Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

SUY TƯ VỀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI QUA ĐẠI DỊCH COVID-19

 

SUY TƯ VỀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI 
QUA ĐẠI DỊCH COVID-19

1. Dẫn nhập

Cuộc sống đang bình yên, trên đà phát triển thì bỗng nhiên đại dịch Covid-19 nguy hiểm xuất hiện và lan rộng ra trên khắp các vùng trên thế giới cách nhanh chóng. Biết bao tranh ảnh, thơ văn, cũng như rất nhiều bài hát phản ảnh đề tài này đã ra đời. Bên cạnh đó là những sự băn khoăn, suy tư về cuộc sống và con người, nhất là suy tư về thân phận con người qua đại dịch nguy hiểm này.

2. Con người

Trước khi suy tư về thân phận con người, ta cần hiểu về khái niệm “con người”. Có nhiều quan điểm khác nhau về điều này.

Chẳng hạn như Aristote cho rằng con người là một tổng thể gồm hồn và xác, hai yếu tố này làm nên một con người trọn vẹn: “Con người là vật thể duy nhất được kết thành bởi hai yếu tố ‘mô thể’ và ‘chất thể’; ‘mô thể’ là linh hồn, còn ‘chất thể’ là thân xác”[1]. Ông cũng định nghĩa : “Con người là con vật có lý trí”, nghĩa là con người có tư duy, có khả năng nhận thức. Con người cũng là con vật nhưng đặc biệt ở chỗ là có lý trí. Chỉ con người mới có khả năng sử dụng lý trí, để làm những gì đúng với bản chất của một con người. Heidegger lại cho rằng: “Con người có cơ cấu là dự phóng”[2]. Điều ấy có nghĩa là con người luôn hướng ra, hướng về phía trước, còn dang dở chưa hoàn thiện. Đối với G. Marcel, tất cả con người đều là huyền nhiệm: “Huyền nhiệm là vấn đề cuộn mình lên chính những dữ kiện của mình[3].” Huyền nhiệm của ông không mang chiều kích tôn giáo, nhưng theo con đường của triết học.

Còn Kinh thánh thì định nghĩa “Con người là hình ảnh Thiên Chúa” (St.1,27) nghĩa là con người được tham dự vào sự sống thần linh. Hạnh phúc của con người là được Thiên Chúa yêu thương.

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II cho rằng: “Mối quan tâm của Giáo Hội là con người, con người ‘cụ thể’, mỗi con người được Đức Kitô kết hợp với[4]”. Con người là chi thể của Giáo Hội, con người cần phải hướng lên Thiên Chúa để nhận ra con người của mình.

Vậy con người sống trên đời này để làm gì đây? Trước tiên, chúng ta được tạo dựng cho niềm vui của Thiên Chúa. Ngoài ra, chúng ta được tạo dựng để sống trong gia đình của Thiên Chúa, để nên giống Đức Ki tô, để phục vụ Thiên Chúa. Chúng ta cũng được tạo dựng cho một sứ mệnh nữa[5].

3. Đại dịch Covid-19

3.1. Trong lịch sử

Trong lịch sử nhân loại đã từng có rất nhiều đại dịch đã xảy ra như: đại dịch bệnh Circa, đại dịch bệnh Athens, đại dịch bệnh Cyprian, đại dịch “Cái chết đen”, đại dịch bệnh Nga, dịch sốt vàng da ở Philadelphia, đại dịch cúm Tây Ban Nha, dịch Ebola Tây Phi... Các đại dịch này xuất phát từ các khu vực, vào các thời điểm khác nhau và đã cướp đi rất nhiều sinh mạng.

Đã có nhiều người chết vì đại dịch Covid-19. Xét về phạm vi ảnh hưởng có thể nói là toàn thế giới thì đại dịch Covid-19 này xếp vị trí trên cùng.

3.2. Những điều cần biết về đại dịch này

Đại dịch Covid-19 xuất hiện ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 11 năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Người ta cho rằng vi rút này bắt nguồn từ dơi và lây sang người thông qua một vật chủ trung gian. Ngược lại, không ít thông tin cho rằng đây chính là sản phẩm của con bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, và nó mang màu sắc chính trị.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 11/2 đã công bố rằng “Covid-19” sẽ là tên chính thức của loại virus corona chết người xuất phát từ Trung Quốc[6].

4. Thân phận con người qua đại dịch

4.1. Thân phận thụ tạo hèn mọn

Gần đây, khoa học đạt được nhiều thành tựu đáng kể đến nỗi cách nay không lâu, con người tưởng như khoa học đang thế chỗ Thiên Chúa để tác động trên tất cả vạn vật và mở ra viễn ảnh sáng chói của quyền năng trí tuệ con người. Và rồi đại dịch Covid-19 xuất hiện làm toàn thế giới chao đảo. Ngay cả hai cường quốc nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như các nước giàu có châu Âu đều rơi vào khủng hoảng. Điều ấy làm cho chúng ta nhận ra rằng con người chỉ là thụ tạo hèn mọn, hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa là Chủ tể muôn loài. Corona chỉ là một loại vi rút nhỏ bé tưởng chừng các nhà khoa học dễ dàng xử lý mà lại vượt tầm kiểm soát của con người, gây ảnh hưởng trầm trọng như vậy. Như vậy, vi rút Corona mới này nhắc con người khiêm tốn hơn, biết vị trí thật sự của con người trong vũ trụ[7].

4.2. Thân phận người di cư

Thường thì người ta di cư tới những vùng đất mới với mong muốn tìm được nơi để họ được an thân, gầy dựng lại cuộc đời bởi vì xứ sở họ đang chìm trong xung đột, bất ổn hay là kinh tế kiệt quệ. Cơn đại dịch này cho ta thấy rằng, về cơ bản, tất cả chúng ta đều mang thân phận di cư. Tất cả đều phải đối diện với hiện trạng hoặc viễn tượng bất ổn. Phía sau những tiếng gào thét ở Vũ Hán, những đường phố vắng lặng ở trung tâm Roma, hay những tranh giành mua khẩu trang ở Hà Nội, là những nỗi lo âu và hoang mang cực độ. Một điều đáng lưu ý là không phải chỉ những nước bị dịch bùng phát mới lo lắng, và cũng không phải chỉ những ai bị nhiễm mới hoang mang, mà toàn thể thế giới đều ở trong tâm trạng bất ổn, vì không ai dám chắc sẽ không đến lượt mình[8]. Tâm lý sợ sệt, nơm nớp bao trùm.

4.3. Thân phận mỏng manh, bấp bênh

Đúng là không thể nói trước được điều gì. Trong đại dịch này, rất nhiều chương trình, kế hoạch của các quốc gia, tổ chức, cá nhân phải hủy bỏ hoặc trì hoãn, thay đổi. Nói chung, mọi thứ trở nên thật bấp bênh, dường như không còn gì là chắc chắn nữa.

Cụ thể tại nước ta, nhiều đối tượng lao động bị ảnh hưởng lớn. Để có tiền trang trải cuộc sống, họ phải xoay xở mọi cách, làm nhiều nghề để mưu sinh... Số tiền kiếm ra ngày càng eo hẹp trong khi mọi nhu cầu thiết yếu khác như: tiền nhà trọ, tiền điện, ăn uống... vẫn diễn ra khiến người lao động tự do vốn khó khăn nay càng thêm khổ hơn nữa[9].

Thậm chí ngay cả với những người giàu cũng vậy. Họ cũng trong tâm trạng buồn phiền khi mà lâu nay cứ phải trả đều đặn hằng tháng tiền lãi đã vay để kinh doanh, trong khi không thu lợi được gì. Nhiều người thuê đã trả lại mặt bằng đã thuê, khiến chủ mặt bằng cũng chẳng kiếm được gì so với khi trước.

4.4. Thân phận như người phong hủi

Ngoài ra, qua đại dịch này ta thấy con người thật đáng thương. Ngày xưa, nhân loại sợ sệt căn bệnh phong hủi. Người phong hủi bị đưa ra ở riêng biệt tại những khu vực nhất định. Nhiều người trong dịp vừa qua, cho dù có nhiễm bệnh hay không, ít nhiều có cảm giác rằng mình bị xa lánh, bị tách ra nơi riêng biệt tựa như những người phong hủi trong thời đại mới vậy.

Chính bản thân tôi, trong dịp từ Phi-lip-pin trở về nước vừa qua, đã bị nhiễm bệnh do lây chéo khi ở khu vực cách ly. Cho dù chúng tôi không mang trong mình vi rút Corona đi nữa thì họ cũng sợ và dè chừng khi lại gần. Và khi tôi bị nhiễm, ngay lập tức họ chuyển tôi tới bệnh viện trong xe cứu thương. Ngoài bệnh viện thì tôi nằm một mình trong khi người thân dù muốn đi nữa không thể ghé thăm. Khi ra viện, lại được cách ly thêm tại nơi cách ly và cả khi về lại với gia đình, tôi cần thực hiện việc cách ly cách nghiêm ngặt. Con người có xã hội tính, do đó khi bị tách biệt ra như vậy thì thật sự không phải là điều người ta mong muốn. Đúng là phận người lành lặn mà chẳng khác gì những người phong hủi thời xa xưa, khi mà chưa có bất kì liệu pháp y khoa nào có thể cầm chừng hay điều trị căn bệnh đó.

4.5. Thân phận kẻ hành khất

Trong đại dịch này, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan cũng như giảm bớt hậu quả do Corona gây ra, các nước đã tìm mọi cách để tạo ra các loại vắc xin Covid với chất lượng, mức độ tin cậy và an toàn nhau. Những người giàu, người có chức quyền thường có cơ hội tiếp cận với những loại chất lượng cao. Còn lại những người bình dân, những người nghèo, nhất là tại các vùng hẻo lánh, xa xôi thì không có nhiều sự lựa chọn, thậm chí ngay cả đến loại vắc xin được coi là tầm thường cũng không có. Khi ấy, quả thực người ta rơi vào cảnh “đói khát” vắc xin bên cạnh việc thiếu thốn của đồ ăn, thức uống. Người ta trở nên những kẻ hành khất đi xin sự bố thí cái thứ gọi là vắc xin.

4.6. Thân phận đơn côi

Người ta sẽ thật là hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình có cha, có mẹ. Tiếc thay nhiều người không có được diễm phúc ấy. Thế giới từ xưa tới nay tỉ lệ trẻ mồ côi không hề nhỏ.

Nhưng trong đại dịch vừa qua, tỉ lệ ấy lại tăng lên cách đáng kể, nhất là tại đất nước Ấn Độ, một đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 này. Theo Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Quyền Trẻ em, thống kê cho thấy, 9.346 trẻ em ở nước này đã mất cha mẹ hoặc bị bỏ rơi do đại dịch Covid-19 kể từ tháng 3/2020. Trong đó, 1.742 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 7.464 trẻ em còn cha hoặc mẹ, 140 trẻ em đã bị bỏ rơi kể từ tháng 3/2020 đến ngày 29/5/2021[10].

Ngay tại Việt Nam, không ít người con bé nhỏ bỗng dưng bị mất đi cả cha lẫn mẹ cách bất ngờ trong đại dịch này. Họ bị nhiễm bệnh, họ được đem đi và không có ngày trở về.

Đáng thương hơn cả, nhiều người bị nhiễm bệnh và chết trong đơn côi. Họ có thể là những người vô gia cư hay nhưng người không có người thân thích lại sống trong nghèo đói. Khi những người như thế bị nhiễm bệnh, nhiều khi chẳng ai biết đến, chẳng được tiếp cận các với các dịch vụ y tế và rồi cơ thể nhanh chóng suy sụp, chết trong đơn côi.

4.7. Kiếp sống ngắn ngủi

Qua đại dịch này, chắc hẳn ai cũng nhận thấy rằng cuộc đời này thật mỏng manh. Đã có rất nhiều người “khỏe như vâm” nhưng rồi bị vi rút bé nhỏ này quật ngã cách nhanh chóng.Thân phận người chẳng khác nào những chiếc lá khô trên cành cây giữa bầu trời thu, trước những cơn gió mạnh chứ không phải chỉ là những cơn gió hiu hiu mà thôi. Cuộc đời đã ngắn, giờ đây lại trở nên ngắn hơn bao giờ hết. Người ta vốn dĩ bị đe dọa bởi cái chết bất ngờ gây ra bởi thiên tại, tai nạn giao thông hay bị các chứng như đột quỵ thì giờ đây phải đối mặt với Corona nguy hiểm, nhất là với người già và lại có bệnh nền.

Trên các phương tiện truyền thông, ta dễ dàng thấy hình ảnh xác người chết vì Covid la liệt, nhất là tại Ấn Độ khi mà dịch bùng phát trầm trọng trên phạm vi rộng lớn, khi hệ thống y tế nước này vỡ trận.

Theo trang mạng thống kê Wordometers tính đến 01/11/2021, tổng số người chết vì virus corona từ đầu đại dịch cho đến nay đã vượt ngưỡng 5 triệu người, chính xác là 5.016.924 ca. Báo Pháp Sud-Ouest dẫn lời ông Arnaud Fontanet, nhà dịch tễ học của viện Pasteur, thành viên Hội đồng khoa học Pháp, theo đó số liệu the Economist công bố là có vẻ đáng tin nhất[11].

4.8. Ra đi với phương thức mai táng tội nghiệp

Lẽ thường khi qua đời, người thân cùng cộng đồng sẽ tổ chức nghi thức an táng, tiễn đưa. Nghi thức này long trọng hay bình thường tùy hoàn cảnh, địa vị xã hội của người đã mất. Tuy nhiên, những người chết vì dich bệnh này hầu hết không được tổ chức các nghi thức tiễn đưa với kèn hoa cùng sự hiện diện của người thân, bạn bè. Bởi vậy, nhiều người nói rằng đám tang đã buồn, vì đại dịch lại càng buồn hơn là vậy.

Buồn hơn nữa là việc rất nhiều người chết vì Covid được mai táng theo những cách thức thật tội nghiệp. Ở một số nước, người chết được chứa vào các túi rồi đem đi hỏa thiêu. Ở một số nơi thì những người chết lại được chôn trong các ngôi mộ tập thể. Tội nghiệp nhất có lẽ là những người chết vì Covid tại Ấn Độ. Thi thể được người nhà đưa đến phải xếp hàng, có khi hàng giờ thậm chí 20 tiếng đồng hồ để được đưa lên giàn thiêu. Lửa chưa kịp tàn thì những đống củi mới được chất lên cùng một thi thể khác. Có những giàn thiêu ở ngoài trời, tại bãi đỗ xe, bờ sông, thậm chí trong công viên được dựng lên để hỏa táng nạn nhân Covid-19. Nhưng được hỏa táng có khi đã là "may mắn", có những thi thể được cho là bị thả trôi trên sông Hằng vì không có chỗ thiêu hoặc người nhà không có tiền mua củi[12].

5. Chúa vẫn bên nhân loại trong đại dịch

Đúng là đại dịch đã gây ra nhiều tổn thất về sinh mạng và kinh tế trên phạm vi toàn thế giới. Nhiều người kêu ca rằng Chúa ở đâu khi mà đại dịch bùng phát mạnh. Câu trả lời rằng Chúa vẫn ở bên ta, chứ chẳng ở đâu xa. Chúa hiện diện bên ta qua chính nhân viên y tế, qua những người thân cũng như bạn bè ta[13]. Ngoài ra, Ngài vẫn ở bên nhân loại trong cơn quằn quại qua việc khơi gợi lòng nhiệt thành nơi những con người thiện chí. Quả thật, nỗi đau trong đại dịch được xoa dịu bởi rất rất nhiều hành động chứa chan tình bác ái của các tổ chức, cá nhân. Cụ thể, trong thời gian qua, nhất là tại Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, đã có rất nhiều linh mục, tu sĩ, chủng sinh đáp lại lời mời gọi của Chúa, quảng đại dấn thân[14] tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bất chấp khó khăn, nguy hiểm. Cùng với đó, các giáo phận, các hội dòng, các giáo xứ ra sức cấp phát thuốc, lương thực thực phẩm để cứu trợ.

6. Những điểm tích cực có thể rút tỉa từ đại dịch

Tuy đại dịch gây ra nhiều tai hại cho nhân loại, nhưng sẽ là không quá khó để ta nhận ra những điểm tích cực mà nó mang tới cho chúng ta. Đó là việc chúng ta có thời gian nhiều hơn bên gia đình; việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí thải từ các nhà máy, các phương tiện giao thông; việc nhắc nhở mọi người hãy có ý thức chăm sóc sức khỏe cho cá nhân, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng; và cả chuyện nhiều người có cơ hội tiếp cận với sự phát triển công nghệ qua việc học tập, họp hành trên nền tảng công nghệ trực tuyến…

Đối với người Kitô hữu thì đại dịch này là dịp nhắc nhở chúng ta cần luôn sống trong sự tỉnh thức vì ta có thể nhiễm bệnh và tính mạng bị đe dọa bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, đại dịch này cũng giúp ta yêu Chúa nhiều hơn với việc bám vào Chúa, biết phó thác mọi sự cho Ngài khi mà chúng ta không biết lối nào mà lần cũng như là yêu tha mến tha nhân nhiều hơn nữa qua việc cầu nguyện, giúp đỡ cách này cách khác cho những nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 này.

Không ai lại mong muốn đại dịch này xảy ra để nhân loại có thể thu nhận được những điều như trên. Tuy nhiên, chúng ta cần nên ghi nhận khía cạnh tích cực của thảm họa này và tạ ơn Thiên Chúa như lời Thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,18).

7. Kết luận

Phải nói rằng, hiện nay đại dịch này vẫn còn, cho dù không bùng phát mạnh và gây hoang mang nhiều như khi trước nữa. Chúng ta cố gắng làm quen với nếp sống trong thời đại “bình thường mới”.

Thế giới vẫn luôn là bức tranh nhiều màu sắc, đan xen bởi những cảnh tượng đoàn kết, yêu thương, hạnh phúc và những cảnh tượng thảm họa đớn đau, chia rẽ hận thù… Không ai dám nói rằng, trong tương lai, những thảm họa kiểu như thế này sẽ không xuất hiện. Chúng ta hãy tin tưởng, trao dâng tất cả âu lo cho Chúa (x. 1 Pr 5,7). Chúng ta cũng hãy sống hết mình, sống trong tinh thần liên đới tương trợ với nhau khi mọi thứ dường như phân rã và mất tính nhất quán[15].

Ước rằng dù vui buồn, sướng khổ, dù bất cứ điều gì xảy ra, mỗi chúng ta luôn giữ được sự bình an đích thực trong Đức Kitô.

Vj Vu, OFM Conv. (TGPSG)


[1] Hoàng Xuân Việt, Lịch sử Triết học Tây phương, (Tp. HCM: Khai Trí, 1967), tr. 18.

[2] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, (Hà Nội: Văn Học, 2015) , tr. 359.

[3] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử Triết học Tây phương, tập 4, (Lưu hành nội bộ, 1998), tr. 128.

[4] Gioan Phaolô II, Thông điệp Bách Chu Niên, 53.

[5] Rich Warren, Sống theo đúng mục đích, Dg. Minh Anh, (Hà Nội: Tôn giáo, 2008), tr. 81-385.

[6] Trung Hiếu, “WHO đặt tên chính thức virus corona (nCoV) là “Covid-19”,” Đài Tiếng nói Việt Nam, Thế giới, truy cập 10-11-2021, https://vov.vn/the-gioi/who-dat-ten-chinh-thuc-virus-corona-ncov-la-covid-19-1009291.vov.

[7] Ý Lan, “Đại dịch Covid-19: Phản tỉnh từ nhãn quan Thần học luân lý y sinh học Công giáo,” Hội đồng Giám mục Việt Nam, truy cập 10-11-2021, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dai-dich-covid-19-phan-tinh-tu-nhan-quan-than-hoc-luan-ly-y-sinh-hoc-cong-giao-40496.

[8] Khắc Bá, “Từ đại dịch Corona, nghĩ về thân phận di dân của nhân loại,” Vatican News, Thế giới, truy cập 27-10-2021, https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2020-04/tu-dai-dich-corona-nghi-ve-than-phan-di-dan-cua-nhan-loai.html.

[9] Minh Luân, “Chật vật mưu sinh​ thời COVID-19,” Báo Bạc Liêu, Đời sống Xã hội, truy cập 27-11-2021, http://baobaclieu.vn/doi-song-xa-hoi/chat-vat-muu-sinh%E2%80%8B-thoi-covid-19-71541.html.

[10] Thanh Thành, “Gần 10.000 trẻ em Ấn Độ mồ côi, bị bỏ rơi vì Covid-19,” Dân trí, Thế giới, truy cập 26-11-2021, https://dantri.com.vn/the-gioi/gan-10000-tre-em-an-do-mo-coi-bi-bo-roi-vi-covid19-20210602224011878.htm.

[11] Thùy Dương, “Covid-19: Tổng số ca tử vong từ đầu đại dịch đã vượt ngưỡng 5 triệu người,” Đài phát thanh Quốc tế Pháp, Quốc tế, truy cập 25-11-2021, https://www.rfi.fr/vi/quốctế/20211101-hon-5-trieu-nguoi-chet-vi-covid-19.

[12] Ngọc Mai, “Chết vì Covid-19 ở Ấn Độ: Từ 'xếp hàng' để được thiêu đến xác trôi sông?” Thanh Niên, truy cập 26-11-2021, https://thanhnien.vn/chet-vi-covid-19-o-an-do-tu-xep-hang-de-duoc-thieu-den-xac-troi-song-post1066828.html.

[13] Vj Vu, “Chúa vẫn bên ta thời Corona”, Tổng Giáo phận Hà Nội, truy cập 22-11-2021, https: //tonggiaophanhanoi.org/chua-ben-ta-thoi-corona/.

[14] Phanxicô, Laudato Si, 245.

[15] Phanxicô, Fratelli Tutti, 115. 
 
(WGPSG)

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 17.5.2022


Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: NGÀY HỘI THÁNH NHẠC NĂM 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: 
NGÀY HỘI THÁNH NHẠC NĂM 2022

 TGPSG -- Ban Mục vụ Thánh nhạc (MVTN) Tổng Giáo phận (TGP) Sài Gòn đã tổ chức “Ngày hội Thánh nhạc năm 2022” vào lúc 8g thứ Bảy ngày 14-5-2022 tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn.

Tham dự Ngày hội Thánh nhạc có: Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng (ĐTGM Giuse), Linh mục (Lm) Rôcô Nguyễn Duy, Lm Giuse Nguyễn Hoàng Chương, Nhạc sĩ (Ns) Phanxicô, Ns P. Kim, Ns Minh Tâm, các linh mục, tu sĩ, dòng tu, các anh chị em phụ trách ca đoàn, ca trưởng và các ca viên của các giáo xứ.

Mở đầu chương trình, Ns Minh Tâm đã tập cho cộng đoàn hát “Bài Ca Hiệp Hành”. Tiếp theo, cộng đoàn đọc kinh khai mạc, một vị phó tế đã công bố Lời Chúa. Sau đó, Ns P. Kim cho biết nội dung của chương trình ngày hội gồm có ba phần:

1. Các ca viên chia sẻ những ước mơ và thao thức về nhiệm vụ hát thánh ca. 
 
2. Sống tinh thần hiệp hành trong sứ vụ ca viên. 
 
3. Gặp gỡ và lắng nghe Đức Tổng Giám mục Giuse.
 
Sau đó, nhạc sĩ đã mời Lm Rôcô và Ns Phanxicô lên bàn chủ tọa. Lm Rôcô chào mừng các tham dự viên đã tới ngày hội và cho biết ba món quà của ngày hội gồm:

- “Cuộc đời Thánh Giáo Hoàng GP II” do Lm Tổng Đại Diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân gởi tặng

- “Nhạc khúc Tri ân Cảm mến” của Lm Nguyễn Duy

- Tập tài liệu “Một Ca đoàn hiệp hành trong một Giáo Hội hiệp hành.

Kế tiếp, Lm Rôcô mời các tham dự viên đóng góp ý kiến. Các ca viên của các giáo xứ đã chia sẻ rất nhiều thắc mắc, những ước mơ và những thao thức của mình về nhiệm vụ hát thánh ca. Ns Phanxicô đã ghi lại những chia sẻ này.

Sau đó, Lm Rôcô cho biết hầu hết những vấn đề các ca viên thắc mắc đã được giải đáp trong giải đáp Văn kiện “Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc” do Uỷ ban Thánh nhạc soạn thảo và đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) chấp thuận cho áp dụng chính thức để “thống nhất mục vụ Thánh nhạc theo giáo huấn của Giáo hội” vào năm 2017, sau thời gian thử nghiệm 3 năm. Văn kiện chính thức “Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc” đã được đăng trên trang Web của HĐGMVN và được phổ biến khắp nơi.

Kế tiếp là phần trình bày Thánh ca của hai ca sĩ Khánh Ngọc, Kim Ngân và Thanh Thảo 14 tuổi -một em trong Ca đoàn Thiếu nhi.

 

Vào lúc 10g30, ĐTGM Giuse đã đến gặp gỡ và ban huấn từ cho cộng đoàn. Mở đầu bài chia sẻ, ĐTGM Giuse nói vui: “Các ca viên là những người sung sướng nhất vì không sợ thất nghiệp.” Ngài tiếp tục: “Vấn đề thánh nhạc không phải như nhạc ngoài xã hội mà là Mục vụ Thánh nhạc. Mục vụ ca viên là mục vụ hát, là Thừa tác vụ ca hát. Thừa tác viên ca hát (TTV ca hát) cũng phải nghiêm túc cử hành Phụng vụ (PV). Hát tập thể hay một người cũng đang cử hành Phụng vụ, phải tham gia chủ động và tích cực. Để cử hành vai trò TTV ca hát, cần

  • Tinh thần đức tin, sống đức tin từ bên trong, có lòng yêu mến Chúa đích thật.
  • Trước khi ca hát trong PV nên có giờ chuẩn bị để hát lên tâm tình cầu nguyện hơn là kỹ thuật.
  • Giữ cho lời hát thánh thiêng, nhằm ưu tiên tôn vinh và thánh hóa cộng đoàn PV, không phô diễn tài năng cá nhân.
  • Âm thanh trong ca đoàn nên mở vừa phải, không chát chúa, để cộng đoàn gặp gỡ sự thanh cao thánh thiện. Bình an là đỉnh cao của âm nhạc, nên cố gắng nâng trình độ âm nhạc của dân Chúa lên.
  • Nhạc trẻ, tân thời có thể được sử dụng trong giới hạn, tùy từng bài (chẳng hạn 1, 2 bài trong lễ Giới trẻ)
  • Các ca viên hát trong tinh thần Giáo Hội hiệp hành, hiệp thông trong Giáo Hội.
  • Ca đoàn quan trọng nhưng không quan trọng nhất hay duy nhất, phải phát triển vừa phải, giữ sự hiệp thông hài hòa. Khi tham gia ca đoàn cũng giữ sự hài hòa với các Lm, các đoàn thể, các thừa tác khác trong giáo xứ.”
Để đúc kết, ĐTGM Giuse nhắn nhủ: “Qua thừa tác vụ, chúng ta hãy tiến lên trong đời sống đức tin và loan báo Tin Mừng (LBTM) cho anh chị em. Bài hát tốt gieo tin tưởng trong lòng người nghe và ăn sâu trong lòng người. Tiếp xúc, gặp gỡ anh chị em cũng là một cách LBTM. Cầu chúc cho anh chị em được đầy tràn Chúa Thánh Thần. Ngài ngự trong lòng chúng ta và tạo nên những cảm hứng thánh thiện để anh chị em thực hành trong PV.”

Nối tiếp, Lm Rôcô đã thay mặt các tham dự viên cảm ơn Đức Tổng đã ban huấn từ và xin ngài tiếp tục cầu nguyện cho mọi người. Sau đó, Lm Rôcô đã xin Đức Tổng ban phép lành kết thúc ngày hội.


 
 
Ngày hội kết thúc lúc 11g15 với phép lành của ĐTGM Giuse và bài hát “Bài Ca Hiệp Hành” 
 
 
 
 
 
Sau đó, các tham dự viên được chụp hình lưu niệm với ĐTGM Giuse.


Tóc Ngắn (TGPSG)

(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 15.5.2022


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM C

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 15.5.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon.
 

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 68: NHỮNG CON CHIÊN CỦA CHÚA


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 14.5.2022