MÙA XUÂN THIỆN NGUYỆN
TGPSG -- Chị em chúng tôi đã lên đường đi đến bệnh viện để ở lại và chia sẻ mùa Xuân với những anh chị em đang phải quằn quại đau đớn vì mang trong mình con virút Corona.
Tết dân tộc là thời gian cho những người con xa nhà được trở về bên mái ấm gia đình, bên người thân yêu để sẻ chia nỗi niềm và chung vui trong những ngày đầu năm mới. Đó là những phút giây thật ý nghĩa, cảm động và ấm lòng.
Chúng tôi những tu sĩ, cũng có một mái ấm, cũng có những người thân yêu, cứ dịp Tết đến Xuân về, lòng chúng tôi lại rộn ràng để chuẩn bị cho chuyến đi thăm gia đình và người thân.
Tuy nhiên, năm nay với lời mời gọi yêu thương của mẹ Hội dòng, chị em chúng tôi ở lại chia sẻ niềm vui năm mới cùng chị em trong Hội dòng.
Và không chỉ dừng lại ở niềm vui cá nhân hay niềm vui riêng của cộng đoàn, chị em chúng tôi đã lên đường đi đến bệnh viện để ở lại và chia sẻ mùa Xuân với những anh chị em đang phải quằn quại đau đớn vì mang trong mình con virút Corona.
Đối với tôi, mùa Xuân năm nay mang bao cảm xúc, có vui, có buồn, có cả những lúc lòng thắt lại khi nhìn thấy ông bà, cô bác anh chị đau đớn trên giường bệnh. Nỗi buồn Tết xa nhà của tôi sánh sao được với hoàn cảnh đáng thương của các bệnh nhân covid; họ buồn và đau đớn vì căn bệnh hoành hành, buồn vì không có gia đình bên cạnh ủi an những lúc khó khăn này, buồn vì cô đơn, tủi thân, buồn vì không biết mình có cơ hội để trở về bên gia đình không. Chính vì thế, điều họ cần hơn hết bây giờ là tình yêu, sự sẻ chia và đỡ nâng tinh thần.
Chúng tôi, những tu sĩ thiện nguyện tạm gác qua một bên những nỗi nhớ xa nhà để đến với các bệnh nhân Covid, với mong ước được chia sẻ một chút những điều mà họ đã, đang và sẽ phải trải qua.
Công việc của chúng tôi không quá khó khăn, chỉ đơn giản là giúp các hộ lý vệ sinh cho bệnh nhân, thay drap giường, giúp bệnh nhân ăn uống và thăm hỏi sức khỏe. Nhưng đúng là không có phương thuốc nào tốt hơn cho bằng tinh thần khỏe. Tôi thấy rõ được niềm vui trong ánh mắt của các bệnh nhân khi chúng tôi tiếp xúc và giúp đỡ họ. Tôi cảm nhận thấy rằng đôi khi niềm vui và hạnh phúc giữa người với người không chỉ qua những câu nói ngọt ngào mà qua chính hành động và sự ân cần, bởi chỉ có trái tim mới chạm được vào trái tim.
Thực sự mà nói, ngày đầu tiên bước chân vào trong những căn phòng bệnh của bệnh viện, tôi cảm thấy ngộp với quá nhiều máy móc, với đủ mọi tiếng “tít, tít, tít…” và nhất là những tiếng kêu đau đớn của bệnh nhân. Các bệnh nhân - già có, trẻ có, người gầy có, người quá cỡ cũng nhiều và cả những người xăm trổ đầy mình - mỗi người mỗi khác, mỗi người một điều kiện, một gia cảnh, người thành phố, người dân quê, nhưng khi vào đây thì ai cũng như ai. Ai cũng chỉ có vỏn vẹn một tấm drap giường, một chiếc gối, một chiếc khăn đắp, và chỉ hơn nhau ở chỗ trên người lắp đặt nhiều dây, nhiều ống hơn! Quả thật, cuộc sống cứ trôi qua nhưng không ai lường trước được điều gì sẽ đến với mình.
Tôi nhận thấy, không chỉ chị em chúng tôi, mà từ các bác sĩ đến những anh chị điều dưỡng, các hộ lý… đều rất tận tình quan tâm chăm sóc, hỏi han và ân cần cung cấp thuốc thang cho các bệnh nhân. Một phần vì cuộc sống mưu sinh, nhưng phần lớn chính là tình yêu thương muốn chia sẻ cho các bệnh nhân, nên cho dù những ngày Tết dân tộc đang cận kề, cho dù cũng có gia đình và người thân, họ vẫn miệt mài hết mình với công việc chăm sóc bệnh nhân. Chúng tôi được biết các nhân viên ở đây làm tăng ca để có chút thời gian về bên gia đình trong dịp đầu Xuân. Chỉ thoáng nghe những điều này thôi cũng làm lòng tôi thổn thức.
Khi động viên trò chuyện với bệnh nhân, có một chú lên tiếng “không cần về Tết sơ ơi, tôi chỉ cần được về nhà thôi”. Câu nói này này làm lòng tôi nhói đau. Tôi đau không vì họ phải xa nhà trong dịp Tết, nhưng tôi đau vì nghĩ rằng việc trở lại gia đình của các cô chú ở đây là rất khó, bởi nhiều phần thân thể của họ đã gần như chết rồi. Tôi không dám để cho những giọt nước mắt chảy ra, vì như thế sẽ không tốt khi các cô chú nhìn thấy. Từng ngày, từng ngày, chúng tôi luôn cố gắng để giúp họ nuôi hy vọng dù chỉ là một chút.
“Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, đem trông cậy vào nơi thất vọng, tìm an ủi hơn được ủi an, tìm yêu mến hơn được mến yêu, vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh…”. Tạ ơn Chúa, nhìn lại mới thấy, không về Tết không phải là rủi mà lại là một cơ hội thật tuyệt vời cho chị em chúng tôi được thực sự chạm đến vị Thầy Giêsu sống động nơi chính những anh chị em bệnh nhân.
Ngỡ rằng khi đến với họ, chúng tôi sẽ trao gửi cho họ điều gì đó, nhưng không, chính chúng tôi là những người nhận lãnh lại nhiều điều hơn bao giờ hết. Chúng tôi nhận lại được niềm hạnh phúc khi thấy họ vui. Chúng tôi học được sự chịu thương chịu khó, sự cho đi nơi các nhân viên y tế, học được sự can đảm chịu đựng những đớn đau và vượt lên chính mình nơi nhiều bệnh nhân.
Mọi mệt mỏi trong công việc như tan biến khi chúng tôi nhìn thấy những nụ cười tươi, những tiếng nói rộn ràng của các bệnh nhân, bởi những nụ cười và niềm vui đó cho chúng tôi một niềm tin rằng họ vẫn ổn và hy vọng họ có cơ hội được rời nơi này về với gia đình.
Cô phó khoa khu điều trị đặc biệt Covid có chia sẻ với chúng tôi trước khi nhận ca “Bệnh viện thật may mắn khi có các tu sĩ đến đây trợ giúp, các thầy các sơ làm tốt lắm, các bệnh nhân lên tinh thần rất nhiều, điều này rất quý, bởi họ không có ai bên cạnh những lúc đau đớn. Cảm ơn các sơ và các thầy nhiều”. Không hãnh diện vì những câu nói đó, nhưng một lần nữa, chúng tôi cảm thấy được nhắc nhở mình có sứ mạng đem niềm vui Tin Mừng đến với anh em, như Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”.
Ước chi chính những hy sinh nhỏ bé của chúng tôi trong mùa xuân này đem lại chút niềm vui và hy vọng cho những người chúng tôi gặp gỡ, đặc biệt là các bệnh nhân chúng tôi trực tiếp chăm sóc.
Nhóm 7 Sắc Cầu Vòng (TGPSG)
Bệnh viện Chợ Rẫy (WGPSG)