoa trái của sự sống dồi dào cho gia đình, giáo xứ, giáo phận của chúng ta.”

Sau bài giảng, là Nghi thức tuyên hứa và cấp giấy chứng chỉ tốt nghiệp cho GLV. Trong đó có 95 anh chị hoàn thành tốt nghiệp cấp I, 45 anh chị tốt nghiệp cấp II và 30 anh chị tốt nghiệp cấp III.

Thánh lễ được tiếp tục với phần lời nguyện giáo dân và phụng vụ Thánh Thể.

Trước khi ban phép lành cuối Lễ, Lm Phêrô cấp giấy chứng chỉ tốt nghiệp và tặng quà lưu niệm cho 30 anh chị tốt nghiệp cấp III; phát thưởng cho 6 GLV chuyên cần trong suốt 3 năm học.

Sau đó, đại diện GLV cấp III đã nói lời tri ân cha Trưởng Ban MVGL, quý giảng viên, Ban điều hành; đã giúp cho các GLV cấp III hoàn thành chương trình 3 năm học tốt đẹp.

Đáp từ, Lm Phêrô nhắn nhủ GLV: “Chúng ta là những nhà giáo dục đức tin, những GLV chuyên nghiệp. GH đã thiết lập thừa tác vụ GLV, trong thời gian tới HĐGMVN, cách riêng tại giáo phận sẽ trao thừa tác vụ GLV cho các bạn GLV tốt nghiệp.”

Lễ khai giảng kết thúc lúc15g45. Sau đó, vào lúc16g Tiết học đầu tiên của 3 cấp được bắt đầu cho đến17g thì kết thúc .

Được biết, giáo phận có 5 cơ sở đào tạo GLV: Bắc Dũng - Xóm Mới, Bùi Môn - Hóc Môn, Sài Gòn - TTMV, Tam Hải - Thủ Đức, Tân Hương - Tân Sơn Nhì. Hôm nay cơ sở Sài Gòn khai giảng có 266 HV đăng ký. (Không kể số lượt HV đăng ký các môn.)

Tiến Hương (TGPSG)
Ảnh: Vĩnh Thân
(WGPSG)

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 1 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 11.01.2022
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

THIỆN NGUYỆN VIÊN: CỨ YÊU KHI CÓ THỂ

 

THIỆN NGUYỆN VIÊN: CỨ YÊU KHI CÓ THỂ

TGPSG -- Nhiều lúc nghĩ rằng, khi ‘đi thiện nguyện lần 2’, công việc sẽ dễ dàng hơn, nhưng không phải như thế…

Vậy là tôi đã kết thúc đợt thiện nguyện lần 2 được 1 tuần. Ngồi nghĩ lại thấy thương, thấy nhớ. Thương các y bác sĩ còn ở lại sau những tháng ngày phục vụ các bệnh nhân nhưng chưa biết ngày về. Nhớ bệnh nhân, những gương mặt đang cần sự giúp đỡ, cần lời động viên…

Mỗi lần đi là một trải nghiệm: Khi yêu ta đừng trì hoãn, chỉ với tình yêu ta mới làm được, mới yêu như Chúa yêu: “Yêu cho đến cùng” (x. Ga 13,1), yêu không đòi hỏi sự đáp trả, một tình yêu cho đi vô vị lợi.

Đến với các bệnh nhân, chúng tôi luôn mang trong mình một tình yêu ‘có Chúa và vì Chúa’. Yêu các bệnh nhân ‘như họ là’, mặc dù có những bệnh nhân làm cho tôi khó đến gần với họ, nhưng không vì thế mà tôi bỏ họ, không quan tâm tới họ. Giống như người Samari nhân hậu, tôi đã tập đến chăm sóc họ, tập yêu thương quan tâm tới họ. Và cuối cùng, nhờ có ơn Chúa đồng hành, tôi đã làm được.

Nhiều lúc nghĩ rằng, khi ‘đi thiện nguyện lần 2’, công việc sẽ dễ dàng hơn, nhưng không phải như thế. Mỗi lần là một kinh nghiệm khác nhau. Đợt đi thiện nguyện này, tôi thật sự cảm thông với những người thân có người nhà bị nhiễm bệnh. Khi tôi đi được 2 tuần thì nghe tin cả nhà tôi có má, các anh chị em và các cháu đều được ‘đổi họ thay tên’ bất đắc dĩ: “họ dương tên tính” hay còn gọi là “F0”.

Khi nghe được tin này tôi mới cảm được nỗi niềm của những người thân đang có người nhà nằm trong đây. Chắc hẳn họ cũng như tôi, cũng lo, cũng sợ, cũng đau thắt từng khúc ruột… Lúc ấy tôi không biết làm gì hơn là thầm thì với Chúa: “Chúa ơi, má và anh chị em, và các cháu của con nhiễm virus Corona hết rồi. Con với Chúa đổi công cho nhau vậy, con ở đây giúp các bệnh nhân, còn Chúa về giúp cho gia đình của con với!”

Và tôi liên lỉ cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc với niềm tin Chúa luôn biết tôi cần gì trong lúc này. Tôi được sự động viên giúp đỡ hỏi thăm của các y bác sỹ, các bạn thiện nguyện viên…

Tình yêu thì sáng tạo đến vô tận. Tuy thời gian phục vụ đợt này của tôi chỉ được một tháng, nhưng lại mang đầy yêu thương của Chúa và mọi người. Tôi được cùng với các bệnh nhân đón mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh trong bệnh viện. Chúng tôi đã cùng với họ hát lên lời “Hát khen mừng Chúa Giáng Sinh ra đời…” hay những lời chúc Giáng Sinh an lành. Rồi cùng đón Tết dương lịch với họ, những tiết mục văn nghệ, những phần quà tuy nhỏ bé đơn sơ nhưng lại thấm đậm tình người.

Một năm đã qua đi với biết bao nhiêu buồn vui, nhưng đọng lại trong tôi là sự cho đi và nhận lại.

Tôi đã nhận được rất nhiều từ Chúa, Chúa cho tôi sức khỏe để phục vụ, Chúa cho tôi lời nói để biết động viên chia sẻ, Chúa cho tôi nụ cười để biết cười với mọi người, Chúa cho tôi sự cảm thông để biết yêu, biết cho đi. Cám ơn Chúa vì tất cả.

Cho đi thì ít, nhưng nhận lại thì rất nhiều. Nhìn các bệnh nhân nằm trên giường bệnh, người khỏe có, người yếu có, tuy họ mệt nhưng họ luôn nói lời cám ơn, luôn cười và đón nhận. Tôi học được nơi họ sự đón nhận trong mọi hoàn cảnh vui buồn, họ luôn sống cho giây phút hiện tại.

Một năm không mấy vui, không mấy bình an, nhưng không vì vậy mà mất đi niềm tin vào Chúa. Chúa luôn ở bên đồng hành nâng đỡ, Chúa luôn ở cùng, ở với và trong chúng ta. Như trong bài giảng nói về một Giáo Hội hiệp hành. Đức Tổng Nguyễn Năng nói “Hội Thánh hiệp hành là một Hội Thánh lên đường đi đến gặp gỡ các anh chị em của chúng ta, những người đang sống trong đau khổ, thiếu sự sống. Hội Thánh phải lên đường gặp gỡ, lắng nghe, phân định để giúp cho mỗi người anh chị em chúng ta có được ánh sáng của Chúa, có được sự sống của Chúa”.

Một tháng phục vụ tuy ngắn nhưng đọng lại trong tôi biết bao là ơn. Tạ ơn Chúa đã cho tôi có cơ hội để yêu Chúa cách sống động nơi những bệnh nhân, cho tôi cảm nhận được sự quan phòng yêu thương của Chúa. Cám ơn các bệnh nhân đã cho tôi nhận ra rằng: cho đi là lãnh nhận.

Đây là thời gian tôi được chạm đến Chúa thật sự nơi các bệnh nhân, một vị Thiên Chúa đang cần đến sự giúp đỡ của tôi, nói đúng hơn là những vị Chúa rất ư khó tính. Nhưng không vì vậy mà chúng tôi không yêu thương, không lo cho họ. Và ‘Cứ Yêu Khi Có Thể’, đừng để sau này phải hối tiếc…

Nt Maria Thu Nguyệt, NTBA (TGPSG)
(WGPSG)

BA HÌNH THỨC RỬA TỘI KHÁC NHAU TRONG HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

BA HÌNH THỨC RỬA TỘI KHÁC NHAU 
TRONG HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
 
Tác giả: Philip Kosloski
 
WGPQN (09.01.2022) - Trong Hội thánh Công giáo, có 3 hình thức rửa tội, nó cho chúng ta biết những người chưa được rửa tội có thể đến được cửa thiên đàng như thế nào.
 
Hội thánh Công giáo dạy : “Chính Chúa Giêsu khẳng định Bí tích Rửa tội là cần thiết để được cứu độ” (GLCG 1257). Khi nghe những chỉ bảo đó, hầu hết mọi người lập tức nghĩ đến tất cả những người chưa được rửa tội trên thế giới.
 
Có vẻ Thiên Chúa bất công và hà khắc, buộc nhiều người chưa đến được với Bí tích Rửa tội xuống địa ngục. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, Hội thánh đã dạy rằng rửa tội có ba “hình thức” khác nhau.
 
1. RỬA TỘI BẰNG NƯỚC
 
Rửa tội bằng nước là hình thức "thông thường" quen thuộc nhất mà chúng ta thấy.
 
“Tiếp đến là nghi thức chính yếu của bí tích : nghi thức dìm xuống nước biểu thị và thực hiện việc người dự tòng chết đối với tội lỗi và bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ nên giống Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua. Nghi thức Thánh Tẩy được thực hiện một cách có ý nghĩa trước nhất, qua ba lần dìm người dự tòng trong nước rửa tội. Nhưng từ xa xưa, bí tích có thể được trao ban bằng cách đổ nước ba lần trên đầu của người dự tòng” (GLCG 1239).
 
Cách rửa tội này bắt chước Chúa Giêsu trong Tin Mừng và là biểu thị cho việc được đắm mình trong đời sống ân sủng.
 
Phép rửa bằng nước không bảo đảm cho chúng ta một vé vào thiên đàng, nhưng nó đặt nền tảng cho ân sủng mà tất cả các kitô hữu có thể đón nhận hay từ chối. Nếu chúng ta chấp nhận thì Thiên Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta đi trên chính lộ, trong vòng tay yêu thương của Chúa.
 
2. RỬA TỘI DO LÒNG MUỐN
 
Hình thức rửa tội thứ hai này khó hiểu nhất và cũng là một trong những hình thức giải thích cởi mở nhất.
 
Ví dụ rõ ràng nhất về hình thức rửa tội do lòng muốn, tức là khi một người đang trên tiến trình nhận phép rửa nhưng không thể hoàn thành nó.
 
“Đối với những người dự tòng chết trước khi được rửa tội, nếu họ minh nhiên ước muốn được rửa tội, đồng thời sám hối tội lỗi và sống đức mến, thì họ được bảo đảm ơn cứu độ, dù chưa thể lãnh nhận bí tích” (GLCG 1259)
 
Tuy nhiên, điều này cũng bao gồm bất cứ ai có thể đã “khao khát” được rửa tội, ngay cả khi họ chưa hề biết gì về bí tích.
 
"Vì Chúa Kitô đã chết cho tất cả và vì mọi người chỉ có một ơn gọi cuối cùng là kết hợp với Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh, cách nào đó chỉ có Chúa biết". Bất kỳ ai, dù không nhận biết Tin Mừng và Hội Thánh của Chúa Kitô, nhưng tìm kiếm và thực thi ý muốn của Thiên Chúa theo sự hướng dẫn của lương tâm, có thể được cứu độ. Chúng ta có thể giả thiết họ sẽ khao khát lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, nếu họ biết đến sự cần thiết của bí tích này” (GLCG 1260).
 
Đây là hình thức rửa tội bao quát nhất, vì nó bao gồm bất kỳ ai khao khát được rửa tội “nếu họ biết đến sự cần thiết của bí tích này”. Cuối cùng điều đó phụ thuộc vào lòng thương xót của Thiên Chúa và quyết định của Ngài về việc người đó đã đi theo con đường đã vạch ra cho mình như thế nào.
 
Mấu chốt ở đây chính là người đó không biết được tầm quan trọng của phép rửa.
 
3. RỬA TỘI BẰNG MÁU
 
Sau rửa tội bằng nước, hình thức rửa tội này là rõ ràng nhất. Về cơ bản đó là khi một người chưa được rửa tội nhưng chết vì đức tin Kitô giáo.
 
“Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết vì đức tin mà trước đó chưa được rửa tội, thì coi như đã được thanh tẩy, vì đã chết cho Đức Kitô và với Đức Kitô” (GLCG 1258).
 
Dù không phải là một tín hữu, nhưng nếu bạn chết vì Chúa Kitô, thì điều chắc chắn đó là bạn đã “được rửa tội”.
 
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ từ aleteia.org (08.01.2022)
 
Nguồn: gpquinhon.org
(WHĐ) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 10.01.2022