Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

BA HÌNH THỨC RỬA TỘI KHÁC NHAU TRONG HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

BA HÌNH THỨC RỬA TỘI KHÁC NHAU 
TRONG HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
 
Tác giả: Philip Kosloski
 
WGPQN (09.01.2022) - Trong Hội thánh Công giáo, có 3 hình thức rửa tội, nó cho chúng ta biết những người chưa được rửa tội có thể đến được cửa thiên đàng như thế nào.
 
Hội thánh Công giáo dạy : “Chính Chúa Giêsu khẳng định Bí tích Rửa tội là cần thiết để được cứu độ” (GLCG 1257). Khi nghe những chỉ bảo đó, hầu hết mọi người lập tức nghĩ đến tất cả những người chưa được rửa tội trên thế giới.
 
Có vẻ Thiên Chúa bất công và hà khắc, buộc nhiều người chưa đến được với Bí tích Rửa tội xuống địa ngục. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, Hội thánh đã dạy rằng rửa tội có ba “hình thức” khác nhau.
 
1. RỬA TỘI BẰNG NƯỚC
 
Rửa tội bằng nước là hình thức "thông thường" quen thuộc nhất mà chúng ta thấy.
 
“Tiếp đến là nghi thức chính yếu của bí tích : nghi thức dìm xuống nước biểu thị và thực hiện việc người dự tòng chết đối với tội lỗi và bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ nên giống Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua. Nghi thức Thánh Tẩy được thực hiện một cách có ý nghĩa trước nhất, qua ba lần dìm người dự tòng trong nước rửa tội. Nhưng từ xa xưa, bí tích có thể được trao ban bằng cách đổ nước ba lần trên đầu của người dự tòng” (GLCG 1239).
 
Cách rửa tội này bắt chước Chúa Giêsu trong Tin Mừng và là biểu thị cho việc được đắm mình trong đời sống ân sủng.
 
Phép rửa bằng nước không bảo đảm cho chúng ta một vé vào thiên đàng, nhưng nó đặt nền tảng cho ân sủng mà tất cả các kitô hữu có thể đón nhận hay từ chối. Nếu chúng ta chấp nhận thì Thiên Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta đi trên chính lộ, trong vòng tay yêu thương của Chúa.
 
2. RỬA TỘI DO LÒNG MUỐN
 
Hình thức rửa tội thứ hai này khó hiểu nhất và cũng là một trong những hình thức giải thích cởi mở nhất.
 
Ví dụ rõ ràng nhất về hình thức rửa tội do lòng muốn, tức là khi một người đang trên tiến trình nhận phép rửa nhưng không thể hoàn thành nó.
 
“Đối với những người dự tòng chết trước khi được rửa tội, nếu họ minh nhiên ước muốn được rửa tội, đồng thời sám hối tội lỗi và sống đức mến, thì họ được bảo đảm ơn cứu độ, dù chưa thể lãnh nhận bí tích” (GLCG 1259)
 
Tuy nhiên, điều này cũng bao gồm bất cứ ai có thể đã “khao khát” được rửa tội, ngay cả khi họ chưa hề biết gì về bí tích.
 
"Vì Chúa Kitô đã chết cho tất cả và vì mọi người chỉ có một ơn gọi cuối cùng là kết hợp với Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh, cách nào đó chỉ có Chúa biết". Bất kỳ ai, dù không nhận biết Tin Mừng và Hội Thánh của Chúa Kitô, nhưng tìm kiếm và thực thi ý muốn của Thiên Chúa theo sự hướng dẫn của lương tâm, có thể được cứu độ. Chúng ta có thể giả thiết họ sẽ khao khát lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, nếu họ biết đến sự cần thiết của bí tích này” (GLCG 1260).
 
Đây là hình thức rửa tội bao quát nhất, vì nó bao gồm bất kỳ ai khao khát được rửa tội “nếu họ biết đến sự cần thiết của bí tích này”. Cuối cùng điều đó phụ thuộc vào lòng thương xót của Thiên Chúa và quyết định của Ngài về việc người đó đã đi theo con đường đã vạch ra cho mình như thế nào.
 
Mấu chốt ở đây chính là người đó không biết được tầm quan trọng của phép rửa.
 
3. RỬA TỘI BẰNG MÁU
 
Sau rửa tội bằng nước, hình thức rửa tội này là rõ ràng nhất. Về cơ bản đó là khi một người chưa được rửa tội nhưng chết vì đức tin Kitô giáo.
 
“Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết vì đức tin mà trước đó chưa được rửa tội, thì coi như đã được thanh tẩy, vì đã chết cho Đức Kitô và với Đức Kitô” (GLCG 1258).
 
Dù không phải là một tín hữu, nhưng nếu bạn chết vì Chúa Kitô, thì điều chắc chắn đó là bạn đã “được rửa tội”.
 
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ từ aleteia.org (08.01.2022)
 
Nguồn: gpquinhon.org
(WHĐ)