Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

NHỮNG CÁNH MAI TRẮNG

NHỮNG CÁNH MAI TRẮNG

TGPSG -- Những cánh mai trắng ấy đã biến bầu không khí u ám, tuyệt vọng, cô đơn trong bệnh viện thành nơi đón Tết đượm ân tình, thắm niềm vui.

Với bầu không khí se lạnh của mùa xuân, những cánh hoa mai đua nhau khoe sắc, trước làn gió rung rinh dịu dịu. Trên đường phố người người vui đón xuân, các thiếu nữ xúng xính trong những bộ y phục màu sắc rực rỡ, lung linh trong nắng Xuân. Năm mới Tết đến, nhà nhà, ai ai cũng mong được hạnh phúc, bình an. Người người đang xua tan những nỗi lo lắng, sợ hãi và buồn đau trong năm vừa qua, để cùng người thân vui đón Tết cổ truyền, cùng quây quần bên nhau, chia sẻ những câu chuyện to nhỏ buồn vui…

Tết năm nay, bên cạnh những gia đình đón Tết trong niềm vui sum vầy với những cánh mai vàng khoe sắc, thì có những cánh mai trắng âm thầm chiến đấu cùng với các bệnh nhân Covid. Các bệnh nhân đang phải đối diện với biết bao nỗi sợ, cô đơn và đau đớn cả tinh thần lẫn thể xác. Có lẽ những cánh mai trắng ấy chỉ được tìm thấy trong các bệnh viện mùa đại dịch Covid này. Vâng! Đó chính là các y bác sĩ, các nhân viên y tế, và khuôn mặt các tu sĩ thiện nguyện của Chúa Kitô.

Thay cho bộ áo đẹp ngày xuân, họ khoác trên người bộ đồ bảo hộ trắng kín mít, nóng nực, cùng đón tết với các bệnh nhân không người thân bên cạnh. Các bệnh nhân đã chờ đợi, mong ngóng mau khỏe để về vui xuân với gia đình nhưng không thể.

Trong đêm giao thừa, tiếng kêu tít… tít… của máy trợ phổi, trợ tim thay cho tiếng pháo nhộn nhịp của một năm mới. Những tiếng thở não nề thay cho lời chào mừng. Những thân thể đau nhức thổn thức cùng giờ khắc chuyển mình linh thiêng của giây phút giao thừa… Một đêm giao thừa lạ lùng cùng một cái Tết lạ kì.

Sắc mai vàng vẫn tô điểm trong các ngõ ngách của bệnh viện dã chiến, nhưng nó chẳng thể khỏa lấp được vẻ đẹp của những cánh mai trắng túc trực hàng giờ, hàng ngày suốt cái Tết này. Gác lại chuyện gia đình, rời xa người thân, những cánh mai ấy vẫn âm thầm chăm sóc từng bệnh nhân một cách tận tình. Bỏ lại sau lưng những cuộc đoàn tụ, gặp gỡ, bỏ ngoài tai những điệu hát câu hò đầu năm, những cánh mai ấy đến với từng bệnh nhân chúc mừng, an ủi và san sẻ niềm vui nhỏ nhoi của cái tết Nhâm Dần này. Và nhờ thế, những cánh mai trắng ấy đã biến bầu không khí u ám, tuyệt vọng, cô đơn trong bệnh viện thành nơi đón Tết đượm ân tình, thắm niềm vui.

Dù không được đón cái tết “bình thường mới” với những người thân, bên những người bạn và hàng xóm láng giềng, nhưng ở nơi đầy “cô Vy”, ai ai cũng cảm nhận được dư vị của tình thân cùng những người xa lạ. Cô Vy vô tình đẩy các bệnh nhân vào tình thế ngặt nghèo, vào hoàn cảnh cô đơn, nhưng những cánh mai trắng đã giúp họ tìm thấy niềm ủi an, san sẻ cho họ bình an và niềm hy vọng chan hòa.

Và tôi, một cánh mai trắng, cũng vơi đi nỗi nhớ nhà, cũng bớt lại sân si, để cho đời mình thêm những trải nghiệm đặc biệt, thêm những niềm vui lạ kì. Những trải nghiệm, những niềm vui chỉ có thể cảm nhận nhờ lời đáp trả trước tiếng mời gọi của Chúa: “Hãy đến với anh chị em con.”

Maria Nguyễn Tuyền - TNV Dã chiến Tân Bình (TGPSG
(WGPSG) 

ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN KON TUM ĐẾN THĂM GIÁO HỌ SA LOONG


ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN KON TUM 
ĐẾN THĂM GIÁO HỌ SA LOONG

Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn

WGPKT (08.02.2022) - Sáng ngày 07/2/2022, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum, cùng với Cha GB Hồ Quang Huyên, quản lý giáo phận, đến thăm Cộng đoàn các Cha Đa Minh và giáo Họ Sa Loong. Buổi gặp gỡ có mặt Cha Giuse Hà Đăng Hội, Bề trên Tu Xá Đa Minh Kon Tum, Cha Antôn Phạm Minh Châu, Phụ trách Cộng đoàn Đa Minh Đăk Mot, Cha GB Đỗ Thanh Tùng, Chính xứ Giáo xứ Đăk Mot, đồng thời có bà Sự, vợ của ông trùm Trung, trong giáo họ Sa Loong.

Cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP không còn nữa. Giáo phận vô cùng đau buồn và tiếc nuối về sự mất mát quá lớn này. Mỗi một chúng ta hẳn sẽ nghẹn ngào, nhói lòng khi nghĩ về sự ra đi của người anh em của chúng ta; chúng ta tin tưởng, phó thác nơi Đức Giêsu Kitô, ánh sáng của sự thật: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Sau khi đến nơi sự việc xảy ra, tiếp xúc thực tế những người có mặt tại hiện trường, hỏi thăm và trao đổi với những người có mối liên hệ với người gây án, là anh Nguyễn Văn Kiên.

Qua trao đổi thì được biết thêm anh Kiên là người mê số đề đi đến chỗ nợ nần nghiêm trọng và bị “thất tình” vì không có cô gái nào muốn làm bạn với anh. Nhưng cũng chưa biết động lực nào đã đưa anh đến chỗ sát hại Cha Giuse.

Sau cuộc gặp gỡ trên, Đức Cha và các Cha đến nhà nguyện Giang Lố 2- Sa Loong, gặp mặt bà con giáo dân, chia buồn, nói lời an ủi, trấn an bà con, và cùng thắp hương (nhang), đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Cha Giuse Trần Ngọc Thanh. Tiếp đến, Đức Cha lắng nghe những ý kiến của những người trực tiếp có mặt trong buổi chiều cha Thanh bị sát hại. Sau đó Đức Cha ghé thăm nhà thờ Đăk Mot và về Toà Giám Mục.

Theo lời kể của Thầy Giáo, thuộc dòng Đa Minh, đang giúp tại Giáo họ Sa Loong, khi thấy sự việc xảy ra, thầy đến để ngăn anh Kiên lại, anh Kiên vung dao chém gãy luôn cái ghế trên tay thầy, lúc đó thầy chạy lánh đi, nhưng khi nhìn lại ở đó còn nhiều em nhỏ, thầy sợ anh ta sẽ thảm sát các em nên đã quay lại, phó thác cho Chúa, thầy đã vật anh ta xuống. Khi đó có một số bà con chạy vào, thấy tình cảnh như vậy đã đánh anh Kiên, nhưng thầy Giáo đã can ngăn và nhắc mọi người không được đánh, chỉ giữ anh ta lại mà thôi.

Sự ra đi của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là một mất mát lớn cho Giáo Phận, cho Dòng Đa Minh và cho những người thân yêu của Cha. Từ đây, Giáo Phận mất đi một cánh tay đắc lực cho việc phục vụ giáo dân và cho việc truyền giáo trên vùng Tây Nguyên Kon Tum này.

Xét về mặt xã hội và luật pháp, đây là một vụ án, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ và có kết luận. Chúng ta chỉ tìm hiểu sự việc và đưa ra thông tin về những diễn biến thực tế tại hiện trường, cũng như lời kể của những người chứng kiến và người thân quen biết với đối tượng gây án thuật lại.

Về mặt tôn giáo, chúng ta nhất quyết lên án những hành động bạo lực, xấu xa. Chúng ta mạnh mẽ bác bỏ sự dữ. Còn con người, chúng ta phó thác cho Lòng Thương Xót của Chúa. Chắc chắn Chúa phân xử trong ngày phán xét, “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16, 27). Vâng, chúng ta được mời gọi sống yêu thương, tha thứ, gạt bỏ những bất đồng, thù hận và hãy cầu xin cho người phạm tội biết ăn năn sám hối.

Trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Cha trên trời, cộng đoàn chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn Linh mục Giuse về hưởng nhan thánh Chúa. Cũng cầu xin Chúa nâng đỡ tất cả Quý Cha, Quý Soeurs trong toàn Giáo phận, cho những người con của Đăk Mot, cũng như cho mỗi người chúng ta luôn sống mạnh mẽ trong Đức Tin và vững vàng nơi lý trí như Đức Gioan Phaolô II viết Trong thông điệp Fides et Ratio (Đức tin và Lý trí): “Đức tin và Lý trí như đôi cánh giúp con người vươn cao trong chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã đặt trong tâm con người ước vọng tìm kiếm chân lý, để rồi cuối cùng con người nhận biết Thiên Chúa, ngõ hầu thấu đạt sự thật về mình một cách đầy đủ”.

(WHĐ)

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 5 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 08.02.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

CÁI TẾT CHƯA TRÒN...


CÁI TẾT CHƯA TRÒN...

TGPSG -- Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam ta đã đến với những cánh én, cành mai, hoa đào nở rộ, báo tin mùa Xuân về. Nhưng Tết năm nay rất khác so với cái Tết mọi năm. Bầu khí Tết có, nhưng không phải nhà nhà người người đều có cái Tết bình yên và tròn đầy.

Tết là ngày đoàn tụ con cháu trong gia đình, nơi sum họp đầy đủ các thành viên và cũng là ngày báo hiếu ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, Tết năm nay xem ra chưa tròn đầy khi đại dịch bùng phát, để lại bao mất mát, bao đau thương cho nhiều gia đình.

Tôi được phép về thăm gia đình vào dịp Tết này. Nhìn vào gia cảnh của một số gia đình nơi gia đình tôi sống, tôi thấy mình may mắn khi được đón cái Tết có đầy đủ các thành viên trong gia đình; tiếng cười nói vẫn rộn vang. Nhưng tôi nghẹn lòng khi thấy nhà hàng xóm bên cạnh tôi vẫn cửa đóng then cài như không có ai ở, mà thật ra vẫn có người. Tôi cùng mẹ tôi qua thăm Bác để chúc Tết, cũng để xoa dịu nỗi buồn khi cái Tết chỉ có mình Bác. Con và Bác gái đã ra đi vì đại dịch.

Tôi nghe mẹ kể: “Thương Bác lắm, hai tuần trước thấy nhà Bác giăng dây và có bảng thông báo: ‘Nhà này bị F0’. Mấy ngày sau thấy xe cứu thương đậu trước nhà Bác, và khoảng một tuần sau, họ báo tin Bác gái và con trai của Bác đã mất.” Một cái Tết không tròn.

Và mẹ tôi kể tiếp: “Còn gia đình bé Thảo mới đáng thương. Mẹ mới mất thì một tuần sau ba mất vì covid. Nay bé phải sang ở với ngoại.” Một cái Tết không tròn.

Hay gia đình chú thím Thanh cũng vậy: Thím đi làm công ty bị nhiễm nên phải đi cách ly. Một cái Tết chưa tròn.

Và còn, còn rất rất nhiều gia đình đón một cái Tết ‘không tròn đầy’.

Dẫu rằng cuộc sống đã ‘bình thường mới’, nhưng đại dịch vẫn đang hoành hành trong mọi ngõ ngách, tiếng còi xe cứu thương vẫn hú vang đường chở các bệnh nhân bị nhiễm, và chắc hẳn gia đình của họ lúc này cũng không có cái Tết tròn đầy. Thương, thương lắm!!!

Hiện nay các ca nhiễm vẫn còn, nên lực lượng các y bác sĩ và các nhân viên y tế cũng không có cái Tết tròn đầy. Tết đến, ai cũng mong muốn được về nhà, được đoàn tụ bên gia đình, cùng được ăn cơm với các con, được cùng với gia đình đón Tết. Thế nhưng, họ vì “tình người” và tình đồng loại đã hi sinh rất nhiều, quên đi niềm vui của mình mà chỉ mong muốn đem niềm vui và hạnh phúc cho người khác.

Tôi rất biết ơn và cảm phục những nghĩa cử cao đẹp mà các y bác sĩ, các nhân viên y tế, các anh chị điều dưỡng và những con người đang âm thầm phục vụ tại các bệnh viện dã chiến. Họ đã để lại trong tâm trí tôi một hình ảnh rất đẹp, đó là sự cho đi một cách quảng đại không tính toán, một nghĩa cử âm thầm nhưng mang lại hạnh phúc cho nhiều người.

Tôi chỉ biết cầu nguyện và xin Thiên Chúa là Chúa của mùa Xuân ban cho các gia đình biết quý trọng những giây phút còn ở bên nhau, biết quan tâm đến nhau, biết trân quý những mối quan hệ trong tình bằng hữu với nhau…

Nt Têrêsa Maria Nguyễn Thành CMR (TGPSG
(WGPSG)

KHI CON NGƯỜI CÓ NGUY CƠ TRỞ THÀNH “SẢN PHẨM CỦA MẠNG XÃ HỘI”

KHI CON NGƯỜI CÓ NGUY CƠ TRỞ THÀNH 
“SẢN PHẨM CỦA MẠNG XÃ HỘI”
John Toại, MI
 
WHĐ (07.02.2022) - Mahatma Gandhi từng nói “con người là sản phẩm của những gì mình đã suy nghĩ, những gì mình nghĩ mình sẽ trở thành.” Có lẽ câu nói trên vẫn còn rất đúng với chúng ta hôm nay, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, những gì đang thật sự ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ, đã suy nghĩ trong một thời đại bùng nổ về thông tin và mạng xã hội mà chúng ta đang sống?
 
Bạn có thể làm một phép thử bằng cách dạo một vòng quanh thành phố, hoặc bước sang nhà hàng xóm để quan sát! Bạn thấy gì? Bạn có thể thấy bác bảo vệ đang mải mê chăm chú vào chiếc điện thoại và chẳng mảy may ngước nhìn lên cho đến khi bạn phải lên tiếng, và rồi sẽ vội vã quay lại chiếc điện thoại như đang sợ mình sẽ bỏ sót cái gì đó quan trọng! Bạn cũng có thể thấy bà bán hàng tạp hóa ngồi ôm chiếc điện thoại bấm bấm quẹt quẹt, rồi cười một mình, vội vã bán cho bạn một món đồ gì đó cho nhanh rồi quay lại với chiếc điện thoại! Bạn cũng có thể bắt gặp người thanh niên dừng trước đèn đỏ vội vàng rút điện thoại ra chăm chú đọc qua vài hàng chữ gì đó trên Facebook của anh ta và vội vàng nhét vào túi quần để rồ ga chạy tiếp khi nghe tiếng còi inh ỏi từ phía sau. Và thế đó người đi xe buýt cũng như người chờ xe, bà bán hàng rong cũng như một người làm nhân viên văn phòng... và có thể là mỗi người chúng ta nữa... gần như lệ thuộc vào chiếc điện thoại, nhưng nó sẽ chẳng có gì là lạ nếu chiếc điện thoại đó chỉ dùng để nghe và gọi, nhưng thật sự là chính nội dung trên mạng xã hội mà mỗi chúng ta muốn xem.
 
Có thể chúng ta tự hỏi, họ xem cái gì trên đó và họ học được gì? Khi viết bài này, tôi đã làm một phép thử bằng cách rảo quanh các nơi xem mọi người đang chú ý vào cái gì trên điện thoại? Và tôi nhận thấy những mạng xã hội được dùng nhiều nhất là Facebook, YouTube, Zalo, là Instagram và TikTok!
 
Làm một nghiên cứu tôi cũng nhận được một kết quả tương tự, theo trang Datareportal, tính đến tháng 1 năm 2021, Trên tổng số dân là 97,75 triệu người, Việt Nam có 68,72 triệu người dùng Internet, và số lượng tài khoản mạng xã hội là 72 triệu người dùng (media users), có 154,4 triệu người dùng điện thoại di động. Trang Napoleoncat ước tích có khoảng 76 triệu người dùng Facebook tại Vietnam.[1]
 
Các mạng xã hội được dùng nhiều nhất tại Việt Nam xếp theo thứ tự là YouTube (92%), Facebook (91,7%) , Zalo (76.5%), Facebook messenger (75.8%); Instagram (53.5%) và TikTok (47.6%)[2]
 
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là mạng xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta thế nào?
 
ThS giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh vừa tư vấn cho một ca nghiện điện thoại. Chị kể: “Đó là một bé gái 9 tuổi có khuôn mặt đẹp như thiên thần. Gia đình bé cho biết từ nhỏ tới giờ bé rất ngoan và hiền. Lần đó, mẹ bé đi công tác nên nhờ bà ngoại lên chăm.
 
Giờ ăn, gọi mãi cháu mới xuống nhưng thấy cháu không ăn mà cứ chăm chú vào cái điện thoại - bà mới giằng cái điện thoại ra. Không ngờ cô cháu gái mà bà cưng chiều, chăm bẵm từ bé đã táng nguyên tô cơm vào mặt bà”...
 
Trên đây là câu chuyện đã được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ vào đầu tháng 2 năm 2021, ở thời điểm có rất nhiều câu chuyện đã được đề cập đến về vấn nạn nghiện thiết bị công nghệ và mạng xã hội ở trẻ nhỏ đang ngày càng gia tăng chóng mặt.
 
Với tốc độ truyền thông không tưởng và đem lại nhiều giá trị hữu ích, các thiết bị công nghệ cùng các nền tảng mạng đã trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu, là thước đo cho một xã hội văn minh và phát triển. Nhưng hiển nhiên, bất cứ điều gì mang đến những cơ hội đều đi kèm những thách đố riêng của nó. Mỗi ngày, chúng ta phải tiếp nhận, xử lý và phân định rất nhiều luồng thông tin đa dạng khác nhau, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tích cực đến tiêu cực do nhiều thông tin trái chiều mang lại. Vậy đâu là lứa tuổi đúng mức và thích hợp để có thể tiếp cận với nền tảng công nghệ hiện đại này, khi có rất nhiều tác động và hậu quả tiêu cực trong tâm lý, trong việc kiểm soát cảm xúc và hành vi ở trẻ nhỏ được biết đến bởi sự tiếp cận quá sớm và không phù hợp đối với các loại thiết bị điện thoại thông minh cùng các ứng dụng mạng xã hội ảo?
 
Trong những năm gần đây, các kỹ sư phần mềm, các nhà khoa học dữ liệu và các chuyên gia hoạch định nội dung đã áp dụng những thuật toán (algorithms) cụ thể để tạo ra các công cụ tìm kiếm (Google, Ping,..) và các nền tảng mạng xã hội nhằm phân tích, đo lường và tạo ra những chuỗi xử lí phù hợp với những thói quen của người dùng, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và kích thích các tế bào thần kinh giải phóng hormone dopamine (“hormone hạnh phúc”). Mục tiêu của thuật toán là mang đến cho người dùng những điều mà họ có xu hướng thích hoặc đang tìm kiếm. Chúng ta hiểu rằng, những gì chúng ta thấy trên các trang mạng xã hội mà mình lướt mỗi giờ đều không xuất hiện một cách tình cờ.
 
Nhịp sống nhanh ngày nay cho thấy có rất nhiều gia đình, nhiều bậc phụ huynh đã để con trẻ tiếp cận với các thiết bị thông minh, mạng xã hội quá sớm mà không lường trước được việc có thể dẫn đến hậu quả gây nghiện mang tính hành vi. Trên thực tế, đời sống ảo rất thu hút, dễ lôi cuốn và tạo nên cảm giác gây nghiện. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra phần lớn thời gian mỗi ngày để tham gia các trang mạng xã hội. Nguyên nhân dẫn đến nghiện các thiết bị công nghệ và mạng xã hội bắt nguồn từ nhu cầu được thuộc về, được kết nối với những tương tác ảo và được thể hiện bản thân. Dần dà, người dùng không còn đủ sáng suốt, có những hành vi bất chấp mọi cách để được đáp ứng nhu cầu giải tỏa cơn nghiện. Vì vậy, thách đố đặt ra là làm sao cai nghiện thiết bị công nghệ điện tử, các trang mạng xã hội này, lôi kéo sự thu hút của người dùng ra khỏi những loại hình công nghệ nhằm lập lại sự cân bằng giữa đời sống thật và ảo.[3]
 
Song Đề Xã Hội (The Social Dilemma - 2020) là một bộ phim tài liệu tổng hợp những cuộc phỏng vấn được thực hiện với những kỹ sư phần mềm, nhà sáng lập, phát triển nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, Youtube,... hầu hết đều nêu ra những kết luận về cảm nghiệm hối tiếc khi đã góp phần đẩy con người rơi vào một loại hình nghiệp ngập hiện đại và tinh vi, đánh mất sự tự chủ, bị ràng buộc và dần trở thành sản phẩm của mạng xã hội cũng như các thiết bị công nghệ. Sự mất cân bằng này tạo nên một xã hội phân cực khi tốt và xấu khó được phân định, con người có xu hướng hoàn toàn nghiêng về một thái cực mà không có cái nhìn đa chiều tổng thể khi nhận định về một sự vật, sự việc nào đó.
 
Sean Parker, chủ tịch sáng lập của Facebook, vào tháng 10/2019 khi phát biểu trong một hội nghị ở Philadelphia rằng đối với mạng xã hội, ông như “một kẻ đào ngũ vì thấy lương tâm cắn rứt”. “Quá trình suy nghĩ dẫn đến việc xây dựng các ứng dụng này đều xoay quanh việc: ‘Làm thế nào chúng tôi bắt bạn tiêu tốn nhiều thời gian và sự chú ý có ý thức hết mức có thể?' Điều đó có nghĩa là chúng tôi thỉnh thoảng phải cho các bạn một liều dopamine nhẹ dưới dạng một ai đó thích hay bình luận dưới bức ảnh hay bài đăng của bạn. Và điều đó sẽ khiến bạn đóng góp thêm nội dung, và lại tiếp tục nhận được nhiều lượt thích và bình luận hơn, ông nói. “Đó là một vòng lặp phản hồi xác minh xã hội... chính xác là thứ mà một hacker như tôi sẽ nghĩ ra, vì bạn đang khai thác một điểm yếu trong tâm lý con người. Những nhà sáng chế hoàn toàn hiểu được điều này và vẫn cứ tạo ra những nền tảng đó.”[4] (Nguồn: Alex Hern - The Guardian)
 
Vì vậy, dù không thể chối bỏ những thành tựu và lợi ích mà các thiết bị công nghệ cùng các ứng dụng mạng xã hội đem lại như việc kết nối cập nhật thông tin diễn biến của thế giới, xã hội cũng như người thân bạn bè, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu học tập, chúng ta cũng cần luôn cẩn trọng trong việc sử dụng mạng xã hội. Làm sao để giữ được sự đối trọng, quân bình với đời sống thực tại, sáng suốt để phân định được đâu là lợi ích và tác hại lâu dài có thể dẫn đến khi sử dụng chúng.
 
Theo các nghiên cứu trong giới trẻ Châu Á hiện nay, trung bình một người trẻ có khoảng 8,6 các tài khoản nền tảng mạng xã hội khác nhau (Twitter, Facebook, Youtube, Snapchat, Wechat, TikTok, Instagram, Linkedln,...) Đặc biệt, người trẻ dành ít nhất 2 tiếng trong ngày để hoạt động trên các trang mạng xã hội này. Như vậy, với một người ở độ tuổi 16 từ lúc bắt đầu tiếp cận và sử dụng chúng cho đến khi 64 tuổi, bình quân tổng thời gian hao phí cho internet và các nền tảng này chiếm hơn 5 năm cuộc đời, một lượng thời gian rất phí phạm và không thực sự đem lại nhiều giá trị hữu ích. Thậm chí gần đây, trang VnExpress còn trích lại nghiên cứu cho biết Việt Nam nằm trong số những quốc gia dẫn đầu Châu Á về việc sử dụng mạng xã hội. Người Việt Nam dành trung bình gần 7 giờ một ngày cho mạng xã hội và internet, riêng mạng xã hội trung bình người Việt Nam dành 2 giờ 21 phút mỗi ngày để kết nối.[5] Điều đó cho thấy chất lượng cuộc sống và công việc của chúng ta hôm nay bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.
 
Hơn nữa, vấn nạn nghiện mạng xã hội là kết quả của phương cách vận hành như một thủ thuật “hack” tâm lý khi các nền tảng này có thể theo dõi hành vi của người dùng, từ đó tạo nên việc định hướng hành vi. Người sử dụng trong vô thức trở thành người mất sự tự do của chính mình, bị điều khiển và lệ thuộc vào các sản phẩm công nghệ cũng như mạng xã hội.
 
Với Adam Alter, một nhà tâm lý học kiêm tác giả của Irresistible (tạm dịch: Không thể cưỡng lại), một khảo cứu về mức độ nghiện công nghệ, điều đó gần như không liên quan đến việc mạng xã hội khiến bạn thấy hạnh phúc hay buồn bã trong ngắn hạn. Vấn đề ở tầng sâu hơn là việc sử dụng của bạn có tính cưỡng chế - thậm chí là gây nghiện.[6]
 
“Khái niệm nghiện được áp dụng ở diện rộng hơn nhiều, và với nhiều hành vi hơn chúng ta từng nghĩ, và do đó cũng áp dụng với nhiều người hơn trong xã hội,” Alter chia sẻ. “Có khoảng một nửa dân số trưởng thành có ít nhất một sự nghiện ngập mang tính hành vi. Không nhiều người trong chúng ta nghiện ma túy, nhưng cách thế giới vận hành ngày nay dẫn đến rất nhiều hành vi mà chúng ta khó cưỡng lại được, và rất nhiều người trong số chúng ta hình thành những sự ràng buộc hạ thấp bản thân với những hành vi gần với hoặc trở thành những cơn nghiện.” Sự nghiện ngập này không ngẫu nhiên xảy ra. Thay vào đó, chúng là kết quả trực tiếp từ ý định của các công ty tạo ra những sản phẩm này, khiến chúng ta muốn quay lại hết lần này đến lần khác.
 
“Các công ty đang sản xuất những sản phẩm này, cụ thể là những công ty công nghệ lớn, đang sản xuất chúng với ý định làm cho chúng ta nghiện. Họ làm hết mình để bảo đảm rằng không chỉ hạnh phúc của chúng ta được bảo toàn, mà chúng ta cũng sẽ dành thời gian cho các sản phẩm, chương trình và ứng dụng của họ nhiều hết mức có thể và từ đó thu về lợi nhuận.”
 
“Điều mà Parker và Palihapitiya nói là những công ty này đã được thành lập trên những nguyên tắc nên làm mọi điều có thể để xâm nhập vào tâm lý con người, hiểu được điều gì cuốn hút họ và sử dụng những kỹ thuật đó để tối đa hóa sự ràng buộc thay vì tối đa hóa hạnh phúc.”[7]
 
Một khi con người được tự do tiếp cận được với nhiều luồng thông tin trên các trang mạng, tệ nạn tin giả (fake news) từ đó cũng ngày một được lan truyền, nhân rộng và khó phân định. Các nền tảng mạng xã hội tối đa hóa phạm vi tiếp cận của những nội dung nhạy cảm, các cuộc tấn công, thông tin sai lệch, các thuyết âm mưu để thu hút sự quan tâm. Cách hoạt động này đang đẩy người dùng vào thế giới thông tin tiêu cực, gây ảnh hưởng đến đời sống của cá nhân cũng như xã hội. Những thông tin sai lệch về một cá nhân hoặc tổ chức, sự việc nào đó thúc đẩy sự hiểu lầm, căm ghét, tạo nên thù hận. Đặc biệt là với đối tượng trẻ nhỏ (dưới 14 tuổi), độ tuổi chưa đủ khả năng để phân định được những thông tin đúng sai, chưa thể tự bảo vệ mình, vì thế dễ dàng trở thành đối tượng của những vấn nạn đe dọa “bắt nạt ảo” (cyberbullying) vì trục lợi, hoặc nguy hiểm hơn là những hoạt động phạm pháp như tệ nạn khiêu dâm trẻ em, dễ bị lôi kéo vào những hoạt động tính dục sai lệch ở độ tuổi rất sớm,... gây ảnh hưởng đến sự an toàn tính mạng của chính bản thân cũng như gia đình, khiến nạn nhân nhận lấy vô số những tổn thương về mặt tâm lý.
 
Sản phẩm của Mạng Xã Hội:
 
Các sản phẩm công nghệ và ứng dụng mạng xã hội dễ dàng gây nghiện bởi độ phổ biến hơn, được cộng đồng chấp nhận rộng rãi và gần như là hoàn toàn miễn phí. Khi chúng ta sử dụng chúng, mọi người luôn hiểu đó là sản phẩm công nghệ được tạo ra để phục vụ nhu cầu, mục đích của con người. Tuy nhiên, chính sự “miễn phí” của mạng xã hội là một sự thu hút, hấp dẫn để người dùng theo thời gian dần cảm thấy yêu thích, dành thời gian cho các nền tảng này và dẫn đến việc trở thành đối tượng bị lệ thuộc, điều khiển bởi các trang mạng này. Con người dễ bị tác động và lôi cuốn bởi “trend”, bởi một dòng suy nghĩ phổ biến nào đó của một thông tin, một sản phẩm giải trí hoặc phim ảnh nào đó. Khi thời lượng sử dụng, ở lại của người dùng trên các trang mạng này càng cao thì càng tăng tính thương mại và lợi nhuận của các hãng công nghệ tạo nên nó.
 
Ở trường hợp của các trẻ nhỏ ngày nay, khi cha mẹ của các em để con mình tiếp cận với các phương tiện công nghệ hiện đại cũng như mạng xã hội quá sớm, tác động tiêu cực rất dễ nhìn thấy là khi mạng xã hội nắm vai trò quan trọng và tạo nên nhiều ảnh hưởng trên các trẻ nhiều hơn là chính cha mẹ của các em, lối suy nghĩ và nhịp sinh hoạt của các em dường như được điều khiển bởi chính các nền tảng này gây nên sự mất cân bằng, xáo trộn trong đời sống gia đình. Tổ chức Unicef cũng khuyến cáo về nạn bắt nạt trẻ vị thành niên trên mạng và sự lạm dụng tình dục trẻ em bằng cách lôi kéo các em chia sẻ các thông tin và hình ảnh nhạy cảm của tội phạm.[8] Thậm chí Facebook cũng nhìn nhận rằng nền tảng của họ cũng là mối nguy cơ cho nạn lạm dụng và bóc lột trẻ.[9]
 
Thực chất không chỉ có trẻ em là đối tượng dễ chịu tác động tiêu cực mà ngay cả những đối tượng là người trưởng thành, bất kể các tầng lớp xã hội nào và cả trong giới tu sĩ cũng dễ dàng chịu những tác hại mà các sản phẩm công nghệ và mạng xã hội mang đến. Một trong những thách đố lớn của các tu sĩ trẻ ngày nay là khi sống trong xã hội của công nghệ hiện đại, người trẻ lại càng dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của việc dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Sự cần thiết trong đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn trong nhà dòng, những tương tác giữa người và người thật dần bị đánh mất. Vì vậy, để giảm đi những tác động tiêu cực mà nền tảng mạng xã hội mang đến thì các gia đình, quan trọng nhất là các bậc cha mẹ, các tổ chức, các nhà giáo dục và đào tạo cần luôn cẩn trọng trong việc định hướng cho trẻ để con trẻ và cả người trưởng thành có thể biết cách tối ưu hóa việc sử dụng để mạng xã hội đúng bản chất là sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của con người, để chúng ta đừng trở thành những sản phẩm của các nền tảng công nghệ và mạng xã hội này một cách vô thức.
 
Vậy, vai trò của những bậc phụ huynh, gia đình và các nhà đào tạo là rất quan trọng giúp hướng dẫn, định hướng đúng cho con trẻ và người trẻ từ ban đầu trong việc sử dụng các sản phẩm mạng xã hội. Chính bản thân những bậc cha mẹ, phụ huynh cần đầu tư thời gian để hiện diện cùng các em, quan tâm hỗ trợ để các em có sự quân bình trong nhịp sinh hoạt, đồng hành cùng các em trong các hoạt động đời sống, giúp các em có những trải nghiệm thật cho tuổi thơ của mình.
 
Trong môi trường đào tạo đời sống thánh hiến và trong chủng viện, các nhà đào tạo cần giúp cho các tu sĩ, chủng sinh và học viên ý thức rõ về các tác hại của việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên, và cần có tinh thần trách nhiệm và khôn ngoan khi tiếp cận những phương tiện truyền thông này. Thay vì cấm đoán có thể tạo ra sự tò mò lén lút và che đậy, chúng ta mời gọi những người thụ huấn tập sống tinh thần tiết chế, đặt ra mục tiêu và phân định rõ ràng lý do tại sao mình dùng mạng xã hội, ví dụ chỉ dùng vào mục đích rao giảng Tin Mừng, suy niệm về Chúa và quảng bá ơn gọi. Không dùng cho những mục đích khác. Những người thụ huấn cũng cần tạo một văn hoá và đạo đức trong cách sử dụng và chia sẻ những nội dung được đăng tải. Không bêu xấu, tấn công cá nhân bất cứ ai, tôn trọng hình ảnh và nhân phẩm của người khác. Cần phải kiểm chứng thông tin mình được nhận trước khi chia sẻ để tránh lan truyền nhầm tin giả và cách khôn ngoan nhất là đọc từ nhiều nguồn khác nhau để có cái nhìn tổng thể. Và đặc biệt là cần cẩn trọng trước những quảng cáo và gợi ý vào các trang mạng phim đen và cờ bạc. Có những tu sĩ trẻ một phần là vì tò mò, một phần là vẫn còn nhiều nhu cầu tình cảm, thường xuyên bị cám dỗ vào các trang Facebook có những đoạn clip về phim tình cảm, “cảnh nóng” được cắt ra đăng lên Facebook, và không ít người vì tò mò đã vô tình click vào các đường link gợi ý vào trang web đen và lún sâu vào nghiện ngập.
 
Có lẽ mạng xã hội vẫn còn tác động nhiều trên con người chúng ta hôm nay cho dù chúng ta không thể chối bỏ những lợi ích nó mang lại. Là người làm công tác đào tạo, chúng ta cần sự phân định và khôn ngoan để có thể giúp giới trẻ vừa có những kỹ năng cần thiết trong việc tiếp cận các phương tiện truyền thông vừa tránh để cho mình trở thành sản phẩm của mạng xã hội và mất đi tự do trong suy nghĩ và tâm cảm của mình.
 
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN,
 Số 125 (Tháng 7 & 8 năm 2021)
 
Bài phỏng vấn cha Gioan Phương Đình Toại, MI về cùng chủ đề được Ban truyền thông TGP Sài Gòn thực hiện:
 

 [1] https://napoleoncat.com

[6] Alter, A. (2017). Irresistible: The rise of addictive technology and the business of keeping us hooked. Penguin Press

 
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 08.02.2022