Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

CÁC LINH MỤC UCRAINA CỬ HÀNH THÁNH LỄ TẠI CÁC HẦM TRÁNH BOM Ở KIEV

 

CÁC LINH MỤC UCRAINA CỬ HÀNH THÁNH LỄ 
TẠI CÁC HẦM TRÁNH BOM Ở KIEV

Trong sứ điệp video gửi đến người dân Ucraina hôm Chúa Nhật 27/2, Đức Tổng giám mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina khẳng định rằng Giáo hội gần gũi với dân tộc của mình. Ngài nói rằng các linh mục “sẽ xuống hầm tránh bom” ở Kiev vào Chúa Nhật để cử hành Phụng vụ Thánh.

Lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina nhấn mạnh trong sứ điệp: “Giáo hội ở với dân tộc của mình! Giáo Hội của Chúa Kitô mang Chúa Cứu Thế Thánh Thể đến cho những ai đang trải qua những thời khắc nguy hiểm trong cuộc đời, những người cần sức mạnh và hy vọng về sự phục sinh.”

Linh mục xuống hầm tránh bom để cử hành Thánh lễ

Đức Tổng giám mục Shevchuk nói rằng khi các tín hữu Kiev không thể đến nhà thờ vì lệnh giới nghiêm bắt buộc của chính phủ, trong trường hợp này, “Giáo hội sẽ đến với người dân. Các linh mục của chúng tôi sẽ xuống hầm tránh bom, và ở đó họ sẽ cử hành Phụng vụ Thánh.”

Đức Tổng giám mục Shevchuk đã hủy chuyến đi Firenze tham dự cuộc họp các giám mục và thị trưởng vùng Địa Trung hải, để ở lại với đàn chiên của mình. Theo blog Sismografo, ngài đang cùng với những người khác trú ẩn dưới hầm nhà thờ Phục sinh ở Kiev.

Sau đêm là ngày; sau bóng tối sẽ có ánh sáng; sau sự chết đến phục sinh

Trong sứ điệp, ngài viết: “Xin chào từ Kiev Ucraina! Hôm nay là Chúa Nhật, ngày 27/2/2022. Chúng ta đã sống sót sau một đêm kinh hoàng khác. Nhưng sau đêm, ngày sẽ đến, sẽ có bình minh. Sau bóng tối, sẽ có ánh sáng, cũng như sau sự chết sẽ có sự phục sinh, điều mà hôm nay tất cả chúng ta đều hân hoan cử hành.”

Lời kêu gọi tham dự và lãnh nhận các bí tích

Ngài kêu gọi những ai có cơ hội đến nhà thờ, hãy đi dự lễ, hãy đi xưng tội, hãy rước lễ. “Hôm nay, hãy rước Chúa Kitô Thánh Thể, để hy sinh cho những người không thể đến nhà thờ, để Rước Lễ cho các chiến sĩ của chúng ta. Hôm nay cuộc sống của chúng ta là trong tay của họ. Hy sinh cho những người bị thương, cho những người nản lòng, cho những người tị nạn đang trên đường trong cuộc chiến tranh quanh co này ở Ucraina.”

Lòng biết ơn 

Đức tổng giám mục Shevchuk cũng cảm ơn chính quyền, quân đội, dịch vụ khẩn cấp, phương tiện truyền thông và nhân viên cứu hỏa. Ngài bày tỏ lòng biết ơn về sự hỗ trợ từ các cộng đồng Công giáo trên khắp thế giới.


(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN: THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ PHỤC SINH 2022


TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ PHỤC SINH 2022
 
TỪ KINH NGHIỆM THIÊNG LIÊNG TRONG ĐẠI DỊCH
ĐẾN ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Kính thưa quí cha, quí tu sĩ, chủng sinh
và toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong Tổng giáo phận,

Thành phố chúng ta vừa trải qua những tháng ngày thật đau thương do đại dịch Covid-19. Cuộc sống nay bước sang tình trạng “bình thường mới”, nghĩa là chưa hoàn toàn bình thường. Nguy cơ lây nhiễm trong thời gian này vẫn còn đó, dù không trầm trọng như trước. Những đau thương thể xác cũng như tinh thần còn đang nhức nhối và ám ảnh chúng ta. Những thiệt hại vẫn chưa thể khắc phục một sớm một chiều.

Đối với các Kitô hữu, trong ánh sáng của niềm tin vào Chúa Kitô, thời gian đại dịch không phải chỉ có đau thương nhưng cũng là thời gian của ân sủng và những điều tốt đẹp. Khởi đi từ những kinh nghiệm thiêng liêng trong đại dịch, chúng ta sẽ sống ý nghĩa Mùa Chay và Mùa Phục Sinh cách sâu xa phong phú hơn. 

1. Kinh nghiệm thân phận bụi tro

Khi đại dịch lên cao điểm trong năm 2021, với số tử vong tăng nhanh từng ngày, chúng ta cảm nghiệm thật sâu sắc về phận người mong manh bèo bọt. Người thân mới sống bên nhau đó, chỉ sau ít ngày vào bệnh viện đã trở về trong phận bụi tro. Con người thật vĩ đại nhưng cũng thật yếu đuối. Đời người như bông hoa sớm nở chiều tàn. Một cơn gió thoảng cũng đủ làm con người biến mất khỏi trần thế.

Mùa Chay khởi đầu với việc xức tro trên đầu: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro. Một mai người sẽ trở về bụi tro”. Đó là thông điệp tối quan trọng cho đời người. Tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, sức khỏe, người thân yêu, hoạt động, thành công, trên hết là chính mạng sống: tất cả sẽ tiêu tan. Cả một đời ta vun đắp, gầy dựng, chăm chút, để rồi cuối cùng ta chứng kiến chúng biến mất thật nhanh chóng, không thể cưỡng lại, không thể níu kéo.

Đó là sự thật, sự thật vĩ đại của cuộc đời mà ta thường quên lãng hoặc tránh né. Hãy nhìn vào sự thật này để xây dựng cuộc đời trên cái bền vững lâu dài, chứ không mải mê theo đuổi cái phù du bèo bọt nay có mai không. 

2. Kinh nghiệm về Thiên Chúa

Từ kinh nghiệm thân phận bụi tro, chúng ta xác tín chỉ Thiên Chúa mới là vĩnh cửu, chỉ Thiên Chúa mới là Đấng Cứu Độ toàn năng đem lại bình an và sự giải thoát toàn diện cho nhân loại đau khổ. Từ cảm nhận bất lực trong đại dịch, nhiều người nhận thức được rằng giải pháp y tế và khoa học là tiên quyết nhưng không đủ để cứu sống bệnh nhân, mà cần có cả giải pháp tâm lý xã hội và nhất là giải pháp tâm linh nữa.

Trong thời gian đại dịch, chúng ta đã quay về với Chúa, khao khát thánh lễ và gia tăng cầu nguyện, đã suy gẫm về kế hoạch của Thiên Chúa qua những khổ đau thử thách trong đời. Hơn lúc nào hết, chúng ta cảm thấy cần Chúa và thực sự đã nhận ra Chúa luôn ở gần bên chúng ta. Đối với các bệnh nhân, nhờ sự chăm sóc, an ủi tinh thần và lời cầu nguyện của các linh mục và tu sĩ thiện nguyện trong các bệnh viện, họ đã tìm được sức mạnh thiêng liêng để vượt qua cơn nguy kịch; hoặc nếu không qua khỏi, thì cũng ra đi trong sự thanh thản và đầy tràn hy vọng.

Mùa Chay là thời gian để chúng ta hoán cải, tức là quay trở lại với Chúa, bồi dưỡng tương quan thân tình với Chúa. Sau những tháng ngày mất mát, chúng ta muốn tranh thủ vội vã xây dựng lại cuộc sống, nhưng không phải vì thế mà lại quên Chúa. Chính trong đại dịch, chúng ta đã có cảm nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa, xin đừng vội quên. Anh chị em hãy trở lại nhà thờ để tham dự thánh lễ trong cộng đoàn Hội Thánh. Việc tham dự trực tuyến trong thời gian dài sẽ làm cho đức tin dần dần phai nhạt. Hãy chuyên cần cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa sốt sắng, tích cực tham dự những buổi tĩnh tâm và cử hành phụng vụ trong Mùa Chay. Chỉ có Chúa mới đem lại ý nghĩa đích thực cho cuộc đời chúng ta, vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. 

3. Kinh nghiệm buông bỏ

Khi tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng, nhất là trong những ngày giãn cách xã hội, mọi sinh hoạt không cần thiết đã phải dừng lại. Các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, liên hoan, nhà hàng… đều ngưng hoạt động. Việc làm, công ty, tự do đi lại, thậm chí cả người thân yêu… , chúng ta đã buông bỏ tất cả, có thể là bất đắc dĩ, để chỉ tập trung vào cái chính yếu. Điều quan trọng lúc đó là mạng sống, là sức khỏe. Để sống, để an toàn, để có tương lai, chúng ta đã tiết chế và buông bỏ. Những thói quen hay lối sống hằng ngày tưởng chừng như không thể bỏ được, trong đại dịch chúng ta đã thay đổi được.

Trong Mùa Chay, chúng ta hãy tiếp tục kinh nghiệm buông bỏ này. Chúng ta cầu xin Chúa cho đại dịch qua đi, không phải để trở lại với lối sống cũ, nhưng để bắt đầu hành trình mới theo Chúa Giêsu trên con đường tiến tới sự sống vĩnh cửu. Để có được sự sống cao hơn, càng phải buông bỏ nhiều hơn, sống tiết độ hơn. Trong lối sống hiện đại, nhân đức tiết độ đã bị quên lãng: lúc nào người ta cũng muốn thỏa mãn tối đa mọi nhu cầu, mọi ham muốn, lúc nào cũng bị các thèm khát thúc bách mà không bao giờ thấy no đủ, nên rốt cuộc con người bị lạc hướng và không thể vươn lên tầm cao được. Chúa mời gọi các môn đệ buông bỏ chính mình, sống tiết độ, làm chủ những ham muốn lệch lạc, để nhờ đó tiến tới cuộc sống cao cả hơn của một người làm con Thiên Chúa, sự sống của Đức Kitô phục sinh. 

4. Kinh nghiệm về hiệp hành

Ngay từ đại dịch, chúng ta đã thực hiện lối sống hiệp hành: hiệp thông, tham gia và thực thi sứ vụ bác ái. Mọi người hiệp thông với nhau, khóc với người khóc, đau với người đau, cầu nguyện cho nhau, chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua những tháng ngày đau thương. Sự hiệp thông trong Hội Thánh không phải là tình cảm mông lung hay lời nói suông, nhưng là đức ái mãnh liệt của Chúa Thánh Thần thúc đẩy mọi người làm lan tỏa yêu thương qua những hành vi quảng đại cụ thể. Các cộng đoàn, gia đình, cá nhân, đã không thủ thân co cụm ích kỷ, nhưng tích cực tham gia sứ vụ bác ái, nhiều lúc với nhiều nguy cơ cho sự an toàn bản thân, đặc biệt đối với các linh mục tu sĩ thiện nguyện nơi bệnh viện. Xin anh chị em hãy tiếp tục phát huy lối sống hiệp hành này trong bối cảnh hiện nay nhiều người vẫn còn nhiễm bệnh, nhiều người đang trong tình trạng nghèo đói kéo dài, hoặc trong tình cảnh cô đơn hay bị bỏ rơi.

Ngoài sứ vụ bác ái, toàn thể Dân Chúa trong Tổng giáo phận cũng đang học hỏi và tham gia tiến trình cấp giáo phận để kiến tạo một Hội Thánh hiệp hành trong mọi lãnh vực, từ các sinh hoạt phụng vụ, giáo lý, tổ chức cơ cấu trong cộng đoàn, đến các hoạt động Phúc Âm hóa xã hội và loan báo Tin Mừng. Xin anh chị em hãy tích cực tham dự các buổi gặp gỡ theo lịch trình dự kiến, để lắng nghe nhau và cùng nhau phân định dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Là mục tử của Dân Chúa, các linh mục chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi và thúc đẩy tiến trình này đạt hiệu quả lớn nhất. Xin anh chị em đừng theo kiểu làm cho có, làm chiếu lệ hình thức, hoặc tệ hơn là không làm gì cả. Chúng ta lắng nghe lời kêu gọi tha thiết của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi hi vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc ‘quản trị thuần tuý’ đã trở nên bất cập” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 25).

Sau hết, xin gia đình Tổng giáo phận tiếp tục hiệp hành, -hiệp thông và tham gia- trong công trình đại tu nhà thờ Đức Bà thân yêu. Qua các video clip do Ban Truyền thông thực hiện, anh chị em có thể thấy hiện nay bắt đầu tu sửa tháp chuông và hai tháp kẽm là phần hư hại rất nặng, và việc thi công cũng rất khó khăn vì ở trên cao. Các chuyên gia cho rằng việc tu sửa được thực hiện rất đúng lúc. Đây là công việc đòi kỹ thuật chuyên môn cao, cần nhiều thời gian và tài chánh. Hiện nay anh chị em còn đang gánh chịu những thiệt hại to lớn do hậu quả của đại dịch; tuy nhiên, trong mức độ có thể, xin anh chị em rộng tay đóng góp để công việc trùng tu diễn tiến tốt đẹp và mau chóng.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu chịu treo trên Thánh giá đã triệt hạ mọi bức tường ngăn cách và thực hiện sự hòa giải nơi chúng ta (x. Ep 2, 14). Bước vào Mùa Chay và Phục Sinh trong viễn tượng kiến tạo một Hội Thánh hiệp hành, chúng ta hãy mở lòng mình ra với Chúa, với Hội Thánh và anh chị em, làm sao cho mọi người tìm được niềm an vui hạnh phúc trong lòng Hội Thánh, không ai bị bỏ lại đằng sau, không ai tủi phận vì bị quên lãng hay loại trừ; từ đó mọi người sẽ nhiệt thành tham gia xây dựng Hội Thánh theo khả năng của mình, và hân hoan thực thi sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng. Đó chính là Hội Thánh mà chúng ta mơ ước.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta.

Thứ Tư Lễ Tro, ngày 2 tháng 3 năm 2022
(đã ký)
 
+ Giuse NGUYỄN NĂNG
Tổng Giám Mục
 
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 02.3.2022


Thứ Ba, 1 tháng 3, 2022

LỜI CHÚA THỨ TƯ LỄ TRO (Mt 6, 1-6.16-18)


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 8 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 01.3.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon.
 

GIỜ LỄ THỨ TƯ LỄ TRO 2022 TẠI NHÀ THỜ THUẬN PHÁT


ĐÔI NÉT VỀ THỨ TƯ LỄ TRO


ĐÔI NÉT VỀ THỨ TƯ LỄ TRO

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm


WHĐ (28.02.2022) - Theo phụng vụ Giáo hội Công giáo Roma, Mùa Chay bắt đầu với việc cử hành Thứ Tư Lễ Tro. Đây là ngày các tín hữu được xức tro trên trán và được nhận lời mời gọi để hoán cải và bước đi với Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn của Người. Sau đây là đôi nét về ngày lễ này.

1. Biểu tượng của Tro

Tro là một biểu tượng về sự ăn năn, hoán cải, và cho thấy sự đổi mới bên trong bằng một dấu hiệu bên ngoài.

Trong Kinh thánh Cựu Ước, tro được dùng như một dấu hiệu của sự sám hối, “trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42, 6); diễn tả việc dân Chúa ăn năn, cầu xin lòng thương xót, ơn tha thứ của Thiên Chúa. Trong sách Giuđitha, “Hết mọi người nam trong dân Ít-ra-en cùng với vợ con cư ngụ ở Giêrusalem đều phủ phục trước Ðền Thờ, rắc tro lên đầu, mặc áo vải thô ra trước nhan Ðức Chúa” (4, 11), sau đó, “Ðức Chúa lắng nghe tiếng họ kêu cầu và đoái nhìn cơn khốn quẫn của họ” (Gđt 4, 13). Nổi bật là hình ảnh nhà vua đáp lại lời tiên tri Giôna: “Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3, 6).

Trong phụng vụ, việc xức tro mang ý nghĩa thiêng liêng và là dấu chỉ quan trọng của việc hoán cải và canh tân nội tâm. Giáo hội nhắc nhở tín hữu về sự yếu đuối và cái chết do tội lỗi của phận người “Hãy nhớ mình là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất" (St 3,19); Sâu xa hơn, còn gợi lại sứ điệp đầu tiên của Chúa Giêsu “Hãy hối cải và tin vào Tin mừng” (Mc 1, 14).

2. Tro được lấy từ đâu?

Tro thường được lấy từ việc đốt các cành dừa, được làm phép vào Chúa Nhật Lễ Lá năm trước.

Quy trình của việc đốt tro, thường được tiến hành vào một ngày trước Thứ Tư Lễ Tro, tất cả những cành dừa cũ được đặt trong một chiếc thùng để bên cạnh các bậc thềm nhà thờ, sau đó, linh mục đọc một lời cầu nguyện ngắn và nhóm lửa. Nếu để lửa cháy âm ỉ, thì sẽ cho ra tro mịn và có màu đen của than.

Theo cha Randy Stice, phó giám đốc Ban Phụng tự của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, “Những cành dừa của Chúa nhật lễ Lá khi bước vào Tuần Thánh, báo trước cuộc tử nạn đau khổ và sự phục sinh của Chúa Kitô,” nên việc dùng những cành dừa này để làm thành tro cho ngày Thứ Tư lễ tro “kết nối chúng ta với các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu, đặc biệt là giúp chúng ta nên một với Chúa Giêsu trong cuộc Khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người”.

Sau khi được đốt cháy thành bột mịn, tro thường được để khô và rắc lên đầu tín hữu; nhưng cũng có những nơi, người ta cho thêm một chút nước thánh hoặc dầu thánh vào tro để tạo ra một hỗn hợp sệt để vẽ hình thánh giá trên trán người nhận.

3. Việc cử hành Thứ Tư Lễ Tro

Theo nghi lễ Rôma, Thứ Tư Lễ Tro được bắt đầu cử hành vào khoảng thế kỷ thứ VIII, và có thể xuất phát từ một truyền thống trước đó là những hối nhân rắc tro lên mình như là một dấu chỉ của việc đền tội.

Là ngày mở đầu cho Mùa Chay, Thứ Tư Lễ Tro luôn rơi vào 46 ngày trước Chúa nhật Phục sinh. Theo phụng vụ, Thứ Tư Lễ Tro sớm nhất là vào ngày 04.02, với Lễ Phục sinh là ngày 22.3; và trễ nhất là ngày 10.3, với Lễ Phục sinh rơi vào ngày 25.4.

Ngoài ra, mặc dù Thứ Tư Lễ Tro là một trong những lễ lớn trong năm được nhiều tín hữu tham dự, nhưng Thứ Tư Lễ Tro không phải là ngày lễ trọng bắt buộc.

Theo Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo số 2193, vào ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, các tín hữu phải “kiêng làm việc xác và những công việc gây trở ngại cho việc thờ phượng Thiên Chúa, cho niềm vui riêng trong ngày của Chúa, hoặc cho việc nghỉ ngơi cần thiết của tinh thần và thể xác”. Trong khi đó, Thứ Tư Lễ Tro là ngày ăn chay, ngày buồn sầu vì tội lỗi, nên trái ngược với tinh thần của ngày Chúa nhật và các ngày lễ vui mừng trọng thể, ví dụ như lễ Sinh Nhật Đức Giêsu Kitô, lễ Hiển Linh, lễ Thăng Thiên…, nên Thứ Tư Lễ Tro không phải là ngày lễ buộc.

Khi gợi lại đôi nét về Thứ Tư Lễ Tro như thế, xin cho lời nguyện đầu lễ cũng trở thành quyết tâm của chúng ta cho Mùa Chay Thánh năm nay:

Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần.

Tài liệu tham khảo:

1. Philip Kosloski, Why isn’t Ash Wednesday a holy day of obligation?, https://aleteia.org/2022/02/27/why-isnt-ash-wednesday-a-holy-day-of-obligation/, đăng ngày 27.02.2022

2. Philip Kosloski, What is the symbolism of ashes on Ash Wednesday?, https://aleteia.org/2020/02/25/what-is-the-symbolism-of-ashes-on-ash-wednesday/, đăng ngày 25.02.2022

3. Mary Farrow, Where do Ash Wednesday ashes come from?, https://www.catholicnewsagency.com/news/37760/where-do-ash-wednesday-ashes-come-from, đăng ngày 27.02.2022
 
(WHĐ)

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY NĂM 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY NĂM 2022 
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Sứ điệp Mùa chay năm nay của Đức Thánh Cha được công bố tại Phòng báo chí Tòa Thánh vào sáng thứ Năm 24/02, có chủ đề:“Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a)

“Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a)


Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là thời gian thuận tiện cho việc canh tân cá nhân và cộng đoàn, dẫn chúng ta đến Lễ Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại. Đối với hành trình Mùa Chay năm 2022, sẽ rất ích lợi cho chúng ta khi chúng ta suy gẫm lời khuyên của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Galat: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội (kairos), chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,9-10)

1. Gieo và Gặt

Trong đoạn này, Thánh Tông đồ đã gợi lên hình ảnh gieo và gặt, một hình ảnh rất quen thuộc với Chúa Giêsu (x. Mt 13). Thánh Phaolô nói với chúng ta về một kairós: một thời điểm thích hợp để gieo điều tốt trong cái nhìn của một mùa gặt trong tương lai. Đối với chúng ta thời điểm thích hợp này là gì? Chắc chắn đó là Mùa Chay, nhưng ở đây cũng là tất cả sự hiện hữu trên mặt đất của chúng ta, theo một cách nào đó Mùa Chay là một hình ảnh. Trong cuộc sống chúng ta, lòng tham, sự kiêu ngạo, mong muốn chiếm hữu, tích lũy và tiêu thụ chiếm ưu thế, như câu chuyện về người khờ dại trong dụ ngôn Tin Mừng chỉ ra. Người này cho rằng cuộc sống của anh ta được an toàn và hạnh phúc nhờ thóc lúa dư thừa và của cải cất giữ trong kho (Lc 12,16-21). Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải, thay đổi não trạng, để sự thật và vẻ đẹp của cuộc sống có thể đạt được không phải ở việc tích lũy quá nhiều nhưng là ở việc gieo điều tốt và chia sẻ.

Người gieo hạt đầu tiên là chính Thiên Chúa, với lòng quảng đại “tiếp tục gieo nơi nhân loại những hạt giống tốt” (Fratelli tutti 54). Trong Mùa Chay chúng ta được kêu gọi đáp lại ơn Chúa bằng cách đón nhận Lời “sống động và hữu hiệu” (Dt 4,12). Siêng năng nghe Lời Chúa giúp chúng ta trưởng thành, ngoan nguỳ sẵn sàng thi hành ý Chúa, cuộc sống sinh hoa trái. Nếu điều này đã làm cho chúng ta hạnh phúc, thì lời mời gọi trở thành “Cộng sự viên của Thiên Chúa” (1Cr 3,9), sử dụng thời gian hiện tại để gieo điều tốt còn làm cho chúng ta hạnh phúc hơn (Ep 5, 16). Lời kêu gọi gieo hạt giống tốt lành không được xem như là một gánh nặng, nhưng đó là một ân sủng, theo đó Đấng Tạo Hoá muốn chúng ta tích cực hiệp nhất với sự tốt lành vô biên của Người.

Còn mùa gặt thì sao? Không phải chúng ta gieo hạt giống với mục đích để thu hoạch sao? Tất nhiên. Thánh Phaolô đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa gieo và gặt khi khẳng định: “Ai gieo ít thì sẽ gặt ít và ai gieo nhiều thì sẽ gặt được nhiều” (2Cr 9,6). Nhưng chúng ta đang nói về loại mùa gặt nào? Hoa quả đầu tiên của lòng tốt mà chúng ta gieo xuất hiện trong chính chúng ta và trong các mối quan hệ hàng ngày của chúng ta, cả trong những hành động tử tế nhỏ bé. Trong Chúa, không có hành vi yêu thương nào cho dù nhỏ bé, và không có “cố gắng quảng đại” nào bị mất đi (x. Evangelii Gaudium, 279). Như cây được nhận ra nhờ trái (Mt 7,16, 20), một cuộc sống đầy hành động tốt sẽ tỏa sáng (x. Mt 5,14-16) và mang lại hương thơm của Chúa Kitô cho thế giới (x. 2Cr 2,15). Phụng sự Thiên Chúa, trong sự tự do đối với tội lỗi, mang lại hoa trái là sự thánh thiện vì ơn cứu độ của tất cả (x. Rm 6, 22).

Thực vậy, chúng ta chỉ thấy một phần nhỏ hoa trái những gì chúng ta đã gieo, vì theo câu cách ngôn Tin Mừng, “kẻ này gieo, người kia gặt” (Ga 4,37). Khi chúng ta gieo vì lợi ích của người khác, chúng ta tham gia vào sự quảng đại của Thiên Chúa: “Thật cao quý khi có thể khởi sự những tiến trình mà người khác sẽ thu gặt hoa trái, trong khi luôn đặt hy vọng nơi sức mạnh tiềm ẩn của những hạt giống tốt lành được vãi gieo” (Fratelli Tutti, 196). Gieo sự tốt lành vì người khác giải thoát chúng ta khỏi lợi ích cá nhân hẹp hòi, và đổ đầy hành động của chúng ta bằng tính nhưng không, và làm cho chúng ta trở thành một phần chân trời tuyệt vời của kế hoạch nhân từ của Thiên Chúa.

Lời Thiên Chúa mở rộng và nâng cao cái nhìn của chúng ta. Lời loan báo cho chúng ta biết rằng mùa gặt thực sự là ngày cánh chung, ngày cuối cùng, ngày vĩnh cửu. Hoa trái chín muồi của cuộc sống và hành động của chúng ta là “hoa trái cho cuộc sống muôn đời” (Ga 4,36), sẽ là “kho tàng trên trời” của chúng ta (Lc 12,33; 18,22). Chính Chúa Giêsu đã sử dụng hình ảnh hạt giống chết trong lòng đất và sinh hoa kết trái để diễn đạt mầu nhiệm chết và phục sinh của Người (x. Ga 12,24); và Thánh Phaolô lặp lại điều này để nói về sự sống lại của thân xác chúng ta: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,42-44). Niềm hy vọng này là ánh sáng tuyệt vời mà Chúa Kitô phục sinh đã mang đến cho thế giới: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,19-20), để những ai kết hợp mật thiết với Người trong tình yêu “nhờ được chết như Người đã chết” (Rm 6,5) cũng sẽ được liên kết với sự phục sinh của Người trong cuộc sống đời đời (Ga 5,29). “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong nước của Cha họ” (Mt 13,43)

2. “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí”

Sự phục sinh của Chúa Kitô làm sống động những hy vọng trần thế với “niềm hy vọng lớn lao” về sự sống đời đời, gieo hạt cứu độ trong thời hiện tại của chúng ta (Thông điệp Spe salvi, 3; 7). Trước nỗi thất vọng cay đắng vì bao ước mơ tan vỡ, trước nỗi bận tâm vì những thử thách phía trước, trước sự chán nản vì sự nghèo nàn phương tiện, chúng ta bị cám dỗ rút vào ích kỷ cá nhân và dửng dưng trước những đau khổ của người khác. Thật vậy, ngay cả những nguồn lực tốt nhất cũng có những hạn chế: “Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo” (Is 40,30). Nhưng Chúa “ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. […] Ai trông cậy vào Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân”(Is 40,29.31). Mùa Chay mời gọi chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa (x. 1Pr 1, 21), để chỉ khi nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh (x. Dt 12, 2), chúng ta mới có thể đón nhận lời khuyên của Thánh Tông đồ: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí” (Gl 6,9).

Chúng ta đừng mệt mỏi khi cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy rằng cần phải “cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Chúng ta cần cầu nguyện vì chúng ta cần Chúa. Sẽ là một ảo tưởng nguy hiểm, khi chúng ta cho rằng chúng ta không cần gì khác ngoài chính mình. Nếu đại dịch đã làm cho chúng ta chạm vào sự yếu đuối của chúng ta về mặt cá nhân và xã hội, thì Mùa Chay này sẽ cho phép chúng ta cảm nghiệm niềm an ủi khi tin vào Thiên Chúa, nếu thiếu điều này, chúng ta không thể đứng vững (x. Is 7,9). Không ai được cứu một mình, bởi vì tất cả chúng ta đều ở chung một con thuyền giữa bão tố của lịch sử; nhưng trên hết, không ai được cứu nếu không có Thiên Chúa, bởi vì chỉ có mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô mới đem lại chiến thắng trên dòng nước đen tối của sự chết. Đức tin không miễn trừ chúng ta khỏi những gian truân trong cuộc sống, nhưng cho phép chúng ta vượt qua chúng để kết hợp với Thiên Chúa trong Chúa Kitô, với niềm hy vọng lớn lao không làm thất vọng và bằng chứng là tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,1-5).

Chúng ta đừng mệt mỏi trong việc diệt trừ cái ác khỏi cuộc sống của chúng ta. Xin cho việc chay tịnh thể xác mà Mùa Chay kêu gọi chúng ta củng cố tinh thần để chiến đấu chống lại tội lỗi. Chúng ta đừng mệt mỏi khi cầu xin tha thứ trong Bí tích Thống hối và Hòa giải, vì biết rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chúng ta đừng mệt mỏi khi chiến đấu chống lại những dục vọng, sự yếu đuối thúc đẩy lòng ích kỷ và mọi điều xấu xa, mà qua nhiều thế kỷ tìm ra những cách khác nhau để đẩy con người vào tội lỗi (Fratelli tutti, 166). Một trong những cách này là nguy cơ nghiện các phương tiện kỹ thuật số, làm nghèo đi các mối quan hệ của con người. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để chống lại những cạm bẫy này và trái lại để vun đắp một tương giao giữa con người với nhau trọn vẹn hơn (Fratelli tutti 43) được tạo nên từ những “cuộc gặp gỡ thực sự” (Fratelli tutti 50), diện đối diện.

Chúng ta đừng mệt mỏi khi làm việc bác ái cho người lân cận. Trong Mùa Chay này, chúng ta thực hành bố thí bằng cách vui vẻ cho đi (x. 2Cr 9, 7). Thiên Chúa “là Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo và bánh làm của ăn nuôi dưỡng” (2Cr 9, 10) cung cấp cho mỗi chúng ta không chỉ để chúng ta được nuôi dưỡng, nhưng còn để chúng ta có thể quảng đại làm điều thiện cho người khác. Nếu quả thật cả cuộc sống chúng ta gieo điều tốt, thì chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay này để chăm sóc những người thân cận, để chúng ta gần gũi với những anh chị em đang bị thương trên đường đời (x. Lc 10, 25-37). Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để tìm kiếm chứ không trốn tránh những người đang cần giúp đỡ; để đi đến chứ không phớt lờ những người đang cần một đôi tai cảm thông và một lời tốt lành; để thăm viếng chứ không bỏ rơi những người phải chịu đựng sự cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời kêu gọi làm việc tốt cho tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người yếu nhất và không được bảo vệ, những người bị bỏ rơi và bị khinh thường, những người bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội (x. Fratelli tutti 193).

3. “Đến mùa chúng ta sẽ gặt hái, nếu không sờn lòng”

Mùa Chay nhắc nhở chúng ta mỗi năm rằng “Điều thiện hảo, cũng như tình yêu, công lý và sự liên đới không cứ đạt được một lần cho mãi mãi nhưng phải thực hiện mỗi ngày”(Fratelli tutti 11). Do đó, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta lòng kiên trì bền bỉ của người nông dân (x. Gc 5, 7) để không ngừng làm việc thiện, từng bước một. Nếu chúng ta vấp ngã, hãy đưa tay đến Chúa Cha, Đấng luôn nâng chúng ta lên. Nếu chúng ta lạc lối, bị phỉnh gạt bởi những lời dụ dỗ của kẻ ác, thì đừng ngập ngừng trở về với Đấng “rộng lòng tha thứ” (Is 55,7). Trong thời gian hoán cải này, tìm được sự đỡ nâng trong ân sủng Chúa và trong sự hiệp thông của Giáo hội, chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi gieo điều tốt. Đất được chuẩn bị bởi chạy tịnh, được tưới bởi cầu nguyện và được làm phong phú bởi việc bác ái. Chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng “nếu không sờn lòng, đến mùa chúng ta sẽ gặt” và với kiên trì, chúng ta sẽ được hưởng điều Người đã hứa (x. Dt 10,36) cho ơn cứu độ chính mình và những người khác (x. 1Tm 4,16). Bằng cách thực hành tình yêu thương huynh đệ đối với tất cả mọi người, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống vì chúng ta (x. 2Cr 5,14-15) và chúng ta nếm hưởng trước niềm vui Nước Trời, khi Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong muôn loài”(1Cr 15, 28).

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã cưu mang Đấng Cứu Thế trong cung lòng và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19), ban cho chúng ta ơn kiên nhẫn. Xin Mẹ đồng hành với chúng ta với sự hiện diện từ mẫu của Mẹ, để mùa hoán cải này sinh hoa trái cứu độ đời đời.

Roma, ngày 11 tháng 11 năm 2021, Lễ nhớ Thánh Martinô Giám mục.

(WGPSG)